Thứ Sáu, 2 tháng 2, 2018

Thứ bảy ngày 03.02.2018



 
 
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Marcô (Mc 6: 30-34)

30 Các Tông đồ tụ họp chung quanh Đức Giê-su, và kể lại cho Người biết mọi việc các ông đã làm, và mọi điều các ông đã dạy.31 Người bảo các ông: "Chính anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút". Quả thế, kẻ lui người tới quá đông, nên các ông cũng chẳng có thì giờ ăn uống nữa.32 Vậy, thầy trò xuống thuyền đi lánh riêng ra một nơi hoang vắng.33 Thấy các ngài ra đi, nhiều người hiểu ý, nên từ khắp các thành, họ cùng nhau theo đường bộ chạy đến nơi, trước cả các ngài.34 Ra khỏi thuyền, Đức Giê-su thấy một đám người rất đông thì chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt. Và Người bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều.

Suy niệm

“Anh em hãy lánh riêng ra một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi một chút”.

Chúa Giêsu muốn các môn đệ mình nghỉ ngơi đôi chút sau việc thực tập truyền giáo trở về đầy mệt nhọc. Và trong lúc nghỉ ngơi bên Chúa Giêsu, các môn đệ đã tường thuật lại các hoạt động của mình cho Chúa nghe.
Cũng vậy, sau khi hoạt động tông đồ, chúng ta cần phải nhìn lại công việc của mình trước mặt Chúa trong bầu khí tĩnh tâm, cầu nguyện. Những hình thức họp lại để kiểm điểm, để chia sẻ, để trao đổi là điều cần thiết, hữu hiệu cho việc thăng tiến bản thân và thăng tiến việc làm của mình.

Nghỉ ngơi sau thời gian hoạt động mệt mỏi là một điều cần thiết để bồi bổ sức khỏe và bồi dưỡng thêm cho sức mạnh tinh thần. Tạm ngưng công việc để tìm nơi thanh vắng nghỉ ngơi, tức là tìm bầu khí yên tĩnh, thinh lặng để gặp gỡ Chúa, đón nhận thêm sức sống của Chúa là một bổn phận, là một việc cần thiết đến nỗi, dù công việc có cần đến đâu đi nữa cũng phải tạm gác lại. Ham làm việc đến quên bồi dưỡng tinh thần, thì đó đôi khi là hiếu động chứ không phải hoạt động nữa.

Công việc bề bộn đến nỗi không có giờ ăn uống, nhưng các Tông tồ đã vâng nghe lời Chúa dạy, lánh riêng ra một nơi thanh vắng để nghỉ ngơi. Nghỉ ngơi ở đây không có nghĩa là sao lãng công việc hay tim sự thoải mái, nhưng là để lấy lại sức khỏe thể xác, bồi dưỡng thêm sức mạnh tinh thần và tăng thêm nguồn sinh lực tâm tinh.

Lạy Chúa, xin sai chúng con đi loan báo Tin Mừng; xin hướng dẫn để chúng con cũng biết trở về bên Chúa sau nhưng công việc và được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Amen.

NGHỈ NGƠI ĐỂ BỒI DƯỠNG TÂM LINH

 

Đức Giêsu đã gọi Nhóm Mười Hai và sai đi từng hai người một. Bản văn hôm nay tường thuật việc các ông trở về báo cáo công việc đã làm với Thầy. Để chu toàn được sứ mạng Đức Giêsu giao là loan báo Tin Mừng về Triều Đại Thiên Chúa và đuổi được ma quỷ, các ông phải chấp nhận định mệnh của Gioan Tẩy Giả.

Trong đoạn Tin Mừng này, chúng ta gặp lại những yếu tố quen thuộc: Đức Giêsu là Thầy nhắc nhở các môn đệ, rút về nơi thanh vắng, đám đông kéo tới, chiếc thuyền. Sự kiện cả Nhóm không có giờ ăn uống.

Hầu hết mọi người đều nhận thấy rằng có một sự quân bình trong đời sống là cần thiết. Một người hướng ngoại yêu thích xuất hiện nơi công chúng cũng cần có thời gian sống cô độc và thinh lặng. Một người hướng nội biết giá trị của những khoảnh khắc cô độc, thỉnh thoảng cũng nên được phấn khích bởi một đám đông tưng bừng vui vẻ.

Chúa Giêsu đã cho chúng ta một mẫu gương về sự quân bình cần thiết cho đời sống thiêng liêng của chúng ta. Chúa Giêsu có thói quen đi tới hội đường vào những ngày Sabát, Người đã tham dự phụng vụ nơi Đền Thờ Giêrusalem trong những thời gian được chỉ định. Ngài cũng sẵn sàng ra đi và trải qua suốt đêm trong cầu nguyện với Cha Ngài trên trời.

Sau khi rao giảng và dạy dỗ họ đã lâu, Đức Giêsu và các môn đệ cảm thấy mệt và cần nghỉ ngơi, nên phải «lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút». Nhưng dân chúng vẫn còn ham muốn được nghe Ngài dạy bảo, nên không để cho Ngài và các môn đệ nghỉ ngơi, mà lại tiếp tục bám sát các ngài đến nỗi các ngài «chẳng có thì giờ ăn uống nữa».

Trước tình cảnh này, đáng lẽ Đức Giêsu từ chối họ vì Ngài và các môn đệ cần phải nghỉ ngơi và cầu nguyện, đó là những nhu cầu hết sức chính đáng của các ngài. Nhưng Ngài không làm như vậy mà lại «bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều».

Khi khuyên các môn đệ đi đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi, Đức Giêsu đã làm một cử chỉ rất nhân bản, Người đã tỏ ra là một vị Thầy quan tâm đến mọi phương diện thuộc đời sống các môn đệ: có phương diện thiêng liêng, và cũng có những nhu cầu thể lý. Đấy là một tấm gương cho tất cả những ai có trách nhiệm về những người khác. Ngoài ra, trong Cựu Ước, lòng từ bi thương xót là một phẩm tính của Thiên Chúa; qua thái độ của Đức Giêsu, ta thấy được lòng thương cảm của Thiên Chúa đối với loài người. Bất cứ ai có vai trò “mục tử”  đều được mời gọi bắt chước Đức Giêsu về phương diện này.

Riêng trong lãnh vực tông đồ, cầu nguyện tuyệt đối cần thiết. Thật vậy, việc tông đồ bắt nguồn từ nơi Chúa. Làm việc tông đồ là làm việc của Chúa. Làm việc của Chúa mà không kết hiệp mật thiết với Chúa thì không những không thể có kết quả tốt đẹp mà còn có nguy cơ đi sai đường, làm hỏng công việc của Chúa. Không cầu nguyện ta sẽ dễ chú ý tới những hoạt động thuần tuý phô trương bề ngoài.

Chúa Giêsu muốn dạy cho chúng ta biết: dù phải bon chen, đầu tắt mặt tối lo cho đời sống, dù phải ngược xuôi vất vả trong sinh hoạt hằng ngày, chúng ta cũng phải biết dành thời giờ để hồi tâm, thinh lặng và suy nghĩ. Vì có hồi tâm, thinh lặng và suy nghĩ chúng ta mới thấm thía ý nghĩa cuộc đời, mới đối diện với chính mình và liên lạc trực tiếp với Thiên Chúa. Sự hồi tâm, thinh lặng và suy nghĩ như thế thật quan trọng, cần thiết và ích lợi.

 Không cầu nguyện ta sẽ dễ biến việc của Chúa thành của riêng ta và vì thế sinh ra tự phụ, kiêu hãnh. Không cầu nguyện, việc tông đồ sẽ chỉ là một hoạt động xã hội từ thiện không hơn không kém. Vì thế, cầu nguyện rất cần thiết. Cần cầu nguyện đế biết rõ ý Chúa, biết việc phải làm. Cần cầu nguyện để múc lấy sức mạnh của Chúa giúp chu toàn công việc. Cần cầu nguyện để biết khiêm nhường luôn coi mình là dụng cụ trong bàn tay Thiên Chúa. Chỉ khi làm việc trong Chúa, với Chúa và vì Chúa, việc tông đồ mới có kết quả tốt đẹp theo ý Chúa muốn.

Trong cuộc sống phục vụ các tâm hồn, người ta chỉ có thể thu lượm kết quả, một khi biết trau dồi đời sống nội tâm, và kết hiệp mật thiết với Chúa. Chính vì thế mà ngay sau khi nghe các Tông đồ báo cáo về những việc họ đã làm, Chúa truyền cho họ phải tìm chốn nghỉ ngơi, mặc dù đó là lúc người ta lui tới với các Tông đồ rất đông.

Việc nghỉ ngơi nói đây không phải chỉ là việc giải lao bình thường, nhưng còn là một thời gian dành cho việc bồi dưỡng tinh thần. Trong thanh vắng, Chúa cho các Tông đồ hiểu: việc rao giảng Tin Mừng là chia sẻ cho người ta những gì mình ôm ấp trong tâm hồn. Nếu mình không học hỏi thêm, không suy nghĩ, không kiểm điểm về những điều mình biết và tin, thì vốn liếng niềm tin của mình sẽ nghèo đi. Còn gì để chia sẻ cho người khác nữa? Thời gian nghỉ ngơi là lúc các Tông đồ kiểm điểm đời sống để thấy điều gì cần sửa đổi, điều gì cần phải làm thêm cho sinh hoạt truyền giáo đạt kết quả. Đó chính là thời giờ tĩnh tâm của các Tông đồ vậy.

Nơi vắng vẻ cũng là nơi thuận tiện cho các Tông đồ cầu nguyện. Vì cầu nguyện cũng là trau dồi đời sống nội tâm. Cầu nguyện để được ơn Thánh Thần trợ giúp. Cầu nguyện để xin Chúa tác động vào các tâm hồn đã đón nghe Tin Mừng. Đó mới là phần chính yếu để việc truyền giảng Tin Mừng phát sinh hiệu quả.

Qua trang Tin Mừng này Chúa cho chúng ta biết sự quan trọng, cần thiết và ích lợi phải hồi tâm, thinh lặng và suy nghĩ để tìm lại chính mình, hoặc để nghỉ ngơi. Đây không phải là chuyện vô ích, nhưng là chuyện thuộc về nhu cầu sống của chúng ta, nhờ đó tâm hồn chúng ta sẽ thanh thản hơn, thân xác chúng ta sẽ khỏe mạnh hơn, và chắc chắn đời sống chúng ta sẽ thoải mái và tốt đẹp hơn.

Chúa Giêsu dạy bảo chúng ta: không những chúng ta phải hăng say làm việc, làm việc hết mình, nhưng cũng phải biết dành thời giờ để nghỉ ngơi nữa. Như thế, chúng ta sẽ được khỏe mạnh hơn, phấn khởi hơn, yêu đời hơn. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần nhớ rằng: đã đành làm việc rồi thì cũng phải có lúc nghỉ. Nhưng giờ nghỉ đi sau giờ làm việc chứ không đi sau sự lười biếng. Chỉ có những người đã làm việc mới cần nghỉ. Ai không làm việc mà cũng nghỉ là một người lười.


Huệ Minh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét