Thứ Sáu, 9 tháng 2, 2018

Thứ sáu ngày 09 .02 .2018


 
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Marcô (Mc 7: 31 - 37)

31 Đức Giê-su lại bỏ vùng Tia, đi qua ngả Xi-đôn, đến biển hồ Ga-li-lê vào miền Thập Tỉnh.32 Người ta đem một người vừa điếc vừa ngọng đến với Đức Giê-su, và xin Người đặt tay trên anh.33 Người kéo riêng anh ta ra khỏi đám đông, đặt ngón tay vào lỗ tai anh, và nhổ nước miếng mà bôi vào lưỡi anh.34 Rồi Người ngước mắt lên trời, rên một tiếng và nói: "Ép-pha-tha", nghĩa là: hãy mở ra!35 Lập tức tai anh ta mở ra, lưỡi như hết bị buộc lại. Anh ta nói được rõ ràng.36 Đức Giê-su truyền bảo họ không được kể chuyện đó với ai cả. Nhưng Người càng truyền bảo họ, họ lại càng đồn ra.37Họ hết sức kinh ngạc, và nói: "Ông ấy làm việc gì cũng tốt đẹp cả: ông làm cho kẻ điếc nghe được, và kẻ câm nói được".

Suy niệm

Một người câm và điếc đã được Chúa Giêsu chữa lành. Chúa kéo riêng anh ta ra một nơi, thực hiện liên tục nhiều động tác: đặt ngón tay vào lỗ tai của anh, nhổ nước miếng, bôi vào lưỡi anh, ngước mắt lên trời, và phán: "Ephata! - Hãy mở ra!". Sau một chuỗi hành động của Chúa: "Lập tức tai anh ta mở ra, lưỡi như hết bị buộc lại. Anh nói được rõ ràng".

Câm và điếc là tật nguyền của lưỡi và tai. Lưỡi không thể nói và tai không thể nghe. Không nói được và không nghe được khiến cho người câm điếc không hiểu được thế giới chung quanh và thế giới chung quanh cũng bị ngăn cách với họ.  Đó là câm điếc thể lý. 

Nhưng đâu chỉ có điếc câm thể lý. Ở đời hình như vẫn tồn tại nhiều thứ điếc câm khác: Người ta trở nên câm điếc vì khác biệt ngôn ngữ, khác biệt văn hóa; câm điếc vì hiểu lầm, vì định kiến, câm điếc vì bịt tai không muốn nghe và ngậm môi vì giận dữ; câm điếc trước sự thật; giả câm giả điếc vì e ngại thiệt thân, mặc dù chứng kiến chân lý, quyền sống, quyền làm người của đồng loại bị chà đạp; câm điếc khi không nghe được những nỗi niềm ray rứt của người khác; câm điếc khi dửng dưng trước những đau khổ của những người bệnh hoạn, tật nguyền, của trẻ thơ bơ vơ, v.v.

Nhưng còn có một loại câm điếc khác lớn hơn, nguy hiểm hơn: câm điếc tâm linh. Ta không vâng nghe lời Chúa, không cố gắng sống lời Chúa; nặng hơn, ta bất chấp lời Chúa để sống tự do theo cách nghĩ, cách sống riêng tư của mình.

Câm điếc tâm linh còn là nguyên nhân khiến ta không dám mở miệng ngợi khen Chúa, không dám sống chứng tá cho danh Chúa. Câm điếc tâm linh khiến ta "đề kháng" mọi thứ nhạy cảm với lương tâm, cố tình phạm tội, ngoan cố ở lỳ trong tội.  

Nếu câm điếc thể lý đáng buồn và đáng sợ, thì câm điếc tâm linh còn đáng buồn và đáng sợ gấp bội. Bởi nó có thể dẫn ta đến sự xa cách Thiên Chúa đời đời, dẫn ta vào con đường của sự chết đời đời.

Hôm nay, Chúa Giêsu cũng đến và mời gọi ta: "Ephata - Hãy mở ra". Hãy mở tai ra để lắng nghe lời Chúa, lắng nghe lời anh em. Hãy phá đi bức tường định kiến, hãy phá đi bức tường ích kỷ, hãy phá đi bức tường tâm hồn cứng cỏi để mở rộng tâm hồn đón nhận anh em và đón nhận lời Chúa.

Hãy mở miệng lưỡi ra để đi đến với anh chị em và đi đến với Chúa. Hãy cắt đứt sợi dây ích kỷ để ta quan tâm tới nhu cầu của anh em. Hãy cắt đứt sợi dây sợ sệt để ta mạnh dạn nói những lời sự thật. Hãy cắt đứt sợi dây lười biếng để ta nói lên những lời tốt đẹp, những lời ca ngợi tình thương và ân sủng của Chúa.

Lạy Chúa, khi con không nghe được lời của Chúa, con là kẻ điếc; khi con không nói được về Chúa, không làm chứng được cho Chúa, con là người câm. Đó là một hình thức câm điếc tâm linh. Xin Chúa chữa trị cho con khỏi câm, khỏi điếc.  Xin cho tai và miệng con được mở ra, để con biết lắng nghe và hiểu lời Chúa, để cuộc đời con luôn là một lời tri ân và cảm tạ tình yêu và ân sủng của Chúa giữa thế giới hôm nay. Amen.

GKGĐ Giáo Phận Phú Cường

Trong cuộc sống hằng ngày, việc giao tiếp với người khác bằng miệng và bằng tai là điều bình thường, không thể không có, nhưng nếu bị câm hoặc bị điếc thì không thể giao tiếp một cách bình thường, mà thường thì câm và điếc lại đi đôi với nhau. Giao tiếp trong sinh hoạt hằng ngày thì có nói và có nghe, nói là để người khác có thể hiểu được mình muốn gì, và nghe để mình có thể hiểu được người khác muốn gì, nhưng nếu khả năng nghe nói không còn, hoặc không có thì phải qua ngôn ngữ cử chỉ. 

Lưỡi và tai là hai cơ quan quan trọng của con người. Câm là bị trói buộc không nói được gì. Điếc không thể nghe được bất cứ điều gì. Người câm và điếc hầu như không hiểu ai mà cũng không ai có thể hiểu họ. Hai cơ quan lưỡi và tai quả thực là hai cơ năng rất cần thiết cho con người. Người câm không thể nói, nên cũng không thể diễn tả được những gì tốt đẹp. Còn người điếc không nghe được gì nên cũng chẳng hiểu người khác. Do đó, người vừa câm và vừa điếc mất đi sự hưng phấn và sinh động của cuộc đời. Người bị câm điếc như bị tách ra khỏi xã hội loài người.

Đây là sự đau khổ lớn lao của người câm điếc. Chúa Giêsu hiểu thấu nỗi lòng của người câm điếc, Ngài chạnh lòng thương người câm điếc, nên hôm nay, Chúa Giêsu chữa lành người câm điếc. Tin Mừng ghi rõ:” Người kéo riêng anh ta ra khỏi đám đông, đặt ngón tay vào lỗ tai anh và nhổ nước miếng mà bôi vào lưỡi anh. Rồi Người nguớc mắt lên trời, rên một tiếng mà nói: “ Épphatha”, nghĩa là: hãy mở ra ! Lập tức tai anh ta mở ra, lưỡi như hết bị buộc lại “ ( Mac 7, 33-35 ).

Trang Tin Mừng hôm nay thuật lại việc Chúa Giêsu chữa lành cho một người bị câm điếc về thể lý. Anh ta không thể giãi bày mà phải nhờ đến người thân trợ giúp anh, Người đã đặt tay trên anh và “ngước mắt lên trời, rên một tiếng và nói: "Ephata", nghĩa là: hãy mở ra ! Lập tức tai anh ta mở ra, lưỡi như hết bị buộc lại. Anh ta nói được rõ ràng.”

Chúa Giêsu đã  “hãy  mở ra” với anh điếc câm, chính là Chúa muốn đưa anh từ một trạng thái bất toàn đi đến một sự hoàn hảo. Sứ vụ của Chúa khi đến thế gian là loan báo và chữa lành. chính Chúa cũng muốn khi được chữa lành, chúng ta phải là những người nói về Thiên Chúa. Nhưng thử hỏi có bao nhiêu người trong chúng ta nói về Thiên Chúa như  lòng Chúa mong muốn ?

Trong cử hành bí tích rửa tội trẻ em, có lời nguyện hãy mở ra như nhắc nhớ sự chữa lành của Chúa đã có ngay từ ban đầu và kêu mời chúng ta hãy ca tụng Thiên Chúa, nói về Ngài ngay từ tấm bé chứ không phải chỉ có lúc lớn khôn. Nhưng không hiểu sao lớn lên chúng ta dễ bị khiếm thính và câm lặng !? Nếu chẳng may có dấu hiệu khiếm thính,  hãy cầu xin Chúa chữa ngay kẻo trở nên mạn tính sẽ phải chìm đắm suốt đời trong im lặng.

Chúa Giêsu đã hoàn tất lời tiên báo từ thời Cựu Ước về một Đấng sẽ đến giải thoát con người khỏi những trói buộc của bệnh tật, và mang lại sự sung túc cho con người trên mặt đất như lời tiên tri Isaia đã tiên báo. Khi dân Do thái đang sống trong kiếp lưu đày khổ sở. Bằng những hình ảnh rất cụ thể: “Bấy giờ mắt người mù sẽ sáng lên, và tai người điếc sẽ mở ra. Bấy giờ người què sẽ nhảy nhót như nai, và người câm sẽ nói được, vì nước sẽ chảy lên nơi hoang địa, và suối nước sẽ chảy nơi đồng vắng. Đất khô cạn sẽ trở thành ao hồ, và hoang địa sẽ trở nên suối nước.” (Is 35, 4-7a)

Phép lạ của Chúa Giêsu làm cho người vừa câm vừa điếc được lành cũng có nghĩa Chúa Giêsu đưa họ lại đời sống bình thường, trả lại cho họ địa vị làm con Chúa, địa vị làm người như mọi người. Phép lạ này gợi lại cho ta về cuộc tạo dựng, sự tái tạo mới. Việc tạo dựng như sách khởi nguyên chương I và 2 đã mô tả rằng Chúa tạo dựng con người đầu tiên là Adam theo hình ảnh của Người. 

Việc Chúa Giêsu làm trong Phúc âm hôm nay là việc hoàn thành lời ngôn sứ Isaia tiên báo là Ðấng Thiên sai sẽ đến làm cho người điếc được nghe (Is 35, 5) và người câm được nói (Is 35, 6). Hai việc này cũng được dân chúng trong Phúc âm hôm nay chứng kiến khi họ nói: Ông làm cho kẻ điếc nghe được và kẻ câm nói được (Mc 7, 37).

Để có thể “mở lưỡi mở tai” cho anh điếc ngọng này, Chúa Giêsu đã phải khổ công chừng nào. Qua những cử chỉ ân cần tế nhị, Chúa bày tỏ tấm lòng thương xót, luôn sẵn sàng phục vụ của Ngài : kéo riêng một mình anh ta ra khỏi đám đông náo động, tra ngón tay vào tai điếc, nhổ nước miếng, bôi vào lưỡi câm, nhìn lên trời, rên lên với Chúa Cha một lời van xin thống thiết: “Éphata! Hãy mở ra!” Và người ấy nghe được, nói được.

Điếc, què và câm là tình trạng khốn khổ của con người bị tước mất những khả năng tự nhiên; nghe, đi và nói là tình trạng được ơn Chúa phục hồi. Việc Đức Giêsu chữa cho một người câm điếc hôm nay không chỉ có ý nghĩa với người đó, mà còn có ý nghĩa đối với mỗi người trong chúng ta nữa. Trong chúng ta, nhiều người có đôi tai tốt nhưng không biết lắng nghe, nhiều người có miệng lưỡi tốt nhưng không biết nói những điều đáng nói. Nghe được mọi chuyện nhưng lại không nghe được Lời Chúa thì cũng kể như điếc. Nói đủ thứ chuyện nhưng không biết tuyên xưng lòng nhân lành của Chúa thì cũng kể như câm.

Khi Đức Giêsu nói “hãy mở ra”, tai anh ta mở ra lập tức và “anh ta nói được rõ ràng”. Đức Giêsu nói ra và điều ấy xảy ra. Hôm nay Đức Giêsu cũng nói Lời Người trên chúng ta, “Hãy mở ra!”. Với đôi tai đã được mở ra, chúng ta không những lãnh nhận lời Người, mà lòng chúng ta cũng được mở ra để đón lấy nữa. Nghe Lời Chúa sẽ biến đổi chúng ta.

“Hãy mở ra!”. Những lời này mở chúng ta ra với lòng nhân từ của Thiên Chúa. Những lời đó cũng mở ra cho chúng ta thấy Thiên Chúa đang ở trong chúng ta, từng ngày, trong các liên hệ giữa chúng ta và các loài thọ tạo. Đó chẳng phải là một bí nhiệm sao: một người trông thấy và nghe được Thiên Chúa trong những biến cố nhỏ bé, thậm chí không đáng kể thuộc đời sống hằng ngày? 

Phép lạ Chúa Giêsu chữa cho anh câm điếc hôm nay không chỉ là việc chữa lành thân xác, mà còn là dấu chỉ của một thực tại cao sâu hơn : sự sống đích thực mà Chúa muốn mang lại cho con người.

Khi đem lại khả năng nói và nghe cho người câm điếc, chúa Giêsu còn muốn gửi cho chúng ta một thông điệp sâu xa hơn: con người không chỉ sống nhờ cơm bánh mà còn do lời Thiên Chúa. Con người chỉ có thể sống đích thực là con cái Chúa khi họ biết mở tâm hồn đón nhận và sống lời của Chúa.

Hôm nay ta cầu xin Chúa cho ta biết sống trong tâm tình biết ơn: biết ơn Chúa cho ta có thể nói được với nhau và nói được với Chúa trong lời cầu nguyện và thờ phượng, biết ơn Chúa vì ta có thể nghe được người khác, cũng như nghe được lời Chúa khi có người tuyên xưng.

Trong thánh lễ ta lắng nghe lời Chúa trong Thánh kinh và trong bài giảng, và cả trong thánh ca và thánh nhạc.. Lời Chúa không phải là tiếng nói một chiều, nhưng bao hàm việc đáp trả. Nghe lời Chúa rồi ta cầu xin cho được biết đáp trả bằng cách loan truyền lời Chúa, bằng việc thờ phượng và cầu nguyện, bằng đời sống đức tin.


Huệ Minh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét