Thứ Sáu, 15 tháng 12, 2017

Thứ bảy ngày (16.12.2017)


 
 
                        Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Mátthêu (Mt 17: 10-13)
 
Khi xuống núi, các môn đệ hỏi Chúa Giêsu rằng: Các môn đệ hỏi Người rằng: "Vậy sao các kinh sư lại nói Êlia phải đến trước?" Người đáp: "Ông Êlia phải đến để chỉnh đốn mọi sự. Nhưng Thầy nói cho anh em biết: ông Êlia đã đến rồi mà họ không nhận ra, lại còn xử với ông theo ý họ muốn. Con Người cũng sẽ phải đau khổ vì họ như thế". Bấy giờ các môn đệ hiểu Người có ý nói về ông Gioan Tẩy Giả.
DỌN ĐƯỜNG ĐỂ CHÚA ĐẾN

 

Vào thời Chúa Giêsu, dân chúng cứ mong đợi ông Elia đến, vì họ cho rằng ông là vị tiền hô cho Đấng Cứu thế. Thế nên, trong Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu quả quyết Êlia đã xuất hiện trong con người và trong sứ mạng của Gioan Tẩy Giả, ông đã đến để trực tiếp dọn đường cho Đấng Cứu Thế, để từ đó, muốn nói với chúng ta rằng, sống trong thời đại nầy điều quan trọng là chúng ta hãy bắt chước Gioan Tẩy giả, biến lời nói, cuộc sống của chúng ta thành điều tiên báo Chúa cho những người xung quanh.

Trang Tin Mừng hôm nay nối tiếp trình thuật về biến cố Chúa Giêsu hiển dung. Người Do thái biết rằng, khi Elia đến lần thứ hai, sẽ có phá đổ, chỉnh đốn mọi sự… để chuẩn bị cho Đấng Thiên Sai ngự đến giải thoát họ. Các môn đệ đi theo Chúa Giêsu đã được một thời gian, ít nhiều đã có lòng tin vào sứ mệnh Thiên Sai của Thầy mình. Thế nhưng bây giờ Elia hiện ra đàm đạo với Thầy khiến các ông chợt thắc mắc: Thầy rao giảng công khai đã lâu, tại sao bây giờ mới thấy Elia xuất hiện? Phải chăng có gì trong Kinh Thánh mà các ông chưa hiểu được? Con mắt đức tin của các ông còn bị che khuất. Chỉ sau khi Chúa Giêsu giải thích, các ông mới hiểu rằng: Thầy chính là Đấng Thiên Sai mà Kinh Thánh đã nói, còn Gioan Tẩy Giả chính là Elia đã đến trước chuẩn bị cho Thầy. Các môn đệ đã thất bại khi dùng lối suy nghĩ thông thường để hiểu Kinh Thánh. Nhờ ánh sáng mạc khải của Chúa Giêsu, đức tin của các môn đệ được củng cố và hiểu được Kinh Thánh cùng sứ vụ của Thầy.

Chúa Giêsu nói đến Êlia, Gioan Tẩy giả và chính thân phận của Ngài. Êlia là hiện thân của một cuộc tranh đấu không ngơi nghỉ cho công bằng và quyền con người, Ngài mở ra một thế hệ các tiên tri luôn lên tiếng tố cáo những bất công và kêu gọi tôn trọng phẩm giá con người, nhất là những người cùng khổ, bị áp bức.

Chúa Giêsu nói Êlia phải đến, và đã đến rồi, nhưng không giống như những gì họ tưởng. Con đường mà Êlia chuẩn bị cũng chính là con đường của Đấng Mesia sẽ đi. Đó cũng là con đường mạnh mẽ, dứt khoát, nhưng không phải đem đến chiến tranh tiêu diệt lẫn nhau, mà là con đường phục vụ trong tình yêu hy sinh, tự hiến chứ không phải là con đường của sức mạnh và chinh chiến.

Hôm nay các môn đệ hiểu được ý của Thầy mình, khi các ông biết Ngài nói về Gioan Tẩy Giả.

Trong khi mong chờ Chúa đến, chúng ta đi theo con đường mà Êlia, Gioan Tẩy Giả, tất cả các ngôn sứ và chính Chúa Giêsu đã đi là con đường hy sinh, phục vụ đến quên mình.

Gioan Tẩy Giả đã mạnh dạn rao giảng, lên án những thói xấu… bất chấp sự đố kỵ ganh ghét của người khác, đến nỗi phải bị chặt đầu. Nhưng từ đó người ta nhận ra sứ điệp mạnh mẽ, dứt khoát của Gioan Tẩy Giả là phải sửa đổi tận căn để Đấng Cứu Thế có thể ngự vào trong tâm hồn.

Chúa Giêsu, khi Ngài đến thì cũng đi trên con đường đau khổ đó. Nhưng chính tình yêu tự hiến của Ngài làm đã tiêu diệt mọi mầm móng chiến tranh, và làm trơn tru con đường gươm đao, giết chóc và sự hy sinh.

Dọn một con đường cho Đức Vua ngự đến. Con đường đó là con đường hy sinh để từ bỏ những tính hư nết xấu. Con đường của tự hiến để phục vụ Nước Trời, phục vụ người khác.

Chúa Giêsu tiếp tục cùng sứ vụ của ông Gioan:  tái tạo lại đời sống trong cộng đoàn.  Bởi vì Thiên Chúa là Cha, tất cả chúng ta đều là anh chị em.  Đức Giêsu liên kết hai tình yêu với nhau:  Tình yêu đối với Thiên Chúa và tình yêu đối với tha nhân, và làm cho chúng hiển thị dưới hình thức sống chung với nhau.  Cũng giống như ông Gioan Tẩy Giả, đây là lý do tại sao Người đã bị xử tử.  Đây là lý do tại sao Đức Giêsu, Con Thiên Chúa, sẽ bị kết án tử hình.

Chúng ta cũng bắt gặp dung mạo ấy trong vị tiên tri cuối cùng của Cựu Ước là Gioan Tẩy giả. Lời kêu gọi sám hối của Gioan cũng là một cảnh cáo trước những bất công xã hội và vi phạm nhân quyền, nhất là những người thấp cổ bé miệng trong xã hội. Chúa Giêsu xuất hiện trong truyền thống tiên tri ấy. Ngài là tiên tri của các tiên tri, Ngài không những lên tiếng tố cáo bất công, mà còn đề cao quyền và phẩm giá cao trọng của con người nơi những kẻ bé mọn, bị đẩy ra bên lề xã hội. “Con Người cũng phải đau khổ như thế”. Cái chết của Chúa Giêsu trên Thập giá trước hết là một điển hình cho những vi phạm tôn giáo, nhân danh quyền lợi dân tộc và theo một hình thức tố tụng tùy tiện và độc đoán nhất, người ta đã kết án Ngài phải chết cách bỉ ổi nhất. Tuy nhiên, cũng qua cái chết ấy, Chúa Giêsu đã thể hiện phẩm giá cao cả của con người.

Gioan Tẩy Giả dọn đường Chúa bằng chính đời sống khắc khổ để khơi dậy lòng sám hối cho dân chúng. Chúng ta, người tông đồ của Chúa trong tinh thần Mùa Vọng, cũng phải làm chứng bằng đời sống khó nghèo, bác ái, yêu người và khổ chế để nêu gương cho các người khác biết ăn năn sám hối, để chuẩn bị Chúa đến bằng ơn thánh trong cuộc sống hằng ngày.

Gioan làm chứng cho Chúa bằng chính cái chết của ông: Chúng ta muốn làm chứng cho Chúa cần phải chết đi cho tội lỗi, khuyết điểm, yếu đuối của mình, và chết đi vì những nỗ lực, cố gắng, kiên trì thực thi giáo huấn của Chúa để sống hoàn thiện hơn.

Mùa Vọng dọn lòng đón Chúa đến, chúng ta dọn lòng bằng những việc thanh tẩy đời sống: chừa cải những tính hư nết xấu, và bằng việc thánh hóa tha nhân: sống tốt với mọi người, làm việc tốt cho tha nhân và chu toàn tốt bổn phận đối với bản thân, đối với tha nhân và nhất là đối với Chúa.Phải nỗ lực để chấn chỉnh lại lối sống đạo của mỗi người, bằng cách biết nhận ra những sai trái trong tư tưởng, lời nói và việc làm của mình. Đồng thời còn phải góp phần chấn hưng, đẩy lùi sự ác, sự dữ ra khỏi trần gian, khi dám bảo vệ sự thật, loại trừ điều xấu.

Trước những biến động của cuộc sống và sự phát triển của chủ nghĩa vô thần, đức tin của người tín hữu dễ bị chao đảo và thậm chí bị dập tắt. Noi gương các môn đệ, mỗi người chúng ta cần siêng năng đọc và học hỏi Kinh Thánh để tìm ra thánh ý Chúa muốn nơi mình. Nếu biết hướng mắt nhìn lên Chúa để xin ơn trợ giúp, chắc chắn Ngài sẽ nhận lời chúng ta. 

Lời Chúa hôm nay cũng mời gọi chúng ta hãy là dấu chỉ cho sự hiện diện của Chúa khi chúng ta sống hiệp thông và bác ái với nhau. Đồng thời cũng mời gọi chúng ta hãy nhận ra Chúa nơi tha nhân để yêu thương và kính trọng lẫn nhau.


Huệ Minh

Elia là một trong những tiên tri thời xa xưa nhất. Ông bị hoàng hậu Giêsabel bách hại vì ông đã thách thức bà ta về việc bà đã đưa những thần tượng và những tiên tri giả vào nước Israel. Vào thời của Elia, ngôn sứ là người thường bị chống đối và từ chối. Hơn nữa, truyền thống về Elia cho rằng ông không chết, nhưng đã được đưa lên trời bằng xe ngựa lửa, vì vậy ông sẽ trở lại từ trời trước khi người chết sống lại. Nhưng Đức Giêsu nói Elia chính là Gioan đã đến để thanh tẩy và chuẩn bị cho Đấng Cứu Thế đến, nhưng người Do Thái đã không nhận ra ngài.

Gioan Tẩy Giả thật là tấm gương cao quý đáng cho chúng ta bắt chước noi theo. Ông không cao cả nhờ những hiện tượng lạ lùng lúc sinh ra, nhưng cao cả do sứ mệnh dọn đường cho Đấng Cứu Thế. Ông đã dám nói thẳng sự thật cho dù bị tù đầy, giam cầm và ngay cả phải chết nữa. Ông luôn để sứ mệnh và sự thật lên trên hết. Sự thẳng thắn cương trực của ông không quyền lực nào có thể bẻ gẫy được. 

Trong thời xa xưa, Chúa dùng tiên tri Elia để thanh tẩy niềm tin của dân tộc Israel trước sự suy đồi về tôn giáo do hoàng hậu Giêsabel. Đến thời Chúa Giêsu, Thiên Chúa dùng thánh Gioan Tẩy Giả để thanh tẩy dân Chúa, để dọn đường cho Chúa Giêsu đến. Lần thanh tẩy của Elia thì dân chúng nhận ra các thần tượng là giả trá, vì các thần này không nghe được, không thiêu đốt của lễ được. Phép lạ rõ ràng làm ai cũng nhận ra ngay. Nhưng đối với việc thanh tẩy của Gioan, dường như ngài không làm phép lạ gì cả, thì dân chúng lại không nhận ra công việc của ngài. Sứ mệnh của ngài cũng giống như của Elia là thanh tẩy tâm hồn dân Chúa, nhưng hai vị đã hành động bằng những cách thế khác nhau.

Chúng ta có nghe lời thánh Gioan Tẩy Giả để sửa đổi cuộc sống mình không? Mắt chúng ta có được thanh luyện để nhận ra đấng bị đóng đinh trên thập giá chính là Con Người không?

Lạy Chúa, xin cho chúng con dùng thời gian Mùa Vọng này để thanh tẩy tâm hồn, bằng việc lãnh bí tích Hòa Giải, làm việc lành phúc đức hầu xứng đáng đón nhận Chúa Hài Đồng Giêsu vào trong tâm hồn chúng con. Amen.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét