Thứ Ba, 8 tháng 5, 2018

Thứ hai ngày 07.05.2018



Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan (Ga 15:26-16,4a)
Khi ấy, Chúa Giêsu nói với ác môn đệ rằng: “Khi Đấng Phù Trợ, Đấng mà Thầy sẽ từ nơi Cha Thầy sai đến với các con. Người là Thần Chân Lý bởi Cha mà ra, Người sẽ làm chứng về Thầy. Và các con cũng sẽ làm chứng, vì các con đã ở với Thầy từ ban đầu. Thầy đã nói với các con điều đó để các con khỏi vấp ngã. Người ta sẽ loại các con ra khỏi hội đường. Đã đến giờ kẻ giết các con tưởng làm thế là phụng sự Thiên Chúa. Họ sẽ làm những điều đó cho các con, vì họ không biết Chúa Cha, cũng không biết Thầy. Nhưng Thầy đã nói với các con như vậy, để khi đến giờ của họ, các con nhớ lại là Thầy đã bảo các con”.

SUY NIỆM

Với lời hứa ban Thánh hần của Chúa Giêsu: “Đấng Bảo Trợ đến, Đấng mà Thầy sẽ sai đến…”, sẽ làm cho chúng ta yên tâm, vui mừng. Vì dù chúng ta sẽ bơ vơ giữa thế gian, sẽ như chiên con giữa bầy sói, dù sẽ bị thế gian thù ghét, chúng ta vẫn được ủi an, vẫn được che chở. Chúa Thánh Thần muôn đời bênh vực, chở che chúng ta. Người củng cố và ban sức mạnh để chúng ta vượt thắng.

Chúa Thánh Thần hỗ trợ tinh thần khi chúng ta cô đơn. Người an ủi những lúc chúng ta đau buồn. Người che chở khi chúng ta gặp nguy hiểm. Người vạch rõ cho chúng ta thấy những cạm bẫy xảo quyệt của thế gian. Người dạy chúng ta cách làm, cách nói để khỏi bị thế gian bắt bẻ. Người đích thân bênh vực và tuôn đổ sức mạnh của lòng tin, lòng yêu mến trên chúng ta. 

Còn chúng ta, càng ý thức mình yếu đuối, dễ bị đốn ngã, dễ thay lòng đổi dạ trước những thử thách, chúng ta càng phải cộng tác với Chúa Thánh Thần bằng việc luôn cải chừa tội lỗi, luôn ăn năn sám hối, luôn tha thiết cầu nguyện và làm việc thiện.

Hãy tha thiết cầu xin Chúa thứ tha tội lỗi. Xin Chúa giúp chúng chúng ta sống khiêm tốn để gần gũi và hoà hợp với mọi người. Xin Chúa cho chúng ta biết tôn trọng lẫn nhau và cảm thông trước những thiếu sót của nhau. 

Lạy Chúa Giêsu, Chúa là nguồn sống dưỡng nuôi linh hồn chúng con. Xin ban Thánh Thần Chúa cho chúng con. Xin cho chúng con được ở trong tình yêu của Chúa. Xin giúp chúng con cộng tác với ơn Chúa Thánh Thần để ngày càng lớn lên trong tình yêu bao dung, nhân hậu và từ bi của Chúa. Xin giúp chúng con bình an trong nội tâm của mình. Amen.



GKGĐ Giáo Phận Phú Cường
ĐẤNG BẢO TRỢ ĐẾN


Chúa Giêsu không trối lại của cải hay bí quyết nào, mà trối lại Chúa Thánh Thần- Đấng sẽ làm cho các môn đệ hiểu rõ sự thật về Chúa Giêsu và về chương trình cứu độ của Người.

Khi Đấng Bảo Trợ đến. Chúa Giêsu có hai người phụ tá - có thể nói đó là: Chúa Thánh Thần (ở đây được gọi là Parakletos là Đấng bảo trợ, giúp đỡ hay an ủi) và các môn đệ. Cả Đấng Bảo Trợ và các môn đệ sẽ là những nhân chứng cho Đức Kitô nhưng chứng nhân trên hết là Chúa Thánh Thần, Đấng sẽ làm chứng cho Đức Kitô, và các môn đệ cũng làm chứng như vậy.

Vai trò của Chúa Thánh Thần không chỉ rất quan trọng trong biến cố Tử nạn và Phục sinh của Đức Giêsu, nhưng còn quan trọng và cần thiết hơn trong lịch sử của Giáo Hội khi Giáo Hội đương đầu với những người luôn tìm cách bắt bớ và muốn tiêu diệt Giáo Hội mà họ tưởng làm thế là phụng thờ Thiên Chúa. Chính Chúa Thánh Thần sẽ phá tan những quan điểm sai lầm đó. Chúa Thánh Thần minh chứng rằng Đức Giêsu không đến để luận phạt thế gian nhưng đến để bày tỏ tình yêu của Thiên Chúa đối với nhân loại.

Thật vậy, khi xưa cuộc tử nạn của Đức Giêsu mạc khải cho nhân loại gương mặt yêu thương của Thiên Chúa, và hôm nay qua các khổ đau mà các môn đệ của Đức Giêsu gánh chịu, Chúa Thánh Thần tiếp tục làm cho khuôn mặt yêu thương của Thiên Chúa lại được sáng tỏ qua các thời đại. Nhờ Đức Giêsu chịu chết và nhờ các môn đệ chịu bách hại mà nhân loại nhận ra chân lý là chỉ có tình yêu mới thắng được hận thù và chỉ có tình yêu mới mang lại ý nghĩa cho cuộc sống.

Người có đời sống đạo đức chân chính mới có thể cảm nghiệm được ý nghĩa của những thử thách do sự thù ghét của thế gian. Sống theo chân lý là việc làm đầy khó khăn, đòi hỏi nhiều hy sinh và cố gắng, nhưng chính là điều kiện để làm môn đệ của Đức Giêsu. Bởi Đức Giêsu đã khẳng định: "Ai muốn theo ta thì hãy từ bỏ mình vác thập giá mình hằng ngày mà theo Ta" (Ga 9, 23). Tuy nhiên, người môn đệ Chúa sẽ được Đấng Bảo Trợ đến trợ giúp, bênh vực và gìn giữ để hoàn tất sứ mệnh chứng nhân của mình.

Chúa Thánh Thần là tác nhân đầu tiên của việc phúc âm hoá. Chúng ta là những người cộng tác, phụ thuộc vào Chúa Thánh Thần. Vì thế, trong việc phúc âm hoá, chúng ta nên chú ý đến hoạt động của Chúa Thánh Thần, nhạy bén đối với những hướng dẫn của Ngài và trong mọi lúc chúng ta nên để mình phụ thuộc vào hành động của Ngài.

Nguồn gốc của Đấng Bảo Trợ là từ nơi Chúa Cha. Ngài là Thánh Thần Thiên Chúa, là Thần Khí sự thật, có sứ mạng đến làm chứng sự thật về Đức Giê-su. Sự thật đó là Đức Giêsu chính là Đấng Thiên Chúa sai đến, nhờ Ngài, trong Ngài mà mọi người được lãnh ơn giao hòa với Thiên Chúa. Thánh Thần sẽ soi sáng cho mọi người hiểu rõ Kinh Thánh, nhờ đó nhận ra Đức Giê-su và vai trò của Người. Sứ mạng làm chứng được Chúa Thánh Thần chu toàn qua môi miệng của các Ki-tô hữu và qua đời sống chứng tá của họ, như trường hợp của thánh Tê-pha-nô. Các tông đồ làm chứng theo lệnh truyền của Đức Giê-su, với quyền lực của Chúa Thánh Thần: “Thánh Thần và các ngài làm chứng” (Cv 5,32).

Tiền đề lí luận để Chúa Giêsu đòi các môn đệ làm chứng cho Chúa đó là việc các ông “đã ở với Ngài”. Đây là điều kiện cần và đủ dành cho người “làm chứng cho Chúa”. Người ấy phải ở với Chúa. Không có kinh nghiệm “ở với Chúa”, không có kinh nghiệm “sống và hoạt động” cùng với Chúa, không có kinh nghiệm “nên một với Chúa” thì không thể làm chứng cho Chúa.

Nếu chúng ta không ở với Chúa mà chúng ta làm chứng, thì những lời chứng của chúng ta chỉ là “nói lại điều người khác nói”, “trích lại điều đã trích”. Không ở với Chúa, không cảm nghiệm sự hiện diện của Chúa thì việc làm chứng không có nền tảng, gặp một điều khó khăn sẽ bỏ cuộc tháo chạy. Khi sai các tông đồ đi làm chứng cho Ngài, Chúa Giêsu đã nói : “vì anh em đã ở với Thầy ngay từ đầu”. Các tông đồ ra đi và họ làm chứng về những điều họ đã cảm nhận…

Chúng ta dễ dàng thấy Chúa Giêsu sử dụng nền tảng cho lý luận tiền đề khi Ngài muốn các tông đồ làm chứng cho Ngài đó là : như Chúa Thánh Thần là Đấng Bảo Trợ, Đấng ban nguồn lực cho các tông đồ, Đấng đã nên một với Chúa Giêsu trong màu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa “đã làm chứng” về Chúa Giêsu ; thì các tông đồ những người đã nên một với Chúa Giêsu “cũng phải làm chứng” về Chúa Giêsu. Đã ở với Chúa, đã nên một với Chúa, tất nhiên đã đủ điều kiện làm chứng cho Chúa.

Khi nêu lí luận tiền đề để nhắc các tông đồ phải làm chứng, Chúa Giêsu cũng nêu ra một hệ quả tất yếu đó là : Khi làm chứng cho Chúa các tông đồ cũng sẽ “bị khai trừ”, “bị giết” như Chúa đã tiên báo. Cuộc đời của Chúa Giêsu là minh chứng hùng hồn cho các tông đồ và cho cả chúng ta nữa về điều này. Làm chứng cho Chúa chắc chắn sẽ gặp rắc rối khó khăn.

Qua hành trình dài Chúa Giêsu sống và hoạt động với các môn đệ, qua những giờ phút đau thương của cuộc khổ nạn, rồi đến những ngày vui ngập tràn vì Chúa đã Phục Sinh vinh thắng… Tin Mừng hôm nay là những lời nhắn nhủ cuối cùng cho các môn đệ trước khi Chúa Giêsu về trời : “Cả anh em nữa, anh em cũng làm chứng, vì anh em ở với Thầy ngay từ đầu”.

Huệ Minh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét