Thứ Ba, 28 tháng 7, 2015

PHÚC ÂM: Mt 13, 36-43


Kết quả hình ảnh cho du ngon co lùng


 Kết quả hình ảnh cho du ngon co lùng

Đang xem tivi chiếu lại những hình ảnh sóng thần lôi cuốn nhà cửa, xe cộ, tàu bè… kéo ra biển vào ngày 11/3/2011 tại Nhật Bản, một chị đã chia sẻ cảm nghĩ: “Con cầu cho sóng thần cuốn hết những con người gian ác ra biển! Ở nhà thờ họ đọc sách thánh, cho rước lễ, ăn mặc xinh đẹp, lượn qua lượn lại. Khi về nhà, họ cho người nghèo vay lãi cắt cổ, siết họng người ta… Con cầu cho sóng thần lôi hết những người này ra biển chết cho rồi!” Eo ôi! Nghe xong tôi rợn cả người!
Trong bài Phúc âm hôm nay, Chúa Giêsu đã dùng “dụ ngôn cỏ lùng” để chỉ về sự tốt và xấu nằm ngay trong tâm hồn mỗi người và trong các môi trường sinh hoạt của con người, giáo hội và xã hội. Môi trường nào cũng có thiện ác. Cỏ lùng là một thứ cỏ mọc lên giống hệt cây lúa miến của miền Do Thái. Chỉ khác có một điều là hạt nhỏ hơn và thân rộng hơn. Thật khó mà phân biệt được lúa và cỏ lùng khi chúng còn non chưa đâm bông. Nhưng khi đã đâm bông rồi thì ngay cả một em bé nhỏ xíu cũng biết phân biệt được đâu là lúa, đầu là cỏ lùng. Cỏ lùng hay mọc vào sau những vụ mùa, nhưng lại giỗ chín sớm hơn lúa. Thành thử đó là cái phiền cho nhà nông không biết nhổ thế nào cho thuận tiện. Nhổ cỏ lúc còn non thì e nhổ lầm cả vào lúa. Hơn nữa, cỏ lùng có rễ mọc chằng chịt quấn bó vào rễ lúa. Riêng về hạt cỏ lùng còn có một chất ma túy độc hại. Ăn nó vào miệng sẽ làm tê cay, choáng váng, rồi nôn mửa! Sau cùng, phải chấp nhận giải pháp tốt nhất là chọn cái bớt hại hơn. Đó là chờ cho tới ngày mùa gặt, chủ ruộng sẽ cắt cả hai cùng một lúc.
Thiện ác là hai mãnh lực nằm trong lòng mỗi người và cuộc đời. Chính thánh Phaolô đã nói lên cuộc chiến đấu nội tâm này như sau: “Muốn sự thiện thì tôi có thể muốn, nhưng làm thì không. Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm.” (Rm 1:18-19). Bởi thế cho nên, các bậc thánh nhân đã nói đời là một cuộc chiến đấu triền miên với chính mình là thế. Trong mỗi người vẫn có tấm lòng nhiệt tình của Phêrô, nhưng cũng có mưu mô gian ác của Giuđa. Chúng ta cần có ơn thánh để làm lành lánh dữ. Chúng ta cần đến lòng thương xót của Thiên Chúa. Lòng thương xót của Thiên Chúa không cho phép sóng thần lôi cổ những người gian ác kéo ra biển, vì biết đâu đó cũng là lúc sự gian ác đang ở trong chính mình thì sao? Chúa yêu thương cả người lành lẫn kẻ dữ. Đàng khác, Chúa Giêsu đã đến trần gian này không phải vì những người công chính mà là vì những kẻ tội lỗi (Mc 2:17). Lòng nhân lành của Chúa chưa muốn phạt kẻ dữ vì muốn cho họ có thêm cơ hội, thêm thời giờ để mà ăn năn hối cải. Nếu họ không biết lợi dụng những thời cơ ấy, thì chính thời cơ ấy sẽ là than hồng, lửa bỏng đổ lên đầu họ vào ngày sau hết. Hãy tạ ơn lòng nhân lành của Chúa đối với tội lỗi của chính mình để có lòng sám hối quay trở về với Chúa, hơn là khắt khe lên án anh chị em mình.
Lm Joseph Nguyễn Thái



Kết quả hình ảnh cho du ngon co lùng


PHÚC ÂM: Mt 13, 36-43
 Tin Mừng Thánh Matthêu.
Khi ấy, sau khi giải tán dân chúng, Chúa Giêsu trở về nhà. Các môn đệ đến gặp Người và thưa rằng: "Xin Thầy giải thích dụ ngôn cỏ lùng trong ruộng cho chúng con nghe". Người đáp lại rằng: "Kẻ gieo giống tốt là Con Người. Ruộng là thế gian. Còn hạt giống tốt là con cái Nước Trời. Cỏ lùng là con cái gian ác. Kẻ thù gieo cỏ lùng là ma quỷ. Mùa gặt là ngày tận thế. Thợ gặt là các thiên thần. Cũng như người ta thu lấy cỏ lùng, rồi thiêu đốt trong lửa thế nào, thì ngày tận thế cũng sẽ xảy ra như vậy: Con Người sẽ sai các thiên thần đi thu tất cả gương xấu và mọi kẻ làm điều gian ác khỏi nước Chúa, rồi ném tất cả chúng vào lửa: ở đó sẽ phải khóc lóc nghiến răng. Bấy giờ kẻ lành sẽ sáng chói như mặt trời trong nước của Cha mình. Ai có tai để nghe thì hãy nghe".  Đó là lời Chúa.
(thanhlinh.net)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét