Thứ Tư, 17 tháng 1, 2018

CHÚA NHẬT 3 THƯỜNG NIÊN B


Lời Chúa: Gn 3,1-5.10; 1Cr 7,29-31; Mc 1,14-20
1. Từ bỏ
Sống là chọn lựa. Chọn lựa từng giây phút trước những hành động cuộc đời chúng ta. Và chọn lựa trước hết là gì? Nếu phải từ bỏ. Thực vậy, nếu muốn lên Saigon, thì phải từ bỏ con đường xuống Rạch Giá. Nếu muốn học giỏi, thì phải từ bỏ những tháng ngày lãng phí thời gian. Nếu muốn làm làm giàu, thì phải từ bỏ sự ươn lười, nhàn rỗi. Nếu muốn được cha mẹ yêu thương, thì phải từ bỏ những gì làm cho các ngài buồn lòng. Sống là chọn lựa và chọn lựa có nghĩa là từ bỏ.
Tiến vào đời sống siêu nhiên cũng thế. Muốn theo Chúa, muốn đáp trả lời mời gọi của Chúa, chúng ta phải chọn lựa, chúng ta cũng phải từ bỏ. Abraham ngày xưa đứng trước lệnh truyền của Chúa, ông đã phải từ bỏ quê hương và sự nghiệp để dấn thân vào một cuộc phiêu lưu không định hướng. Hơn thế nữa, ông còn sẵn sàng từ bỏ cả đứa con duy nhất, sẵn sàng sát tế Isaác để làm lễ vật dâng kính Thiên Chúa. Các tông đồ ngày hôm nay cũng vậy. Các ông đã bỏ cha già, bỏ gia đình, bỏ ghe thuyền, bỏ chài lưới nghĩa là các ông đã từ bỏ tất cả để lên đường theo Chúa. Hay như Phanxicô Khó Khăn, đã từ bỏ đến cả manh áo che thân trước sự ngăn cản của gia đình để được hoàn toàn tự do bước theo Chúa.
Từ bỏ gia đình, từ bỏ tiền bạc, từ bỏ thời giờ để theo Chúa đã là một chuyện khó, nhưng điều quan trọng hơn Chúa đòi chúng ta phải từ bỏ, đó là từ bỏ chính bản thân mình. Những sợi dây níu kéo chúng ta lại với mặt đất, những chướng ngại vật ngăn cản bước chân chúng ta theo Chúa, đó là những thói hư tật xấu, những đam mê tiền bạc hay những khát vọng không chính đáng. Để bước theo Chúa, việc đầu tiên mà chúng ta phải thực hiện đó là dứt bỏ những níu kéo ấy, là khử trừ những khuynh hướng lệch lạc, là từ bỏ những ước vọng trần tục. Từ bỏ tiền bạc, từ bỏ tiện nghi vật chất đã là chuyện khó, nhưng chưa đến nỗi cam go vì tiền bạc và vật chất là những cái còn ở bên ngoài chúng ta. Chứ từ bỏ những đam mê, những ước muốn xấu xa mới là chuyện cam go vì đam mê, và ước muốn bén rễ sâu trong con tim chúng ta. Nó làm thành chính bản tính, chính bộ mặt thực sự, chính cái phần sâu thẳm nhất nơi mỗi người chúng ta. Và đó cũng chính là điều mà Chúa đòi buộc chúng ta phải từ bỏ.
Nhưng tại sao chúng ta phải từ bỏ? Vì Chúa Giêsu đã dạy: Con đường vào Nước Trời thì nhỏ hẹp. Con đường nhỏ hẹp ấy chẳng phải là ngõ cụt, nhưng nó sẽ dẫn chúng ta đến hạnh phúc, đến biển cả của tình yêu là chính Thiên Chúa. Đã là một con đường nhỏ hẹp thì chúng ta không thể bước đi trên đó với những hành lý cồng kềnh. Và những hành lý cồng kềnh của chúng ta là gì nếu không phải là tiền bạc, vật chất, đam mê, khát vọng và thói hư tật xấu. Chúng ta phải từ bỏ thì mới có thể tiến bước. Như một người leo núi chỉ mang theo những dụng cụ tối thiểu nhưng cần thiết, nếu không thì người ấy mãi mãi chỉ ở dưới chân núi mà thôi. Hơn nữa Chúa Giêsu cũng đã nhắn nhủ: Nếu ai muốn cứu mạng sống thì sẽ mất, nghĩa là nếu chúng ta cứ bấu víu vào những thực tại trần thế, nếu chúng ta cứ nắm chặt lấy cuộc sống vật chất, thì chắc chắn chúng ta sẽ đánh mất cuộc sống vĩnh cửu. Chúng ta phải từ bỏ thì mới có thể được sống, như hạt lúa gieo trên ruộng đồng, phải mục nát thì mới đâm bông kết trái.
Một khi đã dứt bỏ được những níu kéo bên ngoài, một khi đã dứt khoát bỏ được những vấn vương bên trong. Một khi đã từ bỏ được những quyến luyến trần thế, một khi đã từ bỏ được những khát vọng bất chính, lúc bấy giờ chúng ta sẽ như một cánh chim bay bổng về với Chúa, lúc bấy giờ chúng ta mới chính thức chọn lựa Chúa. Bấy giờ chọn lựa sẽ không chỉ còn là một từ bỏ mà chọn lựa còn có nghĩa là nói chấp nhận.
Thực vậy, chúng ta chấp nhận Chúa, chúng ta chấp nhận con đường nhỏ hẹp, chúng ta chấp nhận thập giá trong cuộc sống. Muốn được như vậy thì chúng ta phải có một tình yêu, yêu mến Thiên Chúa, và với hương vị của tình yêu, chúng ta sẽ thắng vượt được mọi khó khăn. Với Chúa đi trong cuộc sống, chúng ta không còn bị thất bại. chúng ta sẽ thâu lượm những kết quả tốt đẹp như mẻ lưới lạ lùng của các môn đệ.
Chúng ta hãy cầu nguyện cho nhau, để mỗi người biết dẹp bỏ những cản trở trong cuộc sống, và để từng giây phút chúng ta chọn lựa, chúng ta chấp nhận và chúng ta bước theo Chúa.
2. Phẩm chất đầu tiên của người môn đệ
(Trích trong ‘Cùng Đọc Tin Mừng’ – Lm. Ignatiô Trần Ngà)
Khi bắt đầu thời kỳ công khai lên đường thi hành sứ vụ, việc đầu tiên Chúa Giêsu làm là tuyển chọn một số môn đệ nòng cốt để tiếp tay và nối gót Người rao giảng Tin Mừng và xây dựng Hội Thánh.
Đây là một nhiệm vụ vô cùng trọng đại cao cả nhưng đồng thời cũng đầy gian truân và thách thức, thế nên cần phải tuyển cho được những ứng viên phù hợp.
Trong các thành phần dân chúng thời đó, chúng ta thấy nổi bật nhất là các tư tế ở Đền Thờ Giê-ru-sa-lem. Họ là những người ngày đêm ứng trực trong đền thờ lo việc thờ phượng tế lễ Thiên Chúa. Xem ra họ là những ứng viên sáng giá nhất cho công cuộc loan báo Tin Mừng và xây dựng Hội Thánh. Thế nhưng Chúa Giêsu đã không chọn bất cứ ai trong số các vị ấy làm tông đồ xây dựng Hội Thánh Người.
Kế đó, thành phần Luật sĩ, những người học rộng và thông thạo thánh kinh. Có ai xứng đáng hơn họ trong việc giải thích và loan truyền Lời Chúa? Có ai giàu kiến thức về đạo lý bằng họ? Thế mà Chúa Giêsu cũng không chọn một ai trong số các vị nầy làm tông đồ của Người.
Thành phần thứ ba cũng rất sáng giá là các người biệt phái. Họ giữ luật rất nhiệm nhặt, có đời sống đạo rất nghiêm túc. Những người như thế cũng đáng làm đầu thiên hạ và lãnh đạo người ta. Thế mà Chúa Giêsu cũng không chọn bất cứ người biệt phái nào làm tông đồ cho Người.
Chúa Giêsu cũng không chọn những người có vai vế trong xã hội, những người giàu sang quyền quý làm môn đệ đầu tiên của Người.
Tin Mừng hôm nay cho thấy sự chọn lựa của Chúa Giêsu khiến chúng ta kinh ngạc:
“Người đang đi dọc theo biển hồ Ga-li-lê, thì thấy ông Si-môn với người anh là ông An-rê, đang quăng lưới xuống biển, vì họ làm nghề đánh cá. Người bảo họ: “Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá.” Lập tức hai ông bỏ chài lưới mà đi theo Người.
Đi xa hơn một chút, Người thấy ông Gia-cô-bê, con ông Dê-bê-đê, và người em là ông Gioan. Hai ông này đang vá lưới ở trong thuyền. Người liền gọi các ông. Và các ông bỏ cha mình là ông Dê-bê-đê ở lại trên thuyền với những người làm công, mà đi theo Người.”
Chúa Giêsu đã chọn bốn ngư phủ là Simon, An-rê, Gioan, Giacobê, làm môn đệ đầu tiên trong lúc họ đang quăng chài kéo lưới hoặc đang vá lưới trong thuyền. Tại sao?
Các ngư phủ là những người dạn dày sương gió. Họ quen chịu giá lạnh giữa biển khơi; từng trải qua những đêm tối giữa sóng gió trùng khơi; không sợ đói, không sợ rét, không sợ bão tố cuồng phong, không sợ cảnh chơi vơi giữa ba đào sóng gió. Nói chung, họ bất chấp mọi khó khăn, gian khổ và nghịch cảnh để đạt cho bằng được nguyện vọng của mình.
Họ là những người đầu tiên được Chúa Giêsu chiếu cố và mời gọi làm môn đệ loan Tin Mừng, làm những trụ cột nòng cốt trong công trình xây dựng Hội Thánh.
Điều nầy cho thấy phẩm chất đầu tiên để làm môn đệ Chúa Giêsu là không ngại gian truân, sẵn sàng hy sinh để thực hiện mục tiêu mong muốn.
Lạy Chúa Giêsu,
Chúa đã kêu gọi chúng con làm tông đồ cho Chúa trong xã hội hôm nay. Xin ban ơn giúp chúng con sẵn sàng vượt khó, dám đương đầu với mọi thách thức và sóng gió như các môn đệ đầu tiên hầu có thể chu toàn trọng trách mà Chúa và Hội Thánh trao phó cho chúng con.
3. Sám hối
Hãy sám hối và tin vào Phúc Âm.
Hẳn chúng ta còn nhớ câu chuyện về thành Ninivê mà bài đọc thứ nhất hôm nay đã gợi lại. Bấy giờ Chúa phán với ông Giona: Hãy chỗi dậy, đi đến Ninivê, kinh thành vĩ đại và công bố cho hay điều Ta sẽ truyền cho ngươi. Ninivê là một thành phố rộng lớn, đi ngang qua phải mất ba ngày đàng. Ông Giona mới đi rảo trong thành có một ngày và công bố: Còn 40 ngày nữa thì Ninivê sẽ bị tan phá. Dân chúng tin vào Thiên Chúa. Họ công bố lệnh ăn chay và tất cả mọi người từ lớn chí bé đều mặc áo vải thô. Chúa thấy việc họ làm, từ bỏ đường gian ác, thì đã tha thứ và không trừng phạt họ nữa. Đó là câu chuyện xảy ra trong Cựu Ước. Dân thành Ninivê thực thi sứ điệp tiên tri Giona truyền dạy, đó là ăn năn sám hối, từ bỏ con đường tội lỗi và đã được Chúa thứ tha.
Qua đoạn Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu cũng đã kêu gọi chúng ta như thế: Nước Thiên Chúa đã đến gần, nên phải sám hối và tin vào Phúc Âm. Chúa Giêsu rất nhiều lần đã cho chúng ta thấy: Là Đấng thánh thiện Ngài ghét bỏ tội lỗi, nhưng lại tỏ ra khoan dung và nhân từ đối với các tội nhân. Ngài đã sánh ví mình như người mục tử lên đường tìm kiếm con chiên bị lạc mất. Và khi tìm thấy, thì vui mừng vác nó trên vai, đem về nhà. Ngài sánh ví mình như người đàn bà đốt đèn tìm kiếm đồng bạc bị đánh rơi và khi tìm thấy thì mời chị em lối xóm đến chia vui với mình.
Thế nhưng để được Chúa tha thứ, Ngài đòi hỏi chúng ta một điều kiện đó là hãy sám hối quay trở về với Ngài. Phúc Âm đã kể lại câu chuyện chàng trai phung phá. Trong bước đường truân chuyên gian khổ, chàng đã hối hận, quyết tâm lên đường trở về để rồi cuối cùng chàng đã được người cha tha thứ.
Phúc Âm cũng đã cho chúng ta thấy sở dĩ Phêrô đã được tha thứ và được đặt làm đầu Giáo Hội vì ông đã biết đấm ngực ăn năn về lầm lỗi của mình. Mađalena đã được tha thứ vì đã biết sám hối, khóc cho quãng đời tội lỗi của mình. Tên trộm lành cũng đã được tha thứ vì anh đã biết trở về với Chúa cho dù vào những giây phút cuối cùng.
Có một chàng trai, bất mãn với gia đình đã bỏ nhà đi bụi đời. Sau đó chàng hối hận muốn quay trở về nhưng không biết cha mẹ có sẵn sàng tha thứ cho hay không. Bởi đó chàng đã viết thư và nói nếu thầy mẹ sẵn sàng tha thứ thì đến ngày ấy giờ ấy hãy treo một tấm áo nơi cửa sổ. Nhận thấy tín hiệu ấy, chàng sẽ trở về. Vào ngày giờ đã quy định thầy mẹ chàng không những chỉ treo một tấm áo, mà trong nhà có bao nhiêu quần áo, rồi chăn mùng mền, tất cả đều được treo trên các khung cửa và chàng đã được đón nhận vào trong tình thương của gia đình.
Từ những điều vừa chia sẻ cha muốn đi tới một kết luận đó là hãy sám hối quay trở về cùng Chúa để được hưởng nhờ tình thương của Chúa bởi vì những tâm tình ăn năn là như một thứ tiền để mua lấy ơn tha thứ.
4. “Biết mình để sống đúng”
(Trích trong ‘Cùng Nhau Suy Niệm’ – Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền)
Có một lúc nào đó trong cuộc đời, chúng ta vẫn thường tự hỏi: Tôi là ai? Tôi sinh ra trong cuộc đời này làm gì? Chết rồi đi đâu? Đây là những câu hỏi quyết định hướng đi của một đời người, nó quyết định phận số của một con người. Sống có ích cho xã hội hay trở thành gánh nặng cho xã hội cũng tuỳ thuộc vào chọn lựa cơ bản này của từng người chúng ta.
Người ta kể rằng: thuở xưa khi con người chưa biết soi gương trang điểm nên họ cũng chẳng biết mình là ai? Và khuôn mặt mình thế nào? Một lần kia, anh chồng lên tỉnh thành, người vợ dặn chồng nhớ mua cho mình một cái trâm cài đầu. Nhưng anh không biết cái trâm hình thù như thế nào. Chị vợ liền nhìn trời thấy ánh trăng lưỡi liềm liền nói: “Cái trâm nó giống như ánh trăng kia, nếu anh quên anh cứ nhìn lên ánh trăng thì sẽ nhớ.
Người chồng lên đường mải miết xem bao cảnh lạ ở tỉnh thành mãi mười ngày sau mới trở về quê nhà. Anh sực nhớ lời vợ dặn, anh liền nhìn lên trời và thấy ánh trăng tròn trịa của đêm trăng rằm, anh liền vào tiệm và mua một cái gương tròn trịa như ánh trăng theo lời vợ dặn.
Lòng vui rộn ràng khi vừa về tới nhà vội trao cho vợ cái gương mà anh đã mua từ tỉnh thành. Tưởng rằng vợ sẽ vui mừng với món quà anh đưa về, thế nhưng, khi vừa nhìn vào đồ vật, cô vợ đã tức giận và quát tháo rằng: “Tôi dặn anh mua cái trâm cài đầu, tại sao anh lại đem về một đứa con gái nào đây?”. Anh chồng giật mình, dành lại cái gương và nhìn xem chuyện gì xẩy ra. Anh nhìn vào gương lại thấy một người đàn ông trông giống bố mình hồi còn trẻ, nên anh phân bua rằng: Không, đây là bố tôi mà! Cô vợ dành lại và nói: bố ông bao giờ, con nào rõ ràng. Ông còn chối hả? Đính chính chẳng được, nên anh chồng đành bỏ đi. Mẹ chồng thấy vậy đến an ủi con dâu, và người con dâu đưa cho mẹ chồng coi bằng chứng rõ ràng thế mà anh chồng còn chối quanh quẩn. Mẹ chồng xem qua rồi trịnh trọng nói: Thôi đừng ghen nữa! Tao thấy con này không đáng ghen đâu. Tao thấy, nó cũng già lắm rồi!
Đó là câu chuyện vui nhưng cũng nói lên một chân lý: nếu không biết mình thì sẽ làm khổ mình và khổ người khác. Chúa Giê-su cũng từng nói: “Mù dắt mù thì cả hai đều rơi xuống hố”. Đó cũng là quang cảnh của xã hội chúng ta đang sống. Một xã hội đầy những bóng tối của tội lỗi, của sa đoạ, cúa ích kỷ và hưởng thụ đã làm cho nhiều người mù quáng để chạy theo những đam mê lầm lạc, lạc mất hướng đi của đời người, dìm mình trong bóng tối của danh lợi thú. Nhiều người đã không còn ý thức giá trị đạo đức con người nên họ sẵn sàng đánh mất phẩm giá của mình và chà đạp lên phẩm giá của người khác. Họ không còn biết mình là ai? Sống để làm gì? Họ như những người lạc hậu trong câu chuyện đã không biết mình, nên gây ra những mâu thuẫn, hiểu lầm không đáng có. Thực vậy, nhiều người trong xã hội hôm nay, đã không hiểu rõ ý nghĩa cuộc sống nên buông thả trong những đam mê tội lỗi. Họ tưởng rằng, con người sinh ra, lớn lên, chết là hết nên chẳng cần sống theo lẽ phải, hay sống theo luân thường đạo lý, dẫn đến tội lỗi ngập tràn, cuộc sống đầy chiến tranh, loạn lạc.
Vì vậy, sứ điệp đầu tiên mà Chúa gửi đến nhân loại chính là: “Hãy sám hối”. Sám hối để bước ra khỏi bóng đêm của tội lỗi, ganh tương, đố kỵ và chia rẽ để bước vào ánh sáng của yêu thương và hiệp nhất. Chúa Ky-tô chính là ánh sáng cho thế gian. Từ nay tin mừng cứu độ của Chúa sẽ soi sáng cho con người biết đâu là thiện, là ác, vì chính Ngài là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống. Và ai theo Ngài sẽ không phải đi trong tối tăm, nhưng bước đi trong tự do của con cái sự sáng.
Thế nhưng, nhân loại hôm nay vẫn thích bóng tối hơn ánh sáng. Người ta sợ ánh sáng của tin mừng sẽ phơi bày bộ mặt thật của mình nên che dấu bằng thủ đoạn, lừa đảo và giả hình, và dần dần đánh mất ý thức về tội. Tội lỗi vẫn lan tràn. Con người tự làm khổ mình, làm khổ nhau bởi chính tội lỗi mình gây ra.
Ước gì mỗi người chúng ta hãy biết nhìn lại mình để biết mình. Biết những giới hạn và bất toàn để sửa đổi. Biết những khiếm khuyết để bổ túc và canh tân. Biết tội lỗi mình để sám hối. Xin Chúa giúp chúng ta biết sám hối từng ngày để canh tân đổi mới cuộc đời trong chân lý và tình yêu của Chúa. Amen.
5. Năm mới người mới cả trời đất mới
(Suy niệm của Lm. Giuse Phạm Thanh Liêm)
Đức Yêsu rao giảng: “Đã đến thời. Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng.” Tết đã đến gần, đây cũng là dịp để mỗi người chúng ta nhìn lại mình trong năm vừa qua, để với năm mới chúng ta trở thành con người mới, bắt đầu một đời sống mới, một con người hạnh phúc với chính mình, dễ thương và quảng đại đối với người khác.
1) Đức nhân thắng số
“Đức nhân thắng số” là không chỉ là câu nói của đa số bình dân, nhưng cả của những người tin vào “tiền định,” tin vào “số mạng” nữa. Câu này có nghĩa: một người ăn ở có đức có nhân, thì sẽ đổi được số mạng của mình. Với những người tin vào “tiền định” hoặc “số mạng,” câu nói này thực hữu ích.
Trong cuộc đối thoại giữa Abraham và Thiên Chúa, người ta thấy chỉ cần mười người công chính có thể cứu được cả một thành phố gian ác đáng bị tru diệt (St.18, 32). Người tốt không chỉ cứu được mình, mà còn cứu được cả người khác nữa. Trong sách Giô-na hôm nay, dân thành Ninive đã đổi được ý định của Thiên Chúa. Thiên Chúa truyền lệnh cho tiên tri Giô-na báo cho dân thành Ninive biết ý định huỷ diệt thành phố của Thiên Chúa, dân không chỉ tin vào lời tiên tri, nhưng còn tin vào lòng từ bi của Thiên Chúa nữa, nên họ đã sám hối và được cứu. Như vậy, thái độ sống của con người có thể đổi được ý định của Thiên Chúa nữa. Cái “số” bị phạt của dân Sôđôma và dân Ninive, là do hậu quả của những hành vi bất chính của họ. Chính thái độ sống trong quá khứ của họ, mang lại “số phận” cho họ! Và cũng chính thái độ sống “hiện tại” của họ, đổi được “vận số” của họ! Thiên Chúa là Đấng Yêu Thương nên Ngài chỉ muốn điều tốt cho con người; Ngài chỉ muốn con người sống yêu thương và hạnh phúc. Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ tự nhiên, và định cho nó có luật của nó, vật chất có luật vật lý; sinh vật sống theo bản năng, đây cũng là một loại luật của sinh vật; với con người, Ngài ban cho lý trí và ý muốn, để tự do và làm chủ tất cả. Yêu thương là hành vi vượt qua mọi định luật, hành vi yêu thương cứu được chính mình và cứu được người khác nữa. Chẳng hạn, hành vi yêu thương nuôi nấng dạy dỗ một em bé bị bỏ rõi, đổi được đời em bé và còn đổi được đời cả người nuôi em bé đó nữa.
2) Thế giới này đang qua đi
Con người không chỉ bị chi phối bởi luật vật lý tự nhiên, nhưng còn bị chi phối rất nhiều bởi những yếu tố tâm lý. Những hành vi làm vì muốn chứng minh mình trổi trang hơn người khác, những hành vi trả thù, v.v. là những hành vi “nô lệ.” Hận thù không được tha thứ, sẽ nối tiếp và chồng chất hận thù. Những người thực hiện những hành vi này bị nô lệ hoặc bị trói buộc bởi những tiêu chuẩn “hèn hạ” mà thường họ không ý thức.
Thư của thánh Phao-lô hôm nay nhắc nhở con người một chân lý: thế gian này đang qua đi. Con người được sinh ra, lớn lên, già đi, và chết. Hiện tại, người ta biết mình; nhưng mười năm sau, còn ít người biết mình; một trăm năm sau, e rằng chẳng ai biết mình nữa. Nếu tất cả vật chất đang biến đổi, đang qua đi, thì tại sao người ta lại miệt mài, đam mê đi tìm kiếm vật chất hoặc những thú vui mau qua, hoặc thoả mãn chính mình!
Khi nhắc nhở con người về thực trạng “thế giới này đang qua đi,” thánh Phaolô muốn giúp con người nhận ra sự thật về chính mình, và nhắn nhủ con người hãy đi tìm cái gì cao quý và trường tồn. Như vậy điều quý không hệ nơi vật chất đang qua đi, nhưng là chính con người “vĩnh tồn” của mình. Những hành vi từng ngày làm nên chính con người của mình. Những hành vi yêu thương làm mình trở nên tuyệt vời ngay giữa trần thế đang qua đi này, và cũng làm mình tuyệt vời trong vĩnh cửu nữa.
3) Hãy sám hối và tin vào tình yêu Thiên Chúa.
Đức Yêsu khởi đầu sứ vụ công khai bằng lời rao giảng: “Thời giờ đã đến. Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng. Hành vi sám hối đi liền với hành vi nhận ra sự thật “không đẹp” của chính con người mình. Không thể có hành vi sám hối mà không có sự nhận thức đúng đắn về con người mình. Lời mời gọi sám hối, hàm chứa lời mời gọi xét lại chính con người của mình: tôi có thực sự là người tốt chưa, thành toàn chưa?
Tôi là người như thế nào đối với người ta, đối với tôi, và đối với Thiên Chúa. Có những người đi tìm và cố gắng trở thành “người tốt” theo đánh giá của người khác; những người này đang nô lệ mà không biết. Cũng có người đặt ra cho mình một giá trị, và cố gắng để thành người “thành toàn” theo ý họ; và khi họ không đạt được hoặc không làm chủ được họ hoàn toàn, họ thất vọng và buồn chán. Điều đúng đắn nhất là làm sao để mình đánh giá mình và mọi sự trong nhãn quan của Thiên Chúa Yêu Thương.
“Đây là lúc thuận tiện, đây là ngày cứu độ” (2Cor.6, 2). Mỗi người hãy nhìn lên Thiên Chúa là Đấng Yêu Thương, là Đấng chỉ biết yêu thương và làm tất cả vì yêu thương. Mỗi người cũng chỉ bị phán xét về duy một điều là mình có làm mọi sự vì yêu thương không thôi (Mt.25, 31tt). Những lầm lỗi trong quá khứ tuy quan trọng nhưng không quan trọng lắm. Điều rất quan trọng là tin vào Thiên Chúa là Đấng Yêu Thương. Ngài mời gọi mỗi người hãy sống yêu thương như Ngài. Chính hành vi yêu thương làm mình triển nở, hạnh phúc, và cũng làm cho người khác triển nở và hạnh phúc. Những hành vi không làm cho người khác triển nở và hạnh phúc, e rằng đó không phải là hành vi yêu thương thật sự. Nếu tôi sống tốt lúc này, những người quanh tôi sống bình an; nếu tôi không sống tốt, làm hại người khác, thì làm những người đó khổ, và cả tôi cũng khổ, và những người thân yêu của tôi cũng không được thoải mái và hạnh phúc vì tôi. Yêu thương, là hành vi làm con người thành tuyệt vời.
Câu hỏi gợi ý chia sẻ
1. Bạn có tin vào số mạng không? Tin vào số mạng có hợp với đức tin Kitô giáo không? Tại sao?
2. Bạn có tin tử vi, coi bói, coi chỉ tay, tướng số không? Tại sao bạn tin và tại sao bạn không tin? Tin vào những điều này có hợp với đức tin Kitô giáo không?
3. Để là một con người mới, điểm chính yếu là gì?
6. Theo Chúa từ bỏ tất cả – Cố Lm. Hồng Phúc
Tin Mừng hôm nay dạy chúng ta tiếp tục suy tư về mầu nhiệm ơn gọi.
Trong ơn gọi của các môn đệ đầu tiên của Chúa Giêsu, chúng ta thấy gì? Chúng ta thấy Chúa Giêsu đã đi bước trước. Ngài đi qua, nhìn thấy và kêu gọi. Marcô nói: “Ngài đi lên núi và gọi những kẻ người muốn lại gần…” (3,13). Ngài chọn những ai Ngài muốn và không hẳn là những người xứng đáng nhất, vì không ai có thể tự cho là xứng đáng cả. Sau này, Ngài sẽ nhắc lại cho họ: “Không phải chúng con đã chọn Thầy, nhưng là Thầy đã chọn chúng con” (Gio. 15,16). Người kêu gọi họ tại chính nơi họ ở, chỗ họ làm việc: Bốn vị đầu tiên trong khoang thuyền, ngoài bãi biển, một vị khác ngay nơi bàn đổi bạc (2,14), và một vị khác đang đứng suy tư dưới bóng cây vả (Ga. 1,50)… Mỗi ơn gọi là một cử chỉ tình thương, Ngài đến với ta, đi tìm và tuyển chọn ta.
Và Người nói gì?
Một câu rất đơn sơ nhưng đầy ánh sáng: “Hãy theo Ta, Ta sẽ làm cho các ngươi trở thành những kẻ chài lưới người.” Tuy nhiên, đây không phải là một cuộc chọn bạn đi chơi, một thời gian rồi tan hàng rã đám. Mà theo Ngài thì Ngài đòi hỏi rất nhiều. Đòi hỏi gì? Ngài đòi hỏi tất cả: phải từ bỏ mọi sự, từ bỏ luôn mãi và từ bỏ cả mạng sống vì Ngài nữa!
Hỏi rằng, ngoài Chúa ra, có ai có thể đòi hỏi khắt khe như vậy? Có tình yêu nào ghen tị đến mức độ như vậy?
Văn hào Montalembert có một cô con gái dâng mình làm nữ tu. Ông viết: “Người tình ấy là ai, chết treo trên cây thập giá mà có thể lôi kéo như vậy? Người tình ấy là ai mà có một sức hấp dẫn không cưỡng lại được, như một con chim mồi sà xuống và cuốn đi? Phải chăng đó là một người? Không. Đó là Thiên Chúa. Đó là bí ẩn, đó là chìa khóa đưa vào cõi thâm sâu. Chỉ có Thiên Chúa mới có thể thành công và đòi hỏi một cuộc hy sinh như thế.”
Bà Thánh Jeanne-Francoise Chantal (1572-1641) là một bà mẹ đạo đức. Sau khi chồng qua đời, bà lo nuôi dưỡng, giáo dục và tác thành cho bốn con, có nơi có chốn tự lập được. Bà nghe tiếng Chúa gọi sống đời tận hiến, giúp đỡ người nghèo. Nhưng ngày bà quyết định ra đi thì các con ngăn cản và nằm ngang chận cửa. Nước mắt tràn trụa, Bà nói: “Dầu sao tôi cũng là một Bà Mẹ”. Nhưng tình thương Chúa mạnh hơn tình mẫu tử, Bà bước qua con và đi Annecy, lập nên Dòng Thăm Viếng, tháng 6 năm 1610.
Họ ra đi theo tiếng gọi của Chúa, nhưng đối lại, Chúa hứa ban cho họ những gì? Thật lạ lùng! Ngài không hứa ban cho họ một cuộc sống dễ dãi đầy tiện nghi vì chính Ngài cũng “Không có một hòn đá gối đầu!” Ngài không hứa ban chức tước, đường hoạn lộ tiến thân, vì Ngài truyền dạy phải chọn chỗ tốt nhất, không được tự gọi là Thầy, là Cha mà chỉ là tôi tớ. Ngài không hứa ban cho một cuộc sống nhàn hạ, vì “ai đã ra tay cầm cày, thì không được ngó lui.” Vậy, Ngài hứa gì? Thưa: Một đời sống dấn thân phục vụ các linh hồn, một đời sống vất vả đi “chài lưới người”, bắt từng cá nhân, từng tập thể. Có những lúc thức trắng đêm mà không bắt được con cá nào, có những sáng tinh sương, chèo thuyền không về bế! “Thưa Thầy, chúng con mệt nhọc suốt đêm mà chẳng được gì?” Nhưng Chúa phán: “Hãy chèo ra khơi thả lưới”. Phêrô, đại diện các bạn trả lời: “Vì lời Thầy, con sẽ thả lưới” (Lc. 5,5). Nhất là một lời hứa quan trọng nhất mà Ngài để lại cho các môn đệ ngày giã biệt ra đi vào chốn vinh quang: “Lạy Cha, những kẻ Cha ban cho con thì con muốn rằng con ở đâu chúng cũng ở đấy với con, để chúng chiêm ngưỡng vinh quang mà Cha đã ban cho con…” (Gio. 17,24). Cũng như lời hứa mà Đức Mẹ khi hiện ra ở Lộ Đức đã nói với Bernadetta, vị thụ khải của Mẹ: “Mẹ không hứa cho con hạnh phúc ở trần gian mà hạnh phúc trên trời.”
“Lạy Chúa, xin chỉ cho tôi đường đi của Chúa,
Xin dạy bảo tôi về lối bước của Ngài.
Xin hướng dẫn tôi trong chân lý và dạy bảo tôi,
Vì Chúa là Thiên Chúa cứu độ tôi”
(Tv. 24,4 – Đáp ca)
7. Sám hối và tin vào Tin Mừng – Radio Veritas Asia
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Trong sưu tập về các thánh ẩn tu trong sa mạc, có kể giai thoại như sau: Có hai tội nhân quyết tâm vào sa mạc để ăn chay đền tội. Nguyên một năm ròng rã, mỗi người giam mình trong một túp lều riêng, ngày đêm ăn chay, cầu nguyện và đánh tội. Ngày ngày các tu sĩ của cộng đoàn nọ đem thức ăn đến tận căn lều riêng cho từng người. Sau đúng một năm thử thách, các tu sĩ nhận thấy có sự khác biệt giữa hai người: một người thì vui vẻ, khỏe mạnh; một người thì ốm o buồn phiền. Cả hai đến trình diện trước Bề Trên cộng đoàn để chờ xem họ có xứng đáng được gia nhập cộng đoàn hay không. Khi được hỏi suốt một năm qua, họ đã suy niệm về những gì.
Người ốm o buồn sầu cho biết:
– Trong năm qua, ngày ngày tôi nhớ lại những tội đã phạm, từng giây từng phút tôi nhớ đến những hình phạt sẽ gánh chịu, tôi sợ hãi đến mất ăn mất ngủ.
Đến lượt mình, người vui vẻ khỏe mạnh trả lời:
– Suốt một năm qua, từng giây từng phút, tôi hằng cảm tạ Chúa vì đã tha thứ cho tôi: tôi luôn nghĩ tới tình yêu của Ngài.
Các tu sĩ trong cộng đoàn rất cảm kích trước tâm tình của người vui tươi khỏe mạnh vì lòng sám hối của anh đã biến thành lời ca cảm tạ tri ân tình yêu Chúa.
Sám hối là khởi đầu của sự nên thánh. Dĩ nhiên, không phải tất cả những vị thánh đều bắt buộc phải là những tội nhân, nhưng tất cả đều phải bắt đầu với ý thức về tội lỗi và sự yếu hèn của mình. Càng ý thức về con người tội lỗi, bất toàn của mình, con người càng cảm nhận được tình yêu của Chúa. Đó là cảm nhận của vua Đavít, của thánh Phêrô, của thánh Augustinô và của tất cả các vị đại thánh trong lịch sử Giáo Hội.
Lời đầu tiên Chúa Giêsu dùng để khai mạc sứ mệnh của Ngài chính là: “Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”. Chúa Giêsu đã nối kết sám hối với Tin Mừng. Tin Mừng là gì, nếu không phải là tình yêu Thiên Chúa được thể hiện qua con người Chúa Giêsu Kitô. Sám hối không chỉ là ý thức và hồi tưởng về tội lỗi của mình; sám hối đích thực không dừng lại ở buồn phiền, sợ hãi và thất vọng, mà là ngõ tất yếu dẫn đến Tin Mừng, nghĩa là vui mừng, hoan lạc.
Thiên Chúa mà Chúa Giêsu mạc khải qua cuộc sống và nhất là qua cái chết của Ngài, là một người Cha muốn được con cái yêu mến hơn là sợ hãi. Đạo mà Chúa Giêsu thiết lập không phải là đạo của buồn phiền, của khổ đau, nhưng là đạo của Tin Mừng, của tình yêu, của hân hoan và hy vọng. Đành rằng Thập giá là biểu tượng của Kitô giáo, nhưng người Kitô hữu không dừng lại ở chết chóc, khổ đau, buồn phiền; trái lại họ luôn được mời gọi để nhìn thấy ánh sáng, hy vọng, tin yêu và sự sống bên kia Thập giá.
Ước gì Lời Chúa hôm nay ban sức sống để chúng ta không bị đè bẹp dưới sức nặng của tội lỗi, của yếu hèn. Xin cho chúng ta luôn tiến bước trong hân hoan và tin tưởng, vì biết rằng Thiên Chúa là Cha yêu thương, không ngừng nâng đỡ và tha thứ cho chúng ta.
8. Thấy – Gọi – Bỏ – Theo
(Suy niệm của Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét