Thứ Hai, 28 tháng 5, 2018

Khiêm nhường là gì


Thứ Hai, 28 tháng 5, 2018


Sir.3, 17-18.20.28-29; Dt.12, 18-19.22-24; Lc.14, 1.7-14

Ai cũng thích được trọng vọng.
Ai sống khiêm nhường, sẽ được yêu thương và hạnh phúc.
Khiêm nhường là chấp nhận sự thật về chính mình

Có một số người tưởng rằng, khiêm nhường là phải nhận mình là dở nhất hoặc mình chẳng có gì hay. Vì quan niệm như vậy, nên có người thấy mình có điều hay, cũng không dám nhận và còn p
hủ nhận điều đó. Thật sự, khiêm nhường là chấp nhận sự thật về chính mình. Điều rất căn bản mà những người khiêm nhường xác tín: “tất cả những gì mình có hoặc hay hơn người khác, là ơn Chúa ban, chứ tự mình thì không chứng mình còn tệ hơn cả những người tệ nhất”.

Khiêm nhường là chấp nhận mình như “mình là”. Chấp nhận điều hay mình có, để tạ ơn Chúa. Chấp nhận điều dở như mình là, để “khiêm nhường”, không buồn phiền, không dằn vặt, không oán trách hay càm ràm con người hay Thiên Chúa. Nếu mình có gì hay, và cũng có thể hay hơn người khác, hãy “khiêm tốn” nhận thực rằng, nhờ ơn Chúa mà mình có được điều đó. Nếu nhờ ơn Chúa mà mình hay hơn người khác, vậy thì tại sao mình lại hành xử như thể do tự mình mà mình có điều đó? Nếu nhờ ơn Chúa mà mình có điều đó, thì đâu có gì để vênh vang tự hào!

Hay không kiêu, dở không thất vọng! Đó là thái độ của người khiêm nhường. Nhận thấy mình hay, hoặc được người khác khen mình, hãy tạ ơn Chúa. Trong trường hợp này, Chúa được tôn vinh. Con người nhận ra hồng ân Thiên Chúa ban cho họ. Người khiêm nhường có thể sống với mọi người

“Càng khiêm nhường, càng trở nên tuyệt, và càng đẹp lòng Thiên Chúa”. Một người khiêm nhường, là người “đẹp”. Họ không khinh người kém hơn họ, hơn nữa, họ luôn kính trọng người khác, và coi mình cũng như tất cả mọi người, nếu họ có gì hay, đó là do được ban cho, chứ tự họ, họ cho rằng họ cũng bình thường và không chừng còn dở hơn mọi người.

Người khiêm nhường, là người đề cao Thiên Chúa trong đời sống. Những người kiêu ngạo, thường cho mình hơn người khác, đòi người khác đối xử với mình cách đặc biệt như mình muốn. Hình ảnh của người đi dự tiệc muốn ngồi chỗ nhất trong dụ ngôn Đức Giêsu nói trong Tin Mừng là một thí dụ. Người không khiêm nhường, dễ làm cho người khác khó chịu, đặc biệt những người “kiêu ngạo” như họ. Họ đòi ngồi chỗ nhất, đòi người khác phải chào hỏi, đòi người khác phải xưng hô với họ thế này thế kia.

Người khiêm nhường, không ước vọng quá sức mình. Chấp nhận mình như mình là, chấp nhận mình như Chúa muốn vậy, và an bình trong cuộc sống của họ. Nói như vậy, không có nghĩa là những người “khiêm nhường” này không phấn đấu hoặc không cố gắng. Một khi họ đã cố gắng hết sức, họ chấp nhận kết quả một cách an bình. “Không tìm điều ngoài sức mình”.
Ước gì mọi ki-tô hữu đều giống Thầy Chí Thánh, khiêm tốn và yêu thương đối với mọi người.

Thứ ba ngày 29.05.2018

BÀI ĐỌC I: 1 Pr 1, 10-16
Trích thư thứ nhất của Thánh Phêrô Tông đồ.
Anh em thân mến, chính ơn cứu rỗi này mà các tiên tri đã nghiên cứu và tìm hiểu, khi các ngài tiên báo về ân sủng dành cho anh em: các ngài đã tìm xem coi trong thời gian nào hoặc hoàn cảnh nào, Thần Trí của Đức Kitô chỉ cho các ngài biết: phải tiên báo những khổ nạn và những vinh quang kế tiếp dành cho Đức Kitô. Các ngài được mạc khải cho biết rằng các ngài không phải phục vụ chính mình, mà là cho anh em trong những gì đã được loan truyền cho anh em hiện nay, do những kẻ rao giảng Tin Mừng với sự trợ giúp của Thánh Thần từ trời được sai xuống, Đấng mà các thiên thần cũng ước ao nghiêng mình chiêm bái.
Vì thế, lòng trí anh em hãy tỉnh thức, hãy sống tiết độ, và hoàn toàn hy vọng vào ân sủng sẽ ban cho anh em, trong sự mạc khải Đức Giêsu Kitô. Anh em hãy sống như những người con biết vâng phục, đừng chạy theo những đam mê lúc trước là thời kỳ anh em còn mê muội; một hãy noi gương Đấng Thánh đã kêu gọi anh em; và chính anh em hãy ăn ở thánh thiện trong đời sống, †vì có lời Kinh Thánh chép: “Hãy sống thánh thiện, vì Ta là Đấng Thánh”. Đó là lời Chúa.
 Tv 97, 1. 2-3ab. 3c-4     Đáp: Chúa đã công bố ơn cứu độ của Người (c. 2a).

               
               PHÚC ÂM: Mc 10, 28-31
- Khi ấy, Phêrô thưa cùng Chúa Giêsu rằng: “Đây chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy?” Chúa Giêsu trả lời rằng: “Thầy bảo thật các con, chẳng ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái, đồng ruộng vì Thầy và vì Phúc Âm, mà ngay bây giờ lại không được gấp trăm ở đời này về nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái và ruộng nương cùng với sự bắt bớ, và ở đời sau được sự sống vĩnh cửu. Nhưng có nhiều kẻ trước nhất sẽ nên rốt hết, và những kẻ rốt hết sẽ nên trước nhất”. Đó là lời Chúa
(thanhlinh.net)

ÐỈNH CAO.
Ðỉnh Everest cao nhất thế giới của dãy Hy Mã Lạp Sơn như có một ma lực hấp dẫn những người leo núi thiện nghệ. Ai đã vướng vào môn thể thao leo núi xem đó như là một giấc mơ, nếu ngày nào đó họ đặt được chân trên đỉnh núi cao 8,880 thước, quanh năm phủ tuyết này, nhưng chỉ có một số ít người thực hiện được giấc mộng ấy và rất nhiều người đã bỏ mình dọc theo con đường lên đỉnh.
Trên những con đường ấy, người ta thấy hai bia mộ ghi những dòng chữ sau đây: bia thứ nhất đề “Họ thấy được lần cuối cùng trong lúc gắng sức leo lên”. Và bia thứ hai tưởng niệm một huấn đạo viên chỉ viết vỏn vẹn một câu “Ông ta chết trong lúc đang leo”.
Nếu đời sống là một cuộc tranh đấu không ngừng thì để sống đạo và hành đạo cũng thế. Ðiều quan trọng không phải là thành công hay thất bại, mà là chỗi dậy và tiến bước. Phải gọi là thẳng tiến thì đúng hơn, vì câu tâm niệm của các Kitô hữu phải là: “ngày hôm nay tốt hơn ngày hôm qua, nhưng kém hơn ngày mai”.
Bí quyết thành công thứ hai là không bao giờ chúng ta nên đi trên con đường nên thánh một mình, hãy noi gương những người đi trước, những thánh nhân và hãy cùng nhau tiến bước. Và nhất là hãy đi vào những vết chân Chúa Giêsu đã để lại.
(Lẽ Sống)
Suy niệm: Các môn đệ đi theo Đức Ki-tô đã khá lâu, càng ngày càng thấy lộ diện những khổ nạn và thập giá, mà vinh quang cùng lợi lộc mà các ông mong mỏi vẫn chưa thấy đâu; Phê-rô thay mặt anh em thắc mắc liệu họ sẽ được gì. Chúa Giê-su xác quyết rằng họ sẽ được gấp trăm so với những gì đã từ bỏ. Thế nhưng, Chúa muốn họ đừng ảo tưởng. Trái lại Ngài cho biết trước tiên  họ sẽ nhận được sự ngược đãi rồi mới đạt được sự sống vĩnh cửu ở đời sau.
Mời Bạn: Con người hôm nay với não trạng thực dụng, họ “thương mại hóa” cả nhưng việc thiêng liêng linh thánh: Con hy sinh điều này, làm việc đạo đức nọ, đổi lại Chúa phải bù cho con cái kia ngay lúc này, chứ chờ đến mai sau thì lâu quá! Bạn nhớ phép tính cộng ở tựa đề bài suy niệm hôm nay: từ bỏ + bị ngược đãi = sự sống đời đời mà thánh hóa bản thân và gia đình mình để chúng ta không đánh mất phần thưởng Chúa đã dành sẵn cho chúng ta.......Tâm trạng của bạn thế nào khi bạn phải từ bỏ một điều gì đó để sống theo thánh ý Chúa?     --- Lời Chúa: Những “ngược đãi” bạn gặp trong cuộc đời này là gì? Bạn đón nhận chúng theo tinh thần của Chúa Ki-tô chịu đóng đinh để bạn xứng đáng nhận sự sống vĩnh cửu mai ngày.    ----Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã đón nhận sự ngược đãi đến nỗi chết trên thánh giá để cứu nhân loại. Xin cho chúng con biết bắt chước Chúa để cùng được phục sinh với Ngài. Amen.                      (5 Phút Lời Chúa)


TỪ BỎ THẬT SỰ



Tin Mừng Mc 10: 28-31


Mục tiêu của cuộc hành trình càng xa thì hành trang càng cần phải gọn gàng, nhẹ nhàng, chỉ bao gồm những gì thật thiết yếu. Hơn nữa, cũng cần phải lường trước những khó khăn, sự cố có thể gặp phải trên đường. Tất cả những cái giá phải trả ấy dù có đắt đỏ nhưng người ta vẫn sẵn sàng chấp nhận lên đường, nếu mục tiêu nhắm tới thực sự có giá trị vượt trội so với vốn liếng đã đầu tư, cũng như những rủi ro, thiệt hại phải gánh chịu. Phê-rô hẳn đang cân nhắc điều đó khi đặt vấn đề với Đức Kitô: “Thầy coi, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy!” Đáp lại, Chúa Giê-su cho Phêrô biết dù có phải chịu ngược đãi bách hại, nhưng các môn đệ Chúa sẽ “được gấp trăm” ngay ở đời này. Hơn nữa, tất cả những điều đó chẳng thấm vào đâu so với sự sống vĩnh cửu mà họ sẽ đạt được ở đời sau.

Con người trong cách cư xử thường có những tính toán “hòn đất ném đi, hòn chì ném lại”, hay nói theo những Nhà Xã Hội Học là “động cơ” để làm một việc gì đó. Động cơ có thể cho bản thân, cho gia đình, cho một ai đó, ít hay nhiều, vật chất hay tinh thần, hiện tại hay tương lai, đời này hay đời sau…Vì thế, không lạ gì, khi Thánh Phêrô đã rất chân thành và búc xúc thưa với Chúa rằng “chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy…chúng con sẽ được gì…?” Xem ra vấn đề thiết thực đặt ra của Thánh Phêrô cũng là vấn nạn của không ít người bước theo Chúa Giêsu. Một cách thẳng ruột ngựa hay một cách khéo léo tế nhị hơn, nhiều người môn đệ của Chúa Giêsu cũng đã so đo tính toán với Chúa như thế.

Chúa không hề đòi điều bất khả thi. Thế nên Ngài mời gọi mỗi người chúng ta cùng đi trên đường của Ngài. Sự từ bỏ lớn lao nhất đối với mọi người là tất cả chúng ta được mời gọi để yêu Ngài trên hết mọi sự. Nghĩ đến sự đau khổ và thập giá Đức Kitô, chúng ta nài xin Thánh Thần ban cho ta tình yêu đã nâng Chúa Giêsu lên thập giá và hoàn tất hy lễ. Hãy cầu xin cho được sẵn sàng trung thành theo Chúa cho đến cùng.

Là người Kitô hữu, dù lớn hay bé, chúng ta đều được mời gọi đi theo Đức Kitô, sống và làm chứng cho Tin Mừng của Ngài trong đời sống hằng ngày, với ơn gọi Chúa ban cho mỗi người chúng ta. Và để đi theo Đức Kitô, sống và làm chứng cho Tin Mừng của Ngài, chúng ta được mời gọi từ bỏ; và những gì chúng ta được mời gọi từ bỏ lại những điều và những người rất thiết thân với chúng ta, như chính Chúa Giêsu nói trong bài Tin Mừng: nhà cửa, anh em, chị em, người cha, người mẹ, con cái và ruộng đất.

Như hai mặt của cuộc sống, Chúa Giêsu thẳng thắn không úp mở, và rõ ràng khẳng định  cho các môn đệ hay những người đi theo Chúa là họ sẽ đương đầu với một thực tế của sự từ bỏ và bước theo Chúa là: sự bách bớ, chống đối, ngược đãi, vác thập giá…đồng thời những người dám từ bỏ theo Chúa sẽ có cảm nghiệm thực thế sự từ bỏ của họ không thể sánh bằng những gì họ được lại: “gấp trăm” ngay ở đời này. Chắc chắn đây không phải là số lượng đếm được…mà là một cảm nhận của sự được trao ban, sự cảm nhận của việc được bù đắp và tình thương an bài lo liệu của Cha trong mọi sự. Sự sắp xếp và lo liệu của Cha nhiều khi còn quá sự suy nghĩ và mong ước hay cầu xin của mỗi người.

Có lẽ những người bước theo Chúa đều có cảm nghiệm sâu sắc về chân lý mà Chúa Giêsu đã kinh qua này. Một khi họ từ bỏ gia đình bé nhỏ, và môi trường hạn hẹp của họ…để theo Chúa Giêsu, họ có gia một gia đình lớn hơn, đông anh chị em hơn trong cùng một đức tin là cùng một Cha. Bất cứ nơi đâu họ phục vụ, nơi đó là nhà và là những anh chị em của họ. Cảm nhận về thế giới quan được mở ra, không hạn hẹp trong “cái tôi” mà là cái của “chúng ta”.

“Từ bỏ” Chúa nói ở đây có nghĩa là gì? Dứt bỏ theo Chúa Giêsu, hay nói đúng hơn, dứt bỏ trong Chúa,  những người thân yêu, chính là để nhận lại như một quà tặng Thiên Chúa ban; và Chúa hứa là chúng ta sẽ nhận lại gấp trăm. Vì thế, từ bỏ mà Chúa đòi hỏi, là từ bỏ quyền làm chủ người này trên người kia. Nếu không từ bỏ hiểu như trên, chúng ta sẽ coi những người thân yêu và những gì gắn liền với những người thân yêu, là của riêng mình, và tự coi mình là chủ có quyền định đoạt theo ý riêng. Kinh nghiệm cho thấy, làm như thế chúng ta sẽ đánh mất nhau, đánh mất chính mình và đánh mất tất cả.

Nếu tính toán theo kiểu “cân-đong-đo-đếm,” thì quả thật để làm môn đệ Chúa, chúng ta  phải bỏ rất nhiều: bỏ thời giờ để cầu nguyện; bỏ công sức, tiền của để làm việc bác ái; bỏ ý riêng để sống đức vâng lời; bỏ nhiều món lợi rất dễ ‘ăn’ để thực thi công bình… Kẻ dâng mình cho Chúa trong đời sống tu trì phải từ bỏ hạnh phúc lứa đôi; người cam kết trong bậc gia đình cũng phải từ bỏ ý riêng ích kỷ để lo cho gia đình… Nhiều khi chúng ta không bỏ nổi, hoặc vừa bỏ vừa tiếc, là vì chúng ta vẫn còn theo cách tính toán của thế gian: ‘Thầy coi’ tôi bỏ như vậy rồi thì tôi được cái gì? Chúng ta làm như thể Chúa phải “bồi thường thoả đáng” cho chúng ta đã, rồi chúng ta mới bỏ mọi sự mà theo Chúa vậy!

Với mỗi người muốn theo Ngài, Chúa Giêsu khuyên nên kiên trì để đạt cho được mục đích tối hậu là Nước Trời. Còn chúng ta, mỗi người môn đệ của Ngài đáng giá bao nhiêu? Ta có biết rằng cuộc hành trình của Ngài dẫn đến Giêrusalem, đến Golgôtha chăng? Ta có chắc sẽ đồng hành với Ngài cho đến cùng không?

Chúa Giêsu đưa ra những điều kiện gay go để theo Ngài: sẵn sàng từ bỏ gia đình, bạn hữu, địa vị, và cả mạng sống. Từ bỏ hết mọi của cải riêng tư: ‘Ai trong anh em không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ tôi được’ (Lc 14,33). Một điều chắc chắn: đi theo Chúa hoàn toàn, trung thành với Ngài thì chúng ta sẽ được cứu độ.

Trong hành trình bỏ mọi sự để đi theo Chúa Giêsu, mình đã thực sự nhận lại nhà, đất, anh em, chị em, mẹ, con cái gấp trăm. Bởi lẽ, quả thật chúng ta có nhiều nhà, nếu không muốn nói ở đâu cũng là nhà; và ai cũng là người thân của chúng ta, khởi đi từ những anh em cùng chia sẻ một đức tin và nhất là cùng một ơn gọi. Gấp trăm xảy ra được, bởi vì chúng ta vượt qua tương quan huyết thống và sở hữu, để đi vào tương quan Nước Trời là hiệp thông và chia sẻ.

Huệ Minh

Chủ Nhật, 27 tháng 5, 2018

Thứ hai ngày 28.05.2018



Tin Mừng Chúa Giê-su Kitô theo Thánh Mac-cô (Mc 10: 17-27)

17 Đức Giê-su vừa lên đường, thì có một người chạy đến, quỳ xuống trước mặt Người và hỏi: "Thưa Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp? "18 Đức Giê-su đáp: "Sao anh nói tôi là nhân lành? Không có ai nhân lành cả, trừ một mình Thiên Chúa.19 Hẳn anh biết các điều răn: Chớ giết người, chớ ngoại tình, chớ trộm cắp, chớ làm chứng gian, chớ làm hại ai, hãy thờ cha kính mẹ."20 Anh ta nói: "Thưa Thầy, tất cả những điều đó, tôi đã tuân giữ từ thuở nhỏ."21 Đức Giê-su đưa mắt nhìn anh ta và đem lòng yêu mến. Người bảo anh ta: "Anh chỉ thiếu có một điều, là hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi."22 Nghe lời đó, anh ta sa sầm nét mặt và buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải.23 Đức Giê-su rảo mắt nhìn chung quanh, rồi nói với các môn đệ: "Những người có của thì khó vào Nước Thiên Chúa biết bao! "24 Nghe Người nói thế, các môn đệ sững sờ. Nhưng Người lại tiếp: "Các con ơi, vào được Nước Thiên Chúa thật khó biết bao!25 Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa."26 Các ông lại càng sửng sốt hơn nữa và nói với nhau: "Thế thì ai có thể được cứu? "27 Đức Giê-su nhìn thẳng vào các ông và nói: "Đối với loài người thì không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa thì không phải thế, vì đối với Thiên Chúa mọi sự đều có thể được."

SUY NIỆM


Hạnh thánh Antôn viện phụ kể rằng, Antôn sinh năm 251, trong một gia đình rất giàu có. Năm lên 18 tuổi, cha mẹ Antôn đều qua đời, để lại cho cậu và người em gái một tài sản lớn vô kể. Một hôm, cậu đến nhà thờ và nghe lời Chúa dạy người thanh niên trong Tin Mừng: “Hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời, rồi hãy đến theo tôi” (Mc 10, 21). Antôn nghĩ lời đó Chúa nói với mình, nên về bán hết gia tài, chia cho người nghèo, chỉ để lại chút ít cho người em gái. Sau khi nhờ các nữ tu coi sóc em gái, Antôn từ bỏ mọi sự, vào sa mạc ăn chay, hãm mình, cầu nguyện, làm việc cực nhọc hằng ngày để sinh sống. Gương sống đạo đức của thánh Antôn ngày càng lan tỏa. Nhiều người đạo đức đến xin làm môn đệ của ngài. Từ đó, phong trào ẩn tu do thánh Antôn khởi xướng bằng chính đời sống nhiệm nhặt phát triển mạnh mẽ. Ngài trở thành ông tổ và viện phụ của phong trào ẩn tu. Thánh Antôn đã thực sự tìm thấy hạnh phúc, niềm vui mừng trong lối sống trút bỏ hoàn toàn sự giàu sang, tiền của, hưởng thụ, danh vọng, quyền thế… để trở thành “người bạn của Chúa” như nhiều người yêu mến dâng tặng thánh nhân tước hiệu ấy. 

Khác hoàn toàn với người thanh niên trong Tin Mừng hôm nay. Cùng một lời mời gọi: “Hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời, rồi hãy đến theo tôi”, người thanh niên trong Tin Mừng may mắn hơn thánh Antôn, vì được Chúa trực tiếp ngỏ lời với mình. Nhưng anh đã không đón nhận hạnh phúc của sự may mắn ấy do lòng anh trĩu nặng những chất chứa toàn của cải vật chất. Anh sa sầm nét mặt, buồn rầu bỏ đi sau khi được Chúa mời gọi. Bỏ đi như thế, anh đã từ bỏ hạnh phúc đời đời để chọn tiền của thế gian. Đúng hơn, anh trở thành kẻ dại khờ, khi loại trừ sự sống vĩnh cửu, để chọn cái chết đời đời ngay khi còn sống, bởi chính lòng đam mê của cải tặng cho anh cái chết ấy.  

Vậy mà hơn ba thế kỷ sau, lời mời gọi của Chúa dành cho một thanh niên cùng thời với Chúa, lại có sức mạnh biến đổi hoàn toàn cuộc đời của một người thanh niên khác. 18 tuổi, những tưởng người ta chỉ có thể vui chơi, chỉ có thể là lứa tuổi của háu thắng, của toan tính cho tương lai trần thế… Nào ngờ, 18 tuổi, thánh Antôn đã có thể trở nên người bạn nghèo của Chúa. Một khi trở nên người nghèo của Chúa, Antôn làm giàu chính Chúa, làm giàu chính tình yêu của Chúa, làm giàu đời sống tâm linh, làm giàu đức tin, làm giàu sự thánh thiện cho mọi người, cho chính chúng ta hôm nay khi lắng nghe lời Chúa và nhìn ngắm sự từ bỏ của thánh Antôn mà học đòi bắt chước.
Hóa ra của cải không là tội, chỉ là nguy hiểm. Bởi có của, người ta có nguy cơ dính bén trần thế. Vì thế, để thoát nguy, người ta phải biết từ bỏ để sống nghèo. Chỉ trong cái nghèo, người ta mới dễ hướng về Chúa. Gương thánh Antôn viện phụ là bài học cần thiết cho tất cả những ai chuộng giàu, khinh bần. Gương đó dạy ta hãy sống nghèo để có Chúa, có hạnh phúc hôm nay và vĩnh cửu, có cả anh chị em quanh mình!

Lạy Chúa, xin giải phóng chúng con khỏi những mê muội trần thế, để chúng con sống giá trị tốt đẹp của Tin Mừng là phụng sự Chúa và sống với anh chị em. Xin giúp chúng con mặc lấy tự do của con cái Chúa nhờ biết từ bỏ và siêu thoát. Vì chỉ có từ bỏ và siêu thoát, chúng con mới thực sự tự do. Amen.             ...... 
GKGĐ Giáo Phận Phú Cường




KHÔN NGOAN VÀ KHÔN DẠI!



Tin Mừng Mc 10: 17-27
Trong một dịp nói chuyện với các tu sĩ, một linh mục lớn tuổi được đề nghị chia sẻ về kinh nghiệm cầu nguyện của chính ngài. Lúc đầu ngài không muốn vì e rằng rơi vào tình trạng khoe khoang, nhưng sau khi mọi người thuyết phục trong tinh thần đạo đức, ngài đã nhận lời. Ngài chia sẻ rất nhiều ý tưởng, nhưng điều đáng chú ý nhất, ngoài lời cầu nguyện cho mọi người, ngài dâng lời cầu nguyện cho chính mình. Ngài nói: “Tôi thường xin Chúa cho tôi được ơn khôn ngoan, yêu mến Lời Chúa, can đảm đón nhận đau khổ, trung thành với ơn gọi và được chết lành đang lúc có ơn nghĩa với Chúa”.

Thật vậy, người khôn ngoan theo lối hiểu của Kinh Thánh chính là khám phá ra ý nghĩa của cuộc đời, biết đặt cuộc đời mình trong thánh ý của Thiên Chúa chứ không phải tiền bạc, danh vọng và lợi thú... Biết tìm đến với kho tàng vĩnh cửu, chứ không bám víu và phụ thuộc vào những thứ mau qua, chóng hết ở đời.

Hôm nay, có một chàng thanh niên tốt lành đến để gặp Đức Giêsu nhằm xin Ngài chỉ cho con đường dẫn đến hạnh phúc. Thấy thế, Đức Giêsu đã đem lòng yêu mến và mời gọi anh đi theo mình trên con đường mà chính Ngài đang đi. Tuy nhiên, khi buộc phải để lại mọi sự cho người nghèo thì anh đã không dám và từ từ rút lui!

Như vậy, ơn cứu độ đã đến được với anh thanh niên này, nhưng anh đã để mất bởi sự tham lam, ích kỷ của mình. Anh ta đã coi tiền bạc, của cải là số một trong cuộc đời của anh, nên chính Chúa cũng không còn chỗ đứng nơi tâm hồn người thanh niên đáng thương này thì làm sao ơn cứu độ có thể đến được!

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy biết đặt bậc thang giá trị, và biết lựa chọn đúng để được hạnh phúc đời đời. Hãy cẩn trọng với vấn đề tiền bạc vì tiền bạc có thể sẽ là rào cản lớn chắn đường về trời nếu nó trở thành ông chủ.

Nếu bao lâu chúng ta vẫn còn chạy đua với đồng tiền, bất chấp mọi thủ đoạn để chiếm lĩnh, hay sống ích kỷ, dửng dưng với người nghèo khổ, thì bấy lâu lời mời gọi đánh đổi kho báu Nước Trời sẽ là lời mời gọi xa lạ với chúng ta.

Như thế, lẽ đương nhiên, chúng ta đánh mất kho tàng đích thực và trở thành người dại trước mặt Thiên Chúa vì: “Lợi lãi cả thế giới mà mất linh hồn thì còn ích gì?”.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết tìm đến với Chúa, vâng nghe và thực hành Lời Chúa, bởi Chúa chính là nguồn mạch khôn ngoan. Amen.

Jos. Vinc. Ngọc Biển

Thứ Bảy, 26 tháng 5, 2018

CHÚA NHẬT NGÀY 27.05.2018.

BA NGÔI THIÊN CHÚA TRONG ĐỜI SỐNG KITÔ HỮU 



Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Matthêu (Mt 28: 16-20)

16 Mười một môn đệ đi tới miền Ga-li-lê, đến ngọn núi Đức Giê-su đã truyền cho các ông đến.17 Khi thấy Người, các ông bái lạy, nhưng có mấy ông lại hoài nghi.18 Đức Giê-su đến gần, nói với các ông: "Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất.19 Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần,20 dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế".

SUY NIỆM

Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi như bầu trời mênh mông, trí tuệ con người như một cánh chim trong mênh mông ấy. Cánh chim không thể che phủ bầu trời. Nếu muốn che phủ bầu trời, cánh chim phải lớn bằng bầu trời. Điều này không thể tưởng tượng. Cũng vậy, Ba Ngôi là huyền nhiệm lớn. Mầu nhiệm Ba Ngôi thật khó hiểu. Trí tuệ con người chỉ như cánh chim nhỏ bé, không thể hiểu tường tận. Muốn hiểu Chúa Ba Ngôi tường tận, trí tuệ phải bằng Chúa. Điều này không thể tưởng tượng.

Vì thế, đi tìm câu trả lời cho huyền nhiệm về Ba Ngôi, con người thực hiện một cố gắng vô ích, vượt trên sức hiểu biết của mình. Điều hay nhất, bổ ích nhất, cần thiết nhất ta phải thực hành ngay, không phải là khám phá tới cùng mầu nhiệm Ba Ngôi, nhưng hãy quay về chính mình, nhận ra thân phận bé nhỏ của mình để sống sao cho xứng đáng với tình yêu của Chúa Ba Ngôi.

Tấm gương của ông Môsê hoàn toàn để Chúa thu phục là bài học lớn cho ta. Thánh Kinh kể, đang khi Môsê chăn đàn vật, bỗng ông thấy một quang cảnh lạ thường: bụi gai rực lửa mà không bị thiêu rụi. Tò mò, ông đến xem cho tường. Từ giữa bụi gai, có tiếng gọi: “Môsê! Môsê!”. Tiếng nói ấy tự xưng là Thiên Chúa của tổ tiên ông. Ông sợ hãi che mặt, không dám diện kiến cùng sự uy nghi của Đức Chúa. Ông càng sợ hãi hơn khi Chúa sai ông đi giải thoát dân của Ngài ra khỏi cảnh lầm than nôi lệ cho người Ai Cập. Dù biết mình yếu đuối, nhỏ nhoi, nhưng tin tưởng vào lời Chúa: “Ta sẽ ở với ngươi” (Xh 3, 12), ông đã đón nhận sứ mạng.

Nhưng sứ mạng ấy không dễ chút nào. Biết bao lần sự bội phản, thái độ thiếu tin tưởng, những lời kêu trách xúc phạm đến Chúa… của dân, làm ông mệt mỏi, đuối sức. Nhất là 40 năm ròng rã trong sa mạc, không chịu nỗi sự khắc nghiệt, dân chúng trút lên ông những lời, thái độ, hành động, suy nghĩ, thù hằn của họ. 

Môsê đau khổ đến nỗi ông kêu than cùng Chúa và muốn chết đi: “Sao Ngài lại làm khổ tôi tớ Ngài? Tại sao con không đẹp lòng Ngài, khiến Ngài đặt gánh nặng tất cả dân này lên vai con?… Một mình con không thể gánh cả dân này được nữa, vì nó nặng quá sức con. Nếu Ngài xử với con như vậy, thì thà giết con đi còn hơn…” (Ds 11, 12 tt). Nhưng dù đau khổ, ông đã đáp trả bằng cả một đời trung thành, yêu mến, tùng phục, tôn thờ Chúa. Ông sống chết cho sứ mạng đã lãnh nhận.

Học lấy mẫu gương của ông Môsê, nhận ra sự uy nghi cao cả của Chúa, ta hãy để Chúa làm chủ cuộc đời mình, và quyết tâm sống một đời trung thành với ơn Chúa. Ta hãy khiêm nhường đón nhận tất cả những nghịch cảnh xảy ra cho mình mà phó thác trong bàn tay quan phòng dìu dắt của Chúa.

Lạy Chúa, cuộc đời không thiếu những thương đau. Chúng con biết, dù từ chối hay chấp nhận, cuộc đời vẫn thế. Nếu chúng con tin tưởng phó thác, trước nghịch cảnh, chúng con sẽ bình an hơn, bớt khổ sở hơn. Xin cho chúng con luôn sống tâm tình của thánh Phaolô là “tạ ơn trong mọi hoàn cảnh, dù thương đau hay hạnh phúc. Vì tạ ơn là điều Thiên Chúa muốn trong Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng con” (1Tx 5, 18). Amen. 

GKGĐ Giáo Phận Phú Cường
Người Đông Phương chúng ta thường thích giữ im lặng trước những mầu nhiệm của vũ trụ, của con người và nhất là của Thượng Đế. Thực vậy, người Trung Hoa rất ít nói về Trời, bởi vì họ cho rằng ngay cả những thực tại trần thế này, chúng ta còn chưa hiểu biết được cho thấu đáo, phương chi là những thực tại vô hình. Người Ấn Độ thì có lẽ thích nói về Thượng Đế thật đấy, nhưng họ luôn tự nhắc nhở cho mình rằng những điều chúng ta biết được về Thượng Đế, thì cũng chỉ là như một chiếc lá giữa rừng cây bao la. Trong khi đó, người Tây Phương, nhất là người Kitô hữu, khác với những người Ấn Độ và Trung Hoa, trong vấn đề này. Thực vậy, chúng ta có biết bao nhiêu sách vở viết về Thiên Chúa, biết bao nhiêu bài giảng bàn về Thiên Chúa và biết bao nhiêu định nghĩa về những tín điều. Chúng ta không thể giải nghiã một cách rành mạch mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi. Tuy nhiên, chúng ta có một số hình ảnh khai mở về mầu nhiệm cao cả này như 

Chúng ta cảm nhiệm về Tình Yêu của Thiên Chúa qua cây cối thực vật chung quanh chúng ta. Đây là câu chuyện về tình yêu thương. Lá cây, thân cây, cành cây và rễ cây cùng yêu thương nhau. Tình yêu của chúng tiếp diễn không ngừng , lá non đâm chồi thay thế cho lá vàng, vỏ cây yêu rễ cây, rễ cây yêu cành cây. Thân cây ôm giữ chúng lại với nhau, và lá cây xõa bóng phủ hết cả thân cây.

Thân cây yêu mặt đất và yêu cả bầu trời. Ngay từ khoảnh khắc nó đâm chồi nhú lên khỏi mặt đất, nó luôn cắm sâu vào lòng đất và vươn thẳng lên trời cao.

Nó yêu lũ chim chóc xây tổ trên cành của mình, nó yêu bầy thú trú ẩn dưới gốc, nó yêu cả lũ côn trùng nương náu trong từng lớp vỏ cây. Tất cả là một gia đình.

Quả thật, cây cối cho chúng ta thấy một hình ảnh rất sống động về Chúa Ba ngôi:


- Chúa Cha là bộ rễ cắm sâu trong lòng đất. 

