Chủ Nhật, 18 tháng 2, 2018

Thứ bảy ngày 17.02.2018 Mồng 2 tết


KÍNH NHỚ TỔ TIÊN ÔNG BÀ VÀ CHA MẸ




Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Matthêu (Mt 15: 1-6)

1 Bấy giờ có mấy người Pha-ri-sêu và mấy kinh sư từ Giê-ru-sa-lem đến gặp Đức Giê-su và nói rằng:2 "Sao môn đệ ông vi phạm truyền thống của tiền nhân, không chịu rửa tay khi dùng bữa?"3 Người trả lời: "Còn các ông, tại sao các ông dựa vào truyền thống của các ông mà vi phạm điều răn của Thiên Chúa?4 Quả thế, Thiên Chúa dạy: Ngươi hãy thờ cha kính mẹ; kẻ nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải bị xử tử.5 Còn các ông, các ông lại bảo: "Ai nói với cha với mẹ rằng: những gì con có để giúp cha mẹ, đều là lễ phẩm dâng cho Chúa rồi,6 thì người ấy không phải thờ cha kính mẹ nữa". Như thế, các ông dựa vào truyền thống của các ông mà huỷ bỏ lời Thiên Chúa.

Suy niệm

Truyền thống Việt Nam rất coi trọng chữ “Hiếu”, nó nhắc nhở cái đạo làm con.  Đó là căn bản của đạo đức gia đình, là truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Đồng thời, khi nhắc đến chữ hiếu người ta còn nhắc đến chín điều mà các đấng sinh thành đã gánh chịu vì con cái: sinh con ra, cho con bú mốm, nuôi con khôn lớn, dạy dỗ, trông nom, săn sóc, bảo vệ, nâng đỡ, và che chở cho con. Đó là công ơn của các đấng sinh thành.

Chính vì lẽ đó, vào những ngày Tết trong các gia đình Việt Nam, con cái cố gắng quy tụ về nhà để tết ông bà cha mẹ. Nếu ông bà cha mẹ không còn, thì cũng về để thắp nén hương cầu nguyện cho họ. 

Còn đối với người Kitô hữu, việc thảo hiếu với các đấng sinh thành không chỉ là bổn phận tự nhiên, nhưng còn là đòi hỏi của Chúa. Trong mười điều răn, chúng ta thấy ngay sau ba giới răn nói về bổn phận của con người đối với Chúa, thì giới răn “Thảo kính cha mẹ” được đặt đầu tiên trong các giới răn nói về mối tương quan con người với nhau. Điều đó cho thấy việc hiếu thảo là bổn phận hàng đầu của mỗi người Kitô hữu trong bổn phận yêu người. 

Qua đoạn Tin Mừng này, chúng ta nghe Chúa Giêsu lặp lại giới răn này và khẳng định đó chính là ý muốn từ ban đầu của Thiên Chúa và con người không có quyền thay đổi. Chúng ta phải thờ kính cha mẹ, nếu người nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải bị xử tử” (Mt 15,4). 

Còn thánh Phaolô thì dạy cho chúng ta biết rằng, phải “tôn kính cha mẹ, để chúng ta được hạnh phúc và trường thọ” (Ep 6,2).

Nếu như truyền thống Việt Nam coi rằng, ai tôn kính cha mẹ, người đó được hưởng công đức cha mẹ mình để lại, rồi cho con cháu, thì Thánh Kinh xác định: “Ai tôn thờ cha thì bù đắp lỗi lầm, ai kính mẹ thì tích trữ kho báu. Ai thờ cha sẽ được vui mừng vì con cái, ai tôn vinh cha sẽ được trường thọ” (Hc 3,3-5).  

Như vậy nếu trong ngày Tết chúng ta thường chúc nhau: Phúc, Lộc, Thọ, thì ai thờ cha kính mẹ, sẽ được hưởng cả ba điều cầu chúc đó. 

Không những thế, điều quan trong là “Ai vâng lời cha mẹ trong mọi sự sẽ làm đẹp lòng Chúa” (Cl 3,20). Bởi vì,  “Chúa làm cho người cha được vẻ vang vì con cái, cho người mẹ thêm uy quyền đối với các con” (Hc 3,2); Đồng thời, khi thảo kính cha mẹ thì lời cầu nguyện của người con sẽ được nhận lời. 

Chúng ta hãy tôn kính các ngài bằng chính tấm lòng quí trọng và chân thành của mình. Đừng thể hiện hành vi báo hiếu chỉ vì lợi danh hay vì ý định cá nhân nào đó. Nhưng làm với tinh thần vượt lên trên bổn phận, vì bổn phận thì chỉ dừng lại là báo đáp, là công bằng. Mà báo hiếu không phải là sự vay sự trả, nhưng đó là sự đáp trả của tình yêu. 

Hãy thể hiện sự hiếu thảo, lòng tôn kính của mình bằng việc quan tâm, lo lắng và săn sóc cha mẹ trong mọi hoàn cảnh.  Nghĩa là không chỉ hiện diện với cha mẹ, phụng dưỡng cha mẹ trong lúc cha mẹ vui vẻ, hạnh phúc, mạnh khỏe, mà còn cả trong lúc ốm đau, bệnh tật. Chắc hẳn rằng,lòng hiếu nghĩa của chúng ta đối với cha mẹ sẽ không bao giờ bị quên, nhưng điều đó sẽ đền bù tội lỗi cho chúng ta

Hôm nay chúng ta hân hoan đón mừng xuân mới trong niềm vui, niềm hân hoan, đó cũng là nhờ công lao của ông bà tổ tiên chúng ta để lại.  Hãy cùng nhau xin dâng một nén hương lòng, một lời cầu nguyện cho ông bà cha mẹ chúng ta. Amen.

Huệ Minh 

  1. Canh tân đời sống
Lần kia, một vị vua đang thả bộ trên những con đường của thành phố thủ đô, thì có một người ăn mày đến và xin nhà vua chút ít tiền. Nhà vua không hề cho anh ta một đồng nào cả. Thay vào đó, nhà vua mời anh ta đến lâu đài thăm viếng ông. Người ăn mày nhận lời mời của nhà vua. Đến ngày hẹn, người ăn mày tìm đường tới cung điện và được gặp nhà vua. nhưng anh ta bỗng nhận ra bộ quần áo rách rưới của mình, và cảm thấy xấu hổ. Đây là một biểu tượng hùng hồn về tình trạng nghèo khổ trong cuộc sống của anh. Vốn là một người đặc biệt, nhà vua đón tiếp anh ta một cách nồng hậu, tỏ lòng thương xót, và ban cho anh ta một bộ quần áo mới, cùng với những thứ khác. Tuy nhiên, vài ngày sau, người ăn mày vẫn lê lết trên đường phố trong bộ quần áo rách nát của mình. Tại sao anh ta lại bỏ bộ quần áo mới? Bởi vì anh biết rằng khi mặc bộ quần áo đó, có nghĩa là anh ta phải sống một cuộc sống mới, phải từ bỏ cuộc sống của một người ăn mày. Nhưng anh chưa được chuẩn bị để làm như vậy. Không phải là cuộc sống mới không hấp dẫn đối với anh ta. Nó rất hấp dẫn. Nhưng chỉ vì anh ta đã quá quen thuộc với lề thói cũ, đến nỗi không thay đổi được.
Thói quen đóng một vai trò lớn trong cuộc sống. Người ta nói rằng chúng ta sống nửa sau cuộc đời mình tuỳ thuộc vào những thói quen đã có từ nửa trước cuộc đời. Điều đó sẽ đem lại sự thoải mái cho người nào có những thói quen xấu.
Mùa chay đụng chạm vào một góc cạnh nào đó trong tâm hồn của tất cả chúng ta. Hình ảnh Chúa Giêsu ăn chay và cầu nguyện trong sa mạc gây xúc động cho chúng ta. Nhưng cũng bắt chúng ta phải nhìn vào cuộc sống của mình. Mùa chay thách đố chúng ta cải thiện con người mình. Nhưng những nỗ lực của chúng ta trong việc đổi mới thường không đủ sâu xa và kiên nhẫn.
Nếu muốn thay đổi những khía cạnh bên ngoài cuộc sống, thì trước hết, chúng ta phải thay đổi những thái độ tư tưởng bên trong của chúng ta. Sự thay đổi đòi hỏi chúng ta phải lấy những thói quen mới thay thế vào những thói quen cũ. Điều này mời gọi chúng ta phải biết làm chủ bản thân, và tự bắt mình phải thực hiện những gì cần thiết. Thông qua sức mạnh của lời cầu nguyện, chúng ta có thể hoàn tất được sự thay đổi tâm hồn theo lời mời gọi của mùa chay.
Mặc dù sự thống hối và lời cầu nguyện luôn luôn phù hợp, nhưng những yếu tố đó lại càng đặc biệt phù hợp trong mùa chay. Đây là thời gian của ân sủng. Mùa chay là một cửa ngõ mở ra một cơ hội lớn cho mọi người. Đây là một thời kỳ của sám hối và cố gắng. Nhưng cũng là thời kỳ của niềm vui lớn lao, tương tự như mùa xuân. Trong khi chúng ta nỗ lực tiến tới mùa Phục Sinh, thì mặt trời càng ngày càng tươi sáng và ấm áp hơn.
Nói tóm lại, chúng ta phải quay trở về với sức mạnh của tình yêu. Sống tử tế, hành động theo lẽ phải, và bước đi một cách khiêm tốn cùng với Thiên Chúa. Hãy dẹp bỏ chiếc áo rách của tội lỗi, để mặc lấy tấm áo mới của ân sủng và sự sống.

2. Cải thiện
Có một chàng thanh niên, vừa nghiện ma tuý, lại can tội giết người, nên bị kết án chung thân. Đêm kia anh đang nằm trên giường tại phòng giam, thì đột nhiên anh nghĩ tới tình trạng hỗn loạn mà anh đã gây ra trong đời anh. Anh cảm thấy có một ước muốn mãnh liệt là cầu nguyện. Đợi cho người bạn nằm cùng giường ngủ yên, anh mới quỳ xuống cầu nguyện: Lạy Chúa, con xin tỏ bày cùng Chúa những gì chất chứa trong trái tim con. Anh nói với Ngài bằng những lời lẽ đơn sơ mộc mạc tất cả những gì anh muốn, từ những hy vọng đến những thất bại, từ những vui mừng đến những khổ đau. Sau khi anh cầu nguyện xong, người bạn tưởng chừng như đã ngủ buột miệng kêu lên: Amen. Và người bạn nói tiêp: Tôi cũng tin Chúa. Tôi nghĩ rằng Ngài luôn ở với chúng ta, chỉ có chúng ta là không ở với Ngài mà thôi.
Từ câu chuyện trên, chúng ta đi vào lời Chúa truyền dạy: Hãy sám hối, nghĩa là hãy cải thiện đời sống, thành tâm thú nhận những gì xấu, không tốt, không đẹp trong đời sống chúng ta, rồi sau đó là từ bỏ chúng, quay lưng lại với chúng, nói khác đi là thẳng thắn đối diện với những tội lỗi trong đời sống, rồi cương quyết uốn nắn sửa đổi.
Hẳn rằng có những lúc chúng ta cũng đã ý thức về những hỗn loạn xảy ra trong tâm hồn và trong cuộc sống chúng ta. Chẳng hạn về tính ích kỷ, luôn đặt nhu cầu của chúng ta trên quyền lợi của người khác. Chẳng hạn về tính kiêu căng, không muốn nhìn nhận những sai lỗi của mình. Chẳng hạn về sự lười biếng, không muốn giúp đỡ một ai.
Kinh nghiệm cho thấy: Những nhà truyền giáo thành công nhất trong việc làm cho người khác hối cải, đều là những người thực hiện theo đoạn Tin Mừng hôm nay. Họ làm cho người khác nhìn nhận rằng mình chỉ là những kẻ tội lỗi, rồi từ đó giúp họ quay trở về cùng Đức Kitô mà làm lại cuộc đời. Bởi vì nếu không phải là người tội lỗi, thì cần chi đến Đức Kitô.
Từ khởi điểm này, hôm nay chúng ta cùng nhau bước vào mùa Chay, là thời gian đặc biệt Chúa tuôn đổ muôn vàn ơn sủng và giúp chúng ta cải thiện đời sống. Nếu như mùa Chay trở về, chúng ta biết cố gắng cải thiện đời sống, uốn nắn lấy một thói hư tật xấu mà thôi, thì có lẽ lúc này chúng ta đã trở nên một con người khác, đạo đức hơn, thánh thiện hơn, yêu thương hơn.

3. Nơi hoang dã
Có một vở kịch mang tựa đề là nơi hoang dã, kể lại câu chuyện như sau: Chàng thanh niên yêu say đắm cô gái hàng xóm. Thế nhưng cha nàng không ưng vì cuộc sống có phần bê bối của chàng. Ông ra sức dập tắt mối tình của chàng. Thất vọng, chàng đâm ra rượu chè bê bối. Ngày kia, sau khi đã uống rượu, chàng gây lộn và đánh nhau với một người trong quán, nên bị chủ quán tống cổ ra ngoài đường. Cha chàng rất hiểu và cảm thông với con mình. Ông từ từ giúp chàng lấy lại thế quân bình. Sau khi biết được cô gái hàng xóm cũng yêu chàng, thế là chàng quyết định hối cải và làm lại cuộc đời.
Vở kịch được trình diễn một cách rộng rãi và đã thu hút được nhiều người đến xem vì nó đưa ra một hoàn cảnh chung, vừa nhân bản, lại vừa gần gũi với cuộc sống hằng ngày. Nó vẽ lên phần nào cảnh hoang dã mà chúng ta đang sống.
Từ câu chuyện trên chúng ta đi vào đoạn Tin Mừng hôm nay. Thực vậy, trước khi bắt đầu cuộc sống công khai, Chúa Giêsu đã vào sa mạc, nơi hoang dã để ăn chay, cầu nguyện và chịu cám dỗ suốt 40 đêm ngày. Theo Kinh Thánh, sa mạc hay nơi hoang dã đã là nơi trú ẩn của thần dữ, của thử thách.
Với chúng ta cũng vậy, chúng ta đang sống trong một nơi hoang dã, một thế giới tràn ngập những tạo vật man rợ dưới hình thức con người. Có gì hung dữ hoặc xấu xa cho bằng sự tàn bạo của con người thời đại. Giết người không gớm tay. Ngược đãi trẻ em cộng với những hành động gian tham, trộm cướp bất công. Có con thú dữ nào giết hại hằng triệu người mỗi năm? Thế nhưng, việc phá thai của con người thời nay còn vượt hơn con số đó rất nhiều.
Thú dữ mang hình người trong hoang địa của chúng ta đang phá huy không những sự sống thể xác, mà hơn nữa, còn đặc biệt phá huỷ sự sống tinh thần của chính chúng ta và của những người thân yêu. Chẳng hạn như những phim ảnh và sách báo đồi truỵ. Vậy liệu có phương cách nào để kềm chế những kẻ tàn phá thể xác và tâm hồn hay không?
Tôi xin thưa rằng có, đó là phương cách của Chúa Giêsu. Bởi vì chính Ngài đã đến để cứu chữa những gì đã hư đi. Cũng vì thế mà Ngài đã vào hoang địa để chiến thắng sự dữ bằng việc hãm mình và cầu nguyện. Chỉ trong đường lối của Chúa, chúng ta mới chiến thắng được sự dữ trong thế giới ngày hôm nay.
Đúng thế, chỉ bằng việc cầu nguyện và hy sinh, chúng ta mới có thể thuần hoá được những con thú tiềm ẩn trong cõi lòng chúng ta. Cùng với Chúa Giêsu, chúng ta hãy cầu nguyện và chấp nhận những hy sinh hãm mình, để nhờ đó chúng ta cũng sẽ chiến thắng được những cám dỗ suốt dọc cuộc đời chúng ta.

4. Chiến thắng lòng tham – Lm. Jos. Tạ Duy Tuyền
Thông thường con người chúng ta thường hay ghen ghét, bất hoà, tranh chấp và có khi giết hại lẫn nhau vì những điều gì?
Thưa, về danh vọng và tiền tài. Ngay trong gia đình cũng có thể bị đảo lộn tất cả những nề nếp gia phong vì danh vọng và đồng tiền. Con cái bỏ cha mẹ, cha mẹ từ chối con cái. Vợ kết án chồng, chồng ruồng bỏ vợ, anh em bạn hữu chém giết nhau cũng chỉ vì đồng tiền, bát gạo, và người ta cũng có thể chà đạp nhau, bất kể là thân hay quen, là bạn hữu xa gần chỉ vì một ngai vàng là địa vị, là quyền lực trong xã hội.
Thực vậy, có những kẻ vì tiền mà mê muội. Có những người vì tình mà hoá dại. Có những người vì quyền lực mà đánh mất tính người. Nhưng có lẽ, cái cám dỗ lớn nhất của con người qua mọi thời đại chính là đồng tiền, vì có tiền là có tất cả.
Vì tham lam đồng tiền mà họ sẵn sàng đánh đổi tất cả: danh dự, phẩm giá và tình làng nghĩa xóm, tình cha nghĩa mẹ, tình nghĩa thầy trò cũng không bằng ma lực của đồng tiền, như cha ông ta đã từng nói: "Còn tiền còn bạc còn đệ tử - Hết tiền hết gạo hết ông tôi". Thật vậy, có biết bao kẻ đã bạc tình, bạc nghĩa chỉ vì đặt đồng tiền lên trên mọi mối quan hệ giữa người với người. Đồng tiền là đối tượng duy nhất để tôn thờ vì thế dân gian mới có câu: "Ông tiền , ông Phật, ông Tiên - Ba ông đứng lại, ông tiền cao hơn".
Ngày xưa, có người ở nước Tề thích vàng đến mê vàng. Sáng sớm thay áo quần đi ra chợ. Tới hàng đổi tiền, thì liền chộp vội một khối vàng rồi chạy đi. Người ta bắt anh ta lại và hỏi:
- Tại sao giữa đám đông mà anh lại dám cướp vàng của kẻ khác như thế?
Anh ta trả lời:
- Lúc thấy vàng, tôi đâu còn thấy thiên hạ chung quanh nữa. Trước mặt tôi, chỉ có vàng mà thôi.
Đồng tiền liền khúc ruột nên họ lao mình vào lửa, bất chấp mọi khó khăn gian khổ, bất chấp mọi thủ đoạn mánh mung, cho dù phải chà đạp lên người khác bằng những phương thế bóc lột và bất công, miễn sao vơ vét, vun quén về cho đầy túi tham của mình.
Bài phúc âm hôm nay, thánh Marco nói về việc Chúa Giêsu chiến thắng cám dỗ. Vậy ma quỷ đã cám dỗ Chúa Giêsu điều gì? Thưa, ma qủy đã tìm cách lôi kéo Chuá Giêsu quay lưng lại với Chuá Cha. Từ khước sống vâng phục thánh ý Chúa để được thoả mãn cái bụng của mình. Nó hướng mở cho Chúa một tương lai đầy hứa hẹn không chỉ có của ăn dư đầy từ những hòn đất hòn đá cũng biến thành của ăn, từ sỏi đá cũng thành cơm, mà vượt xa hơn nữa là nắm gọn trong tay thiên hạ, kẻ hầu người hạ và thừa hưởng mọi vinh hoa lợi lộc trần gian. Năm xưa trong vườn địa đàng nó đã thắng ông bà nguyên tổ, khi nó đưa ra những lời dụ dỗ đầy ngọt ngào, đầy hấp dẫn, nhưng hôm nay, màn trình diễn này đã hoàn toàn thất bại bởi người Con duy nhất của Thiên Chúa là Đức Giêsu, Ngài không những đã khước từ những lời mời mọc của ma quỷ nhưng còn cho ma qủy nhận ra rằng không có gì cao qúy hơn là được sống trong tình nghĩa với Thiên Chúa, sống trong sự quy phục Thiên Chúa, vì người ta sống không nguyên bởi bánh, nhưng còn bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra.
Những cám dỗ mà ma qủy tuy đã thất bại với Chúa Giêsu nhưng nó vẫn dùng những chiêu thức đó để tấn công con người hôm nay. Trước tiên nó gieo vào lòng ta mối nghi ngờ Thiên Chúa, về lòng thương xót và quan phòng của Thiên Chúa. Nó mở ra cho chúng ta một sự so sánh, tính toán thiệt hơn và cuối cùng là đưa ra một con mồi để quyến rũ chúng ta là: danh vọng, tiền tài, địa vị, thú vui. Kết quả là nhiều người vì ham tiền, ham lợi lộc đã trở thành tay sai cho ma qủy, không chỉ mình làm điều ác mà còn lôi kéo, dẫn dụ nhiều người khác đi vào con đường tội lỗi. Ma qủy đã thành công khi sai khiến chúng ta làm sự dữ, là những điều trái với luân thường đạo lý như: trộm cắp, đánh nhau, hận thù ghen ghét, tự cao tự đại... Đó là những mối tội đầu đã gây nên biết bao đau khổ cho chính mình và những người chung quanh.
Ở khởi đầu mùa chay khi cho chúng ta chiêm ngắm Chúa Giêsu bị ma qủy cám dỗ, Giáo hội mời gọi chúng ta ý thức về thân phận tội lỗi của mình và sức mạnh của sự dữ, của ma qủy luôn rình rập để lôi kéo chúng ta xa rời Thiên Chúa, đi trong tối tăm của đam mê lầm lạc. Vì thế, chúng ta luôn phải sám hối và tin vào tình yêu của Chuá. Sám hối để nhận ra sự khiếm khuyết của mình mà cầu xin ơn Chuá bổ túc những thiếu sót của chúng ta. Sám hối để canh tân đời sống sao cho phù hợp với tin mừng của Chuá. Sám hối để chúng ta nhận ra sự giới hạn của kiếp người để nhờ ơn Chúa giúp chúng ta sẽ hoàn thiện con người của mình nên thánh thiện tinh tuyền như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện.
Lạy Chuá, Chuá đã dựng nên con giống hình ảnh Chuá. Xin cho con biết gìn giữ phẩm giá con người của mình bằng việc tránh xa những thói hư tật xấu, luôn nói không với tội lỗi và luôn giữ lòng trong sạch để xứng đáng nhìn xem Thiên Chuá. Amen.

5. Sự cám dỗ – Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền
Nhiều người hôm nay không tin ma quỷ, không tin sự cám dỗ của ma quỷ. Họ cho rằng tội là do mình tự ý phạm. Họ tin vào sự ý thức của con người. Họ không nghĩ đến sự yếu đuối của con người là do ngã lòng chiều theo cám dỗ. Chính do sự mất cảnh giác của cám dỗ nên con người dễ mất mắc sai lầm theo chủ quan, dễ hành động theo bản năng mà không hề kiểm soát hành vi của mình. Đó cũng là điều tệ hại dẫn con người đến mất ý thức về tội. Vì lấy mình làm trung tâm nên luôn cho mình là đúng, luôn biện minh cho hành vi sai trái của mình.
Khi con người mất ý thức về tội là lúc ma quỷ chiến thắng. Nó luôn tìm cách chứng minh không hề có sự hiện của nó. Nó chỉ tác động dưới những hình thức đẹp đẽ, tốt lành để hướng con người hành động theo ý mình. Và điều tệ hại là hành động theo ý mình thì luôn sai lầm vì thích chiều theo bản năng, chiều theo sự dễ dãi mà không cần đến lề luật.
Có một nô bộc da đen hộ tống ông chủ da trắng đi săn vịt trời. Anh ta là một ky-tô hữu. Nhân dịp nói chuyện về vấn đề tôn giáo, ông chủ hỏi người ở da đen:
“Ta chẳng hiểu tại sao mày thường xuyên nói đến tội, đến chống trả cám dỗ, nói đến Ma-quỉ. Ta chẳng phải chống trả Ma-quỉ bao giờ, mà ta vẫn sống tịnh, chẳng bao giờ bị quấy phá hoặc tấn công chi cả”
Người ở da đen trả lời lại: “Tôi xin phép được giải thích việc này. Chúng ta đang đi săn vịt. Những con nào bị ông bắn và chết liền khi rơi xuống, thì tôi để yên đó. Nhưng con nào chỉ bị thương khi rơi xuống và tìm cách chạy trốn, thì tôi dùng sào này mà phang cho chết hoặc không nhúc nhích được mới thôi”.
Ông ví như vịt đã bị Ma-quỉ bắn chết rồi, nên nó để yên ông; còn tôi ví như con vịt mới bị thương và đang tìm cách trốn thoát, do đó Ma quỉ đang giơ sào và tìm mọi cách đập tôi cho thật chết mới thôi.
Ma quý cám dỗ là sự thật. Ma quỷ luôn tìm cách cám dỗ con người đi nghịch lại với đường lối Thiên Chúa. Chúa Giê-su cũng từng bị cám dỗ. Ma quỷ đã bủa vây Chúa Giê-su bằng nhiều lời hứa đường mật, nhưng luôn theo một chủ đích là từ bỏ Chúa Cha để hành động theo ý mình. Quả thực, trên đời chẳng có gì cho không. Ai cho chúng ta điều gì thì thường họ cũng muốn đòi lại chúng ta một điều nào đó, huống hồ là ma quỷ, nó sẽ không bao giờ cho không chúng ta.
Năm xưa trong vườn địa đàng ma quỷ đã chiến thắng Adam-Eva, khi hai ông bà quay lưng lại với Thiên Chúa. Ma quỷ cũng chiến thắng dân Chúa chọn trên hành trình đất hứa khi thờ bò vàng để tìm kiếm miếng ăn. Nhưng ma quỷ đã hoàn toàn thất bại trước Con Thiên Chúa làm người. Chúa Giê-su đã nhắc ma quỷ phải tuân phục Thiên Chúa. Ngài cũng nhắc ma quỷ cuộc sống này cái ăn cái mặc đáng quý nhưng thực thi ý Chúa còn quý hơn nữa.
Hôm nay khởi đầu mùa chay, Chúa Giê-su mời gọi chúng ta hãy sám hối. Sám hối vì đã có những lần chúng ta quay lưng lại với Thiên Chúa. Sám hối vì đã có những lần chúng ta chiều theo cám dỗ của ma quỷ mà hành động theo tính xác thịt, thiếu tự chủ bản thân. Sám hối là nhìn nhận sự yếu đuối của mình để trông cậy lòng thương xót và ân sủng của Thiên Chúa. Chỉ trong Thiên Chúa chúng ta mới có thể chiến thắng cám dỗ, chiến thắng những yếu đuối của bản thân.
Xin Chúa Giêsu là Đấng đã chiến thắng cám dỗ ban ơn sức mạnh để chúng ta vực dậy sau những lần vấp ngã, và canh tân đời sống theo tin mừng. Xin cho chúng ta đừng bao giờ tự phụ về khả năng tự chủ của mình nhưng luôn khiêm tốn trông cậy vào ơn Chúa giúp để nói không với sự xấu, với điều nghịch lại với lề luật của Chúa. Amen.

6. Ba cạm bẫy của ma quỷ
(Suy niệm của Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền)
Người ta nói rằng cư dân miền Bắc Cực có cách bẫy chó sói rất độc đáo. Họ mài những con dao thật bén, rồi đem nhúng dao đó vào máu súc vật cho đến khi lưỡi dao bọc toàn máu. Đêm đến, họ đem dao đó cắm ngoài đồng. Chó sói thính hơi nghe mùi máu, chạy đến liếm lưỡi dao tới tấp. Đến khi chính lưỡi nó bị dao cắt đứt, máu chảy ra, nó vẫn mải mê cắm đầu liếm mà không biết mình đang liếm máu mình cho tới lúc kiệt sức ngã lăn ra chết.
Con sói vì khát máu mà chết. Con người chúng ta đôi khi cũng khát tiền, khát tình, khát danh vọng, quyền lực mà chết. Quả đúng là “mật ngọt chết ruồi”. Danh lợi thú luôn là cạm bẫy của ma quỷ vây bắt linh hồn con người. Con người chúng ta đôi khi cũng vì những hào nhoáng bên ngoài mà vướng vào cạm bẫy của ma quỷ. Con người chúng ta đôi khi cũng đang bị chết dần mòn trong những đam mê cuồng si của mình. Bài phúc âm hôm nay cho chúng ta thấy sự chọn lựa dứt khoát của Chúa Giê-su trước những cạm bẫy của ma quỷ. Ngài không lập lờ nước đôi. Ngài cũng không tìm thoả hiệp với ma quỷ. Ngài luôn chọn lựa Chúa và ý Chúa Cha để sẵn lòng loại bỏ những gì nghịch với ý định của Thiên Chúa Cha. Ngài đã chiến thắng cám dỗ nhờ tình yêu trung tín với Chúa Cha. Ngài đã tín thác hoàn toàn vào Chúa Cha đến nỗi “lương thực của Ngài chính là thi hành ý muốn Chúa Cha.
Kính thưa, Quý OBACE
Ba cám dỗ mà Chúa Giêsu đã chiến thắng cũng là ba cám dỗ mà ma qủy vẫn tiếp tục gieo vào tâm hồn con người hôm nay.
Cám dỗ thứ nhất đó chính là của cải và cơm bánh hằng ngày. Cha ông ta vẫn nói:
“Có làm thì mới có ăn
Không dưng ai dễ mang phần cho ta”
Đó chính là sự công bằng đích thực. Có làm có hửơng. Có những ngày tháng lặn lội ngược xuôi bôn ba nơi chốn chợ hay dầm mưa dãi nắng nơi nương đồng mới có ngày nhàn hạ hưởng dùng hoa trái mình làm nên. Nhiều người đã không ý thức điều đó. Vì thói tham lam và lười biếng họ muốn “ngồi nhà mát ăn bát vàng”. Họ đang tâm làm giầu bằng thủ đoạn, bằng lừa gạt. Họ vì tiền mà đánh mất tình bạn. Họ vì miếng cơm manh áo mà đánh mất lương tri. Họ muốn biến đá thành bánh mà chẳng cần lao động cực nhọc. Lòng tham đã khiến họ quên đi phẩm giá cao đẹp của loài người là hình ảnh của Thiên Chúa, thế nên cần phải tìm kiếm những gì cao siêu hơn là những miếng bánh mau hư nát và cũng chẳng bao giờ thoả mãn lòng tham con người.
Cám dỗ thứ hai chính là tính đòi hỏi người khác phục vụ cho những đam mê sở thích của mình. Đó là lối sống hưởng thụ và thác loạn. Ngày nay người ta vẫn sợ các cậu ấm cô chiêu. Con của những người giầu có và quyền thế. Từ nhỏ đã được cha mẹ cưng phụng, chiều chuộng nên chỉ biết đua đòi, phóng khoáng. Sống ngông cuồng đến độ bất tuân phục lề luật. Sống hành xử theo ý mình, cho dù đó là những trò mạo hiểm gây hại cho bản thân và cho đồng loại như: xì kè, ma túy, mại dâm, đua xe, lạng lách... Đó chính là con đường mà ma qủy đã gieo vào lòng người: “cứ gieo mình xuống đi.... và mọi sự sẽ có các thiên sứ lo liệu...”. Lời Chúa hôm nay là lời nhắc nhở họ: “chớ thử thách Thiên Chúa”. Thiên Chúa là Đấng công thẳng. Mọi việc con người làm hôm nay đều phải trả lẽ trước mặt Chúa trong ngày sau nơi toà phán xét chí công của Thiên Chúa.
Cám dỗ thứ ba chính là lòng tự mãn, kiêu căng của con người. Ma qủy luôn cám dỗ con người “coi trời bằng vung”. Họ hành động như thể không có Thiên Chúa. Họ sống theo ý mình, tệ hại nhất chính là sự nuông chiều theo những đam mê sở thích của mình. Ma qủy luôn làm cho con người cảm thấy thoả thích trong những vinh hoa phú qúy trần gian. Nó dẫn con người đi trong những đam mê bất chính, những hưởng thụ lầm lạc. Con người vì kiêu căng muốn hưởng thụ tất cả nên dễ dàng bỏ Chúa, bỏ lề luật để tôn thờ những con bò mộng, lợn vàng là danh lợi thú trần gian. Tôn thờ những tạo vật thấp hèn nên con người cũng có những lối hành xử đê tiện và thấp hèn.
Chúa Giêsu Ngài đã chiến thắng ba cám dỗ đó trên nền tảng căn tính của con người. Con người là hình ảnh Thiên Chúa và vượt xa muôn loài thụ tạo nên chẳng có vật gì đáng cho con người phải bán rẻ lương tâm để tôn thờ. Chỉ có Thiên Chúa là Đấng đã tạo dựng nên con người, mới đáng để con người phải cúi mình tôn thờ. Thế nên, chỉ khi con người sống tôn thờ Thiên Chúa, con người mới sống đúng phẩm giá của mình hơn, vì “nhân linh ư vạn vật”. Chỉ khi con người thoát ra khỏi sự ràng buộc khỏi những tham sân si, con người mới sống an bình hơn.
Ước gì Mùa chay sẽ giúp chúng ta tìm lại đúng phẩm gía cao đẹp của chính mình. Xin Chúa Giêsu là Đấng đã chiến thắng sự dữ nâng đỡ và giúp chúng ta chiến thắng những cám dỗ đang đeo đuổi và ràng buộc tâm hồn chúng ta. Xin Chúa giúp cho mỗi người chúng ta biết thanh luyện chính mình để mỗi ngày nên hoàn thiện như cha chúng ta ở trên trời là Đấng hoàn thiện. Amen.


Mùng Hai Tết
 Hướng về cội nguồn tổ tiên 
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK
Lời mở
Ngày mồng Hai Tết, Giáo hội Việt Nam luôn luôn mời gọi chúng ta nhớ đến tổ tiên, ông bà, cha mẹ để tìm về cội nguồn của mình, để giữ cho gia đình được êm ấm, mỗi người được bình an hạnh phúc và giữ cho dân tộc được trường tồn.
Tuy nhiên, trong thời đại hiện nay, nhiều người chúng ta cũng chưa ý thức được tổ tiên, ông bà, thậm chí cha mẹ mình là ai và chúng ta cần phải tỏ lòng thảo hiếu đối với các vị ấy như thế nào.
1. Những cách hiểu hẹp hòi về tổ tiên
Trong nền giáo dục nặng về thực dụng chỉ nhắm vào vật chất, chối bỏ thần linh, nhiều em học sinh Việt Nam hiện nay, qua các bộ sách giáo khoa, chỉ nhận biết có người cha người mẹ đang sống, chỉ biết tổ tiên của mình là vua Hùng dựng nước, chứ không biết đến nguồn cội của tất cả mọi hiện hữu là chính Thiên Chúa. Những người biên soạn các bộ sách đó loại bỏ tất cả các bài học về tôn giáo, về đời sống tinh thần của con người. Ý niệm về tổ tiên được định nghĩa trong cuốn Từ điển Tiếng Việt: “Tổng thể nói chung những người được coi là thuộc những thế hệ đầu tiên, qua đời đã lâu, của một dòng họ hay một dân tộc” (x. Viện Ngôn ngữ học, NXB Đà Nẵng, 2013).
Chúa Giêsu trong bài Phúc Âm hôm nay (x. Mt 15,1-6 ) cũng nói cho các kinh sư và người Pharisêu hiểu rằng họ không được phép chỉ giữ truyền thống của tổ tiên mà quên mất nguồn cội là chính Thiên Chúa. Họ đã dạy cho những người dân Do Thái rằng nếu ai đóng góp vào trong đền thờ một số tiền thì người ấy có thể nói với cha mẹ mình rằng: “Những gì chúng tôi có thể giúp cha mẹ đều là lễ phẩm dâng cho Chúa rồi, thì người ấy không phải thờ cha kính mẹ nữa”. Chúa Giêsu nói rằng người ta không được quyền dựa vào truyền thống của con người mà huỷ bỏ lời Thiên Chúa là phải thảo kính cha mẹ.
2. Tổ tiên của người Việt là ai?
Thật sự ý niệm về tổ tiên như mời gọi chúng ta mở ra cho rất nhiều dân tộc, mở ra cho toàn thể nhân loại, bởi vì tổ tiên là những bậc sinh thành đã dưỡng dục chúng ta trong nhiều thế hệ: từ cha mẹ, đến ông bà, đến các cụ cố và bao nhiêu những thế hệ trước đó. Nếu nhìn vào dân tộc Việt Nam chúng ta thì không phải chỉ có vua Hùng dựng nước. Trước đó chúng ta còn có những bộ tộc mà chúng ta gọi là Bách Việt (100 bộ tộc người Việt) ở phía Nam sông Dương Tử của Trung Quốc, nên bây giờ chúng ta mới có tên nước là Việt Nam. Những bộ tộc đó đã di cư và tụ vào đồng bằng sông Hồng như cái nôi phát sinh dân tộc Việt. Rồi từ đó, dân tộc ta mở mang bờ cõi dọc theo bờ biển miền Trung, vượt qua nước Chiêm Thành mà bây giờ còn để lại rất nhiều đền thờ ở Đà Nẵng, Nha Trang, Phan Thiết, rồi tiến vào miền Nam, miến đất của nước Chân Lạp và Thuỷ Chân Lạp mà chúng ta hiện đang siống trên các nước ấy.
Những dân tộc đó, dù không tồn tại nữa, nhưng mồ hôi, công sức, xương máu của họ đổ ra để canh tác và bảo vệ quê hương, đã thấm vào lòng đất nước này, tạo nên cho chúng ta lúa gạo, cây trái, lương thực, và cả những nền văn hoá, rồi từ đó hình thành nên dân tộc Việt Nam với 54 dân tộc khác nhau. Họ thật sự là tổ tiên của chúng ta vì đã hình thành và dưỡng dục ta nên ta phải biết ơn tất cả các bậc ấy.
Tuy nhiên, đó mới chỉ là những đóng góp về thể xác vật chất. Những người khác còn đóng góp cho chúng ta về mặt văn hoá và tinh thần nên ý niệm tổ tiên phải trải rộng ra cho toàn thể nhân loại. Chúng ta biết ơn những người Ả Rập dạy cho chúng ta những con số 1,2,3,4 để làm nên những phép tính đơn giản: 1 với 1 là 2, 2 với 2 là 4. Chúng ta biết ơn những người Rôma, Latinh cho chúng ta những con chữ a,b c mà bây giờ chúng ta mới có chữ Quốc ngữ. Chúng ta biết ơn biết những bậc tiền nhân đã đóng góp cho nhân loại, ngay từ đầu lịch sử con người cho đến ngày nay, những khám phá, phát minh về đủ mọi ngành khoa học tự nhiên cũng khoa học xã hội nhân văn mà bài đọc I đã nhắc nhở: “Giờ đây, chúng ta hãy ca ngợi những vị danh nhân cũng là cha ông chúng ta qua các thế hệ. Các ngài là những vị đạo hạnh, công đức của các ngài không chìm vào quên lãng” (Hc 44,1.10). Tất cả đều là những bậc tổ tiên đã sinh thành, dưỡng dục chúng ta. Tất cả đang tụ họp ở đây, quanh bàn thờ Chúa như trong một nhà Cha chung, để chúng ta tỏ lòng kính nhớ, biết ơn.
3. Nguồn cội duy nhất là Thiên Chúa
Nhớ về nguồn cội của mình là những bậc tổ tiên, chúng ta còn được mời gọi đi xa hơn nữa để trở về nguồn cội duy nhất của toàn thể nhân loại và vũ trụ. Đó là chính Thiên Chúa. Chúa là nguồn của mọi hiện hữu, nguồn của chân thiện mỹ, của sự sống vĩnh hằng và hạnh phúc vô biên, để từ cội nguồn đó chúng ta mới có tất cả như ngày nay. Chúng ta được mời gọi dâng lên Chúa tấm lòng thảo hiếu, để nhận ra mọi người, dù khác biệt màu da, tôn giáo, giai cấp xã hội, đều là anh chị em của nhau, con của cùng một Cha Trên Trời. Vì thế, Chúa Giêsu đã giới thiệu cho chúng ta nguồn cội duy nhất ấy: “Anh em cũng đừng gọi ai dưới đất này là cha của anh em, vì anh em chỉ có một Cha, là Cha trên trời” (Mt 23,9).
Hơn nữa, mối liên hệ ruột thịt bây giờ được xây dựng trên nền tảng lòng thảo hiếu đối với Cha Trên Trời. Khi có người nhắc nhở Chúa Giêsu : có mẹ và anh em đang đợi Người. Người nói rằng: “Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi? Rồi Người giơ tay chỉ các môn đệ và nói : Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi. Vì phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi và là mẹ tôi” (Mt 12,47-50). Khi chúng ta gắn bó với Thiên Chúa, thi hành ý muốn của Chúa Cha như Chúa Giêsu thì chúng ta được kết hợp mật thiết với Chúa Giêsu, và Người chuyển thông cho chúng ta sức mạnh, tình yêu và tất cả những ân huệ cao cả nhất trong sự sống của Thiên Chúa để chúng ta được nối kết với nhau và trở thành một gia đình duy nhất.
Chính gia đình này sẽ giúp cho chúng ta cảm nghiệm được chúng ta không phải chỉ là anh chị em ruột thịt về phần xác mà chúng ta còn được Cha Trên Trời cho hợp nhất với Ngài để trở thành những vị thần linh, trở thành Thiên Chúa như Người. Lúc bấy giờ chúng ta mới có thể giúp cho dân tộc mình bền vững, giúp cho nhân loại trường tồn, từ đó gia đình của ta mới hạnh phúc, mỗi người mới cảm nghiệm được sự sống kỳ diệu của Thiên Chúa chuyển thông cho mình.
Lời kết
Hôm nay, khi tỏ bày lòng thảo hiếu đối với cha mẹ còn sống hay đối với ông bà tổ tiên đã khuất, chúng ta cầu nguyện cho mỗi người luôn vững tin vào Chúa, cầu nguyện cho dân tộc Việt Nam nhận biết được Thiên Chúa để mỗi người cảm nghiệm được niềm vui hạnh phúc Chúa ban và giúp cho nhau trường tồn mãi mãi. Hơn nữa, chúng ta còn có thể giúp nhau trở thành vĩ đại trước mặt Thiên Chúa, dù dân tộc chúng ta không được văn minh như người và đất nước chúng ta không mạnh mẽ như các cường quốc khác. Có như thế chúng ta mới thấy trong cuộc họp mặt đại gia đình trong ngày Tết hôm nay tất cả đều thật sự là anh chị em của nhau và chúng ta cầu chúc cho nhau những ân phúc tốt đẹp của Thiên Chúa.

Nguồn: HKK

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét