Chủ Nhật, 24 tháng 3, 2019

LEGIO MARIA NGÀY LỄ DÂNG MÌNH CHO ĐỨC MẸ 2019



   ** Sáng nay, lúc 8g30 Chúa nhật thứ 3 mùa chay ngày 24/03/2019.  LegioMarria. Curia Hàm Trung 1, đã tổ chức buổi lễ dâng mình cho Đức Mẹ nhân ngày lễ Truyền Tin 25.03.2019.  Curia có 28 praesidium với 400 hội viên legio các cấp của năm giáo xứ, Tân Tạo, Đồng Tiến, Phước An, Tân Lập, và Tin Mừng về tham dự, được diễn ra tại nhà thờ Đồng Tiến.. Chương trình 8g30 tập trung, 8g45 Kinh khai mạc lần hạt 5 sự vui, sau đó Cha linh Giám Giáo Xứ  Đồng Tiến giảng về ý nghĩa của ngày lễ dâng mình. sau bài giảng  Cha đã khai mạc dâng mình cho Đức Mẹ, tiếp đến các em Junior, hội viên các cấp xếp 2 hàng trong nghiêm trang lên dâng mình  10g15 Kinh Catena, đến 10g30 Chầu Thánh Thể sau đó kinh bế mạc và chụp hình lưu niệm nhân 29 năm ngày thành lập curia Hàm Trung I - Vì lòng tôn sùng và mến yêu Đức Mẹ.  các Em Junior và Anh Chị hội viên legio ra về trong niềm hân hoan, đến cùng với Đức Mẹ lập lại lời dâng mình.                          
                                    Lạy Nữ Vương là Mẹ con.

                                                             Nhà Thờ Giáo Xứ Đồng Tiến

                                                           Legio Tin mừng đến giáo xứ  Đồng Tiến.

                                                             Hội viên  các cấp vào nhà thờ.

                                                                             Ban ủy Viên

                                                                Các em Junior Giáo Xứ Tin Mừng
                                                                          Ban Ủy Viên Curia Hàm Trung I
                                                             Bài giảng của Cha Linh Giám GX Đồng Tiễn

                                                            Cha Linh Giám Giáo Xứ Đồng Tiến.Dâng Mình.
                                                                      Các Em Junior Legio.
                                                            Ca đoàn các hội viên legio 5 Giáo xứ
                                                                     Legio Tin Mừng Dâng Mình.

                                                                        Xếp hàng lên dâng mình.

                                                       Các hội viên Legio Maria, Giáo Xứ Tin Mừng


     
                     Toàn thân con thuộc về Mẹ và mọi sự của con là của Mẹ.

                                                                         (LEGIOMARIA  TIN-MỪNG 21.03.2019)


Thứ Ba, 5 tháng 2, 2019

MỒNG 1 TẾT



Ngày 05/02/2019


Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Matthêu (Mt 6: 24-35)
25 Vì vậy Thầy bảo cho anh em biết: đừng lo cho mạng sống: lấy gì mà ăn; cũng đừng lo cho thân thể: lấy gì mà mặc. Mạng sống chẳng trọng hơn của ăn, và thân thể chẳng trọng hơn áo mặc sao?26 Hãy xem chim trời: chúng không gieo, không gặt, không thu tích vào kho; thế mà Cha anh em trên trời vẫn nuôi chúng. Anh em lại chẳng quý giá hơn chúng sao?27 Hỏi có ai trong anh em, nhờ lo lắng, mà kéo dài đời mình thêm được dù chỉ một gang tay?28 Còn về áo mặc cũng thế, lo lắng làm gì? Hãy ngắm xem hoa huệ ngoài đồng mọc lên thế nào mà rút ra bài học: chúng không làm lụng, không kéo sợi;29 thế mà, Thầy bảo cho anh em biết: ngay cả vua Sa-lô-môn, dù vinh hoa tột bậc, cũng không mặc đẹp bằng một bông hoa ấy.30Vậy nếu hoa cỏ ngoài đồng, nay còn, mai đã quẳng vào lò, mà Thiên Chúa còn mặc đẹp cho như thế, thì huống hồ là anh em, ôi những kẻ kém tin!31Vì thế, anh em đừng lo lắng tự hỏi: ta sẽ ăn gì, uống gì, hay mặc gì đây?32 Tất cả những thứ đó, dân ngoại vẫn tìm kiếm. Cha anh em trên trời thừa biết anh em cần tất cả những thứ đó.33 Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho.34 Vậy, anh em đừng lo lắng về ngày mai: ngày mai, cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày ấy.

Suy niệm


Hôm nay là ngày mồng Một tết, ngày đầu tiên của năm mới. Trong truyền thống dân tộc, mồng Một tết là ngày thiêng liêng nhất của cả năm, là khởi đầu của mọi sự khởi đầu, sự nghiệp của con người thành hay bại, tốt hay xấu một phần là do thời điểm thiêng liêng này quyết định. Đầu có xuôi thì đuôi mới lọt, với tâm thức đó, người ta đưa ra rất nhiều điều cấm kỵ như: Ngày tết không được quét nhà, hay có lỡ quét nhà thì không đổ bỏ rác đi vì sợ tiền và lộc sẽ đi khỏi nhà trong năm mới; ngày tết không được ăn mặc rách rưới, không được ở trần, kẻo bị nghèo và rách rưới cả năm; ngày tết không được chửi bới kẻo xui cả năm; hay trái cây chưng trên bàn thờ phải có: mảng cầu, đu đủ, xoài, v.v. với mục đích là “cầu đủ xài” cả năm.

Người ta tưởng tất cả những kiêng kỵ đó sẽ đem lại phúc lộc cho họ trong năm mới, nhưng thực ra tất cả hầu như không phải thế, đôi lúc còn ngược lại. Ai bảo đảm cho tôi rằng vì ngày tết tôi không quét nhà, nên cả năm tôi sẽ giữ được của cải! Chẳng lẽ tôi dâng kính cho ông bà tổ tiên những loại trái cây khác thì tôi sẽ bị đói rách nghèo khổ sao! Không ai chắn chắn cả!

Chính bài Tin Mừng hôm nay giải thích cho chúng ta cặn kẻ về nguồn hạnh phúc thật sự từ đâu mà có và muốn giữ được hạnh phúc đó, ta phải làm gì! Nguồn hạnh phúc đích thực của mỗi người chúng ta là đến từ Thiên Chúa - Đấng tạo thành trời đất muôn vật và là Cha quan phòng hằng chăm sóc mỗi người chúng ta. Thiên Chúa biết rõ chúng ta cần gì, Chúa Giêsu bảo: “Anh em đừng lo lắng tự hỏi: ta sẽ ăn gì, uống gì, hay mặc gì đây? Tất cả những thứ đó, dân ngoại vẫn tìm kiếm. Cha anh em trên trời thừa biết anh em cũng cần tất cả những thứ đó” (Mt 6,31-32). Điều duy nhất mà Thiên Chúa muốn chúng ta phải làm là lo tìm kiếm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Ngài, nhờ đó chúng ta được hạnh phúc không những ở đời này và cả đời sau nữa. 

Cho nên, trong ngày đầu năm mới này, thay vì đặt niềm tin vào những điều cấm kỵ, kiên cử không chính đáng, chúng ta hãy đến với Chúa, đặt hết niềm tin tưởng và cậy trông vào Chúa là Đấng toàn năng, hằng yêu thương chăm sóc mỗi người chúng ta. Thánh Phaolô đã khuyên chúng ta rằng: “Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa. Tôi nhắc lại: vui lên anh em! Anh em đừng lo lắng gì cả. Nhưng trong mọi hoàn cảnh vui buồn sướng khổ, anh em cứ đem lời cầu khẩn, van xin và tạ ơn, mà giãi bày trước mặt Thiên Chúa những điều anh em thỉnh nguyện” (Pl 4,4-6). Lời Thánh vịnh cũng nhắc nhở chúng ta rằng: “hãy ký thác đường đời cho Chúa, tin tưởng vào Người, Người sẽ ra tay” (Tv 37,5).

Lạy Chúa, như trẻ thơ nép vào lòng mẹ, trong năm mới này chúng con xin tín thác vào tình thương và quyền năng của Chúa, xin Chúa luôn đồng hành với chúng con trong mọi cảnh huống cuộc đời. Amen.


GKGĐ Giáo Phận Phú Cường

Mt 6: 25-34

 
TIN TƯỞNG BƯỚC VÀO NĂM MỚI CÓ CHÚA ĐỒNG HÀNH

 
Văn hóa Việt Nam có lẽ khác biệt và đặc biệt với văn hóa thế giới nhất là về Lễ - Tết.

Trong Phụng Vụ chung của Giáo Hội, ta không tìm thấy phụng vụ Thánh Lễ cho ngày Tết nhưng rồi với Giáo Hội Việt Nam lại có 3 ngày đặc biệt cho những ngày đầu năm mới. 3 ngày này làm nổi bật mối tương quan căn bản của đời sống con người và 3 chiều kích của  thời gian.

Ngày mùng 1 Tết, hướng lên Trời, hướng đến tương lai và chúng ta xin ơn bình an.

Ngày mùng 2, nhớ đến ông bà tổ tiên, nghĩ đến cuộc sống trong tương quan với mọi người và nhìn quá khứ.

Ngày mùng 3, thánh hóa công ăn việc làm là nói đến mối tương quan của con người với vũ trụ, thiên nhiên, nhìn vào hiện tại.

Ngày hôm nay, mùng 1, chúng ta dâng lên Chúa ngày đầu năm mới, hướng về Trời và nhìn tương lai.

Đứng trước thềm năm mới, biết bao nhiêu âu lo của cuộc đời vì ai ai cũng muốn biết đến tương lai.

Có dịp đi qua các chùa như Vĩnh Nghiêm, Xá Lợi ... ta thấy lúc nào cũng có mấy người ngồi ở vệ đường chào bán Tử Vi trọn bộ hay xem tuổi xem ngày, xem giờ ... Đặc biệt hơn nữa là những ngày đầu năm mới thì những quyển sách đó càng bán nhiều hơn.

Là người Kitô hữu, là người có niềm tin vào Thiên Chúa thì chắc có lẽ những quyển tử vi, những quyển đoán số, đoán vận mạng đó như là những tờ giấy lộn. Đơn giản là bởi vì chúng ta tin vào Thiên Chúa, tin vào sự quan phòng của Ngài.

Dựa vào Lời, ta thấy bài đọc thứ nhất cho thấy khi tạo dựng nên các thụ tạo (vũ trụ, con người, thời gian, lịch sử, v.v…) Thiên Chúa đã mặc cho chúng một nội dung, một ý nghĩa và một cùng đích, là cho chúng được chia sẻ và tham phần vào sự sống tình yêu vĩnh hằng của Ngài, được nên giống như Ngài và được hạnh phúc như Ngài; thế nhưng, với tự do, với sự xúi dục của tà thần, và với thói kiêu căng, con người nhiều lúc đã làm méo mó đi những ý nghĩa và những cùng đích ban đầu đó, vì thế, dẫn đưa con người vào con đường lầm lạc, đánh mất căn tính nguyên thủy của mình; Đức Giêsu-Kitô, Con và Ngôi Lời Thiên Chúa làm người chính là để dẫn đưa tất cả mọi thụ tạo, đặc biệt con người, trở về lại với tình trạng nguyên thủy đó, tức là những tương quan tốt đẹp giữa con người với Thiên Chúa-Tạo Hóa, với tha nhân và với chính bản thân mình, như được phản ảnh, trước tiên, trong St 1, 14-18: ở đây, cho thấy trước khi tạo dựng nên con người, Thiên Chúa đã chuẩn bị cho con người một môi trường sống đầy đủ và tốt đẹp, và với những “vốn liếng” dồi dào đó con người hoàn toàn có dư điều kiện để tồn tại và để sống hạnh phúc.

Và rồi ta thấy thời gian là của Thiên Chúa, vì chỉ có Ngài quản lý, sở hữu được thời gian. Do đó thời gian là quà tặng cao quý, riêng chỉ có Thiên Chúa ban cho loài người. Thời gian vô cùng cần thiết cho hết mọi loại người, nếu không có thời gian chẳng ai muốn nghĩ đến làm việc gì. Nhưng nhờ có thời gian với ơn Chúa trợ giúp, ta có thể thêm tuổi, thêm khôn ngoan, thêm ân sủng trước mặt Chúa và người ta, giống Chúa Giêsu (Lc 2,52).

Mọi của cải ta có thể tích trữ được, nhưng thời gian không ai tích trữ được, cũng không ai níu kéo thời gian lại được. Do đó ta chỉ có thể giữ được thời gian bằng cách làm việc lành theo Lời Chúa dạy và do sức lực Chúa ban để tôn vinh Thiên Chúa (1Pr 4,11). Có thế, vào giờ phút tận cùng đời ta, khi đến trả lẽ với Chúa về những ơn Chúa ban, ta mới có thể thưa: “Ngày đó con đã làm việc này, tháng nọ con đã chu toàn việc Chúa trao, năm nay con đang khởi sự công việc thì Chúa gọi con”. Đó là thái độ của đầy tớ khôn ngoan luôn tỉnh thức, bất ngờ chủ trở về, ông sẽ đặt nó vào bàn ăn và qua lại hầu hạ ( Lc 12,35-38).

Có lẽ ít nhiều gì trong chúng ta cũng có người nghĩ ngợi: “Tại sao Giáo hội lại chọn đọc bài Tin Mừng này vào ngày đầu năm mới? Ngày cầu bình an?” Trong tâm tình sâu lắng thiêng liêng của thời khắc chuyển giao năm mới này, Giáo hội là mẹ cũng muốn dạy con cái mình những bài học hữu ích. Và như vậy, ta cũng nên đặt thêm một vài câu hỏi: Tại sao lại phải cầu bình an trước tiên ngay trong ngày đầu năm mới? Điều gì đem lại bình an? Điều gì làm mất bình an? Lời Chúa hôm nay có giúp gì cho việc giải quyết những vấn nạn này không?

Suy tư, nghiền ngẫm ta thấy Lời Chúa hôm nay sẽ giúp cho mỗi người tìm được bình an. Vì bình an là gốc của mọi điều tốt lành khác. Có bình an con người sẽ có được những thứ khác. "Thầy bảo cho anh em biết: đừng lo cho mạng sống: lấy gì mà ăn ; cũng đừng lo cho thân thể: lấy gì mà mặc. Mạng sống chẳng trọng hơn của ăn, và thân thể chẳng trọng hơn áo mặc sao?”
Chúa lưy ý chúng ta rằng dù ăn gì, uống gì và làm gì thì cũng vẫn cần có một ưu tiên tuyệt đối đó là: Tìm kiếm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Người, còn các điều khác Chúa sẽ ban cho. Tìm Nước Thiên Chúa và sự công chính có nghĩa là lo tìm kiếm và làm giàu trước mặt Thiên Chúa; đừng chỉ làm giàu của cải vật chất, nhà cửa xe cộ mà để mình nghèo nàn công phúc trước mặt Chúa.

Nhiều người cầu nguyện đầu năm cho gia đình mình thịnh vượng vật chất, mà quên cầu xin cho mình và gia đình được giàu có thịnh vượng trước mặt Thiên Chúa. Làm giàu trước mặt Thiên Chúa là làm nhiều việc lành và công phúc, việc lành ở đây chính là những việc tông đồ, bác ái, là công việc phục Chúa và phục vụ anh em. Làm giàu trước mặt Chúa còn là những việc hy sinh thầm lặng, hy sinh tiền của, thời giờ, sức khỏe cho Chúa. Những công việc cụ thể như thế sẽ làm cho chúng ta trở nên giàu có, thịnh vượng trước mặt Thiên Chúa.

Chúng ta là những người đã dám tin vào vào quyền năng và ân sủng của Chúa, chúng ta phải có một lối sống và cách hành xử khác, dám để cho Lời Chúa hướng dẫn vì “Cha anh em trên trời thừa biết anh em cần tất cả những thứ đó.” Không phải ỉ nại vào sự quan phòng của Chúa, nhưng là cộng tác với Chúa, và khi đã nỗ lực hết sức để cộng tác với Chúa, thì tin tưởng Chúa sẽ chúc lành.

Cầu xin bình an trong năm mới, là cầu xin cho chúng ta cảm nghiệm những hồng ân Thiên Chúa ban cách nhưng không. Cầu xin bình an trong năm mới là cầu xin cho có lòng tin vào bàn tay Chúa quan phòng. Cầu xin bình an trong năm mới là cầu xin cho biết lượng giá và tìm kiếm những điều chính yếu, tìm kiếm nước Thiên Chúa và sự công chính của Ngài.

Dù thế nào đi chăng nữa tôi vẫn tin rằng Chúa yêu thương tôi, chở che tôi.Vậy từng giây hiện tại ta sống đẹp, cộng lại thành phút hiện tại đẹp ; từng phút hiện tại đẹp góp nên từng giờ hiện tại đẹp; từng giờ hiện tại đẹp tạo nên ngày hiện tại đẹp ; mỗi ngày hiện tại đẹp đan kết thành một đời sống đẹp. 
 
Huệ Minh
 

MÙNG 1 TẾT 2018



LỜI CHÚC ĐẦU NĂM

Tết đến, lời chúc đầu năm mang nhiều ý nghĩa, và là biểu trưng thiêng liêng cho tình cảm giữa con người với nhau. Tết mang đến những gì mới mẻ, trẻ trung, sức sống, cho nên ai cũng muốn chúc Tết và được chúc Tết.
Ngày thường gặp nhau “tiếng chào cao hơn mâm cỗ”. Người Việt lấy ứng xử nhân nghĩa ở đời làm thước đo văn hóa nên chào hỏi trở thành nghi lễ trong xã giao, và nó trở thành nét đẹp văn hóa đời thường. Lời chúc đầu năm thiêng liêng là lời hay ý đẹp dành tặng cho nhau.

Thi sĩ Bùi Nghiệp có bài thơ “Chúc Tết” ngũ phúc lâm môn.

 
Chẳng có món gì mừng tuổi nhau
Gọi là năm mới tết thêm màu
Thôi thì mượn chữ người xưa cũ
Mến chúc xuân này ngũ phúc sâu 

Phước ngập gia đình lẫn tổ gia
Niềm vui trên dưới sống chan hòa
Ân tình nghĩa thiết luôn đằm thắm
Vắng mặt gần lòng chẳng có xa 

Lộc nảy mầm tươi kết tựu thành
Xum xuê cành lá trổ vươn xanh 
Đơm hoa kết trái mau thông đạt
Phấn khởi tiền tài lợi tức nhanh

Thọ với đất trời tựa núi sông
Tuổi già dù đến cứ ung dung
Bên đàn con cháu đông vui đủ
Ríu rít xum xuê cội bách tùng

Khang an tráng kiện tháng ngày vui
Gân cốt bền dai dạo chợ đời
Thời tiết bốn mùa xem nhẹ hẫng
Nắng mưa nóng lạnh chuyện thường thôi

Ninh tĩnh bình yên dưới mái nhà
Khó khăn trắc trở đẩy lùi xa
An cư lạc nghiệp thuyền xuôi mái
Gia tộc luôn vui sống thuận hòa

Ngũ phúc lâm môn đón quý thần
Cận kề gia tộc suốt hằng năm
Đầu xuân mến chúc chư bằng hữu
Vạn sự hanh thông phúc đức tràn…

Những ngày đầu năm, lời chúc trước tiên là dành cho người thân ruột thịt trong gia đình dòng tộc. Đêm 30 Tết, tham dự thánh lễ tất niên, gia đình đoàn viên, cả nhà quây quần nói chuyện tâm tình, ôn lại buồn vui được mất của năm qua đón chờ giao thừa. Thắp nến sáng lung linh trên bàn thờ, đốt nén nhang thơm tỏa ngát. Chuông nhà thờ ngân vang đúng lúc giao thừa. Mọi người dâng lời kinh hạt đầu năm mới, sau đó vui vẻ chúc mừng nhau. Con cháu chúc ông bà cha mẹ, anh chị chúc mừng em, ba mẹ chúc con cái, ông bà chúc con cháu. Lòng ai cũng nao nao thời khắc giao thừa vui vầy trang trọng, gần gũi thiêng liêng ấm áp tình thân.

Sáng Mồng Một, thánh lễ Minh niên, đến nhà thờ gặp nhau ai cũng rôm rã lời chúc mừng năm mới. Cha xứ chúc cộng đoàn, mọi người chúc mừng nhau những lời tốt đẹp. Những ngày tết đến thăm nhau, gia chủ mời ly trà ly rượu thân tình và cầu chúc những lời hay nhất: ơn thánh dồi dào, sức khỏe bình an, hạnh phúc thành đạt, làm ăn tấn tới. Hàng xóm thân quen, người này đến thăm người kia, rộn ràng vui vẻ, nén nhang thắp trên bàn thờ gia tiên, ly rượu đầu xuân mời nhau thân thiết, nói chuyện đầu năm nụ cười tươi nở. Đơn sơ mà ấm áp, thăm nhau chúc nhau mấy ngày xuân được xem như nghiã cử ở đời thật đáng quý đáng trân trọng. Tiếng Việt vốn phong phú nên lời chúc Tết cũng muôn hình vạn trạng, không cứng nhắc và không sáo ngữ. Ai cũng chọn lọc câu chữ tinh tế để người nghe cảm thấy vui lòng tin tưởng. Lời chúc làm cho tâm hồn cảm thấy thăng hoa hạnh phúc, niềm vui dâng tràn. Gặp nhau đầu năm mới, lời chúc Tết bao hàm nhiều ý nghĩa tốt đẹp. Ngày thường giận nhau ghét nhau thế nào đi nữa, nhưng Tết đến Xuân về mọi lời chúc đều trở nên chan hòa trân trọng tràn ngập yêu thương gắn bó mọi người, mọi gia đình trong giáo xứ. Lời chúc đầu năm trở thành văn hóa thẩm mỹ mang nhiều ý nghĩa thiêng liêng của dân tộc Việt Nam.

Đối với người Kitô hữu, lời chúc Tết hay nhất, mang đến hạnh phúc và niềm vui trọn vẹn chính là Lời Chúa trong sách Dân Số: “Đức Chúa phán với ông Môsê: Hãy nói với Aharon và các con nó rằng: Khi chúc lành cho con cái Ítraen, anh em hãy nói thế này :Nguyện Đức Chúa chúc lành và gìn giữ anh em!

Nguyện Đức Chúa tươi nét mặt nhìn đến anh em và dủ lòng thương anh em!

Nguyện Đức Chúa ghé mắt nhìn và ban bình an cho anh em!

Chúc như thế là đặt con cái Ítraen dưới quyền bảo trợ của danh Ta, và Ta, Ta sẽ chúc lành cho chúng” (Ds 6, 22-27).

Chúa Giêsu không chúc theo kiểu thế gian. Khi Chúa Giáng Sinh, các thiên thần đã chúc bình an cho người thiện tâm. Khi Phục Sinh, Chúa cũng chúc bình an cho các môn đệ trung thành. Bài giảng trên núi “Tám mối phúc thật” là Hiến Chương Nước Trời, Chúa Giêsu chúc phúc cho những thân phận nhỏ bé, bị thua thiệt hay bị áp bức đáng thương, cùng những tâm hồn biết hướng về Chúa, về tha nhân.
  
Chúa Giêsu không chúc “phú quý thọ khang ninh” mà chúc phúc Nước Trời cho những ai có tâm hồn nghèo khó, không nô lệ tiền bạc vật chất hay tiện nghi, những người bé mọn, yếu đuối, oan ức, đau buồn, khóc lóc. Khi có tấm lòng thanh thoát, sẵn sàng đón nhận Lời Chúa gieo vào, bén rễ và sinh hoa kết trái, là phúc trường sinh sau này.

Năm Mậu Tuất, Mùa Xuân vừa về thì Mùa Chay vừa đến đúng 29 Tết. "Vui năm Mậu Tuất, hãy chân thật hoà giải; Mùa Chay hoán cải, lòng rộng trải yêu thương". Mừng Xuân và vui Tết nhưng phải luôn nhớ “mình là bụi đất và sẽ trở về với bụi đất” (St 3,19). Vì thế người tín hữu luôn tâm niệm lời Chúa dặn dò: “Tiên vàn hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia (nghĩa là của cải vật chất), Người sẽ thêm cho” (Mt 6, 33). Sống theo ưu tiên của Nước Thiên Chúa, người Kitô hữu sẽ giữ được sự tự do thanh thoát và bình an ngay giữa những nhiệm vụ nặng nề nhất, vì họ biết có Chúa là Cha yêu thương cùng lo cho họ và với họ, và chỉ có Người mới đem lại cho họ niềm hạnh phúc đích thực mà họ hằng mong ước.

Sẽ không mong là an khang thịnh vượng, là công thành danh toại, là buôn may bán đắt, là vạn sự như ý, là… là… Nhưng chỉ cần tâm nguyện là một năm mới trong tình thương của Chúa, một năm mới bình an, một năm mới theo thánh ý Chúa, một năm mới thuộc về Chúa. Niềm hạnh phúc của một tâm hồn trong sạch và có Chúa ở cùng, cũng chính là niềm hạnh phúc mà chúng ta cầu chúc cho nhau trong năm mới Mậu Tuất này.

Lạy Chúa, mỗi lần Tết đến, chúng con dành cho nhau những lời chúc tốt đẹp nhất và ước ao cho tất cả cầu chúc ấy trở nên hiện thực trong năm mới. Giờ đây, dưới ánh sáng của Lời Chúa, chúng con biết rằng Chúa là khởi nguyên và cùng đích của mọi phúc lành. Chúng con xin đặt đất nước chúng con, gia đình, bạn bè thân hữu, và tất cả anh chị em chúng con dưới sự bảo trợ của danh Chúa trong năm mới này. Xin Chúa chúc lành cho chúng con.

Lạy Chúa, khi chúng con chúc lành cho nhau, xin hướng lòng chúng con về Chúa và thưa lên: Nguyện Đức Chúa chúc lành và gìn giữ anh chị em!
Nguyện Đức Chúa tươi nét mặt nhìn đến anh chị em và dủ lòng thương anh chị em! Nguyện Đức Chúa ghé mắt nhìn và ban bình an cho anh chị em!


Lm Giuse Nguyễn Hữu An

Thứ Bảy, 2 tháng 2, 2019

Thứ hai ngày 04/02/2019. 30 tết .




Bài Ðọc Năm Lẻ: Dt 11, 32-40     Lời Chúa trong thư gửi tín hữu Do-thái.

Anh em thân mến, tôi còn phải nói gì nữa? Tôi không có đủ thời giờ thuật lại về Gêđêon, Barac, Samson, Giephtê, Ðavít, Samuel và các tiên tri. Nhờ đức tin, họ chiến thắng các vương quốc, thực thi công bình, được hưởng lời hứa, bịt miệng sư tử, dập tắt hoả hào, thoát khỏi lưỡi gươm, chế ngự bệnh tật, hùng dũng trong trận chiến; đánh đuổi các đạo quân ngoại bang, làm cho những người chết sống lại để trao trả cho các phụ nữ của họ. Có những người đành chịu hành hạ, mà không muốn được giải thoát, hy vọng được phục sinh hoàn hảo hơn. Lại có những người đành chịu nhục nhã, đòn vọt, kể cả xiềng xích và tù ngục. Họ bị ném đá, cưa xẻ, thử thách, bị giết bằng gươm. Họ mặc áo da cừu da dê, lưu lạc khắp nơi, thiếu thốn mọi điều, bị áp bức, ngược đãi. Thế gian chẳng xứng với họ. Họ lang thang trong hoang địa, trên núi non, trong hang đá, dưới hầm đất. Và tất cả họ đều nhờ bằng chứng đức tin mà lãnh nhận lời hứa tốt lành, thế mà họ chưa được lãnh nhận điều đã hứa, là vì Thiên Chúa đã dự liệu cho chúng ta một cái gì tốt hơn, kẻo họ đạt đến hoàn hảo mà không có chúng ta.
Ðó là lời Chúa.

Mc 5, 1-20   Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Marco

Khi ấy, Chúa Giêsu và các môn đệ sang bờ biển bên kia, đến địa hạt Giêrasa. Chúa Giêsu vừa ở thuyền lên, thì một người bị quỷ ô uế ám từ các mồ mả ra gặp Người. Người đó vẫn ở trong các mồ mả mà không ai có thể trói nổi, dù dùng cả đến dây xích, vì nhiều lần người ta đã trói anh ta, gông cùm xiềng xích lại, nhưng anh ta đã bẻ gãy xiềng xích, phá gông cùm, và không ai có thể trị nổi anh ta. Suốt ngày đêm anh ta ở trong mồ mả và trong núi, kêu la và lấy đá rạch mình mẩy. Thấy Chúa Giêsu ở đàng xa, anh ta chạy đến sụp lạy Người và kêu lớn tiếng rằng: "Hỡi ông Giêsu, Con Thiên Chúa Tối Cao, ông với tôi có liên hệ gì đâu? Vì danh Thiên Chúa, tôi van ông, xin chớ hành hạ tôi". Nhưng Chúa Giêsu bảo nó rằng: "Hỡi thần ô uế, hãy ra khỏi người này". Và Người hỏi nó: "Tên ngươi là gì?" Nó thưa: "Tên tôi là cơ binh, vì chúng tôi đông lắm". Và nó nài xin Người đừng trục xuất nó ra khỏi miền ấy.

Gần đó, có một đàn heo đông đảo đang ăn trên núi, những thần ô uế liền xin Chúa Giêsu rằng: "Hãy cho chúng tôi đến nhập vào đàn heo". Và Chúa Giêsu liền cho phép. Các thần ô uế liền xuất ra và nhập vào đàn heo, rồi cả đàn chừng hai ngàn con lao mình xuống biển và chết đuối. Những kẻ chăn heo chạy trốn và loan tin đó trong thành phố và các trại. Người ta liền đến xem việc gì vừa xảy ra. Họ tới bên Chúa Giêsu, nhìn thấy kẻ trước kia bị quỷ ám ngồi đó, mặc quần áo và trí khôn tỉnh táo, và họ kinh hoảng. Những người đã được chứng kiến thuật lại cho họ nghe mọi sự đã xảy ra như thế nào đối với người bị quỷ ám và đàn heo. Họ liền xin Chúa Giêsu rời khỏi ranh giới họ. Khi Người xuống thuyền, kẻ trước kia bị quỷ ám xin theo Người. Nhưng người không cho mà rằng: "Con hãy về nhà với thân quyến, và loan truyền cho họ biết những gì Thiên Chúa đã làm cho con và đã thương con". Người đó liền đi và bắt đầu tuyên xưng trong miền thập tỉnh, tất cả những gì Chúa Giêsu đã làm cho anh ta, và mọi người đều thán phục.

Suy Niệm:        (Trích trong 5 phút Lời Chúa )

Trước cảnh cả đàn heo trên hai ngàn con lao xuống Biển Hồ Ga-li-lê chỉ trong nháy mắt, dân làng miền Ghê-ra-sa, phần thì sợ hãi, phần thì tiếc của, đã mời Chúa “rời khỏi vùng đất của họ.” Trái lại, người trước đây bị quỷ ám, sau khi được chữa lành, đã “ra đi và rao truyền những gì Chúa đã làm cho anh.” Những người dân miền Ghê-ra-sa hẳn cũng nhận biết dấu lạ Chúa làm, nhưng điều đó chẳng đem lại cho họ mối lợi nào mà lại bị thiệt hại một khối tài sản không hề nhỏ. Họ coi người anh em đồng hương của họ có giá trị không bằng đàn heo. Còn người trước đây bị quỷ ám thì cảm nghiệm và xác tín dấu lạ Chúa làm là cho chính anh, để anh được chữa lành, để trả lại cho anh phẩm giá của một con người, và hơn nữa, phẩm giá của người môn đệ Chúa Ki-tô.

 Nhận biết mình và anh chị em mình được Chúa yêu thương và cứu chuộc, chúng ta nhớ rằng mình được Chúa sai đi loan truyền Danh Chúa cho người khác. Chúa không đòi hỏi chúng ta phải đi đâu xa, Người muốn chúng ta loan truyền danh của Người ngay giữa lòng đời chúng ta đang sống. Bạn có nhận ra những cơ hội để sống điều đó không?

--  Mỗi ngày tôi dành thời gian cầu nguyện, để cảm nhận ơn lành Chúa ban và để loan truyền cho tha nhân biết những việc kỳ diệu Chúa đã làm vì yêu thương nhân loại.
-- Xin cho con xác tín rằng Chúa vẫn luôn ở bên con, để con an bình, và luôn nỗ lực làm rạng danh thánh Chúa bằng đời sống Ki-tô hữu tốt lành của mình. 


Thứ Ba, 22 tháng 1, 2019

22/01/2019


THỨ BA TRONG TUẦN II THƯỜNG NIÊN C




 

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Marcô (Mc 2: 23-28)

23 Vào ngày sa-bát, Đức Giê-su đi băng qua một cánh đồng lúa. Dọc đường, các môn đệ bắt đầu bứt lúa.24Người Pha-ri-sêu liền nói với Đức Giê-su: "Ông coi, ngày sa-bát mà họ làm gì kia? Điều ấy đâu được phép!"25Người đáp: "Các ông chưa bao giờ đọc trong Sách sao? Ông Đa-vít đã làm gì, khi ông và thuộc hạ bị thiếu thốn và đói bụng?26 Dưới thời thượng tế A-bi-a-tha, ông vào nhà Thiên Chúa, ăn bánh tiến, rồi còn cho cả thuộc hạ ăn nữa. Thứ bánh này không ai được phép ăn ngoại trừ tư tế".

27 Người nói tiếp: "Ngày sa-bát được tạo nên cho con người, chứ không phải con người cho ngày sa-bát.28Bởi đó, Con Người làm chủ luôn cả ngày sa-bát".


  
  Suy niệm

        Trong ngôn ngữ thường ngày, chúng ta không còn dùng từ ngữ ngày Sabát như truyền thống của người Do Thái, nhưng chúng ta dùng ngày Chúa Nhật, ngày của Chúa trong lịch hiện nay. Sống trong “thế giới di động” hiện nay, nhiều người không biết nghỉ ngơi là thế nào. Chúng ta cần được nhắc nhở về chuyện nghỉ ngơi để sống cho mình, cho gia đình, và cho Chúa. Qua bài Tin Mừng hôm nay, chính Chúa Giêsu đã dạy chúng ta biết sống ngày “Sabát” như thế nào để được tự do sống cho Chúa, cho gia đình và cho chính mình.

        Đức Giêsu đã không ít lần tranh luận với người Pharisêu và giới lãnh đạo Do Thái. Hôm nay, họ bức xúc và không chấp nhận quyền làm chủ của Đức Giêsu về ngày Sabát, vì họ không chấp nhận Người là Con Thiên Chúa. Không chấp nhận quyền làm chủ, có nghĩa họ không cho phép Đức Giê-u được chữa bệnh trong ngày đó, Người có thể chữa bệnh trong bất kỳ ngày nào trừ ngày Sabát, như vậy họ đang tự cho mình cái quyền quyết định. Đức Giêsu đã cho họ thấy thứ lề luật trên cả luật lệ mà họ đang giữ. Người hiểu rằng con người được Thiên Chúa tạo dựng trước khi luật về ngày Sabát ra đời. Chính vì thế, có luật lệ về ngày Sabát, trước hết là để thờ phượng Thiên Chúa, sau đó là để bảo vệ con người, làm cho con người biết thân xác họ cần được nghỉ ngơi, và linh hồn họ cần được nuôi dưỡng.

        Ngày hôm nay, người ta thượng tôn chủ nghĩa tự do, người ta sợ mang gông cùm và ghét kẻ nào cướp mất tự do của mình. Con cái trong gia đình sợ phải ràng buộc vào luật lệ của cha mẹ. Nhiều bạn trẻ chán ngán hoặc khiếp sợ các luật lệ trong Giáo Hội, như phải đi lễ ngày Chúa Nhật, phải học giáo lý, phải chung thủy một vợ một chồng, v.v. Như vậy, ta dễ dàng quy cho cha mẹ, cho Giáo Hội, cho Chúa như là những cảnh sát luôn kìm kẹp và làm ta mất tự do. Chúng ta hãy nghe lại Lời Chúa hôm nay, Đức Giêsu đã mở ra cho ta một luật của tự do, luật của sự sống.
Hôm nay, Chúa giải thích để ta hiểu luật là vì yêu thương con người. Luật của Chúa không phải để áp đặt, để gông cùm, để đè nặng trên con người, nhưng là để thanh thoát, để thảnh thơi, để thăng tiến và bảo vệ tự do mà Chúa ban tặng. Chính vì chúng ta không hiểu nên nhiều khi đã giữ luật Chúa cách nô lệ, hình thức và nặng nề gò bó.

       Lạy Chúa, xin giúp cho mỗi thành viên trong gia đình chúng con hiểu được lề luật của Chúa để chúng con sống với Chúa, với nhau và với chính mình một cách tự do và hân hoan. Trong tuần lễ hiệp nhất này, xin Chúa cho chúng con thấy được rằng tình yêu là điều quan trọng hơn mọi thứ lề luật. Chính sự hiệp nhất của mọi thành viên trong gia đình, giáo xứ, giáo phận sẽ giúp chúng con yêu thương và nên một trong tình yêu Chúa. Amen.

 
GKGĐ Giáo Phận Phú Cường

Thứ Tư, 9 tháng 1, 2019

11.01.2011


Thứ Sáu Sau Lễ Chúa Hiển Linh
Lc 5,12-16

Lời Chúa:
“Có một người đầy phong hủi vừa thấy Người, liền sắp mặt xuống, xin Người rằng: “Thưa Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch” (Lc 5,12)
Câu chuyện minh họa:
Ebba de Pauli trong quyển “Vị ẩn sĩ” đã mô tả một người cùi như thế này: Đó là một bà trung lưu và có thể nói là “đạo đức”. Bà không phải bận bịu với việc sinh nhai, bà có nhiều giờ để đi nhà thờ đọc kinh dự lễ, và vẫn còn nhiều giờ để tìm nói chuyện với người này người nọ. Nhưng bà không hiểu tại sao người ta cứ muốn xa lánh bà. Một nhóm người đang trò chuyện với nhau vui vẻ nhưng khi vừa thấy bóng dáng bà thì mọi người đều im bặt. Có người vừa thấy bà xa xa thì đã lẫn đi nơi khác. Bà đến hỏi ý kiến với Vị Ẩn Sĩ. Sau khi hỏi bà một số chi tiết, Vị Ẩn Sĩ kết luận:
– Sở dĩ người ta xa lánh bà vì họ coi bà là một con rắn độc!
– Nhưng sao họ coi tôi là rắn độc?
– Vì trong đầu óc bà đầy những ý tưởng độc hại, như nghĩ xấu về người khác, hằn học, đố kỵ, bi quan… Nghe bà nói, người ta cảm thấy tâm hồn mình chùn xuống, cuộc sống mình buồn thảm hơn.
– Vậy xin ngài chỉ cho tôi phải làm sao.
Vị Ẩn Sĩ khuyên bà thay đổi cách suy nghĩ và cách giao tiếp: từ nay hãy nuôi trong đầu mình những ý tưởng tốt lành; khi nói chuyện với người khác, hãy chia sẻ những ý nghĩ tốt lành ấy, rồi mọi sự sẽ khá hơn.
Bà này làm theo. Và kết quả đúng như Vị Ẩn Sĩ tiên báo.
Suy niệm:
Bệnh cùi là một bệnh khủng khiếp, và ghê sợ. Tuy nhiên nó không khủng khiếp bằng nỗi khổ bị xua đuổi. Có thể nói, đau khổ lớn nhất của họ là bị người khác xua đuổi, vì sự xua đuổi khiến người ta cảm thấy cô đơn, thấy mình không còn phẩm giá gì nữa, thậm chí nó còn khiến người ta nổi loạn. Nhưng chúng ta cần phải cảnh giác với một thứ bệnh cùi đặc biệt như trong bài Tin Mừng hôm nay mô tả: Đó là một thứ tội thực sự làm cho tâm hồn con người ra ô uế, lại có sức truyền nhiễm rất mạnh, và do đó đáng bị mọi người xa lánh.
Người cùi đến với Đức Giêsu trong bài Tin Mừng này là một người bị xua đuổi. Vì cùi, anh không được sống chung với người khác trong xã hội. Anh phải tránh không để cho người khác chạm tới mình. Điểm đáng để chúng ta quan tâm trong chuyện này là cách Chúa Giêsu đối xử với anh. Khi thấy anh đến gần mình, Ngài không xua đuổi, nhưng Người giơ tay đụng vào anh. Bằng cử chỉ ấy, Đức Giêsu tỏ dấu đón nhận anh. Và thái độ hoan nghênh đón nhận đó đã chữa anh khỏi mặc cảm và nỗi đau bị xua đuổi. Cho nên có thể nói, trước khi chữa bệnh thể xác cho anh, Ngài đã chữa lành tinh thần của anh.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa luôn muốn chữa lành mọi bệnh tật phần hồn phần xác cho chúng con. Xin cho chúng con biết tin tưởng và tìm đến với Chúa, để Chúa chữa lành cho chúng con.

Bản chất... khôn ngoan”—Nhưng khiêm nhường



1-3. Tại sao chúng ta có thể biết chắc là Đức Giê-hô-va khiêm nhường?
MỘT người cha muốn truyền thụ một bài học tối quan trọng cho đứa con nhỏ. Ông tha thiết muốn động đến lòng con. Vậy ông nên xử trí thế nào? Ông có nên đứng sừng sững trước mặt đứa trẻ như đe dọa và nói gay gắt không? Hay là ông cúi xuống ngang với con và nói bằng giọng ôn hòa, tha thiết? Chắc chắn một người cha khôn ngoan, khiêm nhường sẽ chọn cung cách ôn hòa.
2 Đức Giê-hô-va, Cha chúng ta, là Đấng như thế nào—ngạo mạn hay khiêm nhường, khắc nghiệt hay ôn hòa? Đức Giê-hô-va là Đấng thông hiểu mọi sự và khôn ngoan tuyệt đối. Song, bạn có nhận thấy rằng tri thức và trí thông minh không nhất thiết khiến người ta khiêm nhường không? Như Kinh Thánh nói, “sự hay-biết sanh kiêu-căng”. (1 Cô-rinh-tô 3:19; 8:1) Nhưng Đức Giê-hô-va “bản chất... khôn ngoan” lại cũng khiêm nhường. (Gióp 9:4, Trịnh Văn Căn) Điều này không có nghĩa Ngài ở địa vị thấp kém hoặc thiếu vẻ oai nghi, nhưng vì Ngài hoàn toàn không có tính kiêu ngạo. Tại sao thế?
3 Đức Giê-hô-va là thánh. Vì vậy tính kiêu ngạo, một nét tính gây ô uế, không có nơi Ngài. (Mác 7:20-22) Ngoài ra, hãy lưu ý lời nhà tiên tri Giê-rê-mi nói với Đức Giê-hô-va: “Chắc chắn linh hồn Ngài [chính Đức Giê-hô-va] sẽ nhớ đến và cúi xuống phía tôi”.* (Ca-thương 3:20, NW) Hãy tưởng tượng xem! Đức Giê-hô-va, Chúa Tối Thượng hoàn vũ, sẵn lòng “cúi xuống”, tức hạ mình ngang hàng với Giê-rê-mi, để quan tâm đến con người bất toàn đó. (Thi-thiên 113:7) Đúng, Đức Giê-hô-va khiêm nhường. Nhưng tính khiêm nhường của Đức Chúa Trời bao hàm điều gì? Đức tính này liên quan thế nào với sự khôn ngoan? Và tại sao nó quan trọng đối với chúng ta?

Thứ Ba, 8 tháng 1, 2019

Thứ hai ngày 07/01/2019

BÀI ĐỌC I: 1 Ga 3, 22 – 4, 6
Trích thư thứ nhất của Thánh Gioan Tông đồ.
Các con thân mến, bất cứ điều gì chúng ta xin, thì chúng ta cũng lãnh nhận được nơi Chúa, vì chúng ta giữ các giới răn Người và làm điều đẹp lòng Người. Và đây là giới răn của Người: chúng ta phải tin vào thánh danh Con của Người, là Chúa Giêsu Kitô, và phải thương yêu nhau, như Người đã ban giới răn cho chúng ta. Ai giữ các giới răn của Người, thì ở trong Người và Người ở trong họ. Do điều này mà chúng ta biết Người ở trong chúng ta, đó là Thánh Thần mà Người đã ban cho chúng ta.
Các con thân mến, chớ tin bất cứ thần trí nào, nhưng hãy nghiệm xét các thần trí, coi có phải bởi Thiên Chúa hay không, vì có nhiều tiên tri giả đã xuất hiện trong thế gian. Do điều này mà các con biết là thần trí của Thiên Chúa: Thần trí nào tuyên xưng Chúa Giêsu Kitô đã đến trong xác phàm thì là bởi Thiên Chúa; còn thần trí nào phủ nhận Chúa Giêsu, thì không bởi Thiên Chúa mà ra, đó là thần trí của Phản-Kitô; các con nghe nói rằng nó đến, và hiện giờ nó đã ở trong thế gian rồi.
Các con thân mến, các con bởi Thiên Chúa mà ra và đã thắng nó, vì Đấng ở trong các con thì cao trọng hơn kẻ ở trong thế gian. Chúng thuộc về thế gian, nên nói chuyện thế gian, và thế gian nghe theo chúng. Chúng ta bởi Thiên Chúa mà ra. Ai biết Thiên Chúa, thì nghe chúng ta; còn ai không bởi Thiên Chúa, thì không nghe chúng ta. Do đó mà chúng ta biết được thần trí chân thật và thần trí dối trá. Đó là lời Chúa.
                        PHÚC ÂM: Mt 4, 12-17. 23-25
Khi ấy, nghe tin Gioan bị nộp, Chúa Giêsu lui về Galilêa. Người rời bỏ Nadarét, đến ở miền duyên hải thành Capharnaum, giáp ranh đất Giabulon và Nephtali, để ứng nghiệm lời đã phán bởi miệng tiên tri Isaia rằng:
“Hỡi đất Giabulon và đất Nephtali, đường dọc theo biển, bên kia sông Giođan, Galilêa của ngoại bang! Dân ngồi trong tối tăm, đã thấy ánh sáng huy hoàng, ánh sáng đã xuất hiện cho người ngồi trong bóng sự chết”. Từ bấy giờ, Chúa Giêsu bắt đầu rao giảng và nói: “Hãy hối cải, vì nước trời đã gần đến”.
Và Chúa Giêsu đi rảo quanh khắp xứ Galilêa, dạy dỗ trong các hội đường của họ, rao giảng tin mừng nước trời, chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền trong dân. Tiếng tăm Người đồn ra khắp xứ Syria. Người ta đã đem đến cho Người đủ thứ bệnh nhân, những người mắc phải tật nguyền đau đớn, quỷ ám, kinh phong, bất toại. Người đã chữa họ lành. Dân chúng đông đảo theo Người, họ đến từ xứ Galilêa, miền Thập Tỉnh, Giêsrusalem, Giuđêa và vùng bên kia sông Giođan. Đó là lời Chúa