Chủ Nhật, 11 tháng 3, 2018

CHÚA NHẬT VI MÙA CHAY ngày 11.03.2018

Bài trích sách Sử Biên Niên quyển thứ hai.
Trong những ngày ấy, tất cả những đầu mục tư tế và dân chúng đều bất trung, bắt chước những sự ghê tởm của các dân ngoại. Họ làm dơ bẩn đền thờ Chúa đã được Chúa thánh hoá tại Giêrusalem. Chúa là Thiên Chúa tổ phụ họ, đã luôn luôn đêm ngày sai sứ giả đến với họ, vì Người thương xót dân Người và đền thờ của Người. Nhưng họ nhạo báng các sứ giả Chúa, coi thường lời Chúa, và nhạo báng các tiên tri, đến nỗi, sau hết, cơn thịnh nộ của Chúa đã đổ lên dân Người, và vô phương cứu chữa. Quân thù đã đốt đền thờ Chúa, phá huỷ tường thành Giêrusalem, phóng hoả tất cả các lâu đài và thiêu huỷ mọi đồ vật quý giá. Nếu có ai thoát khỏi lưỡi gươm, thì bị dẫn về Babylon để làm nô lệ nhà vua và con cái vua, cho đến thời vua nước Ba-tư thống trị; như thế ứng nghiệm lời Chúa dùng miệng tiên tri Giêrêmia mà phán, cho đến khi đất nước được mừng ngày Sabbat; vì trong tất cả những ngày xáo trộn, họ sẽ không giữ được ngày Sabbat trọn bảy mươi năm trường. Năm thứ nhất triều đại Cyrô, vua xứ Ba-tư, để lời Chúa dùng miệng tiên tri Giêrêmia phán trước được thực hiện, thì Chúa thúc đẩy tâm hồn hoàng đế Cyrô, vua xứ Ba-tư, nhà vua ra lệnh truyền rao khắp đất nước, và ban chiếu chỉ rằng: "Ðây hoàng đế Cyrô, vua xứ Ba-tư tuyên bố: Chúa là Thiên Chúa trời đất đã ban cho trẫm mọi nước trên mặt đất, và chính Người đã ra lệnh cho trẫm xây cất cho Người một đền thờ ở Giêrusalem trong xứ Giuđa. Ai trong các ngươi thuộc về dân Chúa? Thiên Chúa sẽ ở với nó, và nó hãy tiến lên".
BÀI ĐỌC II: Ep 2, 4-10
"Anh em chết bởi tội và được cứu rỗi bởi ân sủng".
Bài trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Êphêxô.
Anh em thân mến, Thiên Chúa là Ðấng giàu lòng từ bi, vì lòng yêu thương cao cả mà Người đã yêu thương chúng ta, đến nỗi khi tội lỗi làm cho chúng ta phải chết, thì Người làm cho chúng ta sống lại trong Ðức Kitô, nhờ ơn Ngài mà chúng ta được cứu rỗi; Người đã cho chúng ta được cùng chung sống lại và đồng ngự trị trên nước trời trong Ðức Giêsu Kitô, để tỏ cho hậu thế được thấy sự phong phú dồi dào của ơn Chúa mà lòng nhân lành Chúa đã ban cho chúng ta trong Ðức Giêsu Kitô? Vì chưng, bởi ơn Chúa, anh em được cứu rỗi nhờ đức tin. Ðiều đó không phải do anh em, vì đó là ân huệ của Chúa; cũng không phải do việc làm, để không ai được tự phụ. Vì chúng ta là thụ tạo của Người, đã được tạo thành trong Ðức Giêsu Kitô, để làm các việc lành mà Chúa đã dự liệu, hầu chúng ta đem ra thực hành.
Ðó là lời Chúa.
PHÚC ÂM: Ga 3, 14-21
"Thiên Chúa đã sai Con Ngài đến để thế gian nhờ Con Ngài mà được cứu độ".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, Chúa Giêsu nói với Nicôđêmô rằng: "Như Môsê đã treo con rắn lên ở sa mạc thế nào, thì Con Người cũng sẽ phải treo lên như vậy, để tất cả những ai tin ở Người, sẽ không bị huỷ diệt, nhưng được sống đời đời. Vì Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một mình, để tất cả những ai tin Con Ngài thì không phải hư mất, nhưng được sống đời đời, vì Thiên Chúa không sai Con của Ngài giáng trần để luận phạt thế gian, nhưng để thế gian nhờ Con Ngài mà được cứu độ. Ai tin Người Con ấy thì không bị luận phạt. Ai không tin thì đã bị luận phạt rồi, vì không tin vào danh Con Một Thiên Chúa; và đây án phạt là sự sáng đã đến thế gian, và người đời đã yêu sự tối tăm hơn sự sáng, vì hành động của họ xấu xa. Thật vậy, ai hành động xấu xa thì ghét sự sáng, và không đến cùng sự sáng, sợ những việc làm của mình bị khiển trách; nhưng ai hành động trong sự thật thì đến cùng sự sáng, để hành động của họ được sáng tỏ là họ đã làm trong Thiên Chúa".
Ðó là lời Chúa.
NGÀY 11-03-2018

Vào thứ Tư Lễ Tro ngày 14/02/2018, một kẻ thủ ác đã nã súng vào Trường trung học Marjory Stoneman Douglas ở tiểu bang Florida, Hoa Kỳ, giết chết 17 em học sinh. Đúng là một thảm hoạ mà con người ngày càng phải đối diện, bởi đây không phải là thảm kịch duy nhật, nhưng là nó được tái diễn liên tục. Cuộc sống con người càng ngày càng bất an và chất chứa đầy nỗi lo âu. Bởi đâu các thảm kịch giết hại lại xảy ra thường xuyên trong một thời đại có thể nói, là thời đại của khoa học kỹ thuật với sự tiến bộ vượt bậc, một thời đại đang nỗ lực làm tất cả cho con người và vì con người?

Câu trả lời có thể tìm thấy trong Sứ điệp Mùa Chay 2018 của Đức Thánh cha Phanxicô, đó chính là tâm hồn con người càng ngày càng trở nên băng giá, mối tương giao huynh đệ giữa con người đang bị giết chết bởi lòng tham lam của cải. Đức Thánh cha viết: “Không có điều gì phá hủy lòng bác ái ghê ghớm cho bằng lòng ham mê tiền bạc, ‘gốc rễ của mọi tội lỗi’ (1Tm 6,10). Việc chối bỏ Thiên Chúa và bình an của Ngài sớm theo sau; chúng ta ưa thích nỗi sầu khổ của ta hơn là tìm kiếm sự thoải mái trong lời Chúa và các bí tích. Tất cả những thứ ấy khiến chúng ta chống lại bất cứ ai đe dọa đến ‘những điều chắc chắn’ của chúng ta: bào thai, người cao tuổi và ốm yếu, người di cư, người xa lạ giữa chúng ta, hoặc người hàng xóm không sống như mong đợi của chúng ta”.

Vâng, chính việc tham lam tiền bạc đã tạo ra bóng tối của ích kỷ, nơi tâm hồn của con người không còn vang lên những nhịp rung động đau xót trước nỗi đau và sự bất hạnh của người khác. Bóng tối này đã tạo ra những tảng băng huỷ hoại sự sống, khiến chúng ta luôn nơm nớp lo sợ.

Chúng ta phải làm gì trước thảm hoạ này? Hãy tìm đến với ánh sáng mà Thiên Chúa đã gởi đến cho chúng ta, chính Đức Giêsu Kitô, Người là ánh sáng được đốt cháy bởi tình yêu. Vâng Người xuất hiện không để kết án, nhưng để soi sáng cho con người nhận ra chân lý của cuộc sống. Người soi sáng cho nhân loại nhận ra rằng, những gì con người đang sở hữu không bao giờ là của riêng một ai, bởi đó cần quan tâm đến sự thiếu thốn của người khác, nỗi đau của tha nhân để sẻ chia, để giúp đỡ là cách thế giúp chúng ta tìm thấy ý nghĩa đích thực của cuộc sống.

Quả thật, những cuộc giết hại con người gây ra cho nhau đều bắt nguồn từ sự ích kỷ, từ một tình yêu vị kỷ chỉ nghĩ đến mình, chỉ mong làm thoả mãn cho sự tham lam điên rồ của mình, hay nói cách khác tất cả nỗi khổ đau mà con người dành cho nhau đều xuất phát từ một trái tim chai cứng không còn nhịp đập yêu thương. Bởi đó, để có thể sống an vui, không có phương thế nào khác ngoài việc sống theo lời chỉ dạy của Chúa Giêsu: “Các con hãy yêu thương như Thầy yêu thương”. Đó là ánh sáng mang lại niềm vui và hy vọng cho cuộc đời chúng ta.

Lạy Chúa, thế gian ngày càng chìm vào bóng tối của sự hận thù, yêu thương ngày càng vắng bóng trong các mối tương giao bởi con người ngày càng tham lam của cải vật chất và chỉ biết tôn thờ tiền bạc. Xin Chúa hãy dạy chúng con, những Kitô hữu, đừng tiếp tay với ma quỉ để gieo bóng tối của chết chóc, nhưng trái lại luôn thắp sáng ngọn lửa yêu thương bằng những hành vi bác ái mà Chúa đã dạy, để biết cho đi hơn là lãnh nhận, biết phục vụ hơn là thu tích. Amen.
THÁNH GIÁ CHÚA KITÔ

LÀ CHÍNH NGUỒN SINH LỰC

VÀ TÌNH YÊU CHO CUỘC ĐỜI KITÔ HỮU CHÚNG TA.



 
Kính thưa quí ông bà anh chị em,

Cùng với mẹ Giáo hội, hôm nay chúng ta bước vào Chúa nhật thứ IV của mùa Chay. Chúa nhật hôm nay còn được gọi là Chúa nhật hồng (letare). Chính bài ca nhập lễ của Chúa nhật hôm nay gợi lên cho chúng ta sứ điệp vui mừng mà Isaia đã loan báo cho dân Chúa năm xưa : 

Mừng vui lên, Giêrusalem hơi!

Tề tựu cả về đây

Hỡi những ai hằng mến yêu thành!

Các bạn đang sầu khổ

Nào hớn hở reo mừng

Và hân hoan tận hưởng nguồn an ủi chứa chan (Is 66,10-11).

Niềm vui của Chúa nhật hôm nay còn được thể hiện qua việc Giáo hội nhắc cho chúng ta biết, chúng ta đã trải qua hơn nửa chặng đường của việc ăn chay cầu nguyện và làm phúc bố thí.

Và niềm vui của Chúa nhật hôm được thể hiện qua sứ điệp Lời Chúa mà chúng ta lắng nghe trong Phụng vụ Lời Chúa. Đó là Thánh Giá Chúa Kitô là chính nguồn sinh lực và tình yêu cho cuộc đời Kitô hữu chúng ta.

I. Bài học kinh nghiệm của Dân Do thái xưa.

Để có được niềm vui đích thực từ bài học của khổ đau, Chúa Giêsu đã mời gọi Ni-cô-đê-mô nhớ lại kinh nghiệm khổ đau của đoàn dân Chúa sau cuộc giải thoát khỏi ách nô lệ người Ai Cập. Dân Chúa phải trải qua cuộc thanh luyện 40 năm trường trong sa mạc. Trong cuộc thử thách ấy, niềm tin tưởng vào quyền năng của Chúa đã bị lung lay. Dân Chúa đã quay lưng lại với Chúa, kêu trách Chúa và Môsê “Tại sao lại đưa chúng tôi ra khỏi Ai Cập, để chúng tôi chết trong Sa mạc, một nơi chẳng có bánh ăn, chẳn có cả nước uống? Chúng tôi chán ngấy thứ đồ ăn vô vị này” (Ds 21,5). Chính lúc ấy, Chúa đã cho rắn độc bò ra cắn chết nhiều người. Dân Do thái đã chạy đến với Môsê và thú lỗi “Chúng tôi đã phạm tội, vì đã kêu trách Đức Chúa và kêu trách ông. Xin ông khẩn cầu Đức Chúa để Người xua đuổi rắn xa chúng tôi”.  Mô-sê đã khẩn cầu cho Dân và Chúa đã nói với ông “Người hãy làm một con rắn và treo lên một cây cột. Tất cả những ai bị rắn cắn mà nhìn lên con rắn đó, sẽ được sống.” Và những ai bị rắn cắn và làm theo Lời Chúa dậy thì được cứu sống.

Qua bài học kinh nghiệm của dân Do thái xưa, Chúa Giêsu muốn đưa Ni-cô-đê-mô đến một thực tại ám chỉ đến cuộc sống của Chúa: “Như Môsê đã treo con rắn lên ở sa mạc thế nào, thì Con Người cũng sẽ phải treo lên như vậy, để tất cả những ai tin ở Người, sẽ không bị huỷ diệt, nhưng được sống đời đời”. Do đó là giây phút Chúa bị người ta treo lên thập giá để giết chết, thì cũng là lúc Ngài biểu lộ tình tình thương tha thứ cho những ai biết nhìn lên ngài với lòng tin và lòng sám hối, thì sẽ nhận được sự tha thứ và sự sống mới.

II. Bài Học của Ni-cô-đê-mô

Lắng nghe những giải thích của Chúa, Ni-cô-đê-mô đã hoàn toàn được cảm hoá và đổi đời. Theo sách Tin mừng Gioan, Chúng ta biết Ni-cô-đê-mô là một Pharisêu. Thế nhưng, không như những người Pharisêu có lòng hiềm kích ganh tỵ với Chúa, Ni-cô-đê-mô là một con người cương trực và khao khát lẽ phải và tôn trọng sự thật. Ông đã từng có những cuộc tiếp xúc trò chuyện với Chúa vào đêm tối để tìm chân lý. Qua quan sát những việc Chúa Giêsu đã làm cho dân chúng, ông nhận ra bàn tay quyền năng của Thiên Chúa được thể hiện nơi Chúa Giêsu “Thầy là một vị tôn sư được Thiên Chúa Sai đến. Quả vậy, chẳng ai làm được những dấu lạ thầy làm, nếu Thiên Chúa không ở cùng người ấy” (Ga 3,2).

Và từ những cuộc trò chuyện với Chúa trong đêm tối, Ni-cô-đê-mô đã được Chúa biến đổi để bước vào con đường của ánh sáng và tự do. Ông đã hoàn toàn thay đổi cuộc sống của mình. Từ người sợ hãi đối với các thành viên của Hội đồng Do thái, ông đã mạnh dạn để bảo vệ cho Chúa khi Hội đồng này quyết định kết án tử hình Chúa Giêsu “Lề luật của chúng ta có cho phép kết án ai trước khi nghe người ấy và biết người ấy làm gì không?” (Ga 7,51).

Chính lòng tin và sự can đảm làm chứng cho sự thật mà Ni-cô-đê-mô đã trở thành người môn đệ của Chúa, và ông đã diễm phúc được là người môn đệ của Chúa và cũng chính ông là người khâm liệm cho Chúa trong cuộc thương khó của Chúa.

III. Bài học cho mỗi chúng ta hôm nay

Cử hành phụng vụ Chúa nhật thứ IV mùa Chay hôm nay, chúng ta được mời gọi nhìn lên thập giá của Chúa, để nơi ấy chúng ta có được trải nghiệm của một tình yêu vô vị lợi của Thiên Chúa dành cho Dân Do thái xưa trong sa mạc cũng như dành cho ông Ni-cô-đê-mô và cho mỗi người chúng ta hôm nay.

Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta đến độ trao phó cho chúng ta chính con dấu ái của Ngài là Đức Giêsu. Đức Giêsu chính là hiện thân tuyệt đối của tình yêu Thiên Chúa, khi ngài hoàn toàn tự nguyện chấp nhận mọi khổ đau của con người và nhất là chấp nhận bị người ta đóng đinh treo trên thập giá. “Như Môsê đã treo con rắn lên ở sa mạc thế nào, thì Con Người cũng sẽ phải treo lên như vậy, để tất cả những ai tin ở Người, sẽ không bị huỷ diệt, nhưng được sống đời đời.” Đây quả là một tình yêu cho đến tận cùng của một Thiên Chúa yêu thương con người và muốn cho con người được sống.

Mùa chay, Giáo Hội gọi mời gọi chúng ta hãy hướng nhìn lên thập giá của Chúa, mời gọi chiêm ngắm tình yêu vô vị lợi ấy để chúng ta nhận ra một chân lý cao siêu này: Chúa đã biến đổi cây thập giá biểu tượng của sự ô nhục đối với nhân loại thành thánh giá vinh quang của ơn cứu độ, thánh gía của tình yêu tha thứ và trao bạn sự sống. 

Để trở nên người môn đệ của Chúa, Chúa không ngừng mời gọi chúng ta "Ai muốn theo Thầy, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo Thầy?" (Mt 16,24). Vác thập giá mình theo Chúa, là sẵn sàng đón nhận mọi cảnh sống của cuộc đời chúng ta trong sự soi dẫn của Lời Chúa dạy. Nghĩa là mỗi chúng ta cần phải biết khám phá ra thánh ý Chúa muốn chúng ta sống ngang qua những biến cố vui buồn sướng khổ mà chúng ta gặp phải hằng ngày. 

Và cho dù hoàn cảnh ấy là gì đi nữa, thì bài học mà chúng ta cần ghi nhớ là hãy hướng nhìn lên thập giá của Chúa để múc lấy nguồn sinh lực và tình yêu giúp chúng ta giải hoá và lướt thắng mọi khổ đau của cuộc sống.

Lạy Chúa Giêsu, từ muôn thuở Chúa đã yêu thương và muốn cứu chuộc chúng con. Nhưng Chúa không thể cứu được con nếu chúng con không muốn. Xin cho chúng con biết dùng tự do của mình để chọn con đường dẫn đến phúc trường sinh. Con đường đó chính là tin vào Chúa, chắc chắn chúng con sẽ được hạnh phúc muôn đời. Amen


Lm. Gioan Lê Quang Tuyến


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét