Chủ Nhật, 4 tháng 2, 2018

Thứ hai ngày 05.02.2018

Bất cứ ai chạm đến,
thì đều được khỏi »
(Mc 6, 53-56)

53 Khi qua biển rồi, Đức Giê-su và các môn đệ ghé vào đất liền tại Ghen-nê-xa-rét và lên bờ.54 Thầy trò vừa ra khỏi thuyền, thì lập tức người ta nhận ra Đức Giê-su.
55 Họ rảo khắp vùng ấy và nghe tin Người ở đâu, thì bắt đầu cáng bệnh nhân đến đó.56 Người đi tới đâu, vào làng mạc, thành thị hay thôn xóm nào, người ta cũng đặt kẻ ốm đau ở ngoài đường ngoài chợ, và xin Người cho họ ít là được chạm đến tua áo choàng của Người; và bất cứ ai chạm đến, thì đều được khỏi.

Một thành viên mới xuất sắc gia nhập Hội Dòng, và con số bây giờ đã lên đến 8. Thế là Thánh Phanxicô tập họp họ lại, nói với họ rất lâu về Triều Đại của Thiên Chúa, về sự khinh ghét của thế gian, về sự từ bỏ ý riêng và về sự làm chủ bản thân.

Rồi Ngài chia họ thành bốn nhóm, mỗi nhóm hai người, và dặn: “Anh em thân mến, anh em hãy đi, từng hai người một, rảo qua mọi miền trên thế giới, loan báo bình an cho mọi người và kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội. Anh em hãy kiên nhẫn trong thử thách, cứ tin chắc rằng Thiên Chúa sẽ hoàn thành điều Người đã quyết định và Người sẽ giữ lời hứa. Hãy khiêm tốn trả lời những ai chất vấn anh em, hãy chúc lành cho những ai bách hại anh em, hãy cám ơn những ai nhục mạ và nói xấu anh em: như thế, Nước Trời là của anh em! ” (Mt 5, 10-11).

Họ đã vui mùng đón nhận sứ mệnh với lòng vâng phục, và đã quỳ xuống dưới chân thánh Phanxicô. Thánh nhân đã dịu dàng ôm hôn từng người và nói với lòng tin tưởng: “Mọi âu lo, hãy trút cả cho Chúa, vì Người chăm sóc anh em! ” (1Pr 5, 7). Đó là câu Ngài thường lặp lại, khi sai một tu sĩ lên đường thi hành sứ mệnh.
Thomas de Celano
Nguồn CALENDRIER SAINT-PAUL 2018
Chuyển ngữ: Phaolô Nguyễn Anh Võ CVK67
    Bệnh tật Suy nim:
  1. Tiếng Việt có nhiều động từ nói về xúc giác: 
    sờ, mó, đụng, chạm, rờ… 
     Xúc giác là một trong năm ngũ quan. 
    Nhìn thấy, nghe thấy, ngửi thấy, có khi vẫn chưa đủ. 
    Người ta còn muốn sờ thấy, xem đằng mặt, bắt đằng tay. 
    Sờ là một cách kiểm chứng đôi khi được coi là đáng tin hơn thấy. 
    Đức Giêsu phục sinh đã nói với các môn đệ: 
    “Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà! 
    Cứ rờ xem, ma đâu có xương thịt như anh em thấy Thầy có đây?” (Lc 24, 39). 
    Thánh Tôma xem ra thích kiểm chứng bằng đụng chạm: 
    “…nếu tôi không đặt ngón tay tôi vào lỗ đinh, 
    không đặt bàn tay tôi vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin” (Ga 20, 25). 
    Đức Giêsu phục sinh đã chiều Tôma (Ga 20, 27). 
    Thiên Chúa đã chiều nhân loại, khi cho Con Ngài làm người như ta, 
    nhờ đó chúng ta có thể đụng chạm đến Thiên Chúa theo nghĩa đen. 
    Thánh Gioan đã reo lên khi loan báo Tin Mừng này: 
    “Điều vẫn có ngay từ lúc đầu, điều chúng tôi đã nghe, 
    Điều chúng tôi đã thấy tận mắt, điều chúng tôi đã chiêm ngưỡng, 
    và bàn tay chúng tôi đã chạm đến, đó là Lời sự sống” (1 Ga 1, 1).
    Bài Tin Mừng hôm nay là một bản tóm lược dài về quyền năng của Đức Giêsu. 
    Quyền năng này được thi thố qua việc chữa bệnh. 
    “Người ở đâu thì người ta cáng bệnh nhân đến đó. 
    Người đi tới đâu…người ta cũng đặt kẻ ốm đau ở chỗ công cộng” (cc. 55-56). 
    Dân chúng tin vào sức mạnh xuất phát từ chính con người Đức Giêsu. 
    Ở đây không phải là chuyện Ngài đụng chạm vào các bệnh nhân để chữa họ, 
    mà là các bệnh nhân xin “ít là được chạm đến tua áo choàng của Người; 
    và “bất cứ ai chạm đến, thì đều được khỏi” (c. 56). 
    Cái chạm của bệnh nhân là cái chạm của lòng tin vào Đức Giêsu. 
    Nó giống với cái chạm của người phụ nữ bị băng huyết (Mc 5, 28). 
    Không phải chỉ là chạm bằng tay, mà bằng cả con người.
    Nơi đáy lòng con người vẫn có khát khao được đụng chạm đến Thiên Chúa, 
    cả nơi những người không tin có Ngài hay bướng bỉnh như Tôma. 
    Truyền giáo là giúp người ta thực hiện ước mơ chính đáng: chạm đến Thiên Chúa. 
    Nhà truyền giáo phải là người đã có kinh nghiệm chạm đến Thiên Chúa. 
    Mong mỗi Kitô hữu trở nên một nhà truyền giáo 
    nhờ đụng chạm đến Lời Chúa và các Bí Tích mỗi ngày.
Để cầu nguyện với bài Tin Mừng của Thánh Lễ hôm nay, chúng ta nên hình dung ra khung cảnh người ta cáng bệnh nhân đến với Đức Giê-su :
Người đi tới đâu, vào làng mạc, thành thị hay thôn xóm nào, người ta cũng đặt kẻ ốm đau ở ngoài đường ngoài chợ.
(c. 56)
Hình ảnh ngoài đường ngoài chợ, đầy các bệnh nhân, diễn tả thân phận loài người chúng ta thuộc mọi thời, bởi vì không ai trong chúng ta có thế tránh được bệnh tật. Ngày nay, chúng ta không còn thấy các bệnh nhân ngoài đường ngoài chợ như thế, nhưng không vì thế mà không còn các bệnh nhân. Ngược lại, các bệnh nhân có thể có nhiều hơn xưa, chẳng hạn ở các trung tâm hành hương và trong các bệnh viện, vì có những căn bệnh mới, thậm chí bệnh nan. Và trong số những người bệnh, chắc chắn cũng có những người thân yêu của chúng ta, những người bạn, và những người chúng ta quen biết.

  1. « Chạm đến tua áo choàng của Người »
Ai trong chúng ta cũng biết và có kinh nghiệm nữa, người bệnh không chỉ cần được chữa lành, tìm lại được sức khỏe, nhưng còn cần sự hiện diện, tình liên đới, lời cầu nguyện và sự cảm thông. Và trong nhiều trường hợp, người bệnh chỉ cần như thế thôi. Vì thế, khi nhìn ngắm cách người bệnh được Đức Giê-su chữa lành, chúng ta được mời gọi cảm nếm tình thương nhưng không Đức Giê-su dành cho người bệnh. Thật vậy, khi người ta xin Người cho những người bệnh ít là được chạm đến tua áo choàng của Người, và
Bất cứ ai chạm đến, thì đều được khỏi.
(c. 56)
Ngài cảm thương người bệnh một cách nhưng không, vô điều kiện, Ngài cảm thương thân phận loài người chúng ta biết bao. Và chắc chắn, Ngài vẫn còn cảm thương hôm nay và mỗi ngày, bởi vì không phải chúng ta cố đụng vào Người, nhưng chính Người đích đến đụng vào chúng ta, như lời Thánh Vịnh diễn tả : « Bàn tay của Ngài, Ngài đặt lên con » (Tv 139, 5), và trở nên một với chúng ta trong bí tích Thánh Thể :
Hãy ở lại trong Thầy,
như Thầy ở lại trong anh em.
(Ga 15, 4)

  1. Chữa lành bằng Thập Giá
Đức Giê-su chữa nhiều người bệnh, nhưng Ngài đã không chữa hết mọi người bệnh vào thời của Ngài, hết mọi người bệnh trong nhân loại, và nhất là không lấy đi nỗi đau khổ do bệnh tật khỏi thân phận con người. Ngược lại, Ngài lại ngang mang vào mình không chỉ bệnh tật nhưng trọn vẹn thân phận con người và đưa lên Thập Giá.
Ngài làm thế, để mời gọi chúng ta tín thác vào tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa, dù thân phận và nỗi đau của mỗi người có như thế nào ; vì chính Ngài cũng đã đón nhận thân phận bi đát nhất và nỗi đau lớn nhất của con người : thân xác Người nát tan trong cuộc Thương Khó và nhất là trên Thập Giá, như một người bệnh và còn đau đớn hơn người bệnh ; và Người không chỉ đau đớn trong thân xác, nhưng cả mang cả vào mình nỗi đau bị bỏ rơi :
Thiên Chúa của con, Thiên Chúa của con,
tại sao Ngài đã bỏ rơi con ?
(Tv 22, 2)
Nhưng với mầu nhiệm Phục Sinh, Đức Giê-su mặc khải cho loài người chúng ta rằng, thân phận con người, dù có như thế nào, không phải là ngõ cụt, nhưng là con đường dẫn đến sự sống viên mãn nơi Thiên Chúa. Và sự sống viên mãn này đã được gieo và lớn lên rồi, nhờ mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Ki-tô, ngay trong cuộc sống hôm nay, ngay giữa lòng đau khổ và bệnh tật, khi chúng ta sống không chỉ bởi sức khỏe và tất cả những gì liên quan đến sức khỏe, nghĩa là các phương tiện, nhưng còn bởi và mãi mãi bởi Lời và Mình Thánh của Người.

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộ
Câu chuyện minh họa:
Một diễn viên xiếc rất tài ba, anh có thể đi từ ngọn núi này sang ngọn núi kia bằng một sợi dây cáp mà không cần đến vật dụng giữ thăng bằng, mà ở giữa là một vực thẳm.
Khán giả rất đông, thưởng thức, vỗ tay và chúc mừng tuyệt tài của anh.
Không những thế, lần đầu đi sang núi bên kia thì lúc trở về, anh còn đặt một bao ximăng lên chiếc xe cút kít về một cách bình an nữa.
Mọi người chăm chú nhìn không chớp mắt từng cử động và bước đi của anh, và thở dài nhẹ nhõm khi anh được bình an.
Anh hỏi tâm trạng mọi người thế nào. Ai cũng trầm trồ ca tụng anh là một thiên tài, một kỳ tích của thế giới, người có một không hai ở trên mặt đất này.
Anh hỏi tiếp: thế mọi người có tin là tôi có thể đi từ ngọn núi này sang ngọn núi kia mà còn chở thêm một người ngồi trên chiếc xe cút kít không?
Mọi người không do dự mà cho câu hỏi này. Dĩ nhiên là được.
Thế ai là người xung phong lên xe để tôi biểu diễn? Anh hỏi tiếp.
Và, mọi người đều tìm lý để từ chối, rồi ra về…
Có một em bé giơ tay chấp nhận. Còn mọi người thì ngạc nhiên, và hỏi tại sao lại liều vậy.
Thưa các bác, các chú, có gì đâu mà liều. Vì đó là ba của cháu. Cháu tin ba cháu sẽ không bao giờ để cháu gặp phải nguy hiểm.
Suy niệm:
Đức Giêsu là một thầy thuốc tốt lành. Những ai đến với Ngài đều được chữa khỏi nhưng điều quan trọng là phải có lòng tin. Như cậu bé trong câu chuyện trên đã đặt hết niềm tin vào người ba của mình, cậu thản nhiên và sống bình an dù trước mắt người đời đó là một sự nguy hiểm. Thật tuyệt vời biết bao nếu chúng ta có lòng tin mạnh như thế đối với Thiên Chúa. Trước mặt Chúa, chúng ta là những kẻ bệnh tật cần được Chúa chữa lành.
Xin Chúa ban thêm lòng tin cho chúng con, để chúng con nhận ra Chúa qua những biến cố trong cuộc đời chúng con.


Ý cầu nguyện tháng 02 năm 2018: Nói KHÔNG với tham nhũng

Vatican. Trong tháng 02 năm 2018, Đức Thánh Cha đặc biệt mời gọi mọi người cầu nguyện để chống lại nạn tham nhũng, để những người có quyền lực về vật chất, về chính trị, về tinh thần, biết khước từ mọi quyến rũ của tham nhũng. Đức Thánh Cha chia sẻ trong Video rằng:
Đâu là gốc rễ của chế độ nô lệ, sự thất nghiệp, thái độ làm ngơ với thiên nhiên, làm ngơ với công ích? Đó là tham nhũng. Tham nhũng là tiến trình chết chóc, là thứ nuôi dưỡng nền văn hóa sự chết. Bởi vì tham vọng quyền lực vô độ và tham vọng sở hữu vô lường.
Không thể chiến đấu với tham nhũng bằng sự im lặng. Chúng ta phải lên tiếng, phải tố cáo sự xấu xa của tham nhũng, phải cố gắng thấu hiểu tham nhũng, để khẳng định rằng: lòng thương xót chiến thắng cái bất công, và sự tốt đẹp chiến thắng cái phù vân.
Chúng ta hãy cùng nhau cầu nguyện, để những người có quyền lực về vật chất, về chính trị, về tinh thần, biết khước từ mọi quyến rũ của tham nhũng. 
Kính mời quý vị cùng hiệp thông cầu nguyện với Đức Thánh Cha qua Video sau:

Tứ Quyết SJ
Truyền Thông Vatican






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét