Thứ Hai, 28 tháng 5, 2018

Thứ ba ngày 29.05.2018

BÀI ĐỌC I: 1 Pr 1, 10-16
Trích thư thứ nhất của Thánh Phêrô Tông đồ.
Anh em thân mến, chính ơn cứu rỗi này mà các tiên tri đã nghiên cứu và tìm hiểu, khi các ngài tiên báo về ân sủng dành cho anh em: các ngài đã tìm xem coi trong thời gian nào hoặc hoàn cảnh nào, Thần Trí của Đức Kitô chỉ cho các ngài biết: phải tiên báo những khổ nạn và những vinh quang kế tiếp dành cho Đức Kitô. Các ngài được mạc khải cho biết rằng các ngài không phải phục vụ chính mình, mà là cho anh em trong những gì đã được loan truyền cho anh em hiện nay, do những kẻ rao giảng Tin Mừng với sự trợ giúp của Thánh Thần từ trời được sai xuống, Đấng mà các thiên thần cũng ước ao nghiêng mình chiêm bái.
Vì thế, lòng trí anh em hãy tỉnh thức, hãy sống tiết độ, và hoàn toàn hy vọng vào ân sủng sẽ ban cho anh em, trong sự mạc khải Đức Giêsu Kitô. Anh em hãy sống như những người con biết vâng phục, đừng chạy theo những đam mê lúc trước là thời kỳ anh em còn mê muội; một hãy noi gương Đấng Thánh đã kêu gọi anh em; và chính anh em hãy ăn ở thánh thiện trong đời sống, †vì có lời Kinh Thánh chép: “Hãy sống thánh thiện, vì Ta là Đấng Thánh”. Đó là lời Chúa.
 Tv 97, 1. 2-3ab. 3c-4     Đáp: Chúa đã công bố ơn cứu độ của Người (c. 2a).

               
               PHÚC ÂM: Mc 10, 28-31
- Khi ấy, Phêrô thưa cùng Chúa Giêsu rằng: “Đây chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy?” Chúa Giêsu trả lời rằng: “Thầy bảo thật các con, chẳng ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái, đồng ruộng vì Thầy và vì Phúc Âm, mà ngay bây giờ lại không được gấp trăm ở đời này về nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái và ruộng nương cùng với sự bắt bớ, và ở đời sau được sự sống vĩnh cửu. Nhưng có nhiều kẻ trước nhất sẽ nên rốt hết, và những kẻ rốt hết sẽ nên trước nhất”. Đó là lời Chúa
(thanhlinh.net)

ÐỈNH CAO.
Ðỉnh Everest cao nhất thế giới của dãy Hy Mã Lạp Sơn như có một ma lực hấp dẫn những người leo núi thiện nghệ. Ai đã vướng vào môn thể thao leo núi xem đó như là một giấc mơ, nếu ngày nào đó họ đặt được chân trên đỉnh núi cao 8,880 thước, quanh năm phủ tuyết này, nhưng chỉ có một số ít người thực hiện được giấc mộng ấy và rất nhiều người đã bỏ mình dọc theo con đường lên đỉnh.
Trên những con đường ấy, người ta thấy hai bia mộ ghi những dòng chữ sau đây: bia thứ nhất đề “Họ thấy được lần cuối cùng trong lúc gắng sức leo lên”. Và bia thứ hai tưởng niệm một huấn đạo viên chỉ viết vỏn vẹn một câu “Ông ta chết trong lúc đang leo”.
Nếu đời sống là một cuộc tranh đấu không ngừng thì để sống đạo và hành đạo cũng thế. Ðiều quan trọng không phải là thành công hay thất bại, mà là chỗi dậy và tiến bước. Phải gọi là thẳng tiến thì đúng hơn, vì câu tâm niệm của các Kitô hữu phải là: “ngày hôm nay tốt hơn ngày hôm qua, nhưng kém hơn ngày mai”.
Bí quyết thành công thứ hai là không bao giờ chúng ta nên đi trên con đường nên thánh một mình, hãy noi gương những người đi trước, những thánh nhân và hãy cùng nhau tiến bước. Và nhất là hãy đi vào những vết chân Chúa Giêsu đã để lại.
(Lẽ Sống)
Suy niệm: Các môn đệ đi theo Đức Ki-tô đã khá lâu, càng ngày càng thấy lộ diện những khổ nạn và thập giá, mà vinh quang cùng lợi lộc mà các ông mong mỏi vẫn chưa thấy đâu; Phê-rô thay mặt anh em thắc mắc liệu họ sẽ được gì. Chúa Giê-su xác quyết rằng họ sẽ được gấp trăm so với những gì đã từ bỏ. Thế nhưng, Chúa muốn họ đừng ảo tưởng. Trái lại Ngài cho biết trước tiên  họ sẽ nhận được sự ngược đãi rồi mới đạt được sự sống vĩnh cửu ở đời sau.
Mời Bạn: Con người hôm nay với não trạng thực dụng, họ “thương mại hóa” cả nhưng việc thiêng liêng linh thánh: Con hy sinh điều này, làm việc đạo đức nọ, đổi lại Chúa phải bù cho con cái kia ngay lúc này, chứ chờ đến mai sau thì lâu quá! Bạn nhớ phép tính cộng ở tựa đề bài suy niệm hôm nay: từ bỏ + bị ngược đãi = sự sống đời đời mà thánh hóa bản thân và gia đình mình để chúng ta không đánh mất phần thưởng Chúa đã dành sẵn cho chúng ta.......Tâm trạng của bạn thế nào khi bạn phải từ bỏ một điều gì đó để sống theo thánh ý Chúa?     --- Lời Chúa: Những “ngược đãi” bạn gặp trong cuộc đời này là gì? Bạn đón nhận chúng theo tinh thần của Chúa Ki-tô chịu đóng đinh để bạn xứng đáng nhận sự sống vĩnh cửu mai ngày.    ----Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã đón nhận sự ngược đãi đến nỗi chết trên thánh giá để cứu nhân loại. Xin cho chúng con biết bắt chước Chúa để cùng được phục sinh với Ngài. Amen.                      (5 Phút Lời Chúa)


TỪ BỎ THẬT SỰ



Tin Mừng Mc 10: 28-31


Mục tiêu của cuộc hành trình càng xa thì hành trang càng cần phải gọn gàng, nhẹ nhàng, chỉ bao gồm những gì thật thiết yếu. Hơn nữa, cũng cần phải lường trước những khó khăn, sự cố có thể gặp phải trên đường. Tất cả những cái giá phải trả ấy dù có đắt đỏ nhưng người ta vẫn sẵn sàng chấp nhận lên đường, nếu mục tiêu nhắm tới thực sự có giá trị vượt trội so với vốn liếng đã đầu tư, cũng như những rủi ro, thiệt hại phải gánh chịu. Phê-rô hẳn đang cân nhắc điều đó khi đặt vấn đề với Đức Kitô: “Thầy coi, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy!” Đáp lại, Chúa Giê-su cho Phêrô biết dù có phải chịu ngược đãi bách hại, nhưng các môn đệ Chúa sẽ “được gấp trăm” ngay ở đời này. Hơn nữa, tất cả những điều đó chẳng thấm vào đâu so với sự sống vĩnh cửu mà họ sẽ đạt được ở đời sau.

Con người trong cách cư xử thường có những tính toán “hòn đất ném đi, hòn chì ném lại”, hay nói theo những Nhà Xã Hội Học là “động cơ” để làm một việc gì đó. Động cơ có thể cho bản thân, cho gia đình, cho một ai đó, ít hay nhiều, vật chất hay tinh thần, hiện tại hay tương lai, đời này hay đời sau…Vì thế, không lạ gì, khi Thánh Phêrô đã rất chân thành và búc xúc thưa với Chúa rằng “chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy…chúng con sẽ được gì…?” Xem ra vấn đề thiết thực đặt ra của Thánh Phêrô cũng là vấn nạn của không ít người bước theo Chúa Giêsu. Một cách thẳng ruột ngựa hay một cách khéo léo tế nhị hơn, nhiều người môn đệ của Chúa Giêsu cũng đã so đo tính toán với Chúa như thế.

Chúa không hề đòi điều bất khả thi. Thế nên Ngài mời gọi mỗi người chúng ta cùng đi trên đường của Ngài. Sự từ bỏ lớn lao nhất đối với mọi người là tất cả chúng ta được mời gọi để yêu Ngài trên hết mọi sự. Nghĩ đến sự đau khổ và thập giá Đức Kitô, chúng ta nài xin Thánh Thần ban cho ta tình yêu đã nâng Chúa Giêsu lên thập giá và hoàn tất hy lễ. Hãy cầu xin cho được sẵn sàng trung thành theo Chúa cho đến cùng.

Là người Kitô hữu, dù lớn hay bé, chúng ta đều được mời gọi đi theo Đức Kitô, sống và làm chứng cho Tin Mừng của Ngài trong đời sống hằng ngày, với ơn gọi Chúa ban cho mỗi người chúng ta. Và để đi theo Đức Kitô, sống và làm chứng cho Tin Mừng của Ngài, chúng ta được mời gọi từ bỏ; và những gì chúng ta được mời gọi từ bỏ lại những điều và những người rất thiết thân với chúng ta, như chính Chúa Giêsu nói trong bài Tin Mừng: nhà cửa, anh em, chị em, người cha, người mẹ, con cái và ruộng đất.

Như hai mặt của cuộc sống, Chúa Giêsu thẳng thắn không úp mở, và rõ ràng khẳng định  cho các môn đệ hay những người đi theo Chúa là họ sẽ đương đầu với một thực tế của sự từ bỏ và bước theo Chúa là: sự bách bớ, chống đối, ngược đãi, vác thập giá…đồng thời những người dám từ bỏ theo Chúa sẽ có cảm nghiệm thực thế sự từ bỏ của họ không thể sánh bằng những gì họ được lại: “gấp trăm” ngay ở đời này. Chắc chắn đây không phải là số lượng đếm được…mà là một cảm nhận của sự được trao ban, sự cảm nhận của việc được bù đắp và tình thương an bài lo liệu của Cha trong mọi sự. Sự sắp xếp và lo liệu của Cha nhiều khi còn quá sự suy nghĩ và mong ước hay cầu xin của mỗi người.

Có lẽ những người bước theo Chúa đều có cảm nghiệm sâu sắc về chân lý mà Chúa Giêsu đã kinh qua này. Một khi họ từ bỏ gia đình bé nhỏ, và môi trường hạn hẹp của họ…để theo Chúa Giêsu, họ có gia một gia đình lớn hơn, đông anh chị em hơn trong cùng một đức tin là cùng một Cha. Bất cứ nơi đâu họ phục vụ, nơi đó là nhà và là những anh chị em của họ. Cảm nhận về thế giới quan được mở ra, không hạn hẹp trong “cái tôi” mà là cái của “chúng ta”.

“Từ bỏ” Chúa nói ở đây có nghĩa là gì? Dứt bỏ theo Chúa Giêsu, hay nói đúng hơn, dứt bỏ trong Chúa,  những người thân yêu, chính là để nhận lại như một quà tặng Thiên Chúa ban; và Chúa hứa là chúng ta sẽ nhận lại gấp trăm. Vì thế, từ bỏ mà Chúa đòi hỏi, là từ bỏ quyền làm chủ người này trên người kia. Nếu không từ bỏ hiểu như trên, chúng ta sẽ coi những người thân yêu và những gì gắn liền với những người thân yêu, là của riêng mình, và tự coi mình là chủ có quyền định đoạt theo ý riêng. Kinh nghiệm cho thấy, làm như thế chúng ta sẽ đánh mất nhau, đánh mất chính mình và đánh mất tất cả.

Nếu tính toán theo kiểu “cân-đong-đo-đếm,” thì quả thật để làm môn đệ Chúa, chúng ta  phải bỏ rất nhiều: bỏ thời giờ để cầu nguyện; bỏ công sức, tiền của để làm việc bác ái; bỏ ý riêng để sống đức vâng lời; bỏ nhiều món lợi rất dễ ‘ăn’ để thực thi công bình… Kẻ dâng mình cho Chúa trong đời sống tu trì phải từ bỏ hạnh phúc lứa đôi; người cam kết trong bậc gia đình cũng phải từ bỏ ý riêng ích kỷ để lo cho gia đình… Nhiều khi chúng ta không bỏ nổi, hoặc vừa bỏ vừa tiếc, là vì chúng ta vẫn còn theo cách tính toán của thế gian: ‘Thầy coi’ tôi bỏ như vậy rồi thì tôi được cái gì? Chúng ta làm như thể Chúa phải “bồi thường thoả đáng” cho chúng ta đã, rồi chúng ta mới bỏ mọi sự mà theo Chúa vậy!

Với mỗi người muốn theo Ngài, Chúa Giêsu khuyên nên kiên trì để đạt cho được mục đích tối hậu là Nước Trời. Còn chúng ta, mỗi người môn đệ của Ngài đáng giá bao nhiêu? Ta có biết rằng cuộc hành trình của Ngài dẫn đến Giêrusalem, đến Golgôtha chăng? Ta có chắc sẽ đồng hành với Ngài cho đến cùng không?

Chúa Giêsu đưa ra những điều kiện gay go để theo Ngài: sẵn sàng từ bỏ gia đình, bạn hữu, địa vị, và cả mạng sống. Từ bỏ hết mọi của cải riêng tư: ‘Ai trong anh em không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ tôi được’ (Lc 14,33). Một điều chắc chắn: đi theo Chúa hoàn toàn, trung thành với Ngài thì chúng ta sẽ được cứu độ.

Trong hành trình bỏ mọi sự để đi theo Chúa Giêsu, mình đã thực sự nhận lại nhà, đất, anh em, chị em, mẹ, con cái gấp trăm. Bởi lẽ, quả thật chúng ta có nhiều nhà, nếu không muốn nói ở đâu cũng là nhà; và ai cũng là người thân của chúng ta, khởi đi từ những anh em cùng chia sẻ một đức tin và nhất là cùng một ơn gọi. Gấp trăm xảy ra được, bởi vì chúng ta vượt qua tương quan huyết thống và sở hữu, để đi vào tương quan Nước Trời là hiệp thông và chia sẻ.

Huệ Minh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét