Thứ Ba, 30 tháng 1, 2018

THỜI SỰ


 26/01/2018 -  

Tản mạn, giải trí

 409
Trong lá đơn xin từ chức gửi Thành Uỷ và UBND Tp. HCM ngày 8/1/2018, bác Hải có cho biết lý do: “Là Đảng viên, tôi đã kiên định vượt qua mọi khó khăn, sự chống phá công khai và ngấm ngầm; sự đe dọa đến sinh mạng bản thân, gia đình từ các đối tượng bị mất nguồn lợi phi pháp, từ lấn chiếm tài sản công".
Đọc thì cháu hiểu bác đã bị áp lực ghê gớm lắm; phá bác cách công khai cũng có, mà ngấm ngầm cũng lắm. Nhưng họ là ai? Cứ theo cách lý giải của bác Hải thì họ là “các đối tượng bị mất nguồn lợi phi pháp”, là “các đối tượng lấn chiếm tài sản công”. Nhưng cháu băn khoăn không hiểu “các đối tượng bị mất nguồn lợi phi pháp”, “các đối tượng lấn chiếm tài sản công” mà bác nói đến cụ thể là ai? Phải chăng họ là các bác tài xế đậu xe lấn chiếm vỉa hè? Hay là những người nghèo buôn thúng bán bưng chạy cong đuôi mỗi khi gặp bác? Hay là những hộ dân bị bác tịch thu mấy cái cầu thang sắt lên xuống nhà họ?... Quả thực cái phạm trù bác đưa ra là quá rộng dễ gây hiểu nhầm. Không biết các trường hợp như bác Trịnh Xuân Thanh, Vũ Nhôm, bác Phạm Công Danh, bác Trầm Bê, Hà Văn Thắm, đồng chí “A”, đồng chí “T”, đồng chí “X”… có thuộc nhóm “nguồn lợi bất hợp pháp” hay “lấn chiếm tài sản công” không nữa?
Thú thực, cháu chỉ biết tới bác ngày bác nổi lên như một “anh hùng vỉa hè” vào đầu năm 2017. Nhưng việc bác muốn đưa quận 1 thành một “Singapore thu nhỏ” thì quá tốt và chẳng có gì sai. Tại sao bây giờ bác lại ra nông nỗi này? kẻ khóc thương bác cũng lắm, kẻ hả hê ăn mừng cũng nhiều.
Nghĩ đến chuyện của bác, cháu chợt nhớ đến một câu chuyện người ta kể như thế này:“ Có một Việt kiều người Nhật về Việt Nam ăn Tết. Ngày nọ ông ta xuống thăm nhà bà con ở một tỉnh miền Tây và được chứng kiến cảnh tát ao bắt cá, bắt cua của những người nông dân Nam Bộ... Cá và cua rất nhiều, cá thì đựng ở trong cái giỏ có hom chắc chắn đàng hoàng; còn cua thì được bỏ vào một cái chậu thau khơi khơi không nắp đậy, nhưng tuyệt đối không con nào bò ra ngoài. Thấy lạ quá, ông Việt kiều Nhật thắc mắc: "Sao cua không bò ra được, ở Nhật tui thấy để vậy là cua bò ra ngoài hết?". Người nông dân bà con cười cười trả lời "Bác yên tâm, cua của Nhật khác, cua của Việt Nam nó khác". Ông Việt kiều Nhật ngạc nhiên hỏi lại. "Tôi thấy nó cũng y chang như vậy mà, có khác gì đâu?" Lúc này người bà con mới tủm tỉm giải thích. "Bác nhìn cho kỹ vào cái chậu thau đi, khi một con leo lên, là mấy con ở phía sau xúm vào lôi xuống thì làm sao mà con nào bò ra được mà bác lo. Cua Việt Nam chúng cháu nó vậy đấy!"
Nếu chuyện bác muốn đưa Quận 1 thành “Singapore thu nhỏ” không có gì sai, mà lại bị chống phá như vậy, thì cháu nghĩ vấn đề cốt lõi nó nằm ở chỗ do bác muốn leo lên, muốn tự do thoát khỏi cái chậu chật hẹp kìm kẹp quyền sống, quyền làm người, do bác không muốn chung chậu, không muốn chung mâm với những con còn lại. Bác ạ! Ở trong một cái xã hội mà gian dối, bất công trở thành một kỹ năng sống và là chuyện bình thường, thì chẳng có ai thích một người tốt đâu bác; vì một người tốt sẽ làm tổn thương và ảnh hưởng đến “thanh danh” những người xấu. Bác làm vậy là lộ hết “bí mật quốc gia” đấy! Lỗi của bác là tại sao bác dám làm người tốt trong khi những người khác đang sống trong xứ sở “thiên đường”?
Thấy bác có tâm nguyện muốn khi trở lại làm công dân, sẽ dành nhiều thời gian để suy nghĩ về các giải pháp “căn cơ, nhân văn, không ảnh hưởng đến mưu sinh của người nghèo” trong công việc lập lại trật tự vỉa hè; thực sự lòng cháu rất vui, vui vì ít nhiều cháu cũng nhận ra được kế hoạch làm người tốt trong con người bác.
Thôi bác ạ! Khi chúng ta được sinh ra đời, người vui mừng không phải là bản thân chúng ta, mà là cha mẹ, người thân của chúng ta. Khi chúng ta chết đi, người khóc lóc cũng không phải là bản thân chúng ta, mà là con cái, người thân của chúng ta. Chúng ta không vui sướng khi ra đời, vì lúc đó ta chưa biết vui sướng. Chúng ta không khóc lóc vì chết đi, vì sau khi chết sẽ không còn cảm giác. Bất luận được sinh ra trong hoàn cảnh nào, chúng ta đều không có tư cách quyết định; chúng ta cũng không có lý do gì để rơi lệ cho cái chết, vì cho dù có chống trả thì ai cũng phải chết.
Chúng ta mở đầu cuộc hành trình bằng tiếng khóc của bản thân, rồi lại kết thúc mạng sống trong tiếng khóc của người thân. Chúng ta rời khỏi cơ thể mẹ mà ra đời, rồi lại rời khỏi thế giới này mà đi về lòng đất mẹ. Chúng ta được đẩy lên sân khấu cuộc đời này, rồi lại bị kéo xuống. Dường như chúng ta không hề có quyền can thiệp vào hai vấn đề lớn nhất của cuộc đời là sự sống và cái chết.
Tuy nhiên, bác ạ! Dù mỗi người sinh ra rất bình thường, nhưng chúng ta có thể chết vĩ đại. Ra đời trong cơn đau đẻ của một mình người mẹ, nhưng có thể từ bỏ thế gian này trong tiếng khóc đau thương của hàng triệu con người.
Gã Khờ
114.864864865135.135135135250






Thứ ba ngày 30.01.2018


  


Trích sách Samuel quyển thứ hai.
Trong những ngày ấy, Absalon đang cỡi lừa, tình cờ gặp các cận vệ của Đavít, và khi con lừa đi qua dưới cây sồi to lớn rậm rạp, thì đầu ông vướng vào cây sồi, và ông bị treo lơ lửng, và con lừa ông đang cỡi cứ chạy. Có người thấy vậy, liền đi báo cho Gioáp rằng: "Tôi đã thấy Absalon bị treo trên cây sồi". Gioáp cầm ba chiếc lao phóng thẳng vào tim Absalon.
Bấy giờ Đavít đang ngồi giữa hai cửa, còn người lính gác lúc đó đi trên thành phía trên cửa, ngước mắt lên trông thấy một người chạy về. Tên lính gác hô to báo tin cho vua. Vua liền nói: "Nếu chỉ có một đứa, tức là nó mang tin mừng". Vua nói với anh ta: "Ngươi hãy qua bên này". Khi anh ta đi qua và đứng đó, thì tên Kusi xuất hiện và tâu vua rằng: "Tâu đức vua, tôi mang đến cho vua một tin mừng, vì hôm nay, Chúa đã xét xử bênh vực đức vua, Người đã giải thoát đức vua khỏi tay tất cả những kẻ dấy lên chống lại đức vua". Vua hỏi Kusi: "Absalon con ta có bình an không?" Kusi thưa lại: "Ước gì các thù địch của đức vua và toàn thể những kẻ dấy lên chống đức vua, đều bị tai hoạ như chàng thanh niên đó".
Bấy giờ vua buồn sầu và đi lên lầu nơi cổng thành mà khóc lóc. Ngài vừa đi vừa nói: "Con ơi, hỡi Absalon! Absalon con ơi! Sao cha không chết thay cho con! Absalon con ơi! Absalon con ơi! Chớ gì ai để cha chết thay cho con. Absalon con ơi! Con ơi, hỡi Absalon!"
Người ta đi báo tin cho Gioáp hay rằng đức vua khóc lóc và than tiếc con, nên hôm đó cuộc chiến thắng trở nên tang chế cho toàn dân, vì hôm đó, dân chúng nghe nói rằng: "Đức vua thương tiếc con mình". Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 85, 1-2. 3-4. 5-6
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Marcô (Mc 5: 21-43)

21 Đức Giê-su xuống thuyền, lại trở sang bờ bên kia. Một đám rất đông tụ lại quanh Người. Lúc đó, Người đang ở trên bờ Biển Hồ.22 Có một ông trưởng hội đường tên là Gia-ia đi tới. Vừa thấy Đức Giê-su, ông ta sụp xuống dưới chân Người,23 và khẩn khoản nài xin: "Con bé nhà tôi gần chết rồi. Xin Ngài đến đặt tay lên cháu, để nó được cứu thoát và được sống".24 Người liền ra đi với ông. Một đám rất đông đi theo và chen lấn Người.

25 Có một bà kia bị băng huyết đã mười hai năm,26 bao phen khổ sở vì chạy thầy chạy thuốc đã nhiều đến tán gia bại sản, mà vẫn tiền mất tật mang, lại còn thêm nặng là khác.27 Được nghe đồn về Đức Giê-su, bà lách qua đám đông, tiến đến phía sau Người, và sờ vào áo của Người.28 Vì bà tự nhủ: "Tôi mà sờ được vào áo Người thôi, là sẽ được cứu".29 Tức khắc, máu cầm lại, và bà cảm thấy trong mình đã được khỏi bệnh.30 Ngay lúc đó, Đức Giê-su thấy có một năng lực tự nơi mình phát ra, Người liền quay lại giữa đám đông mà hỏi: "Ai đã sờ vào áo tôi?"31 Các môn đệ thưa: "Thầy coi, đám đông chen lấn Thầy như thế mà Thầy còn hỏi: " Ai đã sờ vào tôi?"32 Đức Giê-su ngó quanh để nhìn người phụ nữ đã làm điều đó.33 Bà này sợ phát run lên, vì biết cái gì đã xảy đến cho mình. Bà đến phủ phục trước mặt Người, và nói hết sự thật với Người.34 Người nói với bà ta: "Này con, lòng tin của con đã cứu chữa con. Con hãy về bình an và khỏi hẳn bệnh".

35 Đức Giê-su còn đang nói, thì có mấy người từ nhà ông trưởng hội đường đến bảo: "Con gái ông chết rồi, làm phiền Thầy chi nữa?"36 Nhưng Đức Giê-su nghe được câu nói đó, liền bảo ông trưởng hội đường: "Ông đừng sợ, chỉ cần tin thôi".37 Rồi Người không cho ai đi theo mình, trừ ông Phê-rô, ông Gia-cô-bê và em ông này là ông Gio-an.38 Các ngài đến nhà ông trưởng hội đường. Đức Giê-su thấy người ta khóc lóc, kêu la ầm ĩ.39 Người bước vào nhà và bảo họ: "Sao lại náo động và khóc lóc như vậy? Đứa bé có chết đâu, nó ngủ đấy!"40 Họ chế nhạo Người. Nhưng Người bắt họ ra ngoài hết, rồi dẫn cha mẹ đứa trẻ và những kẻ cùng đi với Người, vào nơi nó đang nằm.41 Người cầm lấy tay nó và nói: "Ta-li-tha kum", nghĩa là: "Này bé, Thầy truyền cho con: trỗi dậy đi!"42 Lập tức con bé đứng dậy và đi lại được, vì nó đã mười hai tuổi. Và lập tức, người ta kinh ngạc sững sờ.43 Đức Giê-su nghiêm cấm họ không được để một ai biết việc ấy, và bảo họ cho con bé ăn.


Suy niệm

Hai phép lạ Chúa Giêsu thực hiện mà chúng ta vừa lắng nghe qua trình thuật Tin Mừng hôm nay, có một điểm chung là: niềm tin và hy vọng sẽ giúp con người tìm gặp được lòng thương xót của Chúa.

Người đàn bà bị băng huyết đã mười hai năm, chạy thầy chạy thuốc đến tán gia bại sản mà vẫn không khỏi, khi nghe nói về Chúa Giêsu đã tìm cách đụng chạm đến Người với niềm tin mạnh mẽ: “Tôi mà sờ được vào áo Người thôi, là sẽ được cứu” (Mc 5, 28). Và chính Chúa Giêsu đã củng cố niềm tin đó bằng phép lạ chữa lành đầy quyền năng của Người: “Này con, lòng tin của con đã cứu chữa con. Con hãy về bình an và khỏi hẳn bệnh” (Mc 5, 34).

Cũng vậy, ông trưởng hội đường tên là Gia-ia đã hết lòng cậy trông và tin tưởng vào Chúa khi đối diện với cái chết của con gái mình. Ông sẵn sàng đón nhận sự chê bai và khinh khi của người khác khi can đảm hạ mình xuống dưới chân Chúa để nài van Người cứu chữa cho con mình. Đó chỉ có thể là hành động của người có niềm tin và đặt trọn hy vọng vào Đức Kitô. Và rồi chính Chúa Giêsu đã an ủi và gia tăng niềm tin cho ông: “Ông đừng sợ, chỉ cần tin thôi” (Mc 5, 36).

Cả hai sự kiện giúp chúng ta xác tín rằng, niềm tin và lòng trông cậy sẽ giúp chúng ta khám phá ra tình yêu quan phòng và lòng thương xót của Chúa luôn tuôn tràn trên chúng ta. Thật vậy, qua sứ mệnh của Chúa Giêsu chúng ta nhận ra Thiên Chúa luôn yêu thương và chăm sóc mỗi người chúng ta. Điều quan trọng là chúng ta có vững lòng tin tưởng và cậy trông, nhất là mỗi khi gặp thử thách, sóng gió trên đường đời này không!

Lạy Chúa Giêsu, Chúa yêu thương chăm sóc chúng con bằng một tình yêu duy nhất và rất đặc biệt dành cho từng người. Xin gia tăng niềm tin và lòng trông cậy để mỗi ngày chúng con biết cảm nếm sâu xa hơn tình yêu nồng nàn của Chúa, hầu có thể lãnh nhận ơn chữa lành và sự sống viên mãn nhờ ơn cứu độ của Chúa. Amen.