Thứ Tư, 21 tháng 11, 2018

Thứ tư ngày 21.11.2018

PHÚC ÂM: Lc 19 11-28
Khi ấy, Chúa Giêsu phán thêm một dụ ngôn nữa, vì Người đã đến gần Giêrusalem, mà dân chúng lại cứ tưởng là Nước Thiên Chúa sắp xuất hiện trong giây lát. Vậy Người phán rằng:
“Có người quý tộc kia đi phương xa để được phong vương rồi trở về. Ông cho gọi mười người tôi tớ đến, giao cho họ mười nén bạc và dặn rằng: ‘Hãy làm lợi cho đến khi ta trở về’. Nhưng các người dân của ông ấy ghét ông, sai người đi theo mà rằng: ‘Chúng tôi không muốn ông ấy làm vua chúng tôi’. Được phong vương rồi ông trở về, cho gọi các tôi tớ mà trước kia ông đã giao tiền cho, để biết mỗi người đã làm lợi được bao nhiêu.
“Người thứ nhất đến và thưa: ‘Tâu vua, nén bạc của vua đã sinh lợi được mười nén’. Nhà vua bảo: ‘Được, hỡi người tôi tớ tốt lành, ngươi đã trung tín trong điều nhỏ mọn, ngươi sẽ được quyền cai trị mười thành’. Người thứ hai đến thưa: ‘Tâu vua, nén bạc của vua đã sinh lợi được năm nén’. Nhà vua đáp: ‘Ngươi cũng vậy, hãy cai quản năm thành’.
“Người thứ ba đến thưa: ‘Tâu vua, đây nén bạc của vua, tôi còn giữ trong khăn, vì tôi sợ ngài: ngài là người hà khắc, và lấy cái ngài không gửi, gặt cái ngài không gieo’. Vua phán rằng: ‘Hỡi đầy tớ bất lương, ta cứ lời ngươi mà xử ngươi. Ngươi đã biết ta là người hà khắc, lấy cái ta không gửi, gặt cái ta không gieo, sao ngươi không gửi bạc ta ở ngân hàng, để rồi khi ta trở về, ta có thể lấy cả vốn lẫn lời’.
“Vua liền bảo những người đứng đó rằng: ‘Hãy lấy nén bạc của nó mà trao cho người đã có mười nén’. Họ tâu rằng: ‘Tâu vua, người ấy đã có mười nén rồi’. Vua đáp: ‘Ta nói cùng các ngươi: Ai có sẽ cho thêm, và người đó sẽ được dư dật; còn ai không có, người ta sẽ lấy đi cả cái nó đang có. Còn những kẻ nghịch cùng ta, không muốn ta làm vua, hãy đem chúng ra đây và giết chúng trước mặt ta”. Nói thế rồi Chúa liền dẫn họ lên Giêrusalem. Đó là lời Chúa   ...(thanhlinh.net)
Suy niệm: Chúa Giê-su đưa ra câu hỏi, một câu hỏi tưởng như đã có câu đáp rõ ràng: “Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi?” Thế nhưng, qua câu trả lời khác thường, Ngài mạc khải mối tương giao hết sức thâm sâu giữa Thiên Chúa và con người, vượt hẳn khỏi mối quan hệ gia đình ruột thịt tự nhiên. Quả thật, xưa nay chưa có ai mơ tưởng một mối tương giao quá đặc biệt như vậy. Thử tưởng tượng chỉ cần nghe và đem ra thực hành lời của một người khác, thì tức khắc trở thành anh chị em, cha mẹ của người này, không cần đến mối liên hệ họ hàng theo huyết thống thường quen. Vậy mà trong số những người biết “thi hành ý của Chúa Cha” không ai bằng Đức Ma-ri-a. Vì vậy, Mẹ xứng đáng làm Mẹ Chúa Trời và Mẹ mỗi người. Với địa vị cao quý ấy, Mẹ trở thành gương mẫu, cũng như là đấng chuyển cầu cho những tâm hồn muốn trở thành bạn nghĩa thiết của Chúa.
Mời Bạn: Những giao tế xã hội được đảm bảo bằng chứng từ. Sự tin tưởng lẫn nhau không thể thay cho giấy trắng mực đen được. Nhưng trong cuộc sống đạo thì khác, chứng từ được thay bằng niềm tin và lòng khao khát sống cho Đấng kêu gọi ta.
Sống Lời Chúa: Hằng ngày theo gương Đức Mẹ, tôi dâng mình cho Chúa khi thức dậy. Nhờ thói quen đạo đức này, tôi sẽ có thể dễ dàng thi hành ý Chúa hơn trong đời thường của mình.
Cầu nguyện: Lạy Mẹ Ma-ri-a, Mẹ đã luôn lắng nghe, thực hành ý Chúa như một nữ tỳ. Xin cho con luôn ước muốn thuộc trọn về Chúa như mẫu gương của Mẹ. Con xin dâng mình con để Chúa sử dụng vào việc cứu rỗi các linh hồn.
Trong tác phẩm Hành Trình Mục Vụ của ngài, Đức Hồng Y Baffi đã dành một số trang rất hay để nói về những hiểm họa và những niềm hy vọng của gia đình. Ngài nhấn mạnh rằng gia đình hôm nay rất ốm yếu trong xã hội chúng ta, và đôi khi thậm chí gia đình bị khinh thường. Đó là lý do tại sao sự chữa trị cho gia đình phải liên can tới việc Phúc Âm hóa nền văn hóa của chúng ta. Nếu nền văn hóa của chúng ta được chuyển hóa xuyên qua cuộc gặp gỡ với Tin Mừng, gia đình sẽ tìm lại được các gốc rễ của nó. Gia đình sẽ được canh tân hoàn toàn và bắt đầu sống căn tính của nó trong tư cách là một hiệp thông và cộng đoàn của các ngã vị trong niềm kính trọng hoàn toàn đối với tất cả các thành viên của nó: vợ chồng, con cái, trẻ già …
Như vậy, thay vì đóng kín chính mình và thoái thác trách nhiệm của mình đối với xã hội, gia đình Kitôhữu được canh tân sẽ trở thành tác nhân chủ yếu xây dựng xã hội tương lai. Điều này là tất nhiên vì gia đình là nền móng căn bản của xã hội. Vâng, gia đình Kitôhữu phải đảm nhận trách nhiệm phục vụ cộng đồng lớn hơn, nhất là phục vụ người nghèo và những ai bị gạt ra ngoài lề xã hội. Gia đình Kitôhữu phải chiếu tỏa ánh sáng Tin Mừng cho thế giới.
Gia đình Kitôhữu cũng có chỗ đứng riêng của mình trong sứ vụ của Giáo Hội. Nó được mời gọi để tham dự, trong tư cách là một gia đình, vào sứ mạng cứu độ của Giáo Hội. Gia đình thực thi sứ mạng này bằng việc sống trung thành với căn tính của mình và bằng việc xây dựng mình trở thành một cộng đoàn tin và loan báo Tin Mừng. Gia đình Kitôhữu được mời gọi sống cầu nguyện và phục vụ mọi người theo giới luật yêu thương. Bằng cách này, gia đình trở thành một nguồn sống và một nguồn ơn gọi – bởi vì trong tư cách là Giáo Hội tại gia, gia đình tham dự vào sứ mạng ba chiều kích của Giáo Hội Chúa Kitô: đó là sứ mạng tư tế, vương đế và ngôn sứ của Dân Thiên Chúa.
LỜI SUY NIỆM: Rồi người giơ tay chỉ các môn đệ và nói: Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi. Vì phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi.”
            Trong ngày kính lễ “Đức Mẹ dâng mình trong Đền Thờ” Giáo Hội cho chúng ta nghe lại lời của Chúa Giêsu cho biết về những ai được gọi là người cùng gia đình của Chúa. Điều này chính Đức Mẹ Maria chính là Mẹ của Người, là mẫu gương cho toàn thể nhân loại học biết và noi theo.
            Lạy Chúa Giêsu, thật là hạnh phúc cho chúng con khi được Chúa Cha tuyển chọn và kêu gọi, ban ơn đức tin để chúng con trở thành những Kitô hữu. Xin cho chúng con ham thích học hỏi Lời Chúa, học hỏi giáo lý và tuân nghe những giáo huấn của Giáo Hội; biết dâng mình theo thánh ý của Chúa trong mọi sự, để được vui sống và phục vụ lẫn nhau.
Mạnh Phương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét