Thứ Sáu, 31 tháng 7, 2015

PHÚC ÂM Mt 16,24-28




THỨ NĂM TUẦN XVIII THƯỜNG NIÊN



THỨ SÁU TUẦN XVIII THƯỜNG NIÊN

1. Bài Tin Mừng: Mt 16,24-28
24 Rồi Đức Giê-su nói với các môn đệ: "Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo.25 Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy.26 Vì nếu người ta được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì nào có lợi gì? Hoặc người ta sẽ lấy gì mà đổi mạng sống mình?
27 "Vì Con Người sẽ ngự đến trong vinh quang của Cha Người, cùng với các thiên thần của Người, và bấy giờ, Người sẽ thưởng phạt ai nấy xứng việc họ làm.28 Thầy bảo thật anh em: trong số người có mặt ở đây, có những kẻ sẽ không phải nếm sự chết trước khi thấy Con Người đến hiển trị."

   
“Qua Thập Giá mới vào được Vinh Quang”. Đó là chân lý bất biến mà bài Tin Mừng hôm nay chỉ cho chúng ta cách thực hiện qua từng bước: Từ bỏ, vác thập giá và tuyên xưng danh Chúa:

       
Ở đây, Chúa Giêsu nói rõ là “bỏ mình”. Bỏ mình tức là bỏ chính cái tôi của mình, đó là sự từ bỏ khó khăn nhất. Alexande từng nói: “Thắng được vạn quân còn dễ hơn là thắng được chính mình”. Cái tôi chính là cá tính của mỗi người, vốn dễ kiêu ngạo muốn trên mọi người, muốn thể hiện chính mình, muốn người khác theo ý mình; chứ không dễ gì khiêm tốn và phục vụ tha nhân. Nhưng đó lại là điều kiện của “thập giá”, bởi thập giá được làm bằng chất liệu khiêm tốn và phục vụ.
Bước theo Chúa mà với đầy dẫy những thứ cồng kềng vướng bận thì khó mà theo sát và theo kịp Ngài được. Cụ thể, việc chúng ta giữ đạo mà vẫn phải bon chen và ham mê công việc lấn át hết thời giờ cho Chúa, để không còn giờ để đọc kinh chung, để không đủ sức khoẻ đi tham dự lễ, để đến được nhà thờ thì chỉ còn ngủ… 
Thật ra, bỏ những thứ bên ngoài đã khó, nhưng bỏ mình, tức là bỏ đi cái tôi của mình còn khó biết bao. 

• Vác thập giá mình theo Chúa Giêsu
Chúa bảo chúng ta vác thập giá mình chứ không buộc vác giùm ai. Vác thập giá của mình, chính là việc chu toàn bổn phận công dân, bổn phận đối với Chúa và Giáo Hội trong đấng bậc mình. Vui nhận những trái ý nghịch lòng làm của lễ dâng Chúa. Đường thập giá thực ra không có gì xa thực tế, nhưng đúng với cả nghĩa tôn giáo lẫn xã hội. Thật vậy, có ai đạt được vinh quang mà không khổ luyện, muốn thi đậu phải miệt mài đèn sách, muốn chiến thắng trong các cuộc thi phải đòi hỏi khổ luyện… và đặc biệt, muốn hưởng phúc Nước Trời phải biết hy sinh và chịu thử thách.
Ngày nay, có những cách bách hại rất tinh vi và thâm hiểm của chế độ, của chính thể, của những thứ văn hoá thời đại… Vì thế, đòi hỏi chúng ta phải chết đi mỗi ngày vì những thứ bách hại đó, nghĩa là hi sinh vâng phục theo sự hướng dẫn của Giáo Hội mà giữ lễ luật Chúa.
Con đường theo Chúa, đời sống đạo cần một sự dấn thân, phải vác lấy thập giá, Thập giá đó là những khó khăn, những trái ý nghịch lòng… Thập giá đó là việc tuân giữ lề luật Chúa… 

“Ai giữ mạng sống mình sẽ mất, ai liều mất mạng sống mình thì sẽ giữ được mạng sống”. Nghe có vẻ thật nghịch lý, nhưng đó lại là chân lý Kitô Giáo, bởi vì cái đích đạt tới cuối cùng của chúng ta là sự sống đời đời (mạng sống siêu nhiên) chứ không phải bằng mọi giá phải giữ sự sống thể lý, để rồi chối Chúa. 
Khi chúng ta chỉ tìm cái sung sướng cho thân xác đời này, thì sự sống tâm linh của chúng ta èo ọt, nhưng khi chúng ta chịu khó hy sinh, tuy làm cho đời sống thể lý có chút thua thiệt, nhưng sự sống vĩnh cửu của chúng ta đang triển nở.

• Tuyên xưng hoặc chối Chúa
Chúa Giêsu tuyên bố: "Hễ ai xưng nhận Thầy trước mặt người đời, thì Con Người cũng sẽ xưng nhận nó trước mặt các thiên thần của Thiên Chúa; nhưng ai chối bỏ Thầy trước mặt người đời, thì sẽ bị chối bỏ trước mặt thiên thần của Thiên Chúa”. 
Ngày nay, không có chuyện bách hại nhãn tiền như thời các thánh tử đạo, nên chúng ta cũng không còn phải tuyên xưng đức tin cách trực tiếp như các chứng nhân xưa nữa. Tuy nhiên, chúng ta vẫn còn tuyên xưng hoặc chối Chúa qua những cách sống sau đây:
- Những ai dám sống thật, dám làm chứng cho Chúa và cho sự thật thì cái giá họ phải trả là chịu bách hại đủ đường từ chính thể chế chúng ta đang sống cũng như mất đi những cơ hội tiến thân…
- Sống đạo, rất cần sự thể hiện ra thực tế, nhưng không ít những người tự cho mình “giữ đạo tại tâm”, không còn tham gia các hoạt động sinh hoạt công giáo, không tham dự các bí tích, nhất là thánh lễ, bỏ xưng tội rước lễ lâu năm… Hành động ngược lại với giáo huấn của Chúa và Hội Thánh. Đặc biệt, vì lo bon chen cuộc sống hằng ngày, chúng ta quên mất sự hiện diện của Chúa, bỏ bê các việc đạo đức… là chúng ta vừa không tuyên xưng Chúa, vừa gián tiếp chối đạo.
- Hoặc để có được việc làm nơi công sở, giữ được “ghế” trong xã hội thế quyền, sợ bị phiền phức hoặc bạn bè chê cười… chúng ta đã giấu diếm nguồn gốc Công Giáo của mình.Chúng ta muốn an thân, sợ liên luỵ nguy hiểm mà không dám làm chứng cho sự thật. Vì cái nồi (miếng cơm manh áo) mà bán rẻ lương tâm, vì cái ghế (chức này chức nọ) mà làm tay sai cho sự giả dối…Ngay cả việc ‘làm dấu thánh giá trước bữa ăn’ khi ăn chung nơi công cộng chúng ta còn thẹn thùng che đậy… Đó là mặc nhiên chúng ta đang chối Chúa.
- Hay khi chúng ta gặp thử thách thất bại, hoặc cầu nguyện chưa được nhận lời, đã thất vọng chê trách Chúa và nghi ngờ sự hiện hữu của Chúa. Đó cũng là một hình thức chối đạo…

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con dám từ bỏ những gì không thích hợp với tinh thần Kitô Giáo, can đảm sống niềm tin trước mọi trái ý nghịch lòng và tự hào là người con Chúa trước mặt mọi người không ngại khó ngại khổ vì danh Chúa. Amen. 
Hiền Lâm
** Vấn nạn:
Đức Giê-su còn nói với họ: "Tôi bảo thật các người: trong số những người có mặt ở đây, có những kẻ sẽ không phải nếm sự chết, trước khi thấy Triều Đại Thiên Chúa đến, đầy uy lực" (Mt 16,28).
Nhiều người dễ nghĩ rằng, sẽ có môn đệ Chúa Giêsu không chết trước ngày quang lâm, lại có người giải thích cho đó là Gioan đã được thị kiến thấy trước viễn cảnh quang lâm mà Gioan ghi lại trong sách Khải Huyền. Thật ra, đây là cách nói của Tin Mừng Marcô về biến cố Chúa Giêsu Hiển Dung, mà chương 9 câu 1 là dẫn nhập để kể về biến cố Hiển Ding ngay sau đó.
Tuy không phải là chóp đỉnh, nhưng việc Chúa Giêsu Biến Hình trên núi Tabo là một sự kiện thâu tóm nhiều mặc khải quan trọng mang tính Phục Sinh và Cánh Chung, có sự chỗi dậy cả tổ phụ và ngôn sứ và có 3 môn đệ được hiện diện chứng kiến cảnh huy hoàng vinh hiển của Đức Kitô…





GỢI Ý SUY NIỆM TIN MỪNG TUẦN XVIII THƯỜNG NIÊN (Hiền Lâm)

Từ Chúa Nhật XVIII Thường Niên đến thứ bảy tuần XVIII Thường Niên



THỨ BẢY  TUẦN XVIII THƯỜNG NIÊN

1. Bài Tin Mừng: Mt 17,14-20
 14 Khi thầy trò đến với đám đông, thì có một người tới quỳ xuống trước mặt Đức Giê-su15 và nói: "Thưa Ngài, xin thương xót con trai tôi, vì cháu bị kinh phong và bệnh tình nặng lắm: nhiều lần ngã vào lửa, và cũng nhiều lần ngã xuống nước.16 Tôi đã đem cháu đến cho các môn đệ Ngài chữa, nhưng các ông không chữa được."17 Đức Giê-su đáp: "Ôi thế hệ cứng lòng không chịu tin và gian tà! Tôi còn phải ở với các người cho đến bao giờ, còn phải chịu đựng các người cho đến bao giờ nữa? Đem cháu lại đây cho tôi."18 Đức Giê-su quát mắng tên quỷ, quỷ liền xuất, và đứa bé được khỏi ngay từ giờ đó.
19 Bấy giờ các môn đệ đến gần hỏi riêng Đức Giê-su rằng: "Tại sao chúng con đây lại không trừ nổi tên quỷ ấy? "20Người nói với các ông: "Tại anh em kém tin! Thầy bảo thật anh em: nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải thôi, thì dù anh em có bảo núi này: "rời khỏi đây, qua bên kia! " nó cũng sẽ qua, và sẽ chẳ
ng có gì mà anh em không làm được".
                                                       
                                                             SUY NIỆM
Hôm nay sau khi Chúa Giêsu và ba môn đệ thân tín vừa từ trên núi Tabo đi xuống, thì gặp ngay một đám đông đang nhao nhác vây quanh một em bé bị quỷ ám nằm lăn lộn trước sự bất lực và đau khổ của người cha tội nghiệp. Chúa Giêsu ngao ngán vì sự cứng lòng tin của mọi người, nhưng Người cũng đã chữa lành cho đứa bé bị quỷ ám, và qua đó dạy cho họ biết về sức mạnh của niềm tin.
Trước hết, qua lời cầu xin của người cha đứa bé bị quỷ ám và qua lời của Chúa Giêsu, chúng ta cảm nhận được rằng, Chúa Giêsu cay đắng vì lòng tin hời hợt của mọi người: "Ôi thế hệ cứng lòng không chịu tin và gian tà! Tôi còn phải ở với các người cho đến bao giờ, còn phải chịu đựng các người cho đến bao giờ nữa? Đem cháu lại đây cho tôi."
Thật vậy, người đương thời theo Chúa chỉ vì sự tò mò và niềm tin của họ chỉ dựa trên phép lạ, chứ không phải xuất phát từ tấm lòng yêu mến thật sự. Họ quan niệm sai về vai trò Thiên Sai của Chúa, cụ thể là họ tụ tập chờ đợi Chúa chỉ vì được ăn no hoặc chỉ vì tò mò để được xem Chúa Giêsu trừ quỷ mà thôi. Và có lẽ, đáng buồn hơn là các môn đệ của Người đã thất bại trong việc trừ quỷ cho đứa bé, chỉ vì các ông đã lầm tưởng có thể dùng quyền trừ quỷ bằng sức riêng mình.
Loại quỷ này các môn đệ trừ không được, không phải vì năng quyền trước đó Chúa Giêsu ban cho các ông khi đi truyền giáo không đầy đủ, nhưng do các ông ỷ lại vào sức mình. Theo đoạn kết bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu bảo các môn đệ rằng chỉ trừ được quỷ bằng một niềm tin vững mạnh, nghĩa là phải dùng sức mạnh của Chúa mới trừ được, mà muốn có sức mạnh từ nơi Chúa thì phải kết hiệp với Người qua đời sống đức tin. Trong khi các môn đệ lúc “vắng Chúa” đã ỷ lại vào sức riêng mình để làm phép lạ vì cứ tưởng mình có quyền ấy mà không cần đến Chúa. Đó cũng là một sự yếu kém về đức tin.
Không ít người trong chúng ta cũng thế, khi thành công thì luôn nghĩ là do tài năng của mình mà quên Chúa, khi khó khăn hay đứng trước mưu ma chước quỷ lại dại dột dùng sức riêng mình để chống lại và rồi thất bại ê chề. Hôm nay Chúa Giêsu nhắc cho chúng ta rằng, quỷ rất sợ những ai có niềm tin tuyệt đối vào Thiên Chúa.
Chúa Giêsu nói: “Nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải thôi, thì dù anh em có bảo núi này: "rời khỏi đây, qua bên kia! " nó cũng sẽ qua, và sẽ chẳng có gì mà anh em không làm được.”. Nói như thế, Chúa Giêsu không muốn nói rằng đức tin có khả năng làm phép lạ như một sức mạnh phù phép, bùa chú, hiểu theo nghĩa đen là “chuyển núi dời non”.Nhưng Ngài muốn nói: đức tin là một động lực thúc đẩy chúng ta dám nghĩ, dám làm những việc to lớn, phi thường mà nếu không có lòng tin, chúng ta không dám hành động. Bởi vì, người có lòng tin thì hành động bằng quyền năng của Thiên Chúa, chứ không phải bằng khả năng giới hạn của mình. 
Nhờ đức tin thúc đẩy, chúng ta dám khởi công bắt ta vào việc xây dựng cuộc sống cho mình, cho anh chị em mình, rồi Chúa sẽ tiếp tay giúp sức chúng ta bằng quyền năng vô biên của Ngài, để hướng dẫn và biến đổi công việc nhỏ bé của chúng ta trở thành công trình to lớn, vĩ đại, phi thường. Một ví dụ cụ thể là: Hiệu quả đức tin của các Tông Đồ vốn là những người không có ảnh hưởng, quyền lực, phương tiện tài chính, tổ chức, báo chí, truyền hình... thế mà các Tông Đồ đã thay đổi dòng lịch sử
Hình ảnh một người cha khốn khổ tội nghiệp khi nhìn cảnh đau đớn của đứa con bị quỷ dữ hoành hành, đã đem đến cho các môn đệ của Chúa Giêsu để xin họ trừ quỷ (lúc Chúa Giêsu còn ở trên núi) nhưng các môn đệ Chúa Giêsu trừ không được. Điều này càng làm cho niềm tin mong manh của người cha đã yếu kém lại càng mong manh và thất vọng hơn bao giờ hết.
Đó cũng là thực trạng của không ít người trong chúng ta, niềm tin chúng ta vốn mong manh vì thiếu chiều sâu tri thức về Thiên Chúa và lòng mến đối với Người; niềm tin của chúng ta còn mong manh hơn khi gặp phải nhưng người mà chúng ta thần tượng lại bất lực trước sự hoành hành của tội lỗi và ma quỷ. Chúng ta gặp phải những vị mục tử thiếu đời sống cầu nguyện, chúng ta gặp phải những tu sĩ lo tìm thành công cho riêng mình, thì lúc đó niềm tin chúng ta càng bị thử thách hơn. Hãy như người cha của đứa bé bị quỷ ám hôm nay, mau chạy đến với Chúa để xin Người nâng đỡ niềm tin cho chúng ta. Chúa sẽ không bao giờ bỏ rơi những ai tìm kiếm Người.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho mọi người chúng con một đức tin trưởng thành, để nhờ niềm tin tuyệt đối vào Chúa, chúng con đủ sức chống lại mọi mưu ma chước quỷ đang xâm nhập vào mọi vấn đề của cuộc sống hôm nay. Amen.
Hiền Lâm

PHÚC ÂM Mt 17,14-19

                                     


PHÚC ÂM: Mt 17, 14-19 
“Nếu các con có lòng tin, thì chẳng có gì các con không làm được”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, có một người đến gần, quỳ gối trước mặt Chúa Giêsu mà nói rằng: “Lạy Ngài, xin thương xót con trai tôi vì nó mắc chứng kinh phong và rất trầm trọng: nó thường ngã vào lửa và lắm lúc nó ngã xuống nước. Tôi đã đem nó đến cùng môn đệ Ngài, nhưng các ông không thể chữa nó được”. Chúa Giêsu đáp: “Ôi thế hệ cứng lòng tin và hư hỏng! Ta phải ở với các ngươi đến bao giờ? Ta còn phải chịu đựng các ngươi đến bao giờ nữa? Hãy đem nó lại đây cho Ta”. Chúa Giêsu quát mắng quỷ và quỷ liền ra khỏi đứa bé. Và nó được lành ngay trong lúc ấy. Bấy giờ các môn đệ đến hỏi riêng Chúa Giêsu rằng: “Tại sao chúng con không thể trừ quỷ ấy được?” Chúa Giêsu bảo các ông rằng: “Vì các con yếu lòng tin! Thầy bảo thật các con: Nếu các con có lòng tin lớn bằng hạt cải, thì các con có khiến núi này rằng: ‘Hãy rời khỏi đây mà sang nơi kia’, thì nó liền đi sang, và chẳng có gì các con không làm được”. Đó là lời Chúa.
THỨ BẢY TUẦN 18 TN 
Mt 17,14-20
LÒNG TIN KHIÊM TỐN
Suy niệm: Không biết người đàn ông này đã đem con trai mình đến xin các môn đệ Chúa chữa bao nhiêu lần, nhưng lần nào các ông cũng thất bại. Vậy mà ông không chê bai, thất vọng, hay nản chí. Ngược lại, ông khiêm tốn đến quỳ lạy van xin Chúa cứu con mình: “Thưa Ngài, xin thương xót con trai tôi.” Sức mạnh của lòng tin ở nơi sự khiêm tốn. Chính vì lòng tin khiêm tốn mạnh mẽ đó mà Đức Giê-su đã đáp trả lời cầu xin của ông, cho ông được toại nguyện: “Đức Giê-su quát mắng tên quỷ, quỷ liền xuất, và đứa bé được khỏi ngay từ giờ đó.” Vâng, tin không phải là đòi hỏi. Tin là khiêm tốn chờ đợi tất cả từ tay Chúa, đón lấy tất cả như “hồng ân cho không” của Ngài. Chỉ những lời cầu nguyện khiêm tốn, chẳng dám đòi hỏi, nhưng trông đợi lòng thương xót Chúa, mới là lời cầu nguyện đẹp nhất, được Chúa nhận lời.
--Tin không chỉ là đồng ý mà còn là tín nhiệm, vâng phục Thiên Chúa. Khi tin, ta chấp nhận sự hoán cải tâm hồn, gắn bó cá vị với Con Thiên Chúa, sẵn sàng vâng theo các giáo huấn của Người. Là người tin, bạn hãy đặt mình một cách vô điều kiện dưới uy quyền của Thiên Chúa, dấn thân phụng sự Ngài suốt cuộc đời bạn.
--- Mỗi khi cầu xin, tôi dâng lên Chúa, khiêm tốn chờ đợi Chúa ban theo cách của Ngài, như hồng ân cho không của Chúa /
---: Lạy Chúaxin cho con luôn khiêm tốn và vững tin vào tình yêu Chúa, dù lắm lúc con không hiểu hết thánh ý nhiệm mầu của Chúa đã thể hiện trong cuộc đời con. Amen.

Thứ Năm, 30 tháng 7, 2015

PHÚC ÂM: Mt 13, 54-58



PHÚC ÂM: Mt 13, 54-58
 Tin Mừng Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu trở về quê quán Người, và giảng dạy người ta trong hội đường, khiến người ta ngạc nhiên và nói rằng: "Bởi đâu ông này được sự khôn ngoan và quyền làm phép lạ như vậy? Nào ông chẳng phải là con bác thợ mộc sao? Nào mẹ ông chẳng phải là bà Maria, và Giacôbê, Giuse, Simon, Giuđa chẳng phải là anh em ông sao? Và chị em ông, nào chẳng phải những người ở nơi chúng ta sao? Vậy bởi đâu ông được những sự ấy?" Và họ vấp phạm đến Người.
Nhưng Chúa Giêsu phán cùng họ rằng: "Không tiên tri nào mà không được vinh dự, trừ nơi quê quán và nhà mình". Người không làm nhiều phép lạ ở đó, vì họ chẳng có lòng tin.  Đó là lời Chúa.
(thanhlinh.net)

 Đức Giêsu bảo họ: “Ngôn sứ có bị khinh rẻ , thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình và trong gia đình mình mà thôi.”
Chúa Giêsu đang khích lệ cho tất cả những ai đang mang đầy nhiệt huyết trong mình, muốn đem ra phục vụ cộng đoàn giáo xứ của mình, hãy mạnh dạn đóng góp, để xây dựng. Trong việc đóng góp của bản thân chắc chắn sẽ có những người không ưa thích, có khi còn bị chống đối. Hãy nhìn vào Chúa Giêsu, Người đầy quyền phép trong lời nói cũng như trong việc làm, mà còn bị chính những người đồng hương coi thường và xua đuổi, thì chúng ta còn e ngại gì.
Lạy Chúa Giêsu. Giáo Hội đang cần có nhiều “Tông đồ giáo dân” trong việc loan báo Tin Mừng. Xin Chúa ban cho mọi thành viên trong gia đình chúng con luôn được ơn can đảm trong khiêm nhường mỗi khi cộng tác với giáo xứ của mình, để đem lại lợi ích chung: làm sáng danh Chúa và cứu rỗi các linh hồn.
Mạnh Phương

Thứ Tư, 29 tháng 7, 2015

PHÚC ÂM: Mt 13, 47-53



PHÚC ÂM: Mt 13, 47-53
  Tin Mừng Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân chúng rằng: "Nước trời lại giống như lưới thả dưới biển, bắt được mọi thứ cá. Lưới đầy, người ta kéo lên bãi, rồi ngồi đó mà lựa chọn: cá tốt thì bỏ vào giỏ, còn cá xấu thì ném ra ngoài. Đến ngày tận thế cũng như vậy: các thiên thần sẽ đến mà tách biệt kẻ dữ ra khỏi người lành, rồi ném những kẻ dữ vào lò lửa: ở đó sẽ phải khóc lóc nghiến răng. Các ngươi có hiểu những điều đó không?" Họ thưa: "Có".
Người liền bảo họ: "Bởi thế, những thầy thông giáo am tường về Nước trời cũng giống như chủ nhà kia, hay lợi dụng những cái cũ, mới trong kho mình". Khi Chúa Giêsu phán các dụ ngôn đó xong, thì Người rời khỏi nơi ấy.  Đó là lời Chúa.
(thanhlinh.net)

 “Nước Trời lại còn giống như chuyện chiếc lưới thả xuống biển, gom được đủ thứ cá. Khi lưới đầy, người ta kéo lên bờ rồi ngồi nhặt cá tốt cho vào giỏ, còn cá xấu thì vứt ra ngoài”
Chúa Giêsu đang cho mỗi một người trong chúng ta biết, mặc dầu trong chúng ta, ai cũng đã được lãnh nhận ơn đức tin, để trở thành con cái của Chúa trong Giáo Hội của Ngài. Nhưng không phải ai cũng được rỗi linh hồn. Mỗi một người còn tùy thuộc vào đời sống đức tin của mình, khi đón nhận ân sủng của Ngài để chu toàn lề luật của Ngài. Không có ân sủng của Ngài, chúng ta khó có thể trưởng thành trong đời sống đức tin. Không có ân sủng của Ngài chúng ta dễ sa vào cám dỗ của Sa-tan.
Lạy Chúa Giêsu. Xin cho mọi thành viên trong gia đình chúng con luôn biết nuôi sống mình bằng những ân sủng của Chúa qua các phép Bí Tích, để chúng con được lớn lên, không bị vứt ra ngoài.
Mạnh Phương

PHÚC ÂM 10,38-42


http://tongdomucvusuckhoe.net/wp-content/uploads/2012/11/martamaria.jpg



                                    
 Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu vào một làng kia, và có một phụ nữ tên là Martha rước Người vào nhà mình. Bà có người em gái tên là Maria ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người. Martha bận rộn với việc thết đãi khách. Bà đứng lại thưa Người rằng: "Lạy Thầy, em con để con hầu hạ một mình mà Thầy không quan tâm sao? Xin Thầy bảo em con giúp con với". Nhưng Chúa đáp: "Martha, Martha, con lo lắng bối rối về nhiều chuyện. Chỉ có một sự cần mà thôi: Maria đã chọn phần tốt nhất, và sẽ không bị ai lấy mất". Đó là lời Chúa.
(thanhlinh.net)


          Thánh Matta đã đón tiếp và hậu đãi Chúa cũng như các tông đồ một cách tận tình. Điều đó làm Chúa vui và rất đúng với ý Chúa. Chúa đã nói: Mỗi lần các người làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy. Thánh Gioan đã quả quyết: Chẳng ai thấy Thiên Chúa bao giờ, nếu chúng ta thương yêu nhau, thì Thiên Chúa ở trong chúng ta, và tình yêu của Người nơi chúng ta đã được tuyệt hảo. Do đó, chúng ta phải có tinh thần phục vụ Chúa trong mọi người, sẵn sàng chia cơm sẻ áo cho người đói khát, cho đỗ nhà những người lữ khách, thăm viếng những người già neo đơn bệnh tật, hòa giải những nơi có tranh chấp và đến đọc kinh an ủi những gia đình tang quyến. Trên hết mọi sự, chúng ta phải có một đức tin kiên vững để việc chúng ta làm sinh ích cho chúng ta và toàn thể Giáo Hội. Khi chúng ta làm vì Chúa thì chúng ta sẽ làm với thái độ và cung cách tận tâm tận tình, phục vụ mà không đòi đền đáp nhưng để Chúa đáp đền và ân thưởng cho những cố gắng của chúng ta ở đời này và ngày sau được chung bàn tiệc mà Chúa đã hứa cho những ai đã phục vụ Chúa hết tình: Thầy bảo thật anh em, chủ sẽ đưa họ vào bàn ăn, và đến bên từng người mà phục vụ. Amen./
Lm. Phêrô Mai Tích

Thứ Ba, 28 tháng 7, 2015

PHÚC ÂM: Mt 13, 36-43


Kết quả hình ảnh cho du ngon co lùng


 Kết quả hình ảnh cho du ngon co lùng

Đang xem tivi chiếu lại những hình ảnh sóng thần lôi cuốn nhà cửa, xe cộ, tàu bè… kéo ra biển vào ngày 11/3/2011 tại Nhật Bản, một chị đã chia sẻ cảm nghĩ: “Con cầu cho sóng thần cuốn hết những con người gian ác ra biển! Ở nhà thờ họ đọc sách thánh, cho rước lễ, ăn mặc xinh đẹp, lượn qua lượn lại. Khi về nhà, họ cho người nghèo vay lãi cắt cổ, siết họng người ta… Con cầu cho sóng thần lôi hết những người này ra biển chết cho rồi!” Eo ôi! Nghe xong tôi rợn cả người!
Trong bài Phúc âm hôm nay, Chúa Giêsu đã dùng “dụ ngôn cỏ lùng” để chỉ về sự tốt và xấu nằm ngay trong tâm hồn mỗi người và trong các môi trường sinh hoạt của con người, giáo hội và xã hội. Môi trường nào cũng có thiện ác. Cỏ lùng là một thứ cỏ mọc lên giống hệt cây lúa miến của miền Do Thái. Chỉ khác có một điều là hạt nhỏ hơn và thân rộng hơn. Thật khó mà phân biệt được lúa và cỏ lùng khi chúng còn non chưa đâm bông. Nhưng khi đã đâm bông rồi thì ngay cả một em bé nhỏ xíu cũng biết phân biệt được đâu là lúa, đầu là cỏ lùng. Cỏ lùng hay mọc vào sau những vụ mùa, nhưng lại giỗ chín sớm hơn lúa. Thành thử đó là cái phiền cho nhà nông không biết nhổ thế nào cho thuận tiện. Nhổ cỏ lúc còn non thì e nhổ lầm cả vào lúa. Hơn nữa, cỏ lùng có rễ mọc chằng chịt quấn bó vào rễ lúa. Riêng về hạt cỏ lùng còn có một chất ma túy độc hại. Ăn nó vào miệng sẽ làm tê cay, choáng váng, rồi nôn mửa! Sau cùng, phải chấp nhận giải pháp tốt nhất là chọn cái bớt hại hơn. Đó là chờ cho tới ngày mùa gặt, chủ ruộng sẽ cắt cả hai cùng một lúc.
Thiện ác là hai mãnh lực nằm trong lòng mỗi người và cuộc đời. Chính thánh Phaolô đã nói lên cuộc chiến đấu nội tâm này như sau: “Muốn sự thiện thì tôi có thể muốn, nhưng làm thì không. Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm.” (Rm 1:18-19). Bởi thế cho nên, các bậc thánh nhân đã nói đời là một cuộc chiến đấu triền miên với chính mình là thế. Trong mỗi người vẫn có tấm lòng nhiệt tình của Phêrô, nhưng cũng có mưu mô gian ác của Giuđa. Chúng ta cần có ơn thánh để làm lành lánh dữ. Chúng ta cần đến lòng thương xót của Thiên Chúa. Lòng thương xót của Thiên Chúa không cho phép sóng thần lôi cổ những người gian ác kéo ra biển, vì biết đâu đó cũng là lúc sự gian ác đang ở trong chính mình thì sao? Chúa yêu thương cả người lành lẫn kẻ dữ. Đàng khác, Chúa Giêsu đã đến trần gian này không phải vì những người công chính mà là vì những kẻ tội lỗi (Mc 2:17). Lòng nhân lành của Chúa chưa muốn phạt kẻ dữ vì muốn cho họ có thêm cơ hội, thêm thời giờ để mà ăn năn hối cải. Nếu họ không biết lợi dụng những thời cơ ấy, thì chính thời cơ ấy sẽ là than hồng, lửa bỏng đổ lên đầu họ vào ngày sau hết. Hãy tạ ơn lòng nhân lành của Chúa đối với tội lỗi của chính mình để có lòng sám hối quay trở về với Chúa, hơn là khắt khe lên án anh chị em mình.
Lm Joseph Nguyễn Thái



Kết quả hình ảnh cho du ngon co lùng


PHÚC ÂM: Mt 13, 36-43
 Tin Mừng Thánh Matthêu.
Khi ấy, sau khi giải tán dân chúng, Chúa Giêsu trở về nhà. Các môn đệ đến gặp Người và thưa rằng: "Xin Thầy giải thích dụ ngôn cỏ lùng trong ruộng cho chúng con nghe". Người đáp lại rằng: "Kẻ gieo giống tốt là Con Người. Ruộng là thế gian. Còn hạt giống tốt là con cái Nước Trời. Cỏ lùng là con cái gian ác. Kẻ thù gieo cỏ lùng là ma quỷ. Mùa gặt là ngày tận thế. Thợ gặt là các thiên thần. Cũng như người ta thu lấy cỏ lùng, rồi thiêu đốt trong lửa thế nào, thì ngày tận thế cũng sẽ xảy ra như vậy: Con Người sẽ sai các thiên thần đi thu tất cả gương xấu và mọi kẻ làm điều gian ác khỏi nước Chúa, rồi ném tất cả chúng vào lửa: ở đó sẽ phải khóc lóc nghiến răng. Bấy giờ kẻ lành sẽ sáng chói như mặt trời trong nước của Cha mình. Ai có tai để nghe thì hãy nghe".  Đó là lời Chúa.
(thanhlinh.net)

Chủ Nhật, 26 tháng 7, 2015

PHÚC ÂM: Mt 13, 31-35



Có người nằm mơ thấy đi vào một cửa hàng mới khai trương. Anh ta tò mò bước vào và thấy Chúa Giêsu và các môn đệ đang bận rộn bán hàng. Anh hỏi Chúa: “Chúa bán gì ở đây vậy?” Chúa mỉm cười: “Mọi thứ con người mơ ước.”
Thú vị quá, anh hỏi tiếp: “Con muốn sức khoẻ, gia đình hạnh phúc, công ăn việc làm tốt đẹp. Chúa có bán không?” Chúa gật đầu, hỏi lại: “Con còn cần gì nữa không?” Suy nghĩ một chút anh ta trả lời: “Con muốn mua sự bình an trong tâm hồn, hạnh phúc, khôn ngoan, và sự tự do khỏi mọi nỗi sợ hãi.” Nghĩ ngợi một chút anh thêm: “Không phải cho con mà cho hết mọi người!”
Chúa bảo anh ta sang quầy bên cạnh lấy hàng. Thánh Phêrô trao cho anh mấy gói nhỏ. Anh ngạc nhiên hết sức, quay lại nhìn Chúa. Chúa mỉm cười: “Con ơi, chắc con chưa hiểu rõ rồi. Ta không bán hoa quả. Ta chỉ bán hạt giống thôi.”

 Tin Mừng Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán một dụ ngôn khác cùng dân chúng rằng: "Nước trời giống như hạt cải người kia gieo trong ruộng mình. Hạt ấy bé nhỏ hơn mọi thứ hạt giống, nhưng khi mọc lên, thì lớn hơn mọi thứ rau cỏ, rồi thành cây, đến nỗi chim trời đến nương náu nơi ngành nó".
Người lại nói với họ một dụ ngôn khác nữa mà rằng: "Nước trời giống như nắm men người đàn bà kia lấy đem trộn vào ba đấu bột, cho đến khi bột dậy men".
Chúa Giêsu dùng dụ ngôn mà phán những điều ấy với dân chúng. Người không phán điều gì với họ mà không dùng dụ ngôn, để ứng nghiệm lời tiên tri đã chép rằng: "Ta sẽ mở miệng nói lời dụ ngôn: Ta sẽ tỏ ra những điều bí nhiệm từ lúc dựng nên thế gian".  Đó là lời Chúa.
(thanhlinh.net)***
Hạt giống của đức tin, sự bình an trong tâm hồn, hạnh phúc, khôn ngoan, và sự tự do khỏi mọi nỗi sợ hãi… được người gieo giống trong bài Phúc Âm hôm nay vừa đi vừa vung tay thoải mái gieo rắc hạt giống khắp nơi như chẳng quan tâm gì đến việc phung phí. Người nghe không thể nào hiểu nổi tại sao người gieo giống lại thiếu kinh nghiệm trồng trọt đến thế.
Câu chuyện người gieo giống không phải là về người đi gieo hoặc về hạt giống, nhưng là về tình trạng mảnh đất được gieo trồng. Không có hạt giống xấu, chỉ có những mảnh vườn chưa được khai thác.
Lời Chúa không phải chỉ để nghe xuông nhưng cần phải đưa vào cuộc sống. Để có năng xuất cao, nhà nông phải chuyên cần làm việc, phải cày lên sỏi đá, vứt bỏ gai góc, bón phân tưới nước đầy đủ. Cũng vậy Lời Chúa đòi hỏi kiên trì và nỗ lực nơi tâm hồn của mỗi người chúng ta để sinh hiệu quả.
Chỉ cần một câu Tin Mừng thôi nhưng nếu được suy gẫm kỹ càng và kiên trì thực hiện thì sẽ sinh kết quả gấp trăm. Đó là những mảnh đất tốt, sinh nhiều hoa lợi.
Bạn và tôi, chúng ta phải làm gì để hạt giống của Chúa sinh hoa kết quả trong đời sống chúng ta?
***
Lạy Chúa, sau khi đã lắng nghe Lời Ngài, đã thấm nhuần hạt giống đức tin trong tâm hồn, xin cho con biết ý thức việc “THỰC HÀNH” Lời Chúa trong đời sống Kitô hữu của mình. Xin cho con nhận thức tầm quan trọng của việc “SỐNG” Lời Chúa sẽ quyết định số phận sống còn của hạt giống đức tin chứ không phải là việc “NGHE” Lời Chúa.
Bảo Lộc


Thứ Bảy, 25 tháng 7, 2015

PHÚC ÂM: Ga 6, 1-15



Bạc! Suy niệm Chúa nhật 17 TN năm B



Có hai anh em nhà kia áo quần rách nát đang dùng cây sắt bới móc đống rác ở bãi rác trung chuyển cạnh một con đường nhỏ. Bỗng mắt hai đứa sáng lên khi thấy một miếng bánh kem từ trong chiếc xe hơi đậu gần đó vất xuống lề đường. Thằng anh vội chạy đến nhặt lên, nhưng chiếc bánh đã bị lấm đất không thể ăn được. Đứa em gái nuốt nước miếng nói với anh: "Anh phải thổi cho cát bẩn bay đi đã rồi anh em mình mới có thể ăn được". Thằng anh liền phùng má thổi mạnh vào chiếc bánh cho đất cát bay ra. Nhưng cát bẩn đã dính sâu vào bánh, thổi thế nào cũng không chịu văng ra. Con em  sốt ruột cũng ghé miệng thổi và lỡ tay đụng vào tay của anh khiến chiếc bánh bị rơi tòm xuống chiếc rãnh hôi hám ven đường. Thằng anh tiếc của trách em gái: "Tại em đó. Em đã  đụng vào tay anh làm cho chiếc bánh bị rơi xuống cống rồi. Bây giờ lấy gì ăn đây ?”. Nhưng rồi khi thấy vẻ mặt buồn bã của em, nó liền an ủi em: "Ừ, lỗi tại anh! Nhưng may là kem vẫn còn dính vào tay anh nè. Cho em mút kem trong ba ngón, còn anh chỉ mút hai ngón còn lại thôi!"
Câu chuyện nói trên không biết thực hư đến đâu? Nhưng câu chuyện cũng cho thấy trong đời thường có những người giàu vất bỏ đồ ăn đi. Còn nhiều kẻ nghèo lại phải bòn nhặt những miếng bánh ấy. Là tín hữu của Đức Giê-su, chúng ta cần phải làm gì để giúp đỡ cụ thể những người nghèo khổ bất hạnh trong hoàn cảnh xã hội hôm nay?



                      

 Tin Mừng Thánh Gioan.
Khi ấy, Chúa Giêsu đi sang bên kia biển Galilêa, cũng gọi là Tibêria. Có đám đông dân chúng theo Người, vì họ đã thấy những phép lạ Người làm cho những kẻ bệnh tật. Chúa Giêsu lên núi và ngồi đó với các môn đệ. Lễ Vượt Qua là đại lễ của người Do-thái đã gần tới.
Chúa Giêsu ngước mắt lên và thấy đám rất đông dân chúng đến với Người. Người hỏi Philipphê: "Ta mua đâu được bánh cho những người này ăn?" Người hỏi như vậy có ý thử ông, vì chính Người đã biết việc Người sắp làm. Philipphê thưa: "Hai trăm bạc bánh cũng không đủ để mỗi người được một chút". Một trong các môn đệ, tên là Anrê, em ông Simon Phêrô, thưa cùng Người rằng: "Ở đây có một bé trai có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá, nhưng bấy nhiêu thì thấm vào đâu cho từng ấy người". Chúa Giêsu nói: "Cứ bảo người ta ngồi xuống". Nơi đó có nhiều cỏ, người ta ngồi xuống, số đàn ông độ năm ngàn.
Bấy giờ Chúa Giêsu cầm lấy bánh, và khi đã tạ ơn, Người phân phát cho các kẻ ngồi ăn, và cá cũng được phân phát như thế, ai muốn bao nhiêu tuỳ thích. Khi họ đã ăn no nê, Người bảo các môn đệ: "Hãy thu lấy những miếng còn lại, kẻo phí đi". Họ thu lại được mười hai thúng đầy bánh vụn do năm chiếc bánh lúa mạch người ta đã ăn mà còn dư.
Thấy phép lạ Chúa Giêsu đã làm, người ta đều nói rằng: "Thật ông này là Đấng tiên tri phải đến trong thế gian". Vì Chúa Giêsu biết rằng người ta sẽ đến bắt Người để tôn làm vua, nên Người lại trốn lên núi một mình. Đó là lời Chúa.
(thanhlinh.net)
++++++++++++++++++

PHÚC ÂM: Mt 20, 20-28


Thời xuân thu, Ngô vương chuẩn bị đánh phạt nước Sở. Ông ta nói:
  -  “Ai dám ngăn cản, thì xử tử lập tức!”
Quan theo hầu Ngô vương có một đứa con trai tuổi còn nhỏ, nó muốn khuyên Ngô vương bỏ ý định đánh phạt nước Sở, nhưng không dám tiến vào cung. Thế là sáng sớm mỗi ngày cầm cái cung da, đi đến sau vườn hoa chơi, đi đã ba ngày, cuối cùng cũng gặp được Ngô vương.
Ngô vương nói:
  -  “Thằng nhỏ, tại sao sáng nào cũng để cho áo quần ướt như thế?”
Đứa bé nói:
 -  “Đại vương, ở trong vườn có một cây, trên cành cây có một con ve sầu đang hể hả đắc ý kêu inh ỏi, nhưng lại không nghĩ rằng có con bọ ngựa đang ẩn sau lưng chuẩn bị vồ nó; nhưng con bọ ngựa ấy cũng không nghĩ rằng có một con chim vành khuyên ở một bên đang muốn mổ nó; mà con vành khuyên thì cũng không ngờ rằng tôi cầm cây cung da đang ngắm nó chính xác! Đại vương, tất cả chúng nó chỉ nhìn thấy cái lợi trước mắt, nhưng không nhìn thấy cái hại ở sau lưng, điều này rất là nguy hiểm ạ!”
Ngô vương nói:
-  “Rất có lí!”
Thế là tránh được chuyện đánh phạt nước Sở.
Suy niệm:
Ai cũng muốn cho mình được hưởng cái lợi trước mắt mà không thấy những cái hại theo sau. Hai người con ông Dêbêđê chẳng hiểu gì khi xin Chúa cho được ngồi bên tả, bên hữu Ngài. Các ông chỉ nhắm đến lợi ích ngay trước mắt, chứ không nghĩ đến sự sống đời đời. Tuy các ông chưa biết điều Chúa đưa ra như thế nào, các ông vẫn chấp nhận vì các ông không hiểu gì. Đó có lẽ cũng là điều mà Chúa muốn nhắc nhở mỗi người chúng ta khi cầu nguyện. Chúa biết rõ nhu cầu của chúng ta khi chúng ta chưa cầu xin. Vì thế, muốn được Chúa nhậm lời, chúng ta cần kết hợp với Chúa nhiều hơn để hiểu Người muốn gì nơi chúng ta; lúc đó, chúng ta biết mình cần xin gì.
Lạy Chúa, xin cho con hiểu được ý Chúa khi con chìm sâu trong cầu nguyện, để con thực thi mỗi ngày trong cuộc sống.
Têrêsa Mai An
 .Tin Mừng Thánh Matthêu.
Khi ấy, bà mẹ các con ông Giêbêđê cùng với hai con đến gặp Chúa Giêsu. Bà sấp mình xuống lạy Người, có ý xin Người điều chi đó. Người hỏi: "Bà muốn gì?" Bà ta thưa lại: "Xin Ngài hãy truyền cho hai con tôi đây được ngồi một đứa bên hữu, một đứa bên tả Ngài, trong Nước Ngài".
Chúa Giêsu đáp lại: "Các ngươi không biết điều các ngươi xin. Các ngươi có thể uống chén mà ít nữa đây ta sắp uống chăng?" Họ nói với Người: "Thưa được". Người bảo họ: "Vậy các ngươi sẽ uống chén của Ta, còn việc ngồi bên hữu hay bên tả, thì không thuộc quyền Ta ban, nhưng Cha Ta đã chuẩn bị cho ai thì người ấy mới được". Nghe vậy, mười người kia tỏ ra bất bình với hai anh em.
Chúa Giêsu gọi họ lại mà bảo: "Các con biết thủ lãnh của các dân tộc thì thống trị họ và những người làm lớn thì hành quyền trên họ. Giữa các con thì không được thế. Trong các con, ai muốn làm lớn, thì hãy phục vụ các con, và ai muốn cầm đầu các con, thì hãy làm tôi tớ các con. Cũng như Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng để phục vụ và phó mạng sống làm giá chuộc cho nhiều người".  Đó là lời Chúa.
(thanhlinh.net)

Thứ Năm, 23 tháng 7, 2015

PHÚC ÂM: Mt 13, 18-23



PHÚC ÂM: Mt 13, 18-23
 Tin Mừng Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Vậy các con hãy nghe dụ ngôn về người gieo giống: Kẻ nào nghe lời giảng về Nước Trời mà không hiểu, thì quỷ dữ đến cướp lấy điều đã gieo trong lòng nó: đó là kẻ thuộc hạng gieo dọc đường. Hạt rơi trên đá sỏi là kẻ khi nghe lời giảng, thì tức khắc vui lòng chấp nhận, nhưng không đâm rễ sâu trong lòng nó: đó là kẻ nông nổi nhất thời, nên khi cuộc bách hại, gian nan xảy đến vì lời Chúa, thì lập tức nó vấp ngã. Hạt rơi vào bụi gai, là kẻ nghe lời giảng, nhưng lòng lo lắng việc đời, ham mê của cải, khiến lời giảng bị chết ngạt mà không sinh hoa kết quả được. Hạt gieo trên đất tốt, là kẻ nghe lời giảng mà hiểu được, nên sinh hoa kết quả, đến nỗi có hạt được một trăm, có hạt sáu mươi, có hạt ba mươi".  Đó là lời Chúa.
(thanhlinh.net)

Thứ Tư, 22 tháng 7, 2015

PHÚC ÂM: Mt 13, 10-17


Tại một nhà thờ nọ tại Chicago bên Hoa Kỳ, trong một cuộc triển lãm các vật sưu tầm, người ta thấy có cả một khu dùng để triển lãm các lọ đựng muối tiêu. Một ông khách nọ vừa bước vào, sau khi mua một cái bánh Hamburger ở cửa vào, đã vội vã đi một vòng quan sát. Khi tới khu triển lãm các lọ đựng muối tiêu, ông mới sực nhớ ra cái Hamburger của mình nhạt quá. Thế là ông đã cầm lấy một lọ muối và xốc nhiều lần. Nhưng xốc đến lọ thứ mười hai mà ông vẫn chưa thấy muối. Ông đành phải trở lại cửa xin người bán hàng cho ít muối và phàn nàn: "Gần hai trăm cái lọ muối thế kia mà không có lấy một hột muối".
Ðó là hình ảnh của cuộc đời Kitô chúng ta. Mang lấy danh hiệu là muối đất, nhưng lắm lúc chúng ta chỉ là những lọ trống không. Muối dùng để ướp đồ ăn cho khỏi ươn thối. Muối dùng để sát trùng, chữa những vết thương. Muối dùng để nêm cho thức ăn được thêm đậm đà...
Trong một xã hội đang thối rữa vì những tệ đoan, người Kitô cần phải là muối để thanh tẩy và đem lại cho cuộc sống thêm đậm đà hương vị. Một lời nói, một hành động của chúng ta, nếu có chút muối của Ðức Tin, Ðức Ái sẽ mang lại cho những người xung quanh niềm vui và sức sống.
(Lẽ Sống)


PHÚC ÂM: Mt 13, 10-17
 Tin Mừng Thánh Matthêu.
Khi ấy, các môn đệ đến gần thưa Chúa Giêsu rằng: "Tại sao Thầy dùng dụ ngôn mà nói với họ?" Người đáp lại: "Về phần các con, đã cho biết những mầu nhiệm Nước Trời, còn họ thì không cho biết. Vì ai đã có, thì ban thêm cho họ được dư dật; còn kẻ không có, thì cái họ có cũng bị lấy đi. Bởi thế, Thầy dùng dụ ngôn mà nói với họ: vì họ nhìn mà không thấy, lắng tai mà không nghe và không hiểu chi hết. Thế mới ứng nghiệm lời tiên tri Isaia nói về họ rằng: 'Các ngươi lắng tai nghe mà chẳng hiểu, trố mắt nhìn mà chẳng thấy gì. Vì lòng dân này đã ra chai đá, họ đã bịt tai, và nhắm mắt lại, kẻo mắt thấy được, tai nghe được, và lòng chúng hiểu được mà hối cải, và Ta lại chữa chúng cho lành'.
"Phần các con, phúc cho mắt các con vì được thấy; và phúc cho tai các con vì được nghe. Quả thật, Thầy bảo các con: Nhiều vị tiên tri và nhiều đấng công chính đã ao ước trông thấy điều các con thấy, mà không được thấy; mong ước nghe điều các con nghe, mà không được nghe".  Đó là lời Chúa.
(thanhlinh.net)