Thứ Ba, 6 tháng 2, 2018

Thứ ba ngày 06.02.2018


 

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Marcô (Mc 7: 1-13)

 1 Có những người Pha-ri-sêu và một số kinh sư tụ họp quanh Đức Giê-su. Họ là những người từ Giê-ru-sa-lem đến.2 Họ thấy vài môn đệ của Người dùng bữa mà tay còn ô uế, nghĩa là chưa rửa.3 Thật vậy, người Pha-ri-sêu cũng như mọi người Do-thái đều nắm giữ truyền thống của tiền nhân: họ không ăn gì, khi chưa rửa tay cẩn thận;4 thức gì mua ngoài chợ về, cũng phải rảy nước đã rồi mới ăn; họ còn giữ nhiều tập tục khác nữa như rửa chén bát, bình lọ và các đồ đồng.5 Vậy, người Pha-ri-sêu và kinh sư hỏi Đức Giê-su: "Sao các môn đệ của ông không theo truyền thống của tiền nhân, cứ để tay ô uế mà dùng bữa?”6 Người trả lời họ: "Ngôn sứ I-sai-a thật đã nói tiên tri rất đúng về các ông là những kẻ đạo đức giả, khi viết rằng: Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta.7 Chúng có thờ phượng Ta thì cũng vô ích, vì giáo lý chúng giảng dạy chỉ là giới luật phàm nhân.8 Các ông gạt bỏ điều răn của Thiên Chúa, mà duy trì truyền thống của người phàm."9 Người còn nói: "Các ông thật khéo coi thường điều răn của Thiên Chúa để nắm giữ truyền thống của các ông.10 Quả thế, ông Mô-sê đã dạy rằng: Ngươi hãy thờ cha kính mẹ và kẻ nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải bị xử tử!11 Còn các ông, các ông lại bảo: "Người nào nói với cha với mẹ rằng: những gì con có để giúp cha mẹ đều là "co-ban" nghĩa là lễ phẩm đã dâng cho Chúa" rồi,12 và các ông không để cho người ấy làm gì để giúp cha mẹ nữa.13 Thế là các ông lấy truyền thống các ông đã truyền lại cho nhau mà huỷ bỏ lời Thiên Chúa. Các ông còn làm nhiều điều khác giống như vậy nữa!”

Suy niệm
Những người biệt phái đến từ Giêrusalem. Giêrusalem là một biểu tượng về tôn giáo. Những người biệt phái từ Giêrusalem đến cũng mang trong mình cả một truyền thống tôn giáo đáng tự hào. Nói đến Giêrusalem như thể nói đến cái gì đó uy nghi, quyền lực, hiểu biết và trường tồn. Điều này hoàn toàn đối lập với những người đến từ Galilea. Một vùng đất hỗn tạp và mờ nhạt. Mà môn đệ Chúa Giêsu lại đến từ vùng đất này. Xem ra bị coi thường: không giá trị, không truyền thống, thiếu hiểu biết và không tương xứng. 

Câu chuyện về việc các kinh sư luật sĩ bắt bẻ các môn đệ Chúa Giêsu về các tập tục của tiền nhân, mở ra một vấn đề khác quan trọng hơn, không dừng lại ở tập tục, mà là việc hiểu luật Môsê, luật của Thiên Chúa như thế nào. Và đó là đầu mối của tranh luận giữa Chúa Giêsu và các kinh sư luật sĩ. 

Kinh sư và giới luật sĩ có thế giá trong lòng xã hội Do Thái. Và trải qua thời gian lâu dài, họ tự cho mình cái quyền giải thích Sách Thánh theo truyền thống của họ. Càng giải thích và cùng với thời gian, ý ban đầu không còn được nguyên tuyền. Như dẫn chứng về giới răn thứ tư: Thảo kính cha mẹ mà Chúa Giêsu trưng dẫn. Từ nguyên thuỷ, giới răn này là một mệnh lệnh. Không thảo kính cha mẹ là tội chết. Nhưng qua thời gian, giới này đã giải thích cách lệch nghĩa, đồng hoá nó với một vài lễ phẩm phượng tự. Rằng dâng một vài lễ vật cho Chúa là ngang bằng hoặc thay thế cho việc hiếu thảo với cha mẹ. 

Đáng lẽ ra, không ai khác, những người kinh sư, biệt phái phải là những người hiểu tận căn các giới luật của Chúa và không tự tiện giải thích lời Sách Thánh như vậy. Cái quan trọng thì bị hạ cấp, cái không quan trọng thì tôn lên hàng đầu. Giải thích luật Chúa, lời Chúa cách tuỳ tiện, chúng ta không còn trung thành với Lời Chúa, không còn thấy được ý Chúa mà chỉ là ý của ta, bẻ cong lời Chúa cho những ý định của ta, hoàn toàn theo cách hiểu của ta. Vấn đề này cũng đặt ra cho ta về vấn đề đọc hiểu lời Chúa trong thời đại hôm nay. 

Lạy Chúa, xin cho chúng con mỗi khi nghe lời Chúa, nghe giảng dạy, chúng con nhận ra đâu là điều cốt yếu Chúa muốn nói với chúng con. Amen.        
XIN CHÚA LÀM CHO TA THANH SẠCH

 

Tin mừng Mc 7: 1-13

Đối với người Do Thái, rửa tay trước bữa ăn không phải là vấn đề vệ sinh, nhưng là một nghi thức thanh tẩy. Bởi vì, lương thực là ân huệ Thiên Chúa ban, nên phải chuẩn bị mình đển đón nhận. Hiểu như thế, nghi thức thanh tẩy này thật là có ý nghĩa trên bình diện thiêng liêng và cũng là một nghi thức tôn giáo nên bảo tồn.

Thật ra, chính chúng ta cũng làm như thế : trước bữa ăn, chúng ta làm dấu Thánh Giá, đọc lời nguyện xin Chúa chúc lành ; khởi đầu Thánh Lễ, chúng ta xin Chúa thanh tẩy để trở nên xứng đáng lãnh nhận Lời và Mình của Đức Ki-tô như là lương thực ; và theo Phụng Vụ Thánh Lễ, linh mục phải rửa tay trước khi cử hành nghi thức truyền phép, đồng thời đọc thầm : “Lạy Chúa, xin rửa con sạch hết lỗi lầm, tội con đã phạm xin Ngài thanh tẩy” (Tv 51, 4).

“Phép Vua – thua lệ làng!” – rất có thể đây là sự liên tưởng hoặc cảm xúc của nhiều độc giả khi đọc xong trình thuật Tin Mừng hôm nay. Sự liên tưởng hoặc cảm xúc này hẳn có lý do của nó, ấy là vì câu trả lời quá xác đáng của Chúa Giêsu trước lời trách cứ của các Pharisêu và kinh sư về việc môn đệ Ngài không rửa tay trước khi dùng bữa.

Các môn đệ đã không rửa tay trước khi dùng bữa, nhưng người ta lại đi chất vấn vị Thầy của họ, là Đức Giê-su: « Sao môn đệ ông vi phạm truyền thống của tiền nhân, không chịu rửa tay khi dùng bữa? » Như thế, các môn đệ làm điều không đúng dưới mắt của những người tuân giữ và bảo vệ Truyền Thống, nhưng người nghe lời than trách, lại là vị Thầy. Điều này có nghĩa là lời giảng của Thầy, cung cách hành xử của Thầy và chính bản thân của Thầy có vấn đề!

Thông điệp quan trọng cho chúng ta hôm nay lại nằm ở câu trích sách Isaia mà Chúa Giêsu dùng lại: dân này tôn kính Ta bằng môi miệng. Lời này vừa như để tố cáo cách khôn ngoan mà thẳng thắn những kẻ tự cho mình là công chính qua việc giữ luật thật tỉ mỉ ; mà cũng vừa như thể trách móc dân chúng và những ai đã nhẹ dạ cả tin đi theo thói đạo đức giả của những người lãnh đạo thiếu hẳn một tấm chân tình và lòng kính sợ Thiên Chúa thật sự.

Dù muốn dù không, cho đến lúc này Lời Chúa Giêsu vẫn âm vọng đâu đó trong tâm trong trí ta, thư thể Ngài đang thì thầm trong ta:con tôn kính Ta bằng môi miệng ; con bỏ giới răn của Ta để giữ truyền thống của các con; ...

Những người Pha-ri-sêu và Luật Sĩ thật có lí, khi lưu ý Đức Giêsu rằng, các môn đệ của Ngài đã không rửa tay trước bữa ăn. Cũng tương tự như các nhà chuyên môn về phụng vụ của chúng ta, hay những người yêu thích phụng vụ vẫn thường lưu ý hay phê phán người này người kia đã làm sai hoặc không làm một qui định chữ đỏ nào đó trong Sách Lễ Roma. Tuy nhiên, Đức Giê-su lại bênh vực các môn đệ của mình.

Âm vọng đó có thể khiến ta tránh né hoặc dừng lại để biện hộ. Tránh né bởi chuyện lòng ta xa Chúa đã quá rõ ràng. Nếu ta đã từng rất siêng đi lễ, đọc kinh sốt sắng nhưng không thể tha thứ cho người anh chị em xúc phạm đến ta ; đã từng cảm thấy vô cùng xấu hổ và mất mặt vì người con gái trong gia đình ta lỡ mang thai ngoài hôn nhân nên đã phá thai để che chắn; đã từng hy sinh thời gian và công sức để giảng dạy rất hay về giáo lý, về Lời Chúa, nhưng đời sống ta lại không làm chứng nổi cho những lời ấy ; ....

Biện hộ vì dường như ta đã dễ dàng để ma quỷ hạ gục, dễ dàng để ma quỷ điều khiển với những lý lẽ quá ỷ lại vào lòng xót thương và quyền năng của Chúa như: Chúa biết hoàn cảnh của con, xin Chúa thông cảm cho con ; Chúa khoan dung vô cùng, Chúa sẽ tha thứ cho con; ... nhằm xoa dịu lương tâm rồi cứ vô tư làm điều mình muốn, bất chấp những giới răn của Chúa.

Càng thành tâm để Lời Chúa soi chiếu vào mọi ngõ ngách đời mình, ta sẽ nhận ra mình đã ít nhiều thiếu hẳn một tấm lòng dành cho Chúa trong mọi chọn lựa sống đạo, trong các nỗ lực thi hành giới răn Chúa, trong những giờ dành cho Chúa, ...

Sự thiếu vắng ngày khiến cho các việc ta làm thiếu đi ý nghĩa của nó. Dĩ nhiên là chỉ khi nào ta dành cho Chúa trọn cả tấm lòng, trọn cả mối tình, thì các hành động của ta mới mang chở đầy đủ ý nghĩa của nó, nhờ thế, ta mới có thể lớn lên trong ơn thánh, mới có thể dấn bước mà chạm đến ơn cứu độ Chúa đã dành sẵn cho mỗi người. Chỉ tóm lại rằng : khi nào sống với Chúa trọn tình, vẹn nghĩa làm con.

Đã hẳn chẳng ai trong chúng ta muốn thất nghĩa hoặc bất hiếu với Chúa. Vì thế, đây là lúc thuận tiện để tôi, bạn và anh chị, ta cùng mời Chúa Giêsu đến và ngoan ngoãn để Người vẽ bày cho ta cách sống trọn tình vẹn nghĩa với Người.

Thật vậy, giữ nghi thức và giữ thật đúng qui định nói lên điều gì hay sẽ đem lại hoa trái nào, khi mà trong lòng trống rỗng, hay có những tâm tình hay cảm nghĩ bất xứng hay không phù hợp ? Như Đức Giê-su đã nói trong Bài Giảng Trên Núi : « Vậy, nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình » (Mt 5, 23-24). Sai lầm là ở chỗ, người ta bị xét đoán là thanh sạch hay nhơ uế tùy theo việc giữ hay không giữ nghi thức rửa tay hay những nghi thức khác ; như thế, nghi thức trở thành tiêu chuẩn xét đoán về tương quan giữa con người và Thiên Chúa, và do đó, giữa con người với nhau, bởi vì người ta sẽ cư xử đặc biệt với những « người nhơ uế », những « người tội lỗi ».

Xin Chúa làm cho con tim của chúng ta luôn biết lắng nghe Lời của Người ; vì đó là con đường duy nhất làm cho con tim của chúng ta trở nên gần gũi với Thiên Chúa, làm cho các việc làm, các thực hành đạo đức của chúng ta trở nên đáng yêu dưới mắt Chúa.

Nhưng ai trong chúng ta cũng có kinh nghiệm về sự bất lực trong nỗ lực điều khiển con tim, trong việc làm chủ những diễn biến nội tâm, và nhất là những diễn biến ở những tầng lớp sâu thẳm của tâm hồn. Chỉ có Thiên Chúa, ngang qua Lời và Mình của Đức Giê-su, mới có thể làm cho con tim của chúng ta nên thanh sạch, mới có thể tái tạo và làm cho con tim của chúng ta nên mới. Xác tín này làm cho chúng ta bình an và khiêm tốn.


Huệ Minh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét