Chủ Nhật, 28 tháng 10, 2018

Thứ hai ngày 29.10.2018

BÀI ĐỌC I: Ep 4, 32 – 5, 8
                             Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Êphêxô.
Anh em thân mến, anh em hãy ăn ở hiền hậu với nhau, hãy thương xót và tha thứ cho nhau, như Thiên Chúa đã tha thứ cho anh em trong Đức Kitô.
Vậy anh em hãy bắt chước Thiên Chúa, như con cái rất yêu dấu của Người: hãy sống trong tình thương, như Đức Kitô đã yêu thương chúng ta và phó mình làm của dâng và lễ tế thơm tho ngọt ngào dâng lên Thiên Chúa vì chúng ta.
Còn như tội tà dâm và mọi thứ tội ô uế hay là gian tham, thì dù nhắc đến tên chúng cũng đừng nói tới nơi anh em, như thế mới xứng hợp với các thánh. Cả những chuyện hoa tình, tục tĩu và giễu cợt, tất cả những cái đó đều bất xứng. Tốt hơn là hãy nói những lời cảm tạ Chúa.
Bởi chưng anh em hãy biết rõ điều này là: tất cả những kẻ tà dâm, ô uế hay tham lam, là một thứ nô lệ thần tượng, đều không được hưởng phần gia nghiệp trong nước của Đức Kitô và Thiên Chúa. Đừng để ai lấy hão huyền mà phỉnh gạt anh em, vì những điều ấy mà cơn thịnh nộ của Thiên Chúa đổ xuống trên những con cái ngỗ nghịch. Vậy anh em chớ thông đồng với những kẻ ấy. Xưa kia anh em là sự tối tăm, nhưng hiện nay anh em là sự sáng trong Chúa. Anh em hãy ăn ở như con cái sự sáng. Đó là lời Chúa. 
ĐÁP CA: Tv 1, 1-2. 3. 4 và 6
Đáp: Anh em hãy bắt chước Thiên Chúa, như con cái rất yêu dấu của Người (c. Ep 5, 1).
                             PHÚC ÂM: Lc 13, 10-17
Khi ấy, nhân ngày Sabbat, Chúa Giêsu giảng dạy trong một hội đường. Và đây có một người đàn bà bị quỷ ám làm cho bà đau yếu đã mười tám năm. Bà bị khòm lưng, hoàn toàn không thể trông lên được. Khi Chúa Giêsu xem thấy bà, Người liền gọi bà đến mà bảo rằng: “Hỡi bà kia, bà được khỏi tật của bà”. Rồi Người đặt tay trên bà ấy, tức thì bà đứng thẳng lên và tôn vinh Thiên Chúa.
Nhưng viên trưởng hội đường tức giận, vì Chúa Giêsu chữa bệnh trong ngày Sabbat, nên ông cất tiếng bảo dân chúng rằng: “Có sáu ngày người ta phải làm việc: vậy thì các người hãy đến xin chữa bệnh trong ngày đó, chớ đừng đến trong ngày Sabbat”.
Chúa trả lời và bảo ông ta rằng: “Hỡi những kẻ giả hình, chớ thì trong ngày Sabbat, mỗi người trong các ông không thả bò hay lừa của mình ra khỏi chuồng mà dẫn nó đi uống nước sao? Phương chi người con gái của Abraham này, Satan cột trói nó đã mười tám năm nay, chớ thì không nên tháo xiềng xích buộc nó trong ngày Sabbat sao?”
Người nói thế, tất cả những kẻ chống đối Người đều hổ thẹn, và toàn dân vui mừng vì những việc lạ lùng Người đã thực hiện. Đó là lời Chúa             ....thanhlinh.net)
 Khi nói đến ma quỷ, người ta thường hình dung chúng với hình thù quái dị, tựa như những loài quái thú gớm ghiếc. Vì thế, người đàn bà với cái lưng còng kỳ dị này, cũng bị người ta gán cho nguyên nhân “quỷ ám.” Như thế thì không công bằng với người phụ nữ đáng thương này chút nào. Với Đức Giê-su thì khác, dù bà không van xin, nhưng vừa trông thấy bà, Ngài đã gọi bà lại và chữa lành cho bà. Ngài không thể để bà phải chịu cơn bệnh quái ác ấy hành hạ thêm một giây phút nào, kể cả việc Ngài chữa bệnh trong ngày Sa-bát cho dù việc đó làm cớ cho viên trưởng hội đường chống đối. Bài Tin Mừng kết thúc thật có hậu, khi người đàn bà đứng thẳng được như người bình thường, cất tiếng tôn vinh Thiên Chúa; những kẻ chống đối Ngài thì xấu hổ, vì tỏ ra thiếu lòng nhân với người chị em của mình.
Mời Bạn: Có thể bạn và tôi không phải mang những tật nguyền, chúng ta hãy tạ ơn Chúa. Mời bạn cũng hãy có cái nhìn thông cảm với người khuyết tật chung quanh, cũng như có thái độ tích cực khi gặp những khó khăn. Bởi chính lúc đó lại là lúc Thiên Chúa được tôn vinh. Bạn có nhận ra điều đó không?
Chia sẻ: Khi bị bệnh hoạn tật nguyền, bạn làm gì để Chúa được tôn vinh?
Sống Lời Chúa: Thăm viếng và tận tình giúp đỡ những người không may, để cảm nhận tình Chúa thương ta.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa Cha được tôn vinh trong cuộc Khổ nạn của Chúa. Xin cho chúng con biết can đảm đón nhận những khốn khó, để Chúa Cha được tôn vinh. Amen.            .....(5 Phút Lời Chúa)

Thứ Sáu, 19 tháng 10, 2018

Chương 34 PHẬN SỰ ỦY VIÊN PRAESIDIUM


Thủ Bản Số Lề 364   –    Đọc sách Thủ Bản >> Thuban.pdf
372) Điều kiện quan trọng nhất quyết định sự thành công của Legio là gì ? 
Tập cho hội viên nhiều đức tính siêu nhiên và biết áp dụng các đức tính ấy vào việc làm.
373) Một Praesidium phải thế nào mới gọi là đúng đắn, xứng đáng ?
* Praesidium phải quy tụ được tất cả những người sốt sắng có khả năng trong họ đạo giúp linh mục trong những công tác khó khăn, xứng đáng.
374) Linh giám cần thiết cho đời sống tinh thần người hội viên như thếnào ? 
* Người là động lực nuôi dưỡng đời sống tinh thần hội viên. Nhờ người, người hội viên lướt thẳng những yếu hèn, mọi trở ngại để thi hành nhiệm vụ.
375) Đức Pio XI nói gì về vai trò của linh mục linh giám ?
* Linh mục là linh hồn của đoàn thể mà Chúa đã tin tưởng đặt để, người làm cảm hứng cho việc thiện, làm cội nguồn cho lòng nhiệt thành của những người chân thành tận lực phục vụ Chúa, Đức Mẹ và các linh hồn.
376) Phận sự của linh giám đối với Praesidium ? 
* Với tư cách “bề trên nhà tập”, linh giám chăm sóc, chỉ dạy, mở rộng sự hiểu biết về đường thiêng liêng, tạo cho hội viên được nhiều đức tính siêu nhiên.
* Nhắc nhở hội viên trung thành trong phận sự với mọi chi tiết nhỏ.
* Tham dự buổi họp Praesidium, huấn luyện hội viên luôn sẵn sàng và kiên nhẫnđể làm những việc buồn tẻ không ai thích.
* Cùng với trưởng và các ủy viên khác giữ kỷ luật và phương pháp Legio, bảo vệquyền hạng chính đáng của Legio.
* Tập cho hội viên vừa làm việc anh dũng tận tụy vừa biết cầu nguyện hy sinh ngay cả những lúc mà phương pháp tự nhiên tỏ ra vô hiệu.
* Xây dựng cho mỗi hội viên trở thành một pháo đài kiên cố bằng lòng yêu mếnĐức Mẹ cách sáng suốt và thiết tha.
377) Là thành viên của Praesidium Linh giám có phận sự gì ?
* Tham gia việc điều hành công việc, các cuộc thảo luận và thi hành kế hoạch.
* Theo dõi tất cả những gì đề cập trong buổi họp.
378) Khi linh giám nắm quyền điều khiển Praesidium của trưởng có lợi cho Praesidium không ? 
* Không. Lúc đó mọi ý kiến chỉ còn là một chiều, không ai dám phát biểu làm buổi họp mất nguồn sinh lực phong phú, mất yếu tố chính gây sự thích thú, mất khả năng cần thiết để huấn luyện. Praesidium trở nên thụ động dễ đi đến suy sụp.
379) Ý nghĩa của chức Linh Mục mà Chúa đã thiết lập là gì ? 
* Linh mục không chỉ là người thay mặt Chúa mà là đích thực Đức Kitô khác – nghĩa là qua việc làm của linh mục – Chúa tiếp tục vận dụng quyền phép của Người.
* Là người quản lý, có bổn phận kêu gọi thợ và làm vườn nho cho Chúa.
380) Phận sự thứ nhất của trưởng Praesidium là gì ? Tại sao ? 
* Họp Curia, đây là một trong những cách giữ Praesidium kết chặt với toàn thể gia đình Legio.
381) Trưởng Praesidium được quan niệm thế nào cho đúng với trách nhiệm của mình ?
* Trưởng phải nhớ mình là đại diện của Legio, làm đại diện không đúng trách nhiệm là thất tín với Legio.
382) Những nhiệm vụ căn bản của trưởng Praesidium là gì ? 
* Chủ tọa buổi họp Praesidium, chuẩn bị phòng họp sẵn sàng và đúng giờ.
* Điều hành công việc, phân công và nhận phúc trình.
* Trung thành áp dụng đường lối Legio đến từng chi tiết.
* Chỉ dẫn và lo cho các ủy viên khác làm tròn phận sự.
* Ban huấn từ (Allocutio) khi linh giám vắng mặt.
383) Những đức tính cần có ở người trưởng Praesidium là gì ?
* Vâng phục giáo quyền, tinh thần quên mình, tâm tình thương yêu, khiêm nhượng, nhã nhặn với mọi người, hòa hợp với các đoàn thể bạn.
* Trưởng phải nêu gương tuân giữ kỷ luật, tinh thần, đường lối Legio, nhiệt thành và giữ đúng luật công tác như những hội viên khác.
* Khôn ngoan trong phân công và biết khích lệ hội viên.
384) Những tật xấu dễ làm phiên họp thất bại, trưởng cần tránh và nhắc nhở, đó là những tật nào ? 
* Nói nhiều – nói nhỏ.
385) Khi Praesidium sa sút, phương cách tốt nhất để điều chỉnh là gì ? 
* Trưởng nên từ chức.
386) Nhiệm vụ của phó là gì ?
* Dự họp Curia.
* Chủ tọa phiên họp khi vắng trưởng.
* Chặt chẽ cộng tác với trưởng trong việc điều hành tổng quát Praesidium, điều hòa công việc.
* Kiểm diện trong buổi họp, giữ sổ hội viên hoạt động và tán trợ, quan tâm chăm sóc hội viên hoạt động và tán trợ.
387) Nhiệm vụ của thư ký là gì ? 
* Dự họp Curia
* Làm biên bản Praesidium, gửi báo cáo đúng lúc và trả lời thư của Curia.
388) Nhiệm vụ của thủ quỹ là gì ?
* Dự họp Curia
* Thu chi mọi khoản tiền của Praesidium, chỉ sử dụng quỹ theo chỉ thị của Praesidium

THỨ HAI NGÀY 22.10.2018


        Lc 12,13-21 -  LÀM GIÀU TRƯỚC MẶT CHÚA
“Kẻ nào lo thu tích của cải cho mình, mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như thế đó.” (Lc 12,21)
Suy niệm: “Ta chỉ giàu có nhờ những gì cho đi, và chỉ nghèo do những gì ta từ chối” (Triết gia R. Emerson). Trong từ điển của ông phú hộ trong câu chuyện Tin Mừng không có từ “cho đi”. Ông từ chối Chúa và người lân cận, vì lo chất thóc lúa cho đầy kho lẫm, cũng như đầy “kho” ăn uống vui chơi, hưởng thụ cho mình. Không lạ gì ông trở nên nghèo nàn trước mặt Chúa. Hẳn ông đã quên bài học cơ bản này: làm giàu trước mặt Chúa bằng cách cho đi chứ không phải qua việc tích trữ; bằng cách hướng về Chúa và người khác, chứ không phải chỉ qui về mình. Coi chừng giữ mình khỏi mọi thứ tham lam là điều ai trong ta, giàu hay nghèo, phải ghi nhớ mỗi ngày.
Mời Bạn: “Satan nay khôn hơn ngày xưa, cám dỗ ta làm giàu thay vì cứ mãi nghèo” (Thi sĩ A. Pope). Làm giàu, khởi nghiệp, thành đạt… đó là những từ ngữ lôi cuốn rất nhiều người Việt hôm nay. Làm giàu không có gì xấu, chỉ xấu khi bạn mải mê, tìm mọi cách trở nên giàu có, tăng vài con số về của cải, mà không làm giàu trước mặt Thiên Chúa. Làm giàu trước mặt Chúa qua việc lắng nghe, thực thi Lời Chúa, vâng giữ điều răn, nhất là điều răn mến Chúa yêu người.
Sống Lời Chúa: Tôi tập làm giàu trước mặt Chúa bằng cách chia sẻ thời gian, sự quan tâm, lòng yêu mến, hoặc của cải vật chất… cho những người lân cận lâu nay tôi không quan tâm.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, cảm tạ Chúa đã cảnh báo con về nguy cơ của tiền bạc vật chất. Xin giúp con biết giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, là cám dỗ rất lớn trong xã hội tiêu thụ. Xin giúp con làm giàu trước mặt Chúa. Amen.

CHÚA NHẬT XXIX NGÀY 21.10.2108


NGÀY 21.10.2018
 
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Marcô (10: 35-45)

Khi ấy,35 hai người con ông Dê-bê-đê là Gia-cô-bê và Gio-an đến gần Đức Giê-su và nói: "Thưa Thầy, chúng con muốn Thầy thực hiện cho chúng con điều chúng con sắp xin đây".36 Người hỏi: "Các anh muốn Thầy thực hiện cho các anh điều gì?"37 Các ông thưa: "Xin cho hai anh em chúng con, một người được ngồi bên hữu, một người được ngồi bên tả Thầy, khi Thầy được vinh quang".38 Đức Giê-su bảo: "Các anh không biết các anh xin gì! Các anh có uống nổi chén Thầy sắp uống, hay chịu được phép rửa Thầy sắp chịu không?"39 Các ông đáp: "Thưa được". Đức Giê-su bảo: "Chén Thầy sắp uống, anh em cũng sẽ uống; phép rửa Thầy sắp chịu, anh em cũng sẽ chịu.40 Còn việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy, thì Thầy không có quyền cho, nhưng Thiên Chúa đã chuẩn bị cho ai thì kẻ ấy mới được".41 Nghe vậy, mười môn đệ kia đâm ra tức tối với ông Gia-cô-bê và ông Gio-an.42 Đức Giê-su gọi các ông lại và nói: "Anh em biết: những người được coi là thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân.43 Nhưng giữa anh em thì không được như vậy: ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em;44 ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người.45 Vì Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người".

Suy niệm

Con Người không đến để được phục vụ, nhưng để phục vụ và ban mạng sống mình làm giá cứu chuộc cho nhiều người. Câu kết của trang Tin Mừng hôm nay là lời tóm tắt sứ vụ của Chúa Giêsu khi Ngài đến trần gian để cứu chuộc con người. Đây cũng là lời mời cho hết những ai muốn dấn bước theo Chúa và trở nên môn đệ của Chúa.

Quả thế, khi bước theo Chúa Giêsu, các môn đệ chưa một lần hỏi Chúa: “Thưa thầy, đâu là tâm niệm cho sứ vụ của thầy nơi dương thế này?”. Có hay chăng, các ông chỉ hỏi Chúa về quyền lợi cho việc theo Chúa, như việc xin cho được ngồi “bên hữu, bên tả” của Chúa trong ngày Chúa thống trị muôn dân. Và vì không hiểu được mục đích và sứ vụ của Chúa, nên các môn đệ đã hành động theo cái nhìn của con người trần gian, đi theo Chúa chỉ nhắm giành lợi lộc trần thế và vinh quang cho cá nhân mình. Mục tiêu sai lầm không chỉ đưa các môn đệ xa Chúa, nhưng còn tạo cớ cho sự tranh giành địa vị và ghen tương lẫn nhau.

Chính trong bối cảnh ấy, Chúa Giêsu đã sửa dạy và uốn nắm các môn đệ hiểu hơn con đường theo Chúa là con đường cùng Chúa sống tinh thần hy sinh phục vụ: “Ai trong các con muốn làm lớn, thì hãy tự làm đầy tớ anh em. Và ai muốn thành người cầm đầu trong các con, thì hãy tự làm nô lệ cho mọi người. Vì chính Con Người cũng không đến để được phục vụ, nhưng để phục vụ và ban mạng sống mình làm giá cứu chuộc cho nhiều người".

Như thế nẻo đường theo Chúa là nẻo đường cùng Chúa sống yêu thương và phục vụ anh chị em mình. Nẻo đường ấy đã được Thầy Giêsu đi đến cùng bằng một tình yêu vô vị lợi dành cho con người. Phục vụ và hy sinh cả mạng sống để làm giá cứu chuộc muôn người.

Là người con của Chúa trong thời đại hôm nay, chúng ta cũng ít nhiều bước theo Chúa với tinh thần vụ lợi như các môn đệ năm xưa. Khi chúng ta cầu nguyện hàng ngày là chuyển lên cho Chúa một danh sách thật dài những ước muốn về việc lãnh nhận sự dư dật của cải vất chất hơn là những ước mong sống trở nên người con đáng yêu và hăng say phục vụ anh chị em trong tình yêu của Chúa. Chính những ham muốn vụ lợi này đã làm cho chúng ta không chỉ trở thành người thèm khát vật chất tầm thường, nhưng còn làm cho chúng ta trở nên sơ cứng trong tình yêu và ghen tương ganh tỵ với anh em mình.

Lạy Chúa, xin biến đổi chúng con. Xin cho chúng con luôn biết đón nhận thánh ý Chúa và xin cho thánh ý Chúa ngày một được khắc họa trong cuộc sống chúng con, và nhất là được chúng con sống và chia sẻ, để danh Chúa được vinh quang. Amen.


GKGĐ Giáo Phận Phú Cường

THỨ BẢY NGÀY 20.10.2018


 Ep 1, 15-23   Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Êphêxô.
Anh em thân mến, khi nghe biết lòng tin của anh em đối với Chúa Giêsu, và lòng mến của anh em đối với hết thảy các thánh, tôi không ngừng tạ ơn Chúa cho anh em, khi nhớ đến anh em trong kinh nguyện. Xin Thiên Chúa của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, là Cha vinh hiển, ban cho anh em thần trí khôn ngoan và mạc khải, để nhận biết Người. Xin cho mắt tâm hồn anh em được sáng suốt, để anh em biết thế nào là trông cậy vào ơn Người kêu gọi, thế nào là sự phong phú gia nghiệp vinh quang nơi các thánh, và thế nào là quyền năng vô cùng lớn lao của Người đối với chúng ta, là những kẻ tin, chiếu theo hành động của sức mạnh quyền năng Người, công việc mà Chúa đã thực hiện trong Đức Kitô, tức là làm cho Ngài từ cõi chết sống lại, và đặt Ngài ngự bên hữu mình trên trời, vượt trên mọi cấp trật, các lãnh thần, quyền thần, dũng thần, và quản thần, vượt trên mọi danh hiệu được xưng hô cả đời này lẫn đời sau.
Chúa khiến mọi sự quy phục dưới chân Ngài, và tôn Ngài làm đầu toàn thể Hội Thánh là thân thể Ngài, và là sự sung mãn của Đấng chu toàn mọi sự trong mọi người. Đó là lời Chúa.
PHÚC ÂM: Lc 12, 8-12
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Hễ ai xưng nhận Thầy trước mặt người đời, thì Con Người cũng sẽ xưng nhận nó trước mặt các thiên thần của Thiên Chúa; nhưng ai chối bỏ Thầy trước mặt người đời, thì sẽ bị chối bỏ trước mặt thiên thần của Thiên Chúa. Và hễ kẻ nào nói phạm đến Con Người, thì nó sẽ được tha. Nhưng kẻ nào nói phạm thượng đến Thánh Thần, thì sẽ không được tha.
Khi người ta điệu các con vào các hội đường, đến trước mặt vua quan và chính quyền, các con chớ lo lắng phải thưa làm sao, hay phải nói thế nào, vì trong giờ ấy, Thánh Thần sẽ dạy các con phải nói thế nào”. Đó là lời Chúa.           thanhlinh.net)
BỆNH LIỆT KHÁNG  TÂM LINH
Suy niệm: Một bộ phận của cơ thể, một khả năng của con người nếu để lâu ngày không sử dụng, sẽ teo lại vào bị đào thải. Mặt khác, nếu trong một thời gian dài, nó phải tiếp xúc với những chất độc, nó sẽ dần mất đi sức đề kháng và bị nhiễm độc mà không hay biết. Phần tâm linh của con người cũng tương tự như thế. Người ta cũng có thể mất đi khả năng nhận thức Thiên Chúa nếu như trong suốt cuộc đời này họ nhắm mắt tâm hồn, đóng cửa lòng mình trước Thiên Chúa. Mặt khác, ai thường xuyên đắm chìm trong tội, người ấy cũng mất đi khả năng nhận ra mình có tội, và do đó cũng không còn khả năng sám hối để được ơn tha thứ. Đó chính là những triệu chứng của căn bệnh nghiêm trọng của thời đại: bệnh liệt kháng tâm linh.
Sống Lời Chúa: Để phòng chống bệnh liệt kháng tâm linh, xin đề nghị một “đơn thuốc”: 1/ làm thật tốt những việc có tính làm chứng: làm dấu thánh giá trang nghiêm sốt sắng, y phục đoan trang, tề chỉnh khi đi nhà thờ, loại bỏ ảnh hưởng khiêu dâm, bạo lực ra khỏi nhà bạn…; 2/ luôn luôn kiểm điểm đời sống cách nghiêm túc để tạo sức đề kháng mạnh đối với tội lỗi.
Chia sẻ: Làm thế nào nâng cao ý thức về công bằng, khiết tịnh, nhân ái trong cộng đoàn của bạn?
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giữ gìn con luôn nhạy bén trước những đòi hỏi của Lời Chúa để con dùng đời sống làm chứng cho Chúa ở giữa thế gian. Amen.             .(5 Phút Lời Chúa)
Kiến Tạo Hòa Bình Bằng Tình Yêu
Chiến tranh và bạo lực là con đẻ của sự xem thường các quyền căn bản của con người. Quyền căn bản nhất của con người, đó là phải xem mỗi người là một ngã vị độc đáo và không thể thay thế được. Con người được tạo nên theo hình ảnh Thiên Chúa và giống như Ngài. Qua Bí Tích Phép Rửa, con người trở nên dưỡng tử của Thiên Chúa và thông dự vào ơn cứu chuộc nhờ Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa nhập thể.
Ở nơi đâu con người còn bị lạm dụng để làm thỏa mãn quyền lợi, nhu cầu, khát vọng của người khác thì ở đó sẽ nảy sinh bạo lực, lộn xộn và chiến tranh. Trái lại, ở nơi nào con người biết phục vụ cho quyền lợi của anh chị em mình, biết xem anh chị em mình “là những tạo vật duy nhất được Thiên Chúa yêu thương do chính bản chất của nó“ (MV 24), thì ở đó có tình yêu đích thực, hòa bình sẽ triển nở. Bởi vì nền móng của hòa bình là tình yêu.
Nói cách khác, Thiên Chúa là nguồn gốc của hòa bình – vì Thiên Chúa là nguồn mạch của mọi tình yêu. Đời sống của Thiên Chúa Ba Ngôi là đời sống yêu thương. Chúa Cha yêu Chúa Con và Chúa Con yêu Chúa Cha. Tình yêu này mạnh mẽ và biệt vị đến nỗi nó được biểu hiện như một ngã vị thần linh – đó là Chúa Thánh Thần. Nếu chúng ta cho phép Chúa Thánh Thần tràn ngập trong lòng chúng ta, nhất là khi lãnh nhận các bí tích, thì chúng ta sẽ có được tình yêu ấy và sẽ trở thành những người kiến tạo hòa bình đích thực
LỜI SUY NIỆM: “Bất cứ ai nói phạm đến Con Người, thì còn được tha; nhưng ai nói phạm đến Thánh Thần, thì sẽ chẳng được tha.”
            Sau khi Chúa Giêsu cho biết về hậu quả của những ai tin nhận Người và không tin nhận Người. Và Người còn cho biết điều hết sức hệ trọng đến phần rỗi linh hồn là phải biết tôn kính Chúa Thánh Thần. Bởi Chúa Thánh Thần: “Ngài được phụng thờ và tôn vinh cùng với Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con.”  Mọi tác động của Thần Khí nhằm giúp chúng ta đạt đến Thiên Chúa, giúp chúng ta hiệp thông sống động với Ngài và thấu hiểu những điều bí nhiệm linh thánh của Ngài và để trao cho chúng ta “những bí ẩn của Thiên Chúa.
            Lạy Chúa Giêsu. Trong mọi Thánh Lễ chúng con đều được vị chủ tế chào mừng: “Nguyện xin ân sủng Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, tình yêu cua Chúa Cha và ơn thông hiệp cua Chúa Thánh Thần, ở cùng tất cả anh chị em” (2Cr 13,13). Xin cho chúng con luôn được vui sống với lời chào này.                         (Mạnh Phương)
Làm Trai Nên Chết Ở Biên Thùy 
Gần một nửa thế kỷ trước Chúa Giáng Sinh, một danh tướng nhà Ðông Hán là Mã Viện đã nói một câu bất hủ: “Làm trai nên chết ở chốn biên thùy, lấy da ngựa bọc thân mà chôn, chứ nằm xó giường mà chết trong tay người nâng đỡ thì còn xứng gì”.
Tại thành Sparte thuộc Cổ Hy Lạp, mỗi khi tiễn con ra trận, người mẹ thường đưa cho con một cái mộc và bảo con rằng: cùng với nó hay nằm trên nó. Cùng với nó, con đắc thắng trở về. Nằm trên nó, xác con được mọi người kính nể khiêng vác trên vai.
Người Kitô chúng ta cũng đã nhận lấy một chiếc mộc. Ðó là chiếc mộc của bí tích Rửa Tội. Qua cửa ngõ của bí tích này, chúng ta như được gửi ra chiến trường.
Cái chết từng ngày là điều đang chờ đợi chúng ta. Nhưng cái chết đó là con đường dẫn đến vinh quang Phục Sinh. Ðức Kitô, vị thủ lãnh của chúng ta, đã đi qua con đường ấy. Ngài cũng đang có mặt trong cuộc chiến của chúng ta để dìu dắt chúng ta trong từng phút giây. Nếu có một lúc nào đó, chúng ta chán nản muốn đào ngũ và bỏ cuộc, chúng ta hãy nhìn lên thập giá của Ngài. Thập giá đó phải là ánh sáng soi dẫn những đoạn đường tăm tối trong cuộc chiến của chúng ta.                                    ...(Lẽ Sống)