Thứ Năm, 8 tháng 3, 2018

Thứ sáu ngày 09.03.2018



Tin Mừng Chúa Giê-su Kitô theo Thánh Mác-cô (Mc 12: 28-34)

28 Có một người trong các kinh sư đã nghe Đức Giê-su và những người thuộc nhóm Xa-đốc tranh luận với nhau. Thấy Đức Giê-su đối đáp hay, ông đến gần Người và hỏi: "Thưa Thầy, trong mọi điều răn, điều răn nào đứng đầu? "29 Đức Giê-su trả lời: "Điều răn đứng đầu là: Nghe đây, hỡi Ít-ra-en, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất.30 Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi.31 Điều răn thứ hai là: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Chẳng có điều răn nào khác lớn hơn các điều răn đó."32 Ông kinh sư nói với Đức Giê-su: "Thưa Thầy, hay lắm, Thầy nói rất đúng. Thiên Chúa là Đấng duy nhất, ngoài Người ra không có Đấng nào khác.33 Yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức lực, và yêu người thân cận như chính mình, là điều quý hơn mọi lễ toàn thiêu và hy lễ."34Đức Giê-su thấy ông ta trả lời khôn ngoan như vậy, thì bảo: "Ông không còn xa Nước Thiên Chúa đâu! " Sau đó, không ai dám chất vấn Người nữa.
 
SUY NIỆM

 
Luật của người Do Thái có đến 365 điều cấm làm và 248 điều buộc phải thực hành. Giữa một rừng luật như thế, dễ làm người ta khó phân biệt điều luật nào trọng hơn điều luật nào. Các rabbi, dù là những thầy dạy, vẫn thường tranh luận với nhau về các điều răn.

Hôm nay, Tin Mừng cho biết, một kinh sư hỏi Chúa Giêsu về điều răn đứng hàng đầu. Chúa trả lời câu hỏi của vị kinh sư bằng lời mở đầu của kinh Shema. Kinh này được người Do Thái đọc mỗi ngày sáng chiều:

      "Nghe đây, hỡi Israel, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi"(Đnl 6, 4).
 
         Và Chúa đúc kết: "Đó là điều răn đứng đầu, điều răn thứ nhất trong mọi điều răn" (Mc 12, 29).

      Tuy nhiên, Chúa Giêsu còn muốn thêm một điều răn thứ hai nữa: "Ngươi phải yêu mến người thân cận với ngươi như chính mình ngươi" (Lv 19,18).

         Và Chúa kết luận: “Chẳng có điều răn nào khác lớn hơn những điều răn đó” (Mc 12, 31).

       Chúa Giêsu tóm gọn mọi luật lệ trong hai điều răn, bằng hai câu trích trong Sách Thánh. Cả hai đều bị chi phối bởi một động từ duy nhất: yêu mến. Yêu Thiên Chúa và yêu tha nhân. Đó là câu trả lời của Chúa Giêsu cho ông kinh sư nói riêng và người Do Thái nói chung cách đây hai ngàn năm.

        Nhưng nó cũng là lời tra vấn các Kitô hữu thời nay về tình yêu Thiên Chúa và tình yêu tha nhân. Chúa luôn luôn và vẫn tiếp tục mời gọi ta hãy để lòng yêu mến thấm vào mọi lãnh vực của cuộc sống.

       1. Yêu mến Chúa là ra khỏi tình trạng thụ động, lãnh đạm, hời hợt, tìm thoải mái riêng tư, để hướng về Thiên Chúa cách năng động mạnh mẽ và cương quyết, để dù phải đối diện với bất cứ hoàn cảnh nào, khổ đau hay hạnh phúc, đều một mực trung thành, một mực ngẩng đầu về phía Thiên Chúa giữ vững đức tin, giữ vững sự hăng say phụng sự Chúa.

       Yêu mến Chúa là vận dụng tất cả năng lực trí tuệ và ý chí để hiểu biết Chúa, gặp gỡ Chúa, đón tiếp Chúa trong tín thác, trong nỗi vui hiến dâng cả cuộc đời cho Chúa. Quyết một lòng  để cho tình yêu của Chúa ngự trị và lấp đầy cõi lòng. Nói cho cùng, yêu mến Thiên Chúa là luôn cố gắng mở ra với Chúa mãi mãi.

       2. Yêu tha nhân như yêu chính bản thân, nghĩa là ta chấp nhận người thân cận trong tính cách riêng tư độc đáo của họ. Ta chân thành nhìn nhận họ cũng được Chúa yêu, được Chúa tạo thành, được Chúa cho hiện diện như ta. Ta và họ đều có mọi nghĩa vụ, mọi quyền lợi trước mặt Chúa như nhau.

       Dù phân biệt yêu Chúa - yêu người, nhưng thực ra, cả hai điều răn này tương tác lẫn nhau. Yêu Chúa buộc chúng ta phải yêu anh chị em. và yêu anh chị em là bằng chứng của tình yêu mà ta dành cho Thiên Chúa.

      Thánh Gioan tông đồ đã từng khẳng định: "Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy, là anh em có lòng yêu thương nhau" (Ga 13, 35). Hoặc: “Nếu ai nói: Tôi yêu mến Thiên Chúa mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối. Vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy… Ai yêu mến Thiên Chúa thì cũng yêu thương anh em mình” (1 Ga 4, 20-21).

        Lạy Chúa, xin cho con quả tim của Chúa. Xin cho con đừng khép lại trên chính mình, nhưng xin cho quả tim con quảng đại như Chúa, vươn lên cao, vượt mọi tình cảm tầm thường để mặc lấy tâm tình bao dung tha thứ.
Xin cho con vượt qua mọi hờn oán nhỏ nhen, mọi trả thù ti tiện. Xin cho con cứ luôn bình an, trong sáng, không một biến cố nào làm xáo trộn, không một đam mê nào khuấy động hồn con.
Xin cho con đừng quá vui khi thành công, cũng đừng quá bối rối khi gặp lời chỉ trích. Xin cho quả tim con đủ lớn để yêu người con không ưa. Xin cho vòng tay con luôn rộng mở để có thể ôm cả những người thù ghét con. Amen.

HÃY YÊU NHƯ THẦY ĐÃ YÊU



Tin Mừng  Mc 12: 28-34
 
Trang Tin Mừng hôm nay tường thuật về cuộc trao đổi thân tình và cởi mở giữa Chúa Giêsu và một kinh sư về một chủ đề thần học rất quan trọng của Do Thái giáo và cũng là của Kitô giáo.

Câu hỏi được vị kinh sư đặt ra là “Trong mọi điều răn, điều răn nào đứng hàng đầu? tức điều răn nào quan trọng nhất?” Chúa Giêsu trả lời cho ông biết một điều cốt lõi của luật đó là: “Điều răn đứng hàng đầu là: Nghe đây hỡi Israen, Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, là Đức Chúa duy nhất. Người phải yêu mến Đức Chúa của ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi. Điều răn thứ hai là: ngươi phải yêu mến người thân cận như chính mình. Chẳng có điều răn nào khác quan trọng hơn các điều răn đó”.

Cả hai điều luật này được Chúa Giêsu nhắc lại cho người Do Thái, nhưng thực ra, là lệnh truyền của Thiên Chúa đã dạy từ lâu trong Cựu Ước, qua ông Môsê.

"Hỡi Israel, hãy nghe đây: Thiên Chúa, Chúa chúng ta, là Chúa duy nhất, và ngươi hãy yêu mến Thiên Chúa ngươi.. Còn đây là giới răn thứ hai: "Ngươi hãy yêu mến tha nhân như chính mình ngươi".

Là môn đệ của Chúa, chúng ta hiểu Luật Chúa là giới răn quan trọng, nên đòi buộc chúng ta tuân giữ, sống và thực hành trong đời sống của mình hằng ngày. Vì có sống Luật Chúa mới bảo đảm được vào Nước Thiên Chúa.

“Yêu Chúa và yêu người” là bổn phận của chúng ta đối với Thiên Chúa và đối với tha nhân. Yêu Chúa là yêu hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn. yêu Chúa trên hết mà không chia sẻ cho bất cứ thụ tạo nào khác; Luôn đặt Chúa lên trên hết, và đặt Chúa làm chủ của mình; luôn qui phục một mình Ngài, thờ phượng Ngài, vâng phục Ngài.

Thiên Chúa là Đấng quyền năng đã hạ mình xuống mang thân phận con người để cứu chúng ta khỏi ách tội lỗi và sự chết. Yêu người một cách “sơ sơ” thì dễ nhưng “yêu như chính mình” thì thật khó. Yêu thương những người nổi tiếng, lịch sự, xinh đẹp, giàu có thì dễ, nhưng thật khó biết bao khi yêu thương những người nghèo khổ, dốt nát, người hay gây phiền toái cho ta. Yêu thương những người mang lợi lộc đến cho ta thì dễ nhưng khó mà yêu thương kẻ thù của ta, những người hàng xóm khó tính, keo kiệt, những người nghèo lang thang đầu đường xó chợ…Đòi hỏi của Chúa

Yêu Chúa cũng đòi phải yêu tha nhân. Như Chúa dạy: “Ngươi hãy yêu thương tha nhân như chính mình”. Hẳn ta còn nhớ Đức Khổng Tử cũng khuyên đồ đệ: "Điều mình không muốn thì đừng làm cho người khác". Còn Chúa Giêsu dạy các tín hữu chúng ta thực hành theo hướng tích cực: "Vậy tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta, vì Luật Môsê và lời các ngôn sứ là thế đó" (Mt 7, 12).

Người kinh sư đặt ra một câu hỏi thật xác đáng và Chúa Giêsu cũng đã chỉ rõ điều luật quan trọng nhất đó là “Kính mến Chúa hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn”. Đây là điều răn quan trọng và cũng là điều khó thực hiện. Vì bản tính con người là thích chạy theo tà thần với vẻ hào nhoáng bên ngoài, những vị thần của quyền lực, tiền bạc, dục vọng …có khả năng làm thỏa mãn những nhu cầu của con người.

Ta thấy đòi hỏi của Thiên Chúa có tính quyết liệt, dứt khoát phải tôn thờ Thiên Chúa trọn cả con người với mọi ước muốn thâm sâu trong tâm hồn và thể xác. Con người thường có thái độ “chân trong chân ngoài”, nghĩa là theo Chúa nhưng còn tìm kiếm và chạy theo những vị thần khác.

Những vị thần có hình tướng và cả những vị thần vô hình vô tướng, đó là một thứ thần nguy hiểm và đáng sợ. Đó là thần tham lam dối trá, ghen ghét, thù hận, đam mê xác thịt, hưởng lạc và nhiều những thói hư tật xấu khác. Đó là những thứ thần ngấm ngầm ăn sâu vào tận xương tủy con người. Hơn ai hết Chúa Giêsu hiểu được rằng con người dễ chạy theo những quyến rũ của thế gian mà lãng quên hoặc tôn thờ Chúa một cách nửa vời, đó là một mối nguy hiểm.

Điều thứ hai không kém phần quan trọng đó là “yêu người thân cận như chính mình”. Chúng ta phải kính mến Thiên Chúa vì Người là Đấng sáng tạo và làm chủ muôn vật muôn loài, trong đó con người được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa, được Thiên Chúa cứu chuộc bằng giá máu và mạng sống của Chúa Giêsu Con Một yêu dấu của Thiên Chúa. Kính mến Thiên Chúa cụ thể là yêu thương tôn trọng con người. Cả cuộc đời của Chúa Giêsu chỉ canh cánh có một điều là yêu thương và cứu chuộc loài người.

Thiên Chúa là Đấng quyền năng đã hạ mình xuống mang thân phận con người để cứu chúng ta khỏi ách tội lỗi và sự chết. Yêu người một cách “sơ sơ” thì dễ nhưng “yêu như chính mình” thì thật khó. Yêu thương những người nổi tiếng, lịch sự, xinh đẹp, giàu có thì dễ, nhưng thật khó biết bao khi yêu thương những người nghèo khổ, dốt nát, người hay gây phiền toái cho ta. Yêu thương những người mang lợi lộc đến cho ta thì dễ nhưng khó mà yêu thương kẻ thù của ta, những người hàng xóm khó tính, keo kiệt, những người nghèo lang thang đầu đường xó chợ…Đòi hỏi của Chúa

Chính Chúa là mẫu gương cho chúng ta yêu người, và là dấu hiệu của người môn đệ của Chúa: "Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau" (Mc 13, 34-35).

Ngài đã dám thí mạng sống mình cho người mình yêu (Ga 15, 13). Ngài đã phục vụ ngay cả người môn đệ của mình bằng việc cúi xuống rửa chân cho các môn đệ (Ga 13, 5.13), để làm gương cho chúng ta hôm nay. Là môn đệ của Chúa Giêsu, chúng ta hãy sống như Thầy Giêsu.

Khi thật sự yêu thương là sẵn sàng tha thứ cho tha nhân, sẵn sàng làm hòa với nhau: "Vậy, nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hòa với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình" (Mt 5,23-24).

Tình yêu thương nhau phải chân thành, không giả tạo, như Thánh Gioan đã khẳng định: "Nếu ai nói: Tôi yêu mến Thiên Chúa mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối. Vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy... Ai yêu mến Thiên Chúa thì cũng yêu thương anh em mình" (1 Ga 4, 20-21). 

Trong thực tế, ta thấy rất rõ rằng tình yêu thể hiện qua việc chia sẻ cho nhưng người nghèo đói: “Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm nom; Ta ngồi tù, các ngươi đã đến thăm". (Mt 25, 35-36). Thật hạnh phúc cho chúng ta, vì Chúa sẽ ban thưởng cho chúng ta còn hơn gấp bội: "Phúc cho ai biết thương xót thì họ sẽ được Thiên Chúa thương xót" (Mt 5, 7).

Và rồi ta thấy rằng Mùa Chay chính là là thời gian thuận tiện để nhắc nhở chúng ta thực hành giới luật “Yêu Chúa và Yêu người”.


Huệ Minh


YÊU MẾN BẰNG CẢ TÂM HỒN
(Mc 12,28-34)
 “Hãy yêu mến Thiên Chúa ngươi hết lòng hết sức hết trí khôn”; và: “Phải yêu người thân cận như chính mình”. Đây là một mệnh lệnh của Trời.
Tin Mừng hôm nay thuật lại câu chuyện đối thoại giữa Đức Giêsu và một Kinh Sư. Khởi đi bằng một câu hỏi của ông này về việc: điều nào là quan trọng trong toàn bộ luật. Thấy vậy, Đức Giêsu đã tóm cho ông toàn bộ nội dung và mục đích của luật trong câu: “Hãy yêu mến Thiên Chúa ngươi hết lòng hết sức hết trí khôn”; và: “Phải yêu người thân cận như chính mình”.
Yêu mến Thiên Chúa hết lòng là làm sao? Thưa! Là thờ lạy, quy phục, là giữ và thực thi Lời Chúa, sẵn sàng từ bỏ mọi sự để tin và theo Chúa, dù có phải khổ đau, hoạn nạn, thử thách và cuối cùng sẵn sàng chết cho Thiên Chúa là Đấng chúng ta tôn thờ, yêu mến.
Còn yêu người như chính mình thì như thế nào? Thưa! Là yêu hết mọi người, không phân biệt bạn hay thù, thánh thiện hay tội lỗi, giàu hay nghèo, quý tộc hay thường dân, người già hay trẻ nhỏ, phụ nữ hay đàn ông, màu da hay chủng tộc.... Tóm lại: Yêu mình làm sao thì yêu người như vậy.
Yêu như thế là chúng ta đi vào tình yêu của chính Thiên Chúa, bởi vì bản chất của Thiên Chúa là tình yêu mà tình yêu của Ngài là hướng tha, là thực tế, không trừu tượng.
Muốn yêu được như thế, chúng ta phải chấp nhận cho đi, thiệt thòi, chịu liên lụy và đôi khi đành mất chính mình.
Chúa không bao giờ chấp nhận chúng ta cho đi theo kiểu: “Hòn đất ném đi, hòn chì ném lại”; hay “bỏ con tép, bắt con tôm”; hoặc  “ông bỏ nắm xôi, bà thò nậm rượu...”.
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy đi theo Chúa trên con đường tình yêu ấy bằng cả lòng mến chân thành được hiện tại hóa nơi hành động của mình.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết sống và giữ Giới Luật của Chúa bằng cả con tim, khối óc và linh hồn, để chúng con được sự sống đời đời. Amen.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét