Thứ Năm, 8 tháng 3, 2018

Thứ bảy ngày 10.03.2018




Tin Mừng Chúa Giê-su Kitô theo Thánh Lu-ca ( Lc 18,9-14)
 
9 Đức Giê-su còn kể dụ ngôn sau đây với một số người tự hào cho mình là công chính mà khinh chê người khác:10 "Có hai người lên đền thờ cầu nguyện. Một người thuộc nhóm Pha-ri-sêu, còn người kia làm nghề thu thuế.11 Người Pha-ri-sêu đứng thẳng, nguyện thầm rằng: "Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác: tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia.12 Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con.13 Còn người thu thuế thì đứng đằng xa, thậm chí chẳng dám ngước mắt lên trời, nhưng vừa đấm ngực vừa thưa rằng: "Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi.14 Tôi nói cho các ông biết: người này, khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính rồi; còn người kia thì không. Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên”.

SUY NIỆM

       Câu chuyện kể: Một vị thánh nọ rất đạo đức, ngài thường xuyên cầu nguyện và cầu nguyện rất lâu giờ. Một hôm, vì mệt, vị thánh ngủ quên. Thấy trời đã sáng, ma quỷ đến gọi ngài dậy đọc kinh sáng. Ma quỷ, kẻ chống đối Thiên Chúa mà nhắc nhở người ta đọc kinh? Chuyện tưởng khó tin, nhưng lại là sự thật đối với vị thánh: “Ngươi là kẻ luôn chống đối Thiên Chúa, phá hoại những kẻ thuộc về Thiên Chúa mà lại nhắc nhở ta đọc kinh à?”, ngài thắc mắc. Ma quỷ đáp lại: “Ta gọi ông đọc kinh không phải vì ông, càng không bao giờ vì sáng danh Chúa, mà chỉ vì… danh ta(!)”. Đọc kinh vì danh ma quỷ ư? Vị thánh càng ngạc nhiên, ngài tròn xoe đôi mắt, ngỡ như ma quỷ nói nhầm. Thấy ngài không hiểu, ma quỷ nói tiếp: “Sở dĩ ta gọi ông dậy, vì khi ông cầu nguyện, ông sẽ yên tâm mình đã cầu nguyện rồi. Còn nếu ông bỏ cầu nguyện, suốt ngày ông sẽ hối hận, sẽ dằn vặt. Chính vì thế, ông càng tưởng nhớ đến Chúa nhiều hơn, càng không yên lương tâm, càng thấy mình có lỗi và xin lỗi Chúa nhiều hơn. Như thế là bất lợi cho ta”.

       Tương tự như câu chuyện trên, có lẽ kiểu cầu nguyện của người Pharisêu sẽ khiến ma quỷ vui mừng hơn. Ông cầu nguyện mà chẳng thấy Chúa đâu, chỉ thấy có mình mà thôi. Ông biến giờ cầu nguyện thành giờ khoe khoan công đức của ông: “Tôi không như các người khác: trộm cướp, bất công, ngoại tình, hay là như tên thu thuế kia; tôi ăn chay mỗi tuần hai lần và dâng một phần mười tất cả thu nhập của tôi”. 

        Ngược lại, lời cầu nguyện hết sức đơn thành, tuy ngắn nhưng là tất cả nỗi lòng của của người thu thuế, hạn người bị coi là tội lỗi, xấu xa. Chắc chắn lời cầu nguyện đầy tha thiết của người thu thuế làm cho ma quỷ… “đau lòng” lắm. Bởi lời cầu nguyện của ông đẹp lòng Chúa. Lời cầu nguyện đó đưa ông đến gần Chúa hơn. Ông khiêm nhường thưa với Chúa: “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi”.

       Cầu nguyện là việc làm thường ngày của người Kitô hữu. Nhưng chúng ta đến với Chúa bằng tất cả sự ngay lành, lòng khiêm nhường, thái độ nhìn nhận mình là thân phận yếu đuối, tội lỗi, thấp hèn, thiếu thốn, v.v. hay chỉ đến với Chúa bằng lòng kiêu ngạo, thói cậy mình, khoe khoan, v.v.? Chúng ta là ai, Pharisêu hay người thu thuế trong hai người lên đền thờ cầu nguyện?

        Hãy nhớ rằng: “Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh, dẹp tan phường lòng trí kiêu căng. Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường” (Lc 1, 51-52). Vì thế, hãy khiêm nhường trước mặt Chúa. Hãy đến với Chúa bằng tất cả tấm lòng thành, bằng tất cả niềm tín thác. Hãy cầu nguyện và để Chúa thực hiện ý Chúa trên đời ta chứ không phải đòi Chúa nghe theo ý ta.

       Lạy Chúa, xin cho chúng con biết sống khiêm nhường, biết nghĩ đến người khác hơn nghĩ đến bản thân con. Xin cho con biết hạ mình trước mặt Chúa và sống khiêm nhường với mọi người, để chúng con xứng đáng nhận lãnh tình yêu của Chúa. Amen.

Thời gian trôi qua thật nhanh ! Mới hôm nao mà hôm nay chúng ta đã bước vào cuối tuần thứ III Mùa chay. Ngày cuối của tuần III Mùa Chay này ta bắt gặp lời kêu gọi sám hối và tin vào Tin Mừng, canh tân đổi mới đời sống của bản thân và gia đình vẫn khẩn thiết được gửi đến từng người trong chúng ta từ linh mục đến tu sĩ và giáo dân.

Việc sám hối trở về là việc của mọi người, tuy nhiên có nhiều người trong chúng ta vẫn chưa có một quyết định thay đổi cụ thể nào, lý do vì họ không nhận ra những sai lầm thiếu sót của mình, là vì họ làm sai mà cứ cho là đúng, họ để cho sự kiêu căng tự mãn che khuất nên không thể nhìn thấy rõ thực chất tình trạng con người của mình.

Theo quan niệm người ta vào thời bấy giờ, người thu thuế thì bị khinh khi, và họ không thể nào tự mình thưa chuyện với Thiên Chúa bởi vì họ là những kẻ ô uế.  Trong câu chuyện dụ ngôn, Người Biệt Phái cảm tạ Chúa vì ông ta tốt lành hơn những kẻ khác.  

Lời cầu nguyện của ông ta không có gì khác hơn là một lời tự khen ngợi mình, lời đề cao các phẩm hạnh của mình và khinh miệt đối với kẻ khác và đối với người thu thuế.  Người thu thuế thậm chí không dám ngước mắt lên, nhưng ông ta đấm ngực và nguyện rằng:  “Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ có tội!”  Ông ta tự đặt vào vị trí của mình, là vị trí của ông ta đứng trước mặt Thiên Chúa.

Tự cho mình là người công chính. Chúa Giêsu đã nêu lên bài học của dụ ngôn người Pharisêu và người thu thuế là: “Ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống, còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên”.

Sự kiêu căng tự mãn nó cũng che khuất con mắt của người biệt phái hôm nay, anh ta lên đền thờ với tư thế hiên ngang tự đắc, anh nghĩ rằng các thành tích anh đã làm khiến cho Thiên Chúa phải “nể” anh và mắc nợ anh. Thực sự người biệt phái này không hề cầu nguyện, mà anh đang làm một bản báo cáo thành tích của chính mình và kể lể công trạng trước mắt Chúa: Tôi ăn chay mỗi tuần hai lần, và dâng một phần mười thu nhập hằng ngày.

Việc làm ấy quá tốt, vượt trên cả luật lệ quy định về ăn chay, thế nhưng, anh ăn chay không phải để đền tội hy sinh, cũng không phải để chuẩn bị đón Đấng Mesia như ý nghĩa ban đầu của nó, mà anh ăn chay và giữ luật chỉ để cho thấy anh hơn người khác. Chính vì thế, ngay từ lời mở đầu anh đã có ý so sánh mình với người khác: Lạy Chúa tôi tạ ơn Chúa vì tôi không như bao kẻ khác, tham lam bất chính, ngoại tình hay như tên thu thuế kia.

Tạ ơn Chúa về những việc tốt mà chúng ta làm thì không có gì sai trái. Chỉ sai trái khi chúng ta khoe mình là công chính nhờ những hành động tốt và những nhân đức của bản thân. Tệ hơn nữa là chúng ta lại giống như người Pharisêu đã làm trong lúc cầu nguyện, tự cho mình hơn những người khác và xem thường họ. Tất cả những công việc tốt lành  của chúng ta cũng đều do Chúa hơn là do chúng ta. Chính Thiên Chúa hoạt động nơi ước muốn cũng như nơi thành quả của chúng ta. Thế nên, chúng ta không thể khoe khoang về bất cứ điều gì. Nơi con người chỉ có tội lỗi mà thôi.

Không chỉ so sánh công trạng của mình với ngưới khác, nhưng anh còn tỏ vẻ khinh miệt người thu thuế kia, và cứ như anh đã nói, thì có thể thấy anh coi nhưng người khác là những người tội lỗi và phạm những cái tội mà anh không hề phạm, chứng tỏ anh tốt hơn họ rất nhiều, anh thầm muốn nói điều đó qua lời cầu của mình.

Trong khi đó, người thu thuế nhận ra tình trạng khốn khổ tội nghiệp tội lỗi bất xứng của mình, anh không dám ngửa mắt lên trời, mà chỉ đấm ngực cầu nguyện với lòng sám hối chân thành: Lạy Chúa xin thương xót con là kẻ tội lỗi. Anh không dám kể lể gì, vì anh thấy mình chẳng có công trạng gì, anh đã nhìn thấy sự thiếu sót khiếm khuyết và tội lỗi của mình, anh biết rằng vì nghề nghiệp, vì cuộc sống mà anh đã phải làm một cái nghề bị xã hội đương thời kết án là ô uế tội lỗi, vì anh đã thường xuyên phải tiếp xúc với nhiều người và vì sự cuốn hút của đồng tiền khiến anh cũng không thể cầm lòng được. Chính vì ý thức và nhìn thấy thực trạng con người của mình trước mặt Chúa và trước mặt mọi người, nên anh chỉ còn biết kêu xin lòng thương xót và sư tha thứ của Thiên Chúa.

Về phía Thiên Chúa, Ngài chỉ chờ đợi có như thế Ngài chỉ mong muốn không phải là những thành tích dài dòng, không phải là những báo cáo tổng kết, mà là một “tấm lòng tan nát khiêm cung”, tan nát vì hối hận, vì thấy rằng mình đã làm tổn thương đến tình yêu của Thiên Chúa là Cha, khiêm cung vì nhìn thấy mình hoàn toàn bất xứng đáng bị trừng phạt hơn là được khoan dung, khiêm cung để nhìn thấy được tình yêu và lòng quảng đại tha thứ của Chúa. Thiên Chúa muốn và chờ đợi thái độ như thế, và vì thế, câu chuyện cho thấy Chúa Giêsu tuyên bố: Người thu thuế khi trở về thì được tha thứ và nên công chính, còn người biệt phái thì không.

Đối với Chúa, kẻ ra về được nên công chính, nghĩa là trong một mối quan hệ tốt đẹp với Thiên Chúa, không phải là người Biệt Phái, mà lại là người thu thuế.  Chúa Giêsu làm đảo lộn mọi thứ.  Điều chắc chắn rằng các giới chức tôn giáo của thời ấy đã không hài lòng với sự ứng dụng mà Chúa đã cấu tạo trong dụ ngôn.

Có thể chúng ta chưa sám hối, chưa thay đổi là vì chúng ta cũng giống người biệt phái kia chăng? Chúng ta không nhìn thấy tội lỗi của mình mà chỉ nhìn thấy những thành tích, có khi chúng ta cũng kể lể với Chúa rằng: tôi vẫn đi nhà thờ vẫn đi lễ, vẫn đọc kinh, vẫn đóng góp dâng cúng chỗ này chỗ khác, nên không thấy được khuyết điểm của mình, chúng ta ngủ mê trong một vài thói quen đạo đức vô hồn, hình thức bên ngoài mà không có chiều sâu và không có tâm tình yêu mến, hoặc chúng ta đến với Chúa không phải với thái độ của người con, của người cần sự tha thứ, cẩn được yêu thương đổi mới, nên chúng ta không được tha thứ và chưa được đổi mới.

Trong cầu nguyện, Chúa Giêsu đã mật thiết gắn bó với sự kiện cụ thể của đời sống và với các quyết định mà Người phải làm.  Để trung thành với chương trình của Chúa Cha, Người đã tìm cách gặp gỡ riêng với Ngài để lắng nghe lời Ngài.  Chúa Giêsu đã cầu nguyện với Thánh Vịnh.  

Chúa Giêsu đã làm như bất kỳ người Do Thái sùng đạo khác và Người thuộc lòng chúng.  Thậm chí Chúa Giêsu đã thành công trong việc sáng tác bài Thánh Vịnh của riêng mình.  Đó là Kinh Lạy Cha.  Cả cuộc đời của Chúa là lời cầu nguyện thường trực:  “Người Con không thể tự mình làm bất cứ điều gì, ngoại trừ điều Người thấy Chúa Cha làm!” (Ga 5, 19, 30).  Đối với Người có thể ứng dụng với những gì Thánh Vịnh đã nói:  “Phần con, con chỉ biết cầu nguyện!” (Tv 109, 4).

Chúa Giêsu cầu nguyện rất nhiều và, được nhấn mạnh để cho dân chúng và các môn đệ của Người sẽ làm như vậy, bởi vì từ sự hiệp nhất với Thiên Chúa phát sinh ra chân lý và người ta có thể khám phá và tìm được chính mình, trong mọi thực tế và lòng khiêm tốn.  

                                                                                                                                Huệ Minh
KHIÊM TỐN THẬT THÌ MỚI ĐƯỢC THA THỨ
(Lc 18,9-14)
Có một câu chuyện kể rằng: một ông giáo dân nọ nổi tiếng là đạo đức với những câu chuyện về lòng quảng đại, giúp đỡ của ông cho người nghèo. Ông được nhiều người ca tụng là người tốt lành, thánh thiện, nhất là khiêm tốn khi quảng đại giúp đỡ người cùng khốn mà không cần đến danh vọng....
Chính bản thân ông cũng nghĩ mình như thế! Tuy nhiên, đến lúc về già, ông đến gặp cha xứ và tâm tình với ngài rằng: “Cả cuộc đời con đã hy sinh cho Chúa, Giáo Hội và mọi người, con không hề tính toán thiệt hơn, bởi xác tín rằng: mọi sự con có là bởi Chúa”. Nhưng ngay sau đó, ông xin cha xứ một đặc ân, đó là: khi ông chết, cho ông được chôn ở gầm bàn thờ!
Câu chuyện mang tính ngụ ngôn, nhưng thực tế, trong cuộc sống hôm nay, vẫn còn đó rất nhiều người có tư tưởng khiêm tốn như ông lão trong câu chuyện trên. Thiết nghĩ, một lần khiêm tốn kiểu đó phải chăng bằng bốn lần kiêu ngạo! Nó thật giống với người Pharisêu trong bài Tin Mừng hôm nay.
Dụ ngôn kể về việc hai người lên đền thờ cầu nguyện. Một Pharisêu và một thu thuế. Hai người này là điển hình của hai thành phần cực đoan, thái quá trong dân Dothái thời bấy giờ.
Với nhóm Pharisêu thì bảo thủ, kiêu ngạo, tự coi mình là người thành toàn, nắm toàn bộ lề luật và trở thành kiểu mẫu cho mọi người. Điều này được chứng minh qua lời cầu nguyện của ông với Thiên Chúa. Ông kể lể: “Con không gian tham, không bất công, không ngoại tình, không như người thu thuế đằng sau”; “một tuần ăn chay hai lần và dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con”.
Còn người thứ hai, bác thu thuế. Người thu thuế thì ai cũng biết, biết về tội ác của ông là phản bội và cấu kết với đế quốc La mã để hà hiếp, bóc lột, vơ vét của cải nhân dân. Vì thế, họ bị dân chúng khinh bỉ vì tội công khai của họ. Chính vì lý do đó, nên chúng ta dễ hiểu là tại sao ông thu thuế này lại đứng đằng xa, không dám ngẩng đầu lên, vừa đấm ngực vừa cầu nguyện rằng: “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi”.
Kết cục, hai người ra về và người thu thuế thì được Chúa nhận lời, còn người Pharisêu thì không những không được Chúa nhận lời mà lại còn phạm thêm tội vì coi khinh người khác ngay khi cầu nguyện.
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta: đừng bao giờ coi khinh người khác khi cầu nguyện. Không được phán xét anh chị em của ta, trong khi mình cũng là kẻ có tội. Cầu nguyện là hướng tâm hồn lên với Chúa chứ không phải quy về mình.
Hãy khiêm tốn thật lòng như người thu thuế, Chúa cần những tâm hồn trung thực và thật tâm như vậy, bởi vì tình thương của Thiên Chúa lớn lao hơn tội lỗi của con người, chỉ cần con người thống hối ăn năn thì dù tội có đỏ như son thì Chúa cũng làm cho trắng như tuyết, có thẫm tựa vải điều, Chúa cũng làm cho trắng như bông.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết “xé lòng chứ đừng xé áo” để đáng được Chúa tha thứ mọi tội lỗi. Amen.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét