Thứ Hai, 7 tháng 12, 2015

Lễ Ðức Mẹ Vô Nhiễm 08-12

MỪNG LỄ ĐỨC MẸ VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI
Bùi Tuần, Gm.
Một trong những tước hiệu cao quý mà Hội Thánh mừng khen Đức Mẹ Maria, là "Vô nhiễm nguyên tội". Lễ kính Đức Mẹ vô nhiễm nguyên tội được cử hành hằng năm vào ngày 8 tháng 12.
Ngày này không xa trước lễ Chúa Giáng sinh. Đó cũng là một lựa chọn khôn ngoan của Phụng vụ. Như thể Phụng vụ muốn nhắc cho mọi thành phần Dân Chúa nhớ: Đức Mẹ là gương cho những ai được Chúa chọn mang Đấng Cứu thế đến các tâm hồn.
Như Đức Mẹ sinh Chúa Giêsu vào thế gian từ tấm lòng trong sáng thế nào, thì những người muốn mang Chúa Giêsu đến với các linh hồn cũng hãy có lòng trong sáng như vậy.
Gợi ý trên đây nên được chúng ta đón nhận cách đặc biệt.
Thế nào là đón nhận một cách đặc biệt?
Tôi có một vài suy nghĩ về vấn đề này, xin được chia sẻ.
Theo tôi, đón nhận gợi ý mừng lễ Đức Mẹ vô nhiễm một cách đặc biệt là nên hiểu những điểm sau đây:
1. Tình hình hiện nay rất cần những gương trong sáng.
2. Những gương trong sáng thời nay cần một số nét nổi bật.
3. Mỗi người đều có thể đóng góp cho việc nêu gương sáng trong hoàn cảnh hiện nay.
1/ Tình hình hiện nay rất cần những gương sáng
"Chuyển biến, cải cách, đổi mới, thay thế" là những từ được tung ra từ mấy năm nay. Tung ra như những hứa hẹn và khẳng định. Kết quả có tốt, có xấu.
Riêng trong lãnh vực tự do, kết quả của quá nhiều thứ chuyển biến dẫn mỗi người đến thói quen tự chủ, tự chọn, tự quyết, tự tin. Tiếp đến một bước nữa là thay đổi giới hạn niềm tin. Mỗi người xem ra chỉ tin vào một số người nhất định.
Chuyển biến niềm tin diễn ra hằng ngày. Dần dần nó gây nên khủng hoảng niềm tin trong mọi lãnh vực. Từ xã hội, Giáo Hội, đến cơ quan, bạn bè, gia đình. Người nào cũng chỉ muốn an phận, mình biết mình. Vẫn giao tiếp nhưng dè dặt, thận trọng, chừng mực.
Mất niềm tin là một hiện tượng tiêu cực. Nhưng đàng sau điều đáng ngại đó, lại ngầm mọc lên một sự kiện tích cực, đó là khát vọng gặp được những ai mình có thể đặt trọn niềm tin.
Những người như thế thường đẹp ở trong mộng, trước khi gặp được trong thực tế. Họ đẹp nhất ở cái tâm. Cái tâm của họ trong sáng, không bị tội lỗi khống chế, nhưng rạng rỡ tình yêu cứu độ. Cái tâm đó là những gương sáng. Sáng, nhưng không phô trương, bởi vì sáng mà rất khiêm nhường. Sáng, nhưng không khinh thị tối tăm của ai, bởi vì sáng mà rất yêu thương.
Những gương sáng như thế thời nay cần những nét nổi bật nào?
2/ Những nét nổi bật của gương sáng thời nay
Theo tôi, những gương sáng trong đạo thời nay cần nổi về ba điểm sau đây.
Điểm thứ nhất là chiều kích hướng trần.
Tôi tạm gọi chiều kích hướng trần là một tấm lòng rộng mở về phía phát triển các giá trị trần thế để phục vụ con người. Thí dụ, tôi được phân công phục vụ một Hội Thánh địa phương ở đồng bằng sông Cửu Long, thì cái tâm của tôi phải chia sẻ những lo âu và những hy vọng của địa phương này. Chia sẻ trong mọi khía cạnh của cuộc sống cụ thể của đồng bào tôi. Tôi thực tình chia sẻ theo yêu cầu của cuộc sống và theo khả năng của tôi. Nhất là tôi phải quan tâm nhiều đến những cuộc sống nghèo khổ.
Điểm thứ hai là chiều kích hướng thượng.
Tôi hiểu chiều kích hướng thượng là một tấm lòng khao khát những giá trị đạo đức. Như lòng yêu mến sự thực, lòng chân thành, lòng hiếu thảo, lòng yêu nước, lòng từ thiện, lòng vị tha, lòng sẵn sàng hy sinh cho lợi ích chung, lòng liên đới với số phận những người cùng khổ, lòng mơ tìm một hạnh phúc sau khi chết trong cõi đời sau.
Tại địa phương này, tôi đã nhận được nhiều giá trị đạo đức như trên. Những người đạo đức như thế đã là gương sáng cho tôi.
Tuy nhiên, một gương sáng, mà tôi mơ ước có phần nào theo gương Đức Mẹ Maria vô nhiễm nguyên tội, nên bước thêm một bước nữa, đó là tìm đến tận nguồn.
Điểm thứ ba là tìm đến nguồn của hai chiều kích nói trên.
Nguồn chảy ra ơn thánh giúp phát triển hai chiều kích trên là Thiên Chúa giàu lòng thương xót. Thiên Chúa giàu lòng thương xót được mặc khải trong Đức Kitô. Đức Kitô là Ngôi Lời Nhập thể. Người sống giữa lớp người nghèo khó. Từ sinh ra trong hang đá Bêlem cho đến chết trên thánh giá tại đồi Calvariô, Đức Kitô đã giới thiệu dung mạo thật của Thiên Chúa. Người chỉ là tình yêu. Người chỉ là quà cứu độ ban tặng. Tình yêu ấy là một cuộc chiến đấu cam go với sự ác. Một cuộc chiến mang rất nhiều hy sinh. Hy sinh vì tình yêu.
Khi đã hiểu sơ qua về gương trong sáng Chúa muốn có nơi chúng ta, để chúng ta bắt chước Đức Mẹ, mỗi người chúng ta nên có những đóng góp nào?
3/ Đóng góp của mỗi người chúng ta
Mỗi người có thể và nên đóng góp theo nhu cầu hoàn cảnh và khả năng của mình. Tôi xin phép kể một mẩu chuyện nhỏ:
Ngày nhà giáo, 20 tháng 11 năm nay, tôi được một niềm vui rất bất ngờ. Hôm đó, bất ngờ, tôi được người coi cửa phòng tôi báo cho tôi biết là có một người ngồi xe lăn xin đến thăm tôi. Tôi mời vào. Tôi rất ngạc nhiên nhận ra người ngồi xe lăn chính là một cô giáo bị bệnh từ nhiều năm. Đã từ rất lâu rồi, tôi không gặp cô. Hôm nay cô đến thăm tôi. Quà tặng là một đoá hoa hồng và một tràng hạt bằng cây Ôliu do cháu cô đi Fatima mua gởi về cho cô. Cô nói: Cô thăm tôi vì tôi là thầy giáo của cô. Tôi thưa: Tôi không hề dạy học cô bao giờ. Cô nói: "Đức Cha là thầy của con, vì con học được rất nhiều bài học quý giá Đức Cha viết trên báo Công Giáo và Dân Tộc".
Tôi rất cảm động. Vì cô là người không công giáo, nhưng đã từ rất lâu mỗi ngày, cô vẫn trung thành cầu nguyện Đức Mẹ Maria bằng lần chuỗi Mân côi và năng làm từ thiện.
Tôi coi đây là một đóng góp quý giá Chúa nhắc nhở cho tôi. Dù bệnh tật, dù là người ngoài công giáo, cô vẫn cầu nguyện, làm việc từ thiện và khích lệ tôi hãy cố gắng giúp đời, khi còn có thể.
Từ chuyện nhỏ trên đây, tôi nhận thức điều này: Ai cũng có khả năng làm một số việc lành phúc đức, nhất là cầu nguyện, làm từ thiện, dâng hy sinh cho Chúa, và khích lệ người khác hãy làm điều thiện. 
Để kết, tôi xin Đức Mẹ vô nhiễm nguyên tội thương đến mỗi người chúng ta. Xin Mẹ gởi đến Việt Nam nhiều gương sáng đạo đức. Nhất là xin Mẹ thương giúp chính chúng ta trở thành gương sáng. Cho dù chúng ta chỉ làm được những việc lành nhỏ, trong phạm vi nhỏ, âm thầm giữa những tâm hồn bé mọn.


 Lễ Ðức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội là Lễ Buộc hay Lễ Trọng?

05/10/2013
Hôm lễ Ðức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, con & bạn con có thảo luận là lễ Ðức Mẹ vô nhiễm nguyên tội chỉ là lễ trọng thôi, không thể lễ buộc được, vì khi lễ buộc, con không đi lễ thì con mang tội vậy Ðức Mẹ trở nên một vị cho chúng ta thờ rồi,  nghĩa là Ðức Mẹ ngang hàng với Thiên Chúa.  Nhưng thực tế, Giáo Hội chỉ dạy chúng ta thờ một "Chúa" mà thôi.  Vậy thì lễ Ðức Mẹ VNNT phải là lễ trọng mới đúng.  Ðó là ý kiến bạn con. 
Còn theo con, con nghĩ là: Giáo Hội đã nhận thấy giá trị vô nhiễm nguyên tội của Mẹ rất quý báu nên đã đặt vào lễ buộc với mục đích là để toàn thể nhân loại ca tụng Mẹ vì Mẹ là một người Nữ hơn tất cả mọi người nữ. Vậy thưa cha lễ Ðức Mẹ VNNT là lễ buộc hay lễ trọng?  Xin cha giải thích giúp con.  (D.C.)
D.C. thân mến,
1.  Dự Lễ buộc là một trong sáu điều luật Hội Thánh.  Trước đây, Giáo Hội muốn tất cả tín hữu tôn kính cuộc tử nạn Chúa bằng cách kiêng thịt ngày Thứ Sáu, ngày nay hầu hết các tín hữu được chọn việc khác thay thế trong những Thứ Sáu mùa quanh năm. Trước đây Thứ Sáu mà cố tình ăn thịt mà có tội nhưng bây giờ thì không.  Tội gì? và tại sao lại tội?  Thịt con vật do Chúa tạo nên, chứ đâu có do ma quỉ nặn ra.  Hơn thế, Chúa còn bảo thánh Phêrô, "Giết mà ăn!"  Vậy tội không do chính việc ăn thịt mà do việc không vâng phục Giáo Hội "Ai nghe các con là nghe Thày."  Giáo Hội muốn con cái kiêng thịt không phải hễ thứ Sáu là rau cỏ, cá mú được coi là Chúa hay linh thiêng  hơn, việc hy sinh hãm mình thành Chúa.
2.  Tương tự như thế với các lễ buộc.  Chúa muốn con người được hạnh phúc khi trưởng thành thánh thiện.  Một phương thế quan trọng là bí tích nhất là bí tích tạ ơn.  Giáo Hội muốn con cái mình lợi dụng phương thế đó bằng những lễ buộc như nói, 'Ðây là phương thế không thể thiếu trong đời Kitô Hữu, tối thiểu phải dùng những lễ này tăng bổ đời sống linh thiêng.'  Sống trong thế giới nặng vật chất hôm nay, ơn Vô nhiễm nguyên tội là điểm qui chiếu tốt để kiểm soát và thăng tiến đời Kitô hữu.  Ơn vô nhiễm nguyên tội của Ðức Mẹ nhắc nhở chúng ta tất cả là ơn Chúa. Chúng ta biết ơn Chúa thế nào?  Do sự khôn ngoan Giáo Hội muốn lễ Ðức Mẹ Vô nhiễm nguyên tội là lễ buộc.
L.m. Francis Lương Minh Tri,CMC Phụ Trách

PHÚC ÂM: Lc 1, 26-38

Thứ Ba Tuần II Mùa Vọng Năm C
BÀI ĐỌC I: St 3, 9-15. 20
  Trích sách Sáng Thế.
Thiên Chúa đã gọi Ađam và phán bảo ông rằng: "Ngươi đang ở đâu?" Ông đã thưa: "Con nghe thấy tiếng Ngài trong vườn địa đàng, nhưng con sợ hãi, vì con trần truồng và con đang ẩn núp".Chúa phán bảo ông rằng: "Ai đã chỉ cho ngươi biết rằng ngươi trần truồng, há chẳng phải tại ngươi đã ăn trái cây mà Ta cấm ngươi không được ăn ư?" Ađam thưa lại: "Người phụ nữ Chúa đã cho làm bạn với con, chính nàng đã cho con trái cây và con đã ăn".Và Thiên Chúa phán bảo người phụ nữ rằng: "Tại sao ngươi đã làm điều đó?" Người phụ nữ thưa: "Con rắn đã lừa dối con và con đã ăn".Thiên Chúa phán bảo con rắn: "Bởi mi đã làm điều đó, mi sẽ vô phúc ở giữa mọi sinh vật và mọi muông thú địa cầu; mi sẽ bò đi bằng bụng, và mi sẽ ăn bùn đất mọi ngày trong đời mi. Ta sẽ đặt mối thù nghịch giữa mi và người phụ nữ, giữa miêu duệ mi và miêu duệ người đó, người miêu duệ đó sẽ đạp nát đầu mi, còn mi thì sẽ rình cắn gót chân người".  Và Ađam đã gọi tên vợ mình là Evà: vì lẽ bà là mẹ của chúng sinh.  Đó là lời Chúa.
                                                 BÀI ĐỌC II:   Ep 1, 3-6. 11-12
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Êphêxô.
Anh em thân mến, chúc tụng Thiên Chúa và là Cha của Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta: Người đã chúc phúc cho chúng ta bằng mọi phúc lộc thiêng liêng ở trên trời trong Đức Kitô. Bởi Người đã kén chọn chúng ta trong Đức Kitô từ trước khi tạo thành vũ trụ, hầu cho chúng ta được thánh thiện và tinh tuyền trước mặt Người. Trong tình thương, Người đã tiền định cho chúng ta được làm dưỡng tử đối với Người, qua Đức Giêsu Kitô, theo như ý Người sở định, cho được ca ngợi vinh quang ân sủng của Người, ân sủng mà Người ban tặng chúng ta trong Con yêu quý của Người.
Cũng trong Đức Kitô, chúng ta đã được chọn trước làm phần gia nghiệp, chiếu theo chương trình tiền định của Đấng tác thành mọi sự theo như ý Mình sở định, hầu cho chúng ta ca tụng vinh quang Người, chúng ta là những người đã đặt niềm hy vọng trước trong Đức Kitô. Đó là lời Chúa.
PHÚC ÂM:  Lc 1, 26-38
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, thiên thần Gabriel được Chúa sai đến một thành xứ Galilêa, tên là Nagiarét, đến với một trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giuse, thuộc chi họ Đavít, trinh nữ ấy tên là Maria. Thiên thần vào nhà trinh nữ và chào rằng: "Kính chào trinh nữ đầy ơn phúc, Thiên Chúa ở cùng trinh nữ, trinh nữ có phúc hơn các người nữ". Nghe lời đó, trinh nữ bối rối và tự hỏi lời chào đó có ý nghĩa gì. Thiên thần liền thưa: "Maria đừng sợ, vì đã được ơn nghĩa với Chúa. Này trinh nữ sẽ thụ thai, hạ sinh một Con trai và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao trọng và được gọi là Con Đấng Tối Cao. Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngôi báu Đavít tổ phụ Người. Người sẽ cai trị đời đời trong nhà Giacóp và triều đại Người sẽ vô tận!"
Nhưng Maria liền thưa với Thiên Thần: "Việc đó xảy đến thế nào được, vì tôi không biết đến người nam?" Thiên thần thưa: "Chúa Thánh Thần sẽ đến với trinh nữ và uy quyền Đấng Tối Cao sẽ bao trùm trinh nữ. Vì thế Đấng trinh nữ sinh ra sẽ là Đấng Thánh và được gọi là Con Thiên Chúa. Và này, Isave chị họ trinh nữ cũng đã thụ thai con trai trong lúc tuổi già và nay đã mang thai được sáu tháng, người mà thiên hạ gọi là son sẻ; vì không có việc gì mà Chúa không làm được". Maria liền thưa: "Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời Thiên thần truyền". Và Thiên Thần cáo biệt trinh nữ. Đó là lời Chúa.
(thanhlinh.net)
 LÒNG THƯƠNG XÓT LỚN HƠN MỌI TỘI LỖI”
Suy niệm: Đức Thánh Cha Phanxicô đã chọn ngày hôm nay, lễ Đức Ma-ri-a Vô Nhiễm Nguyên Tội để khai mạc Năm Thánh Lòng Chúa Thương Xót, nhân kỷ niệm 50 năm kết thúc công đồng Vaticanô II, vì “ý nghĩa phong phú của lễ đó trong lịch sử Giáo Hội hiện đại” (Misericodiae Vultus, số 4). Đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội của Mẹ Ma-ri-a nhắc chúng ta nhớ lại hành động của lòng thương xót Chúa “ngay từ buổi đầu của lịch sử nhân loại” (số 3). Quả vậy, chính vì Thiên Chúa giàu lòng thương xót muốn cứu độ con người nên Ngài gìn giữ Đức Ma-ri-a tinh tuyền không tỳ ố bởi tội lỗi, không lệ thuộc sự ác một giây phút nào ngõ hầu chuẩn bị một cung lòng xứng đáng cho Con Chí Ái của Ngài giáng sinh. Mặt khác, nhờ lòng khiêm cung và tinh thần vâng phục của Đức Ma-ri-a, mà lời hứa ban Đấng Cứu Độ của Thiên Chúa được thành tựu. Và Đức Ma-ri-a trở thành nhân chứng tuyệt hảo của lòng Chúa thương xót.
Mời Bạn: Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Ngày nay chúng ta rất cần đến lòng thương xót, điều quan trọng là các tín hữu sống lòng thương xót ấy và đem vào các môi trường xã hội khác nhau.” Trong Năm Thánh Lòng Thương và Phúc âm hóa xã hội này, mời bạn hãy thực thi lòng xót thương người trong xã hội tội lỗi và vô cảm này bằng việc yêu thương, tha thứ, phục vụ mọi người nơi môi trường của mình.
Sống Lời Chúa: Tha thứ, cảm thông và chia sẻ quảng đại là sống, và làm chứng cho lòng thương Trong ngày lễ Kính Đức Mẹ  Vô Nhiễm Nguyên Tội, chúng ta phải học về đức tin của Đức Mẹ: “Đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được”. Giúp cho mỗi người trong chúng ta  đặt hết cuộc đời mình vào tay quan phòng của Thiên Chúa: khi đói khát cũng như lúc no đầy, khi hạnh phúc cũng như khi đau khổ, khi hoạn nạn cũng như lúc vui mừng, trong lành mạnh cũng như lúc bệnh tật... để chấp nhận cuộc sống trong hiện tại và những điều sẽ xãy ra trong tương lai.
Lạy Chúa Giêsu. Chúa đang hiện diện và đang đồng hành với chúng con trong mọi ngày sống của chúng con. Xin Chúa ban cho mọi thành viên trong gia đình chúng con luôn vững tin vào Chúa, chứ không bao giờ thất vọng: Vì có Chúa, chúng con sẽ có tất cả sự lành thánh và hạnh phúc.
Mạnh Phương

08 Tháng Mười Hai
Thiên Chúa Vẫn Tiếp Tục Yêu Thương
Ðời người, có lẽ ai cũng có một lần trải qua một biến cố lớn trong lịch sử thế giới hay dân tộc...
Một ít cụ già hiện còn sống sót có lẽ đã trải qua cuộc đại chiến thứ nhất. Nhiều người đã có thể chứng kiến những tàn phá khốc liệt của thời đệ nhị thế chiến, cộng với nạn đói kinh hoàng ở Bắc Việt năm 1945. Và đa số chúng ta đã trực tiếp hay gián tiếp chứng kiến không biết bao nhiêu đổi thay, bao nhiêu cuộc chiến trong nước cũng như tại các nước khác trong những năm gần đây... Thêm vào đó, còn có biết bao nhiêu thiên tai và tai nạn khủng khiếp đã xảy ra cho con người.
Chiến tranh và sự sa đọa của con người có lẽ mang lại cho chúng ta cái cảm tưởng rằng sự dữ, tội ác đã lan tràn khắp cả mặt đất; thế giới ngày nay không còn biết đến Thiên Chúa nữa. Cùng với tất cả một đoàn người mà Ðức cố Giáo Hoàng Gioan 23 gọi là "các tiên tri chuyên loan báo thảm họa", có lẽ chúng ta chỉ nhìn vào thế giới bằng đôi mắt của bi quan, thất vọng, chúng ta chỉ nhìn thấy thảm họa, tang tóc... để rồi loan báo ngày tận cùng của thế giới như kề bên.
Thế giới có tội lỗi đó, thế giới có tang thương đó, thế giới có nhiều thảm họa đó, nhưng chúng ta đừng quên rằng chương trình của Thiên Chúa đang được thực hiện dọc theo chiều dài của lịch sử nhân loại. Giữa hai cực: một bên là sự sa ngã ở khởi đầu lịch sử và một bên là ngày tận cùng của thế giới, đã có cuộc nhập thể làm người của Con Thiên Chúa: Ngài đã làm người ngay giữa lòng của một nhân loại tội lỗi của thời đại Ngài...
Thế giới của chúng ta đầy dẫy tội lỗi, Thiên Chúa vẫn yêu thương thế giới ấy. Thay vì chỉ nhìn thấy hận thù, bạo động và sa đọa dưới mọi hình thức, chúng ta hãy cố đọc được những dấu chỉ của thời đại để thấy rằng Thiên Chúa vẫn luôn có mặt trong lịch sử con người, Thiên Chúa vẫn tiếp tục yêu thương con người.
Mừng lễ Ðức Mẹ Vô Nhiễm nguyên tội, hôm nay Giáo Hội cũng muốn lập lại với chúng ta chân lý ấy: Thiên Chúa đã yêu thương con người và không có gì Thiên Chúa không làm được.
Thiên Chúa đã tạo dựng Mẹ và gìn giữ Mẹ khỏi mọi tỳ vết của tội lỗi. Mẹ là nền tảng của niềm hy vọng của chúng ta, Mẹ là bình minh của nhân loại mới, một nhân loại được Thiên Chúa cứu chuộc và ban cho sức mạnh để vươn lên không ngừng.
Chúng ta hãy chiêm ngắm Mẹ với tất cả niềm cậy trông và lạc quan ấy. Qua Mẹ, Thiên Chúa muốn tỏ bày tình yêu không hề lay chuyển của Ngài cho nhân loại và qua Mẹ, Ngài cũng muốn chúng ta bước đi trong vâng phục và yêu mến, cậy trông.
Thân phận yếu hèn của chúng ta được dệt bằng những vấp ngã và chỗi dậy không ngừng. Chúa ban cho chúng ta một người Mẹ không tỳ vết để chúng ta không ngừng ngước mắt nhìn lên. Chúa ban cho chúng ta một người Mẹ luôn "Thưa, xin vâng!" giữa muôn ngàn đớn đau thử thách, để chúng ta tiếp tục chỗi dậy sau những lần vấp ngã.
Chúng ta hãy nhìn lên Mẹ. Mẹ luôn có đó để giúp chúng ta khỏi vấp ngã và nếu chúng ta có vấp ngã, Mẹ sẽ đỡ chúng ta dậy và giúp chúng ta tiếp tục "Thưa, xin vâng!" với Chúa để chúng ta bước đi theo Chúa Giêsu...

(Lẽ Sống)
LỄ  ĐỨC MẸ VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI
Ngày 8 tháng 12

Lc 1,26-38

             Mỗi người chúng ta đều có một  bà mẹ trần thế. Mẹ là người sinh ra ta ,cho ta bú mớm
vỗ về , an ủi ta .Mẹ là người dậy ta tiếng nói đầu đời .Mẹ đưa ta tới trường  ,mở rộng chân trời
cho ta tiến bước.Mẹ dậy ta biết vượt thắng gian nan ,đẩy lui thử thách ,biết quí trọng thời gian

Mẹ làm gương cho ta về lòng bao dung,chia sẻ ,nhân ái .Mẹ dậy ta phải sống công bằng bác ái. Mẹ giúp ta ham sống và tìm ra ý nghĩa cuộc đời .Mẹ là niềm an ủi , là hạnh phúc và là sức mạnh để ta lướt thắng gian nguy .Vâng, Chúa đã trao cho mỗi người một bà Mẹ đáng yêu ,
đáng quí trọng ,Chúa lại  ban  tặng cho nhân loại một bà Mẹ vượt trổi trên mọi bà Mẹ thế trần.
Mẹ có tên tuyệt vời không tên nào dưới thế có thể diễn tả hết như  Mẹ đã được gọi :MARIA .
-Maria là ai ?
-Tại sao Mẹ  lại vô nhiễm nguyên tội ?
-Đặc ân vô nhiễm nguyên tội giúp ích gì ta ?

I.       MARIA LÀ AI ?  Ở đây , ta chỉ nói lướt qua về Maria qua đoạn suy niệm này vì bài này không phải là một nghiên cứu về tiểu sử của Mẹ theo nhãn giới  Kinh Thánh hay suy tư  thần học mà người viết chỉ phác hoạ đôi nét cơ bản để người đọc dễ nhận ra Maria là ai . Maria là Mẹ Đấng cứu thế ,đã sinh ra Chúa Giêsu   .Maria được sinh ra trong một gia đình đạo đức , thánh thiện . Cha Người là thánh Gioankim và mẹ Người là bà thánh Anna .  Maria được sinh ra vào lúc hai ông bà Gioankim và Anna đã già nua,tuổi tác .Maria sống ở làng quê Nazarét ,miền Bắc nước Palestina. Lớn lên như mọi người con gái thời đó , Maria đã đính hôn với Giuse , làm nghề thợ mộc ở làng Nagiarét,thuộc dòng dõi vua Đavít.
Tuy đã đính hôn với Giuse,nhưng Maria đã khấn giữ mình đồng trinh để  đời đời dành riêng cho Thiên Chúa,nên chính trong thời điểm này,ý định của Thiên Chúa đã đổ xuống  trên trinh nữ Maria.Thiên Chúa đã sai Thiên sứ Gabrien đến gặp trinh nữ Maria và nói lên ý định tuyệt vời của Thiên Chúa,chọn  Maria làm Mẹ Đấng Cứu  Thế .”...và này đây bà sẽ thụ thai,sinh hạ một con trai,và đặt tên là Giêsu “(Lc 1,31 )
Maria bối rối ,hoang mang ,thưa với sứ thần :”Việc ấy sẽ xẩy ra cách nào,vì tôi không biết đến việc vợ chồng !”(Lc 1,34 ).Thiên sứ đã giải thích cho Maria rằng:”Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà,và quyền năng Đấng tối cao sẽ rợp bóng trên bà,vì thế,Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa “(Lc 1,35 )Sau khi được giải thích về việc thụ thai mà vẫn giữ mình thuộc trọn Thiên Chúa,Maria
dứt khoát nói lời xin vâng:“Vâng,tôi đây là nữ tỳ của Chúa,xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói “(Lc 1,38 ) .Và Ngôi Hai là Chúa Giêsu đã  ngự trị trong lòng Đức Trinh nữ Maria .
Rồi lúc đến ngày sinh con ,Mẹ Maria đã hạ sinh Chúa Giêsu nơi hang đá Bêlem.(Lc 2,7 ) khi hai ông bà Giuse và Maria phải trở về quê quán để khai hộ khẩu theo lệnh của hoàng đế Au-gút-tô (Lc 2,1 ) .Sau đó hai ông bà Giuse và Maria lại phải đem Chúa Giêsu lánh qua nước Aicập để tránh việc tàn sát con trẻ của hoàng đế Hêrôđê cho tới khi Hêrôđê băng hà; hai ông bà Giuse và Maria lại bồng bế Hài nhi Giêsu trở về Nazarét quê nhà. Mẹ Maria đã sống một cuộc đời hết sức âm thầm với Chúa Giêsu và thánh Giuse suốt 30 năm Chúa ở với hai ông bà .Trong ba năm Chúa đi rao giảng và kết nạp các môn đệ ,chúng ta chỉ gặp Đức Mẹ một lần ở tiệc cưới Cana.Lần khác nữa khi Mẹ Maria và vài người bà con đi tìm Chúa Giêsu ,
Chúa đã trả lời :”...Những người nghe và giữ lời Ta giảng dậy,đó là Mẹ và anh em của Ta “(Mc 3,31-35 ) .Một lần nữa ,chúng ta bắt gặp Mẹ Maria đứng dưới chân Thập Giá Chúa Giêsu trên đồi Canvê(Ga 19,25 ).Lần cuối cùng,chúng ta thấy Mẹ Maria và các môn đệ cầu nguyện chung trong nhà tiệc ly để chờ đợi Chúa Thánh Thần (Cv 1,14 ).Rồi sau đó ,có lẽ Đức Mẹ đã theo thánh Gioan đi rao giảng Tin Mừng ở Tiểu Á và đã qua đời ở Êphêsô .
Maria đã sống ẩn dật ,âm thầm nhưng vì Mẹ là Mẹ Đấng cứu thế ,nên muôn đời mọi
thế hệ đều ngợi khen,tung hô Mẹ .
II.      TẠI SAO MẸ LẠI VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI ?
Tội nguyên tổ do hai ông bà tổ tiên Adong và Eva đã truyền lại cho con cháu muôn đời .Riêng Mẹ Maria vì là Mẹ Thiên Chúa,MẹĐấng cứu Thế , Thiên Chúa đã dành cho Người đặc ân vô cùng quí giá ngay khi Người còn đang trong cung lòng bà thánh Anna,vì công nghiệp của Chúa Giêsu Con Mẹ sẽ sinh ra sau này,Thiên Chúa đã gìn giữ Mẹ Maria nguyên tuyền,trinh trắng,không hề mang tì vết :đó là đặc ân vô nhiễm
nguyên tội Thiên Chúa dành riêng cho mình Mẹ mà thôi .
Chính vì thếâ,không một phút,một giây nào trong đời sống ,Đức Mẹ đã phải khuất phục ma quỉ,đã ở trong tình trạng tội lỗi .Dù khi thụ thai ,dù lúc sinh con ,Mẹ Maria luôn thuộc trọn về Chúa ,nghĩa là lúc nào Mẹ cũng đầy tràn ân sủng của Chúa Thánh Thần ,lúc nào Mẹ cũng đầy tràn ân phúc. Mẹ không hề mắc tội dù tội riêng  mình làm vì Thiên Chúa đã tuyển chọn Mẹ , Mẹ phải là Đấng hoàn toàn nhất để xứng đáng làm Mẹ Ngôi Hai làm người .Mẹ là “Evà mới “ như Giáo Hội đã ca tụng Mẹ “
Thiên Chúa đã dọn cho con Ngài một chỗ ở xứng đáng nhờ đặc ân vô nhiễm nguyên tội của Đức Trinh Nữ “. “Mẹ được giữ sạch không vương chút tội lỗi nhờ vào ân sủng do cuộc tử nạn của Chúa Giêsu “.
Đức thánh Cha Piô IX đã long trọng tuyên bố tín điều Mẹ vô nhiễm nguyên tội ngày 8 tháng 12 năm 1854 và chỉ bốn năm sau đó chính Đức Mẹ đã hiện ra với Bernadetta tại Lộ Đức ngày 25 tháng 3 năm 1858 đã xác nhận:”Ta là Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội “.  
III.     ĐẶC ÂN VÔ NHIỄM GIÚP GÌ CHO TA ?
Chúng ta là con cái Đức Mẹ,Một người Mẹ hoàn hảo nhất ,tốt đẹp nhất vì Mẹ luôn trong trắng,luôn tươi xinh ,không một vết tì ố nào có thể làm ô nhiễm tâm hồn Mẹ .
Với đặc ân vô nhiễm nguyên tội,đặc ân được gìn giữ hồn xác vẹn toàn , Mẹ Maria là “Evà mới “, Evà mang sự sống ,chứ không mang cái chết ,chỉ có tội mới đem lại sự dữ, mang lại cái chết cho con người ,còn Mẹ vì là người vẹn toàn được Thiên Chúa ấp ủ,bao bọc như Chúa gìn giữ con ngươi mắt Chúa ,nên Maria đã trở nên mẫu gương trung thành tuyệt đối cho ta về đức trinh khiết Mẹ dành trọn vẹn cho Thiên Chúa .Mẹ trở thành sao mai dẫn lối nhân loại vượt qua cuộc hải hành trần gian  đầy cam go thử thách nhờ lòng tin kiên vững không hề lay chuyển qua lời thưa xin vâng của Mẹ . Maria đã cho ta hiểu qua đặc ân vô nhiễm nguyên tội , Mẹ  bắt nguồn từ chính Thiên Chúa,Đấng nguyên vẹn,ngàn trùng chí Thánh ,Đấng vô cùng chung thủy đối với nhân loại này .

Lạy Mẹ Maria vô nhiễm nguyên tội ,xin cho chúng con hiểu được rằng Chúa đã yêu thương Mẹ ,yêu thương mọi người chúng con và không có việc gì mà Thiên Chúa không làm được .
Xin Mẹ giúp chúng con luôn biết ngước nhìn lên Mẹ dù cuộc đời chúng con có muôn ngàn vấp ngã , để chúng con luôn chỗi dậy và được Mẹ dắt tay chỗi dậy.


Xin Mẹ  giúp chúng con và nhân loại biết bước đi trong vâng phục,tin tưởng và cậy trông như Mẹ đã luôn tuân phục ý Chúa ,làm theo ý Chúa và thực thi Lời Chúa.

Linh mục Giuse Nguyễn hưng Lợi DCCT 

Đức Mẹ vô nhiễm nguyên tội

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

Đức Mẹ Vô nhiễm nguyên tội bởiBartolomé Esteban Murillo, 1678, hiện được trưng bày tại Bảo tàng Prado, Tây Ban Nha.
Đức Maria vô nhiễm nguyên tội là một tín điều dạy rằng Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa không hề bị nhiễm một tội nào, tội nguyên tổ cũng như tội cá nhân, và không vướng một ước muốn bất chính hay dục vọng nào. Tự bản tính, bà đã được giữ sạch khỏi tội nguyên tổ nhưng không có nghĩa là không phải chịu những khuyến khuyết do tội ấy gây ra. Cũng như Đức Giêsu, Đức Maria vẫn có những giới hạn của mình, nhưng những giới hạn này không hẳn là sự bất toàn về mặt luân lý[1].
Maria được biết đến là một người sống cuộc đời bình thường của một con người, phải lao động, phải đau khổ, phải mệt nhọc. Đang khi đó, dục vọng bao hàm khuyến khuyết về mặt luân lý, vì dục vọng có thể đưa con người tới tội lỗi bằng cách khích động những cảm xúc mạnh mẽ của con người, để nó hành động trái ngược với Luật của Thiên Chúa, kể cả khi con người không chính thức làm điều sai trái vì không ưng thuận. Đức Maria được miễn nhiễm khỏi tội riêng khi còn sống; đó là một ân huệ đi đôi với tình trạng nguyên vẹn của bà hay tình trạng không có dục vọng[2].
Đức Maria không mắc tội, điều này có thể được suy ra từ tước hiệu được đề cập trong tin mừng: "đầy ân phúc", các tác giả Công giáo cho rằng nếu đã tràn đầy tình thân với Thiên Chúa thì không thể nào lỗi phạm về mặt luân lý. Thánh Augustinô nói rằng: ta phải loại trừ mọi tội cá nhân ra khỏi Đức Maria vì chính danh dự của Thiên Chúa".
Suốt dọc chiều dài lịch sử, Hội Thánh đã nhận thức rằng Ðức Maria, vì được Thiên Chúa ban cho "đầy ơn phúc" (Lc l, 28), nên được cứu chuộc ngay từ lúc thụ thai. Ðó là nội dung tín điều Vô Nhiễm Nguyên Tội do Giáo hoàng Piô IX công bố năm 1854.
Sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo viết:
Ðức Trinh Nữ Diễm Phúc Maria, đã được gìn giữ khỏi mọi tỳ ố nguyên tội ngay từ lúc thụ thai, do ân sủng và tình thương đặc biệt của Thiên Chúa toàn năng, nhờ công nghiệp của Ðức Giêsu Kitô Ðấng Cứu Ðộ loài người (DS 2803). Mẹ có được "sự thánh thiện tuyệt vời có một không hai" "ngay từ lúc tượng thai" hoàn toàn là do Ðức Ki-tô: Mẹ đã "được cứu chuộc cách kỳ diệu nhờ công nghiệp Con Mẹ". Hơn bất cứ thụ tạo nào khác, Chúa Cha đã thi ân giáng phúc, cho Mẹ "hưởng muôn vàn ân phúc của Thánh Thần, từ cõi trời, trong Ðức Ki-tô". Người "đã chọn Mẹ trong Ðức Ki-tô, trước cả khi tạo thành vũ trụ, để trước thánh nhan Người, trở nên tinh tuyền thánh thiện, nhờ tình thương của Người".
Các Giáo phụ Ðông Phương gọi Mẹ Thiên Chúa là Ðấng Rất Thánh (Panaghia) và tôn vinh Mẹ là "Ðấng không hề vương nhiễm một tội nào, như một thụ tạo mới do Chúa Thánh Thần nắn đúc và tác tạo" (x. LG 56). Nhờ ân sủng Thiên Chúa, Ðức Maria suốt đời vẫn tinh tuyền không hề phạm tội riêng nào[3]

Tin Mừng Lc 5, 17-26 CHÚA CẤT GÁNH NẶNG TÂM HỒN.

Thứ Hai Tuần II Mùa Vọng Năm C
BÀI ĐỌC I:  Is 35, 1-10
"Chính Thiên Chúa sẽ đến và cứu thoát các ngươi".
Trích sách Tiên tri Isaia.
Sa mạc và hoang địa hãy vui mừng, đồng cỏ hoang hãy hoan hỉ và nở hoa;  hãy nở hoa như cây thuỷ tiên, hãy tràn đầy hân hoan và niềm vui! Hoang địa sẽ được vinh quang của núi Liban, và vẻ tráng lệ của Carmel và Saron. Chính họ sẽ được thấy vinh quang của Chúa, và vẻ tráng lệ của Thiên Chúa chúng ta.
Hãy nâng đỡ những bàn tay mỏi mệt, và hãy làm vững mạnh những đầu gối rã rời. Hãy nói với những tâm hồn xao xuyến: Can đảm lên, đừng sợ! Này đây Thiên Chúa các ngươi đến để phục thù. Chính Người sẽ đến và cứu thoát các ngươi.
Bấy giờ mắt người mù sẽ sáng lên, và tai người điếc sẽ mở ra. Bấy giờ người què sẽ nhảy nhót như nai, và người câm sẽ nói được, vì nước sẽ chảy lên nơi hoang địa, và suối sẽ chảy nơi đồng vắng. Đất khô cạn sẽ trở thành ao hồ, và hoang địa sẽ trở nên suối nước. Hang dã thú nơi chó rừng ẩn náu sẽ trở thành vườn lau vườn sậy.
Nơi ấy sẽ có những con đường người ta sẽ gọi là thánh lộ, không tội nhân nào được qua đường đó; đường này sẽ thuộc về các ngươi, và những kẻ ngây thơ sẽ không lạc lối. Đường ấy sẽ không có vết chân sư tử, và không ác thú nào đi trên đường này, chỉ những kẻ được giải phóng đi trên đó thôi. Những kẻ được Chúa cứu thoát sẽ trở về, và vào thành Sion với lời ca vang, cùng với triều thiên hân hoan trên đầu họ. Họ sẽ được niềm vui và hoan hỉ; họ không còn đau khổ và than van.  Đó là lời Chúa..
Tin Mừng Lc 5, 17-26
Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Ngày ấy, Chúa Giêsu đang ngồi giảng, có cả những người biệt phái và tiến sĩ luật từ các làng mạc xứ Galilêa, xứ Giuđêa và Giêrusalem đến nghe Người, và Người dùng quyền lực của Thiên Chúa chữa nhiều người. Người ta khiêng một người bất toại đến, họ tìm cách vào nhà để đặt người bất toại trước mặt Người. Nhưng không tìm được lối vào, vì dân chúng quá đông, họ liền trèo lên sân thượng và thả người bất toại xuống giữa cử toạ trước mặt Chúa Giêsu. Thấy lòng tin của họ, Người nói: "Hỡi người kia, tội ngươi đã được tha!"
Các luật sĩ và biệt phái bắt đầu lý luận rằng: "Người này là ai mà dám nói phạm thượng?  Trừ một mình Chúa, ai có quyền tha tội?" Chúa Giêsu biết rõ điều họ suy tính, liền nói với họ: "Sao các ngươi lại nghĩ trong lòng như vậy? Nói rằng: 'Các tội của ngươi đã được tha', hay nói: 'Ngươi hãy đứng dậy mà đi', đàng nào dễ hơn? Song (như thế là) để các ngươi biết Con Người có quyền tha tội ở dưới đất". Người nói với người bất toại rằng: "Ta bảo ngươi, hãy chỗi dậy vác giường về nhà".
Tức thì anh ta chỗi dậy vác giường đi về nhà và ca tụng Thiên Chúa. Ai nấy đều sợ hãi và ngợi khen Thiên Chúa; họ kinh sợ và nói: "Hôm nay chúng ta đã thấy những việc lạ lùng". Đó là lời Chúa.

(thanhlinh.net)
CHÚA CẤT GÁNH NẶNG TÂM HỒN
“Này anh, anh đã được tha tội rồi… Ở dưới đất này, Con Người có quyền tha tội.” (Lc 5,20.24)
Suy niệm: Cuộc đời mỗi người đều phải mang vác nhiều gánh nặng: gánh nặng gia đình, công việc, bệnh tật... Nhưng khủng khiếp nhất chính là gánh nặng của tội lỗi. Được sinh ra giống hình ảnh Thiên Chúa; nhưng rồi con người đã sa ngã và nhận ra mình trong thân phận tội nhân! Ánh nhìn của Thiên Chúa đã đi theo Ca-in đến cùng trời cuối đất, cào cứa lòng anh… Nhưng Thiên Chúa vẫn yêu thương, thứ tha, và cứu độ con người nơi Đức Giê-su Ki-tô, Đấng đã đến để chữa lành thương tích cả thể xác lẫn tâm hồn người ta. Trong Bí Tích Hoà Giải, gánh nặng tội lỗi nơi tôi được giải phóng – không phải như một tấm áo bẩn được giặt sạch, nhưng như một tấm áo mới tinh được ban tặng cho tôi. Sự thứ tha của Thiên Chúa là một cuộc ‘sáng tạo lại’! Với con người, tha có nghĩa là bỏ qua song có thể vẫn còn ‘lưu hồ sơ’ để nhớ; còn đối với Thiên Chúa, tha nghĩa là quên luôn, cơ hồ chưa từng xảy ra vấn đề gì. Gánh nặng được cất đi hoàn toàn trong tâm hồn tôi, và tôi tìm lại được sự bình an trọn vẹn!
Mời Bạn: Lòng bạn có đang bị đè nặng bởi điều gì không? Hãy tìm lại niềm an bình sâu xa trong Bí Tích Hòa Giải – như một sự chuẩn bị căn bản nhất để mừng Lễ Chúa Giáng Sinh sắp tới.
Chia sẻ: Tâm trạng của bạn khi vừa qua khỏi một cơn bạo bệnh hay sau khi xưng tội và lãnh nhận ơn thứ tha?
Sống Lời Chúa: Tích cực cảm thông, chia sẻ và nâng đỡ những người bệnh tật thể lý cũng như trong tâm hồn.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin chữa lành mọi thương tích trong tâm hồn con, và ban lại cho con niềm bình an sâu xa của con cái Chúa. Amen.
(5 Phút Lời Chúa)