- Chúa Con là thân cây và tất cả chúng ta là cành. Lá cây phải làm việc đêm ngày, ấy thế mà lá không bao giờ ganh tị với hoa khi được con người đến chiêm ngưỡng. Lá cũng không bao giờ ghen tương với những trái cây khi con người nâng niu những trái chín mọng. Thường thường con người chỉ quan tâm đến những nụ hoa và những trái cây trên cành mà hầu như chẳng bao giờ để ý đến lá cây gì cả, ấy thế mà lá vẫn cứ âm thầm làm việc. Quả thật đây là một hình ảnh rất ấn tượng để giới thiệu cho con người tình yêu thương bác ái mà Chúa Giêsu đã nhiều lần nhắc nhở chúng ta.

- Chúa Thánh Thần chính là nhựa cây lấy từ rễ cây để nuôi sống thân cây, cành cây và lá cây. Cây làm sao sống được nếu không có nhựa cây nuôi sống. Lá làm sao có thể xanh tươi được nếu không được bộ rễ chuyển nhựa cây lên. Cành cây làm sao có trái được nếu không được cung cấp đầy đủ nhựa sống. Như thế nhựa cây rất cần cho sự sống của cây, nhưng nhựa cây lại tùy thuộc vào bộ rễ là chính Chúa Cha. 

Nhờ Chúa Cha là bộ rễ cắm sâu trong lòng đất mà thân cây mới có thể đứng vững, nhờ đó mới chuyển nhựa lên để nuôi cây, nhờ đó cây mới có thể sinh hoa kết trái. Nhìn vào rừng cây chúng ta thấy rõ điều này.

Bởi đó, ngày lễ Chúa Ba Ngôi phải là một ngày lễ giúp chúng ta tưởng nhớ đến Bí Tích Rửa Tội, vì nhờ Bí Tích Rửa Tội, chúng ta trở nên con của Chúa Cha, em của Chúa Giêsu và đền thờ của Chúa Thánh Thần.

Hơn nữa, Bí Tích Rửa Tội còn nói lên mối dây liên hệ giữa chúng ta và Chúa Ba Ngôi. Đây cũng là điều mà Dấu Thánh Giá nhắc nhở cho chúng ta. Thực vậy, khi làm Dấu Thánh Giá, chúng ta hãy nhủ thầm: Tôi đã được rửa tội nhân danh Chúa Cha Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Vì thế, tôi phải chu toàn thánh ý Chúa Cha, thực hiện những lời giảng dạy của Chúa Con và thánh hóa bản thân với sự giúp đỡ của Chúa Thánh Thần.

Đồng thời, ngày lễ Chúa Ba Ngôi hôm nay, còn đem lại cho chúng ta niềm an ủi và khích lệ. Chúa Cha luôn nhìn xem chúng ta, yêu mến và giúp đỡ chúng ta. Chúa Con luôn khuyên nhủ chúng ta noi gương bắt chước Ngài, quảng đại chấp nhận những hy sinh, những gian khổ. Chúa Thánh Thần thúc đẩy chúng ta làm lành lánh dữ, trao ban cho chúng ta ánh sáng và sức mạnh. Chúng ta hãy luôn nhớ đến Chúa Ba Ngôi và dâng lên Chúa Ba Ngôi tất cả những việc làm lớn nhỏ trong cuộc sống như Christophe Columbe:


Christophe Columbe, người đã khám phá ra Châu Mỹ vào những thập niên cuối cùng của thế kỷ 15, có lòng sùng kính Chúa Ba Ngôi cách đặc biệt. Trước mọi hoạt động, ông đều kêu cầu Chúa Ba Ngôi cũng như ông luôn khởi đầu với những dòng chữ: "Nhân danh Chúa Ba Ngôi Cực Thánh".

Lần kia, khi Columbe trình bày về thuyết "Trái Đất Tròn" trước một nhóm học giả được gọi là Hội Đồng Salamanca, một tổ chức quy tụ những nhà khoa học và thần học danh tiếng nhất thời bấy giờ, ông đã khởi đầu như sau: "Hôm nay tôi được hân hạnh đứng trước mặt các ngài nhân danh Chúa Ba Ngôi Cực Thánh, vì hoàng đế đã truyền lệnh cho tôi đệ trình lên sự khôn ngoan của quý vị một dự án mà tôi xác tín là Thánh Thần Ba Ngôi Thiên Chúa đã gợi hứng cho tôi".

Trong cuộc hành trình thứ ba của ông khởi hành năm 1948, Columbe đã thề hứa sẽ hiến dâng cho Chúa Ba Ngôi phần đất nào ông khám phá ra đầu tiên, vì thế hòn đảo ông đặt chân xuống đầu tiên trong cuộc hành trình thám hiểm Tân Thế Giới ấy cho đến nay vẫn được gọi là "Trinidad", tức là Chúa Ba Ngôi. Amen.

Lm. Giuse Đỗ Văn Thụy

Thứ bảy ngày 26.05.2018




            Mừng  Thánh Mac-cô (Mc 10: 13-16)

  
13 Người ta dẫn trẻ em đến với Đức Giê-su, để Người đặt tay trên chúng. Nhưng các môn đệ la rầy chúng.14 Thấy vậy, Người bực mình nói với các ông: "Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Thiên Chúa là của những ai giống như chúng.15 Thầy bảo thật anh em: Ai không đón nhận Nước Thiên Chúa với tâm hồn một trẻ em, thì sẽ chẳng được vào."16 Rồi Người ôm lấy các trẻ em và đặt tay chúc lành cho chúng.
 

SUY NIỆM

Hôm nay, Giáo Hội nhớ đến thánh Philip Neri, ngài được mệnh danh là vị thánh của niềm vui, chủ trương sống của ngài là: “Sống vui vẻ, cởi mở, hài hòa để cảm hóa mọi người”. Bài Tin Mừng hôm nay cũng gợi mở cho chúng ta về niềm vui của trẻ thơ, niềm vui của những kẻ thuộc về Nước Trời.

Có người hỏi rằng: “Trong cuộc sống ngày nay thì làm sao có niềm vui được?”. Câu hỏi này có thể hiểu được, bởi lẽ trong cuộc sống ai mà không gặp phải đau khổ hay thách đố trong cuộc sống. Có những lúc đòi buộc họ phải đánh đổi những giọt mồ hôi, nước mắt để có được miếng ăn hay lo cho gia đình có được miếng cơm manh áo qua ngày. 

Hình ảnh trẻ thơ đến bên Chúa Giêsu ngày hôm nay đã gợi mở cho chúng ta một cách thức để sống niềm vui, đó là niềm vui trong Chúa. Đúng như lời mời gọi của Chúa Giêsu: “Hãy đến với Ta, hỡi những ai khó nhọc và gánh nặng, Ta sẽ nâng đỡ bổ sức cho các ngươi” (Mt 11, 28). Hãy đến với Giêsu với tâm hồn của một trẻ thơ, đến bên Cha mình để bộc bạch những lo toan, khó khăn trong cuộc sống, chắc chắn chúng ta sẽ hưởng trọn niềm vui bên Chúa, một niềm vui mà cuộc sống đời thường không thể tìm được. 

 Lạy Chúa, xin cho chúng con dám ra khỏi chính mình, ra khỏi những bận tâm và tính toán khôn ngoan theo cách loài người của mình, để chúng con biết gần Chúa trong sự thánh thiện và gần gũi anh chị em của mình trong sự thật thà, đơn sơ, không oán giận, nhưng luôn yêu thương tha thứ. Lạy Chúa, xin cho chúng con được thuộc về Chúa, để khi có Chúa, chúng con cũng sẽ trở nên người của mọi người, sẽ thuộc về anh chị em của chúng con hơn. Amen.


GKGĐ Giáo Phân Phú Cường

Thứ sáu ngày 25,05.2018


BÀI ĐỌC I: Gc 5, 9-12
Trích thư của Thánh Giacôbê Tông đồ.
Anh em đừng kêu trách lẫn nhau, để khỏi bị lên án. Kìa quan toà đã đứng trước cửa. Anh em hãy học gương kiên nhẫn và chịu đựng trong gian khổ của các tiên tri, là những người đã nói nhân danh Chúa. Đây chúng ta gọi những người đã kiên nhẫn đau khổ là có phúc. Anh em đã nghe nói đến sự kiên nhẫn của Gióp và đã thấy kết cuộc Chúa dành để cho ông, vì Chúa đầy lòng thương xót và lân mẫn.
Anh em thân mến, trước hết, anh em đừng (có) thề, dầu viện trời, dầu viện đất hay viện một hình (vật gì) khác. Lời nói anh em phải là: Có rằng có, không rằng không, để anh em khỏi bị toà án luận phạt. Đó là lời Chúa. 
                                   PHÚC ÂM: Mc 10, 1-12
Khi ấy, Chúa Giêsu đến địa hạt xứ Giuđêa và miền bên kia sông Giođan. Dân chúng lại tụ họp bên Người và Người lại dạy dỗ họ như thường lệ. Những người biệt phát đến gần và hỏi thử Người rằng: “Người ta có được phép ly dị vợ mình chăng?” Người đáp: “Môsê đã truyền cho các ông thế nào?” Họ thưa: “Môsê cho phép làm giấy ly dị và cho ly dị”. Bấy giờ Chúa Giêsu đáp lại: “Chính vì sự cứng lòng của các ông mà Môsê đã viết ra điều luật đó. Nhưng lúc khởi đầu cuộc sáng tạo, Thiên Chúa đã dựng nên một người nam và một người nữ. Bởi đó người nam sẽ lìa cha mẹ để luyến ái vợ mình, và hai người sẽ nên một huyết nhục. Vì thế, họ không còn là hai mà là một huyết nhục. Vậy sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không thể phân rẽ”.
Về đến nhà, các môn đệ lại hỏi Người về điểm đó. Và Người bảo các ông: “Ai bỏ vợ mình và lấy vợ khác, thì phạm tội ngoại tình đối với người vợ trước. Và người nữ bỏ chồng mà lấy chồng khác, thì cũng phạm tội ngoại tình”. Đó là lời Chúa.       (thanhlinh.net)
NÊN MỘT TRONG TÌNH YÊU
Suy niệm: Nhà văn Nga I. Tourguéniev tâm sự: “Tôi sẵn sàng đổi hết tài năng và tác phẩm của tôi để được cái thú êm đềm biết rằng ở một nơi nào đó có một người đàn bà lo âu vì tôi về trễ.” Không gì hạnh phúc cho bằng biết rằng mình được yêu, cũng như không có gì chua xót cho bằng từ tình yêu chuyển thành thù hận. Hôm nay, Chúa Giê-su nhắc ta hai điều: 1/ Con người cần có người bạn đời chung sống với mình (“sỏi đá cũng còn có nhau”, huống gì con người !). 2/ Hai người nam nữ hợp nhất nên một, không phải chỉ nên một trong thân xác, nhưng còn trong trách nhiệm, trong việc xây dựng hạnh phúc gia đình… Nhờ vậy, vợ chồng vừa đem lại hạnh phúc cho nhau, vừa dìu nhau tiến về hạnh phúc Nước Trời.
Mời Bạn: Nhớ rằng hôn nhân không phải chỉ đem lại thú vui, mà còn mang đến trách nhiệm. Bạn chỉ tìm thấy niềm vui thật sự khi nào bạn chu toàn trách nhiệm của mình trong gia đình.
Chia sẻ: Trong đời sống gia đình, tôi tìm thú vui riêng cho bản thân, hay tôi quên mình để chăm lo hạnh phúc của những người thân?
Sống Lời Chúa: Làm một việc nhỏ để phục vụ, giúp đỡ vợ, chồng, cha mẹ tôi.
Cầu nguyện: Lạy Cha nhân ái, xin Cha thương bảo vệ gìn giữ từng gia đình là hình ảnh của Thánh Gia thất, từng trẻ em là hình ảnh của Con Cha thuở ấu thơ. Xin Cha sai Thánh Thần tình yêu đem đến hạnh phúc cho mọi gia đình trên mặt đất; xin cho chúng con nhớ hạnh phúc luôn ở trong tầm tay từng người chúng con. Amen.
(5 Phút Lời Chúa)

Thứ Năm, 24 tháng 5, 2018

Thứ năm ngày 24.05.2018

 

BÀI ĐỌC I: Gc 5, 1-6
Trích thư của Thánh Giacôbê Tông đồ.
Này đây, hỡi những người giàu có, các ngươi hãy than khóc kêu la, vì các tai hoạ sắp giáng xuống trên các ngươi. Của cải các ngươi bị mục nát, áo quần các ngươi đã bị mối mọt gặm. Vàng bạc của các ngươi đã bị ten sét, và ten sét sẽ là bằng chứng tố cáo các ngươi, và sẽ ăn thịt các ngươi như lửa đốt. Các ngươi đã tích trữ cho các ngươi cơn thịnh nộ trong ngày sau hết.
Này tiền công thợ gặt ruộng cho các ngươi mà các ngươi đã gian lận, tiền đó đang kêu gào, và tiếng kêu gào của người thợ gặt đã lọt thấu đến tai Chúa các đạo binh. Các ngươi đã ăn uống say sưa ở đời này, lòng các ngươi đã tận hưởng khoái lạc trong ngày sát hại. Các ngươi đã lên án và giết chết người công chính, vì họ đã không kháng cự lại các ngươi. Đó là lời Chúa.
PHÚC ÂM: Mc 9, 40-49 (Hl 41-50)
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Ai cho các con (uống) một ly nước vì lẽ các con thuộc về Đấng Kitô, thật Thầy bảo các con: kẻ đó sẽ không mất phần thưởng đâu. Nhưng nếu kẻ nào làm cớ vấp phạm cho một trong những kẻ bé mọn có lòng tin Thầy, thà buộc thớt cối xay vào cổ người ấy mà xô xuống biển thì hơn.
“Nếu tay con nên dịp tội cho con, hãy chặt tay đó đi: thà con mất một tay mà được vào cõi sống, còn hơn là có đủ hai tay mà phải vào hoả ngục, trong lửa không hề tắt. Và nếu chân con làm dịp tội cho con, hãy chặt chân đó đi: thà con mất một chân mà được vào cõi sống, còn hơn là có đủ hai chân mà phải ném xuống hoả ngục. Và nếu mắt con làm dịp tội cho con, hãy móc mắt đó đi, thà con còn một mắt mà vào nước Thiên Chúa, còn hơn là có đủ hai mắt mà phải ném xuống hoả ngục, nơi mà dòi bọ rúc rỉa nó không hề chết và lửa không hề tắt. Vì mọi người sẽ bị ướp bằng lửa.
“Muối là vật tốt, nhưng nếu muối ra lạt, các con lấy gì mà ướp nó cho mặn lại được? Các con hãy có muối ở trong mình và sống hoà thuận với nhau”. Đó là lời Chúa.     (thanhlinh.net)
Suy niệm: Không cần phải tham khảo những bản thống kê phức tạp chúng ta cũng dễ thấy rằng ngay trong môi trường học đường, tình trạng đạo đức và chất lượng giáo dục đang xuống cấp một cách trầm trọng. Hiện tượng bạo lực nơi học sinh, thậm chí nơi thầy cô giáo, đã là chuyện thường ngày trên mặt báo. Người sống công bằng và trung thực trở thành những “sinh vật lạ” lạc lõng trên ghế nhà trường, trên bục giảng. Hình ảnh những thầy cô giáo mẫu mực tận tâm đang dần trở nên “hàng hiếm”. Mà đối tượng nạn nhân của sự xuống cấp đó không phải ai khác hơn là những “kẻ bé mọn” mà Chúa rất trân quý. Ngài không ngần ngại dùng những lời nặng nề lên án những kẻ nào làm gương xấu cho “những kẻ bé mọn” ấy phải vấp ngã: “Thà buộc cối đá vào cổ chúng mà ném xuống biển còn hơn.”
Mời Bạn: Đã hơn một lần các vị chủ chăn kêu gọi các tín hữu nỗ lực củng cố môi trường giáo dục ki-tô ngay trong gia đình của mình, chú trọng việc dạy giáo lý cũng như đào tạo giáo lý viên và hình thành các cơ sở giáo dục tại các giáo xứ (x. Thư Chung HĐGMVN 2007). Một mặt, đó là những phương thế khả thi trong hoàn cảnh hiện nay của Giáo hội, mặt khác đó là nền tảng vững chắc cho một nền giáo dục toàn diện và lâu bền.
Sống Lời Chúa: Rà soát và loại trừ khỏi gia đình bạn tất cả những gì có thể trở thành gương xấu cho “những kẻ bé mọn” của Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin cho chúng con biết sống yêu thương không chỉ bằng lời mà còn bằng mẫu gương sáng trong đời sống chúng con.
(5 Phút Lời Chúa)

Thứ Tư, 23 tháng 5, 2018

Thứ tư ngày 23.05.2018

BÀI ĐỌC I: Gc 4, 13b-18 (Hl 13-17)
“Đời sống anh em là cái gì? Lẽ ra anh em phải nói rằng: ‘Nếu Chúa muốn'”.
Trích thư của Thánh Giacôbê Tông đồ.
Anh em thân mến, bây giờ anh em nói: “Hôm nay hoặc ngày mai chúng tôi sẽ đến một thành nọ, rồi ở lại đó một năm mà buôn bán kiếm lời”. Nhưng anh em đâu có biết ngày mai sẽ ra sao. Bởi vì đời sống anh em là cái gì? Là một chút hơi nước xuất hiện trong giây lát, rồi biến đi. Lẽ ra anh em phải nói rằng: “Nếu Chúa muốn, và nếu chúng tôi còn sống, chúng tôi sẽ làm điều này điều kia”. Nhưng này đây, anh em huênh hoang với những lời khoác loác. Mọi kiểu, huênh hoang như thế đều xấu xa. Vậy ai biết điều lành mà không làm, thì mắc tội. Đó là lời Chúa. 
PHÚC ÂM: Mc 9, 37-39 (Hl 38-40)
Khi ấy, Gioan thưa cùng Chúa Giêsu rằng: “Lạy Thầy, chúng con thấy có kẻ nhân danh Thầy mà trừ quỷ, kẻ đó không theo ta, và chúng con đã ngăn cấm y”. Nhưng Chúa Giêsu phán: “Đừng ngăn cấm y, vì chẳng ai có thể nhân danh Thầy mà làm phép lạ, rồi liền đó lại nói xấu Thầy. Ai chẳng chống đối các con, là ủng hộ các con”. Đó là lời Chúa.   (thanhlinh.net)
“Quả thật, ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta.” (Mc 9,40)
Suy niệm: Thấy có kẻ không thuộc “phe” mình mà cả gan lấy danh Thầy trừ quỷ, ông Gio-an đã cố ngăn cản, và cũng xin Thầy ngăn chận việc vi phạm “tác quyền” này. Ông đinh ninh Thầy sẽ ủng hộ lập trường của mình. Thế nhưng, Đức Giê-su cho ông thấy người môn đệ Chúa phải có tinh thần bao dung, chấp nhận đồng lòng chung sức với những con người thiện chí – dù khác quan điểm, tôn giáo – để xây dựng thế giới. “Ai không chống lại là ủng hộ chúng ta” vì ủng hộ sự thiện, sự sống, các thiện ích của con người là cùng mục đích như ta. Ai đứng về phía chân lý để chống lại sự dữ, dù không biết Chúa, thì vẫn có tương quan với Ngài. Đức Giê-su mời gọi ta ra khỏi ranh giới hẹp hòi của phe nhóm, tôn giáo, địa phương, đoàn thể, hội dòng… để cùng nhau góp phần làm cho cuộc sống này nhân bản hơn, tốt đẹp hơn.
Mời Bạn: Có thể bạn quen nghĩ rằng Chúa chỉ hoạt động trong Giáo Hội, nơi những người tin Chúa, mà quên rằng từ xa xưa Thánh Thần đã hoạt động nơi các tôn giáo bạn, tạo nên những điều tích cực nơi các tôn giáo ấy, để chuẩn bị đón nhận Đấng Cứu Thế của nhân loại. Lòng bạn cũng phải mở ra, bao dung hơn, khoáng đạt hơn với những con người thành tâm thiện chí.
Sống Lời Chúa: Tập sống cởi mở, thân thiện và hợp sức đồng lòng để làm những điều tốt cho Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa là nguồn mạch sự hiệp nhất của Giáo Hội, xin giúp con sẵn sàng cộng tác, làm việc chung với nhau, để nhiệt thành phục vụ Giáo hội mỗi ngày một hữu hiệu hơn, cho danh Cha muôn đời cả sáng. Amen .     (5 Phút Lời Chúa)