Thứ Năm, 13 tháng 9, 2018

SUY TÔN THÁNH GIÁ. 14.09.2018


BÀI ĐỌC I: Ds 21, 4-9        Trích sách Dân số.
Trong những ngày ấy, dân chúng đi đường và mệt nhọc, nên nản chí, họ kêu trách Chúa và Môsê rằng: “Tại sao các người dẫn chúng tôi ra khỏi Ai-cập, cho chúng tôi chết trong hoang địa. Không bánh ăn, không nước uống, chúng tôi đã ngán thức ăn nhàm chán này”. Bởi đó Chúa cho rắn lửa bò ra cắn chết nhiều người. Họ chạy đến cùng Môsê và thưa rằng: “Chúng tôi đã phạm tội, vì chúng tôi nói những lời phản nghịch Chúa và phản nghịch ông. Xin ông cầu nguyện để Chúa cho chúng tôi khỏi rắn cắn”.
Môsê cầu nguyện cho dân. Và Chúa phán cùng Môsê rằng: “Ngươi hãy đúc một con rắn đồng và treo nó lên làm dấu; kẻ nào bị rắn cắn mà nhìn lên rắn đồng, thì được sống”. Môsê đúc một con rắn đồng, treo nó lên làm dấu, và kẻ nào bị rắn cắn mà nhìn lên rắn đồng, thì được chữa lành. Đó là lời Chúa.
BÀI ĐỌC II: Pl 2, 6-11         ..Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Philípphê.
Anh em thân mến, Chúa Giêsu Kitô, tuy là thân phận Thiên Chúa, đã không nghĩ phải giành cho được ngang hàng với Thiên Chúa; trái lại, Người huỷ bỏ chính mình mà nhận lấy thân phận tôi đòi, đã trở nên giống như loài người, với cách thức bề ngoài như một người phàm. Người đã tự hạ mình mà vâng lời cho đến chết, và chết trên thập giá. Vì thế, Thiên Chúa đã tôn vinh Người, và ban cho Người một danh hiệu vượt trên mọi danh hiệu, để khi nghe tên Giêsu, mọi loài trên trời dưới đất và trong địa ngục phải quỳ gối xuống, và mọi miệng lưỡi phải tuyên xưng Đức Giêsu Kitô là Chúa, để Thiên Chúa Cha được vinh quang. Đó là lời Chúa.
PHÚC ÂM: Ga 3, 13-17
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng Nicôđêmô rằng: “Không ai lên trời được, ngoài người đã từ trời xuống, tức là Con Người vốn ở trên trời. Cũng như Môsê treo con rắn nơi hoang địa thế nào, thì Con Người cũng phải bị treo lên như vậy, để những ai tin vào Người, thì không bị tiêu diệt muôn đời.
“Quả thật, Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một Người, để tất cả những ai tin vào Con của Người, thì không phải hư mất, nhưng được sống đời đời, vì Thiên Chúa không sai Con của Người giáng trần để luận phạt thế gian, nhưng để thế gian nhờ Con của Người mà được cứu độ”. Đó là lời Chúa.                  (thanhlinh.net)

Suy niệm: Ở phòng truyền thống của Hội Thừa Sai Paris (MEP) hiện nay vẫn còn giữ được những di vật của các thánh tử đạo Việt Nam: những sợi xích, những chiếc gông các vị tử đạo đã mang khi chịu nhục hình, chịu chết được cất giữ cẩn thận trang trọng trong các tủ kính. Tự bản thân, chúng chỉ là những dấu hiệu của khổ nhục; giá trị vật chất của chúng cũng không nhiều. Thế nhưng chúng quí giá vì chúng là bằng chứng cho niềm tin bất khuất của các vị tử đạo. Suy cho cùng, không phải bất cứ cây thập giá nào cũng được tôn vinh mà chỉ có Thập giá Chúa Ki-tô bởi vì nhờ cây Thập Giá đó, Chúa Ki-tô đem lại ơn cứu độ cho nhân loại. Nhờ kết hiệp với Thập giá Chúa Ki-tô, những gông xiềng các vị tử đạo, và nói rộng ra, mọi hy sinh, nỗ lực của chúng ta cũng góp phần dẫn chúng ta đến hạnh phúc cứu độ.
Mời Bạn: Những cây thập giá bằng vàng, bạc chúng ta đeo sẽ chỉ có giá trị một món đồ trang sức, những dấu thánh giá chúng ta “vẽ” trên mình sẽ chỉ là những cử chỉ vô nghĩa, nếu như đời sống của chúng ta không diễn tả mầu nhiệm thập giá của Chúa Ki-tô. Mời bạn tự vấn: Tôi có sẵn sàng đón nhận hy sinh gian khổ khi phục vụ tha nhân không? Tôi có dám chịu những thiệt thòi, hệ luỵ để dấn thân bênh vực cho công lý, sự thật, cho những người bị bỏ rơi không?
Chia sẻ: Lối sống nào của bạn đang ngầm chối bỏ Thập giá Chúa Ki-tô?
Sống Lời Chúa: Mỗi khi làm dấu thánh giá, bạn xin ơn biết dùng đời sống mình để rao giảng Thập giá Chúa Ki-tô.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin biến đổi đời sống con thành lời rao giảng cho mầu nhiệm Thập giá Chúa Ki-tô.                      (5 Phút Lời Chúa)
Suy Tôn Thánh Giá        Ds 21, 4b-9; Ga 3, 13-17.
LỜI SUY NIỆM: “Như ông Môsê đã giương cao con rắn trong sa-mạc, Con Người cũng sẽ phải giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời.”
            Chúa Giêsu đưa ra hình ảnh con rắn được giương cao trong Cựu Ước, để Người nói với ông Nicôđêmô cũng như với mỗi người trong chúng ta ngày hôm nay. Chính Người là Đấng chữa lành và mang lại sự sống, tái lập lại giao ước mới, cứu rỗi dân Người. Tóm lại, Người chính là vị tư tế của chính hy tế mình.
            Lạy Chúa Giêsu. Thập Giá không còn là một sự nhục nhã nữa, nhưng thành một đòi buộc và là một tước hiệu của vinh quang trước tiên đối với Chúa, tiếp đó là đối với Kitô hữu chúng con. Xin cho chúng con mỗi lần ghi dấu Thánh Giá trên mình, thì luôn nhớ đến cuộc Thương Khó và sự Phục Sinh của Chúa, cùng tin vào mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa với  lòng yêu mến Thánh Giá Chúa.                 (Mạnh Phương)
NGÀY 14-09 LỄ KÍNH THÁNH GIÁ CHÚA GIÊSU
Chosroes, vua Ba Tư, sau khi xâm lược Ai cập và trọn miền Phi Châu thuộc Roma, đã chiếm Giêrusalem, giết hàng ngàn người Kitô hữu và chuyển về vương quốc của ông gia sản quí báu nhất là Thánh giá thật mà thánh nữ Hêlôna tìm lại được và đăt trên núi Canvê. Dầu vậy Chostòes đã tỏ lòng tôn kính đặc biệt cây thánh giá này. Ông không dám nhìn cây thánh giá để trần, cũng không cho tháo gỡ bao che mà thánh nữ Hêlena đã học. Dân Batư cùng chung một niềm kính sợ. Họ nói rằng: Thiên Chúa của người Kitô hữu đã tới với quê hương họ và không nên chọc giận Ngài.
Hoàng đế Hêrachiô đã tới vương quốc hai lần để cầu hòa với vua Chosròes. Nhưng nhà vua Ba Tư đã ngạo mạn đưa ra điều kiện cho các vị đặc sứ: – “Trước hết nhà vua các ngươi phải từ bỏ đức Kitô và thờ lạy mặt trời như chúng tôi. Sau đó chúng tôi sẽ hoà hoãn với ông ta”.
Thái độ trịch thượng này đã làm cho các Kitô hữu phải kinh ngạc. Hoàng đế nổi giận, Ngài nói với các sĩ quan rằng: mình sẽ đổ tới giọt máu cuối cùng để trả thù cho tội phạm sự thánh này. Hàng giáo sĩ các tu viện và mỗi Kitô hữu đều rộng tay góp của giúp hoàng đế thực hiện cuộc thánh chiến. Một đạo binh được thành lập nhanh chóng. Sau khi cầu khẩn sự trợ giúp của trời cao, Ngài đã vào Batư và ba lần bắt Chosròes phải tẩu thoát. Nhưng kẻ bại trận thay vì nghĩ tới chuyện cầu hòa, lại đưa người con thứ là Medarsèr lên ngôi.
Người con trưởng của ông là Siròes nổi giận đã âm mưu sát hại em lẫn cha mình. Bắt được họ đang trên đường tẩu thoát, hắn bèn thực hiện ý định, Chorròes bị hốt tù và chết đói sau khi phải chứng kiến tận mắt Mêdarsèr cùng với các con bị thắt cổ chết.
Siròes chiếm giữ ngai vàng Ba Tư và xin cầu hoà với Hoàng đế Hêrachiô. Hoàng đế ưng thuận với điều kiện là hắn phải trả lại thập giá và phóng thích các Kitô hữu bị bắt làm nô lệ.
Thánh giá thật đã được tìm lại sau 14 năm rơi vào tay người Ba Tư. Hoàng đế trở về Constantinople cùng với thánh tích. Toàn dân cam đuốc sáng và nhành Ô-lui đi đón thánh giá. Muà xuân năm sau, hoàng đế Hêrachiô đích thân đáp tàu đi đặt di sản quí báu trở lại chỗ cũ. Tới Giêrusalem, Ngài vác thánh giá trên vai tiến tới nhà thờ trên đồi Canvê. Một phép lạ lẫy lừng thánh hóa biến cố này. Trong khi hoàng đế đang tiến lên giữa bầu khí thinh lặng đầy cung kính, bỗng Ngài cảm thấy không thể tiến tới được nữa. Ngài bày tỏ nỗi kinh ngạc với thượng tế Jachatia bên cạnh.
Vị giáo phụ trả lời: – “Thưa hoàng thượng, Ngài mặc cẩm bào trong khi Chúa Giêsu ăn mặc khó nghèo rảo qua các đường phố của thành này để tiến tới lễ hy sinh. Người đã đội mão gai mà đầu hoàng thượng lại đội triều thiên sang trọng. Người đi chân không còn hoàng thượng chân xỏ giầy.
Cảm động vì những lời này, hoàng đế Hêrachiô đã biết được sự thật và cởi bỏ mọi đồ trang sức sang trọng đi chân không. Từ đó, Ngài đã dễ dàng đi hết con đường và đặt thánh gía vào chỗ người Batư đã lấy đi.
Còn nhiều phép lạ nữa chúng minh sức mạnh của gỗ thánh giá. Nhưng chính biến cố kể trên đã là đối tượng của lễ kính thánh giá Chúa Kitô. ..........(daminhvn.net)
Lời Trăn Trối Của Người Mẹ 
Thời cách mạng Pháp, người ta hay nhắc đến một khuôn mặt dữ tợn, chuyên săn lùng các linh mục: đó là đại úy Laly.
Ông đã gia nhập vào đảng Jacobins đi khắp nơi để reo rắc kinh hoàng cho dân chúng. Nhiều vị linh mục đã kín đáo đến khuyên nhủ để lôi kéo ông ra khỏi tội ác. Nhưng tất cả mọi cố gắng của người khác đều vô ích. Con người độc ác đó chỉ đáp lại bằng lãnh đạm và những lời lẽ thô tục.
Thế nhưng một hôm, khi mọi người tưởng như không còn một chút hy vọng, Laly đã lần mò đến một linh mục để xin xưng tội và hòa giải với Giáo Hội. Sau đó ông đã thú nhận: “Cả đời, ngày nào tôi cũng đọc một kinh Kính Mừng, theo lời trăn trối của mẹ tôi trước khi chết”.
Có những câu ca dao, có những bài hát, có những bài học làm người, chúng ta tiếp thu ngay khi còn ngồi trên gối mẹ. Trí óc non dại của chúng ta chưa đủ khả năng để lĩnh hội ý nghĩa sâu xa của những bài học đó. Nhưng dần dà với thời gian, khi bắt đầu chúng ta biết suy nghĩ, những bài học đó trồi lên một cách trong sáng trong kiến thức của chúng ta. Có lẽ người mẹ nào cũng hiểu được giá trị của câu: “Dạy con từ thuở còn thơ…”.
Mẹ Maria, Hiền Mẫu của chúng ta, vừa là một mẫu gương vừa là một nhà giáo dục tuyệt hảo trong Ðức Tin. Lời kinh dâng Mẹ mà chúng ta bập bẹ khi vừa biết nói là bài ca dao đẹp nhất không ngừng ngân vang trong cuộc sống Kitô chúng ta. Có thể, đôi lúc chúng ta cũng ngâm nga một cách máy móc, nhưng Mẹ vẫn có đó và Mẹ vẫn đeo đuổi, ấp ủ chúng ta trong Tình Yêu bao la của Mẹ.             ..........(Lẽ Sống)

Thứ Ba, 11 tháng 9, 2018

CẦU NGUYỆN ĐỂ CHỌN!


NGÀY 11/09/2018


Tin Mừng Đức Giêsu Kitô theo thánh Luca (Lc 6: 12-19)

Trong những ngày ấy, Chúa Giêsu lên núi cầu nguyện, và suốt đêm, Người cầu nguyện cùng Thiên Chúa. Sáng ngày, Người gọi các môn đệ và chọn mười hai vị mà Người gọi là Tông đồ: Đó là Simon mà Người đặt tên là Phêrô và anh ông là Anrê, Giacôbê, Gioan, Philipphê, Bartôlomêô và Tôma, Giacôbê con ông Alphê và Simon cũng gọi là Nhiệt Thành, Giuđa con ông Giacôbê và Giuđa Iscariốt là kẻ phản bội. Người đi xuống với các ông, và dừng lại trên một khoảng đất bằng phẳng, có nhóm đông môn đệ cùng đoàn lũ dân chúng đông đảo từ khắp xứ Giuđêa, Giêrusalem và miền duyên hải Tyrô và Siđô đến nghe Người giảng và để được chữa lành mọi bệnh tật. Cả những người bị quỷ ô uế hành hạ cũng được chữa khỏi, và tất cả đám đông tìm cách chạm tới Người, vì tự nơi Người phát xuất một sức mạnh chữa lành mọi người.


CẦU NGUYỆN ĐỂ CHỌN!


Cầu nguyện thực là quan trọng. Nhờ cầu nguyện chúng ta được thần khí và sức sống của Thiên Chúa nuôi dưỡng tâm linh, được sự khôn ngoan của Người hướng dẫn; qua cầu nguyện, thánh ý Thiên Chúa được tỏ lộ, đồng thời chúng ta nhận được sức mạnh và ân sủng giúp ta can đảm thực thi thánh ý của Người trong cuộc sống.

Cầu nguyện là một nhu cầu thiết yếu của đời sống con người. Nếu sách giáo lý công giáo định nghĩa: “Cầu nguyện là trò chuyện thân mật với Thiên Chúa”, thì Thánh Kinh cho chúng ta thấy từ thuở hồng hoang, con người đã biết cầu nguyện. Sách Sáng thế ký kể lại rằng: Ngày ấy, vào những buổi chiều tà Thiên Chúa thường dạo cùng Adam để trò chuyện (St 3, 8).

Dù thuộc tín ngưỡng nào, tự bản thân, con người vẫn ý thức thân phận mỏng dòn, giới hạn và thấy rằng mình cần cầu nguyện. Vì vậy mà con người đã có rất nhiều sáng kiến để bày tỏ lòng tôn sùng của mình với ‘Đấng ở trên cao’. Và đã có rất nhiều hình thức cầu nguyện trở thành lễ hội văn hóa của con người.

Tuy nhiên, ngày nay, khi mà xã hội khoa học vật chất tiến bộ, thì niềm tin con người vào ‘Đấng trên cao’ dường như bị giảm sút. Người ta tin vào sức mạnh của đồng tiền, của quyền lực vốn dĩ rất chóng qua. 

Chúa Giêsu là mẫu gương cầu nguyện cho người tín hữu chúng ta. Ngài cầu nguyện mọi nơi, mọi lúc và đặc biệt Ngài thường lên núi cao hoặc lui vào nơi thanh vắng để cầu nguyện (Mc 1,15; 6,46; Lc 5,16; 6,12; Ga 6,15); điều đó cho thấy được Ngài là con rất mực hiếu thảo của Chúa Cha, luôn gắn bó mật thiết với Cha, trò chuyện cùng Cha, hỏi ý kiến Cha trong mọi chọn lựa, mọi quyết định của Ngài.

Tất cả những chọn lựa của Thiên Chúa đều bất ngờ, nghĩa là vượt lên trên những tiêu chuẩn chọn lựa thông thường của con người.

Từ Abraham qua Môsê, đến các ngôn sứ và Ðavít, tất cả đều được chọn lựa không phải vì tài năng đức độ riêng của họ: Môsê chỉ là một người ăn nói ngọng nghịu; Ðavít là cậu bé kém cỏi nhất trong số anh em mình, Giêrêmia, Ysaia đều nhận ra nỗi bất lực yếu hèn của mình khi được Thiên Chúa chọn làm ngôn sứ.

Trang Tin Mừng hôm nay kể lại Chúa Giêsu lên núi cầu nguyện suốt đêm trước khi chọn 12 Tông đồ, những con người sẽ sát cánh bên Ngài trong sứ vụ loan báo Tin mừng nước trời, cho chúng ta thấy được tầm quan trọng của biến cố.

Khi chọn muời hai tông đồ, Người hướng về Đấng đã sai Người mà cầu nguyện xin ơn soi sáng và sức mạnh. Rồi xuống với các môn đệ và chọn mười hai người, ai sẽ chối Người và ai sẽ phản bội Người. Một đội quân biệt động! vô học thức, vô giáo dục, vô trường lớp, chẳng ai biết tiếng tăm họ. Họ thuộc loại phó thường dân, quá tầm thường, phần đông là dân chài. Chính trên đó Đức Giêsu xây Giáo Hội. Thật nghịch lý! một ông thầy sau khi đã dạy như điên về thập giá, sẽ chịu đóng đinh treo trên thập giá. Và các tông đồ cũng chẳng có vẻ gì nổi, họ tiếp tục cuộc mạo hiểm mâu thuẫn, vẫn kéo dài và sẽ kéo dài vô cùng.

          Thật vậy, vì chính cộng đoàn 12 tông đồ này sẽ là hạt nhân của Giáo Hội Người xây dựng giữa trần gian, là cột trụ, là nền móng của thành thánh Giêrusalem trên trời, là những chứng nhân loan báo Tin mừng cứu độ cho mọi người.

Thánh Luca đã ghi lại một chi tiết rất ý nghĩa trong việc lựa chọn của Chúa Giêsu: Ngài đã cầu nguyện suốt đêm. Không ai biết rõ nội dung, nhưng sự liên kết với Thiên Chúa trong cầu nguyện và việc chọn lựa cho thấy tính cách nhưng không của ơn gọi: Thiên Chúa muốn gọi ai tùy Ngài và sự lựa chọn đúng không dựa vào tài đức của con người. Chúa Giêsu đã cầu nguyện, bởi vì Ngài biết rằng tự sức riêng, con người không thể làm được gì.

Phêrô đã cảm nghiệm thế nào là sức riêng của con người khi ông chối Chúa ba lần; sự đào thoát của các môn đệ trong những giờ phút nguy ngập nhất của cuộc đời Chúa, và nhất là sự phản bội của Yuđa, là bằng chứng hùng hồn nhất của sức riêng con người. Bỏ mặc một mình, con người chỉ chìm sâu trong vũng lầy của yếu đuối và phản bội.

Lịch sử ơn cứu rỗi đã được khởi đầu và tiếp diễn bằng những cuộc tuyển chọn. Tất cả những sự lựa chọn của Thiên Chúa đều bất ngờ, vượt trên những tiêu chuẩn lựa chọn thông thường của con người.

Từ mười hai người thất học, Chúa Giêsu đã xây dựng Giáo Hội của Ngài. Nền tảng của Giáo Hội không phải là sức riêng của con người mà là sức mạnh của Đấng đã hứa "Thầy sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế." Suy niệm về việc Chúa Giêsu tuyển chọn 12 tông đồ của Ngài, chúng ta được mời gọi để nhận ra thân phận yếu đuối bất toàn của chúng ta, đồng thời nói lên niềm xác tín tuyệt đối và tình yêu của Ngài.

Từ mười hai người dân chài thất học, Chúa Giêsu đã xây dựng Giáo Hội của Ngài. Nền tảng của một Giáo Hội không phải là sức riêng của con người, mà là sức mạnh của Ðấng đã hứa: "Thầy sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế". Chính sự hiện diện sinh động và ơn thánh của Ngài mới có thể làm cho Giáo Hội ấy đứng vững đến độ sức mạnh của hỏa ngục không làm lay chuyển nổi.

Thánh Phaolô, người đã từng là kẻ thù số một của Giáo Hội cũng đã bất thần được Chúa Giêsu chọn làm Tông đồ cho dân ngoại. Ngài luôn luôn cảm nhận được sức mạnh của ơn Chúa: "Tôi sống, nhưng không phải tôi sống, mà là chính Chúa Kitô sống trong tôi", hoặc "Nếu phải vinh quang, thì tôi chỉ vinh quang về những yếu đuối của tôi mà thôi, vì khi tôi yếu, chính là lúc tôi mạnh".

Tin mừng hôm nay nhắc nhớ ta noi gương Chúa Giêsu trong việc cầu nguyện. Ta hãy sống gắn bó với Thiên Chúa nhiều hơn, đặc biệt khi cần quyết định, khi có những sự việc quan trọng phải lựa chọn, và trong tất cả những biến cố vui buồn của cuộc sống. Chớ gì ta biết đến với Thiên Chúa như một người Cha đầy yêu thương, như một người Thầy khôn ngoan thượng trí, như một người Bạn luôn sẵn sàng chia sẻ, để kín múc nghị lực và sức sống của Người cho mỗi ngày, để mỗi ngày sống của ta được ngập tràn tình yêu ân sủng Chúa và nên hoàn trọn theo thánh ý của Người.

Qua việc Chúa Giêsu tuyển chọn mười hai Tông đồ của Ngài, ta được mời gọi nhận ra thân phận yếu đuối bất toàn của ta, đồng thời nói lên niềm tín thác của chúng ta vào tình yêu của Ngài. Chỉ có một sức mạnh duy nhất để ta nương tựa vào, đó là sức mạnh của ơn Chúa. Với niềm xác tín đó, thì dù phải trải qua lao đao thử thách, ta vẫn luôn hy vọng rằng tình yêu của Chúa sẽ mang lại những điều thiện hảo cho ta.



Huệ Minh

TÁM MỐI PHÚC THẬT

NGÀY 12/09/2018


Tin Mừng Đức Giêsu Kitô theo thánh Luca (Lc 6: 20-26)

Khi ấy, Chúa Giêsu đưa mắt nhìn các môn đệ và nói: "Phúc cho các ngươi là những kẻ nghèo khó, vì nước Thiên Chúa là của các ngươi. Phúc cho các ngươi là những kẻ bây giờ đói khát, vì các ngươi sẽ được no đầy. Phúc cho các ngươi là những kẻ bây giờ phải khóc lóc, vì các ngươi sẽ được vui cười. Phúc cho các ngươi, nếu vì Con Người mà người ta thù ghét, trục xuất và phỉ báng các ngươi, và loại trừ tên các ngươi như kẻ bất lương. Ngày ấy, các ngươi hãy hân hoan và reo mừng, vì như thế, phần thưởng các ngươi sẽ bội hậu trên trời. Chính cha ông họ cũng đã đối xử với các tiên tri y như thế. Nhưng khốn cho các ngươi là kẻ giàu có, vì các ngươi hiện đã được phần an ủi rồi. Khốn cho các ngươi là kẻ đã được no nê đầy đủ, vì các ngươi sẽ phải đói khát. Khốn cho các ngươi là kẻ hiện đang vui cười, vì các ngươi sẽ ưu sầu khóc lóc. Khốn cho các ngươi khi mọi người đều ca tụng các ngươi, vì chính cha ông họ cũng từng đối xử như vậy với các tiên tri giả”





Trong đời sống thường ngày ta thấy con người thường nói : có tiền của là có tất cả. Trong khi đó, Chúa Giêsu lại tuyên bố: Phúc cho những người nghèo khó, phúc cho những kẻ bây giờ phải đói khát, phúc cho những kẻ bây giờ đang phải than khóc, phúc cho những kẻ đang bị oán ghét. Phải chăng Chúa Giêsu không là kẻ lừa bịp đang cười cợt trên những đau khổ của nhân loại? Phải chăng đó không phải là sứ điệp cổ võ sự bần cùng, đói khổ, lạc hậu, đi ngược với tiến bộ và phát triển của nhân loại?

Hôm nay ta được nghe diễn từ Bát Phúc của Nước Trời, trong đó Chúa Giêsu chúc phúc cho chúng ta, những người muốn đi con đường tiến vào Nước Trời, họ sẽ được hạnh phúc đích thực, đó là ơn cứu độ, là chính Thiên Chúa, được Nước Trời làm gia nghiệp không hề mất. Con đường tiến vào Nước trời là con đường Thập Giá, chỉ qua Thập Giá mới tìm  được vinh quang và hạnh phúc đích thật, đó cũng chính là kinh nghiệm quý báu Chúa Giêsu truyền lại cho chúng ta.  Con đường ấy là con đường  hẹp nhưng nó mở rộng ra cho tất cả mọi người.

Qua đó, Chúa Giêsu cũng muốn dạy cho chúng ta biết: hạnh phúc đích thực đang ở trong tầm tay  của chúng ta. “Phúccho anh em là những kẻ nghèo khó”, không có nghĩa là ta tìm  sự thiếu thốn vật chất, nhưng có một giá trị nội tâm, nó giải thoát chúng ta khỏi mọi ràng buộc với của cải trần thế, và mở rộng lòng mình ra trước sự giàu có tinh thần. Chúa Giêsu đã sinh ra trong cảnh nghèo hèn, và đã chết trần trụi trên Thập Giá để mang lại ơn cứu độ, hạnh phúc đời đời cho chúng ta. “Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải đói khát, vì Thiên Chúa sẽ cho anh em được no thoả”, đó là một sự đảo lộn của những hoàn cảnh trong Nước Chúa, được tinh thần hoá mối phúc những ai đói khát sự công chính.

Trong Thánh Kinh, ta thấy cụ già Simêon, Thánh Giuse là những người có cách hành xử luôn luôn phù hợp với ý của Thiên Chúa, đó là lý tưởng hoàn thiện của một người đạo hạnh nhắm đến. Đức công chính này diễn tả sự thánh thiện của một Kitô hữu, vượt qua sự công chính của lề luật: “Nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người biệt phái, thì sẽ chẳng vào được Nước Trời” (Mt 5, 20).

Những ai đạt được sự công chính này, thì tinh thần sẽ được mãn nguyện. “Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải khóc lóc, vì anh em sẽ được vui cười”, đây  là mối phúc mâu thuẫn nhất trong các mối phúc, nhưng có thể nó mang tính Messia nhất: Trải qua tất cả những gian nan thử thách, dân Israel luôn trông chờ được Thiên Chúa ủi an, họ trông chờ một Đấng Messia phải đến, đó là niềm an ủi của Israel, cụ già Simêon cũng trông chờ niềm an ủi ấy của Israel.

Thật vậy, Chúa Giêsu là Đấng an ủi những người nghèo khó, đau khổ, bệnh tật. Chính Ngài đã hứa: “ Tất cả những ai vất vả, mang gánh nặng nề, hãy đến cùng Tôi, Tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng (Mt 11,28). Chúa Giêsu giúp chúng ta vượt qua đau khổ và biến nó thành nguồn mạch của niềm vui trong Nước Trời: “Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt họ, sẽ không còn sự chết, cũng chẳng còn tang tóc, kêu than và đau khổ nữa,  vì những điều cũ đã biến mất” (Kh 21, 3). “ Phúc thay cho anh em khi vì con Người mà bị người ta oán ghét, khai trừ, sỉ vả và bị khai trừ như đồ xấu xa…”.

Như thế, mối phúc thứ nhất và thứ tám loan báo cho chúng ta Nước Trời đã hiện diện rồi “ Vì Nước Trời là của họ”. Sáu mối phúc kia chỉ còn là lời hứa: “Vì họ sẽ được…”, đó là tính chất cánh chung của Nước Trời: “ Phần thưởng lớn lao dành cho họ là ở trên Trời” (Mt 5, 12) mà chỉ có Chúa Giêsu mới có thể mang đến, đưa họ vào trong thực tại của Chúa Cha ở trên Trời, đó là hạnh phúc của người con chí ái của Thiên Chúa. “Nhưng khốn cho các ngươi” là những kẻ giàu có, no nê, vui cười, và được mọi người ca tụng, là những con người nổi tiếng, nhưng Thiên Chúa đang thương tiếc cho họ với cách nói: “khốn cho các ngươi…” .

Điều này Chúa Giêsu có ý cảnh giác chúng ta: giàu có nhưng tham lam, ích kỷ là cái giàu vô phúc, no nê để nuông chiều xác thịt, mù quáng trước tiếng gọi thiêng liêng thì đó là sự no nê bất hạnh, vui cười mà xao lãng việc đạo đức,  những bổn phận của đời sống siêu nhiên, chuẩn bị cho đời sống vĩnh hằng, thì đó là vui cười bất hạnh, được mọi người ca tụng cũng không chắc là được hạnh phúc, vì lòng con người thay đổi, nay hoan hô mai đả đảo cách dễ dàng, hơn nữa, cứ mải miết cho người ta ca tụng là làm nô lệ cho danh vọng, và sẽ sao lãng việc làm vinh danh  Thiên Chúa, là bổn phận làm người và làm con Chúa. Khi chê trách  sự giàu có, vui cười v.v. Chúa Giêsu có ý chê trách thái độ sống của họ theo kiểu thế gian, làm cản trở việc đi vào Nước Trời.

Khi chúng ta lâm cảnh nghèo đói và gặp đau khổ trong cuộc sống trần gian, chúng ta hãy tin tưởng vào Lời Chúa hứa với hy vọng để được hạnh phúc, vì Nước Trời là của anh em, anh em được no thoả, anh em sẽ được vui mừng, phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao.

Nếu chúng ta được Chúa ban giàu có, thì chúng ta phải biết dùng vật chất để phát triển xã hội, giúp đỡ người nghèo đói, nâng cao đời sống văn minh, phục vụ tha nhân trong tinh thần bác ái, từ thiện, thì đó là cái giàu hạnh phúc, vì biết dùng của cải vật chất để được công phúc trên trời. Chúng ta đừng bao giờ dừng lại trong sự thoả mãn hạnh phúc trần gian, nhưng phải tìm sự thoả mãn với những thực tại thiêng liêng để vươn mình lên, để định hướng cho sự sống đời đời của mình. Chúng ta đừng ỷ lại với cái vui thú trần thế mà tự mãn cho bản thân, không màng chi đến niềm vui hạnh phúc đời đời. Chúng ta hãy lo làm vinh danh Thiên Chúa, nếu mình được vinh danh thì  hãy vinh danh trong  Chúa, vì được diễm phúc hiệp thông với Chúa, vinh danh vì Chúa  nghĩa là  mọi sự đều bởi Chúa ban cho, vinh danh với Chúa vì mọi việc chúng ta làm để tôn vinh danh Chúa. Chúa Giêsu luôn nhắn nhủ chúng ta phải tìm đến hạnh phúc đích thực là thứ hạnh phúc có Chúa ở cùng  trong cuộc sống đời này và đời sau.

          Chúa Giêsu quả thực đã sống như một người nghèo giữa những người nghèo; đã tuyên bố: Phúc cho những kẻ nghèo đói, phúc cho những kẻ đang khóc lóc, phúc cho những kẻ bị bách hại, Chúa Giêsu hẳn phải là người hạnh phúc nhất, vì Ngài đã đi đến tận cùng sự nghèo đói, bách hại ấy. Chúa Giêsu đã không làm phép lạ cho trái đất luôn chảy sữa và mật, Ngài đã không đem lại một giải pháp chính trị, kinh tế, xã hội cụ thể nào; thế nhưng, cuộc sống, lời nói và cái chết của Ngài lại là chìa khóa giúp giải quyết các vấn đề của con người. Quả vậy, vấn đề cơ bản của con người là gì, nếu không phải là được sống hạnh phúc; tuy nhiên, sai lầm lớn nhất của mọi thời chính là nghĩ rằng càng có nhiều tiền của, quyền bính, danh vọng thì càng được hạnh phúc.

Khi tuyên bố: "Phúc cho những kẻ nghèo khó", Chúa Giêsu không hề có ý muốn biến thế giới thành một thế giới nghèo đói, bần cùng. Của cải vật chất là phương tiện cần thiết để cho con người được sống xứng phẩm giá con người; Thiên Chúa đã tạo dựng con người để nó thống trị và hưởng dụng mọi sự trong vũ trụ. Khi tuyên bố: "Phúc cho những kẻ nghèo khó", Chúa Giêsu nhắc nhở cho con người bậc thang giá trị đích thực trong cuộc sống. Của cải vật chất là phương tiện, chứ không phải là cứu cánh của cuộc sống. Người nghèo khó như Chúa Giêsu đã từng sống là người sống theo bậc thang giá trị ấy. Người sống nghèo khó như Chúa Giêsu là người biết sống cho những giá trị vĩnh cửu, là yêu thương, quảng đại, liên đới, tình người.                (
Huệ Minh)


Thứ Sáu, 7 tháng 9, 2018

SINH NHẬT ĐỨC MẸ.. 08.09.2018




Ngày thứ bảy (08-09-2018) – Trang suy niệm


Sinh Nhật Đức Trinh Nữ Maria
BÀI ĐỌC I: Mk 5, 2-5a (Hr 1-4a.
Trích sách Tiên tri Mikha.
Đây lời Chúa phán: “Hỡi Bêlem Ephrata, ngươi nhỏ nhất trong trăm ngàn phần đất Giuđa, nhưng nơi ngươi sẽ xuất hiện một Đấng thống trị Israel, và nguồn gốc Người có từ nguyên thuỷ, từ muôn đời. Vì thế, Người sẽ bỏ dân Người, cho đến khi một người nữ phải sinh, sẽ sinh con. Số còn lại trong anh em Người sẽ trở về với con cái Israel. Người sẽ đứng vững và chăn dắt trong sức mạnh của Chúa, trong thánh danh cao cả của Chúa là Thiên Chúa của Người. Và họ sẽ trở về, vì bấy giờ Người sẽ nên cao trọng cho đến tận cùng trái đất. Vì vậy, Người sẽ là chính sự bình an”. Đó là lời Chúa.
Hoặc đọc: Rm 8, 28-30
“Những kẻ Chúa đã biết trước thì Người đã tiền định họ”.
Trích thư của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.
Anh em thân mến, chúng ta biết rằng những kẻ yêu mến Thiên Chúa, thì Người giúp họ được sự lành. Họ là những người theo dự định của Chúa, được kêu gọi nên thánh. Vì chưng, những kẻ Chúa đã biết trước, thì Người đã tiền định cho họ nên giống hình ảnh Con Người, để Ngài trở nên trưởng tử giữa đoàn anh em đông đúc. Nhưng những ai Người đã tiền định, thì Người cũng kêu gọi; và những ai Người đã kêu gọi thì Người cũng làm cho nên công chính; mà những ai Người đã làm cho nên công chính‡, thì Người cũng cho họ được vinh quang. Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 12, 6ab. 6cd      Đáp: Con sẽ hớn hở vui mừng trong Chúa (c. Is 91,9a).
PHÚC ÂM: Mt 1, 1-16. 18-23
Sách gia phả của Chúa Giêsu Kitô, con vua Đavít, con của Abraham. Abraham sinh Isaac; Isaac sinh Giacóp; Giacóp sinh Giuđa và các anh em người. Giuđa sinh Phares và Zara †bởi bà Thamar‡; Phares sinh Esrom; Esrom sinh Aram; Aram sinh Aminadab; Aminadab sinh Naasson; Naasson sinh Salmon; Salmon sinh Booz do bà Rahab; Booz sinh Giobed do bà Rút. Giobed sinh Giêsê; Giêsê sinh vua Đavít.
Đavít sinh Salomon do bà vợ của Uria; Salomon sinh Robo-am; Roboam sinh Abia; Abia sinh Asa; Asa sinh Giosaphát; Giosaphát sinh Gioram; Gioram sinh Ozia; Ozia sinh Gioatham; Gioatham sinh Achaz; Achaz sinh Ezekia; Ezekia sinh Manas-se; Manasse sinh Amos; Amos sinh Giosia; Giosia sinh Giêconia và các em trong thời lưu đày ở Babylon.
Sau thời lưu đày ở Babylon, Giêconia sinh Salathiel; Sala-thiel sinh Zorababel; Zorababel sinh Abiud; Abiud sinh Eliakim; Eliakim sinh Azor; Azor sinh Sađoc; Sađoc sinh Akim; Akim sinh Eliud; Eliud sinh Eleazar; Eleazar sinh Mathan; Mathan sinh Giacóp; Giacóp sinh Giuse, là bạn của Maria, mẹ của Chúa Giêsu gọi là Đức Kitô.
Chúa Kitô giáng sinh trong hoàn cảnh sau đây: Mẹ Người là Maria đính hôn với Giuse, trước khi về chung sống với nhau, đã thụ thai bởi phép Chúa Thánh Thần. Giuse, chồng Bà, là người công chính, không muốn tố giác Bà, nên mới định tâm lìa bỏ Bà cách kín đáo. Nhưng đang khi định tâm như vậy, thì thiên thần hiện đến cùng ông trong giấc mơ và bảo: “Hỡi Giuse con vua Đavít, đừng ngại nhận Maria về nhà làm bạn mình, vì Maria mang thai là bởi phép Chúa Thánh Thần; Bà sẽ sinh hạ một Con trai mà ông đặt tên là Giêsu, vì chính Người sẽ cứu dân Mình khỏi tội”. Tất cả sự kiện này đã được thực hiện để làm trọn lời Chúa dùng miệng tiên tri phán xưa rằng:
“Này đây một trinh nữ sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa-ở-cùng-chúng-ta”. Đó là lời Chúa.
Hoặc bài vắn này: Mt 1, 18-23
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Chúa Kitô giáng sinh trong hoàn cảnh sau đây: Mẹ Người là Maria đính hôn với Giuse, trước khi về chung sống với nhau, đã thụ thai bởi phép Chúa Thánh Thần. Giuse, chồng Bà, là người công chính, không muốn tố giác Bà, nên mới định tâm lìa bỏ Bà cách kín đáo. Nhưng đang khi định tâm như vậy, thì thiên thần hiện đến cùng ông trong giấc mơ và bảo: “Hỡi Giuse con vua Đavít, đừng ngại nhận Maria về nhà làm bạn mình, vì Maria mang thai là bởi phép Chúa Thánh Thần; Bà sẽ sinh hạ một Con trai mà ông đặt tên là Giêsu, vì chính Người sẽ cứu dân Mình khỏi tội”. Tất cả sự kiện này đã được thực hiện để làm trọn lời Chúa dùng miệng tiên tri phán xưa rằng:
“Này đây một trinh nữ sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa-ở-cùng-chúng-ta”. Đó là lời Chúa
(thanhlinh.net)
++++++++++++++++++
08/09/2018 – THỨ BẢY TUẦN 22 TN
Sinh Nhật Đức Trinh Nữ Ma-ri-a
M1 1,1-16.18-23
MA-RI-A, TẶNG PHẨM TUYỆT VỜI CỦA THIÊN CHÚA
Mẹ Người là Ma-ri-a đính hôn với Giu-se, trước khi về chung sống với nhau, thụ thai bởi phép Chúa Thánh Thần. (Mt 1,18)
Suy niệm: Có lần các du khách đang thăm viếng các hang động Carlsbad nổi tiếng ở Mexico thì đèn đuốc bỗng nhiên tắt ngúm. Trong đám người quờ quạng trong bóng tối có hai em bé khóc thét lên vì khiếp sợ. Lúc đó người mẹ của hai em lên tiếng bảo: “Các con đừng sợ. Sẽ có người bật đèn sáng trở lại cho chúng ta…” Trình thuật của sách Sáng Thế về tội nguyên tổ tiên báo một người nữ sẽ đạp dập đầu con rắn. Đó là tia sáng an ủi và hy vọng cho nhân loại đang chìm trong bóng tối tội lỗi đầy sợ hãi và thất vọng. Tia sáng đó trở thành chùm sáng trong ngày sinh của Đức Ma-ri-a báo hiệu hừng đông của kỷ nguyên ơn cứu độ đang đến gần. Mẹ là tặng phẩm tuyệt vời của Thiên Chúa dành cho toàn thể nhân loại “bởi Mẹ sinh ra Mặt Trời Công Chính là Chúa Ki-tô, Người đã chiến thắng sự chết và ban cho chúng ta sự sống đời đời” (Đức Gioan Phaolô II).
Mời Bạn: Mừng sinh nhật Mẹ Ma-ri-a là dịp để tạ ơn Chúa về kỳ công Chúa làm nơi Mẹ để thực hiện chương trình cứu độ chúng ta. Bạn có cảm nhận được sự kỳ diệu đó không? Và nhất là bạn có cảm nhận được niềm vui và niềm hy vọng vì được có Đức Ma-ri-a là “Mẹ sinh ra Mặt Trời Công Chính là Chúa Kitô” và cũng là Mẹ của chúng ta không?
Chia sẻ: Cách bạn tôn sùng Mẹ có diễn tả niềm vui và hy vọng cứu độ không?
Sống Lời Chúa: Bạn có món quà gì mừng sinh nhật Mẹ Ma-ri-a chưa? Bạn đừng quên kinh Mân Côi là kinh mà Mẹ ưa thích nhất đó!
Cầu nguyện: Đọc/hát kinh Magnificat để tạ ơn Thiên Chúa.
(5 Phút Lời Chúa
08 Tháng Chín
Cuốn Sách Một Chữ 
Người ta kể chuyện rằng: ngày kia một văn sĩ bỗng nảy sinh ra một ý kiến ngộ nghĩnh. Ông ta muốn viết một cuốn sách. Mà cuốn sách ấy, ông muốn làm sao cho nó không được dài quá một trang. Cuốn sách một trang này lại phải làm sao cho nó không được dài quá một dòng. Dòng ấy phải làm sao cho nó chỉ vỏn vẹn có một chữ.
Chữ độc nhất ấy, cố nhiên, phải làm sao diễn tả được hết mọi tư tưởng cao xa, tốt đẹp của văn sĩ.
Ý nghĩ ấy ngày đêm ám ảnh ông ta, làm cho ông ta mất ăn, mất ngủ. Làm thế nào viết được cuốn sách một chữ ấy?
Cuối cùng nhà văn kia đành ngồi khoanh tay bó gối, thở dài thất vọng… Tất cả những danh từ trên thế giới, không đủ cung cấp tài kiệu, và ý nghĩa cho công việc ông ta dự định thực hiện.
Nhưng, cuốn sách một chữ ấy Thiên Chúa đã viết được. Chữ độc nhất, hàm súc mọi ý nghĩa, vừa hùng hồn, sâu rộng, vừa nhẹ nhàng ý nhị để diễn tả được những kỳ công kiệt tác trong vũ trụ. Tất cả những gì là tươi mát, là xinh đẹp, tất cả những gì là đáng quý chuộng, đáng yêu thương, đáng đòi hỏi, đáng tìm kiếm, đáng ước ao, đáng khát vọng.
Chữ ấy là: Maria, tên của người Trinh Nữ đã được thiên Chúa tuyển chọn và tô điểm cho cân xứng với thiên chức làm Mẹ Ngôi Hai Nhập Thể, cân xứng để trở nên vườn địa đàng thật hoàn hảo, thật sặc sỡ, thật kiều diễm để trong cung lòng của Maria, Thiên Chúa sẽ cử hành một lễ cưới long trọng, không phải giữa một người với một người, nhưng là giữa Thiên Chúa và nhân loại.
Ngày hôm nay toàn thể Giáo Hội hân hoan mừng ngày chào đời của công trình tuyệt hảo ấy của Thiên Chúa. Hân hoan vì với tiếng khóc và nụ cười của em bé mang tên Maria này, vầng đông của lịch sử và công trình cứu rỗi của toàn thể nhân loại đã ló dạng.
Một ngày nọ, thánh Gioan Maria Vianney, cha sở họ Ars, gặp trong nhà thờ một người đàn bà có vẻ đang đau khổ nhiều. Bà ta vừa trở thành góa phụ. Ông chồng đã rơi từ cầu xuống sông và bị chết đuối. Ông ta đã chết khi chưa kịp ăn năn thống hối. Do đó, đối với bà, ông chồng chắc chắn đã mất linh hồn.
Cha Vianney đã nhẹ nhàng đến gần, và được Chúa soi sáng, cha đã nói:
– Chồng bà đã được cứu thoát. Qúa ngạc nhiên và tỏ vẻ không tin, bà ta lại hỏi: 
– Thưa cha, làm sao lại có thể như vậy? Cha Vianney cắt nghĩa:
– Có Chúa ở giữa chiếc cầu và dòng sông. Chồng bà đã cùng rơi với Chúa và khi rơi, ông đã làm hòa với Ngài.
– Nhưng làm sao có thể như vậy được? Bà vợ hỏi lại:
– Ðó là một ơn của Ðức Mẹ. Cha Vianney trả lời và cắt nghĩa tiếp:
– Vì một hôm, trên đường từ đồng về nhà, chồng bà đã hái một đóa hoa đem chưng trước tượng Ðức Mẹ ở bên đường. Ðức Mẹ có thể quên được cử chỉ tốt đẹp này sao?
Mừng ngày sinh nhật của Mẹ Maria hôm nay, chúng ta hãy quyết hái nhiều chiếc hoa xinh đẹp dâng kính Mẹ. Nhất là chúng ta hãy tiếp tục làm những việc đạo đức thông thường dâng kính mẹ, như: lần hạt Mân Côi, đọc kinh truyền tin, nguyện kinh cầu. Nhưng chúng ta hãy làm những việc đạo đức thông thường ấy một cách phi thường. Có nghĩa là: miệng đọc, lòng suy và cố gắng đem ra thực hành trong đời sống, để cuộc đời của Ðức Mẹ, vốn đã trở nên một với cuộc đời của Chúa Giêsu, cũng được thể hiện trong cuộc sống của mỗi người trong chúng ta.
(Lẽ Sống)
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Chúng ta phải tin các tín điều đã được nghiên cứu cẩn thận và được tuyên bố bởi Giáo-Hội qua các Công Đồng. Đừng để các lạc thuyết mê hoặc chúng ta.
– Thiên Chúa đã chuẩn bị cho nhân loại ngay từ đầu một Kế Hoạch Cứu Độ. Theo Kế-hoạch này, Đức Kitô sẽ đến trong thân xác con người để chuộc tội cho con người. 
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP 
 Hải thượng lãn ông.( lê hữu trác)
vi trùng thì bay vô từ miệng. 
tai họa thì bay ra từ mồm

Chủ Nhật, 2 tháng 9, 2018

Thứ hai ngày 03.09.2018

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.
Anh em thân mến, phần tôi, khi tôi đến với anh em, tôi không đến với uy thế của tài hùng biện hoặc của sự khôn ngoan, tôi đến công bố bằng chứng của Thiên Chúa. Thật vậy, tôi không cho là tôi biết điều gì khác giữa anh em, ngoài Chúa Giêsu Kitô chịu đóng đinh. Phần tôi, chính trong sự yếu hèn, sợ hãi và run rẩy mà tôi đã đến với anh em; lời tôi nói và việc tôi rao giảng không dựa vào những lời quyến rũ của sự khôn ngoan loài người, nhưng dựa vào sự giãi bày của thần trí và quyền năng, để đức tin của anh em không dựa vào sự khôn ngoan loài người, nhưng dựa vào quyền năng của Thiên Chúa. Đó là lời Chúa.
Đáp: Lạy Chúa, con yêu chuộng luật pháp Chúa biết bao (c. 97a).
PHÚC ÂM: Lc 4, 16-30
Khi ấy, Chúa Giêsu trở về Nadarét, nơi Người sinh trưởng, và theo thói quen của Người, thì ngày Sabbat, Người vào hội đường. Người đứng dậy để đọc sách. Người ta trao cho Người sách tiên tri Isaia. Mở sách ra, Người gặp ngay đoạn chép rằng: “Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, vì Ngài xức dầu cho tôi, sai tôi đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó, thuyên chữa những tâm hồn sám hối, loan truyền sự giải thoát cho kẻ bị giam cầm, cho người mù được trông thấy, trả tự do cho những kẻ bị áp bức, công bố năm hồng ân và ngày khen thưởng”.
Người gấp sách lại, trao cho thừa tác viên, và ngồi xuống. Mọi người trong hội đường đều chăm chú nhìn Người. Người bắt đầu nói với họ: “Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh mà tai các ngươi vừa nghe”. Mọi người đều làm chứng cho Người và thán phục Người về những lời từ miệng Người thốt ra, và họ nói: “Người này không phải là con ông Giuse sao?”
Và Người nói với họ: “Hẳn các ngươi sắp nói cho Ta nghe câu ngạn ngữ này: ‘Hỡi thầy thuốc, hãy chữa lấy chính mình’; ‘điều chúng tôi nghe xảy ra ở Capharnaum, ông hãy làm như vậy tại quê hương ông’ “. Người nói tiếp: “Ta bảo thật các ngươi, không một tiên tri nào được đón tiếp tại quê hương mình. Ta bảo thật các ngươi, đã có nhiều bà goá trong Israel thời Êlia, khi trời bị đóng lại trong ba năm sáu tháng, khi nạn đói lớn xảy ra khắp trong xứ; dầu vậy, Êlia không được sai đến cùng một người nào trong các bà đó, nhưng được sai đến bà goá tại Sarepta thuộc xứ Siđon. Cũng có nhiều người phong cùi trong Israel thời tiên tri Êlisêô, thế mà không người nào trong họ được lành sạch cả, ngoại trừ Naaman, người Syria”.
Khi nghe đến đó, mọi người trong hội đường đều đầy căm phẫn, họ chỗi dậy và trục xuất Người ra khỏi thành. Họ dẫn Người lên triền núi, nơi xây cất thành trì của họ, để xô Người xuống vực thẳm. Nhưng Người rẽ qua giữa họ mà đi. Đó là lời Chúa.      (thanhlinh.net)
ĐÓN NHẬN THA NHÂN
Suy niệm: Đức Giê-su trở về nhà quê của mình và “chia sẻ Lời Chúa” trong hội đường như người vẫn quen làm. Dân làng một mặt thán phục cách giảng dạy của Người. Họ như “uống” từng lời của Đức Giê-su. Nhưng mặt khác, họ lại bị trói chặt trong cái định kiến chật hẹp của mình. Họ bảo nhau: “Ông này không phải là con ông Giu-se đó sao…”. Họ như muốn lu loa rằng: ông này chỉ là con bác thợ mộc bình thường, bày đặt đi đâu năm bữa nửa tháng về đây lại lên mặt dạy đời cho các ông các bà sao? Thấu suốt tâm tư của họ, Đức Giê-su nói: “Tôi bảo thật các ông: không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình” (Lc 4,24). Cay đắng để thốt ra những lời như thế thì trong lòng đã có biết bao xót xa, những tha thiết đem Lời với những người thân sao xa diệu vợi.
Mời Bạn: Những người đồng hương của Chúa Giê-su, chỉ vì những định kiến hẹp hòi, không thể chấp nhận Ngài dù họ “thán phục những lời hay ý đẹp” Ngài đã nói. Còn bạn, bạn có nhận ra tính cách độc đáo của mỗi người anh chị em để nhờ đó đón nhận họ với những đề nghị, sáng kiến trong việc xây dựng cộng đoàn không?
Sống Lời Chúa: Hãy mở lòng đón nhận những cái mới dưới ánh sáng của Lời Chúa. Hãy để cho Lời hướng dẫn để có thể nhận ra giá trị của từng con người ẩn giấu sau dáng vẻ đơn sơ mộc mạc của họ.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, mỗi người chúng con là một món quà của Chúa để dành cho nhau. Xin cho chúng con biết đón nhận nhau để chúng con được thêm phong phú và Hội Thánh được luôn phát triển.        (5 Phút Lời Chúa)

CHÚA NHẬT ngày 02.09.2018 ( giả hình)

Từ trái tim con người

8/29/2015 10:39:55 AM
(02.9.2018 – Chúa nhật 22 Thường niên, Năm B)
Washing-Of-Hands.jpg

1 Hôm ấy, có những người Pharisêu và một số kinh sư tụ họp quanh Ðức Giêsu. Họ là những người từ Giêrusalem đến. 2 Họ thấy vài môn đệ của Người dùng bữa mà tay còn ô uế, nghĩa là chưa rửa. 3 Thật vậy, người Pharisêu cũng như mọi người Dothái đều nắm giữ truyền thống của tiền nhân: họ không ăn gì, khi chưa rửa tay cẩn thận; 4 thức gì mua ngoài chợ về, cũng phải rảy nước đã rồi mới ăn; họ còn giữ nhiều tập tục khác nữa như rửa chén bát, bình lọ và các đồ đồng. 5 Vậy, người Pharisêu và kinh sư hỏi Ðức Giêsu: “Sao các môn đệ của ông không theo truyền thống của tiền nhân, cứ để tay ô uế mà dùng bữa? 6 Người trả lời họ: “Ngôn sứ Isaia thật đã nói tiên tri rất đúng về các ông là những kẻ đạo đức giả, khi viết rằng: Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta. 7 Chúng có thờ phượng Ta thì cũng vô ích, vì giáo lý chúng giảng dạy chỉ là giới luật phàm nhân.Các ông gạt bỏ điều răn của Thiên Chúa, mà duy trì truyền thống của người phàm”.

14 Sau đó, Ðức Giêsu lại gọi đám đông tới mà bảo: “Xin mọi người nghe tôi nói đây, và hiểu cho rõ: 15 Không có cái gì từ bên ngoài vào trong con người lại có thể làm cho con người ra ô uế được; nhưng chính cái từ con người xuất ra, là cái làm cho con người ô uế. 21 Vì từ bên trong, từ lòng người, phát xuất những ý định xấu: tà dâm, trộm cắp, giết người, 22 ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tỵ, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng. 23 Tất cả những điều xấu xa đó, đều từ bên trong xuất ra, và làm cho con người ra ô uế.”

Suy Niệm
  
Ðoạn Tin Mừng hôm nay khởi đi từ một chuyện nhỏ,
chuyện các môn đệ không rửa tay trước khi ăn.
 Ðối với người Pharisêu, sau khi ra nơi phố chợ,
người ta thường trở nên ô uế do đụng chạm.
 Phải rửa tay, vì tay ô uế làm đồ ăn ô uế,
và đồ ăn ô uế sẽ khiến cả con người ô uế.
Ðức Giêsu đã long trọng khẳng định:
“Không có gì từ bên ngoài vào trong con người
 lại có thể làm cho con người ra ô uế” (c.15).
 Khẳng định này là một cuộc cách mạng trong Do Thái giáo,
 bởi lẽ đời sống người Do Thái bị bao vây bởi nhiều cấm kỵ”
không được ăn thịt heo, hay thịt thú chết ngạt;
 không được đụng vào xác chết, vào người phong cùi;
 không được ăn chung với dân ngoại hay vào nhà người tội lỗi…
Ðụng vào hay ăn vào là ô uế ngay.
 Ðức Giêsu đã phạm nhiều điều cấm kỵ,
đã phá đổ nhiều bức tường ngăn cách kẻ xấu – người tốt,
 dân Do Thái và dân ngoại, nam và nữ, nô lệ và tự do…
Ngài hồn nhiên đến với những người bị coi là ô uế
 để làm họ nên sạch.

Thật ra Ðức Giêsu chẳng phản đối gì chuyện rửa tay,
 nhưng Ngài thấy nó có vẻ giả hình
 vì người ta chẳng để ý đến chuyện tẩy rửa trái tim.
 Rửa tay để được yên tâm, mãn nguyện,
 tránh khỏi phải rửa tâm hồn là điều khó hơn.
 Ðức Giêsu cho ta thấy cái ô uế thực sự
lại không đến từ đụng chạm hay ăn uống.
 Cái ô uế đáng sợ nằm ngay trong trái tim mỗi người.
 Nó không từ ngoài vào, nhưng từ trong ra.
 Ngài kẻ ra 12 ý định xấu xa bắt nguồn từ trái tim,
 ý định xấu dẫn đến hành động không đẹp (cc.21-22).

Cần trở về với trái tim của mình.
 Ðó không phải là một cuộc dạo chơi,
 nhưng là một thách đố dám nhìn cái tôi sau lớp mặt nạ.
“Hãy tạo cho mình một trái tim mới” (Ed 18,31).
 Ðó là lệnh truyền của Ðức Chúa,
 nhưng con người chẳng thể tự mình thay tim.
“Ta sẽ thanh tầy các ngươi.
 Ta sẽ ban cho các ngươi một trái tim mới” (Ed 36,25tt).
 Ðổi được trái tim là đổi được tất cả.

Lời Chúa hôm nay là một lời nhắc nhở Hội Thánh.
 Truyền thống, luật lệ và nghi thức là điều cần thiết,
 nhưng không được quên điều cốt tủy của luật Chúa là yêu thương.
 Tôn kính Thiên Chúa qua phụng vụ là điều phải làm,
 nhưng phải đặt trái tim và cuộc sống mình trong đó.
 Chúng ta vẫn có thể lẫn lộn cái chính với cái phụ.
“Xin mọi người nghe tôi nói đây và hiểu cho rõ” (c.14).
 Ðó là lời Ðức Giêsu nhắn nhủ đám đông ngày xưa
 và chúng ta hôm nay.

Cầu Nguyện

Lạy Chúa Giêsu,
 xin dẫn con vào nhà của con,
 căn nhà của trái tim,
 căn nhà vừa quen vừa lạ.

Xin hãy cho con thấy
 những phức tạp, rắc rối, những che đậy, giằng co,
 những mâu thuẫn và vô lý nơi con.
 Xin hãy cho con thấy
 những nhỏ mọn, ích kỷ,
những yếu đuối, khô khan,
 những cứng cỏi và tự ái nơi con.

Xin cho con ý thức
 những lo âu, sợ hãi
đang đè nặng làm con ngột ngạt,
 những nỗi đau thầm kín khiến đời con mất vui,
 những vết thương không biết bao giờ lành,
 những đỗ vỡ khiến lòng con khép lại.

Lạy Chúa Giêsu,
 xin giúp con dọn những bề bộn nơi tim con.
 Xin biến đổi tim con, để nó trở nên đơn sơ hơn,
 hồn nhiên hơn và tươi tắn hơn.

Ước gì con nhìn mọi sự, mọi người,
 bằng trái tim bao dung của Chúa.
 Và ước gì khi đã ra khỏi nỗi bận tâm về mình,
 trái tim con được nhẹ nhàng hơn và tự do hơn
để yêu mến mọi người. Amen.

Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