Thứ Bảy, 27 tháng 1, 2018

Thứ sáu ngày 26.01.2018

THÁNH TIMÔTHÊ VÀ TITÔ, GIÁM MỤC – Lễ nhớ

 

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Luca (Lc 10: 1-9)

1 Sau đó, Chúa chỉ định bảy mươi hai người khác, và sai các ông cứ từng hai người một đi trước, vào tất cả các thành, các nơi mà chính Người sẽ đến.2 Người bảo các ông:3 Anh em hãy ra đi. Này Thầy sai anh em đi như chiên con đi vào giữa bầy sói.4 Đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép. Cũng đừng chào hỏi ai dọc đường.5 Vào bất cứ nhà nào, trước tiên hãy nói: "Bình an cho nhà này!"6 Nếu ở đó, có ai đáng hưởng bình an, thì bình an của anh em sẽ ở lại với người ấy; bằng không thì bình an đó sẽ trở lại với anh em.7 Hãy ở lại nhà ấy, và người ta cho ăn uống thức gì, thì anh em dùng thức đó, vì làm thợ thì đáng được trả công. Đừng đi hết nhà nọ đến nhà kia.8 Vào bất cứ thành nào mà được người ta tiếp đón, thì cứ ăn những gì người ta dọn cho anh em.9 Hãy chữa những người đau yếu trong thành, và nói với họ: "Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần các ông".

Hôm nay, Giáo Hội mừng lễ thánh Timôthê và Titô.

Thánh Kinh cho biết, Timôthê là môn đệ yêu dấu của thánh Phaolô. Nhờ thánh Phaolô, Timôthê trở lại trong chuyến truyền giáo lần đầu. Timôthê cũng theo thánh Phaolô trong chuyến truyền giáo lần thứ hai và thứ ba. Thánh Phaolô nhấn mạnh đến sự trung thành của Timôthê trong cơn thử thách. Tình bạn đã nối kết cả hai, thúc đẩy Timôthê ở lại với thánh Phaolô trong lần bị bắt lần thứ nhất, cũng chính thánh Phaolô cho gọi ngài đến Roma trong lần bị bắt thứ hai. Có lẽ thánh Timôthê đã chịu tử đạo tại Êphêsô.

Về thánh Titô, thì sinh ra trong một gia đình Hồi giáo, đã được thánh Phaolô rửa tội trong chuyến truyền giáo lần thứ nhất. Thánh Phaolô đặt Titô đứng đầu cộng đoàn ở Crète. Trong đoạn Tito 1,4, thánh Phaolô còn gọi Titô là “Người con tôi thực sự sinh ra trong cùng một đức tin chung”. Theo truyền thuyết, thánh Titô qua đời trong cộng đoàn của ngài tại Crète, lúc tuổi sế chiều.

Trang Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu cho chúng ta thấy sức mạnh không thể chống lại của nước Thiên Chúa. Chúa Giêsu dùng hình ảnh tương phản nhau: Ban đầu khi Tin Mừng mới được rao giảng, nước Thiên Chúa giống như hạt cải là loại hạt nhỏ nhất, rồi dần dần trở thành một cây lớn, một nơi có thể đón nhận các dân tộc. Mặc dầu giai đoạn đầu của nước Thiên Chúa rất khiên tốn, Tin Mừng phải được loan báo cho mọi dân tộc. Trước khi Con Người quang lâm, nhiều cuộc bách hại và những cơn gian nan thử thách xảy ra. Trong hoàn cảnh cụ thể đó, dụ ngôn hạt cải sẽ giúp chúng ta có một lòng tin bất diệt và một niềm trông cậy bất khuất vào cuộc chiến thắng của Thiên Chúa và sự thành công cuối cùng của nước Thiên Chúa. Xin Chúa cho chúng con biết chấp nhận những thử thách và đau thương, biết hi sinh tất cả vì Tin Mừng của Người. 

Xin cho chúng con có một niềm tin son sắt, cũng như không có gì làm lay chuyển được lòng tin của chúng con nơi Thiên Chúa. Amen.

GKGĐ Giáo Phận Phú Cường
ĐỂ LỜI ĐƯỢC LỚN LÊN

 


Nước Thiên Chúa được thiết lập giống hệt như một tiến trình gieo gặt trọn vẹn: từ hạt giống, hạt nẩy sinh thành cây, rồi thành bông lúc. Như người dân Palestina, sau khi gieo hạt giống, họ âm thầm chờ đợi lúa chín để gặt hái, chứ không hề biết hạt giống được gieo xuống đất đã phát triển như thế nào: Chúa Giêsu cũng gieo hạt giống Nước Trời nơi tấm lòng con người, cùng với ơn Chúa, Nước đó âm thầm phát triển lan rộng khắp thế giới, tạo nên mùa gặt các linh hồn. Chúa Giêsu chỉ đích thân có mặt trong mùa gieo giống và mùa gặt hái.

Tuy nhiên, trong khoảng thời gian chờ đợi, Ngài vẫn tiếp tục hoạt động một cách vô hình, qua Chúa Thánh Thần và Giáo Hội. Khi Nước Thiên Chúa đã phát triển đến mức tối đo, Ngài sẽ trở lại trong vinh quang, thu hoạch mùa gặt của Ngài.

Chúa Giêsu dùng dụ ngôn hạt giống và hạt cải để nói lên sự bành trướng, phát triển của Nước Chúa. Hạt giống nảy mầm và lớn lên thế nào thì người gieo giống không thấy.

Và ta thấy hạt giống vẫn mọc lên, và sau cùng lớn thành cây,trổ sinh hoa trái. Trong dụ ngôn về hạt giống, Chúa Giêsu tự ví mình như người gieo giống. Hạt giống là tượng trưng cho lời Chúa. Mùa gặt có nghĩa là việc nhận lãnh Lời Chúa. Trong dụ ngôn này, Chúa muốn dạy ta sự nhẫn nại, đợi chờ và xác tín vào chương trình cứu độ nhiệm mầu của Thiên Chúa.

Dụ ngôn hạt cải là dụ ngôn cuối cùng trong năm dụ ngôn về Nước Thiên Chúa. Cũng như các dụ ngôn trước, dụ ngôn này được rút ra từ đời sống thôn dã. Nó đưa ra một nét tương phản hấp dẫn: hạt cải nhỏ xíu trở thành một cây to lớn.

Hạt cải chỉ là hạt giống rất nhỏ bé. Tuy nhiên khi nhớn thành cây, chim trời có thể đến núp bóng. Trong dụ ngôn về hạt cải, Chúa Giêsu muôn nói về sự thiết lập nước Chúa ở trần gian với con số rất nhỏ bé là 12 tông đồ. Còn chính đời sống của Chúa cũng bắt đầu bằng những việc tầm thường nhỏ bé. Chúa chọn sinh ra trong hang bò lừa. Mẹ Chúa là bà Maria nội trợ. Cha nuôi của Chúa là bác thợ mộc Giuse, đơn sơ, chất phác.

Tại sao Chúa lai không chọn những triết gia lỗi lạc trong đế quốc La mã hay những nhà hùng biện Hy lạp để làm môn đệ? Phải chăng đó cũng là đường lối nhiệm mầu của Chúa, khác với đường lối loài người. Vậy đặc tính của nước Chúa ở trần gian là bắt đầu bằng những việc nhỏ bé. Đặc tinh thứ hai là phát triển cách từ từ tiệm tiến. Nước Chúa đã được ngôn sứ Edêkien tiên báo cả hơn bốn trăm năm trước kỷ nguyên, khi nói về một chồi non từ ngọn cây hương bá, được trồng trên đỉnh núi cao, trổ sinh cành lá và hoa trái,khiến chim trời đến nấp bóng ( Ed 17, 22).

Nước Thiên Chúa cũng mang nơi mình một nghịch lý tương tự: Dưới cái nhìn của thánh Maccô, dụ ngôn hạt cải chứa đựng cách diễn tả tuyệt vời về bí mật Mêsia. Cho đến lúc này, hành vi của Chúa Giêsu có thể bị coi là vô nghĩa và Nước Thiên Chúa vẫn chỉ là một thực tế khiêm tốn. Dù vậy, các dân ngoại đang nhìn thấy sự tăng trưởng dị thường của nó như các Kitô hữu ở Rôma đã kinh nghiệm được điều này. Chính Giáo Hội tiên khởi, dù yếu đuối, vẫn ý thức được mình đang tham dự vào sự thành công của một công trình đã sẵn tiềm tàng nguồn sinh lực vô biên, công trình này sẽ đạt tới mức hoàn vũ vào cuối giai đoạn phát triển của nó.

Những vấn nạn mà ngày xưa Đức Giêsu, như Người vẫn làm trong ngày nay, sẽ trả lời bằng những dụ ngôn. Những dụ ngôn sẽ nói với chúng ta cách thức Vương quốc bắt đầu phát triển trong con người. Và những dụ ngôn này thật quí giá chỉ vì xem ra đi ngược lai tất cả. Khi Đức Giêsu nói về cánh đồng cần canh tác, người gợi lên cửa hẹp khó bước qua, như ngày hôm nay, Người gợi nên hạt giống nảy mầm cả khi chúng ta đang ngủ. Có nghịch lý hay không? Vâng, phải khôn ngoan như con rắn và đơn sơ như chim bồ câu. Thật vậy, Vương quốc là công việc lao động cần nhiều khó nhọc, cũng là việc của hạt giống, nẩy mầm trong đêm, trong khi người gieo vẫn ngủ, nhưng sự lớn dậy được đón nhận như hồng ân của trời.

Chúa Giêsu chính là hiện thân của Nước Thiên Chúa. Ngài mạc khải về Nước đó qua những dấu chỉ và hình ảnh, qua hành động của Ngài. Ngài đã khẳng định: “Triều đại Thiên Chúa không đến như một điều có thể quan sát được... vì Triều đại Thiên Chúa đang ở giữa các ông” (Lc. 17, 20-21), nghĩa là đã thực sự đến với nhân loại, ở giữa nhân loại mà người ta chưa nhận ra (Mt. 12, 28). Nước đó khởi đầu từ trần gian, và sẽ viên mãn vào ngày cánh chung. Những kẻ đi theo để cộng tác với Chúa Giêsu có thể đã băn khoăn về tương lai của Nước đó. Chúa Giêsu đã cho họ một câu trả lời khá rõ khi kể cho họ dụ ngôn Hạt giống âm thầm mọc và dụ ngôn Hạt cải.

Nơi trần thế, nó có một khởi điểm thật nhỏ bé. Dần dà qua lịch sử nhân loại, sẽ phát triển thành vĩ đại, có khả năng dung nạp mọi dân tộc. Nếu như trong Cựu ước, ngôn sứ Êdêkiel đã nhìn đến một Israel cánh chung, phải trở thành một cây to, bóng cả như bá hương, để mọi dân tộc nhận ra Chúa Trời; thì trong Tân ước, Chúa Giêsu ví khởi điểm Nước Trời chỉ bé như một hạt cải, thứ hạt nhỏ bé nhất. Đúng. Nó thật nhỏ bé, nhưng khi thành cây, có thể làm nơi núp bóng, trú ngụ, thậm chí làm tổ của các thứ chim trời. Đó chính là Israel mới. Đó chính là Giáo hội của Chúa Trời. Đó chính là Nước Trời tại thế.

Hạt giống đã trải qua một quá trình phát triển âm thầm trước khi tới mùa gặt; hạt cải được trồng dưới đất cũng phải trải qua một quá trình cho đến khi trở thành một cây lớn. Trong những bổn phận dù âm thầm hằng ngày, chúng ta hãy tin tưởng phó thác cho quyền năng yêu thương của Chúa, chính Ngài sẽ làm cho công việc chúng ta thực hiện theo ý Chúa đạt tới kết quả vượt quá sức tưởng tượng của chúng ta, và như vậy chúng ta sẽ làm ích cho chính bản thân, cho tha nhân và cho Nước Chúa.

Có lẽ dụ ngôn này giúp chúng ta loại bỏ bớt những lo lắng về những gì người môn đệ chúng ta phải làm. Hôm nay, chúng ta được nhắc rằng không phải tất cả phụ thuộc vào chúng ta. Dụ ngôn không nhấn mạnh vai trò của người gieo hạt, sự xứng đáng hay cần mẫn của người này. Hạt giống tự nảy mầm và lớn lên. Hay nói cách khác, chỉ mình Thiên Chúa mới làm cho hạt nảy mầm và mang lại mùa bội thu. 

Sứ điệp Tin Mừng hôm nay nhắm tới: Chúng ta đã lãnh nhận Bí tích rửa tội. Chúa đã gieo trong tâm hồn chúng ta hạt giống Nước Trời, chúng ta phải nuôi dưỡng vun trồng nó bằng cầu nguyện, siêng năng lãnh nhận các Bí tích đặc biệt là Bí tích giao hòa và siêng năng, sốt sắng lãnh nhận Mình Máu Thánh Chúa Kitô. Như thế, hạt lúa, hạt giống sẽ mọc lên và trĩu trái. 


Huệ Minh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét