Thứ Sáu, 22 tháng 12, 2017

BÍ QUYẾT HẠNH PHÚC.

TÔI LÀ TÔI” 
Mỗi người sinh ra trên thế giới này đều có tính độc nhất. Tôi là tôi, chứ tôi không là người khác. Cũng chẳng ai khác trên đời này có thể thay thế được chỗ đứng mà Tạo Hoá đã dành cho tôi khi đưa tôi vào hiện hữu, dù người đó có tài giỏi đến mức nào, cao sang đến mức nào, giàu có đến mức nào hay thậm chí là gần gũi với tôi đến mức nào. “Tính độc nhất” này, ai trong chúng ta cũng biết, nhưng ít bao giờ chúng ta để tâm đến và sống chiều kích ấy một cách toàn vẹn. Cái mà người ta vẫn hay gọi là “nên thánh”, xét ở một khía cạnh nào đó, dường như cũng chỉ là trở về với cái “là-chính-mình”, đón nhận nó và thể hiện nó trong đời sống với một lòng biết ơn sâu thẳm.
Ừ, tôi là tôi, tôi cứ sống như tôi là, tôi cứ phô bày ra trước mắt người khác một hình ảnh thật sự của tôi. Chẳng cần phải đeo mặt nạ, chẳng cần phải giả vờ hay chẳng cần phải gắng gượng tìm một cái gì đó thật đẹp để tô vẽ bản thân. Tôi không sống hai lòng, không có hai bộ mặt, không có hai con tim, không thay đổi cách ứng xử như chong chóng, không tìm mọi cách để hùa theo đám đông, không ép mình phải làm theo sở thích của người khác… Tôi sống cuộc sống của tôi, tôi không huỷ hoại tôi chỉ vì muốn làm người khác vui, tôi không khoác lên mình một hình ảnh giả tạo nào đó mà tôi thấy chẳng thoải mái chút nào…
Có nhiều khi tôi hay thích so sánh mình với người khác, thấy người ta sao tài giỏi, hào hoa, còn mình sao bất tài yếu kém. Nhìn đến người ta mà thấy tủi cho bản thân mình. Một thái độ đặt lên bàn cân so sánh với thái độ tiêu cực như vậy chẳng khác nào tự huỷ diệt hạnh phúc của mình. Người khác là người khác, chẳng có lý do tôi phải giống người khác. Và nếu tôi sinh ra cũng giống như người khác thì sức sáng tạo của Tạo Hoá thật nghèo nàn và kém cỏi quá chừng. Ai cũng có thế mạnh và điểm yếu riêng. Mỗi người đều có một đặc nét làm nên tính cá vị của người đó. Thái độ so sánh thường dẫn ta đến chỗ tự ti, trách móc, phàn nàn, khiến ta không thấy được tính bản chân của riêng mình, không thấy được những gì mình đang có là một hồng ân, một quà tặng lớn lao của Tạo Hoá.
Có nhiều khi tôi sống mà chẳng phải là sống cho chính mình. Tôi trở nên “tha hoá” giữa dòng đời đưa đẩy. Tôi không dám theo đuổi đam mê. Tôi không dám bày tỏ chính kiến. Tôi phải gồng mình để gìn giữ một diện mạo nào đó không phải của tôi. Tôi cười vì người khác, chứ không phải vì tôi. Tôi buộc phải nói những lời không xuất phát từ con tim tôi. Tôi cố gắng hành xử theo một cách thức ngược hẳn với phong cách của mình. Bỗng chốc, tôi phát hiện hình như mình đang sống cho ai đó, cho cái gì đó, chứ không phải cho chính mình. Tôi đã đánh mất tôi từ lúc nào không biết. Để rồi, khi không còn ai ở bên, tôi thấy mình lạc lõng như cánh bèo bị con nước đẩy đưa; thấy cô đơn chán chường vô cùng tận; thấy cuộc đời sao đầy những lọc lừa, giả tạo; thấy mất đi ý nghĩa của cuộc sống; thấy thế gian chỉ là một màn kịch chán ngắt chẳng bao giờ ngừng; thấy từng giây phút trôi qua là những trò đùa vô bổ; thấy từng nhịp đập và hơi thở là những tiếng ngao ngán của tâm hồn…
Bởi thế, hạnh phúc chỉ đơn là được sống trong cái chân lý đơn giản “tôi là tôi”. Tôi được trở về là chính bản thân mình một cách tự nhiên như nó vốn dĩ, không một chút gượng gạo khó chịu nào. Đón nhận bản mình như nó là, là một lời cảm ơn chân thành nhất dành cho Tạo Hoá, Đấng đã cho ta hiện hữu như thế, Đấng đã ưu ái tạo nắn ta là một cá thể độc lập duy nhất giữa vũ trụ bao la này, chứ không đưa ta vào một quy trình sản suất hàng loạt. “Tôi là tôi”, hệt như con chim tung bay trên bầu trời, thoả sức soãi cánh chơi đùa với những tầng mây, du ngoạn từ đỉnh núi này đến đỉnh núi nọ, chứ không bị nhốt trong lồng để chỉ làm trò vui cho người khác.
“Tôi là tôi” chính là sống lời mời gọi làm chủ bản thân mình. Tôi là chủ nhân của chính tôi, tôi là người chịu trách nhiệm cho cuộc sống của mình, tôi là người quyết định hạnh phúc của mình. Tôi chẳng nhất thiết phải sống theo một hình ảnh nào đó người ta gán cho tôi mà tôi thấy nó chẳng phù hợp với mình. Tôi không chối bỏ những khuyết điểm của mình nhưng sẵn sàng nhìn nhận nó và từ từ sửa đổi. Tôi khảng khái nhìn ra những tài năng của bản thân và dùng nó để giúp mình được triển nở cũng như để cống hiến cho xã hội. Tôi biết tôi thích điều gì và tôi quyết tâm theo đuổi nó để xây đắp niềm hạnh phúc. Còn điều gì tôi không thích, thì đơn giản là không thích thôi, chứ chẳng cần phải giả vờ là thích.
Mọi cái đều sẽ qua đi, danh vọng, sắc đẹp, công việc, tiền tài… ông bà, cha mẹ, người thân, bạn bè… chỉ còn lại một cái duy nhất sẽ đi với tôi mãi: đó chính là tôi. Đây là cái gốc của tôi. Dù chuyện gì có xảy ra đi nữa, tôi vẫn cứ là tôi. Đây là người bạn duy nhất chẳng bao giờ lìa khỏi tôi. Cuộc hành trình dương gian, cuộc hành trình đi tìm hạnh phúc, chính là cuộc hành trình đi tìm lại “bản thân tôi” mà bấy lâu nay tôi đã đánh mất. Hay nói đúng hơn, đó là một nỗ lực gột rửa những lớp bụi bẩn đang bấu víu con người mình, để tôi được trở về là chính mình, sống cuộc sống của mình theo một cách thức chân thực và hoàn hảo nhất.

Pr. Lê Hoàng Nam, SJ
dongten.net

SUY TƯ GIÁNG SINH

SUY TƯ GIÁNG SINH

Lễ Giáng Sinh có nhiều điều khiến phải “động não,” xét mình, suy tư, chấn chỉnh, quyết tâm… để chính tâm hồn trở thành “hang đá” cho Đấng Cứu Thế giáng sinh – chứ không phải hang đá vật chất.
Giáng Sinh cứ đến rồi đi như chiếc xe buýt chạy qua trên đường, tôi thấy kiểu nào và rút được bài học gì không?  Đây chỉ là suy tư riêng, xin được chia sẻ…

1/ Đơn Sơ
Lễ Giáng Sinh nhắc nhở tôi về tính Đơn Sơ – đơn sơ trong lời nói, cử chỉ, thái độ, hành động, ánh mắt, nụ cười, tín thác, yêu mến…
Chúa Giêsu sinh ra là một trẻ thơ.  Trẻ thơ luôn đơn sơ, hoàn toàn tin tưởng vào cha mẹ, không so đo, không tính toán.  Như vậy, sống đơn sơ cũng là sống khiêm nhường: “Nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời” (Mt 18, 3).  Chính Đức Kitô cũng đã căn dặn và “mách nước” để sống giữa thế gian: “Hãy khôn như con rắn và đơn sơ như chim bồ câu” (Mt 10, 16).  Còn Thánh Phaolô đã nhắc nhở: “Tôi sợ rằng như xưa con rắn đã dùng mưu chước mà lừa dối bà Eva thế nào, thì nay trí lòng anh em cũng dần dần đâm ra hư hỏng, mất sự đơn sơ đối với Đức Kitô như vậy” (2Cr 11, 3).

2/ Mau Mắn
Lễ Giáng Sinh nhắc nhở tôi về sự mau mắn – mau mắn trong mọi việc, tâm linh hoặc đời thường.  Sự mau mắn liên quan sự dứt khoát.  Không dứt khoát thì không thể mau mắn, và không mau mắn thì không thể dứt khoát.  Thiên Chúa không thích thái độ lừng khừng, chần chừ, lần lữa.  Chính Ngài đã thẳng thắn và dứt khoát: “Ngươi hâm hẩm, chẳng nóng chẳng lạnh, Ta sẽ mửa ngươi ra khỏi miệng Ta” (Kh 3, 16).  Tôi phải bắt chước các mục đồng mau mắn đến với Chúa: “Nào chúng ta sang Bêlem, để xem sự việc đã xảy ra, như Chúa đã tỏ cho ta biết” (Lc 2, 15).

3/ Khó Nghèo
Lễ Giáng Sinh nhắc nhở tôi về Đức Khó Nghèo – khó nghèo trong lối sống, sinh hoạt, tiêu xài, ý nghĩ.  Mầu nhiệm Mai Khôi thứ Năm của Mùa Vui: “Đức Mẹ sinh Chúa Giêsu nơi hang đá. Ta hãy xin cho được lòng khó khăn.”  Khó khăn ở đây là “sống Đức Khó Nghèo” chứ không phải là “khó chịu”, “khó tính”, “khó ưa”,…  Can đảm chấp nhận cảnh sống khó khăn là một nhân đức, vì chính Chúa Giêsu tự nguyện trở thành Đệ Nhất Hàn Vương – từ Bêlem tới Canvê. 
Theo Việt ngữ, “nghèo khó” cũng như “khó nghèo”.  Vâng, hãy sống “khó nghèo” thực sự chứ đừng sống “KHÓ (mà) NGHÈO”, tức là chỉ nói suông, vẫn ung dung tự tại, “sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi.”
Dụ ngôn Phú Hộ và Ladarô nghèo khổ (Lc 16, 19-31) cho thấy cái Phúc của sự khó nghèo, và Chúa Giêsu cũng bảo người ta đãi tiệc thì mời những người nghèo (Lc 14, 12-14).  Cố gắng đừng nao núng như lời kể của Thánh Phaolô: “Trải qua bao nỗi gian truân, họ vẫn được chan chứa niềm vui; giữa cảnh khó nghèo cùng cực, họ lại trở nên những người giàu lòng quảng đại” (2Cr 8, 2).  Một trong Tám Mối Phúc cũng nhắc đến đức khó nghèo: Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ” (Mt 5, 3; Lc 6, 20).

4/ Vâng Phục
Lễ Giáng Sinh nhắc nhở tôi về đức Vâng Phục – vâng phục trong sự khiêm nhường và vui vẻ.
Thánh Phaolô nói: “Trước kia anh em đã không vâng phục Thiên Chúa, nhưng nay anh em đã được thương xót, vì họ không vâng phục; họ cũng thế: nay họ không vâng phục Thiên Chúa, vì Người thương xót anh em, nhưng đó là để chính họ cũng được thương xót.  Quả thế, Thiên Chúa đã giam hãm mọi người trong tội không vâng phục, để thương xót mọi người” (Rm 11, 30-32).
Vâng lời trọng hơn của lễ (1Sm 15, 22 và Tv 50, 8-9).  Thật vậy, Thiên Chúa luôn đề cao đức Vâng Lời.  Về việc con cái vâng lời cha mẹ, Thánh Phaolô nói: “Vâng phục cha mẹ là làm đẹp lòng Chúa” (Cl 3, 20).  Thật vậy, dù là Ngôi Hai Thiên Chúa, Đức Kitô vẫn giữ trọn đạo làm con đối với cha mẹ: “Người đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Na-da-rét và hằng vâng phục các ngài” (Lc 2, 51).

5/ Bảo Vệ Sự Sống
Lễ Giáng Sinh nhắc nhở tôi về việc Bảo Vệ Sự Sống – bảo vệ thai nhi, giúp đỡ bệnh nhân, người hoạn nạn…  Tại nơi hang chiên lừa ở Bêlem, Chúa Giêsu đã giáng sinh trong hình hài một trẻ thơ.  Trẻ thơ cũng là một con người với đầy đủ nhân vị, nhân phẩm và nhân quyền.
Bảo Vệ Sự Sống là trách nhiệm của mọi người.  Sự sống là Thiên Chúa, như chính Đức Kitô đã định nghĩa về Ngài: “Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14, 6a).  Rồi Ngài xác định: “Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy” (Ga 14, 6b).

6/ Chia Sẻ
Lễ Giáng Sinh nhắc nhở tôi về Đức Ái – mến Chúa và yêu người, thậm chí là yêu loài vật, yêu thiên nhiên… vì Thiên Chúa là Tình yêu (1Ga 4, 8).  Yêu thương liên quan việc chia sẻ.  Chia sẻ tinh thần hoặc vật chất.  Chia sẻ là “trả nợ.”  Chia sẻ là yêu thương, tức là thực hành Luật Yêu của Thiên Chúa.  Chia sẻ là yêu người, yêu người là mến Chúa; không yêu người là không mến Chúa: “Nếu ai không yêu mến Chúa thì là đồ khốn kiếp!” (1Cr 16, 22).  Thánh Phaolô xác định: “Anh em đừng mắc nợ gì ai, ngoài món nợ tương thân tương ái; vì ai yêu người thì đã chu toàn Lề Luật” (Rm 13, 8).  Dù là phàm nhân, cổ nhân cũng đã minh định rạch ròi: “Thiên võng khôi khôi, sơ nhi bất lậu – Lưới trời lồng lộng, không ai thoát được”.

7/ Tạ Ơn
Tất cả là hồng ân, vì không có Chúa thì tôi chẳng làm được trò trống gì, chỉ là vô tích sự: “Không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Ga 15, 5).  Tạ ơn là bổn phận và trách nhiệm của thụ tạo đối với Thiên Chúa, Đấng tác sinh muôn loài hữu hình và vô hình.  Lễ Giáng Sinh là hồng ân cao cả, vì Con Chúa đến không chỉ để đồng cam cộng khổ với tôi trong thân phận kiếp người, mà Ngài còn cho tôi “được sống và sống dồi dào” (Ga 10, 10).
Lạy Thiên Chúa, xin giúp con biết can đảm sống theo gương của Con Một Ngài.  Xin Chúa giúp con viết những gì con sống, và sống những gì con viết.  Xin Chúa thương soi sáng, gợi ý và hướng dẫn con mỗi khi con viết lách về bất cứ điều gì hoặc ở dạng nào.  Xin Chúa giúp con thành tâm chia sẻ chính Ngài với tha nhân, để làm vinh danh Ngài chứ không vì danh giá riêng con.
Lạy Đấng là Chân Lý, nếu con có gì lệch lạc, xin Ngài dập tắt ngay từ khi manh nha.  Xin Ngài cho bất kỳ ai gặp con thì cũng đều gặp được Ngài, và con cũng nhân thấy Ngài nơi họ. Con cũng chỉ xin Ngài như bổn mạng của con là Thánh Thomas Aquino: “Con chỉ muốn Chúa mà thôi.”  Con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng Cứu Độ của con.  Amen.

ẤM ÁP MÙA ĐÔNG

ẤM ÁP MÙA ĐÔNG

Cách nay hơn hai ngàn năm, tại cánh đồng Belem, Con Thiên Chúa đã sinh hạ, giữa đêm đông giá lạnh trong một hang đá dành làm chỗ trú ngụ cho bò lừa. Qua sự sinh hạ kỳ diệu này, Ánh Sáng đã bừng lên trong đêm tối để soi sáng những góc khuất của cuộc đời; Thiên Chúa đã hiện diện giữa dương gian để đồng hành với con người trên bước đường dương thế. Đêm đông giá lạnh đã trở nên ấm áp dịu dàng, vì tình thương của Chúa bao trùm nhân gian. Hai mươi thế kỷ sau đêm hồng phúc ấy, Lễ Giáng Sinh vẫn tiếp tục đem lại sự ấm áp giữa mùa đông.
Mùa đông thường là biểu tượng của sự chết. Tại các xứ lạnh, trong suốt mùa đông, cây cối chỉ trơ trọi những cành khẳng khiu, tuyết rơi ảm đạm lạnh giá. Nhân loại đã trải qua mùa đông dài nhiều thiên niên kỷ, kể từ khi ông bà Nguyên tổ phạm tội bất tuân, muốn phủ nhận thân phận thụ tạo của mình mà nên ngang hàng với Thiên Chúa. Dòng dõi Ađam và Evà đã bị ảnh hưởng tội nguyên tổ như một chứng bệnh di truyền. Tự trong tâm khảm, con người luôn khát mong Đấng Thiên Sai đến cứu đời. Đối với người Do Thái, nỗi khát mong ấy đã hòa vào máu thịt, được thể hiện qua những lời ca thống thiết. Thế rồi, trong kế hoạch cứu độ diệu kỳ của Thiên Chúa, mùa đông dài của nhân loại đã chấm dứt. Con Thiên Chúa đã xuống thế làm người. Người là Đấng Emmanuen mà Thiên Chúa đã hứa từ ngàn xưa. Người là Mặt Trời công chính chiếu soi cho nhân loại. Sau này, trong giáo huấn của mình, Đức Giêsu đã tuyên bố Người là ánh sáng trần gian. Cũng như mặt trời xuất hiện tỏa lan sức nóng làm tan chảy băng tuyết, xua tan giá lạnh và đem lại cho con người sự ấm áp, Đức Giêsu sưởi ấm lòng người bằng giáo huấn yêu thương, giải thoát con người khỏi quyền lực của ma quỷ và sự chết. Qua cái chết trên thập giá và qua cuộc phục sinh vinh quang, Chúa Giêsu đã chứng minh giáo huấn của Người về tình thương Chúa Cha. Người cũng khẳng định Người là sự sống và là sự sống lại. Những ai theo Người là can đảm bước ra khỏi đêm đông, hướng về Mặt Trời công chính, để tâm hồn họ không còn giá lạnh và chết chóc, nhưng tràn đầy sự sống và niềm vui.
Mùa đông cũng là biểu tượng của lối sống vô cảm hận thù. Lễ Giáng Sinh nhắc nhớ chúng ta: Con Thiên Chúa đã làm người và đi vào lịch sử. Người kêu gọi chúng ta hãy sống có trách nhiệm đối với nhau. Người lên án lối sống ích kỷ, gian dối và khép kín lạnh lùng vô tâm. Trải qua hơn hai ngàn năm, biết bao người đã được sưởi ấm tâm hồn nhờ đón nhận Chúa Giêsu và chọn Người là lý tưởng của đời mình. Có những người đã một thời chìm đắm trong bùn lầy, nhờ giáo huấn của Chúa mà trỗi dạy canh tân và trở nên con người mới. Ánh sáng chân lý của Chúa đã chiếu soi và hội nhập vào mọi nền văn hóa, đến với mọi sắc dân trên hành tinh này và quy tụ muôn dân vào gia đình Giáo Hội. Những ai gia nhập Giáo Hội, không còn những bức tường ngăn cách, không còn Do Thái hay Hy Lạp, không còn nô lệ hay tự do (x. Cl 3,9-11), nhưng tất cả đều là con Thiên Chúa, nhờ Đức Giêsu Kitô. Nhờ tin vào sự hiện diện của Chúa giữa trần gian, con người tìm được hạnh phúc giữa bể khổ, tìm được nụ cười giữa thương đau, tìm được hy vọng giữa đau khổ ê chề của cuộc sống. Đức Giêsu Kitô đã vác thập giá bước đi giữa khu phố của Giêrusalem để tiến tới Núi Sọ. Ngày hôm nay, Người cũng đang tiếp tục vác thánh giá với những người đau khổ trên mọi ngõ ngách của cuộc đời. Chúa vác thập giá với họ, cùng họ bước đi và làm cho gánh cuộc đời trở nên nhẹ nhàng. Sự hiện diện của Đấng chịu đóng đinh làm cho cuộc đời thêm nhân ái, đẹp đẽ và ấm áp hơn.
Sau mùa đông giá lạnh, kế tiếp là mùa xuân ấm áp và tràn đầy sinh lực. Chúa Giêsu đã đến trần gian để khai mở một mùa xuân mới cho nhân loại. Qua Ngôi Lời nhập thể, Thiên Chúa đã thực hiện một cuộc sáng tạo mới, vì con người ở khởi đầu lịch sử đã làm “vỡ kế hoạch” của Ngài. Thánh Phaolô đã phân tích rất sâu sắc khi đặt đối chiếu Chúa Giêsu với ông Ađam: Ađam là nguyên nhân đau khổ - Chúa Giêsu là nguyên lý hạnh phúc; Ađam là người bất tuân đến độ phủ nhận thân phận thọ tạo của mình - Chúa Giêsu vâng lời Chúa Cha cho đến chết trên thập giá; Ađam làm cho kế hoạch của Thiên Chúa bị phá vỡ - Chúa Giêsu đến để thực hiện thánh ý Chúa Cha; Ađam làm cho nhân loại xa rời Thiên Chúa - Chúa Giêsu giao hòa Thiên Chúa với con người bằng giao ước mới, được ký kết trong máu của Người đổ ra trên thập giá (x. 1 Cr 15,21-22). Nói tóm lại, trong Chúa Giêsu và nhờ Chúa Giêsu, nhân loại bước sang kỷ nguyên cứu độ, chấm dứt tình trạng bị luận phạt và chúc dữ. Những ai tin vào Chúa Giêsu sẽ được trở nên đồng thừa tự với Người để hưởng vinh quang và hạnh phúc vĩnh cửu. Trong Chúa Giêsu, họ diễm phúc được gọi Thiên Chúa là Cha. Đó chính là sự ấm áp tuyệt vời mà Thiên Chúa ban cho những ai tin vào Con của Ngài.
Trong xã hội của chúng ta, vẫn còn đó những mùa đông trong tâm hồn và trong mối tương quan xã hội. Mùa đông còn tồn tại khi biết bao người nghèo đói, đau khổ mà không được giúp đỡ. Mùa đông cũng còn đó khi người ta sống hận thù, ích kỷ và thiếu bao dung. Lễ Giáng sinh sẽ có ý nghĩa thiết thực hơn, nếu chúng ta mừng lễ cùng với những chia sẻ với người bất hạnh. Nhạc sĩ Nguyên Lễ đã thể hiện những ước vọng ấy trong bài “Tự sự Mùa Giáng Sinh”: “Hôm nay quanh ta vẫn có bao người không một tấc đất không một mái nhà, vật vờ, đây đó ngày tháng cho qua. Bao nhiêu em thơ đang sống bơ vơ, mình trần lạnh căm trong những đêm mưa, tuổi thơ của em lạc lõng vô bờ... Ngày hôm nay, Con Chúa vẫn hạ sinh, tại đó, tại đây, Ngài chờ chúng ta bằng tình thiết tha rộng vòng tay đón Ngài vào nhà”. Thay vì phàn nàn trách móc hay hằn học kêu ca, mỗi chúng ta hãy chung tay làm cho niềm vui Giáng Sinh được thể hiện, xua đi đêm đông giá lạnh đang phủ kín những góc khuất của cuộc đời, nơi những anh chị em nghèo khổ và bất hạnh. Qua những nghĩa cử bác ái sẻ chia, chúng ta phản ánh hình ảnh Ngôi Lời nhập thể, Đấng đã đến sưởi ấm thế gian và sưởi ấm lòng người.
Ngôi Lời đang hiện diện qua những gương mặt sạm nắng vì lao nhọc, những đôi vai oằn nặng trước áp lực cuộc sống, những mảnh đời lang thang cơ nhỡ, những gia đình rạn nứt đau thương. Tùy khả năng của mình, chúng ta hãy đem cho họ sự an ủi, để qua đó khẳng định với họ rằng: Thiên Chúa yêu thương con người. Mùa đông băng giá đã chấm dứt, xuân mới ấm áp đã đến rồi và cuộc đời tươi đẹp đang nở hoa.
Mùa Vọng 2017
  Gm Giuse Vũ Văn Thiên
 Trầm Thiên Thu

HOÀNG TỬ HOÀ BÌNH


  HOÀNG TỬ HOÀ BÌNH

Nỗi niềm chờ mong Đấng Thiên Sai đã nuôi dưỡng niềm tin của người Do Thái trải qua bao thế hệ. Vào những lúc họ gặp cảnh thăng trầm bi đát như thời lưu đày, nỗi mong chờ ấy càng trở nên mãnh liệt. Lời cầu xin Đấng Thiên Sai ngự đến là một trong những lời cầu nguyện tha thiết nhất của dân được tuyển lựa: “Trời cao hãy đổ sương mai, mây ơi mưa xuống Đấng cứu đời…”. Từ thâm tâm mỗi người Do Thái, họ tin rằng khi Đấng Thiên Sai đến, thế giới sẽ hoà bình. Dân tộc được ưu tuyển sẽ ngẩng cao đầu giữa các dân. Sẽ không còn tang tóc nước mắt và đau khổ, đất sẽ tràn trề sữa và mật. Đấng Thiên Sai được chờ đợi như một vị Hoàng tử Hoà bình (x. Is 9,5).

Cách nay hơn hai ngàn năm, niềm hy vọng nuôi dưỡng bao thế hệ Do Thái đã thành hiện thực. Thiên Chúa không chỉ tiếp xúc với Dân của Ngài qua những trung gian như thời xa xưa, nhưng bằng chính Con Một của Ngài là Đức Giêsu, Đấng muôn dân mong đợi. Nếu hình ảnh Đấng Thiên Sai được truyền thống diễn tả như một anh hùng chinh Đông dẹp Bắc, chễm chệ oai hùng, đánh đâu thắng đó, thì Con Thiên Chúa lại đến thế gian trong một diện mạo hoàn toàn khác. Đấng Thiên Sai đến, nhưng đơn sơ, khó nghèo. Người sinh ra trong một hang đá, dành làm chỗ cho đàn chiên trú đêm giữa mùa đông giá lạnh. Thiên Chúa đã muốn chọn một bậc sống đơn sơ. Ngài muốn hạ mình, trở nên gần gũi những người bé mọn. Sự khiêm nhường này được trải dài trong suốt cuộc đời dương thế của Chúa Giêsu.

Người Do Thái khước từ vị ngôn sứ thành Nagiarét, bởi họ không thấy nơi Người những dấu hiệu được truyền thống tiên báo. Người là một vị ngôn sứ nghèo, đôi khi “vi phạm” lề luật, nhất là luật ngày Sabát. Người lại cả dám gọi Thiên Chúa là Cha, một điều cấm kỵ nơi người Do Thái. Người đi lại gặp gỡ và còn đến nhà dùng bữa với người thu thuế và những cô gái làng chơi. Không những phủ nhận vai trò Thiên Sai của Đức Giêsu, một số người Do Thái còn coi Người như một kẻ báng bổ phạm thượng. Kết cục, vị Thượng tế, các kỳ lão, một số biệt phái và luật sĩ đã lên án tử cho Người. Trên thập giá, Người đã dang rộng cánh tay như ôm trọn cả thế giới vào lòng. Người đã đón nhận sự chết như một hy tế của tình yêu.

 Nếu dân tộc và đồng bào của Chúa Giêsu đã lên án tử cho Người, thì những ai tin vào giáo huấn của vị Ngôn sứ thành Nagiarét lại nhận ra Người chính là Đấng muôn dân mong đợi. Cuộc đời và giáo huấn của Chúa Giêsu đều nhằm thiết lập hoà bình:

– Người đến để giao hoà thế gian với Chúa Cha;

– Người đến để phá hủy bức tường ngăn cách giữa Do Thái và các dân, đồng thời lấy giới răn yêu thương như giải pháp căn bản để thiết lập hoà bình;
– Người đến để trừ diệt sự dối trá, là mầm mống làm cho con người băng hoại và gây mâu thuẫn trong các mối tương quan ở mọi lãnh vực;

– Người kêu gọi con người hãy nhận ra trách nhiệm của mình đối với anh em, để xây dựng một cuộc sống huynh đệ, nhân ái yêu thương;

– Người đẩy lui quyền lực của ma quỷ, là tên giết người và là cha dự dối trá tự bản chất. Qua đó Người thiết lập vương quốc của sự thật, công chính và bình an.

Có thể người thời nay đặt câu hỏi: Sau hai mươi thế kỷ từ ngày Đức Giêsu rao giảng giáo huấn của Người, trước một thế giới lây nhiễm bởi lối sống tục hóa và vô thần, đâu là giá trị giáo huấn của Chúa Giêsu đối với con người hôm nay, và Người đã đem lại gì cho trần gian? Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI đã đưa ra câu trả lời: Chúa Giêsu đem cho nhân loại chính Thiên Chúa, và như vậy là đủ. Bởi lẽ Thiên Chúa là Đấng lấp đầy mọi khát vọng thâm sâu của con người. Không có Thiên Chúa, cuộc sống này trở nên vô nghĩa. Phủ nhận Thiên Chúa, thế gian sẽ chỉ còn lại là bãi chiến trường và là nơi đầy bạo lực chết chóc, như kinh nghiệm thực tế đã chứng minh. “Ai thấy Thày là thấy Cha”, Chúa Giêsu đã khẳng định như thế. Nơi Chúa Giêsu, Đấng vô hình đã trở nên hữu hình, Đấng cao vời đã trở nên gần gũi. Người là Đấng Emmanuel, Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng ta.

Những người thời nay còn đặt câu hỏi: Nếu Chúa Giêsu là Hoàng tử Hoà bình, tại sao thế giới vẫn tồn tại những cuộc chiến nghiệt ngã ở nhiều lĩnh vực và mức độ khác nhau? Hoà bình chỉ được thiết lập khi có thiện chí của con người. Trong giáo huấn của mình, Chúa Giêsu đưa ra những nguyên tắc để hướng tới hoà bình, như những hạt giống ươm mầm để làm cho cây hoà bình trổ sinh và phát triển. Cốt lõi giáo huấn của Người là yêu thương, dựa trên nguyên tắc mọi người là anh chị em trong gia đình Thiên Chúa. Hạt giống hoà bình đã được gieo vãi, nhưng lại bị bóp nghẹt do thói ích kỷ và vô cảm của con người.


Chuyện kể về một cửa hàng lạ thường, chuyên bán những “Hạt giống ước mơ”. Một khách hàng bước vào và nhìn thấy những hộp nhỏ bày la liệt, trên đó có ghi những dòng chữ: “ước mơ hạnh phúc”, “ước mơ trường thọ”, “ước mơ giàu sang”. Vị khách mua liền một hộp có dòng chữ “ước mơ giàu sang” và nói lên điều ước của mình. Khi không thấy điều ước của mình được thực hiện, ông liền quở trách người bán hàng là dối trá. Người bán hàng nhẹ nhàng trả lời: “Thưa ông, đây chúng tôi chỉ bán hạt giống; để thành cây và để những ước mơ của ông thành hiện thực, ông cần gieo hạt, chăm sóc, vun tưới”. Chúa Giêsu đã đem hạt giống hoà bình vào thế gian. Người mời gọi chúng ta hãy cộng tác để hạt giống Người đã gieo vãi nảy nở đơm hoa kết trái giữa đời thường, đem hoà bình cho nhân loại. Thực ra, hoà bình không chỉ là yên tiếng súng và chấm dứt chiến tranh. Hoà bình còn là tình huynh đệ giữa các dân tộc, giữa các cá nhân. Hơn nữa, hoà bình còn là sự thanh thản trong tâm hồn, là tình huynh đệ tương thân tương ái, là sống có trách nhiệm đối với nhau và đối với môi trường xã hội. Đây chính là hoà bình mà Đức Giêsu kêu gọi. Người đã khởi xướng và mong mọi người thực thi trong mối tương quan đồng loại.

Mỗi năm, Mùa Vọng đến rồi lại đi, khởi đầu rồi lại kết thúc. Chúng ta hãy lắng nghe sứ điệp hoà bình các thiên thần đã hát lên tại cánh đồng Belem năm xưa: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, hoà bình dưới thế cho người thiện tâm”. Không chỉ lắng nghe, mà mỗi tín hữu được mời gọi trở nên sứ giả, đem tin mừng Giáng Sinh đến mọi nẻo đường của cuộc sống. Liệu chúng ta có khả năng khẳng định chắc chắn với những người cùng thời rằng: Chúa đã đến và đang hiện diện giữa chúng ta. Người là Hoàng tử Hoà bình. Người chúc phúc cho những ai xây dựng hoà bình, “vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa” (Mt 5,9) ? Lễ Giáng Sinh chỉ có ý nghĩa, nếu chúng ta cảm nhận được sự ngọt ngào của tình Chúa tình người, thể hiện qua niềm vui đón chào Đấng Cứu thế, Đấng đang ở giữa chúng ta.

Hải Phòng, Mùa Vọng 2017
  Gm Giuse Vũ Văn Thiên



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét