Thứ Hai, 4 tháng 6, 2018

Thứ hai ngày 04.06.2018


BÀI ĐỌC I: 2 Pr 1, 1-7
Khởi đầu thư thứ hai của Thánh Phêrô Tông đồ.
Tôi là Simon Phêrô, tôi tớ và tông đồ của Đức Giêsu Kitô, kính gửi những người thừa hưởng một đức tin quý giá ngang hàng chúng tôi, nhờ sự công chính của Đức Giêsu Kitô, là Thiên Chúa và là Cứu Chúa của chúng ta. Nguyện (chúc) ân sủng và bình an đổ xuống tràn đầy cho anh em, trong ơn nhận biết Thiên Chúa và Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta!
Bởi chưng quyền năng linh thiêng của Người đã ban cho anh em mọi điều cần ích cho sự sống và lòng đạo đức, nhờ sự nhận biết Đấng dùng vinh quang và quyền năng kêu gọi chúng ta; nhờ Người mà Thiên Chúa ban cho chúng ta những lời hứa cao trọng và quý báu, để nhờ đó, anh em được thông dự vào bản tính Thiên Chúa, thoát khỏi cảnh đồi bại dục tình thế tục.
anh em, hãy gia tăng tất cả nhiệt thành và lo sao để nhờ lòng tin mà được thêm sức mạnh, nhờ sức mạnh được thêm thông biết, nhờ thông biết được thêm tiết độ, nhờ tiết độ được thêm kiên nhẫn, nhờ kiên nhẫn được thêm đạo đức, nhờ đạo đức được thêm tình huynh đệ, nhờ tình huynh đệ được thêm đức ái. Đó là lời Chúa.


Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô (Mc 12: 1-12)

Khi ấy, Chúa Giêsu dùng dụ ngôn mà nói với các thượng tế, luật sĩ và kỳ lão rằng: "Có người trồng một vườn nho, rào dậu xung quanh, đào bồn đạp nho và xây một tháp, đoạn cho tá điền thuê vườn nho và trẩy đi phương xa. Đến kỳ hạn, ông sai đầy tớ đến với tá điền thu phần hoa lợi vườn nho. Nhưng những người  này bắt tên đầy tớ đánh đập và đuổi về tay không. Ông lại sai đầy tớ khác đến với họ. Người này cũng bị chúng đánh vào đầu và làm sỉ nhục. Nhưng người thứ ba thì bị chúng giết. Ông còn sai nhiều người khác nữa; nhưng kẻ thì bị chúng đánh đập, người thì bị chúng giết chết. Ông chỉ còn lại một cậu con trai yêu quý cuối cùng, ông cũng sai đến với họ, ông nghĩ rằng: "Chúng sẽ kiêng nể con trai ta".Nhưng những tá điền nói với nhau rằng: "Người thừa tự đây rồi, nào ta hãy giết nó và cơ nghiệp sẽ về ta". Đoạn chúng bắt cậu giết đi và quăng xác ra ngoài vườn nho. Chủ vườn nho sẽ xử thế nào? Ông sẽ đến tiêu diệt bọn tá điền và giao vườn nho cho người khác. Các ông đã chẳng đọc đoạn Thánh Kinh này sao: Tảng đá những người thợ xây loại ra, trở thành đá góc tường. Đó là việc Chúa làm. Thật lạ lùng trước mặt chúng ta". Họ tìm bắt Đức Giêsu, nhưng họ lại sợ dân chúng. Vì họ quá hiểu Người nói dụ ngôn đó ám chỉ họ. Rồi họ bỏ Người mà đi.
 
SUY NIỆM

          Dụ ngôn về những tên tá điền và ông chủ vườn nho là một ẩn dụ quá quen thuộc với Người Do Thái. Thế nên khi Chúa Giêsu kể câu chuyện ấy, họ lập tức hiểu Chúa ám chỉ điều gì. 

         Nói đến vườn nho là nói đến dân riêng. Nó bao hàm cả một lịch sử mà dường như Thiên Chúa luôn đi bước trước trong việc yêu thương bảo bộc họ, đồng thời cũng nói lên cả một lịch sử mà Thiên Chúa như là người nhượng bộ trước những yêu sách của dân. Vườn nho ám chỉ dân riêng của Thiên Chúa. Chủ vườn nho là Thiên Chúa. Còn những tá điền thuê vườn nho ám chỉ những người lãnh đạo tôn giáo. Mà các tiên tri có lần nói họ như là kẻ chăn chiên thuê, tiên tri Giêrêmia gọi đích danh họ là những người làm thuê thiếu trách nhiệm, làm cho chiên tản lạc và suy vong. Chủ đề về mục tử giả và mục tử thật được các tiên tri lưu ý. Nó trở thành một đề tài lớn trải dọc thời gian. Lúc nào cũng giống lên hồi chuông cảnh tỉnh. Hãy là những mục tử hy sinh mạng sống cho chiên. Hãy là những người đại diện gương mẫu của Chúa. Thế mà, dù nhiều lần được cảnh tỉnh, nhiều người vẫn tha hoá, vua quan cho đến lãnh đạo tôn giáo, đều đi sai đường lối của Chúa.  

         Dụ ngôn khắc hoạ rõ nét cho chúng ta chân tướng của kẻ cướp. Họ không phải là chủ mà là người làm thuê. Thế mà họ toa rập với nhau, đánh đập, bắt bớ, làm hại hết người này đến người khác vốn là sứ giả của chủ. Rồi cả đến người con duy nhất, họ cũng giết đi và kéo ra khỏi vườn nho hòng âm mưu cướp cả vườn nho. Từ kẻ tá điền, họ muốn đổi ngôi thành ông chủ, từ người làm thuê, họ muốn đóng vai người định đoạt vận mệnh của chủ vườn. Chỉ chi tiết này thôi cũng gợi lên cho chúng ta nhiều suy nghĩ. Xem ra tội kiêu căng ngạo mạn đang trở nên quá phổ biến trong thế giới chúng ta sống đây. Adam và Eva đã đi quá làn ranh đỏ của việc ăn trái cấm, muốn gnang bằng Thiên Chúa. Thứ AND kiêu ngạo ấy vẫn ngấm trong máu chúng ta và di truyền ngàn đời. Càng tân tiến, con người càng tưởng mình có thể làm được mọi sự, thay Chúa định đoạt mọi sự. Đức Giáo Hoàng Phanxicô có lần đã nói đại ý rằng, Chúa đang trở nên mờ nhạt vì cái tôi quá lớn của con người. Phải, như dụ ngôn nói, họ còn giết và kéo đứa con duy nhât của chủ ra khỏi vườn. Chủ thuyết duy vật và tục hoá của thế giới hôm nay cũng muốn loại Thiên Chúa ra khỏi thế giới mà Ngài dựng nên cách tốt đẹp, có tự do để cho chúng ta giết chết Ngài và loại bỏ Ngài như thế. 

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con sự khiêm hạ, sự khiêm hạ đích thực, để nhận thấy rằng mình hcỉ là thụ tạo được Thiên Chúa yêu thương và nâng đỡ. Nếu không có Chúa, chúng con chẳng là gì. Amen. 




TẢNG ĐÁ GÓC TƯỜNG



Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô Theo Thánh Marcô (Mc 12: 1-12)

Trang Tin Mừng hôm nay thuộc phần II theo Thánh Máccô với chủ đề lớn nói về “Mầu Nhiệm Con Người”.

Trong phần này có tựa đề là “Phán xét Giêrusalem” vì đoạn Mc 12,1-12 nói về dụ ngôn những tá điền sát nhân, như một tiếng chuông vang thức tỉnh lòng những ai xem thường hoặc sống lơ là, đã làm những việc mà phải trả lẽ trong ngày cánh chung khi ra trước toà Chúa phán xét.

         Và ta thấy sau một chuỗi giải thích và phân tích dụ ngôn, các thầy thượng tế, kinh sư chợt hiểu ra một điều là: Chúa Giêsu đang có ý nhằm nói đến họ. Và họ tìm cách bắt  Chúa Giêsu vì sự xỉ nhục này, nhưng họ sợ đám đông, vì dân chúng đang say mê lắng nghe giáo thuyết của Ngài : một vị giảng sư có uy quyền trong lời nói và việc làm chứ không như các kinh sư của họ. Họ không bắt được Chúa Giêsu vì có lẽ chưa đến giờ của Ngài. Thế là họ đành bỏ Ngài mà đi. Họ bỏ đi để chờ dịp thuận tiện.

          Mở đầu chương 12, tác giả cho thấy Chúa Giêsu miêu tả về một người chủ vườn nho. Ông ta có vẻ quí mến và quan tâm khá nhiều đến vườn nho của ông. “Ông rào giậu, đào bồn đạp nho và xây tháp canh.... rồi cho tá điền canh tác....” ( c.1). Trước khi đi xa, ông chủ đã bố trí, sắp dặt mọi công việc đến nỗi ông tin tưởng giao vườn nho cho các tá điền trong thời gian ông vắng mặt. Vì công việc bận rôn nơi phương xa, và không thể về để thu hoạch hoa lợi,nên ông phái đầy tớ của ông đến, thay mặt ông thu góp mùa màng (x.c.2).

Và ta thấy rõ 2 thái cực đối lập. Ông chủ đã chuẩn bị sẵn sàng mọi thứ và các tá điền chỉ việc chăm sóc, thu hoạch không vất vả. Giậu đã rào. Bồn đã xây và có cả tháp canh để trông chừng kẻ cướp. Các tá điền chỉ việc tưới bón, cắt tỉa... đến mùa hái nho cho vào bồn đạp nho.

Chủ thương tá điền đến như vậy mà các tá điền không thu hoa lợi cho chủ. Họ muốn chiếm đoạt cho họ phần hoa lơị này và cả vườn nho nữa. Họ đánh đập những đầy tớ đến thu hoa lợi, đuổi họ ra về tay không. Ông chủ không nản lòng. Ông vẫn tin tưởng họ nên sai đầy tớ khác đến, vì cho  rằng : có lẽ đầy tớ trước không biết cách thu hoa lợi chăng ? Càng ngày ông càng sai nhiều nhóm đầy tớ khác nhau đến, nhưng kết quả “tay trắng vẫn hoàn trắng tay”.

Hơn nữa họ còn bị đánh đập, bị hạ nhục và bị giết chết ( c.3-5). đến nỗi ông không còn đầy tớ để sai đi nữa ( có lẽ một phần bị giết hại, một phần vì quá sợ... nên không ai dám làm việc cho chủ nữa). Cuối cùng, ông chỉ còn một người nữa oà người con yêu dấu. Ông quyết định cử cậu con trai yêu quí của mình đến gặp họ để giải quyết vấn đề vì nghĩ rằng : Ít ra chúng sẽ tôn trọng con trai ta ( c.6)

           Đến đây, chúng ta thấy tình thương của ông chủ lên đến đỉnh điểm. Lòng nhân hậu của ông khiến ông mù quáng đến độ sai con mình đến gặp bọn “ác ôn”. Ông tin vào tình yêu, ông tin vào con người. Và niềm tin của ông đã được đáp trả tương xứng nhưng theo chiều nghịch. Ông càng thương, càng cố gắng thuyết phục thì họ càng ganh ghét, càng muốn chiếm đoạt bằng mọi giá “Đứa thừa tự đây rồi, nào ta giết nó đi và gia tài sẽ về tay ta”.(c.7).

Thế là họ cùng nhau thực hiện mưu đồ điên dại của họ.

Họ nghĩ , làm như vậy là họ sẽ làm chủ vườn nho ( c.8). Họ quên rằng vẫn còn một người có quyền trên họ, có quyền giết chết hoặc để họ sống, đó là ông chủ. Và Chúa Giêsu kết luận, đưa ra kết quả của dụ ngôn này là : Ông sẽ tiêu diệt các tá điền và giao vườn nho cho người khác ( c.9).

Thiên Chúa đã giao dân Israel cho các lãnh tụ Do Thái chăm sóc, nhưng họ không chu toàn trách nhiệm. Các ngôn sứ nhiều lần được sai đến nhắc nhở họ, họ đã không nghe mà còn bách hại các vị ấy. Cuối cùng Thiên Chúa sai chính Con Một của mình đến, họ cũng không nghe và còn giết chết Người Con ấy. Bởi vậy Thiên Chúa sẽ truất quyền họ, Ngài sẽ ban Nước Trời cho một dân khác là Giáo Hội. Phần Chúa Giêsu, tuy bị giết chết nhưng Ngài sẽ sống lại và làm nền tảng cho Giáo Hội.

Thiên Chúa dùng những cách thức khác nhau để thanh luyện và hướng dẫn dân riêng, làm cho họ trở nên sẵn sàng đón nhận Đấng Cứu Thế và đồng thời trở nên gương mẫu cho các dân tộc khác trong việc phát huy công lý, tinh thần trách nhiệm và tình huynh đệ. Đó là hoa lợi mà họ có nhiệm vụ dâng cho Chúa. Nhưng thực tế không được như vậy, vì họ đã đối xử bất công và giết chết những người được Thiên Chúa sai đến nhắc cho họ về món nợ hoa lợi này. Và thậm chí họ còn ra tay với cả con ông chủ nữa. Nhưng có một điều hoàn toàn bất ngờ: Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ lại trở nên đá tảng góc tường. Đó chính là công trình của Chúa, công trình kỳ diệu trước mắt chúng ta. Lòng thương xót của Chúa thì lớn hơn tội ác của con người. Nhìn một cách nào đó thì chính tội lỗi của con người lại là cái cớ, là cơ hội để lòng thương xót của Chúa thực thi những điều kỳ diệu trước mắt chúng ta.

           Công trình của Thiên Chúa khác hẳn với dự tính của chúng ta. Thiên Chúa đã dùng chính tảng đá mà thợ xây loại bỏ. Tảng đá đó là Chúa Giêsu. Ngài là Con Một yêu dấu của Chúa Cha đã bị các thượng tế, kinh sư loại bỏ và giết chết. Tảng đá này Thiên Chúa đã xử dụng làm tảng đá góc, nối kết các dân ngoại tôn thờ Thiên Chúa với dân Do Thái (người tin vào Chúa Giêsu ). Nhờ Chúa Giêsu mà hai bức tường này đựơc liên kết dính liền với nhau, do đó bảo đảm sự vững chắc của chúng.

         Ngày nay, nhiều người không ít lần đã buột miệng kêu trách người Do Thái xưa : Sao không tin Chúa? Sao lại đối xử  với Chúa như vậy? Nhưng rồi khi nghĩ lại, ta cũng đâu thua kém gì họ. Với những chứng từ sống động của các tông đồ, nhưng trang kinh thánh dẫn chứng rành rành, những cái chết của các vị Thánh Tử Đạo... để làm chứng về một Thiên Chúa, vậy mà chúng ta vẫn cứng lòng, vẫn làm ngơ trước lời mời gọi của Chúa qua Lời Chúa, qua các Bí Tích. Thậm chí đôi lần chúng ta đã bách hại các tôi tớ của Chúa khi không cộng tác với các vị chủ chăn trong công việc mục vụ, chê bai, nói hành nói xấu vu oan cáo vạ....Và giờ đây chúng ta thành tâm xin lỗi Chúa và xin Chúa giúp chúng ta sống là một Kitô hữu ngày càng tốt đẹp hơn 

 
Huệ Minh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét