Thứ Sáu, 9 tháng 2, 2018

Thứ năm ngày 08.02,2018


 
 
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Marcô (Mc 7: 24-30)

24 Đức Giê-su đứng dậy, rời nơi đó, đến địa hạt Tia. Người vào một nhà nọ mà không muốn cho ai biết, nhưng không thể giấu được.25 Thật vậy, một người đàn bà có đứa con gái nhỏ bị quỷ ám, vừa nghe nói đến Người, liền vào sấp mình dưới chân Người.26 Bà là người Hy-lạp, gốc Phê-ni-xi thuộc xứ Xy-ri. Bà xin Người trừ quỷ cho con gái bà.27 Người nói với bà: "Phải để cho con cái ăn no trước đã, vì không được lấy bánh dành cho con cái mà ném cho chó con".28 Bà ấy đáp: "Thưa Ngài, đúng thế, nhưng chó con ở dưới gầm bàn lại được ăn những mảnh vụn của đám trẻ con".29 Người nói với bà: "Vì bà nói thế, nên bà cứ về đi, quỷ đã xuất khỏi con gái bà rồi".30 Về đến nhà, bà thấy đứa trẻ nằm trên giường và quỷ đã xuất.

Suy niệm

Trong nhật ký của mình, Mahatma Gandhi, nhà lãnh đạo lừng danh của Ấn Độ vào những buổi đầu của thế kỷ XX, cho biết: khi còn theo học ở Nam Phi, ông rất say mê đọc Kinh Thánh, nhất là Bài Giảng Trên Núi, đến nỗi ông xác tín rằng Kitô giáo chính là con đường giúp giải quyết nạn kỳ thị giai cấp đã từng hành hạ dân Ấn hàng thế kỷ. Thậm chí, ông còn muốn trở thành Kitô hữu nữa. Thế nhưng, một ngày nọ, khi đến nhà thờ dự lễ, ông bị người giữ cửa chặn lại và bảo ông phải đi lễ ở nhà thờ dành cho người da đen. Kể từ đó, ông không bao giờ quay trở lại nhà thờ nữa.

Mời một người da đen ra khỏi nhà thờ dành cho người da trắng là một sự kỳ thị mà lẽ ra không bao giờ được phép xảy ra. Vậy mà trên thực tế nó đã từng xảy ra.

Chúa Giêsu không bao giờ kỳ thị con người. Tin Mừng hôm nay là một bằng chứng. Chúa Giêsu đã nghe lời kêu xin của người phụ nữ ngoại giáo và chữa lành cho con của bà.

Qua sự tiếp nhận người phụ nữ ngoại giáo, Chúa Giêsu đã hé mở cho thấy chiều kích phổ quát của giáo lý và ơn cứu độ mà Người mang lại. Ngoài những giáo huấn về tình huynh đệ đại đồng và thái độ không bài ngoại của Chúa Giêsu, Tin Mừng còn thuật lại các chuyến đi của Người tới vùng đất ngoại giáo, tại đây, Người cũng đã làm nhiều phép lạ, như trừ quỷ cho một thanh niên ở Gêrasa, cho một người câm ở miền Thập Tỉnh nói được, và lần này trừ quỷ cho con gái của một phụ nữ Hy Lạp gốc Phênixi.

Dựa vào những yếu tố trên, câu nói của Chúa Giêsu: "Không được lấy bánh dành cho con cái mà ném cho chó con", không thể giải thích đó là dấu biểu thị sự khinh miệt của Chúa đối với người khác đạo và khác tổ quốc. Đúng hơn, Chúa muốn mọi người đừng quên ưu thế của người Do Thái trong việc thừa hưởng ơn cứu độ. Bởi vì Thiên Chúa đã chọn cha ông họ và muốn tỏ lòng trung thành với cha ông họ. 

Người Do Thái được ưu tiên, chứ không phải là những người duy nhất được hưởng ơn cứu độ. Vì thế, dù quan tâm săn sóc người Do Thái nhiều đến đâu, Chúa Giêsu cũng không trở thành sự sở hữu độc quyền của họ. Người vẫn có tự do bày tỏ tình thương đối với người khác.

Dù ý thức mình chẳng là gì, chúng ta hãy tin rằng, chúng ta và mọi người xung quanh chúng ta luôn là đối tượng yêu thương của Thiên Chúa. Chúa yêu tất cả, không trừ ai. Với một Ðấng vô biên như Thiên Chúa, thì bất cứ hành vi nào của Ngài cũng có chiều kích vô hạn và quà tặng của Người cũng tràn trề sung mãn. 

Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn cảm nhận được rằng, Chúa đang yêu thương chúng con, để mỗi giây phút sống, chúng con đều biết đặt mình trong tình yêu của Chúa mà sống thật nghiêm túc, thật thánh thiện như ý Chúa muốn. Amen.

GKGĐ Giáo Phận Phú Cường

Hành trình sứ vụ công khai của Chúa Giêsu được thánh Maccô miêu tả ngay từ những chương đầu cho đến hôm nay, ngài nhắm đến một mục tiêu duy nhất là cho mọi người thấy và nhận biết Chúa Giêsu là ai.

Chúa Giêsu đến, Ngài đổi mới và kiện toàn mọi sự. Chúa Giêsu đến, Ngài hoàn thiện luật Cựu Ước, thay thế luật Cựu Ước bằng luật yêu thương. Sự xuất hiện của Chúa Giêsu với nhiều điểm mới, đã làm cho các kinh sư, Pharisêu, biệt phái, cùng hàng ngũ lãnh đạo Do Thái thấy ngột ngạt vì họ bị Ngài sửa lưng khi họ làm những chuyện không đúng. Họ dò xét, dòm ngó, tìm cách bắt bẻ và tấn công Ngài…

Chúa Giêsu đến, Hêrôđê lo sợ coi Ngài như một mối đe dọa đến vương quyền của ông. Ông sợ Ngài sẽ chiếm mất ghế và vị trí của ông. Chúa Giêsu đến, dân chúng người theo kẻ không theo, người được chữa lành thì đi theo tung hô, nhưng kẻ bị la mắng, bị chỉnh sửa thì thấy Ngài là né…

Hành trình sứ vụ hôm nay Chúa Giêsu đã mệt mỏi, Ngài lui về một nơi vắng lặng thuộc vùng đất dân ngoại để nghỉ ngơi không muốn cho ai biết, “nhưng không thể giấu được”… Ở đây Ngài gặp người đàn bà ngoại giáo, đến xin Ngài trừ quỷ cho con gái bà. Ngài đi ra ngoài vòng xoay Do Thái giáo, vì đối với Ngài tình yêu thương lớn hơn mọi luật lệ.

Người mẹ tội nghiệp có đứa con gái bị thần ô uế ám biết người Do thái không tiếp xúc với dân ngoại như bà; nhưng hằng ngày chứng kiến cảnh quỷ dữ hành hạ con gái thì bà cũng không đành lòng! Có lẽ bà đã tìm thầy chạy thuốc khắp nơi rồi nhưng tiền mất mà tật vẫn mang.

Vì thế, tuy Chúa Giêsu đã lánh ra Nước ngoài, đến vùng đất Tyrô và Siđon là nơi chưa ai biết đến Người, thế mà bà này đã biết, đã tìm đến gặp Người. Bà phục lạy Người, một thái độ chỉ dành cho thần minh, thế mà bà cũng chẳng ngại dành cho Người. Ngược lại, thái độ của Chúa Giêsu lại làm cho chúng ta bị ‘sốc’: ‘Hãy để con cái ăn no trước đã,…’.

Câu chuyện không dừng lại ở trong vòng định kiến “dân ngoại”, nhưng câu chuyện mở ra ở chỗ người đàn bà dân ngoại mở lời xin cứu chữa cho con gái bằng hành động đầy khiêm tốn “sấp mình dưới chân Người”.  

Đây là thái độ của người cầu xin thành khẩn và tin tưởng hết lòng. Chúa Giêsu thử nghiệm thái độ thành khẩn ấy bằng câu nói gây tổn thương nửa đùa nửa thật : "Phải để cho con cái ăn no trước đã, vì không được lấy bánh dành cho con cái mà ném cho chó con." Người đàn bà không chút mảy may, bà bày tỏ sự khiêm tốn và lòng thành trong khi cầu xin. Mặc dù bà đang trong thảm kịch khó khăn của gia đình, khi có đứa con gái bị quỷ ám. Nghe câu nói ấy chắc hẳn bà cũng buồn, nhưng bà đã đáp lại câu nói như đùa mà thật ấy, bằng lập luận của người có lòng tin : “Thưa Ngài, đúng thế, nhưng chó con ở dưới gầm bàn lại được ăn những mảnh vụn của đám trẻ con”.

Mẫu đối thoại ban đầu xem như gây cấn, tổn thương, làm thất vọng cho người nghe… nhưng tình huống đã quay ngược lại bằng cách đối đáp đầy tự tin, dí dỏm, khôn ngoan, nhưng cũng đầy lí luận chứa đựng một niềm tin vững chắc của người đà bà gốc dân ngoại. Chúa Giêsu đã cảm nhận lòng tin ấy, và Ngài đã ra tay cứu chữa : "Vì bà nói thế, nên bà cứ về đi, quỷ đã xuất khỏi con gái bà rồi”.

Đức tin của ngưòi phụ nữ Phênixi này là nguyên do khiến bà được ơn Chúa. Ta hãy nhìn lại đức tin của bà:

Một đức tin khiên tốn: chịu nhận làm “chó con”

Một đức tin kiên trì: dù bị khước từ ban đầu nhưng vẫn không nản lòng

Một đức tin phó thác: Chúa Giêsu bảo bà “cứ về đi, quỷ đã xuất khỏi con gái bà rồi.” Dù chưa thấy hiệu quả, nhưng vì tin Lời Chúa nên bà ra về.

Thánh Máccô khắc họa chân dung Chúa Giêsu là Đấng cứu độ phải đến, Ngài đã vượt qua rào cản Do Thái giáo để đến với mọi người kể cả dân ngoại. Nhân loại hôm nay trong bối cảnh toàn cầu hóa, họ nhìn Ngài một cách đầy thiện cảm. Ngài đến với mọi người như một “người ngoại quốc”, nhưng Ngài lại cư xử với mọi người như là “người thân cận”. 

Dù là dân ngoại, nhưng với niềm tin tưởng vào uy quyền của Đức Giêsu, người phụ nữ gốc Phênixi đã van xin Người cứu chữa con gái bà. Cảm kích trước sự khiêm nhường và lòng tin của người phụ nữ, Đức Giêsu đã ban cho bà phép lạ như lòng ao ước.

Nhờ được thử thách trong đức tin, lời cầu xin của bà đã được Chúa nhậm lời. Bà là một tấm gương cho sự khiêm tốn và kiên trì trong cầu nguyện. Trong lời cầu xin của bà, chúng ta tìm thấy những điều kiện cần có để được Chúa nhậm lời: khiêm tốn, tin tưởng, kiên trì và mạnh dạn.

Thiên Chúa biết chúng ta cần gì, và Người luôn ban ơn cho chúng ta dư dật hơn cả lòng chúng ta ước ao. Người yêu thương, chăm sóc chúng ta cách chu đáo hơn bất cứ người cha tốt lành nào trên thế gian lo cho con cái mình.

Dẫu thế, đôi khi, Thiên Chúa “bắt” chúng ta phải chờ đợi để chúng ta có thể sẵn sàng hơn, để chúng ta khát khao ân sủng một cách nao nức hơn, mãnh liệt hơn. Cũng có khi Chúa thanh luyện lời cầu xin của chúng ta và Người sẽ ban điều thật sự cần thiết cho cuộc đời chúng ta.

Và, cũng sẽ có những lúc Thiên Chúa không ban cho chúng ta điều chúng ta cầu xin, vì lẽ những điều ấy chẳng đem lại ơn ích gì cho chúng ta. Điều cần là chúng ta phải tin tưởng và kiên trì trong lời cầu nguyện của mình, không bao giờ ngã lòng, hay thất vọng vì không được Chúa ban cho điều mình ước vọng.


Huệ Minh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét