Thứ Năm, 28 tháng 12, 2017

Thứ sáu ngày 29.12.2017



 
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Luca (Lc 2: 22-35)

Khi mãn thời hạn thanh tẩy theo Luật Môisê, ông bà đem Chúa Giêsu lên thành Giêrusalem, để dâng cho Chúa, như đã viết trong lề luật Chúa rằng: “mọi con trai đầu lòng sẽ được gọi là của thánh dâng cho Thiên Chúa”, và việc dâng lễ vật như đã nói trong lề luật Chúa là một cặp chim gáy hoặc hai bồ câu con. Và lúc đó, tại Giêrusalem có một người tên là Simêon, là người công chính và có lòng kính sợ Chúa, đang mong đợi niềm an ủi Israel, có Thánh Thần ở trong ông. Ông được Thánh Thần mách bảo là sẽ không thấy giờ chết đến, trước khi thấy Đấng Kitô của Chúa. Được Thánh Thần thúc giục, ông vào đền thờ. Khi cha mẹ bồng trẻ Giêsu đến, để thi hành cho Người các nghi thức theo luật dạy, thì ông ẵm lấy Người trên cánh tay mình, và chúc tụng Thiên Chúa rằng: “Lạy Chúa, bây giờ Chúa để cho tôi tớ Chúa đi bình an, theo như lời Chúa. Vì chính mắt tôi đã thấy ơn cứu độ mà Chúa đã sắm sẵn trước mặt muôn dân. Ánh sáng đã chiếu soi các lương dân. Vinh quang cho Israel dân Chúa”. Cha mẹ Người đều kinh ngạc về những điều đã nói về Người. Simêon chúc lành cho hai ông bà và nói với Maria mẹ Người rằng: “Đây, trẻ này được đặt lên khiến cho nhiều người trong Israel phải sụp đổ hay được đứng dậy, và cũng để làm mục tiêu cho người ta chống đối. Về phần bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn bà, để tâm tư nhiều tâm hồn được biểu lộ”.

Suy niệm

Câu chuyện Tin Mừng mà chúng ta lắng nghe hôm nay thuật lại sự kiện Đức Maria và Thánh Giuse dâng Chúa Giêsu vào đền thờ Giêrusalem theo luật truyền, và nơi đó họ đã gặp cụ già Simêon. Qua những nhân vật trong câu chuyện này, chúng ta có thể hiểu rõ hơn đâu là những đặc tính của người Kitô hữu đích thực:

- Người Kitô hữu đích thực luôn tìm thấy niềm vui và bình an nơi việc chu toàn những bổn phận trong đời sống đức tin của mình. Qua Tin Mừng, chúng ta nhận thấy Đức Maria và Thánh Giuse thật sự là những người Do Thái đạo đức khi họ trung thành tuân giữ tất cả những điều luật quy định. Có thể nói, đối với những người sống niềm tin nhiệt thành thì các điều răn hay giới luật hoàn toàn không phải là gánh nặng.

- Người Kitô đích thực luôn để cho Chúa Thánh Thần hướng dẫn. Tiên tri Simêon là người được “Thánh Thần hằng ngự trên ông”. Chính nhờ để cho Thánh Thần linh báo và thúc đẩy mà ông đã vào đền thờ đúng lúc cha mẹ Hài Nhi đem con tiến dâng cho Chúa. Nhờ đó, ông đã được như lòng sở nguyện là được nhìn thấy Đấng Cứu Độ mà ông hằng mong chờ.

- Người Kitô hữu đích thực còn là người luôn nhiệt thành giới thiệu Chúa cho tha nhân. Lời tiên báo của cụ già Simêon minh chứng rằng Chúa Giêsu là “ánh sáng soi đường cho dân ngoại, là vinh quang của Israel...”. Quả thật, một người luôn sống trong tình yêu Chúa qua việc tuân giữ giới răn của Ngài và luôn để cho Thánh Thần Chúa hướng dẫn, nhất định sẽ được thúc đẩy để mang Chúa đến cho anh chị em mình.

Lạy Chúa Giêsu, chúng con cảm tạ Chúa đã cho chúng con được vinh dự trở nên những thành viên trong gia đình Giáo Hội của Chúa. Xin cho chúng con không chỉ mang danh là Kitô hữu những luôn nỗ lực sống đúng căn tính của mình, nhờ đó góp phần mang Tin Mừng của Chúa đến cho muôn người. Amen.
GKGĐ Giáo Phận Phú Cường 

 HÃY TẬP NHÌN NHƯ CỤ SIMEON

 

 Lời Chúa hôm nay tiếp tục mặc khải cho thấy cùng với việc sinh ra như con người, Đức Giêsu-Kitô, Con và là Ngôi Lời Thiên Chúa làm người, trong cùng lúc vừa là Ân Sủng Sự Sống tình yêu vĩnh hằng vừa là ân sủng mang lại Sự Sống tình yêu vĩnh hằng, và Sự Sống tình yêu vĩnh hằng nầy lại chính là Ánh Sáng cho toàn thể nhân loại (Ga 1, 3b), như được phản ảnh, trước tiên, trong 1 Ga 2, 3-11 : ở đây, cho thấy sẽ là đồng nghĩa khi nói “ở trong Đức Giêsu-Kitô” hay “ở trong Ánh sáng” hay “ở trong Sự Sống” hay “ở trong Thiên Chúa-Tình Yêu.

Một đàng, cho thấy Đức Giêsu-Kitô chính là “ơn cứu độ Chúa đã dành sẵn cho mụôn dân và là ánh sáng soi đường cho dân ngoại”(Lc 2, 30-32); đàng khác, cho thấy Đức Maria, Thánh Giuse, ông Simêon là những người đầu tiên được hưởng ân sủng nầy, nhờ sống và vâng theo “theo Luật Chúa truyền” (Lc 2, 24)…

Theo truyền thống tôn giáo Do thái, mọi con trai đầu lòng thuộc về Thiên Chúa và phải dâng hiến cho Ngài. Là người tôn trọng Lề luật Chúa, Đức Maria và thánh Giuse đem Hài nhi Giêsu vào Đền thờ để dâng hiến cho Thiên Chúa. Điều đáng tiếc là không một ai trong số những vị lãnh đạo Do thái đã nhận ra Hài Nhi Cứu Thế để đón tiếp, nhưng chỉ những người nghèo, sống đời công chính như tiên tri Simêon và bà Anna đã được phúc để nhận ra Hài nhi Giêsu là Đấng Cứu Độ. Họ rất hạnh phúc và không ngớt lời ca ngợi Thiên Chúa qua bài ca chúc tụng Nunc Dimittis “Muôn Lạy Chúa”.

Đức Mẹ và Thánh Giuse đem Chúa Giêsu hài nhi lên đền thờ Giêrusalem để tiến dâng cho Thiên Chúa theo luật ông Môsê truyền dạy.

Trong dịp may hiếm có này, ông Simêon là người công chính và có lòng kính sợ Chúa; Ông đến đền thờ và gặp gỡ Chúa Giêsu; lòng ông vui mừng nhận ra hài nhi Giêsu là Chúa Cứu Thế; ông tạ ơn Chúa vì đã được bồng ẵm Chúa trên cánh tay của mình; Ông rất mãn nguyện và hạnh phúc, thốt lên:

"Lạy Chúa, bây giờ Chúa để cho tôi tớ Chúa đi bình an, theo như lời Chúa. Vì chính mắt con đã thấy ơn cứu độ mà Chúa đã sắm sẵn trước mặt muôn dân, là ánh sáng đã chiếu soi các lương dân, và vinh quang của Israel dân Chúa".

Chúa Thánh Thần soi sáng của cụ già Si-mê-on về Hài Nhi Giê-su. Nhìn một trẻ thơ, cụ đã thấy những điều trọng đại. Qua dáng vẻ nhỏ bé tầm thường yếu ớt của Hài Nhi, cụ đã nhận ra ánh sáng soi đường cho dân ngoại, vinh quang của Ít-ra-en dân Chúa. Và cụ còn có cái nhìn xuyên thấu thời gian, để thấy trước Hài Nhi phải trải qua tăm tối của sự chống báng, phải bị đâm thâu bởi lưỡi gươm của đau khổ trước khi trở nên ánh sáng và vinh quang đem ơn cứu độ cho dân của Thiên Chúa.

Cụ Si-mê-on tuổi đã cao, mắt đã mờ, nhưng kỳ diệu thay, lại nhìn thấy đôi vợ chồng nghèo hèn chỉ có một cặp bồ câu để làm của lễ kia đang “sở hữu” một kho tàng vô giá là Đấng Cứu Thế; nhìn thấy Hài Nhi bé bỏng kia chính là Đấng Ki-tô của Thiên Chúa. Sở dĩ thế, vì “ông là người công chính và sùng đạo…, Thánh Thần hằng ngự trên ông… Thánh Thần thúc đẩy ông lên đền thờ”, nói cách khác vì ông tiếp cận với thế giới thần linh, mắt ông được huấn luyện trong bầu khí đạo đức, thánh thiện, trong sạch, nên cũng nhạy cảm để nhìn xuyên qua dáng vẻ bên ngoài. Quả là “gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”. Một người sống gần với Chúa thì sẽ dễ cảm ứng sự thánh thiện; ngược lại, một người chỉ biết sống với thế gian, sẽ dễ xử sự theo cách thế gian.

Cụ Simêon nói về Con Trẻ là Đấng cứu độ của muôn dân, là ánh sáng soi cho lương dân, và đặc biệt, Con Trẻ sẽ phải chịu  nhiều đau khổ thử thách:

"Ðây trẻ này được đặt lên, khiến cho nhiều người trong Israel phải sụp đổ hay được đứng dậy, và cũng để làm mục tiêu cho người ta chống đối.”

 Chúa Giêsu là Đấng muôn dân trông đợi. Tiêu biểu cho lòng mong đợi của dân Israel chính là ông Simêon. Vì tin vào Con Trẻ là Đấng thiên sai và lòng ông hằng khao khát gặp Chúa Cứu Thế, nên ông đã gặp được Chúa, được bồng ẵm Chúa. Lòng ông hân hoan vui mừng.

Chúng ta đang trong những ngày bát nhật mừng Chúa Giáng Sinh. Chúng ta hãy đến hang đá chiêm ngắm Chúa Hài Nhi và gặp gỡ Ngài.

Chúa Giêsu là ánh sáng, là Đấng ban ơn cứu độ cho nhân loại. Để tất cả chúng ta đón nhận được ơn cứu độ của Chúa, chúng ta cần phải có đức tin mạnh mẽ.

Tin vào Chúa Cứu Thế, mỗi người chúng ta mới gặp gỡ được Ngài, và chúng ta sẽ vui mừng hân hoan, vì Ngài đã giáng sinh cho chúng ta, và tỏ bày tình thương của Ngài cho chúng ta. Qua Lời Chúa phán dạy, Chúa soi sáng cho chúng ta thánh ý của Ngài, chân lý của Tin Mừng và ơn cứu độ cho muôn dân. Qua bí tích Thánh Thể, Chúa trao ban sự sống của Ngài cho chúng ta.

Gương sống của cụ Simêon thật đáng để chúng ta noi theo: cụ chờ đợi Chúa không chỉ một vài “mùa Vọng” nhưng là suốt cuộc đời; cuộc đời công chính và sùng đạo, cụ để cho Chúa Thánh Thần hằng ngự và dẫn dắt; điều đặc biệt nữa đó là, cụ tin vào lời Thánh Thần linh báo. Và đến cuối đời, cụ đã được phần thưởng xứng đáng là ẵm Chúa Hài Đồng. Cụ đã thấy ơn cứu độ và chỉ xin được an bình ra đi.

Ta hãy như cụ Simeo tập nhìn bằng cặp mắt thiêng liêng để khám phá bao điều kỳ diệu: thấy hình ảnh Thiên Chúa nơi một người kém cỏi tầm thường, có khi là người “tội lỗi” nữa là khác; nhận ra thánh ý Thiên Chúa nơi những biến cố xảy đến cho ta, có khi trái ý ta nữa là khác; để rồi biết chúc tụng Thiên Chúa như Si-mê-on, biết nhìn người nhìn đời trong đức tin và đức ái.

Vì thế, chúng ta hãy vui mừng vì gặp được Chúa, đón nhận Chúa, yêu mến Chúa và sống sự sống của Ngài trao ban cho chúng ta.

Trong tâm tình đó, chúng ta hãy dâng lời cảm tạ tình thương của Thiên Chúa. Chúng ta hãy đến và thờ lạy Chúa Hài Nhi và kết hiệp với Ngài qua mầu nhiệm Thánh Thể mỗi ngày trong Thánh lễ Misa.

Lời Chúa hôm nay khơi lên trong chúng ta tâm tình biết ơn và cảm tạ. Qua bí tích Rửa tội, chúng ta được trở nên những người con trong đại gia đình của Thiên Chúa. Không dừng lại ở đó, qua bí tích Thánh Thể, không những chúng ta được chiêm ngắm, đụng chạm đến Chúa như tiên tri Simêon xưa, mà còn được diễm phúc rước chính Đấng Cứu Độ vào tâm hồn mình.


Huệ Minh
Lc 2,22-35
 Lời Chúa:
“Vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ, Chúa đã dành sẵn cho muôn dân…” (Lc 2,30-31)
Câu chuyện minh họa:
Nhà hoạ sĩ Holman Hunt vẽ bức hoạ “ánh sáng thế giới” diễn tả Chúa Giêsu đứng trước ngôi nhà trong một quang cảnh buổi tối. Tay trái Chúa cầm đèn dầu, tay phải đang gõ lên cánh cửa đóng kín của căn nhà.
Khi bức tranh họa được trưng bày, nhiều người yêu chuộng nghệ thuật đến thưởng lãm, khen ngợi. Một người trong những người xem tranh đã lên tiếng:
Này hoạ sĩ, bức vẽ chưa xong. Vì cánh cửa căn nhà không có nắm tay cầm để mở cửa.
Nhà họa sĩ trả lời:
Đó là cánh cửa của trái tim con người. Cánh cửa đó chỉ mở được từ phía trong thôi."
Suy niệm:
Con Thiên Chúa đã đến trong trần gian nhưng có mấy ai nhận biết. Cụ già Simêon là người công chính và sùng đạo nên đã nhận ra Ngài chính là “ánh sáng soi đường cho dân ngoại là vinh quang của Israel”. Ông thật có phúc vì được tận mắt nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa trước khi lìa đời, có lẽ vì ông là người hằng khao khát gặp Chúa, ăn ở ngay lành và sống công chính thánh thiện…, có sự thân thiện với Thiên Chúa qua đời sống tâm linh.
Mỗi Kitô hữu ngày nay muốn nhận ra Chúa, chúng ta cũng cần phải biết sống cuộc đời công chính, ước ao được gặp Chúa, lắng nghe tiếng nói của Chúa Thánh Thần, biết mở lòng mình ra, để Người soi sáng cho chúng ta nhận ra ánh sáng của ơn cứu độ.
Lạy Chúa, Chúa hiện diện dưới muôn ngàn dáng vẻ, qua nhiều cảnh đời, nơi những người đang cần đến con… Xin cho con nhận ra Chúa đang ở rất sâu trong tâm hồn con, để trong mọi biến cố buồn vui của đời thường Chúa luôn là đấng song hành cùng con.
                                         Mt 2,13-18
Câu chuyện minh họa:
Một hôm, Đức Ala gọi một thiên sứ đến và truyền lệnh: “Ngươi hãy xuống trần gian để đưa về đây người đàn bà góa có bốn đứa con thơ”.
Thiên sứ ra đi. Ngài gặp người đàn bà góa đang cho đứa con nhỏ nhất bú. Ngài nhìn người đàn bà với bốn đứa con dại, rồi lại lên Đức Ala để tha thiết như xin rút lại lệnh truyền. Làm sao có thể nhẫn tâm tách biệt người mẹ khỏi những đứa con thơ ấy? Nhưng ánh mắt van xin của sứ thần chẳng được mảy may chút nào. Cuối cùng, sứ thần đành phải vâng lệnh Đức Ala mà cướp người mẹ góa khỏi bầy con thơ và đem về trời.
Hoàn thành công tác, nhưng xem chừng vị sứ thần lại có vẻ buồn, phải vui làm sao được trước cảnh chia ly giữa mẹ và con. Thấy sứ thần buồn, Đức Ala mới gọi đến và đưa vào giữa sa mạc. Ngài chỉ cho sứ thần thấy một tảng đá lớn và bảo đập nó ra.
Tảng đá vừa vỡ, sứ thần ngạc nhiên vô cùng, vì từ trong lòng tảng đá một con sâu nhỏ từ từ bò ra. Chợt hiểu được ý nghĩa của sự kiện ấy, sứ thần bỗng thốt lên:
- Ôi! Lạy Đấng tối cao, mầu nhiệm thay công cuộc sáng tạo của ngài. Với sự khôn ngoan thượng trí và tình yêu vô biên, ngài đã không bỏ mặc một tạo vật bé nhỏ như con sâu kia, thì hẳn ngài cũng sẽ không quên được bốn đứa trẻ mồ côi là con cái của ngài.
Suy niệm:
Các thánh anh hài đã dùng cái chết để đáp lại tình yêu cao cả của Đấng Tạo Dựng. Dù các ngài còn thơ bé, nhưng Chúa đã cho các ngài góp tay vào công việc cứu thế của Người. Máu của các ngài đổ ra để minh chứng cho Chúa Giêsu là Đấng hoàn toàn vô tội. Mỗi người chúng ta được dựng nên đều nằm trong chương trình yêu thương và quan phòng của Chúa. Nên mỗi người chúng ta cũng cần phải có những hy sinh để dâng cho Chúa và làm chứng cho Tin mừng của Ngài trong thế giới hôm nay.
Lạy Chúa, xin cho chúng con cảm nhận được rằng: Qua những đau khổ, những mất mát, Ngài đang nhào nặn nó để biến những đắng cay chua xót ấy thành ân phúc cho chúng con.

Thứ Tư, 27 tháng 12, 2017

LỄ KÍNH CÁC THÁNH ANH HÀI, TỬ ĐẠO 28.12.2107




 

                      Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Mátthêu (Mt 2: 13-18)

Khi các đạo sĩ ra đi, Thiên Thần Chúa hiện ra với ông Giuse trong lúc ngủ và bảo ông: “Hãy thức dậy, đem hài nhi và mẹ Người trốn sang Ai Cập, và ở đó cho tới khi tôi báo lại ông: vì Hêrôdê sắp sửa tìm kiếm hài nhi để sát hại Người”. Ông thức dậy, đem hài nhi và mẹ Người lên đường trốn sang Ai Cập đang lúc ban đêm. Ông ở lại đó cho tới khi Hêrôdê băng hà, hầu làm trọn điều Chúa dùng miệng tiên tri mà phán rằng: “Ta gọi Con ra khỏi Ai Cập”. Bấy giờ, Hêrôdê thấy mình bị các đạo sĩ đánh lừa, nên nổi cơn thịnh nộ và sai quân đi giết tất cả con trẻ em ở Belem và vùng phụ cận, từ hai tuổi trở xuống, tính theo thời gian vua đã cặn kẽ hỏi các đạo sĩ. Thế là ứng nghiệm lời tiên tri Giêrêmia đã nói: “Tại Rama, người ta nghe những tiếng khóc than nức nở, đó là tiếng bà Rakhel than khóc con mình, bà không chịu cho người ta an ủi bà, vì các con bà không còn nữa”.

Suy niệm

Mừng lễ các thánh anh hài, những em bé đã chết vì sự ghen tương của Hêrôđê với một “vị Vua” mới mà ông được biết là vừa được sinh hạ trong thành Belem. Hêrôđê sợ rằng ngài vàng của mình sẽ bị vị Vua mới sinh thâu tóm, và vì không biết chính xác vị Vua mới sinh ấy là ai, nên ông đã ra lệnh để cho thuộc hạt tàn sát tất cả các trẻ nhỏ trong vùng tính từ 2 tuổi đổ xuống. Và thế là các trẻ thơ vô tội đã chết vì lòng ghen tương và đam mê quyền lực của Hêrôđê. Và các trẻ ấy đã được gọi là thánh Anh Hài, những trẻ thơ đã chết thay cho Chúa Giêsu năm xưa.

Mừng kính các thánh Anh Hài, những trẻ thơ vô tội đã chết vì Chúa, Giáo Hội muốn mời gọi chúng ta cần biết trân trọng quà tặng sự sống mà Thiên Chúa ban cho con người. Hãy đừng vì tính ích kỷ và lòng ghen tương mà tước đi mạng sống của người khác, nhất là của những trẻ thơ vô tội.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, tại Việt Nam, mỗi năm cả nước có khoảng 250.000-300.000 ca phá thai được báo cáo chính thức. Trong đó, tổ chức Y tế thế giới (WHO) xếp Việt Nam vào danh sách một trong năm nước có tỷ lệ phá thai cao nhất thế giới và là nước có tỷ lệ phá thai cao nhất Châu Á (Báo Pháp luật ngày 29/6/2017). Báo cáo này cho chúng ta thấy một con số rất lớn “các anh hài” thời nay đã chết vì tính ích kỷ của con người, nhất là của chính cha mẹ chúng.

Phá thai không chỉ là một tội trọng phá vỡ tương quan tình yêu của chúng ta với Thiên Chúa, người phạm tội phá thai còn mặc một hình phạt do Giáo Hội ấn định đó là mắc vạ tuyệt thông tiền kết. Nghĩa là những ai thực thi việc phá thai có kết quả thì mắc vạ này. Người mắc vạ tuyệt thông không được tham dự cuộc cử hành hiến tế Thánh Thể và mọi nghi thức phụng vụ với tư cách thừa tác viện và không được cửa hành các bí tích hay á bí tích và lãnh nhận các bí tích (GL đ. 1331). Do đó, người phạm tội phá thai không chỉ cần lãnh nhận bí tích Giao Hoà, nhưng còn phải xin ơn xoá vạ do tội mình đã phạm.

Lạy Chúa, ngày xưa các thánh Anh Hài đã chết chỉ vì sự ghen tương độc ác, nhưng hôm nay biết bao trẻ thơ vô tội lại chết vì sự ích kỷ của chúng con. Xin Chúa ban ơn hoán cải và trợ giúp để chúng con biết mở lòng ra trân trọng đón nhận và yêu quí quà tặng sự sống mà Chúa bạn cho chúng con. Amen.

Thứ tư ngày 27.12.2017


Dù bạn là ai, nếu bạn nhìn lại và tự thấy đời mình chưa thật sự bình an và hạnh phúc, nếu bạn nhìn nhận mình còn cần học sống, học làm người, thì Thầy Giê-su sẵn sàng giúp bạn đó. Miễn phí. Và bí quyết của Thầy là hiền lành và khiêm nhường.

                  GIOAN : NGƯỜI MÔN ĐỆ CHÚA YÊU

 


 
                       Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Gioan (Ga 20: 2-8)
 
Ngày thứ nhất trong tuần, Maria Madalena chạy đến gặp Simon Phêrô và môn đệ khác mà Chúa Giêsu yêu; bà nói: “Người ta đã lấy xác Chúa khỏi mộ rồi, chúng tôi không biết họ để đâu”. Bấy giờ Phêrô ra đi với môn đệ kia đến mộ. Cả hai cùng chạy, nhưng môn đệ kia chạy nhanh hơn Phêrô và đến mộ trước ông. Cúi nhìn vào, người môn đệ đó thấy tấm khăn liệm xác hãy còn, nhưng không vào. Bấy giờ, Simon Phêrô theo sau cũng đến, và đi vào trong mộ, thấy khăn liệm xác còn đó, và khăn che mặt để trên phía đầu Người, không để chung với khăn liệm xác, nhưng đã cuốn riêng để vào một chỗ. Bấy giờ môn đệ đã đến trước cũng vào, ông đã thấy và đã tin.

Suy niệm

Hôm nay, Mẹ Giáo Hội mừng kính lễ thánh Gioan, vị tông đồ được Chúa yêu mến nhất. Gioan tông đồ được Chúa yêu thương là vì ông luôn sát cánh bên Chúa. Chúng ta có thể thấy điều này trong các trình thuật Tin Mừng. Gioan luôn ở cạnh Chúa như được mô tả trong bữa tiệc ly “ông đã ngã đầu vào lòng Chúa”. Gioan đã không bỏ Chúa trên đường khổ giá. Gioan đã theo Chúa đến tận đồi Gôlgôtha và đã chứng kiến giấy phút Chúa sinh thì. Chính tình yêu là động lực để Gioan luôn yêu mến và ở lại bên cạnh Chúa. 

Trang Tin Mừng của ngày lễ hôm nay còn giải thích cho chúng ta hiểu điều ấy. Quả thế, người ta không chạy khi người ta có thể nhẩn nha bước đi. Người ta chỉ chạy khi có một áp lực từ bên ngoài hay từ bên trong mình. Nghĩa là, người ta chỉ chạy khi người ta cảm thấy cần phải,… chạy! Gioan đã mau mắn chạy đến mộ Chúa khi hay tin ai đó đã lấy xác Chúa. Gioan đã chạy không phải vì ông trẻ khoẻ hơn Phêrô, nhưng Gioan đã chạy vì trong lòng ông có một sự thúc giục mạnh mẽ. Gioan thấy cần phải chạy thật nhanh, để xem thực hư thế nào về chuyện mộ trống rỗng và xác Thầy Giêsu không còn đó. Sự thúc giục ấy chính là tình yêu. Gioan yêu mến Chúa tha thiết, vì ông biết mình là “người môn đệ Chúa yêu”.

Chúng ta có thể đo lường lòng mến của mình đối với Chúa Giêsu khi chúng ta xét lại tương quan tình yêu mà chúng dành cho Chúa. Chúng ta có ‘chạy’ tìm Chúa hay không khi lỡ lạc mất Chúa. Chúng ta có thể xét xem lại cường độ tình yêu chúng ta dành cho Chúa thế nào khi chúng ta tuân giữa những điều Chúa dạy như chuyên chăm tham dự thánh lễ, rước lễ và cầu nguyện. Chúng ta có thể xem xét lại cường độ tình yêu chúng ta dành cho Chúa lớn hay nhỏ khi qua việc xem xét lại chúng ta có cảm nhận được Chúa thúc giục để ‘chạy’ đến gặp Chúa nơi những anh chị em bé mọn nhất ở chung quanh đời mình hay không.

Hình ảnh Gioan ‘chạy’ ra mộ Thầy cho thấy trong trái tim người môn đệ Chúa luôn có một ngọn lửa bùng cháy là tình yêu. Là người môn đệ của Chúa hôm nay, chúng ta có thể nhẩn nha bước đi hay thậm chí có thể bình chân như vại vì quá ‘dư thời giờ’ được không?

Lạy Chúa, xin cho con biết yêu Chúa bằng cả trái tim, thể hiện nơi sự tận tình khi cầu nguyện cũng như khi thi hành sứ vụ loan báo Tin Mừng. Xin đốt nóng trong con ngọn lửa tình yêu của Chúa. Amen.
Hôm nay Giáo Hội mừng kính Thánh Gioan Tông Đồ, “người môn đệ Đức Giêsu thương mến” và là tác giả sách Tin Mừng thứ IV. Trong Tin mừng này, thánh nhân đã đọc lại các biến cố cuộc đời Chúa Giêsu dưới ánh sáng đức tin. Qua sự kiện ngôi mộ trống, ngài đã đi từ cái “thấy” bằng đôi mắt thể lý đến cái “thấy” bằng đôi mắt đức tin. Từ “ngôi mộ không còn xác Thầy”, thánh Gioan đã tin rằng Thầy mình đã sống lại.

Dưới ánh sáng đức tin chúng ta nhận ra bàn tay Thiên Chúa đang ôm ấp, chở che, nâng niu và dẫn dắt chúng ta từng bước trên đường sự thật để đến sự sống.

Gioan cũng được kêu gọi như bao nhiêu người khác, đang vá lưới cùng với anh và cha là Giêbêđê thì hai anh em được kêu gọi trở thành kẻ chài lưới người. Hai người đã từ giã cha mà đi theo Ngài. Ông cũng không phải là kẻ ôn nhu nhưng là kẻ nóng nảy và được biệt danh là con của "sấm sét" được gán cho hai anh em khi hai người xin lửa bởi trời thiêu đốt dân thành Samaria, vì họ không chịu tiếp đón Chúa Giêsu.

Chúa Giêsu đã quở trách hai ông và có lẽ nhờ vào lời quở trách này mà Gioan biết nhìn vào Chúa Giêsu hơn, vì Ngài là Ðấng đến để cứu chữa chứ không phải để trừng phạt. Càng nhìn vào Chúa Giêsu, Gioan lại càng yêu mến Ngài hơn. Nhưng rồi sau khi đã thưa được trước chén đắng Ngài trao cho thì Gioan đã sẵn sàng cất bước theo Ngài trên con đường tử nạn. Dù rằng lúc này quanh ông chỉ còn đầy những khuôn mặt sát khí muốn giết chết cả Thầy lẫn trò, nhưng Gioan vẫn kiên trung theo Thầy dù các bạn đồng môn đã bỏ trốn và người anh cả Phêrô đã chối Thầy.

Tin mừng hôm nay trình thuật cho chúng ta thấy hình ảnh vị tông đồ được Đức Giê-su thương mến – tông đồ Gioan – đầy tình yêu, sự nhanh nhẹn, năng nổ và nhiệt huyết. Những yếu tố đó đã khiến cho vị tông đồ trẻ khi nghe nói: “Người ta đã lấy mất xác thầy!” thì liền tức tốc cùng với tông đồ trưởng chạy ra mộ. Tuy nhiên, vị tông đồ trẻ cũng thật dễ thương trong thái độ khiêm tốn, biết kính trọng cương vị của tông đồ trưởng Phê-rô nên cho dù chạy tới trước, ngài vẫn biết khép mình để cho huynh trưởng bước vào rồi mới vào theo sau.

Cả hai tông đồ Phê-rô và Gioan đều thấy - Họ đã thấy những gì? Họ thấy không còn xác Chúa đúng như lời bà Maria Madalena đã nói; họ chỉ thấy khăn liệm và băng vải; nhưng Gioan đã tin – Ông tin không phải xác thầy bị đánh cắp như trí tưởng thường tình của con người suy nghĩ, mà tin rằng Thầy đã phục sinh. Làm sao Gioan lại tin Đức Giê-su đã phục sinh? Ông tin là do cả một tiến trình sống gần gũi cùng thầy, hấp thụ lời thầy giảng dạy, và đồng thời trong sự nhạy bén của tình yêu; Gioan đã nhận ra dấu chỉ thầy đã sống lại trong cách thầy xếp gấp những băng vải, khăn liệm và  dựa vào lời thầy đã nói khi còn sống – Đó là những tín hiệu mà nếu không phải là người tinh tế, quan tâm, có mối thâm tình với Đấng mình yêu mến thì khó có thể nhận ra. Gioan đã thấy và đã tin! Còn tôi, tôi có thấy những dấu hiệu của Thiên Chúa và tin không?

Tình yêu đáp đền tình yêu. Tình yêu đặc biệt mà Gioan dành riêng cho Đức Giê-su đã khiến ông nhận ra những điều mà người khác không nhận ra; khiến ông thấy được những điều mà người khác không thấy, đó là: Đức Giê-su đã Phục sinh! “Ông đã thấy và ông đã tin.” (c. 8b) Ông đã thấy gì? Thấy những tấm khăn liệm được xếp lại, khăn che đầu Đức Giê-su được xếp riêng ra một nơi… Phê-rô cũng thấy thế, nhưng trong cái nhìn tinh tế của tình yêu, Gioan đã nhận ra cách sắp xếp của Thầy, nhớ lại những lời Thầy đã nói; ông đã nhận ra nơi những thứ đó như tín hiệu của sự phục sinh. Tình yêu đã chắp cánh phượng hoàng cho Tin mừng mà ngài loan báo - chất chứa mầu nhiệm cao siêu và ưu việt của Thiên Chúa.  

Người tín hữu kitô hôm nay phải đối diện với nhiều thách đố trong đời sống đức tin, như  lối sống thực dụng, coi nhẹ các giá trị thánh thiêng… hay khi tình yêu bị phản bội, hạnh phúc bị chia lìa, tâm hồn đang lún sâu trong vũng lầy tội lỗi, không tìm ra giá trị và ý nghĩa cho cuộc sống mình. Những thử thách này có thể làm cho đức tin chao đảo, suy yếu nhưng cũng là dịp để rèn luyện, củng cố đức tin. Trong những hoàn cảnh ấy, chúng ta hãy nhớ lại lời Thầy Giêsu mời gọi: “Can đảm lên! Thầy đã thắng thế gian” (Ga 16, 33). Chỉ có sự can đảm trong đức tin mới giúp chúng ta nhìn thấy Thiên Chúa đang hiện diện và yêu thương nhìn chúng ta. Chính Ngài lèo lái con thuyền đời ta ngang qua những lựa chọn và quyết định phù hợp với thánh ý Ngài.

Mừng mầu nhiệm Giáng sinh, chúng ta được mời gọi suy gẫm về mầu nhiệm Phục sinh, và được mời gọi dâng hiến tình yêu cho Thiên Chúa. Như tông đồ Gioan, mỗi người chúng ta cần thiết lập mối tương quan thân tình với Đức Giê-su Ki-tô – Đấng hằng yêu thương chúng ta. Người yêu thương chúng ta trước và mời gọi chúng ta đáp lại bằng cuộc sống đức tin trong việc thực thi lời Người truyền dạy. Mỗi người chúng ta cần phải thấm nhuần Lời Chúa để có được sự tinh tế, nhạy bén nhận ra ý muốn của Thiên Chúa trong mọi biến cố của đời sống; để mỗi ngày chúng ta biết sống quảng đại hơn, yêu thương nhiều hơn, kiên nhẫn, thứ tha, chia sẻ và phục vụ cách vô vị lợi.

Nhìn vào hang đá Be-lem, chúng ta nhìn thấy sự sống động của mầu nhiệm Tình yêu Nhập thể. Thiên Chúa không xa vời, nhưng Người hiện hữu, khóc, nói, cười và chung chia kiếp sống con người. Người đã chết, đã phục sinh và trở nên nguồn hy vọng cho con người. Ngôi Lời Thiên Chúa – Đức Giê-su Ki-tô đã làm người và trở nên mẫu mực cho đời sống con người trong tình yêu phục vụ không ngơi nghỉ, đầy lòng khoan dung, nhân hậu và xót thương. Ngài làm người để nâng chúng ta lên hàng con cái Thiên Chúa. Ngài đã trải qua kiếp sống con người, chịu chống đối, bách hại, khổ đau trong việc rao truyền và bảo vệ sự tinh ròng của ánh sáng chân lý Chúa. Ngài chết và đã phục sinh bởi vì Ngài là nguồn mạch sự sống của mọi sinh linh, mọi thọ tạo mà Thiên Chúa Cha đã đặt dưới chân Ngài.

Kính nhớ Thánh Gioan, vị Tông đồ của tình yêu, chúng ta xin thánh nhân giúp chúng ta biết noi gương người sống tương quan thân tình với Đức Giê-su để cảm nhận được tình yêu đích thực ngài dành cho mỗi người chúng ta – rất riêng và rất cá vị - cho dù con người chúng ta còn nhiều tội lỗi xấu xa và khuyết điểm.

Xin cho mỗi người chúng ta được đụng chạm cụ thể đến tình yêu Thiên Chúa, để như thánh Gioan, chúng ta có thể kêu lên: “Điều chúng tôi đã nghe, điều chúng tôi đã thấy tận mắt, điều chúng tôi đã chiêm ngưỡng, và tay chúng tôi đã chạm đến, đó là lời sự sống. Quả vậy sự sống đã được tỏ bày, Chúng tôi đã thấy và đã làm chứng, Chúng tôi loan báo cho anh em sự sống đời đời…”

Huệ Minh

hầy là “hiền lành và khiêm nhường.”

Thứ Ba, 26 tháng 12, 2017

Thứ ba ngày 26 12.2017 sau giáng sinh

LỄ KÍNH NHỚ THÁNH STÊPHANÔ - TỬ ĐẠO TIÊN KHỞI
 
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Mátthêu (Mt 10: 17-22)
Ngày ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Hãy coi chừng người đời. Họ sẽ nộp anh em cho các hội đồng, và sẽ đánh đập anh em trong các hội đường của họ. Và anh em sẽ bị điệu ra trước mặt vua chúa quan quyền vì Thầy để làm chứng cho họ và các dân ngoại được biết. Khi người ta nộp anh em, thì anh em đừng lo phải nói làm sao hay phải nói gì, vì trong giờ đó, Thiên Chúa sẽ cho anh em biết phải nói gì: thật vậy, không phải chính anh em nói, mà là Thần Khí của Cha anh em nói trong anh em. Anh sẽ nộp em, em sẽ nộp anh cho người ta giết; cha sẽ nộp con, con cái sẽ đứng lên chống lại cha mẹ và làm cho cha mẹ phải chết. Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét. Nhưng kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát”.

Suy niệm

Lời Chúa hôm nay là lời tiên báo của Đức Giêsu về số phận của những môn đệ đi theo Chúa:“Hãy coi chừng người đời. Họ sẽ nộp anh em cho các hội đồng, và sẽ đánh đập anh em trong các hội đường của họ. Và an hem sẽ bị điệu ra trước mặt vua chúa quan quyền vì Thầy để làm chứng cho họ và các dân ngoại được biết”.

Thánh Stêphanô, vị tử đạo tiên khởi của Hội Thánh đã can trường chấp nhận số phận đau thương và những người bách hại đã gây ra cho ngài. Thánh nhân vui lòng chấp nhận những lời nói vu khống của những kẻ giết ngài, khi cho ngài là kẻ “nói lộng ngôn, xúc phạm đến ông Môsê, đến Thiên Chúa, v.v. Xúc phạm đến nơi thánh và lề luật”. Từ lý do đó, sau khi nghe thánh Stêphanô giải thích, tất cả những người thù nghịch đã “giận điên lên, họ nghiến răng căm thù Stêphanô. Họ lớn tiếng, bịt tai lại, và xông vào ông, rồi họ lôi ra ngoài thành mà ném đá”.

Mầu nhiệm Giáng sinh chúng ta đang tận hưởng hôm nay, đã khơi mầu cho mầu nhiệm thập giá nơi bóng dáng của Hài Nhi Giêsu: sinh trong cảnh thiếu thốn, sinh giữa hang chuồng bò, là Thiên Chúa nhưng Ngôi Hai phải chấp nhận cái giới hạn của một phàm nhân. Việc tử đạo tiên khởi của thánh Stêphanô đã liên kết ngài với mầu nhiệm giáng sinh của con Thiên Chúa. Đây là sự hiệp thông trọn vẹn, sự hiệp thông dẫn đến niềm vui vĩnh cửu cho thánh nhân. Hạnh phúc muôn đời là Stêphanô được ở với Đức Giêsu Kitô cả hồn lẫn xác, đúng như ước nguyện của ngài trước khi chịu cực hình: “Lạy Chúa Giêsu, xin nhận lấy hồn con”. 

Xin cho cuộc đời chúng ta luôn biết hiệp thông với mầu nhiệm thập giá của Đức Giêsu Kitô. Ước gì chúng ta “chẳng hãnh diện về điều gì ngoài thập giá Đức Kitô, Chúa chúng ta,… Chúc tất cả những ai sống theo quy tắc ấy, và chúc Ítraen của Thiên Chúa được hưởng bình an và lòng thương xót của Người” (Gl 6,14-16). Amen.

Chủ Nhật, 24 tháng 12, 2017

25.12 GIÁNG SINH 2017

NƠI TÌNH YÊU BẮT ĐẦ

                     LỄ GIÁNG SINH 2017  (Thánh Lễ Ban Ngày)

                                  “NƠI TÌNH YÊU BẮT ĐẦU”

Lm. Giuse Nguyễn
“Ta quen nhau đã bao lâu rồi” mà tại sao “Giọt buồn hoài vương trên môi mặn đắng?” Thưa bởi vì tình yêu đó mãi là giấc mơ. Vì vậy tác giả van xin “Này mùa đông ơi xin hãy làm tuyết rơi” Để làm chi? “Để chắn lối em anh về”, để cho em vì lạnh quá nên cần đến anh. Trong giấc mơ của nhạc sĩ Tiến Minh, mùa đông, nơi tuyết rơi là “nơi tình yêu bắt đầu”,vì nơi đó người ta cần đến nhau, người ta gặp gỡ nhau, người ta trao cho nhau hơi ấm để xóa tan giá lạnh của mùa đông.
Giáng Sinh năm nay, miền Nam Việt Nam thực sự cảm nhận được một mùa đông, vì lâu lắm rồi mới có cái lạnh đến xé da cắt thịt trong mùa Giáng Sinh. Trong mùa đông này chúng ta sống lại câu chuyện tình cách đây hơn 2000 năm tại cánh đồng Bêlem. Có thể nói Bêlem là “nơi tình yêu bắt đầu”, vì ở đó “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1, 14a).
Thế nhưng “Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận” (Ga1, 11). Tình yêu đã được trao ban, nhưng con người đã từ khước. Vì con người từ khước Tình Yêu nên Con Thiên Chúa mới giáng sinh trong hang bò lừa giữa trời đêm đông giá rét, nơi cánh đồng hoang vắng. Vì con người từ khước Tình Yêu nên thánh Giuse phải dẫn Đức Maria bồng Hài Nhi Giêsu trốn sang Ai Cập để trốn sự truy sát của vua Hêrôđê. Sau cùng, vì từ khước Tình Yêu mà con người đã đóng đinh Đức Giêsu trên thập giá. Vì vậy có thể nói đối với một số người “nơi tình yêu bắt đầu” cũng là chỗ tình yêu kết thúc. Kết thúc vì sự ích kỷ, ghen tuông, cố chấp của con người.
Thời tiết ở Việt Nam năm nay lạnh hơn mọi năm, nhưng xã hội Việt Nam ngày càng nóng hơn bởi những vụ án khủng khiếp. Nào là bà giết cháu vì mê tín dị đoan ở Thanh Hóa, vợ chồng xung đột dẫn đến bạo lực và hậu quả là vợ giết chết chồng ở Bình Dương ; nào là nhiều vụ trẻ em bị bạo hành ở khắp nơi ; nhiều vụ học sinh đánh nhau một cách dã man; chưa kể đến hàng loạt vụ án tham ô, chiếm đoạt tài sản mà phạm nhân là những lãnh đạo cấp cao… Cái nóng của xã hội đó càng làm cho tâm hồn thêm lạnh, vì thay vì tình yêu bắt đầu để sưởi ấm con tim, thì nó đã kết thúc bởi sự vô cảm của con người.
Trong y học không có bệnh vô cảm. Đó là căn bệnh của cách hành xử, căn bệnh của lối sống. Lời dạy của cha ông ta “Thương người như thể thương thân”từ lâu đã trở thành đạo lý của người Việt Nam. Tính nhân văn, lòng nhân ái phải là ngọn lửa sưởi ấm, là ánh sáng trong cuộc đời mỗi con người, mỗi gia đình cũng như toàn xã hội. Thế nhưng ngày nay, bên cạnh nhiều nét đẹp vẫn luôn hiện hữu trong cuộc sống của chúng ta với những con người luôn biết cống hiến, đồng cảm, chia sẻ, cưu mang, giúp đỡ người khác, thì cũng có không ít kẻ sống ích kỷ, vô trách nhiệm, vô cảm, vô đạo đức. Vô cảm chính là sự trơ lì cảm xúc, dửng dưng, thờ ơ, “máu lạnh” với những hiện tượng đời sống xung quanh, chỉ quan tâm đến quyền lợi của bản thân. Ra đường gặp cái đẹp không mảy may rung động; gặp cái tốt không ủng hộ; thấy cái xấu, cái ác không dám lên án, không dám chống lại... 
Điểm nóng đó cũng đã ảnh hưởng đến đời sống gia đình, làm cho biết bao những gia đình phải tan vỡ hoặc gặp rất nhiều khó khăn. Thật trớ trêu khi những điểm nóng của xã hội lại làm cho gia đình lạnh tanh, rét buốt. Tiếp tục quan tâm đến đời sống gia đình, Giáo hội Việt Nam đã chọn chủ đề cho năm 2018 là “Đồng hành cùng các gia đình trẻ”; để giúp họ hiểu rằng: “hôn nhân là một hành trình dài, trong đó mỗi người phải gạt đi những ảo tưởng để đón nhận bạn đời của mình như họ là, cùng nhau nên hoàn thiện hơn mỗi ngày; hành trình này đòi hỏi sự kiên nhẫn, hiểu biết, hy sinh và quảng đại”. Nói tóm lại khi người ta biết yêu thương, biết quan tâm, biết mưu cầu hạnh phúc cho người khác thì chính tâm hồn của họ sẽ hạnh phúc, và gia đình, xã hội cũng sẽ hạnh phúc.
Mặc dù có vài nơi, vài người tình yêu đã kết thúc, nhưng rất nhiều người, rất nhiều nơi lấy mầu nhiệm Giáng Sinh làm “nơi tình yêu bắt đầu”. Ngày xưa các mục đồng là đại diện cho những người nghèo đã ấm lòng hơn khi đến kính viếng Hài Nhi Giêsu và chắc chắn chính họ đã loan truyền việc “một hài nhi giáng sinh”cho những người dân trong vùng. Các đạo sĩ phương đông cũng đã đến bái lạy Hài nhi Giêsu nhờ ngôi sao lạ, và khi trở về đất nước mình, chắc chắn họ cũng đã loan báo tin vui đó. Vì vậy mầu nhiệm Giáng sinh là nơi tình yêu bắt đầu.
Mùa Giáng sinh năm nay, mỗi người, mỗi gia đình chúng ta cũng hãy trở thành“nơi tình yêu bắt đầu” khi chúng ta cảm nhận được cái lạnh của thời tiết, cái lạnh của tâm hồn để chúng ta khắc phục bằng ngọn lửa tình yêu. Nhờ cái lạnh của thời tiết mà chúng ta thấy được có nhiều người già và trẻ em, nhiều gia đình khó khăn đang cần hơi ấm. Hãy bắt đầu bằng việc yêu thương, chăm sóc, giúp đỡ cho những người nghèo đang sống chung quanh chúng ta. Nhờ cái lạnh của tâm hồn mà chúng ta thấy được đời sống gia đình đang rất cần sự thông cảm, tha thứ để nâng đỡ cho nhau. Hãy bắt đầu bằng việc có thiện chí để giải quyết những xung đột trong gia đình. Hãy cho nhau những cơ hội để sửa sai, để làm lại từ đầu,… Khi mọi người biết cho nhau tình yêu thương thì đó là “nơi tình yêu bắt đầu”, vì người ta sống để yêu và yêu để sống.
Xin tình yêu Giáng Sinh trong năm nay trở thành nơi bắt đầu để tình yêu chúng con được lan tỏa khắp nơi, và đó là liều thuốc để chữa trị căn bệnh vô cảm trong gia đình, trong xã hội hôm nay.