Thứ Sáu, 31 tháng 7, 2015

PHÚC ÂM Mt 16,24-28




THỨ NĂM TUẦN XVIII THƯỜNG NIÊN



THỨ SÁU TUẦN XVIII THƯỜNG NIÊN

1. Bài Tin Mừng: Mt 16,24-28
24 Rồi Đức Giê-su nói với các môn đệ: "Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo.25 Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy.26 Vì nếu người ta được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì nào có lợi gì? Hoặc người ta sẽ lấy gì mà đổi mạng sống mình?
27 "Vì Con Người sẽ ngự đến trong vinh quang của Cha Người, cùng với các thiên thần của Người, và bấy giờ, Người sẽ thưởng phạt ai nấy xứng việc họ làm.28 Thầy bảo thật anh em: trong số người có mặt ở đây, có những kẻ sẽ không phải nếm sự chết trước khi thấy Con Người đến hiển trị."

   
“Qua Thập Giá mới vào được Vinh Quang”. Đó là chân lý bất biến mà bài Tin Mừng hôm nay chỉ cho chúng ta cách thực hiện qua từng bước: Từ bỏ, vác thập giá và tuyên xưng danh Chúa:

       
Ở đây, Chúa Giêsu nói rõ là “bỏ mình”. Bỏ mình tức là bỏ chính cái tôi của mình, đó là sự từ bỏ khó khăn nhất. Alexande từng nói: “Thắng được vạn quân còn dễ hơn là thắng được chính mình”. Cái tôi chính là cá tính của mỗi người, vốn dễ kiêu ngạo muốn trên mọi người, muốn thể hiện chính mình, muốn người khác theo ý mình; chứ không dễ gì khiêm tốn và phục vụ tha nhân. Nhưng đó lại là điều kiện của “thập giá”, bởi thập giá được làm bằng chất liệu khiêm tốn và phục vụ.
Bước theo Chúa mà với đầy dẫy những thứ cồng kềng vướng bận thì khó mà theo sát và theo kịp Ngài được. Cụ thể, việc chúng ta giữ đạo mà vẫn phải bon chen và ham mê công việc lấn át hết thời giờ cho Chúa, để không còn giờ để đọc kinh chung, để không đủ sức khoẻ đi tham dự lễ, để đến được nhà thờ thì chỉ còn ngủ… 
Thật ra, bỏ những thứ bên ngoài đã khó, nhưng bỏ mình, tức là bỏ đi cái tôi của mình còn khó biết bao. 

• Vác thập giá mình theo Chúa Giêsu
Chúa bảo chúng ta vác thập giá mình chứ không buộc vác giùm ai. Vác thập giá của mình, chính là việc chu toàn bổn phận công dân, bổn phận đối với Chúa và Giáo Hội trong đấng bậc mình. Vui nhận những trái ý nghịch lòng làm của lễ dâng Chúa. Đường thập giá thực ra không có gì xa thực tế, nhưng đúng với cả nghĩa tôn giáo lẫn xã hội. Thật vậy, có ai đạt được vinh quang mà không khổ luyện, muốn thi đậu phải miệt mài đèn sách, muốn chiến thắng trong các cuộc thi phải đòi hỏi khổ luyện… và đặc biệt, muốn hưởng phúc Nước Trời phải biết hy sinh và chịu thử thách.
Ngày nay, có những cách bách hại rất tinh vi và thâm hiểm của chế độ, của chính thể, của những thứ văn hoá thời đại… Vì thế, đòi hỏi chúng ta phải chết đi mỗi ngày vì những thứ bách hại đó, nghĩa là hi sinh vâng phục theo sự hướng dẫn của Giáo Hội mà giữ lễ luật Chúa.
Con đường theo Chúa, đời sống đạo cần một sự dấn thân, phải vác lấy thập giá, Thập giá đó là những khó khăn, những trái ý nghịch lòng… Thập giá đó là việc tuân giữ lề luật Chúa… 

“Ai giữ mạng sống mình sẽ mất, ai liều mất mạng sống mình thì sẽ giữ được mạng sống”. Nghe có vẻ thật nghịch lý, nhưng đó lại là chân lý Kitô Giáo, bởi vì cái đích đạt tới cuối cùng của chúng ta là sự sống đời đời (mạng sống siêu nhiên) chứ không phải bằng mọi giá phải giữ sự sống thể lý, để rồi chối Chúa. 
Khi chúng ta chỉ tìm cái sung sướng cho thân xác đời này, thì sự sống tâm linh của chúng ta èo ọt, nhưng khi chúng ta chịu khó hy sinh, tuy làm cho đời sống thể lý có chút thua thiệt, nhưng sự sống vĩnh cửu của chúng ta đang triển nở.

• Tuyên xưng hoặc chối Chúa
Chúa Giêsu tuyên bố: "Hễ ai xưng nhận Thầy trước mặt người đời, thì Con Người cũng sẽ xưng nhận nó trước mặt các thiên thần của Thiên Chúa; nhưng ai chối bỏ Thầy trước mặt người đời, thì sẽ bị chối bỏ trước mặt thiên thần của Thiên Chúa”. 
Ngày nay, không có chuyện bách hại nhãn tiền như thời các thánh tử đạo, nên chúng ta cũng không còn phải tuyên xưng đức tin cách trực tiếp như các chứng nhân xưa nữa. Tuy nhiên, chúng ta vẫn còn tuyên xưng hoặc chối Chúa qua những cách sống sau đây:
- Những ai dám sống thật, dám làm chứng cho Chúa và cho sự thật thì cái giá họ phải trả là chịu bách hại đủ đường từ chính thể chế chúng ta đang sống cũng như mất đi những cơ hội tiến thân…
- Sống đạo, rất cần sự thể hiện ra thực tế, nhưng không ít những người tự cho mình “giữ đạo tại tâm”, không còn tham gia các hoạt động sinh hoạt công giáo, không tham dự các bí tích, nhất là thánh lễ, bỏ xưng tội rước lễ lâu năm… Hành động ngược lại với giáo huấn của Chúa và Hội Thánh. Đặc biệt, vì lo bon chen cuộc sống hằng ngày, chúng ta quên mất sự hiện diện của Chúa, bỏ bê các việc đạo đức… là chúng ta vừa không tuyên xưng Chúa, vừa gián tiếp chối đạo.
- Hoặc để có được việc làm nơi công sở, giữ được “ghế” trong xã hội thế quyền, sợ bị phiền phức hoặc bạn bè chê cười… chúng ta đã giấu diếm nguồn gốc Công Giáo của mình.Chúng ta muốn an thân, sợ liên luỵ nguy hiểm mà không dám làm chứng cho sự thật. Vì cái nồi (miếng cơm manh áo) mà bán rẻ lương tâm, vì cái ghế (chức này chức nọ) mà làm tay sai cho sự giả dối…Ngay cả việc ‘làm dấu thánh giá trước bữa ăn’ khi ăn chung nơi công cộng chúng ta còn thẹn thùng che đậy… Đó là mặc nhiên chúng ta đang chối Chúa.
- Hay khi chúng ta gặp thử thách thất bại, hoặc cầu nguyện chưa được nhận lời, đã thất vọng chê trách Chúa và nghi ngờ sự hiện hữu của Chúa. Đó cũng là một hình thức chối đạo…

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con dám từ bỏ những gì không thích hợp với tinh thần Kitô Giáo, can đảm sống niềm tin trước mọi trái ý nghịch lòng và tự hào là người con Chúa trước mặt mọi người không ngại khó ngại khổ vì danh Chúa. Amen. 
Hiền Lâm
** Vấn nạn:
Đức Giê-su còn nói với họ: "Tôi bảo thật các người: trong số những người có mặt ở đây, có những kẻ sẽ không phải nếm sự chết, trước khi thấy Triều Đại Thiên Chúa đến, đầy uy lực" (Mt 16,28).
Nhiều người dễ nghĩ rằng, sẽ có môn đệ Chúa Giêsu không chết trước ngày quang lâm, lại có người giải thích cho đó là Gioan đã được thị kiến thấy trước viễn cảnh quang lâm mà Gioan ghi lại trong sách Khải Huyền. Thật ra, đây là cách nói của Tin Mừng Marcô về biến cố Chúa Giêsu Hiển Dung, mà chương 9 câu 1 là dẫn nhập để kể về biến cố Hiển Ding ngay sau đó.
Tuy không phải là chóp đỉnh, nhưng việc Chúa Giêsu Biến Hình trên núi Tabo là một sự kiện thâu tóm nhiều mặc khải quan trọng mang tính Phục Sinh và Cánh Chung, có sự chỗi dậy cả tổ phụ và ngôn sứ và có 3 môn đệ được hiện diện chứng kiến cảnh huy hoàng vinh hiển của Đức Kitô…





GỢI Ý SUY NIỆM TIN MỪNG TUẦN XVIII THƯỜNG NIÊN (Hiền Lâm)

Từ Chúa Nhật XVIII Thường Niên đến thứ bảy tuần XVIII Thường Niên



THỨ BẢY  TUẦN XVIII THƯỜNG NIÊN

1. Bài Tin Mừng: Mt 17,14-20
 14 Khi thầy trò đến với đám đông, thì có một người tới quỳ xuống trước mặt Đức Giê-su15 và nói: "Thưa Ngài, xin thương xót con trai tôi, vì cháu bị kinh phong và bệnh tình nặng lắm: nhiều lần ngã vào lửa, và cũng nhiều lần ngã xuống nước.16 Tôi đã đem cháu đến cho các môn đệ Ngài chữa, nhưng các ông không chữa được."17 Đức Giê-su đáp: "Ôi thế hệ cứng lòng không chịu tin và gian tà! Tôi còn phải ở với các người cho đến bao giờ, còn phải chịu đựng các người cho đến bao giờ nữa? Đem cháu lại đây cho tôi."18 Đức Giê-su quát mắng tên quỷ, quỷ liền xuất, và đứa bé được khỏi ngay từ giờ đó.
19 Bấy giờ các môn đệ đến gần hỏi riêng Đức Giê-su rằng: "Tại sao chúng con đây lại không trừ nổi tên quỷ ấy? "20Người nói với các ông: "Tại anh em kém tin! Thầy bảo thật anh em: nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải thôi, thì dù anh em có bảo núi này: "rời khỏi đây, qua bên kia! " nó cũng sẽ qua, và sẽ chẳ
ng có gì mà anh em không làm được".
                                                       
                                                             SUY NIỆM
Hôm nay sau khi Chúa Giêsu và ba môn đệ thân tín vừa từ trên núi Tabo đi xuống, thì gặp ngay một đám đông đang nhao nhác vây quanh một em bé bị quỷ ám nằm lăn lộn trước sự bất lực và đau khổ của người cha tội nghiệp. Chúa Giêsu ngao ngán vì sự cứng lòng tin của mọi người, nhưng Người cũng đã chữa lành cho đứa bé bị quỷ ám, và qua đó dạy cho họ biết về sức mạnh của niềm tin.
Trước hết, qua lời cầu xin của người cha đứa bé bị quỷ ám và qua lời của Chúa Giêsu, chúng ta cảm nhận được rằng, Chúa Giêsu cay đắng vì lòng tin hời hợt của mọi người: "Ôi thế hệ cứng lòng không chịu tin và gian tà! Tôi còn phải ở với các người cho đến bao giờ, còn phải chịu đựng các người cho đến bao giờ nữa? Đem cháu lại đây cho tôi."
Thật vậy, người đương thời theo Chúa chỉ vì sự tò mò và niềm tin của họ chỉ dựa trên phép lạ, chứ không phải xuất phát từ tấm lòng yêu mến thật sự. Họ quan niệm sai về vai trò Thiên Sai của Chúa, cụ thể là họ tụ tập chờ đợi Chúa chỉ vì được ăn no hoặc chỉ vì tò mò để được xem Chúa Giêsu trừ quỷ mà thôi. Và có lẽ, đáng buồn hơn là các môn đệ của Người đã thất bại trong việc trừ quỷ cho đứa bé, chỉ vì các ông đã lầm tưởng có thể dùng quyền trừ quỷ bằng sức riêng mình.
Loại quỷ này các môn đệ trừ không được, không phải vì năng quyền trước đó Chúa Giêsu ban cho các ông khi đi truyền giáo không đầy đủ, nhưng do các ông ỷ lại vào sức mình. Theo đoạn kết bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu bảo các môn đệ rằng chỉ trừ được quỷ bằng một niềm tin vững mạnh, nghĩa là phải dùng sức mạnh của Chúa mới trừ được, mà muốn có sức mạnh từ nơi Chúa thì phải kết hiệp với Người qua đời sống đức tin. Trong khi các môn đệ lúc “vắng Chúa” đã ỷ lại vào sức riêng mình để làm phép lạ vì cứ tưởng mình có quyền ấy mà không cần đến Chúa. Đó cũng là một sự yếu kém về đức tin.
Không ít người trong chúng ta cũng thế, khi thành công thì luôn nghĩ là do tài năng của mình mà quên Chúa, khi khó khăn hay đứng trước mưu ma chước quỷ lại dại dột dùng sức riêng mình để chống lại và rồi thất bại ê chề. Hôm nay Chúa Giêsu nhắc cho chúng ta rằng, quỷ rất sợ những ai có niềm tin tuyệt đối vào Thiên Chúa.
Chúa Giêsu nói: “Nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải thôi, thì dù anh em có bảo núi này: "rời khỏi đây, qua bên kia! " nó cũng sẽ qua, và sẽ chẳng có gì mà anh em không làm được.”. Nói như thế, Chúa Giêsu không muốn nói rằng đức tin có khả năng làm phép lạ như một sức mạnh phù phép, bùa chú, hiểu theo nghĩa đen là “chuyển núi dời non”.Nhưng Ngài muốn nói: đức tin là một động lực thúc đẩy chúng ta dám nghĩ, dám làm những việc to lớn, phi thường mà nếu không có lòng tin, chúng ta không dám hành động. Bởi vì, người có lòng tin thì hành động bằng quyền năng của Thiên Chúa, chứ không phải bằng khả năng giới hạn của mình. 
Nhờ đức tin thúc đẩy, chúng ta dám khởi công bắt ta vào việc xây dựng cuộc sống cho mình, cho anh chị em mình, rồi Chúa sẽ tiếp tay giúp sức chúng ta bằng quyền năng vô biên của Ngài, để hướng dẫn và biến đổi công việc nhỏ bé của chúng ta trở thành công trình to lớn, vĩ đại, phi thường. Một ví dụ cụ thể là: Hiệu quả đức tin của các Tông Đồ vốn là những người không có ảnh hưởng, quyền lực, phương tiện tài chính, tổ chức, báo chí, truyền hình... thế mà các Tông Đồ đã thay đổi dòng lịch sử
Hình ảnh một người cha khốn khổ tội nghiệp khi nhìn cảnh đau đớn của đứa con bị quỷ dữ hoành hành, đã đem đến cho các môn đệ của Chúa Giêsu để xin họ trừ quỷ (lúc Chúa Giêsu còn ở trên núi) nhưng các môn đệ Chúa Giêsu trừ không được. Điều này càng làm cho niềm tin mong manh của người cha đã yếu kém lại càng mong manh và thất vọng hơn bao giờ hết.
Đó cũng là thực trạng của không ít người trong chúng ta, niềm tin chúng ta vốn mong manh vì thiếu chiều sâu tri thức về Thiên Chúa và lòng mến đối với Người; niềm tin của chúng ta còn mong manh hơn khi gặp phải nhưng người mà chúng ta thần tượng lại bất lực trước sự hoành hành của tội lỗi và ma quỷ. Chúng ta gặp phải những vị mục tử thiếu đời sống cầu nguyện, chúng ta gặp phải những tu sĩ lo tìm thành công cho riêng mình, thì lúc đó niềm tin chúng ta càng bị thử thách hơn. Hãy như người cha của đứa bé bị quỷ ám hôm nay, mau chạy đến với Chúa để xin Người nâng đỡ niềm tin cho chúng ta. Chúa sẽ không bao giờ bỏ rơi những ai tìm kiếm Người.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho mọi người chúng con một đức tin trưởng thành, để nhờ niềm tin tuyệt đối vào Chúa, chúng con đủ sức chống lại mọi mưu ma chước quỷ đang xâm nhập vào mọi vấn đề của cuộc sống hôm nay. Amen.
Hiền Lâm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét