Thứ Ba, 22 tháng 1, 2019

22/01/2019


THỨ BA TRONG TUẦN II THƯỜNG NIÊN C




 

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Marcô (Mc 2: 23-28)

23 Vào ngày sa-bát, Đức Giê-su đi băng qua một cánh đồng lúa. Dọc đường, các môn đệ bắt đầu bứt lúa.24Người Pha-ri-sêu liền nói với Đức Giê-su: "Ông coi, ngày sa-bát mà họ làm gì kia? Điều ấy đâu được phép!"25Người đáp: "Các ông chưa bao giờ đọc trong Sách sao? Ông Đa-vít đã làm gì, khi ông và thuộc hạ bị thiếu thốn và đói bụng?26 Dưới thời thượng tế A-bi-a-tha, ông vào nhà Thiên Chúa, ăn bánh tiến, rồi còn cho cả thuộc hạ ăn nữa. Thứ bánh này không ai được phép ăn ngoại trừ tư tế".

27 Người nói tiếp: "Ngày sa-bát được tạo nên cho con người, chứ không phải con người cho ngày sa-bát.28Bởi đó, Con Người làm chủ luôn cả ngày sa-bát".


  
  Suy niệm

        Trong ngôn ngữ thường ngày, chúng ta không còn dùng từ ngữ ngày Sabát như truyền thống của người Do Thái, nhưng chúng ta dùng ngày Chúa Nhật, ngày của Chúa trong lịch hiện nay. Sống trong “thế giới di động” hiện nay, nhiều người không biết nghỉ ngơi là thế nào. Chúng ta cần được nhắc nhở về chuyện nghỉ ngơi để sống cho mình, cho gia đình, và cho Chúa. Qua bài Tin Mừng hôm nay, chính Chúa Giêsu đã dạy chúng ta biết sống ngày “Sabát” như thế nào để được tự do sống cho Chúa, cho gia đình và cho chính mình.

        Đức Giêsu đã không ít lần tranh luận với người Pharisêu và giới lãnh đạo Do Thái. Hôm nay, họ bức xúc và không chấp nhận quyền làm chủ của Đức Giêsu về ngày Sabát, vì họ không chấp nhận Người là Con Thiên Chúa. Không chấp nhận quyền làm chủ, có nghĩa họ không cho phép Đức Giê-u được chữa bệnh trong ngày đó, Người có thể chữa bệnh trong bất kỳ ngày nào trừ ngày Sabát, như vậy họ đang tự cho mình cái quyền quyết định. Đức Giêsu đã cho họ thấy thứ lề luật trên cả luật lệ mà họ đang giữ. Người hiểu rằng con người được Thiên Chúa tạo dựng trước khi luật về ngày Sabát ra đời. Chính vì thế, có luật lệ về ngày Sabát, trước hết là để thờ phượng Thiên Chúa, sau đó là để bảo vệ con người, làm cho con người biết thân xác họ cần được nghỉ ngơi, và linh hồn họ cần được nuôi dưỡng.

        Ngày hôm nay, người ta thượng tôn chủ nghĩa tự do, người ta sợ mang gông cùm và ghét kẻ nào cướp mất tự do của mình. Con cái trong gia đình sợ phải ràng buộc vào luật lệ của cha mẹ. Nhiều bạn trẻ chán ngán hoặc khiếp sợ các luật lệ trong Giáo Hội, như phải đi lễ ngày Chúa Nhật, phải học giáo lý, phải chung thủy một vợ một chồng, v.v. Như vậy, ta dễ dàng quy cho cha mẹ, cho Giáo Hội, cho Chúa như là những cảnh sát luôn kìm kẹp và làm ta mất tự do. Chúng ta hãy nghe lại Lời Chúa hôm nay, Đức Giêsu đã mở ra cho ta một luật của tự do, luật của sự sống.
Hôm nay, Chúa giải thích để ta hiểu luật là vì yêu thương con người. Luật của Chúa không phải để áp đặt, để gông cùm, để đè nặng trên con người, nhưng là để thanh thoát, để thảnh thơi, để thăng tiến và bảo vệ tự do mà Chúa ban tặng. Chính vì chúng ta không hiểu nên nhiều khi đã giữ luật Chúa cách nô lệ, hình thức và nặng nề gò bó.

       Lạy Chúa, xin giúp cho mỗi thành viên trong gia đình chúng con hiểu được lề luật của Chúa để chúng con sống với Chúa, với nhau và với chính mình một cách tự do và hân hoan. Trong tuần lễ hiệp nhất này, xin Chúa cho chúng con thấy được rằng tình yêu là điều quan trọng hơn mọi thứ lề luật. Chính sự hiệp nhất của mọi thành viên trong gia đình, giáo xứ, giáo phận sẽ giúp chúng con yêu thương và nên một trong tình yêu Chúa. Amen.

 
GKGĐ Giáo Phận Phú Cường

Thứ Tư, 9 tháng 1, 2019

11.01.2011


Thứ Sáu Sau Lễ Chúa Hiển Linh
Lc 5,12-16

Lời Chúa:
“Có một người đầy phong hủi vừa thấy Người, liền sắp mặt xuống, xin Người rằng: “Thưa Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch” (Lc 5,12)
Câu chuyện minh họa:
Ebba de Pauli trong quyển “Vị ẩn sĩ” đã mô tả một người cùi như thế này: Đó là một bà trung lưu và có thể nói là “đạo đức”. Bà không phải bận bịu với việc sinh nhai, bà có nhiều giờ để đi nhà thờ đọc kinh dự lễ, và vẫn còn nhiều giờ để tìm nói chuyện với người này người nọ. Nhưng bà không hiểu tại sao người ta cứ muốn xa lánh bà. Một nhóm người đang trò chuyện với nhau vui vẻ nhưng khi vừa thấy bóng dáng bà thì mọi người đều im bặt. Có người vừa thấy bà xa xa thì đã lẫn đi nơi khác. Bà đến hỏi ý kiến với Vị Ẩn Sĩ. Sau khi hỏi bà một số chi tiết, Vị Ẩn Sĩ kết luận:
– Sở dĩ người ta xa lánh bà vì họ coi bà là một con rắn độc!
– Nhưng sao họ coi tôi là rắn độc?
– Vì trong đầu óc bà đầy những ý tưởng độc hại, như nghĩ xấu về người khác, hằn học, đố kỵ, bi quan… Nghe bà nói, người ta cảm thấy tâm hồn mình chùn xuống, cuộc sống mình buồn thảm hơn.
– Vậy xin ngài chỉ cho tôi phải làm sao.
Vị Ẩn Sĩ khuyên bà thay đổi cách suy nghĩ và cách giao tiếp: từ nay hãy nuôi trong đầu mình những ý tưởng tốt lành; khi nói chuyện với người khác, hãy chia sẻ những ý nghĩ tốt lành ấy, rồi mọi sự sẽ khá hơn.
Bà này làm theo. Và kết quả đúng như Vị Ẩn Sĩ tiên báo.
Suy niệm:
Bệnh cùi là một bệnh khủng khiếp, và ghê sợ. Tuy nhiên nó không khủng khiếp bằng nỗi khổ bị xua đuổi. Có thể nói, đau khổ lớn nhất của họ là bị người khác xua đuổi, vì sự xua đuổi khiến người ta cảm thấy cô đơn, thấy mình không còn phẩm giá gì nữa, thậm chí nó còn khiến người ta nổi loạn. Nhưng chúng ta cần phải cảnh giác với một thứ bệnh cùi đặc biệt như trong bài Tin Mừng hôm nay mô tả: Đó là một thứ tội thực sự làm cho tâm hồn con người ra ô uế, lại có sức truyền nhiễm rất mạnh, và do đó đáng bị mọi người xa lánh.
Người cùi đến với Đức Giêsu trong bài Tin Mừng này là một người bị xua đuổi. Vì cùi, anh không được sống chung với người khác trong xã hội. Anh phải tránh không để cho người khác chạm tới mình. Điểm đáng để chúng ta quan tâm trong chuyện này là cách Chúa Giêsu đối xử với anh. Khi thấy anh đến gần mình, Ngài không xua đuổi, nhưng Người giơ tay đụng vào anh. Bằng cử chỉ ấy, Đức Giêsu tỏ dấu đón nhận anh. Và thái độ hoan nghênh đón nhận đó đã chữa anh khỏi mặc cảm và nỗi đau bị xua đuổi. Cho nên có thể nói, trước khi chữa bệnh thể xác cho anh, Ngài đã chữa lành tinh thần của anh.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa luôn muốn chữa lành mọi bệnh tật phần hồn phần xác cho chúng con. Xin cho chúng con biết tin tưởng và tìm đến với Chúa, để Chúa chữa lành cho chúng con.

Bản chất... khôn ngoan”—Nhưng khiêm nhường



1-3. Tại sao chúng ta có thể biết chắc là Đức Giê-hô-va khiêm nhường?
MỘT người cha muốn truyền thụ một bài học tối quan trọng cho đứa con nhỏ. Ông tha thiết muốn động đến lòng con. Vậy ông nên xử trí thế nào? Ông có nên đứng sừng sững trước mặt đứa trẻ như đe dọa và nói gay gắt không? Hay là ông cúi xuống ngang với con và nói bằng giọng ôn hòa, tha thiết? Chắc chắn một người cha khôn ngoan, khiêm nhường sẽ chọn cung cách ôn hòa.
2 Đức Giê-hô-va, Cha chúng ta, là Đấng như thế nào—ngạo mạn hay khiêm nhường, khắc nghiệt hay ôn hòa? Đức Giê-hô-va là Đấng thông hiểu mọi sự và khôn ngoan tuyệt đối. Song, bạn có nhận thấy rằng tri thức và trí thông minh không nhất thiết khiến người ta khiêm nhường không? Như Kinh Thánh nói, “sự hay-biết sanh kiêu-căng”. (1 Cô-rinh-tô 3:19; 8:1) Nhưng Đức Giê-hô-va “bản chất... khôn ngoan” lại cũng khiêm nhường. (Gióp 9:4, Trịnh Văn Căn) Điều này không có nghĩa Ngài ở địa vị thấp kém hoặc thiếu vẻ oai nghi, nhưng vì Ngài hoàn toàn không có tính kiêu ngạo. Tại sao thế?
3 Đức Giê-hô-va là thánh. Vì vậy tính kiêu ngạo, một nét tính gây ô uế, không có nơi Ngài. (Mác 7:20-22) Ngoài ra, hãy lưu ý lời nhà tiên tri Giê-rê-mi nói với Đức Giê-hô-va: “Chắc chắn linh hồn Ngài [chính Đức Giê-hô-va] sẽ nhớ đến và cúi xuống phía tôi”.* (Ca-thương 3:20, NW) Hãy tưởng tượng xem! Đức Giê-hô-va, Chúa Tối Thượng hoàn vũ, sẵn lòng “cúi xuống”, tức hạ mình ngang hàng với Giê-rê-mi, để quan tâm đến con người bất toàn đó. (Thi-thiên 113:7) Đúng, Đức Giê-hô-va khiêm nhường. Nhưng tính khiêm nhường của Đức Chúa Trời bao hàm điều gì? Đức tính này liên quan thế nào với sự khôn ngoan? Và tại sao nó quan trọng đối với chúng ta?

Thứ Ba, 8 tháng 1, 2019

Thứ hai ngày 07/01/2019

BÀI ĐỌC I: 1 Ga 3, 22 – 4, 6
Trích thư thứ nhất của Thánh Gioan Tông đồ.
Các con thân mến, bất cứ điều gì chúng ta xin, thì chúng ta cũng lãnh nhận được nơi Chúa, vì chúng ta giữ các giới răn Người và làm điều đẹp lòng Người. Và đây là giới răn của Người: chúng ta phải tin vào thánh danh Con của Người, là Chúa Giêsu Kitô, và phải thương yêu nhau, như Người đã ban giới răn cho chúng ta. Ai giữ các giới răn của Người, thì ở trong Người và Người ở trong họ. Do điều này mà chúng ta biết Người ở trong chúng ta, đó là Thánh Thần mà Người đã ban cho chúng ta.
Các con thân mến, chớ tin bất cứ thần trí nào, nhưng hãy nghiệm xét các thần trí, coi có phải bởi Thiên Chúa hay không, vì có nhiều tiên tri giả đã xuất hiện trong thế gian. Do điều này mà các con biết là thần trí của Thiên Chúa: Thần trí nào tuyên xưng Chúa Giêsu Kitô đã đến trong xác phàm thì là bởi Thiên Chúa; còn thần trí nào phủ nhận Chúa Giêsu, thì không bởi Thiên Chúa mà ra, đó là thần trí của Phản-Kitô; các con nghe nói rằng nó đến, và hiện giờ nó đã ở trong thế gian rồi.
Các con thân mến, các con bởi Thiên Chúa mà ra và đã thắng nó, vì Đấng ở trong các con thì cao trọng hơn kẻ ở trong thế gian. Chúng thuộc về thế gian, nên nói chuyện thế gian, và thế gian nghe theo chúng. Chúng ta bởi Thiên Chúa mà ra. Ai biết Thiên Chúa, thì nghe chúng ta; còn ai không bởi Thiên Chúa, thì không nghe chúng ta. Do đó mà chúng ta biết được thần trí chân thật và thần trí dối trá. Đó là lời Chúa.
                        PHÚC ÂM: Mt 4, 12-17. 23-25
Khi ấy, nghe tin Gioan bị nộp, Chúa Giêsu lui về Galilêa. Người rời bỏ Nadarét, đến ở miền duyên hải thành Capharnaum, giáp ranh đất Giabulon và Nephtali, để ứng nghiệm lời đã phán bởi miệng tiên tri Isaia rằng:
“Hỡi đất Giabulon và đất Nephtali, đường dọc theo biển, bên kia sông Giođan, Galilêa của ngoại bang! Dân ngồi trong tối tăm, đã thấy ánh sáng huy hoàng, ánh sáng đã xuất hiện cho người ngồi trong bóng sự chết”. Từ bấy giờ, Chúa Giêsu bắt đầu rao giảng và nói: “Hãy hối cải, vì nước trời đã gần đến”.
Và Chúa Giêsu đi rảo quanh khắp xứ Galilêa, dạy dỗ trong các hội đường của họ, rao giảng tin mừng nước trời, chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền trong dân. Tiếng tăm Người đồn ra khắp xứ Syria. Người ta đã đem đến cho Người đủ thứ bệnh nhân, những người mắc phải tật nguyền đau đớn, quỷ ám, kinh phong, bất toại. Người đã chữa họ lành. Dân chúng đông đảo theo Người, họ đến từ xứ Galilêa, miền Thập Tỉnh, Giêsrusalem, Giuđêa và vùng bên kia sông Giođan. Đó là lời Chúa

Thứ Sáu, 4 tháng 1, 2019

Thứ bảy ngày 05/01/2019

Trích thư thứ nhất của Thánh Gioan Tông đồ.
Các con thân mến, đây sứ điệp các con đã nghe từ ban đầu là chúng ta phải thương yêu nhau. Không như Cain, người thuộc về ma quỷ, nên đã giết em mình. Nhưng tại sao nó đã giết em? Vì công việc nó làm là gian ác, còn công việc của em nó thì chính trực.
Các con đừng ngạc nhiên, nếu thế gian ghét các con. Chúng ta biết rằng chúng ta đã được chuyển từ cõi chết đến cõi sống, vì chúng ta thương yêu anh em. Ai không yêu thương, thì ở trong cõi chết. Hễ ai ghét anh em mình đều là kẻ sát nhân; và các con biết rằng mọi kẻ sát nhân không có sự sống đời đời trong mình. Do điều này mà chúng ta đã biết tình yêu của Thiên Chúa là chính Người đã thí mạng sống mình vì chúng ta, nên chúng ta cũng phải thí mạng sống mình cho anh em.
Nếu ai có của cải đời này mà thấy anh em mình túng thiếu, lại đóng cửa lòng mình đối với họ, thì làm sao tình yêu của Thiên Chúa ở trong người ấy được? Các con thân mến, chúng ta đừng yêu bằng lời nói và miệng lưỡi, nhưng bằng việc làm và chân thật, do đó chúng ta biết mình thuộc về sự thật, và sẽ được vững lòng trước mặt Chúa. Vì nếu lòng chúng ta có khiển trách chúng ta, thì Thiên Chúa còn lớn hơn lòng chúng ta và Người thông biết mọi sự.
Các con thân mến, nếu lòng chúng ta không khiển trách, thì chúng ta tin tưởng nơi Thiên ChúaĐ, và bất cứ điều gì chúng ta xin, thì chúng ta cũng được Người ban cho, vì chúng ta giữ giới răn Người và làm điều đẹp lòng Người. Đó là lời Chúa.
Bài đọc I: Phải yêu thương cách chân thật và bằng việc làm.
2.1/ Sự quan trọng của giới luật yêu thương:
(1) Phải yêu thương bằng việc làm. Ngài viết: “Hỡi anh em là những người con bé nhỏ, chúng ta đừng yêu thương nơi đầu môi chót lưỡi, nhưng phải yêu thương cách chân thật và bằng việc làm. Căn cứ vào điều đó, chúng ta sẽ biết rằng chúng ta đứng về phía sự thật, và chúng ta sẽ được an lòng trước mặt Thiên Chúa.” Chỗ khác Ngài viết: “Ai nói mình yêu thương Thiên Chúa, mà lại ghét anh em mình, là kẻ nói dối, và sự thật không có nơi người ấy.” Theo Gioan, yêu thương và sự thật không thể tách rời nhau.
(2) Thiên Chúa còn cao cả hơn lòng chúng ta: “Vì nếu lòng chúng ta có cáo tội chúng ta, Thiên Chúa còn cao cả hơn lòng chúng ta, và Người biết hết mọi sự. Anh em thân mến, nếu lòng chúng ta không cáo tội chúng ta, chúng ta được mạnh dạn đến cùng Thiên Chúa.” Đây là 2 câu khó hiểu, và có ít nhất 2 cách hiểu: Thứ nhất, nếu lòng chúng ta cáo tội chúng ta, Thiên Chúa còn cao cả hơn lòng chúng ta vì Ngài biết mọi sự; có nghĩa tội của chúng ta không thể tránh khỏi cơn thịnh nộ của Thiên Chúa. Thứ hai, nếu lòng chúng ta cáo tội chúng ta, Thiên Chúa còn cao cả hơn lòng chúng ta; có nghĩa Thiên Chúa không chỉ biết tội của chúng ta, nhưng Ngài còn biết tình yêu, ước muốn, yếu đuối, bệnh tật của chúng ta; vì thế, Ngài hiểu biết và sẵn sàng tha thứ cho chúng ta. Thomas à Kempis phân tích sự khác nhau giữa Thiên Chúa và con người: “Con người nhìn kết quả, Thiên Chúa biết ý định.” Ví dụ, tuy vua David không được phép xây nhà cho Thiên Chúa, nhưng ông đã xây nhà cho Ngài bằng ước muốn (1 Kgs 8:17-18). Châm ngôn Pháp có câu: “Biết tất cả là tha thứ tất cả.” Nếu trong trái tim của chúng ta có yêu thương, chúng ta có thể tự tin khi đến với Ngài. Chỗ khác, Gioan cũng nói: “Yêu thương là đền bù mọi tội lỗi.”
2.2/ Phải giữ các giới răn của Người: Gioan viết: “Đây là điều răn của Người: chúng ta phải tin vào danh Đức Giêsu Kitô, Con của Người, và phải yêu thương nhau, theo điều răn Người đã ban cho chúng ta.” Nếu chúng ta để ý các Sách của Gioan, tin Đức Kitô và yêu thương là hai chủ đề chính của Ngài. Con người phải tin Đức Kitô mới có sự sống đời đời, và phải yêu thương nhau nếu muốn làm môn đệ của Ngài. Giữ giới răn của Thiên Chúa không gì khác hơn là giữ giới luật yêu thương, hay “Mến Chúa yêu người.” Khi chúng ta giữ giới răn Thiên Chúa, hai điều này được bảo đảm cho chúng ta: Thứ nhất, bất cứ điều gì chúng ta xin, chúng ta được Người ban cho, bởi vì chúng ta tuân giữ các điều răn của Người và làm những gì đẹp ý Người. Thứ hai, ai tuân giữ các điều răn của Thiên Chúa thì ở lại trong Thiên Chúa và Thiên Chúa ở lại trong người ấy. Căn cứ vào điều này, chúng ta biết được Thiên Chúa ở lại trong chúng ta, đó là nhờ Thần Khí, Thần Khí Người đã ban cho chúng ta.
2/ Phúc Âm: “Cứ đến mà xem!”
2.1/ Phải trút bỏ thành kiến để học hỏi những điều mới lạ: Thánh Thomas Aquinas nói: “Yêu ai là mong muốn sự tốt lành cho người ấy.” Trong quãng đời công khai rao giảng của Đức Kitô, chúng ta thấy kiểu mời gọi này: Khi đã nhận biết Đức Kitô, Gioan Tẩy Giả giới thiệu Ngài cho hai môn đệ đi theo (Jn 1:35-37). Một trong hai môn đệ là Anrê đã giới thiệu Đức Kitô cho em mình là Phêrô (Jn 1:40-42). Trong trình thuật hôm nay, Philip mời gọi ông Nathanael đến gặp Chúa và nói: “Đấng mà sách Luật Moses và các ngôn sứ nói tới, chúng tôi đã gặp: đó là ông Giêsu, con ông Giuse, người Nazareth.” Ông Nathanael liền bảo: “Từ Nazareth, làm sao có cái gì hay được?” Ông Philíp trả lời: “Cứ đến mà xem!”
Thành kiến giam hãm và ngăn cản con người không nhìn ra sự thật. Hai điều có thể ngăn cản Nathanael không đến với Chúa: Thứ nhất, sự cạnh tranh giữa các làng mạc: Nathanael quê ở Cana; giữa Cana và Nazareth có thể có sự cạnh tranh vì hai làng rất gần nhau. Thứ hai, theo Kinh Thánh, Đấng Thiên Sai sẽ xuất hiện tại Bethlehem là quê hương của vua David, chứ đâu xuất hiện tại Nazareth, một làng quê mùa phía Bắc như vậy. Đứng trước nhận định khinh thường như thế, Philip không nản chí, nhưng vẫn khuyến khích bạn: thì cứ thử đến mà xem! Nathanael có lẽ vì nể tình bạn với Philip, nên đi đến gặp Đức Kitô.
2.2/ Cuộc hạnh ngộ giữa Đức Kitô và Nathanael.
(1) Đức Kitô khơi dậy niềm tin nơi Nathanael: Đức Giêsu thấy ông Nathanael tiến về phía mình, liền nói về ông rằng: “Đây đích thật là một người Israel, lòng dạ không có gì gian dối.” Đây là ý tưởng của Thánh Vịnh 32:2, “Hạnh phúc thay, người Chúa không hạch tội, và lòng trí chẳng chút gian tà.” Phản ứng trước tiên của Nathanael là sửng sốt vì ông chưa gặp Ngài bao giờ, thế mà Ngài lại thấu suốt cuộc đời của ông. Ông Nathanael hỏi Người: “Làm sao Ngài lại biết tôi?” Đức Giêsu trả lời: “Trước khi Philíp gọi anh, lúc anh đang ở dưới cây vả, tôi đã thấy anh rồi.” Lại một ngạc nhiên nữa, Chúa Giêsu có khả năng nhìn thấy mọi nơi, điển hình là lúc ông đang nói chuyện với Philip dưới gốc cây vả. Biết mình không còn gì có thể giấu Chúa Giêsu, ông khiêm nhường thú nhận: “Thưa Thầy, chính Thầy là Con Thiên Chúa, chính Thầy là Vua Israel!”
(2) Đức Kitô hứa sẽ cho Nathanael thấy những điều kỳ diệu hơn nữa: Đức Giêsu đáp: “Vì tôi nói với anh là tôi đã thấy anh ở dưới cây vả, nên anh tin! Anh sẽ còn được thấy những điều lớn lao hơn thế nữa.” Người lại nói: “Thật, tôi bảo thật các anh, các anh sẽ thấy trời rộng mở, và các thiên thần của Thiên Chúa lên lên xuống xuống trên Con Người.”
+ Thị kiến chiếc thang của Jacob: Cụm từ “Thiên thần lên lên xuống xuống” nhắc nhở chúng ta thị kiến chiếc thang trong giấc mơ của tổ-phụ Jacob tại Bethel (Gen 28:12-13). Đức Kitô giải thích Ngài là chiếc thang nối kết giữa Trời và Đất, các sứ thần của Thiên Chúa sẽ không ngừng lên xuống để dâng lời cầu nguyện của con người lên Thiên Chúa, và chuyển ơn thánh từ Thiên Chúa xuống cho con người.
+ Ai là Nathanael mà Gioan đề cập đến ở đây? Có nhiều cách cắt nghĩa khác nhau: (1) một hình ảnh lý tưởng tượng trưng cho con cái Israel; (2) có người cho là Phaolô hay người “môn đệ được Chúa yêu;” và (3), là tông-đồ Bartholomew mà Tin Mừng Nhất Lãm đề cập tới. Sự kiện chúng ta mừng lễ thánh Bartholomew chứng tỏ Giáo Hội chấp nhận cách giải thích số (3).
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Thiên Chúa đã làm mọi sự để chứng tỏ Ngài yêu thương chúng ta.
– Chúng ta cần đáp lại tình yêu Thiên Chúa qua việc tuân giữ các điều răn của Ngài.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
Chiếc Áo Rách  
Một linh sư Ấn giáo nọ rất hài lòng về sự tiến bộ của người đệ tử. Nhận thấy rằng người đệ tử không cần đến sự dìu dắt của ông nữa, cho nên ông mới bỏ mặc anh trong túp lều tranh rách nát bên cạnh một bờ sông. Một buổi sáng, khi thức dậy, người đệ tử xuống dòng sông thanh tẩy theo đúng nghi thức, rồi giặt chiếc áo rách rưới của mình. Ðây là tài sản duy nhất của anh ta.
Ngày nọ, anh đau đớn vô cùng khi nhận ra chiếc áo phơi ở bờ sông đã bị chuột cắn tả tơi. Không còn cách nào nữa, người đệ tử đành phải vào làng gõ cửa để xin một chiếc áo khác. Cái áo lần nữa cũng bị chuột gặm nát. Anh mới xin được một con mèo. Lần này anh khỏi phải lo lắng về mấy con chuột nữa. Nhưng không xin áo mặc, thì người đệ tử cũng phải xin cơm, bánh mà thôi.
Ngày ngày phải vác bị đi khất thực, người đệ tử cảm thấy mình như một thứ gánh nặng đối với dân làng. Nghĩ thế, cho nên anh mới tìm cách tậu cho bằng được một con bò để lấy vốn làm ăn. Nhưng có bò thì cũng phải có cỏ cho bò ăn. Những ngày đầu, anh còn tự mình cắt cỏ cho bò ăn. Về lâu về dài, nhận thấy không còn thì giờ cho sự cầu nguyện nữa, cho nên anh đành phải thuê người cắt cỏ cho bò. Bò càng ngày càng sinh sản ra nhiều, người cắt cỏ cũng phải gia tăng. Không mấy chốc, mảnh đất xung quanh túp lều của anh đã biến thành một nông trại. Con người đã một thời muốn bỏ đi tất cả mọi sự để trở thành một tu sĩ nay nghiễm nhiên trở thành một chủ nông trại giàu có. Có tiền, có mọi sự, cho nên anh cũng muốn có người chia sẻ công việc của anh. Anh đành phải cưới vợ. Và không mấy chốc, anh đã trở thành một trong những chủ nông trại giàu có nhất trong làng.
Vài năm sau, khi có dịp trở lại thăm ngôi làng cũ, vị linh sư đã một thời dẫn dắt anh, ngạc nhiên vô cùng vì thay cho túp lều nghèo nàn bên bờ sông, nay là cả một cơ nghiệp đồ sộ. Dò hỏi được tung tích của người chủ nông trại, vị linh sư mới lên tiếng hỏi người đệ tử của mình: “Thế này nghĩa là gì hả con?”. Người đệ tử mới trả lời: “Có lẽ thầy không tin. Nhưng tất cả cơ nghiệp này hiện hữu là cũng chỉ vì con đã không làm cách nào để giữ được chiếc áo rách”.
Vì chén cơm manh áo, người ta có thể đánh mất lý tưởng của mình. Vì chén cơm manh áo, người ta có thể chà đạp phẩm giá của mình cũng như của người khác. Vì chén cơm manh áo, người ta có thể chối bỏ niềm tin của mình. Ðó là mối hiểm nguy mà bất cứ ai cũng có thể rơi vào.
  Ðầu một Năm Mới, tiến thêm một bước trong cuộc hành trình đức tin, chúng ta hãy xin Chúa ban thêm sáng suốt để thấy được bậc thang giá trị trong cuộc sống của chúng ta. Xin Ngài ban thêm can đảm để trong khi mưu cầu của cải vật chất, chúng ta có đủ sức khước từ mọi hành động bất chánh, mọi thỏa hiệp với lừa đảo, gian trá. Xin Ngài ban thêm lòng quảng đại để chúng ta biết mở rộng quả tim và đôi bàn tay để chia sớt, để san sẻ với mọi người khốn khổ.
(Lẽ Sống)

Thứ Ba, 1 tháng 1, 2019

THỨ TƯ NGÀY 02.01.2019

Gioan làm chứng về Chúa Giêsu.
02/01 – Thứ Tư – Thánh Baxiliô Cả và thánh Grêgôriô Nazianzênô. Lễ nhớ.
"Có một Ðấng sẽ đến sau tôi, nhưng chính Ðấng đó đã có trước tôi"

Thánh Baxiliô sinh tại Xêdarê miền Capađôxia năm 330, trong một gia đình Kitô giáo. Vốn là người tinh thông văn học lại nổi tiếng nhân đức, ban đầu thánh nhân chọn cuộc đời đan tu. Đến năm 370, người được cắt đặt làm giám mục cai quản nơi người sinh trưởng. Người tích cực chống lại giáo phái Ariô, viết nhiều tác phẩm. Đặc biệt, người đã soạn thảo những quy luật cho đời sống đan tu, mà cho đến bây giờ, nhiều đan sĩ đông phương vẫn còn tuân giữ. Người hết sức chăm lo cho người nghèo. Người qua đời ngày 1 tháng Giêng năm 379.
Thánh Grêgôriô cũng sinh năm 330 gần thành Nadien. Người đi rất nhiều nơi để học hỏi, người đã kết thân với thánh Baxiliô, đã chọn cuộc sống tu hành, nhưng sau đó thụ phong linh mục, rồi được chọn làm giám mục. Năm 381 người được đặt lên cai quản giáo phận thành Công-tăng-ti-nô-pô-li; tuy nhiên, 18 tháng sau, vì có sự chia rẽ và bè phái trong địa phận, người lui về thành Nadien và qua đời tại đó ngày 25 tháng Giêng năm 389 hay 390. Hậu thế thường gọi thánh nhân là nhà thần học vì người vừa am tường đạo lý cao siêu, vừa có tài hùng biện.
 LỜI CHÚA: Ga 1,19-28
Ðây là chứng của Gioan, khi những người Do thái từ Giêrusalem sai các vị tư tế và các Thầy Lêvi đến hỏi ông: "Ông là ai?" Ông liền tuyên xưng, ông không chối, ông tuyên xưng rằng: "Tôi không phải là Ðấng Kitô". Họ liền hỏi: "Như vậy là thế nào? Ông có phải là Elia chăng?" Gioan trả lời: "Tôi không phải là Elia". "Hay ông là một đấng tiên tri?" Gioan đáp: "Không phải". Họ liền bảo: "Vậy ông là ai, để chúng tôi trả lời cho những người sai chúng tôi. Ông tự xưng là ai?" Gioan đáp: "Tôi là tiếng kêu trong hoang địa: Hãy sửa cho ngay đường Chúa đi, như tiên tri Isaia đã loan báo". Và những người đã được sai đến đều thuộc nhó
m biệt phái. Họ hỏi Gioan rằng: "Nếu ông không phải là Ðức Kitô, cũng không là Elia, hay một tiên tri, vậy tại sao ông làm phép rửa?" Gioan trả lời: "Tôi làm phép rửa trong nước; nhưng giữa các ngươi, có Ðấng mà các ngươi không biết. Ðấng ấy sẽ đến sau tôi, nhưng chính Ðấng đó đã có trước tôi, và tôi không xứng đáng cởi dây giày cho Người". Việc này xảy ra tại Betania, bên kia sông Giođan, nơi Gioan làm phép rửa.



Suy Niệm 1: Lời Chứng Của Gioan
Con người thường mang tâm trạng thích được khen, người nhận lời khen cảm thấy tâm hồn thoải mái, vui tươi, phấn khởi. Ðó là một nghệ thuật để khuyến khích người khác hăng hái tiếp tục công việc họ đang làm ngày càng khá hơn. Trong gia đình, người chồng khen người vợ biết trang hoàng căn phòng lịch sự, sáng sủa, đơn sơ sẽ làm cho người vợ thương mến người chồng hơn, hoặc người chồng được vợ khen là biết chọn màu áo trang nhã, tiệm may vừa khít trông đẹp, phải chăng tình thương nồng ấm, đậm đà giữa vợ chồng trong gia đình càng tăng thêm hạnh phúc hơn.
Nếu một người nhân viên trong sở làm, người giám đốc mỉm cười khen một cách thành thực là anh đi làm rất đúng giờ có phải là một ích lợi lớn lao cho anh, vì được ông chủ để ý đến mình và biết đâu anh ta nhờ đó mà siêng năng, chăm chỉ hơn trong công việc của mình. Cho nên, khen là một điều nên thực hiện khi có thể đối với nhau. Tuy nhiên, điểm tác hại sâu xa nhất là khen hời, khen quá hóa nịnh là chuyện không nên. Người ta không có mà chúng ta đưa lên tận mây xanh làm họ mở mắt không ra, không nhìn thấy khả năng thực sự của mình và làm họ cứ ảo tưởng nghĩ rằng mình giỏi thật, đó thật là một chuyện nguy hiểm và là chuyện tâm lý bình thường của con người. Có một điểm nữa là từ đó con người ưa nói quá về mình. Chúng ta không có nhưng người ta nịnh gán cho mọi thứ tài giỏi hay ho, chúng ta cũng cứ nhận bừa lấy và trở thành như là của mình để rồi cứ nhận tiếp những lời khen quá đáng như thế.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Gioan Tẩy Giả đã cho chúng ta một bài học trung thực về chính cuộc đời của ông. Khi những người Do Thái từ Giêrusalem sai các vị tư tế và các thầy Lêvi đến hỏi ông là ai? Ngụ ý của họ là muốn biết Gioan có phải là Ðức Kitô, Ðấng phải đến chăng? Gioan xác nhận ngay: "Tôi không phải là Ðức Kitô". Ðức Kitô thì chắc hẳn Gioan không dám tự nhận nhưng ông có thể nhận mình là Elia được, vì có ai biết được Elia đâu, người ta chỉ nghe truyền thuyết là Elia không chết, ông ngồi trên xe lửa mà về trời và sau này ông sẽ trở lại. Nhưng Gioan Tẩy Giả cũng không nhận mình là Elia và ngay cả người ta hỏi: "Ông có phải là một tiên tri không?" vì Gioan cũng làm nhiều điều lạ, ông kêu gọi mọi người ăn năn hối cải và người ta đến rất đông để nhận lãnh phép rửa do ông ban cho. Ông cũng có thể nhận mình là một tiên tri nào đó thì có ai biết đến, thế nhưng ông vẫn trả lời:"Tôi không phải là một tiên tri" mà ông tự nhận như sau: "Tôi là tiếng kêu trong hoang địa, hãy sửa đường cho ngay thẳng để Chúa đi", như lời tiên tri Isaia đã loan báo.
Một con người thấp hèn với địa vị khiêm tốn, nào ai trong chúng ta chấp nhận được tinh thần như Gioan Tẩy Giả. Và còn hơn thế nữa, Gioan đã nhìn nhận con người kém cỏi của mình so với Ðấng Cứu Thế mà ông đang rao giảng: "Ðấng sẽ đến sau tôi nhưng tôi không xứng đáng cởi dây giầy cho Ngài". Một câu nói khác mà Chúa Giêsu đưa ra để cho chúng ta noi gương, Chúa Giêsu đã nói: Khi vào bàn tiệc hãy ngồi chỗ rốt hết để sau đó người ta mời mình lên nơi cao có phải vinh dự hơn không?" Còn nếu chúng ta ngồi vào chỗ nhất, chỗ nhì thì sau đó người ta sẽ lại đến nói với chúng ta: "Xin nhường chỗ cho vị này" có phải là chúng ta xấu hổ mà ngồi lui xuống dưới chăng.
Khi người khác nhờ chúng ta một việc gì trong khả năng mà chúng ta có thể làm được thì chúng ta sẽ giúp họ. Tuy nhiên, chúng ta vẫn khiêm tốn nói: "Nếu không có gì trở ngại, tôi sẽ làm giúp cho anh", hay "theo khả năng của tôi, tôi hy vọng giúp được anh". Nói thế không hẳn là chúng ta thiếu tự tin hay không sốt sắng sẵn sàng trong những công việc người khác nhờ chúng ta. Nhưng nói như vậy là chúng ta nói lên sự tế nhị, sự khiêm tốn trong khả năng Thiên Chúa ban cho mỗi người trong chúng ta.
Lạy Chúa, xin cho chúng con bắt chước thánh Gioan Tẩy Giả có một tinh thần khiêm nhu, ôn hòa để qua cuộc sống của chúng con, mọi người nhận ra được khuôn mặt nhân hậu, từ ái bao la của Chúa. Amen.
(Trích trong ‘Suy Niệm Phúc Âm Hằng Ngày’ - Radio Veritas Asia)

Suy Niệm 2: Ngài đang ở giữa anh em.
Vào một đêm trăng. Thích Ca ngồi giữa các đệ tử, ngài lấy ngón tay chỉ mặt trăng và nói: “Kia là mặt trăng, cứ ngó theo ngón tay ta thì thấy, nhưng đừng tưởng ngón tay ta là mặt trăng”.
Tin Mừng hôm nay cũng đề cập đến một cuộc đối thoại tương tự giữa Gioan Tẩy giả và những biệt phái đến từ Yêrusalem. Họ đặt ra ba hình ảnh về về Gioan. Trước hết, họ hỏi ông có phải là Đấng Kitô không? Thật thế, người Do Thái đã và vẫn còn mong đợi Đấng Kitô, nhưng không ai có ý niệm đích xác về Ngài: kẻ thì nghĩ đó là Đấng đem hòa bình đến cho nhân loại, người thì cho đó là Đấng đến thiết lập sự công chính, một số đông hy vọng đó là vị anh hùng sẽ lãnh đạo dân Do Thái đi chinh phục toàn thế giới, có người còn hình dung đó là một siêu nhân đến từ Thiên Chúa. Câu trả lời phủ định của Gioan ngầm hiểu rằng Đấng Kitô không phải là người như các ông nghĩ, nhưng nếu chịu khám phá, các ông sẽ nhận ra Ngài đang ở giữa các ông.
Họ lại hỏi ông có phải là Êlia mà theo tục truyền đã được đưa về trời cách kỳ diệu và bây giờ lại xuất hiện không? Người Do Thái vẫn tin rằng trước khi Đấng Kitô đến. Êlia phải trở lại để chuẩn bị cho thế giới đón nhận Ngài, nhất là sẽ phong vương cho Ngài để được gọi là Kitô. Nhưng Gioan đã chân thành nhận mình không phải là Êlia.
Cuối cùng họ hỏi ông có phải là tiên tri không? Hỏi như vậy là vì có lời trong sách Thứ luật: “Thiên Chúa sẽ cho nổi dậy một tiên tri như ta” (18,15). Người Do Thái có khi hiểu lầm và áp dụng vào Đấng Cứu thế (Cv 6,k4), có khi cho đó là một đại tiên tri, như Isaia, Yêrêmia (Mc 8,28), nhưng Gioan lại từ chối và cho mình chỉ là tiếng kêu trong sa mạc: “Hãy dọn đường Chúa”.
Gioan đã làm chứng cho Chúa trong sự khiêm tốn. Người Kitô hữu cũng phải làm chứng cho Chúa về nhiều phương diện: không những giơ ngón tay chỉ Chúa Giêsu cho người khác, mà còn phải là chứng nhân bằng chính cuộc sống nữa. Đó là sứ mạng cao cả mà chúng ta cần nhiều ơn Chúa để có thể chu toàn trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta.

Suy Niệm 3: Có một vị đang ở giữa các ông

Người ta chỉ lớn lên khi ra khỏi mình, ra khỏi những bận tâm về mình.
Người ta chỉ lớn hết mức khi không còn coi mình là trung tâm.
Trung tâm được đặt nơi Thiên Chúa và tha nhân.
Đức Giêsu đã từng khẳng định rằng
trong con cái loài người, không ai lớn hơn ông Gioan Tẩy Giả (x. Mt 11,11).
Gioan lớn vì ông là vị ngôn sứ giới thiệu trực tiếp Đấng Mêsia là Đức Giêsu,
một điều mà không một ngôn sứ nào trong Cựu Ước được diễm phúc làm.
Nhưng Gioan cũng lớn vì ông đã chấp nhận nhỏ đi:
“Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Ga 3, 30).
Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy cách Gioan làm mình nhỏ lại.
Khi Gioan đã nổi tiếng bởi lối sống khắc khổ và lời giảng mạnh mẽ,
thì người Do Thái, người Pharisêu, sai các tư tế và các thầy Lêvi
từ Giêrusalem đến với Gioan đang làm phép rửa ở bên kia sông Giođan.
Họ muốn biết ông Gioan là ai.
Gioan đã không nhận mình là Đấng Kitô, hay Êlia tái giáng (Ml 4,5),
hay vị Ngôn Sứ cao cả đã được ông Môsê loan báo (Tl 18, 15.18),
mặc dù có người đã nghĩ ông là như vậy.
Những lời từ chối của Gioan càng lúc càng ngắn hơn và sắc hơn.
“Tôi không phải là Đức Kitô. - Tôi không phải là. - Không.”
Gioan từ chối những chức danh mà nhiều người thèm muốn.,
bởi lẽ ông biết rõ mình là ai.
Khi bị bắt buộc phải đưa ra một câu trả lời về con người của mình,
Gioan đã chọn câu của ngôn sứ Isaia (40, 3).
“Tôi là tiếng người hô trong hoang địa.
Hãy sửa cho thẳng con đường của Chúa.”
Gioan nhận mình chỉ là người dọn đường cho một Đấng đến sau,
Đấng ấy là người ông không xứng đáng cởi quai dép.
Cởi quai dép của chủ là việc chỉ dành cho người nô lệ thấp kém nhất.
Gioan là người làm chứng tuyệt vời về ánh sáng (Ga 1, 7-8).
Ông là “tiếng” làm chứng cho “Lời” là Con Một Thiên Chúa.
Cám ơn Gioan vì nhờ ông mà ta gặp được Ánh Sáng thật.
Cám ơn Gioan vì tiếng của ông dẫn ta đến với Lời của Thiên Chúa.

Cầu nguyện :
Lạy Chúa Giêsu,
xin cho con biết con,
xin cho con biết Chúa.
Xin cho con chỉ khao khát một mình Chúa,
quên đi chính bản thân,
yêu mến Chúa và làm mọi sự vì Chúa.
Xin cho con biết tự hạ,
biết tán dương Chúa và chỉ nghĩ đến Chúa.
Ước gì con biết hãm mình và sống trong Chúa.
Ước gì con biết nhận từ Chúa
tất cả những gì xảy đến cho con
và biết chọn theo chân Chúa luôn.
Xin đừng để điều gì quyến rũ con, ngoài Chúa.
Xin Chúa hãy nhìn con, để con yêu mến Chúa.
Xin Chúa hãy gọi con, để con được thấy Chúa.
Và để con hưởng nhan Chúa đời đời. Amen. (Thánh Augustinô)
Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.

Suy Niệm 4: KHIÊM TỐN KHI LÀM CHỨNG NHÂN CHO CHÚA (Ga 1,19-28)
Có một linh mục đã cao niên nổi tiếng là đạo đức. Trong một dịp nọ, ngài bị một bà nói xấu, bôi nhọ đến danh thơm tiếng tốt của ngài. Bà ta vu khống những chuyện xấu xa mà trong cuộc đời của ngài chưa hề có! Khi chuyện đến tai ngài, ngài chỉ nhắm mắt lại và âm thầm trong lời cầu nguyện, đồng thời ngài vẫn tỏ vẻ vui tươi và hăng say trong mọi công việc.
Đến một hôm, chính người nói xấu đến để xin lỗi ngài, ngài chỉ tươi cười và nói: “Tôi không biết bà là người nói những điều đó cho tôi, nhưng kể từ khi tôi biết chuyện đến giờ, tôi không bao giờ quên cầu nguyện cho người đã nói những điều đó và tôi hy vọng người đó được bình an. Hôm nay, lời cầu nguyện của tôi được thành hiện thực, tôi rất vui mừng và tạ ơn Chúa, xin Chúa tiếp tục chúc lành cho bà”.
Sau cuộc gặp gỡ đó, người phụ nữ đã một thời buông ra những lời độc địa không thương tiếc đến người đã sinh thành và nuôi dưỡng mình trong đời sống đức tin, nay nhờ tấm lòng bao dung, đại lượng, nhân hậu của ngài, bà ta đã sám hối và thay đổi đời sống, siêng năng cầu nguyện và hy sinh hơn trước nhiều.
Hôm nay, Lời Chúa đề cập đến cuộc đối thoại giữa Gioan Tẩy Giả và một số Tư tế và thầy Lêvi, họ đặt ra cho Gioan những câu hỏi liên quan đến thân thế và sứ vụ của ông. Họ nói: ông có phải là Đấng Kitô, hay Êlia, hoặc có phải là tiên tri nào đó không? Cả ba câu hỏi đều bị Gioan phủ nhận. Ông chỉ nhận mình là người dọn đường cho Đức Chúa, khi Ngài đến, ông không đáng cởi giây dép cho Ngài. Như vậy, Gioan đã làm chứng cho Đấng Cứu Thế trong sự khiêm tốn, ngài không nghĩ đến thân thế và uy tín của mình để tìm cách nổi nang, nhưng khiêm tốn nhận mình là tôi tớ, đến để phục vụ cho con người và sứ vụ của Đấng Thiên Sai.
Trong cuộc sống hiện nay, nhiều người nghĩ rằng: truyền giáo là phải làm những chuyện lớn lao vĩ đại, hay đưa ra những kế hoạch kếch xù, vĩ mô, những khái niệm trìu tượng mang tính xuyên thời đại... Nhưng chúng ta quên mất một điều, những thứ đó nhiều khi làm cho con người ngày hôm nay: “Kính nhi viễn chi”. Nhưng sự khiêm tốn, hiền hậu, nhân từ sẽ làm lay động lòng người và có sức cải hóa, biến đổi con người hôm nay cách dễ dàng.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho hình ảnh, lời nói và cuộc đời của thánh Gioan Tẩy Giả được hiện tại hóa trong đời sống đạo của chúng con và trong công cuộc loan báo Chúa cho anh chị em xung quanh. Amen.
Ngọc Biển SSP

Bài viết liên quan: