Thứ Sáu, 16 tháng 3, 2018

Thứ bảy ngày 17.03.2018


Trích sách Tiên tri Giêrêmia.
Lạy Chúa, Chúa đã tỏ cho con và con đã biết; vì Chúa đã chỉ cho con những mưu toan của chúng. Còn con, con như chiên con hiền lành bị đem đi giết. Con đã không biết chúng mưu toan hại con khi chúng nói: "Chúng ta hãy bỏ cây vào bánh của nó, chúng ta hãy diệt trừ nó khỏi đất kẻ sống, và người ta không còn nhớ đến tên nó nữa".
Nhưng lạy Chúa các đạo binh, Chúa xét xử công minh, và dò xét tâm can. Chớ gì con sẽ thấy Chúa báo thù chúng, vì con đã phó thác việc con cho Chúa. Đó là lời Chúa
PHÚC ÂM: Ga 7, 40-53
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, sau khi nghe Chúa Giêsu giảng, có nhiều người trong đám dân chúng nói rằng: "Ông này thật là tiên tri". Kẻ khác nói: "Ông này thật là Đấng Kitô". Người khác nữa lại nói: "Đấng Kitô xuất thân từ Galilêa sao? Nào Kinh Thánh chẳng nói: Đấng Kitô xuất thân bởi dòng dõi Đavit, và từ làng Bêlem, quê hương của Đavit?" Vì thế, dân chúng bất đồng ý kiến với nhau về Người. Trong số đó, có một ít kẻ định bắt Người, nhưng không ai dám ra tay bắt Người. Vậy khi những người thừa hành đến với thượng tế và biệt phái, các ông này hỏi họ rằng: "Tại sao các ngươi không điệu nó tới?" Các người thừa hành thưa rằng: "Chẳng hề có ai nói như người ấy". Các người biệt phái trả lời rằng: "Chớ thì các ngươi cũng bị mê hoặc rồi sao? Trong các vị thủ lãnh và các người biệt phái, có ai tin nó đâu? Chỉ có lũ khốn nạn đó nó không biết gì lề luật". Nicôđêmô là người đã tới gặp Chúa Giêsu ban đêm, cũng là người trong nhóm họ, nói với họ rằng: "Chớ thì luật của chúng ta có lên án cho ai mà không nghe họ, hoặc không biết rõ họ làm gì không?" Nhưng họ trả lời rằng: "Hay ông cũng là người Galilêa? Hãy đọc kỹ Kinh Thánh, ông sẽ thấy rằng không có tiên tri nào phát xuất từ Galilêa". Sau đó ai về nhà nấy.                 Đó là lời Chúa.
Suy niệm: Chính vì tin nhận Chúa Giê-su mà các vệ binh bị làm khó dễ: “Cả các anh nữa, các anh cũng bị mê hoặc rồi sao?” Ngay cả ông Ni-cô-đê-mô, một thành viên vị vọng trong thượng hội đồng Do thái cũng bị dè bỉu chỉ vì ông dám bênh vực Đức Ki-tô: “Cả ông nữa, ông cũng là người Ga-li-lê sao?” Thế đó, tin theo Chúa Giê-su không phải là chấp nhận một giải pháp dễ dàng. Bởi vì tin Chúa nghĩa là dám tuyên bố nhận Ngài là Chúa của mình cho dù người đời có cho Ngài là gì đi nữa. Tin theo Ngài là phải hy sinh mọi quan điểm, mọi quyền lợi riêng, là chấp nhận bị ngược đãi, bị loại bỏ, bị kết án… Tin theo Ngài là chấp nhận vác thập giá mỗi ngày mà theo Ngài.
Mời Bạn: Tin vào Đức Ki-tô không phải chỉ là “tường thuật” lại dư luận “người ta nói”, mà là “làm chứng”, là dám nói lên quan điểm niềm tin của chính mình, là dám sống tới mức cao nhất điều mình tuyên xưng, là “dám chơi, dám chịu”, dám chấp nhận những thiệt thòi lớn lao nhất, kể cả chấp nhận thập giá vì tin vào Đức Ki-tô và Tin Mừng của Ngài.
Chia sẻ: Trước khi bạn nói về Đức Ki-tô cho anh em lương dân, bạn hãy “minh hoạ” chân dung của Đức Ki-tô bằng cách thể hiện niềm tin vào Ngài qua cuộc sống của mình.
Sống Lời Chúa: Chọn một việc bổn phận hằng ngày và làm với ý hướng cầu nguyện cho việc truyền giáo.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin thương ban ơn soi sáng và củng cố lòng tin để chúng con can đảm và được trung thành theo Chúa đến cùng.Lời Chúa trong Tin Mừng Thánh Gioan thuật lại hôm nay, soi sáng cho chúng ta thấy một thái độ sống rất cần thiết, một cách thế để nhận định và đánh giá về một người nào đó.

  ---Trong bài Tin mừmg hôm nay, không thấy có sự xuất hiện của Chúa Giêsu, cũng như cũng không có cầu nào từ nào do miệng Chúa nói ra, nhưng chúng ta chỉ nghe được ở nơi, dân chúng, quân lính và vị quan chức là Nicôđêmô.

Ta thấy điểm đặc biệt là tất cả những gì họ nhận xét, đều đúng với sứ mạng của Chúa Giêsu, như dân chúng nói: "Ông này thật là vị ngôn sứ." Kẻ khác rằng: "Ông này là Đấng Ki-tô." Các vệ binh thì trả lời: "Xưa nay chưa hề đã có ai nói năng như người ấy! ". Còn Nicôđêmô phát biểu: "Lề Luật của chúng ta có cho phép kết án ai, trước khi nghe người ấy và biết người ấy làm gì không? " vì ông đã thấy được sự công chính nơi Chúa Giêsu. Trái lại nơi những người pharisiêu, họ luôn phản bác những điều đã được thuật lại, và một mực lăng mạ những người đã nhận xét tích cực về Chúa Giêsu.

Trước hết ta quan sát đám đông dân chúng, một số người đã nghe Đức Giêsu giảng thì nhận định : "Ông này thật là vị ngôn sứ" ; "Ông này là Ðấng Kitô". Nhưng Thánh Gioan lại cho biết thêm, có những người trước khi nghe giảng thì đã có những định kiến sẵn về nguồn gốc của Đức Giêsu rồi : "… Nào chẳng phải : Ðấng Kitô xuất thân từ dòng dõi vua Ðavít và từ Bêlem, làng của vua Ðavít sao ?” Chúng ta nhận thấy sự khác biệt của hai thái độ nghe này : một là nghe bằng sự trong sáng, hai là nghe khi đã có định kiến, chắc chắn hai cách nghe này sẽ dẫn đến hai cách hành xử khác nhau.

Thánh Gioan cũng cho thấy một nhóm người khác là các vệ binh, những người này được sai đi để bắt Đức Giêsu, nhưng họ đã trở về với các thượng tế và người Pharisêu rồi trả lời họ : "Xưa nay chưa hề đã có ai nói năng như người ấy !". Nhóm người thứ hai này có một thái độ khác, họkhông chỉ nghe với tất cả sự trong sáng mà thôi, nhưng họ còn biết so sánh và nhận định “xưa – nay chưa hề đã có ai nói năng như người ấy”…, cuối cùng họ mới đưa ra một kết luận và quyết định cách hành xử, quay trở về và không tra tay bắt Chúa Giêsu nộp cho các thượng tế.

Trong số những người nghe lời của Đức Giêsu, có những người “bình dân, ít học và thấp cổ bé miệng” và cũng có những người “quí phái, học nhiều và quyền cao chức trọng”.

Họ là những người mở lòng ra lắng nghe lời của Đức Giê-su, để cho lời của Đức Giê-su dẫn dắt và dần dần cảm nếm lời của Ngài. Và chính khởi đi từ kinh nghiệm đích thân này, họ nhận ra Ngài là một ngôn sứ; và quả thực Ngài là vị Ngôn Sứ: Vị Ngôn Sứ mà tất cả các ngôn sứ đi trước loan báo, và gần nhất là ngôn sứ Gioan Tẩy Giả; và là vị Ngôn Sứ hoàn tất lời loan báo, sứ mạng và nhất là số phận của tất cả các ngôn sứ, bởi vì Ngài cũng sẽ “không được đón tiếp tại quê hương của mình”, và sẽ sống đến cùng thân phận “Người Tôi Tớ” đau khổ.

Trong số những người này, còn có người còn tin rằng Ngài là “Đấng Ki-tô”, tước hiệu mà chính Phê-rô và các môn đệ cũng tuyên xưng. Tước hiệu này có nghĩa là “Đấng được Thiên Chúa xức dầu, Đấng Thiên Sai”, tuy tước hiệu này phù hợp với căn tính của Ngài, nhưng cách thức và con đường thể hiện lại không phải là “từ trời xuống” cách ngoạn mục, như ma quỉ gợi ý và như người ta chờ đợi: “Ống ấy, chúng ta biết xuất thân từ đâu rồi; còn Đấng Ki-tô, khi Người đến thì chẳng ai biết Người xuất thân từ đâu cả” (c. 27), nhưng như một Vị Ngôn Sứ.

Ngoài ra, còn có những người được sai đến bắt Đức Giê-su, nhưng khi bị Lời của Ngài cuốn hút, họ lại không tra tay bắt. Họ về báo cáo với các Thượng Tế và Pha-ri-sêu: “Xưa nay chưa hề có ai nói năng như người ấy”. Một kinh nghiệm lắng nghe Lời Chúa đáng kinh ngạc và đáng phải lưu tâm như thế, nhưng bị những người thuộc nhóm thứ hai lên án theo luận lí: “Bọn dân đen, thứ người không biết Lề Luật, quân bị nguyền rủa”!

Các thượng tế, biệt phái và người Pharisiêu dường như lại có thái độ ngược lại, họ không chịu lắng nghe, mà nếu có nghe, thì họ đã có những định kiến rồi. Họ chẳng nghe cho kỹ, hiểu cho sâu. Họ cũng chẳng so sánh, chẳng nhận định, chẳng diện đối diện như các vệ binh. Trái lại họ dựa vào ý kiến của một số người để kết luận“Trong hàng thủ lãnh hay trong giới Pharisêu, đã có một ai tin vào tên ấy đâu ?” (Câu 48). Sau khi dựa vào một số người, không thấy có gì thuyết phục, họ dựa vào “lề luật” để kết luận “Còn bọn dân đen này, thứ người không biết Lề Luật, đúng là quân bị nguyền rủa !" (Câu 49). Thái độ đánh giá người khác dựa vào: định kiến, dựa vào lề luật, dựa vào nguồn gốc xuất thân của người đó, dựa vào tiếng nói của một số người mạnh thế, chắc chắn không phải là một thái độ của Tin Mừng.

Nhóm người thứ hai cũng nghe Lời Đức Giê-su, nhưng nghe để phê bình, để xét đoán và lên án, khởi đi từ “kiến thức Kinh Thánh uyên bác”, từ những chọn lựa đen tối có sẵn và sâu kín của mình, từ thành kiến “thân phận”, từ xuất xứ “miền này, miền kia”, từ cái tôi của mình: “Nào Kinh Thánh đã chẳng nói: Đấng Ki-tô xuất thân từ dòng dõi vua Đa-vít và từ Bê-lem, làng của vua Đa-vít sao?”; “ông cứ nghiên cứu, rồi sẽ thấy: không một ngôn sứ nào xuất thân từ Ga-li-lê cả”.

Họ uyên bác như thế, thông luật như thế, nhưng lại ứng xử như Satan, “Kẻ Tố Cáo” (Kh 12, 7-10), nghĩa là dùng Luật để hại người, như ông Ni-cô-đê-mô nhận xét, “kết án” mà không hề lắng nghe, không hề đối thoại!

Rất may mắn cho chúng ta, là đoạn Tin Mừng còn nói đến một nhân vật khác nữa, một Pharisêu, người tên là Nicôđêmô, trước đây đã đến gặp Ðức Giêsu ; ông nói với họ : "Lề Luật của chúng ta có cho phép kết án ai, trước khi nghe người ấy và biết người ấy làm gì không ?". Vâng, lời nói của ông Nicôđêmô thật đáng cho mọi người suy nghĩ. Ông xứng đáng là một người trong giới lãnh đạo. Ông cũng dựa vào “lề luật”, nhưng không phải là để bắt bẻ, dèm pha. Ông tìm thấy sự nghiêm túc của “lề luật”, sự liên quan đến luật hoàn hảo là đức ái, muốn kết án ai phải nghe và biết người ấy đã làm gì.

Như vậy, muốn kết luận hay đánh giá về một người nào đó, Tin Mừng hôm nay dạy chúng ta : trước tiên phải biết lắng nghe, nghe cả những người hèn kém thấp cổ bé miệng nhất; nghe với toàn bộ sự trong sáng của tâm hồn, không dựa vào định kiến, không dựa vào vị thế hoặc nguồn gốc xuất thân của người đối diện; cũng không dựa vào một nhóm người nào đó ủng hộ hoặc về phe của mình; cuối cùng, sau khi nghe phải đến tận nơi tìm hiểu để biết người ấy đã làm gì, rồi mới được kết luận hành xử.

Lời của Đức Ki-tô được ban cho chúng ta mỗi ngày, xin cho chúng ta có được tâm tình của những người “bình dân, ít học và thấp cổ bé miệng”, để hoàn toàn tự do mở tai và mở lòng ra để đón nhận và sống bẳng Lời của Ngài, để kinh nghiệm đích thân, Lời Chúa là Lời ban Sự Sống, không chỉ Sự Sống mai sau, nhưng còn là Sự Sống của chúng ta hôm nay.

Ước gì Lời Chúa hôm nay soi sáng tâm hồn và cuộc đời chúng ta, để chúng ta biết cách nhìn người khác, lắng nghe và hiểu ngọn nguồn trước khi có kết luận đánh giá.

 
Huệ Minh

Câu chuyện chiều thứ bảy: Câu chuyện ‘Đường rẽ, mất dê’

NGUYÊN NHÂN NGƯỜI TA LẠC LỐI: CÂU CHUYỆN ‘ĐƯỜNG RẼ, MẤT DÊ’

Có một câu chuyện liên quan đến Dương Chu, một triết gia và học giả nổi tiếng, sống tại nước Ngụy trong thời kỳ Chiến Quốc (475 – 221 trước Công nguyên).


Một ngày nọ, người hàng xóm của Dương Chu bị mất một con dê và đã huy động toàn bộ gia đình của ông cũng như nhiều người khác trong làng đi tìm. Ông ta đã đến gặp Dương Chu để nhờ giúp đỡ, Dương Chu đã phái toàn bộ học trò và người hầu của mình đi tìm giúp.

Dương Chu nhận thấy, cùng với người thân và bạn bè, hàng xóm, rất nhiều người đã hợp thành một nhóm lớn để tham gia tìm kiếm.

 “Tại sao lại cần rất nhiều người để đi tìm một con dê bị mất?”. Dương Chu hỏi người hàng xóm.

 “Bởi vì nhiều con đường chia rất nhiều ngả”, người hàng xóm trả lời.

Khi màn đêm buông xuống và mọi người đã quay trở về, Dương Chu hỏi: “Đã tìm thấy con dê chưa?”

Một trong những người hầu của Dương Chu trả lời: “Có rất nhiều con đường chia làm hai hướng và mỗi nhánh đường lại rẽ làm hai. Con không biết phải đi theo hướng nào nên con đã bỏ cuộc”.

Những người khác cũng quay về với cùng lý do như vậy.

Dương Chu trở nên trầm tư và im lặng một hồi lâu, trông có vẻ rất nghiêm nghị, khiến các học trò của ông bối rối và không hiểu điều gì đã khiến thầy của mình suy tư như vậy.

Sau khi suy nghĩ hồi lâu, ông đã giảng ra thành nguyên lý cho các học trò của mình: “Khi có quá nhiều con đường rẽ, các con sẽ không thể tìm được con dê bị mất và cũng có thể dễ dàng bị lạc lối.

 “Tương tự như vậy, khi một người học trò có quá nhiều điều quan tâm ngoài mục tiêu chính, anh ta có thể dễ dàng phung phí thời gian của mìn”.

 “Chỉ có một chân lý của tất cả các kiến thức, nhưng con đường để đi tới chân lý này thì có rất nhiều. Chỉ bằng cách đi theo con đường đúng đắn để trở về chân lý tối hậu, người ta mới tránh khỏi bị lạc lối”.

 “Nếu các con không tìm được ra được định hướng đúng đắn, các con sẽ chẳng đạt được điều gì, giống như những người đã thất bại trong việc đi tìm dê”.

Câu chuyện này được tìm thấy trong một cuốn sách cổ của Đạo giáo có tên Liệt Tử [1]. Thành ngữ “Kỳ dương vong lộ” (Đường rẽ, mất dê) xuất phát từ câu chuyện này, với nghĩa là “Đường chia nhiều ngả, dê bị mất”.

Câu thành ngữ này để chỉ việc bị lạc đường, mất phương hướng, hoặc trở nên vô vọng, rối bời trong một tình huống phức tạp, khi có quá nhiều đáp án khả thi hay quá nhiều lựa chọn.

Thành ngữ này được sử dụng để truyền đạt ý nghĩa rằng khi đối mặt với nhiều sự lựa chọn và đối với các vấn đề phức tạp, người đi tìm kiếm chân lý có thể lạc lối trừ khi họ quyết tâm đi theo một con đường đúng đắn.
ST



(5 Phút Lời Chúa)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét