Thứ Bảy, 26 tháng 5, 2018

CHÚA NHẬT NGÀY 27.05.2018.

BA NGÔI THIÊN CHÚA TRONG ĐỜI SỐNG KITÔ HỮU 



Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Matthêu (Mt 28: 16-20)

16 Mười một môn đệ đi tới miền Ga-li-lê, đến ngọn núi Đức Giê-su đã truyền cho các ông đến.17 Khi thấy Người, các ông bái lạy, nhưng có mấy ông lại hoài nghi.18 Đức Giê-su đến gần, nói với các ông: "Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất.19 Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần,20 dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế".

SUY NIỆM

Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi như bầu trời mênh mông, trí tuệ con người như một cánh chim trong mênh mông ấy. Cánh chim không thể che phủ bầu trời. Nếu muốn che phủ bầu trời, cánh chim phải lớn bằng bầu trời. Điều này không thể tưởng tượng. Cũng vậy, Ba Ngôi là huyền nhiệm lớn. Mầu nhiệm Ba Ngôi thật khó hiểu. Trí tuệ con người chỉ như cánh chim nhỏ bé, không thể hiểu tường tận. Muốn hiểu Chúa Ba Ngôi tường tận, trí tuệ phải bằng Chúa. Điều này không thể tưởng tượng.

Vì thế, đi tìm câu trả lời cho huyền nhiệm về Ba Ngôi, con người thực hiện một cố gắng vô ích, vượt trên sức hiểu biết của mình. Điều hay nhất, bổ ích nhất, cần thiết nhất ta phải thực hành ngay, không phải là khám phá tới cùng mầu nhiệm Ba Ngôi, nhưng hãy quay về chính mình, nhận ra thân phận bé nhỏ của mình để sống sao cho xứng đáng với tình yêu của Chúa Ba Ngôi.

Tấm gương của ông Môsê hoàn toàn để Chúa thu phục là bài học lớn cho ta. Thánh Kinh kể, đang khi Môsê chăn đàn vật, bỗng ông thấy một quang cảnh lạ thường: bụi gai rực lửa mà không bị thiêu rụi. Tò mò, ông đến xem cho tường. Từ giữa bụi gai, có tiếng gọi: “Môsê! Môsê!”. Tiếng nói ấy tự xưng là Thiên Chúa của tổ tiên ông. Ông sợ hãi che mặt, không dám diện kiến cùng sự uy nghi của Đức Chúa. Ông càng sợ hãi hơn khi Chúa sai ông đi giải thoát dân của Ngài ra khỏi cảnh lầm than nôi lệ cho người Ai Cập. Dù biết mình yếu đuối, nhỏ nhoi, nhưng tin tưởng vào lời Chúa: “Ta sẽ ở với ngươi” (Xh 3, 12), ông đã đón nhận sứ mạng.

Nhưng sứ mạng ấy không dễ chút nào. Biết bao lần sự bội phản, thái độ thiếu tin tưởng, những lời kêu trách xúc phạm đến Chúa… của dân, làm ông mệt mỏi, đuối sức. Nhất là 40 năm ròng rã trong sa mạc, không chịu nỗi sự khắc nghiệt, dân chúng trút lên ông những lời, thái độ, hành động, suy nghĩ, thù hằn của họ. 

Môsê đau khổ đến nỗi ông kêu than cùng Chúa và muốn chết đi: “Sao Ngài lại làm khổ tôi tớ Ngài? Tại sao con không đẹp lòng Ngài, khiến Ngài đặt gánh nặng tất cả dân này lên vai con?… Một mình con không thể gánh cả dân này được nữa, vì nó nặng quá sức con. Nếu Ngài xử với con như vậy, thì thà giết con đi còn hơn…” (Ds 11, 12 tt). Nhưng dù đau khổ, ông đã đáp trả bằng cả một đời trung thành, yêu mến, tùng phục, tôn thờ Chúa. Ông sống chết cho sứ mạng đã lãnh nhận.

Học lấy mẫu gương của ông Môsê, nhận ra sự uy nghi cao cả của Chúa, ta hãy để Chúa làm chủ cuộc đời mình, và quyết tâm sống một đời trung thành với ơn Chúa. Ta hãy khiêm nhường đón nhận tất cả những nghịch cảnh xảy ra cho mình mà phó thác trong bàn tay quan phòng dìu dắt của Chúa.

Lạy Chúa, cuộc đời không thiếu những thương đau. Chúng con biết, dù từ chối hay chấp nhận, cuộc đời vẫn thế. Nếu chúng con tin tưởng phó thác, trước nghịch cảnh, chúng con sẽ bình an hơn, bớt khổ sở hơn. Xin cho chúng con luôn sống tâm tình của thánh Phaolô là “tạ ơn trong mọi hoàn cảnh, dù thương đau hay hạnh phúc. Vì tạ ơn là điều Thiên Chúa muốn trong Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng con” (1Tx 5, 18). Amen. 

GKGĐ Giáo Phận Phú Cường
Người Đông Phương chúng ta thường thích giữ im lặng trước những mầu nhiệm của vũ trụ, của con người và nhất là của Thượng Đế. Thực vậy, người Trung Hoa rất ít nói về Trời, bởi vì họ cho rằng ngay cả những thực tại trần thế này, chúng ta còn chưa hiểu biết được cho thấu đáo, phương chi là những thực tại vô hình. Người Ấn Độ thì có lẽ thích nói về Thượng Đế thật đấy, nhưng họ luôn tự nhắc nhở cho mình rằng những điều chúng ta biết được về Thượng Đế, thì cũng chỉ là như một chiếc lá giữa rừng cây bao la. Trong khi đó, người Tây Phương, nhất là người Kitô hữu, khác với những người Ấn Độ và Trung Hoa, trong vấn đề này. Thực vậy, chúng ta có biết bao nhiêu sách vở viết về Thiên Chúa, biết bao nhiêu bài giảng bàn về Thiên Chúa và biết bao nhiêu định nghĩa về những tín điều. Chúng ta không thể giải nghiã một cách rành mạch mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi. Tuy nhiên, chúng ta có một số hình ảnh khai mở về mầu nhiệm cao cả này như 

Chúng ta cảm nhiệm về Tình Yêu của Thiên Chúa qua cây cối thực vật chung quanh chúng ta. Đây là câu chuyện về tình yêu thương. Lá cây, thân cây, cành cây và rễ cây cùng yêu thương nhau. Tình yêu của chúng tiếp diễn không ngừng , lá non đâm chồi thay thế cho lá vàng, vỏ cây yêu rễ cây, rễ cây yêu cành cây. Thân cây ôm giữ chúng lại với nhau, và lá cây xõa bóng phủ hết cả thân cây.

Thân cây yêu mặt đất và yêu cả bầu trời. Ngay từ khoảnh khắc nó đâm chồi nhú lên khỏi mặt đất, nó luôn cắm sâu vào lòng đất và vươn thẳng lên trời cao.

Nó yêu lũ chim chóc xây tổ trên cành của mình, nó yêu bầy thú trú ẩn dưới gốc, nó yêu cả lũ côn trùng nương náu trong từng lớp vỏ cây. Tất cả là một gia đình.

Quả thật, cây cối cho chúng ta thấy một hình ảnh rất sống động về Chúa Ba ngôi:


- Chúa Cha là bộ rễ cắm sâu trong lòng đất. 

- Chúa Con là thân cây và tất cả chúng ta là cành. Lá cây phải làm việc đêm ngày, ấy thế mà lá không bao giờ ganh tị với hoa khi được con người đến chiêm ngưỡng. Lá cũng không bao giờ ghen tương với những trái cây khi con người nâng niu những trái chín mọng. Thường thường con người chỉ quan tâm đến những nụ hoa và những trái cây trên cành mà hầu như chẳng bao giờ để ý đến lá cây gì cả, ấy thế mà lá vẫn cứ âm thầm làm việc. Quả thật đây là một hình ảnh rất ấn tượng để giới thiệu cho con người tình yêu thương bác ái mà Chúa Giêsu đã nhiều lần nhắc nhở chúng ta.

- Chúa Thánh Thần chính là nhựa cây lấy từ rễ cây để nuôi sống thân cây, cành cây và lá cây. Cây làm sao sống được nếu không có nhựa cây nuôi sống. Lá làm sao có thể xanh tươi được nếu không được bộ rễ chuyển nhựa cây lên. Cành cây làm sao có trái được nếu không được cung cấp đầy đủ nhựa sống. Như thế nhựa cây rất cần cho sự sống của cây, nhưng nhựa cây lại tùy thuộc vào bộ rễ là chính Chúa Cha. 

Nhờ Chúa Cha là bộ rễ cắm sâu trong lòng đất mà thân cây mới có thể đứng vững, nhờ đó mới chuyển nhựa lên để nuôi cây, nhờ đó cây mới có thể sinh hoa kết trái. Nhìn vào rừng cây chúng ta thấy rõ điều này.

Bởi đó, ngày lễ Chúa Ba Ngôi phải là một ngày lễ giúp chúng ta tưởng nhớ đến Bí Tích Rửa Tội, vì nhờ Bí Tích Rửa Tội, chúng ta trở nên con của Chúa Cha, em của Chúa Giêsu và đền thờ của Chúa Thánh Thần.

Hơn nữa, Bí Tích Rửa Tội còn nói lên mối dây liên hệ giữa chúng ta và Chúa Ba Ngôi. Đây cũng là điều mà Dấu Thánh Giá nhắc nhở cho chúng ta. Thực vậy, khi làm Dấu Thánh Giá, chúng ta hãy nhủ thầm: Tôi đã được rửa tội nhân danh Chúa Cha Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Vì thế, tôi phải chu toàn thánh ý Chúa Cha, thực hiện những lời giảng dạy của Chúa Con và thánh hóa bản thân với sự giúp đỡ của Chúa Thánh Thần.

Đồng thời, ngày lễ Chúa Ba Ngôi hôm nay, còn đem lại cho chúng ta niềm an ủi và khích lệ. Chúa Cha luôn nhìn xem chúng ta, yêu mến và giúp đỡ chúng ta. Chúa Con luôn khuyên nhủ chúng ta noi gương bắt chước Ngài, quảng đại chấp nhận những hy sinh, những gian khổ. Chúa Thánh Thần thúc đẩy chúng ta làm lành lánh dữ, trao ban cho chúng ta ánh sáng và sức mạnh. Chúng ta hãy luôn nhớ đến Chúa Ba Ngôi và dâng lên Chúa Ba Ngôi tất cả những việc làm lớn nhỏ trong cuộc sống như Christophe Columbe:


Christophe Columbe, người đã khám phá ra Châu Mỹ vào những thập niên cuối cùng của thế kỷ 15, có lòng sùng kính Chúa Ba Ngôi cách đặc biệt. Trước mọi hoạt động, ông đều kêu cầu Chúa Ba Ngôi cũng như ông luôn khởi đầu với những dòng chữ: "Nhân danh Chúa Ba Ngôi Cực Thánh".

Lần kia, khi Columbe trình bày về thuyết "Trái Đất Tròn" trước một nhóm học giả được gọi là Hội Đồng Salamanca, một tổ chức quy tụ những nhà khoa học và thần học danh tiếng nhất thời bấy giờ, ông đã khởi đầu như sau: "Hôm nay tôi được hân hạnh đứng trước mặt các ngài nhân danh Chúa Ba Ngôi Cực Thánh, vì hoàng đế đã truyền lệnh cho tôi đệ trình lên sự khôn ngoan của quý vị một dự án mà tôi xác tín là Thánh Thần Ba Ngôi Thiên Chúa đã gợi hứng cho tôi".

Trong cuộc hành trình thứ ba của ông khởi hành năm 1948, Columbe đã thề hứa sẽ hiến dâng cho Chúa Ba Ngôi phần đất nào ông khám phá ra đầu tiên, vì thế hòn đảo ông đặt chân xuống đầu tiên trong cuộc hành trình thám hiểm Tân Thế Giới ấy cho đến nay vẫn được gọi là "Trinidad", tức là Chúa Ba Ngôi. Amen.

Lm. Giuse Đỗ Văn Thụy

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét