Thứ Ba, 15 tháng 5, 2018

CHÚA NHẤT NGÀY 13.05.2018

Tin mừng Mc 16: 15-20: Hôm nay, phụng vụ Giáo hội mừng lễ Chúa Thăng Thiên, còn được gọi cách bình dân là lễ Chúa Lên Trời. Trong truyền thống Giáo hội, Lễ Chúa Thăng Thiên được cử hành sau bốn mươi ngày Chúa Phục sinh...
SUY NIỆM CHÚA NHẬT

CHÚA NHẬT LỄ CHÚA THĂNG THIÊN


 
Bài đọc I: Bài trích sách Công vụ Tông đồ (Cv 1,1-11)
 
1Thưa ngài Thêôphilô, trong quyển thứ nhất, tôi đã tường thuật tất cả những việc Đức Giêsu làm và những điều Người dạy, kể từ đầu 2cho tới ngày Người được rước lên trời. Trước ngày ấy, Người đã dạy bảo các Tông Đồ mà Người đã tuyển chọn nhờ Thánh Thần. 3Người lại còn dùng nhiều cách để chứng tỏ cho các ông thấy là Người vẫn sống sau khi đã chịu khổ hình: trong bốn mươi ngày, Người đã hiện ra nói chuyện với các ông về Nước Thiên Chúa.

4Một hôm, đang khi dùng bữa với các Tông Đồ, Đức Giêsu truyền cho các ông không được rời khỏi Giêrusalem, nhưng phải ở lại mà chờ đợi điều Chúa Cha đã hứa, "điều mà anh em đã nghe Thầy nói tới, 5đó là: ông Gioan thì làm phép rửa bằng nước, còn anh em thì trong ít ngày nữa sẽ chịu phép rửa trong Thánh Thần." 6Bấy giờ những người đang tụ họp ở đó hỏi Người rằng: "Thưa Thầy, có phải bây giờ là lúc Thầy khôi phục vương quốc Israel không?"

7Người đáp: "Anh em không cần biết thời giờ và kỳ hạn Chúa Cha đã toàn quyền sắp đặt, 8nhưng anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em. Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giêrusalem, trong khắp các miền Giuđê, Samari và cho đến tận cùng trái đất." 9Nói xong, Người được cất lên ngay trước mắt các ông, và có đám mây quyện lấy Người, khiến các ông không còn thấy Người nữa. 10Và đang lúc các ông còn đăm đăm nhìn lên trời phía Người đi, thì bỗng có hai người đàn ông mặc áo trắng đứng bên cạnh 11và nói: "Hỡi những người Galilê, sao còn đứng nhìn lên trời? Đức Giêsu, Đấng vừa lìa bỏ các ông và được rước lên trời, cũng sẽ ngự đến y như các ông đã thấy Người lên trời." Đó là lời Chúa.

Bài đọc II: Bài trích thơ thánh Phaolô Tông đồ gởi tín hữu Êphêsô (Ep 1,17-23)

17Tôi cầu xin Chúa Cha vinh hiển là Thiên Chúa của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, ban cho anh em thần khí khôn ngoan để mặc khải cho anh em nhận biết Người. 18Xin Người soi lòng mở trí cho anh em thấy rõ, đâu là niềm hy vọng anh em đã nhận được, nhờ ơn Người kêu gọi, đâu là gia nghiệp vinh quang phong phú anh em được chia sẻ cùng dân thánh, 19đâu là quyền lực vô cùng lớn lao Người đã thi thố cho chúng ta là những tín hữu. Đó chính là sức mạnh toàn năng đầy hiệu lực, 20mà Người đã biểu dương nơi Đức Kitô, khi làm cho Đức Kitô trỗi dậy từ cõi chết, và đặt ngự bên hữu Người trên trời. 21Như vậy, Người đã tôn Đức Kitô lên trên mọi quyền lực thần thiêng, trên mọi tước vị có thể có được, không những trong thế giới hiện tại, mà cả trong thế giới tương lai. 22Thiên Chúa đã đặt tất cả dưới chân Đức Kitô và đặt Người làm đầu toàn thể Hội Thánh; 23mà Hội Thánh là thân thể Đức Kitô, là sự viên mãn của Người, Đấng làm cho tất cả được viên mãn. Đó là lời Chúa.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Marcô (Mc 16: 15-20).

15Người nói với các ông: "Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo. 16Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ; còn ai không tin, thì sẽ bị kết án. 17Đây là những dấu lạ sẽ đi theo những ai có lòng tin: nhân danh Thầy, họ sẽ trừ được quỷ, sẽ nói được những tiếng mới lạ. 18Họ sẽ cầm được rắn, và dù có uống nhằm thuốc độc, thì cũng chẳng sao. Và nếu họ đặt tay trên những người bệnh, thì những người này sẽ được mạnh khoẻ." 19Nói xong, Chúa Giêsu được đưa lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa. 20Còn các Tông Đồ thì ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông, và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng. Đó là lời Chúa.


Suy niệm

Hôm nay, phụng vụ Giáo hội mừng lễ Chúa Thăng Thiên, còn được gọi cách bình dân là lễ Chúa Lên Trời. Trong truyền thống Giáo hội, Lễ Chúa Thăng Thiên được cử hành sau bốn mươi ngày Chúa Phục sinh. Như trong Bài đọc I trích sách Công vụ Tông đồ, Chúa tỏ cho thấy là Người vẫn sống sau khi đã chịu khổ hình. Và trong bốn mươi ngày ấy, Chúa đã hiện ra, giảng dạy thêm cho các môn đệ về Nước Thiên Chúa, củng cố đức tin cho các ông, không để họ bơ vơ mồ côi. Cũng như đoạn kết Tin Mừng theo thánh Márcô chúng ta nghe, ngắn gọn mà đầy đủ: “Chúa Giêsu được đưa lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa”.

Theo thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô đệ II, “Thiên đàng không phải là một nơi ẩn giấu đàng sau bầu trời, nhưng là một trạng thái vinh quang và vĩnh cửu, do sự kết hợp hoàn toàn giữa con người với Thiên Chúa”. Như vậy, Thiên đàng đã được bắt đầu ngay từ cuộc sống đời tạm này, và chỉ đạt tới mức hoàn hảo khi con người được kết hợp hoàn toàn với Thiên Chúa.

Việc Chúa Giêsu lên trời không có nghĩa là từ nay, Người không còn hiện diện với các môn đệ nữa. Sự hiện diện của Chúa sau phục sinh giờ đây ở mọi thời và mọi nơi, tại Âu, Mỹ hay Việt Nam. Người cũng hiện diện nơi tư gia, trong nhà thờ, hay khi hai hoặc ba người quy tụ cầu nguyện. Sự hiện hữu của Chúa luôn luôn, không còn bị lệ thuộc vào thời gian và không gian. Như vậy, sự kiện thăng thiên chỉ là việc chia tay với một con người mà các môn đệ có thể nhìn bằng mắt, bắt bằng tay, chứ không phải một Chúa Giêsu hoàn toàn vắng mặt. Bởi vì, thánh sử Marcô cho biết ở dòng cuối Tin Mừng: “Các Tông Đồ ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông, và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng”. Chúa Giêsu luôn đồng hành trong mọi bước đường của người môn đệ.

Trong Bài đọc II, thư thánh Phaolô cũng khuyên nhủ tín hữu Êphêsô: “Anh em đã được sống lại làm một với Đức Kitô, anh em hãy tìm kiếm những sự trên trời, nơi Đức Kitô đang ngự bên hữu Thiên Chúa”. Ngài muốn xác tín với chúng ta về việc Chúa đã sống lại và lên trời. Đồng thời, ngài mời gọi chúng ta hãy lo lắng tìm kiếm nước Thiên Chúa bằng việc chuyên chăm sống cho các giá trị Nước Trời như lời Chúa dạy “yêu thương nhau như Chúa đã yêu”, và “hãy loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo”.

Chúa Giêsu phục sinh đã hoàn tất sứ vụ mang lại ơn cứu chuộc cho con người và lên trời. Giờ đây Người trao sứ vụ loan báo Tin Mừng cứu chuộc cho các môn đệ, "Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo”, đem Tin Mừng của Chúa đến khắp ngang cùng ngõ hẻm, từ thành thị tới miền quê. Để nhờ lời rao giảng của các môn đệ, người người tin vào Chúa Kitô mà chịu phép Rửa.

Chắc chắn một điều là biến cố lên trời của Chúa Giêsu cũng là một sứ mệnh mới được mở ra và tiếp tục mời gọi từng người chúng ta hôm nay. Là chi thể của thân mình Chúa Kitô, chúng ta được mời gọi trở nên đôi tay giúp người khốn khổ, trở nên đôi chân ra đi loan báo Tin Mừng đến những miền xa. Một Giáo hội bước ra vùng ngoại biên, chịu mang thương tích là Giáo hội được Đức Giáo hoàng Phanxicô mời gọi: “Việc rao giảng quan trọng trước hết đó là: Chúa Giêsu Kitô đã cứu các bạn. Và các thừa tác viên của Giáo Hội trên tất cả phải là những thừa tác của lòng thương xót.” Chính nhờ Tin Mừng của tình thương này mà chúng ta có thể đem Chúa đến cho anh chị em và giúp anh chị em đến với Người.

Lạy Chúa, lời vị kế nhiệm thánh Phêrô dẫn dắt Giáo hội hôm nay đang mời gọi từng người chúng con: “Tôi có thể nhìn thấy rõ ràng rằng những gì Giáo Hội cần hôm nay là khả năng hàn gắn những vết thương và sưởi ấm tâm hồn của người tín hữu, cần thiết phải ở bên cạnh họ. Tôi thấy Giáo Hội như một bệnh viện dã chiến sau chiến trận.” Xin Chúa giúp con đừng ngần ngại đến với anh chị em để xoa dịu những vết thương tinh thần và thể xác, đồng thời không quên loan báo về Tin Mừng Chúa cứu chuộc con người. Amen.


L

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét