Thứ Sáu, 23 tháng 11, 2018

CÁC THÁNH 24.11






                           

 

BỔN MẠNG GIÁO HỘI VIỆT NAM

      

 

Tin Mừng Chúa Giê-su Kitô theo Thánh Lu-ca (Lc 9: 23-26)

  
23 Rồi Đức Giê-su nói với mọi người: "Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo.24 Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy.25 Vì người nào được cả thế giới mà phải đánh mất chính mình hay là thiệt thân, thì nào có lợi gì?26 Ai xấu hổ vì tôi và những lời của tôi, thì Con Người cũng sẽ xấu hổ vì kẻ ấy, khi Người ngự đến trong vinh quang của mình, của Chúa Cha và các thánh thiên thần.
 

SUY NIỆM

- Ta thật thương hại. Chú mi có biết rằng mình đã dại dột theo tà đạo, một thứ đạo phỉnh phờ thiên hạ, vua đã nghiêm cấm mà cứ nhắm mắt đưa chân như rứa, là tự đặt mình trong vòng phạm pháp. Mần răng mà tiếp tục ăn học tiến thân. Chú mi phải nghĩ đến tương lai chứ!
 
- Bẩm quan, cháu không nghĩ là dại dột mô. Cháu không nghĩ đạo Gia-tô là tà đạo. Đạo dạy thờ Thiên Chúa là Đấng tạo dựng trời đất và loài người, dạy thảo kính cha mẹ, đạo cấm oán ghét hận thù. Như rứa cháu nỏ chộ chi là sai quấy mà phải bỏ.
 
- Nhưng vua đã ra lệnh cấm, và vua là trên hết. Kẻ nào bất tuân phải chịu tử hình. Chú mi biết rứa chứ?
 
- Bẩm quan, cháu có nghe, nhưng biết răng chừ. Bởi vì khi đã tin đạo là chân thật, là đúng là tốt thì không cách chi bỏ được.
 
Đó là mẫu đối thoại giữa quan tổng đốc và thánh tử đạo chủng sinh Tôma Trần Văn Thiện, nói lên niềm tin sắt đá của mình. Và tất cả 117 vị thánh Tử đạo Việt Nam đều bày tỏ đức tin kiên trung như thế.
 
Chúng ta hãnh diện về cha ông của mình, hãnh diện về lòng can đảm và sự anh dũng của các ngài, sẵn sàng tiến lên pháp trường để làm chứng cho đức tin.
 
Nhưng nếu chúng ta chỉ dừng lại ở thái độ ngưỡng mộ dành cho các ngài, thì quả thật chúng ta làm hổ danh các ngài, vì “con nhà tông không giống lông cũng giống cánh”. Chắc chắn các ngài cũng muốn con cháu nối gót các ngài: can đảm làm chứng cho đức tin.
 
Một cái chết như các ngài để biểu tỏ lòng tin có lẽ hầu như không còn xảy ra trên quê hương Việt Nam hôm nay. Điều đó không có nghĩa là chúng ta không còn có cơ hội để “đổ máu” làm chứng cho Tin Mừng.  “Việc đổ máu” làm chứng cho đức tin luôn là hành vi thuộc về đời sống Giáo Hội, được tái diễn mỗi ngày trong đời sống Kitô hữu. Lời Chúa Giêsu đã minh định điều đó: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo”. Như vậy “đổ máu” không chỉ là một biến cố thuộc bên ngoài thân xác như: chặt đầu, gông cùm, đòn vọt, nhưng còn là một biến cố thuộc đời sống tâm linh như hy sinh từ bỏ ý riêng, sống theo ý Chúa. Và đây chính là hành vi “tử đạo” mỗi ngày mà người Kitô hữu cần tỏ bày trong đời sống của mình.
 
Việc chu toàn bổn phận theo ơn gọi của mình chính là những bước chân anh dũng tiến lên để làm chứng cho Chúa Giêsu. Vì không ai có thể tuyên bố mình thuộc về Chúa Kitô mà lại bê trễ bổn phận. Vì bổn phận là thập giá. Việc chu toàn bổn phận hàng ngày là một sự dấn thân quyết liệt trong việc khước từ ý riêng, sự lười biếng và tính nhu nhược, sự hưởng thụ ích kỷ, đam mê dục vọng hư hèn. Sự đấu tranh khước từ nầy là lời đáp trả yêu thương, nó cũng quyết liệt như là những lời khẳng khái của các thánh Tử đạo trả lời trước tòa án của trần gian.
 
“Từ bỏ chính mình, vác thập giá” là bước vào con đường làm chứng cho đức tin. Vì đức tin không là một chiếm hữu thụ động, “đức tin không việc làm là đức tin chết”. Đức tin là một sự kiện luôn sống động, luôn lắng nghe, khám phá lời mời gọi yêu thương của Thiên Chúa tình yêu để sẵn sàng cất bước lên đường. Lắng nghe và sống theo Lời Chúa chính là tử đạo, là cuộc đổ máu bởi việc sát tế chính mình.
 
Lạy Chúa, chúng con tạ ơn Chúa vì Chúa đã ban cho Giáo Hội Việt Nam những chứng nhân anh dũng. Xin cho chúng con biết cất gót theo chân các ngài, luôn giơ cao ngọn đuốc đức tin trong việc chu tất ơn gọi làm người Kitô hữu hàng ngày. Amen.

GKGĐ Giáo Phận Phú Cường



THỨ BẢY TUẦN 33 THƯỜNG NIÊN
Các Thánh Tử Đạo Việt Nam
Lc 9,23-26
Lời Chúa:
“Ai muốn theo tôi phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo.”(Lc 9,23).
Câu chuyện minh hoạ:
Người ta kể một câu chuyện vui như sau: Có một người nọ than vãn với Chúa Giêsu rằng cây thập giá mình đang vác nặng nề quá, còn những cây thập giá của một số người khác thì lại nhẹ nhàng hơn. Chúa Giêsu bảo người ấy đem cây thập giá kia vào kho, rồi cho người ấy tự do lựa chọn một cây khác thích hợp với mình. Sau một thời gian lựa chọn, người ấy chọn được cây thập giá ưng ý và hí hửng đem tới khoe với Chúa Giêsu. Ngài mỉm cười và nói: “Đây chính là cây thập giá mà con đã bỏ vào kho hồi nãy!”
Suy niệm:
Thập giá không bao giờ là quá sức đối với mỗi người, vì khi Người trao thập giá, Người sẽ ban cho họ sức để vác. Đối với người đời, thập giá là khổ hình, điều đó cũng có thể là tâm trạng của người Kitô hữu, chúng ta mong ước lên thiên đàng một cách êm ả, không phải gặp những gian nan trắc trở, không cần hy sinh khổ chế… nhưng đối với Chúa Giêsu, thập giá là phương thế dẫn đến sự sống. Chúa Giêsu đã xuống thế làm người, mặc lấy thân phận yếu đuối của con người, chia sẻ những khổ đau của con người, và sau cùng Ngài dùng cái chết để tiêu diệt tội lỗi, và nhờ sự phục sinh của Ngài, chúng ta được cứu thoát.
Các Thánh Tử Đạo Việt Nam đã đi theo con đường của Chúa Giêsu, chết vì đạo, và làm chứng cho đức tin vào Chúa Giêsu Phục sinh. Các ngài đã làm chứng niềm tin của mình bằng cái chết với muôn hình phạt như: Bá đao, lăng trì, thiêu sống… với mục đích để trở nên giống Chúa Kitô, Đấng đã chấp nhận cái chết để cứu độ nhân loại. Ngày nay, mỗi chúng ta cũng tử đạo bằng chính cuộc sống của mình qua những bổn phận và công việc hằng ngày. Để đi theo Chúa trên đỉnh vinh quang thì chúng ta phải chấp nhận thanh luyện, vượt qua những khó khăn trong cuộc sống có khi phải hy sinh mạng sống, vì đó là dịp giúp mỗi người nên thánh.
Lạy Chúa, xin giúp chúng con noi gương Các Thánh Tử Đạo Việt Nam dám sống cho Tin Mừng và là chứng nhân của Chúa nơi mọi người chúng con gặp gỡ. Amen.
Têrêsa Mai An
Gp. Mỹ Tho

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét