Chủ Nhật, 25 tháng 2, 2018

CHÚA NHẬT II 24.02.2018






Bài Ðọc I: St 22,1-2.9a.10-13.15-18

"Của hiến tế của Abraham Tổ phụ chúng ta".

Trích sách Sáng Thế.

Trong những ngày ấy, Chúa thử Abraham và nói với ông rằng: "Abraham, Abraham!" Ông đáp lại: "Dạ, con đây". Chúa nói: "Ngươi hãy đem Isaac, đứa con một yêu dấu của ngươi, và đi đến đất Moria, ở đó ngươi sẽ dâng nó làm của lễ toàn thiêu trên núi Ta sẽ chỉ cho ngươi".

Khi hai người đến nơi Chúa đã chỉ, Abraham làm một bàn thờ và chất củi lên, rồi trói Isaac lại, đặt lên bàn thờ trên đống củi. Abraham giơ tay lấy dao để sát tế con mình. Bấy giờ thiên thần Chúa từ trời gọi ông rằng: "Abraham, Abraham!" Ông thưa lại: "Dạ, con đây". Người nói: "Ðừng giết con trẻ và đừng động đến nó, vì giờ đây ta biết ngươi kính sợ Chúa, đến nỗi không từ chối dâng đứa con duy nhất cho Ta". Abraham ngước mắt lên, thấy sau lưng mình có con cừu đực đang mắc sừng trong bụi cây, Abraham liền bắt nó và tế lễ thay cho con mình. Thiên thần Chúa gọi Abraham lần thứ hai và nói rằng: "Chúa phán: Ta thề rằng: vì ngươi đã làm điều đó, ngươi không từ chối dâng đứa con duy nhất của ngươi cho Ta, nên Ta chúc phúc cho ngươi, Ta cho ngươi sinh sản con cái đông đúc như sao trên trời, như cát bãi biển; miêu duệ ngươi sẽ chiếm cửa thành của quân địch, và mọi dân tộc trên mặt đất sẽ được chúc phúc nơi miêu duệ ngươi, vì ngươi đã vâng lời Ta". Ðó là lời Chúa.

Bài Ðọc II: Rm 8,31b-34

"Thiên Chúa không dung tha chính Con mình".

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.

Anh em thân mến, nếu Thiên Chúa ủng hộ chúng ta, thì ai có thể chống lại chúng ta? Người không dung tha chính Con mình, nhưng lại phó thác Con vì tất cả chúng ta, há Người lại chẳng ban cho chúng ta mọi sự cùng với Con của Người sao? Ai sẽ tố cáo những kẻ Chúa chọn? (Chẳng lẽ là) chính Chúa, Ðấng làm cho nên công chính? Ai sẽ kết án? (Chẳng lẽ là) Ðức Giêsu Kitô, Ðấng đã chết và hơn nữa đã sống lại, đang ngự bên hữu Thiên Chúa, cũng đang biện hộ cho chúng ta? Ðó là lời Chúa.

Phúc Âm: Mc 9:1-9

"Ðây là Con Ta rất yêu dấu".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Chúa Giêsu đưa Phêrô, Giacôbê, và Gioan đi riêng với Người lên núi cao, và Người biến hình trước mặt các ông, và áo Người trở nên chói lọi, trắng tinh như tuyết, không thợ giặt nào trên trần gian có thể giặt trắng đến thế. Rồi Êlia và Môisen hiện ra và đàm đạo với Chúa Giêsu. Bấy giờ Phêrô lên tiếng thưa Chúa Giêsu rằng: "Lạy Thầy, chúng con được ở đây thì tốt lắm. Chúng con xin làm ba lều, một cho Thầy, một cho Môsê, và một cho Êlia". Phêrô không rõ mình nói gì, vì các ông đều hoảng sợ. Lúc đó có một đám mây bao phủ các Ngài, và từ đám mây có tiếng phán rằng: "Ðây là Con Ta rất yêu dấu, các ngươi hãy nghe lời Người". Bỗng nhìn chung quanh, các ông không còn thấy ai khác, chỉ còn một mình Chúa Giêsu với các ông. Và trong lúc từ trên núi đi xuống, Chúa Giêsu ra lệnh cho các ông đừng thuật lại cho ai những điều vừa xem thấy, trước khi Con Người từ cõi chết sống lại. Các ông tuân lời căn dặn đó, nhưng vẫn tự hỏi nhau: "Từ trong cõi chết sống lại nghĩa là gì?" Ðó là lời Chúa.


Trong bốn mươi ngày Chay Thánh, Chúa Giêsu được Thánh Thần dẫn vào hoang địa tập luyện cuộc chiến đấu thiêng liêng, chịu ma quỷ cám dỗ. Đó là một quá trình để Chúa Giêsu nên vững mạnh, không những khi bị ma quỷ cám dỗ trước những nhu cầu ăn uống là điều căn bản nhất, mà còn cả khi Người đối diện với cuộc khổ nạn và cái chết.

Nhưng cảnh tượng diễn ra trên núi Tabor trong đoạn Tin Mừng hôm nay thật khác xa với những gì đã diễn ra trong bốn mươi đêm ngày trong hoang địa. Trước đó, Phêrô đã đại diện anh em đồng môn tuyên bố: “Thầy là Đấng Kitô” (Mc 8,29). Giờ đây đến lượt Chúa Cha tôn vinh Con Chí Ái của Ngài, có Thánh Thần dưới hình đám mây bao phủ: "Ðây là Con Ta rất yêu dấu, các ngươi hãy nghe lời Người". Vinh quang ấy được hai nhân vật lịch sử Cựu Ước là Môisen và Êlia làm chứng.  

Cũng bởi vì Chúa Giêsu loan báo cho các môn đệ về cuộc khổ nạn khiến các ông bị sốc, nên Người đã củng cố đức tin cho các ông bằng cuộc biến hình trên núi Tabor. Tuy biến cố này không phải là chóp đỉnh, nhưng đây được xem là một trong những sự kiện quan trọng nhất của Tân Ước, vì nó tóm tắt tất cả mạc khải. Biến cố này còn có sự hiện diện của vị đại điện Lề Luật và Tiên tri.

Như vậy, toàn bộ Cựu Ước giới thiệu và quy hướng về Chúa Giêsu Kitô, Đấng là Tin Mừng được mạc khải trước cho ba môn đệ thân tín Phêrô, Giacôbê và Gioan. Nhờ đó, các ông sẽ không bị ngã lòng thất vọng khi cùng trải qua với Chúa trong vườn Dầu ảm đạm, thậm chí Chúa sợ hãi đến nỗi đã đổ mồ hôi máu; cũng như qua cuộc khổ nạn đau thương trên thánh giá. Việc biến hình này để giúp các môn đệ vững tin, xác tín khi làm nhân chứng cho biến cố phục sinh sau này, hăng say loan báo Tin Mừng cứu độ. Và bởi vì các ông là những người sẽ trở nên ‘cột trụ’ của Giáo Hội, nên sẽ củng cố đức tin cho anh chị em mình. Tuy nhiên, việc biến hình đi đến trọn vẹn không phải khi các môn đệ ngây ngất và Phêrô muốn dựng lều ở mãi trên núi với Chúa, cũng không phải khi Chúa được truyền tụng chữa được bệnh và trừ được quỷ, hay được tung hô làm vua vì đã hóa bánh cho dân chúng ăn no nê, mà là khi Người phó thác để “Vâng theo ý Cha”.

Giây phút các môn đệ thật hạnh phúc khi được chiêm ngắm dung nhan Chúa Giêsu biến hình. Và trong cuộc sống chúng ta, cũng có những giây phút mà chúng ta mong muốn kéo dài mãi, nhưng nó lại trôi qua nhanh tích tắc. Và rồi, con người chúng ta cũng được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa, vậy chúng ta có hy vọng được “biến hình” không?

Cuộc “biến hình” của chúng ta không phải như trong phim Tây Du Ký, Tề Thiên Đại Thánh có phép thần thông biến hóa. Chúng ta có thể được “biến hình” vì chúng ta được tạo dựng nên giống hình ảnh và họa ảnh của Thiên Chúa, được Thiên Chúa phú cho có một lương tâm biết làm lành lánh dữ. Dầu thế, vẫn là “Nhân vô thập toàn”, do ảnh hưởng của cuộc sống trần thế này mà con người còn nhiều khiếm khuyết. Và ai trong chúng ta dám tự hào mình không có tội lỗi, tật xấu, đam mê mù quáng làm mất đi hình ảnh đẹp trong con mắt anh chị em hay trong lòng mọi người.

Cho nên, chỉ khi chúng ta sống dưới sự chỉ dạy của Chúa, dưới những điều Răn của Ngài, để cho lương tâm mình được ánh sáng Thiên Chúa chiếu qua, chúng ta mới có thể được Chúa “biến hình” nên sáng láng tốt lành. Như người cha giải thích cho con mình rằng những hình người trong các tấm kính màu được gắn lên các khung cửa nhà thờ chính là những vị thánh. Họ được gọi là thánh vì đã để cho ánh sáng của Chúa soi chiếu vào trong cuộc đời họ để họ nên tốt lành thánh thiện vậy. Amen.

Lm Anfonso Nguyễn Quang Hiển

Trang Tin Mừng hôm nay thuật lại việc Chúa Giêsu đem 3 người Phêrô, Giacôbê và Gioan lên một ngọn núi cao để tỏ mình ra cho các Ngài thấy. Trong cuộc tỏ mình này có Môsê và Êlia hiện ra đàm đạo với Chúa Giêsu. Có thể khẳng định đây là một sự kiện hùng vĩ và vượt xa sức tưởng tượng của con người.

Mục đích của cuộc tỏ mình này là gì? Mục đích là để tỏ cho các ông biết trước một phần vinh quang của Thiên Chúa, để qua đó nhằm củng cố đức tin cho các ông, giúp các ông bước vào cuộc khổ nạn với Chúa Giêsu. Thế nhưng, xem ra các ông vẫn chưa hiểu, nên các ông chưa tin vào những chuyện sắp xảy đến với Thầy của mình. Tin Mừng thuật lại rất rõ sự chưa hiểu biết của các ông: “Ở trên núi xuống, Đức Giê-su truyền cho các ông không được kể lại cho ai nghe những điều vừa thấy, trước khi Con Người từ cõi chết sống lại.10 Các ông tuân lệnh đó, nhưng vẫn bàn hỏi nhau xem câu "từ cõi chết sống lại" nghĩa là gì.”. Điều này có nghĩa là các ông chưa tin được Chúa Cứu Thế mà phải chết.

Bối cảnh của trang Tin Mừng hôm nay được tiếp nối sau những lần Chúa Giêsu loan báo về cuộc khổ nạn Ngài sắp phải chịu. Tuy nhiên, khi loan báo những điều đó ra thì các môn đệ lại không thể tin được Đấng Cứu Thế mà lại phải chịu chết. Chính vì thế nên Chúa Giêsu đã tỏ lộ vinh quang của Ngài ra để củng cố niềm tin cho các môn đệ. Tuy nhiên, họ vẫn không hiểu và không tin.

Vậy tại sao? Lý do tại sao mà các ông không hiểu điều mà Chúa Giêsu vừa mạc khải? 

Điều lý giải cho việc chưa hiểu và chưa tin này nằm ở não trạng của các môn đệ. Đối với các ông, Đấng Cứu Thế phải là một đấng uy quyền, mạnh mẽ, dũng mãnh, có thể hét ra lửa, hét ra gió …. Thế nên, những gì được coi là yếu đuối, tầm thường thì chắc chắn không thể chấp nhận được. Chỉ những gì gọi là hùng dũng, huy hoàng, hoành tráng mới thực sự thuộc về bản chất của Đấng Cứu Thế. Chính vì não trạng đó, nên ta thấy trong trang Tin Mừng hôm nay, ngay khi Chúa Giêsu tỏ lộ vinh quang huy hoàng, thì ngay lập tức các ông chấp nhận ngay và đòi làm lều để ở lại trong vinh quang đó. Nhưng khi Chúa Giêsu cấm không cho họ nói ra và tiếp tục đi vào hành trình thương khó thì họ lại tiếp tục không hiểu. Nói chung, đó là bởi vì các môn đệ chưa chấp nhận để đón nhận một Chúa Cứu Thế của đường thập giá, các môn đệ thích vinh quang chứ không thích thập giá. Đấy chính là vấn đề của các môn đệ. Não trạng đó không chỉ có ở nơi các môn đệ, mà còn tồn tại ở nơi nhiều người khác cũng thích như vậy. Thích vinh quang chứ không thích thập giá. Có lần Chúa Giêsu đã hỏi các môn đệ rằng: “Người ta bảo Con Người là ai” (Mt 16, 13). Các ông liền thưa: "Kẻ thì nói là ông Gio-an Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, có người lại cho là ông Giê-rê-mi-a hay một trong các vị ngôn sứ" (Mt 16, 14). Nghĩa là đối với họ, Chúa Cứu Thế phải là một đấng vĩ đại như những người đó, ít ra là phải như thế. Chứ một người yếu đuối, phải chịu đòn, phải chịu bắt bớ, phải chịu đóng đinh thì không thể, đối với họ thì “NEVER”.

Ở một chỗ khác trong Tin Mừng Gioan chương 7 có thuật lại rằng: “sau khi nghe Chúa Giêsu giảng, có nhiều người trong đám dân chúng nói rằng: "Ông này thật là tiên tri". Kẻ khác nói: "Ông này thật là Ðấng Kitô". Người khác nữa lại nói: "Ðấng Kitô xuất thân từ Galilêa sao? Nào Kinh Thánh chẳng nói: Ðấng Kitô xuất thân bởi dòng dõi Ðavit, và từ làng Bêlem, quê hương của Ðavit?” (Ga 7, 40-42). Nghĩa là, họ khâm phục tài giảng dạy của một Giêsu Nazaret, nhưng tài đó vẫn chưa đủ, chưa đủ để họ chấp nhận Giêsu Nazaret là Đấng Cứu Thế, bởi vì xuất thân của Giêsu Nazaret chỉ là con ông Giuse và bà Maria, xuất thân này bèo quá, bình thường quá nên không thể là Đấng Cứu Thế được. Họ không chấp nhận điều tầm thường.

Họ cần một điều lạ lùng, một điều khác thường, thì Chúa Giêsu – Con Thiên Chúa chính là điều lạ lùng nhất, một vị Thiên Chúa chỉ vì một chữ Yêu dành cho con người mà chấp nhận xuống thế gian trở thành xác phàm để cứu độ họ. Đó là điều lạ lùng vĩ đạt nhất, khác thường nhất. Thế nhưng họ lại không hề đón nhận. Chúa Giêsu từ một Thiên Chúa giàu sang nhất trở thành một người bé mọn, nghèo hèn, nên họ không đón nhận, không tin. Thế nên, Chúa Giêsu đã nói với họ rằng: “Thế hệ này là một thế hệ gian ác; chúng xin dấu lạ. Nhưng chúng sẽ không được thấy dấu lạ nào, ngoài dấu lạ ông Giô-na” (Lc 11, 29-30).

Đối với họ, Đấng Cứu Thế phải đi đôi với những điều vĩ đại, lạ lùng. Tin Mừng cũng cho chúng ta thấy rõ điều đó, khi trong cuộc khổ nạn, dân chúng đã từng thách thức rằng: “Nếu ông là Đấng Cứu Thế, ông hãy làm điều này đi, hãy làm điều kia đi … Ồ, nếu ông không làm được thì ông chỉ là một tên gian phi mà thôi”. 

Như vậy đối với con người, Thiên Chúa có là Thiên Chúa hay không khi so sánh Ngài với 1 kết quả đạt được, một hình ảnh bắt mắt. Nếu làm được những điều đó thì mới là Thiên Chúa, còn ngoài ra thì chỉ là một người bình thường, mà cho dù có làm được những điều tốt đẹp cho lắm vào mà không có bằng tiến sĩ, kỹ sư thì cũng chỉ là bình thường thôi: “Ông không phải là con bác thợ mộc ư? Mẹ ông không phải là bà Maria? và Giacôbê, Giuse, Simon và Giuđa không phải là anh em của ông sao? Và tất cả chị em của ông không phải ở nơi chúng ta đó sao?” (Mt 13; 54-56). Như thế, đối với con người Thiên Chúa chỉ là Thiên Chúa khi Ngài làm được những điều vĩ đại và Ngài phải tỏ ra là Đấng uy phong, quyền uy cơ, còn nếu chỉ làm những điều bé mọn, thầm lặng với dung mạo yếu đuối, xấu xí thì đó cũng chỉ là người bình thường như bao người, không đáng để quan tâm.

Thái độ của Phêrô trong trang Tin Mừng hôm nay cũng phản ánh một phần nào điều đó. Đứng trước vinh quang rạng ngời của Chúa Giêsu, ông đã ngất ngây và muốn ở lại mãi trong vinh quang đó. Nhưng khi Chúa Giêsu tiếp bước vào cuộc thương khó thì ông lập tức can ngăn Thầy mình.

Anh chị em thân mến, tất cả những điều đó cho chúng ta chốt lại một đều là, con người ta thường dễ dàng bị chiếm hữu bởi những gì là vĩ đại, là huy hoàng… Còn những điều tầm thường, nhỏ bé, yếu ớt thì người ta ít khi để tâm tới, thậm chí là không muốn đụng đến. Điều đó cũng cho thấy một điều khác nữa rằng, người ta thích làm những điều to tát, vĩ đại hơn là những điều nhỏ bé, thầm lặng. Xem ra thì danh vọng vẫn là một cái gì đó chi phối đời sống con người rất mạnh mẽ. Và từ những suy nghĩ đó, não trạng đó cũng ảnh hưởng đến đời sống đạo của mỗi người chúng ta. 

Chẳng hạn, đi quét nhà thờ là chuyện nhỏ, để người khác làm được rồi, chuyện lớn hơn như là tổ chức chương trình, xuất hiện trước bá quan văn võ thì tôi sẽ xuất hiện. Chuyện râu ria của các hội đoàn đâu có lớn đâu, thôi để các người khác làm được rồi, khi nào có chuyện lớn thì tôi sẽ tham gia; Đi thăm người bệnh, người nghèo, đi giúp người này người kia, chỉ cần cho họ ít tiền, ít bánh, tôi sẽ chi tiền, còn những người không chi tiền thì lo mà đi đi, nhưng bằng ân nhân thì tôi phải có.

Lễ ngày thường không quan trọng lắm tôi không cần đi, tôi chỉ cần đi những lễ Chúa Nhật và các lễ trọng là ổn rồi; Lễ là chính mà phải không? Tôi không cần đọc kinh trước lễ, tôi căn đúng giờ cha ra bàn thờ tôi đến là chu toàn rồi. Hôm nay lễ tạ ơn của giáo xứ, chắc là đông người lắm, tôi có đi hay không đi sẽ chẳng ai để ý tới, thôi ở nhà nhường chỗ cho người khác….

Khi đi kinh doanh buôn bán: Người ta thường lý luận rằng: Ồ, xã hội này không mưu mẹo thì không sống nổi, nên bán 1 ký trái cây tôi cân bớt đi 1 lạng cũng chẳng sao, chuyện không quan trọng lắm.

Trong  việc giữ luật Chúa, nhiều người lý luận rằng: Các giới răn của Chúa mới là luật buộc thôi, ta chỉ cần giữ vậy là đủ, còn các lời khuyên của giáo hội thì đã là lời khuyên thì giữ được thì tốt, không giữ được cũng chẳng sao. Hay, tội này là tội nhẹ nên không sao, tội trọng mới đáng lưu ý tới ….

Vâng, chính từ não trạng bị chiếm hữu bởi những điều vĩ đại mà bỏ qua những điều nhỏ bé, mòn hẹn, đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống đức tin của chúng ta.

Tin Mừng hôm nay mời gọi mỗi người chúng ta hãy ý thức lại cuộc sống của mình. Đừng bỏ qua những điều nhỏ bé, tầm thường mà chỉ chú trọng đến những điều to tát, rầm rộ.  Bên cạnh đó, Lời Chúa cũng mời gọi chúng ta đừng vì những lỗi lầm của người khác mà phủ nhận đi tất cả những điều tốt đẹp của họ; hay đừng vì những vinh quang của họ mang đến tầm ảnh hưởng cho chúng ta mà chúng ta lờ đi những sai trái của họ. Một người Kitô hữu tốt là người luôn biết đón nhận và trân trọng tất cả những sự việc đến bên mình, dù lớn dù nhỏ, dù vinh quang hay đau khổ, đừng bỏ qua những điều tầm thường mà chỉ đi tìm kiếm những điều vĩ đại. Amen.

Cao Nhất Huy

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét