Thứ Sáu, 16 tháng 3, 2018

CHÚA NHẬT NHÀY 18,03.2018

25. Thuốc bất tử – Lm. Trịnh Ngọc Danh

Thời Chiến quốc, có một người đem dâng cho vua nước Sở một vị thuốc bất tử. Người ấy bưng vị thuốc vào, đi ngang qua một viên quan canh cửa. Viên quan này hỏi:
- Vị thuốc này có ăn được không?
Người kia đáp:
- Ăn được.
Tức thì, viên quan giật lấy vị thuốc mà ăn. Chuyện đến tai vua. Vua truyền bắt viên quan đem giết.
Viên quan kêu:
- Thần đã hỏi người đem dâng thuốc là có ăn được không. Người ấy bảo: “ăn được”, nên thần mới dám ăn. Như thế là thần vô tội mà lỗi là ở người dâng thuốc. Hơn nữa, người đem dâng thuốc nói là thuốc “ bất tử”, nghĩa là thuốc ăn vào thì không chết nữa. Thế mà thần mới vừa ăn xong, lại sắp phải chết; vậy là thuốc “tử” chứ đâu phải thuốc “bất tử”? Nhà vua giết thần, thực là oan uổng cho một người vô tội; điều đó có nghĩa là thiên hạ dối lừa nhà vua mà nhà vua vẫn tin.
Nghe nói có lý, nhà vua bèn tha chết cho viên quan.
Một khát vọng
Chẳng ai muốn chết, và ai cũng muốn sống lâu, sống trường thọ; nhưng oái ăm thay! chết lại là số kiếp của con người, ai cũng phải một lần đi qua kết cuộc ấy.
Sống được trên trăm tuổi đã là tuổi hiếm thấy trên thế gian; vì thế người ta mới ghi vào sổ kỷ lục những ai sống trên trăm tuổi: cụ già sống được 110 tuổi một tháng, đạt kỷ lục trường thọ hơn cụ già sống 110 tuổi 20 ngày! Càng về cuối đời, người ta không tính sống được bao nhiêu năm, bao nhiêu tháng nhưng tính hơn nhau từng ngày. Sống lâu trường thọ đến thế là một điều khâm phục, một niềm tự hào. Thọ là một trong ba nguyện ước con người thường cầu chúc cho nhau: Phúc- Lộc- Thọ.
Những mỹ phẩm mà người ta rao bán: làm trẻ mãi không già, thực ra chỉ có thể che lấp đi được những nếp nhăn nheo cằn cỗi trên thân xác, nhưng không thể níu kéo hay xoá đi tuổi già của thời gian. Và giả như ai đó phát minh ra được một thứ thuốc kéo dài tuổi thọ đến 100 hay 200 năm, chắc chắn người ấy sẽ trở thành nhà tỷ tỷ phú, và nếu chế được một thứ thuốc trường sinh bất tử thì chắc người ấy sẽ là người giàu nhất thế giới.
Thế mới biết: làm sao cho được “trẻ mãi không già”, được “sống lâu, bất tử” là khát vọng, nhưng đồng thời cũng là tuyệt vọng của con người.
Muốn sống, phải chết
Người đời bảo: chết là hết; thế mà có một người dám quả quyết: muốn sống, phải chết đi để được sống mà không phải sống trường thọ 2,3 trăm năm mà sống bất tử, sống đời đời: “Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất mà không thối đi, thì nó chỉ trơ trọi một mình, nhưng nếu nó thối đi, thì nó sinh nhiều bông hạt. Ai yêu sự sống mình thì sẽ mất, và ai ghét sự sống mình ở đời này, thì sẽ giữ được nó cho sự sống đời đời”. Người ấy là Chúa Giêsu.
Nhưng chết bằng cách nào? Là tự tử? Là hủy hại thân thể? Không. Chết là “thối đi”, là “ghét sự sống ở đời này”; đó là cái chết cho những tiêu cực nơi tâm hồn.
Như thế, chết là hãm mình trước những cám dỗ của dục vọng, của ý riêng, là vượt thắng 7 mối tội đầu, là hy sinh vì 10 điều răn Chúa dạy, là từ bỏ những gì không thuộc ý muốn của Thiên Chúa; vì “Tính xác thịt thì ước muốn những điều trái nghịch với Thần Khí; còn Thần Khí lại ước muốn những điều trái nghịch với xác thịt… Những việc do tính xác thịt gây ra thì ai cũng rõ; đó là dâm bôn, ô uế, phóng đảng, thờ quấy, phù phép, hận thù, bất hòa, ghen tuông, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè phái, ganh tỵ, say sưa, chè chén, và những việc khác giống như vậy… Còn hoa quả của Thần Khí là: bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ”. ( Gl 5, 17.19-20.22-23)
Chết là canh tân đổi mới, là cải thiện tâm hồn, là thay đổi não trạng, thay đổi cách suy nghĩ sao cho hợp với thánh ý của Thiên Chúa: “Anh em đừng có rập theo đời này, nhưng hãy cải biến con người anh em bằng các đổi mới tâm hồn, hầu có thể nhận ra đâu là ý Thiên Chúa: cái gì tốt, cái gì đẹp lòng Chúa, cái gì hoàn hảo” ( Rm. 12,2)
Chết là chấp nhận hy sinh, chịu “thối đi” nơi con người thể xác để cho hạt giống đức tin và Tin Mừng có điều kiện nẩy sinh và mang lại nhiều hoa trái cho người và cho đời.
Người không chịu “thối đi”, không dám “ghét sự sống của mình ờ đời này”, là người gạt bỏ sự siêu nhiên ra khỏi cuộc đời của người Kitô hữu, không còn tìm thánh ý Chúa, không còn hành động cho sáng danh Chúa; là cho rằng hy sinh, khiêm nhường, nhịn nhục là dại dột, chỉ vâng phục khi nào mình thấy hợp lý, có lợi cho bản thân.
Người không chịu “thối đi”, không dám “ghét sự sống của mình ở đời này” là người chỉ xem hạnh phúc trần thế là cứu cánh của cuộc sống; là người vẫn dự lễ, đọc kinh tối sáng, vẫn làm những công việc bác ái, nhưng cuộc sống của họ lại xa lạ với Tin Mừng. Trọng tâm của cuộc đời của họ là quyền hành, lạc thú, tiền của. Bạn hữu của họ là những người giàu sang quyền thế, ngay cả những kẻ bóc lột, tham nhũng… Họ không nghĩ đến đời sau, bình thản như thể họ sẽ sống muôn đời trên cõi đời này và thiên đàng đối với họ là trần gian.
Đó là những hạt giống không chịu “thối đi”, không chịu mục nát, những hạt giống “sống trơ trọi một mình”, nên không “sinh nhiều bông trái” cho đời, cho người, không manh ích lợi gì cho ai và như thế, cuộc sống của họ “sẽ mất”.
Thuốc bất tử
Phương thuốc bất tử mà Chúa Giêsu muốn mang đến cho con người là: sám hối và tin vào Tin Mừng (Mc 1,15).
Trước tiên, phải sám hối, chịu “thối đi”, chịu “mất mạng sống mình” mới chỉ là những thứ chúng ta phải kiêng khem, phải hy sinh, phải hãm mình như người mắc bệnh tiểu đường phải kiêng ăn ngọt, người cao máu phải kiêng ăn mặn.
Kế tiếp, là tin vào Tin Mừng như lời Chúa đã phán: “Ai nghe lời Ta và tin Đấng đã sai Ta, thì được từ cõi chết mà qua cõi sống”. (Ga. 5,24); hay “Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta, thì có sự sống đời đời”. (Ga. 6,55)
Tóm lại, bài thuốc bất tử mà Chúa muốn ban cho chúng ta là Thập gía. Chúa Giêsu đã chấp nhận chết đi để trở thành nguồn ơn cứu độ cho nhân loại được nhìn lên Ngài và được sống.
Hạt lúa phải chịu nghiền nát để trở thành cơm bánh nuôi sống con người, thì Chúa Giêsu cũng vậy, Ngài chấp nhận bị nghiền nát trong cuộc tư nạn đau thương để trở thành bánh thánh dâng lên Chúa Cha trên bàn thờ, đồng thời trở nên lương thực nuôi sống chúng ta.
Thập giá đã trở thành ngai Chúa ngự để phán xét và ban sự sống. Ngài chết để đi vào vinh quang của Chúa Cha và trở thành Đấng ban sự sống đời đời cho chúng ta.
Cách thức để đi đến chiến thắng vinh quang lại là cách thức đau thương nhất, khốn cực nhất của trần gian.
Đáp lời kêu gọi của Thầy Chí Thánh: “Hãy đến mà xem”, “Hãy theo Ta”, chúng ta đã “đến mà xem”, đã “theo Thầy”, nhưng còn một điều kiện nữa để được sống bất tử là “vác thánh gía mình mà theo Thầy”, không biết chúng ta đã thực hiện điều kiện ấy chưa! đã chịu “thối đi”, đã “ghét mạng sống mình” được bao nhiêu!

26. Hạt lúa mì – Lm. Phạm Quốc Hưng

Thập giá là hình ảnh được dùng nhiều hơn cả để nhắc chúng ta nhớ đến Chúa Giêsu và tình yêu hy sinh tận tuyệt của Người, cũng như tinh thần mỗi Kitô hữu phải có trong đời sống của mình. Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đưa ra một hình ảnh khác, dù rất đơn sơ bé nhỏ gần gũi nhưng lại giàu ý nghĩa, để diễn tả tâm tư và lối sống của Người. Chúa Giêsu còn chỉ ra đó tất cả một bí quyết hay một quy luật căn bản mà mỗi Kitô hữu phải theo để trở nên giống Người, để đạt đến ơn cứu độ và vinh quang đích thực.
Đó là hình ảnh hạt lúa mì.
Người nói: “Đã đến giờ Con Người được tôn vinh. Quả thật, quả thật, Ta nói với các con: Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất mà không thối đi, thì nó chỉ trơ trụi một mình; nhưng nếu nó thối đi, thì nó sinh nhiều bông hạt. Ai yêu sự sống mình thì sẽ mất, và ai ghét sự sống của mình ở đời này, thì sẽ giữ được nó cho sự sống đời đời” (Ga 12:23-25). Chúa Giêsu nói những lời này khi Người sắp bước vào Cuộc Thương Khó. Thật thích hợp khi Giáo Hội cho chúng ta được nghe những lời này một tuần trước Chúa Nhật Thương Khó.
Thánh Sử Gioan chia Tin Mừng của người thành hai phần: sách các dấu chỉ và sách vinh quang. Phần sách các dấu chỉ thuật lại các phép lạ của Chúa Giêsu, và phần sách vinh quang thuật về Cuộc Thương Khó và Phục Sinh của Chúa Giêsu. Thánh nhân muốn cho mọi người nhận biết rất rõ rằng: với Thiên Chúa, với Chúa Giêsu, vinh quang đích thực được thể hiện nơi tình yêu hy sinh phục vụ, tình yêu xả kỷ vị tha, tình yêu thí mạng vì người mình yêu. Và chỉ có tình yêu này mới đem lại sự sống thật, sự sống thần linh, sự sống đời đời.
Đây là một quan niệm khác hẳn lối suy tư tự nhiên của con người. Thật vậy, con người tự nhiên bao giờ cũng sống theo bản năng sinh tồn của mình. Với ảnh hưởng của tội tổ, con người nhiều khi sống theo bản năng rừng rú của mình, sống theo luật rừng: mạnh được yếu thua, mạnh dùng sức yếu dùng mưu, miễn sao đem lại ích lợi cho bản thân mình, miễn sao làm cho mình được sống sung sướng, giàu sang, quyền lực, bất chấp luân thường đạo lý, bất chấp thiệt thòi của người khác.
Đây cũng là một quan niệm đi ngược với sự trông mong của người Do thái về “Con Người”, về Đấng Thiên Sai, Đấng Mêsia. Họ nghĩ Đấng Mêsia phải là một lãnh tụ chính trị đầy tài năng và quyền uy, và dùng tài năng và quyền uy của mình để đánh đuổi ngoại bang, chinh phục các dân tộc lân bang, đem lại vẻ vang cho dân tộc được tuyển chọn.
Trong Tin Mừng Gioan, mầu nhiệm nhập thể được đặt làm nền tảng cho toàn bộ công cuộc cứu độ. Sự hiệp nhất giữa thần tính và nhân tính của Ngôi Lời Nhập Thể được diễn tả cách tuyệt vời: Cuộc Khổ Nạn với bao đau thương nhục nhã của Thập Giá bao giờ cũng gắn liền với Cuộc Phục Sinh đầy ánh sáng vinh quang. Vì vậy, khi Chúa Giêsu bắt đầu bước vào Cuộc Khổ Nạn, thì cũng là lúc Người bắt đầu bước vào Vinh Quang hay bắt đầu bày tỏ vinh quang đích thực của Người.
Với Chúa Giêsu, giờ của Chúa là giờ của Cuộc Thương Khó, giây phút vinh quang là giây phút chịu khổ nạn trên thập giá. Với thế gian, thập giá là hình cụ ghê sợ và nhục nhã nhất để trừng phạt những người tử tội. Chúa Giêsu đã biến thập giá thành Thánh Giá, và Thập Giá của Chúa Giêsu chính là Ngôi Báu của Người. Điều này đã được xác định khi Chúa Quan Phòng định cho Philatô ghi trên thập giá hàng chữ: “Giêsu Nazareth-Vua Dân Do Thái”. Giây phút Chúa Giêsu được treo trên thập giá là giây phút Người bước lên Ngôi Báu của Người.
Không phải Chúa Giêsu chỉ chịu đau khổ vì yêu thương khi bắt đầu bước vào Cuộc Khổ Nạn, nhưng đó luôn là đặc nét chính trong cuộc đời Chúa Giêsu. Tác giả Thư gửi tín hữu Do thái trong bài đọc hai đã xác định điều này trong bài đọc hai của Phụng Vụ hôm nay: “Khi còn sống ở đời này, Chúa Kitô đã lớn tiếng và rơi lệ dâng lời cầu xin khấn nguyện lên Đấng có thể cứu Người khỏi chết, và vì lòng thành tín, Người đã được nhậm lời. Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã học vâng phục do những đau khổ Người đã chịu, và khi hoàn tất, Người đã trở nên căn nguyên ơn cứu độ đời đời cho tất cả những ai vâng phục Người” (Dt 5:7-9).
Thánh Anphong Liguori thuật rằng có một nữ tu đau đớn bệnh tật rất nhiều năm. Một hôm đau đớn quá, Chị kêu trách Chúa Giêsu: “Xưa Chúa chỉ phải vác thánh giá và hấp hối mấy giờ trên thánh giá, nay sao Chúa để con đau đớn lâu năm thế?” Chúa Giêsu liền hiện ra quở trách Chị: “Con nói sao? Cha chỉ có đau khổ ít giờ mà thôi ư? Cha đã bắt đầu đau khổ từ giây phút nhập thể!” Thánh nhân nói rằng vì có linh hồn hoàn bị, Chúa Giêsu từ giây phút nhập thể đã nhìn thấy và cảm nhận trước nơi linh hồn Người những đau khổ Người sẽ phải chịu trên thân xác sau này.
Vì vậy, Đức Cha Fulton J Sheen hay nói mọi người sinh ra trên đời để sống, nhưng Chúa Giêsu vốn là Thiên Chúa và là Sự Sống Đời Đời sinh ra trên trần gian để chịu đau khổ và chịu chết để đem lại sự sống đời đời cho chúng ta. Vì vậy, cả đời Chúa Giêsu đều hướng về Đồi Canvê, đều hướng về Thánh Giá. Là một nhà giảng thuyết thời danh, Đức Cha còn xác quyết rằng bài giảng nào càng hướng về Thập Giá bài giảng ấy càng có tính thần thiêng.
Liền sau khi nói về quy luật chết để sống, mất để được, Chúa Giêsu liền nói về thân phận của những ai muốn trở thành môn đệ đích thực của Người: “Ai phụng sự Ta, hãy theo Ta, và Ta ở đâu, thì kẻ phụng sự Ta cũng ở đó. Ai phụng sự Ta, Cha Ta sẽ tôn vinh nó” (Ga 12,26). Ở đây, Chúa Giêsu cho thấy các môn đệ đích thực của Người, những ai thực sự phụng sự Người, phải là những người cùng bước theo Người trên con đường thập giá, là con đường chính Người đã đi trước. Và chỉ có những người này, những người cùng ở trên thập giá với Người, mới được cùng ở với Người trên Nước Trời để chia sẻ vinh quang đích thực vì cùng được Chúa Cha tôn vinh.
Chính Thánh Thể nơi Bánh Thánh và Rượu Thánh-trung tâm đời sống Công giáo cũng không ngừng nhắc chúng ta về quy luật thần thiêng này. Để trở nên tấm bánh, những hạt lúa mì phải chấp nhận chịu nghiền tán và hòa trộn với nước rồi chịu nướng trong lò lửa. Để hóa thành rượu nho, những trái nho chín phải chịu vắt trong bồn đạp nho và trải qua thời lên men. Vì vậy, cùng với cầu nguyện, việc hy sinh hãm mình là yếu tố không thể thiếu được trong đời sống Kitô hữu. Một trong những lý do chính đem lại sự suy đồi trong đời sống đức tin của nhiều tín hữu ngày nay là sự khước từ sự khôn ngoan của thập giá, sự chối bỏ tinh thần hy sinh hãm mình và vâng phục.
Bài thánh ca “Thân Lúa Miến” của Mi Trầm được dùng trong phần tiến lễ có giá trị tuyệt vời vì nhắc nhớ chúng ta về lý tưởng hy sinh bác ái, xả kỷ vị tha của đời người Công giáo đích thực.
Thánh Giuse-Maria Escriva đã giúp chúng ta sống Tin Mừng hôm nay với những lời sau: “Nếu hạt lúa không chết đi, nó không sinh hoa trái. Bạn có muốn trở thành hạt lúa miến phải chết đi bằng những hy sinh hãm mình, để đem lại một mùa lúa phong phú không? Xin Chúa Giêsu chúc lành cho ruộng lúa của bạn”.
Lạy Mẹ Maria, xin Mẹ giúp chúng con biết noi gương Chúa Giêsu, trở nên như hạt lúa mì, chết đi cho ý riêng và những đam mê trần thế, để sống cho Chúa và tha nhân qua việc quảng đại hy sinh hãm mình và yêu thương phục vụ. Amen.

27. Chúa Nhật V Mùa Chay.

Nói về tình yêu, trong chúng ta, ai cũng nhớ đến mối tình cao đẹp trong câu chuyện xưa có tên: "Trần Minh Khố Chuối." Ngày nay được các nghệ sĩ đỗi tên là:"Bên cầu dệt lụa." Câu chuyện diễn tả mối tình cao đẹp của đôi bạn Trần Minh và Nguyệt Nga. Hai người đã vượt qua không biết bao nhiêu khó khăn gian khổ, để tìm hạnh phúc cho nhau. Tôi thiết nghĩ: Nếu Trần Minh vì quá tự ái, nuôi mối hận riêng tư trong lòng, tìm cách trả thù thì cũng không được một kết cuộc tốt đẹp như thế. Còn nếu Nguyệt Nga cứ giữ mãi danh phận của một tiểu thư đài cát, không dám hy sinh cho tình yêu thì họ cũng không thấy được bông hoa tình yêu. Nhưng vì họ đã biết vun trồng, biết chấp nhận những nghịch cảnh, biết vượt qua chính mình, biết cùng góp sức từ bỏ đi những gì là riêng tư, nên họ nhận được phần thưởng tốt đẹp và xứng đáng.
"Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất mà không tối đi, thì nó chỉ trơ trọi một mình, nhưng nếu nó thối đi,thì sẽ trổ sinh nhiều bông hạt." Chúa Giêsu đã nói lên một chân lý, để dạy cho con người cách sống ở đời, nhưng đặt biệt, Ngài còn muốn kêu gọi mọi người thực hiện để tìm hạnh phúc đích thực và vững bền. Ngài không chỉ nói suông nhưng Ngài đã thực hiện những gì mình đã nói, đã dạy. Ngài đã để cho thân xác hay hư nát của Ngài tiêu tan đi cho đến độ Ngài không cần gìn giữ nó cho riêng Mình nữa mà Ngài dám hy sinh nó cho những người mình yêu thương. Sự hy sinh của Ngài làm cho những người đương thời không thể hiểu được. Mọi người tưởng rằng Ngài đã chết thật, nhưng đang lúc đó, Ngài đã chứng tỏ một sức sống mãnh liệt cho tình yêu. "Ai tìm mạng sống mình thì sẽ mất..."
Nhìn vào đời sống thực tế, chúng ta cũng nhìn thấy biết bao người đã hy sinh đời sống của mình, họ đám từ bỏ tất cả để đạt cho được mục đích mà mình muốn. Nhưng nhìn chung, tất cả những gì con người ước muốn chỉ thỏa mản những đòi hỏi riêng tư, không có giá trị lâu dài. Con người càng đòi hỏi và niềm khát vọng mỗi ngày càng dâng cao. Nên con người không tìm được hạnh phúc trong những khát vọng ích kỷ cá nhân. Đáp ứng những khát vọng chỉ là đi tìm chính mình, lo bảo vệ mình mà thôi. "Ai tìm mạng sống mình thì sẽ mất."
Mỗi người chúng ta nhìn vào chính mình xem: Bao nhiêu lần vì tự ái, chúng ta không thể nào nghe người khác khi họ chỉ cho chúng ta thấy những thiếu sót, sai phạm, để chúng ta sửa đỗi cho tốt hơn. Đó là những lúc chúng ta không dám chết đi cho lòng tự ái, tính kiêu căng của mình. Còn bao nhiêu lần nữa, chúng ta thấy được những tật xấu của mình, thấy được những điều bê tha, thấy được những điều không nên làm, thế mà chúng ta vẫn làm. Đó là chúng ta chưa dám chết cho những ý riêng, chưa dám chết cho những dục vọng của chính mình. Có những lần chúng ta nhìn thấy những điều không hợp lý, những điều bất công, nhưng, chúng ta đành lánh mặt đi nơi khác cho được yên thân. Đó là lúc chúng ta chưa dám chết cho sự hèn nhát của chính mình. Cũng có những lúc chúng ta nhìn thấy được trách nhiệm của chính mình trong cuộc sống, nhưng chúng ta vẫn không chu toàn được, vì thiếu sự cố gắng. Đó là những lúc chúng ta chưa dám chết cho sự lười biếng của chính mình.
Đối với Thiên Chúa. Có những lúc chúng ta cảm nhận được sự ngọt ngào trong những lần thành công, trong niềm hạnh phúc mà mình đạt được. Lời Chúa dạy, chúng ta biết rất rỏ, chúng ta vẫn không thi hành. Chúng ta chưa dám chết đi cho những gì là riêng tư của chính mình, thì làm sao chúng ta đạt được bông hoa hạnh phúc của tình yêu bất tận. Đôi bạn tình Trần Minh, Nguyệt Nga đã dám hy sinh những gì là riêng tư, nên họ mới đạt được hạnh phúc chung cuộc. Còn chúng ta, Thiên Chúa đã yêu thương, đã lo lắng cho chúng ta tất cả mọi việc, nhưng rồi, chúng ta chỉ biết lo cho những ích kỷ, những kiêu căng, sự lười biếng; thì làm sao chúng ta có thể nhìn thấy được những bông hoa của tình yêu bất diệt được để mà tận hưởng.
Chúng ta cùng nhau cầu xin Chúa cho chúng t a biết hy sinh, biết chịu khó thêm một chút nữa, để bông hoa tươi đẹp của cuộc sống được nở rộ chung quanh chúng ta.

28. Hạt giống nảy mầm.

Vào một đêm giông bão có một người đàn ông đứng tuổi cùng bà vợ ghé vô một khách sạn nhỏ và hỏi viên thư ký: Xin anh làm ơn cho chúng tôi một phòng. Viên thư ký trả lời: Thưa ông, tất cả mọi phòng đều có người thuê, nhưng tôi không nỡ để ông bà phải ra đi vào lúc một giờ sáng như thế này. Người chồng hỏi lại: Anh nói chi? Ông bà có thể ngủ tại phòng tôi. Nhưng anh sẽ ngủ ở đâu? Tôi sẽ tìm được, xin đừng lo lắng cho tôi. Sáng hôm sau, ông khách trả tiền phòng và nói với viên thư ký: Anh là một người quản lý có tài, khả dĩ có thể làm chủ một khách sạn lớn. Rất có thể một ngày nào đó, tôi sẽ xây cho anh một cái.
Hai năm sau, viên thứ ký nhận được một bức thư, kèm theo vé máy bay khứ hồi đi Nữu Ước và tấm danh thiếp của người khách trong đêm giông bão. Người khách dẫn viên thư ký tới một đại lộ, chỉ vào một ngôi nhà cao tầng và nói: Đây là khách sạn tôi đã xây để cho anh quản lý. Không nói nên lời, người thanh niên rất đỗi ngạc nhiên, ấp úng cám ơn. Mạnh thường quân của anh là Astoria, chủ nhân của một mạng lưới khách sạn tại Mỹ. Và khách sạn ông dành cho anh ta là một khách sạn tiện nghi nhất thời bấy giờ.
Từ câu chuyện trên, chúng ta đi vào Lời Chúa phán với chúng ta qua đoạn Tin Mừng hôm nay: Hạt lúa rơi xuống đất, có mục nát, thì mới sinh nhiều hoa trái. Anh chàng thư ký đã chôn vùi những tiện nghi của mình, bằng cách nhường lại căn phòng ấm cúng cho hai vợ chồng người khách lạ. Và sự hy sinh ấy đã đem lại phần thưởng cho anh. Anh được quản lý một khách sạn sang trọng và nổi tiếng trên thế giới.
Hạt giống phải chết đi, phải mục nát trước khi nẩy mầm, đâm bông và kết trái. Điều đó cũng đúng cho bình diện thiêng liêng. Bởi vì, chúng ta, những người tin theo Chúa đều biết rằng mọi cố gắng, mọi hy sinh, mọi gian khổ của chúng ta rồi sẽ sinh hoa kết trái, nhất là khi những cố gắng, những hy sinh và gian khổ ấy được thi hành vì lòng mến đối với Thiên Chúa và tình thương đối với anh em đồng loại. Chính Chúa Giêsu cũng đã chấp nhận những hy sinh gian khổ vì chúng ta, bằng cách chịu chết trên thập giá, để rồi từ đó Ngài đã có được hoa trái của sự phục sinh vinh quang.
Mùa chay sắp kết thúc, những cũng chưa quá muộn để chúng ta chôn vùi bản thân, từ bỏ chính mình vì Đức Kitô và vì anh em, bởi vì có cùng chết với Đức Kitô, thì rồi chúng ta mới sẽ được sống lại trong vinh quang với Ngài.

29. Theo Chúa trở nên hạt lúa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét