Thứ Sáu, 22 tháng 12, 2017

LẮNG NGHE & ĐƯỢC NGHE

 12/22/2017   --   Biết lắng nghe là một nghệ thuật sống không phải tự nhiên mà có. Nó đòi hỏi một cuộc luyện tập lâu dài và phải tập ngay từ nhỏ. Một triết gia người Hi Lạp đã nói rằng “con người được ban cho có hai lỗ tai và chỉ có một cái miệng”. Họ cần hiểu rằng lỗ tai phải được ưu tiên hơn miệng lưỡi.

Lắng nghe đóng vai trò rất quan trọng trong đời sống, nó giúp xây dựng và phát triển các mối quan hệ với người xung quanh. Trong giao tiếp, ai cũng mong muốn mình được lắng nghe. Nếu bạn biết lắng nghe và khích lệ đúng cách, bạn sẽ rất dễ hiểu được người khác, hiểu được nhu cầu của họ. Đồng thời bạn cũng tiếp thu cho mình rất nhiều kiến thức để đào luyện bản thân cũng như phát triển tri thức. Việc lắng nghe còn thể hiện sự tôn trọng của người nghe đối với người nói, giữa người tiếp nhận thông tin với người phát thông tin.
Đã có đôi lần, người lớn khó chịu khi họ đang nói chuyện mà trẻ nhỏ xen ngang hoặc khi họ muốn trao đổi thậm chí dạy dỗ mà trẻ em lại ngó lơ. Những biểu hiện đó không phải là trẻ hư, không biết nghe lời mà do trẻ thiếu kỹ năng “lắng nghe”.
Cứ tưởng rằng lắng nghe là kỹ năng người lớn dùng giao tiếp trong công việc, trong các mối qua hệ xã hội. Nhưng đối với trẻ em, kỹ năng này cũng rất cần thiết. Các chuyên gia tâm lý cho rằng trẻ em không chỉ có nhu cầu giao tiếp với các bạn cùng trang lứa nhưng nhu cầu giao tiếp, được nói và được người lớn lắng nghe cũng rất lớn. Trẻ em muốn được kể về mọi người xung quanh, về những gì trẻ nghe và thấy nơi người lớn. Đặc biệt, các em còn muốn được nói lên suy nghĩ, nhận xét của mình mà người lớn luôn cho đó là suy nghĩ của trẻ con. Nhu cầu được lắng nghe rất cao nhưng kỹ năng lắng nghe người khác của trẻ em thì lại bị hạn chế. Chính vì thế, ngoài việc người lớn lắng nghe thì người lớn cũng cần dạy trẻ kỹ năng biết lắng nghe người khác.
Khi trẻ em không nghe lời, bạn thường la mắng chúng. Tại sao bạn không giúp cho chúng nhận ra rằng lắng nghe cũng là một điều ích lợi chứ không phải là một điều gì đó nặng nề? Bạn hãy lắng nghe, lắng nghe thương xuyên, lắng nghe luôn luôn những gì trẻ nói. Trẻ thường cảm thấy căng thẳng, mất kiên nhẫn, mệt mỏi khi lắng nghe vì đó là bổn phận. Ai ai cũng đều trách mắng nó không biết lắng nghe nhưng chẳng ai chịu làm gương về sự lắng nghe thì làm sao nó thích lắng nghe được. Hơn nữa, phải tôn trọng, lắng nghe những gì trẻ nói. Đừng cho rằng những gì trẻ nói là vô ích. Cần tôn trọng ý kiến, lắng nghe chúng muốn nói gì và nghĩ gì. Như vậy bạn sẽ rất dễ dàng giải thích những vấn đề trẻ nghĩ sai, hiểu sai hoặc những nhu cầu chưa thực sự phù hợp với trẻ. Điều đó sẽ giúp cho trẻ biết điều chỉnh suy nghĩ của mình theo chuẩn mực đạo đức của xã hội và cũng dạy cho trẻ bài học về sự lắng nghe. Thánh Don Bosco có câu: “Hãy để cho học sinh dễ dàng tự do bày tỏ tư tưởng cuả chúng… Bề trên hãy để cho chúng nói nhiều, còn mình nên nói ít đi.”
Ngoài ra cũng cần phải kiên nhẫn đối với trẻ. Bạn đừng bao giờ ngắt lời khi chúng đang nói, vì như thế chúng sẽ không còn hứng thú nói và sẽ học bạn chen vào khi người khác đang nói chuyện. Cần cho trẻ thấy rằng, khi trò chuyện, trao đổi mọi người cần biết lắng nghe và đợi tới lượt mình, không được ngắt lời người khác khi họ đang nói chuyện.
Cuối cùng, nên dạy cho trẻ em biết lắng nghe cách tích cực chứ không thụ động. Tức là khi người lớn nói chuyện thì mình phải chú ý qua ánh mắt hay cái gật đầu chứ không phải lạnh lùng như tượng đá. Như bọt biển thấm nước, sự lắng nghe cũng như vậy, được dìm vào nước là nó hút nước ngay.
Mang trên mình sứ mạng giáo dục, người con Đức Mẹ Vô Nhiễm cũng cần phải rèn luyện cho mình kỹ năng lắng nghe người khác. Để khi có trong mình kỹ năng đó, bạn và tôi mới có thể dễ dàng lắng nghe trẻ và dạy trẻ biết lắng nghe. Ước mong sao đây sẽ là một nét đẹp, nét đặc trưng của người Con Đức Mẹ Vô Nhiễm.                                                                                                              
Chuông gió -FMI

 
 
  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét