Thứ Sáu, 2 tháng 2, 2018

Thứ năm ngày 01.02.2018

NGÀY 01.02.2018

 

 
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Marcô (Mc 6: 7-13)
 
7 Người gọi nhóm Mười hai lại và bắt đầu sai đi từng hai người một. Người ban cho các ông quyền trừ quỷ.8 Người chỉ thị cho các ông không được mang gì đi đường, chỉ trừ cây gậy; không được mang lương thực, bao bị, tiền đồng để giắt lưng;9 được đi dép, nhưng không được mặc hai áo.10Người bảo các ông: "Bất cứ ở đâu, khi anh em đã vào nhà nào, thì cứ ở lại đó cho đến lúc ra đi.11 Còn nơi nào người ta không đón tiếp và nghe lời anh em, thì khi ra khỏi đó, hãy giũ bụi chân để tỏ ý phản đối họ".12 Các ông đi rao giảng, kêu gọi người ta ăn năn sám hối.13 Các ông trừ được nhiều quỷ, xức dầu cho nhiều người đau ốm và chữa họ khỏi bệnh.

Suy niệm

Tin Mừng hôm nay cho thấy về ơn gọi, địa vị và sứ mạng của người Kitô hữu nói chung và người tông đồ nói riêng.

Chúa Giêsu gọi nhóm Mười hai lại. Điều này diễn tả, Các Tông tồ trước khi được sai đi, phải ở với Chúa, chia sẻ nếp sống của Người, chia sẻ những thao thức cứu thế của Người, và nhất là để Người dạy dỗ, huấn luyện.
Nhóm Mười hai không gồm những người tài ba xuất chúng, hay những người có quyền cao chức trọng trong xã hội. Các ông thuộc lớp bình dân. Điều này khích lệ chúng ta, những Kitô hữu cũng được gọi làm tông đồ cho Chúa trong cánh đồng Hội Thánh ở trần gian.

Qua việc Chúa Giêsu gọi và sai mười hai Tông đồ đi truyền giáo, chúng ta nhận ra sự chia sẻ trách vụ cứu thế của Chúa Giêsu cho Các Tông tồ. Vậy người tông đồ cần cảm nghiệm vinh dự của mình được tham dự vào sứ vụ cứu thế của Chúa, và cũng được thi hành quyền của Chúa qua việc cử hành các bí tích, xức dầu thánh hay trừ quỷ… Muốn được vậy, người tông đồ trước khi đi thi hành sứ vụ, Hội Thánh vẫn có thói quen tách riêng ra để có thời gian và không gian ở với Chúa trong bầu khí tĩnh tâm, cầu nguyện và học tập.

Nội dung việc rao giảng và công việc của người tông đồ là giống công việc của Gioan Tẩy Giả: rao giảng về sự sám hối; nhưng Gioan chỉ tuyên bố là Nước Trời gần đến; còn Các Tông tồ phải thể hiện nước ấy cho người ta trông thấy qua cuộc sống và việc làm, trừ quỷ, chữa lành mọi thứ bệnh tật.

Lạy Chúa, xin sai chúng con đi. Và xin cho công việc chúng con làm vì vâng lời mà có kết quả tốt đẹp. Amen. 

 

Đức Giêsu đã thiết lập Nhóm Mười Hai với hai mục tiêu: họ phải ở với Người và phải được Người cử đi loan báo Tin Mừng và trừ quỷ. Kể từ khi được Người chỉ định, Nhóm Mười Hai ở với Người, đồng hành với Người, chứng kiến tất cả hoạt động giảng dạy và tất cả các hành vi quyền lực của Người. Như thế, các ông chu toàn mục tiêu đầu tiên mà Đức Giêsu nhắm cho các ông, khi các ông cùng đi với Người trong khi Người chu toàn sứ mạng của Người.

Loan báo Tin Mừng là cả một tiến trình phức tạp, đòi hỏi phải suy nghĩ chính chắn và thích nghi cẩn thận, quan tâm đến thời điểm mà người ta sống cũng như nền văn hóa mà Phúc Âm sẽ được gieo vải, vun trồng. Tuy nhiên, Chúa Giêsu cũng đưa ra những lời căn dặn, được xem là những điểm qui chiếu cần thiết, không được quên, nếu chúng ta muốn chuyển thông cho người khác đức tin mà chúng ta đã lãnh nhận một cách nhưng không, đã đem lại cho đời chúng ta một ý nghĩa căn bản, sâu xa.

Đức Giêsu đang đi đường và giảng dạy các làng trong miền Galilê. Kế đó, Người cử Nhóm Mười Hai đi, để các ông nối tiếp công việc của Người.

Chúa Giêsu sai các môn đệ ra đi, từng hai người một. Khi làm như thế, chắc chắn là để tương trợ lẩn nhau dọc đường, cùng vui hưởng những thành quả đạt được, cùng an ủi nhau trong những giờ phút thất vọng. Tuy nhiên, nhất là bởi vì, chứng cứ do nhiều người đứng ra thì đáng tin cậy hơn chứng cứ của một cá nhân. Nếu muốn đánh giá phẩm chất một nhân chứng của Đức Kitô, thì chúng ta hãy kiểm chứng xem người đó nói và hành động nhân danh riêng mình, hay trong tình liên đới với người khác.

Ðức Giêsu sai các tông đồi đi rao giảng sự thống hối, xua trừ ma quỉ, xức dầu và chữa lành nhiều bệnh nhân (Mc 6,12-13). Người căn dặn các ông chỉ mang dép, mang gậy, không được mang bị, mang bánh, không được mang tiền trong túi, và không được mang hai áo.

Nếu áp dụng lời Chúa theo nghĩa đen thì đa số giáo sĩ đi truyền giáo đời nay đều đi trật lất đường rầy vì họ mang hai hay ba va-li đồ dùng và quần áo, lại còn mang tiền trong túi hay thẻ tín dụng nữa.

Dụng cụ mà Chúa dùng không tuỳ thuộc vào địa vị xã hội hay trình độ học vấn, hay sự tài khéo của loài người, nhưng là tuỳ thuộc vào quyền năng của Chúa và sự cộng tác của loài người. Sự kiện này được chứng minh qua việc Thiên Chúa chọn ông Amốt, chỉ là người chăn chiên và hái sung vả đi làm ngôn sứ và việc Ðức Giêsu chọn mười hai tông đồ, đa số làm nghề chài lưới và ít học.

Ðức Giêsu kêu gọi các tông đồ tham gia công việc của Ngài. Ngài chia sẻ sứ mạng với họ. Ngài ban cho họ chính quyền năng và uy tín của Ngài. Rồi Ngài sai họ đi loan truyền Tin Mừng.

Thực ra, họ chỉ là những người chài lưới, cả tài năng lẫn đức độ đều không có bao nhiêu. Nhưng Ngài vẫn chia sẻ sứ mạng cho họ, vì họ sẽ thi hành sứ mạng không phải bằng sức riêng của họ, mà bằng ơn Chúa.

Ta thấy Chúa dạy các tông đồ có tinh thần phó thác đúng nghĩa: khi các ông ra đi truyền giáo, các ông chỉ cần một số phương tiện vật chất vừa đủ: một cây gậy để chống lại thú dữ dọc đường, một chiếc áo mặc, một đôi dép để đi, thế thôi. Ðừng quá lo lắng về vật chất: không cần mang lương thực dự trữ, không cần thủ cho nhiều tiền trong túi, không cần tới hai áo, không cần mang bị theo để đựng quà biếu của người khác. Về nơi ăn chốn ở cũng thế, miễn sao có chỗ trọ là được, nhà nào cho mình trọ, thì cứ trọ bất kể giàu hay nghèo, đừng chọn lựa nhà này hay nhà khác để có tiện nghi hơn. Nhà nào không cho mình trọ thì mình ra đi không chút lưu luyến. Ðiều chính yếu quan trọng mà các ông phải cậy dựa vào, đó là quyền năng của Chúa.

Ðược Ðức Giêsu trao ban quyền năng, các tông đồ lại sai cộng sự viên đi rao giảng tin mừng cứu độ. Các giám mục cai quản giáo phận là những người kế vị các tông đồ cũng sai cộng sự viên là các linh mục làm việc tông đồ. Sắc Lệnh về Chức Vụ và Ðời Sống Linh Mục của Công Ðồng Vaticanô II có ghi: Chúa Kitô đã sai các Tông đồ như chính Người được Chúa Cha sai, và rồi qua các tông đồ, Người đã làm cho các đấng kế vị là các giám mục cũng được tham dự việc thánh hiến và sứ mệnh của Người. Người lại trao ban cho các linh mục chức vụ thừa hành ở một cấp độ kế tiếp (Linh mục, số 2). Họ nhận lệnh sai đi qua việc đặt tay trong Bí tích truyền Chức thánh.

Đức Giêsu đã “gọi lại với mình” Nhóm Mười Hai: điều này chứng tỏ uy quyền của Người và sự chọn lựa của Người. Người cử Nhóm Mười Hai đi, để các ông nối tiếp công việc của Người. Các hình thái cơ bản trong hoạt động của các ông là loan báo Tin Mừng và xua trừ ma quỷ : đây cũng là những nhiệm vụ của Đức Giêsu. Người không chu toàn sứ mạng một mình, nhưng chia sẻ sứ mạng đó cho những người mà Người đã uốn nắn và đào tạo nhờ tiếp xúc thường xuyên với Người. Cũng như Người, các ông cũng phải loan báo Tin Mừng là Triều Đại Thiên Chúa đã gần.

Cũng như Người, các ông phải truyền đạt với xác tín cao và vững chắc sứ điệp vui tươi và giải phóng này: chỉ mình Thiên Chúa là Chúa tể; quyền làm chủ của Người trên muôn loài muôn vật, vào lúc này, người ta chưa nhận ra được, nhưng đến một lúc nào đó, chắc chắn sẽ tỏ hiện rõ ràng.

Ðiều mà Tin Mừng Máccô gợi ý đối với các Kitô hữu xưa cũng như nay là chính họ cũng cần ở lại bên Ðức Giêsu để được Người huấn luyện. Ðức Giêsu hôm qua cũng như hôm nay và mãi mãi vẫn là một (Dt 13,8). Chính Người đứng đầu Giáo Hội. Người điều khiển mọi người nhờ Chúa Thánh Linh. Chúa Thánh Linh là Ðấng làm vang lên tiếng gọi của Ðức Giêsu nơi những tâm hồn quảng đại. Chúa Thánh Linh cũng là Ðấng làm cho cuộc huấn luyện các môn đệ vẫn còn tiếp tục trong Giáo Hội. Thư Do Thái nói rõ tính chất của cuộc huấn luyện đó khi nói "Anh em hãy nhớ đến những người lãnh đạo của anh em, họ là những người làm cho anh em được nghe lời của Thiên Chúa và hãy xem cuộc đời của họ kết thúc như thế nào, để noi theo lòng tin của họ" (Dt 13,7).

Làm chứng bằng lời nói là một khía cạnh của sứ mạng Tông Đồ. Tuy nhiên, sứ mạng này sẽ khiếm khuyết nếu việc làm chứng bằng lời nói không được phối hợp với việc làm chứng bằng hành động, bằng chính đời sống mình. Đặc biệt Đức Giêsu yêu cầu các Tông Đồ phải chu toàn sứ mạng trong sự nghèo khó tuyệt đối, có nghĩa là các môn đệ Người không được liên kết hiệu năng của sứ mạng của họ với khối tiền bạc họ chi ra khi thi hành sứ mạng.

Phó Thác là đứng trước một công việc, một mặt mình không được lười biếng buông trôi nhưng phải vận dụng hết sức mình để làm cho được; mặt khác không ỷ sức riêng mình mà còn phải cầu nguyện xin Chúa ban ơn giúp sức. Và khi đã cố gắng hết sức mình đồng thời đã tin cậy vào ơn Chúa như thế, sau đó công việc diễn tiến thế nào đi nữa mình cũng không quá lo lắng sợ sệt, vì mình đã Phó thác cho Chúa.

Hôm nay Chúa cũng sai chúng ta đi vào lòng thế giới, để "rao giảng sự sám hối" (Mc.6,12). Sám hối rất khó nói vì chẳng mấy ai thích nghe. Ðó cũng là thách thức của người tông đồ: can đảm nói lên những điều phải nói. Nói mà không giảm nhẹ những đòi hỏi của Tin mừng. Nói mà không lợi dụng tin mừng để mưu cầu cá nhân. Nói mà không trích dẫn Tin mừng để khoe khoang kiến thức. Nói mà không bóp méo Tin mừng để vuốt ve quần chúng. Dù sao Tin mừng vẫn phải được loan báo. Chúng ta hãy xem câu nói của Thánh Phaolô như là của chính mình: "Khốn thân tôi, nếu tôi không rao giảng Tin mừng" (1Cr.9,16).

Người Kitô hữu luôn nhớ rằng mình là người được Đức Giêsu sai phái đi, nên phải lệ thuộc vào các chỉ thị của Người và phải trả lời về cách thực hiện các mệnh lệnh của Người. Như thế, ra đi loan báo Tin Mừng không phải là cơ hội để truyền đạt và áp đặt các tư tưởng của riêng mình.


Huệ Minh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét