Thứ Năm, 7 tháng 6, 2018

Thứ bảy ngày 09.06.2018

Tin Mừng Lc 2: 41- 51 Hình ảnh Đức Mẹ bên chân thánh giá, chứng kiến đến cùng cái chết thương đau của Chúa Giêsu, cho biết trọn vẹn sự hiệp công cứu độ của Mẹ Thiên Chúa cùng đồng hành với Con của mình trên con đường thánh giá
                                            
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca (Lc 2: 41- 5 
Hằng năm, cha mẹ Đức Giê-su trẩy hội đền Giê-ru-sa-lem mừng lễ Vượt Qua.42 Khi Người được mười hai tuổi, cả gia đình cùng lên đền, như người ta thường làm trong ngày lễ.43 Xong kỳ lễ, hai ông bà trở về, còn cậu bé Giê-su thì ở lại Giê-ru-sa-lem, mà cha mẹ chẳng hay biết.44 Ông bà cứ tưởng là cậu về chung với đoàn lữ hành, nên sau một ngày đường, mới đi tìm kiếm giữa đám bà con và người quen thuộc.45 Không thấy con đâu, hai ông bà trở lại Giê-ru-sa-lem mà tìm.46 Sau ba ngày, hai ông bà mới tìm thấy con trong Đền Thờ, đang ngồi giữa các thầy dạy, vừa nghe họ, vừa đặt câu hỏi.47 Ai nghe cậu nói cũng ngạc nhiên về trí thông minh và những lời đối đáp của cậu.48Khi thấy con, hai ông bà sửng sốt, và mẹ Người nói với Người: "Con ơi, sao con lại xử với cha mẹ như vậy? Con thấy không, cha con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con! "49 Người đáp: "Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao? "50 Nhưng ông bà không hiểu lời Người vừa nói.51 Sau đó, Người đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Na-da-rét và hằng vâng phục các ngài. Riêng mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng.

SUY NIỆM

Hôm qua chúng ta tôn thờ Thánh Tâm Chúa Giêsu, hôm nay chúng ta mừng kính Trái tim vẹn sạch Đức Mẹ. 

Hình ảnh Đức Mẹ bên chân thánh giá, chứng kiến đến cùng cái chết thương đau của Chúa Giêsu, cho biết trọn vẹn sự hiệp công cứu độ của Mẹ Thiên Chúa cùng đồng hành với Con của mình trên con đường thánh giá.

Đó cũng chính là ý nghĩa cuộc tử đạo, không đổ máu, nhưng kiên cường của Đức Mẹ. Cuộc tử đạo ấy là cuộc tử đạo của cả một đời đi theo Chúa, vác thập giá với Chúa. Cuộc tử đạo ấy đã làm cho Đức Mẹ hiệp công cùng Con trong từng ngày tháng của đời mình cứu độ trần gian. 

Tin Mừng cho chúng ta biết điều đó:

- Khi nghe cụ già Simêon tiên báo: “Lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn Bà”.

- Khi bị Hêrôđê tìm giết Con, đã phải bồng Con lặn lội trong đêm trốn sang Aicập.

- Khi lạc mất Con, phải đôn đáo tìm Con đến ba ngày mới gặp.

- Khi dõi theo bước chân truyền giáo của Con và nhận ra đó không phải là những bước chân êm đềm, nhưng phải luôn luôn đối đầu với sự khinh miệt, bị thù ghét, nhiều lần bị rắp tâm giết hại.

- Khi theo Con trên đường lên đồi Sọ, chứng kiến cảnh tượng Con mình: vai vác thập giá nặng, thân thể đầy thương tích do roi đòn, do lòng thù hận của loài người gây nên. 

- Chứng kiến Con đội mão gai mà xót đau như chính những gai nhọn kia đâm thẳng vào đầu mình.

- Cùng chịu đóng đinh đau đớn với Con khi chứng kiến Con oằn quại trước những mũi đinh đâm thâu tay chân.

- Cùng Con chết lặng, khi chứng kiến đến cùng giây phút cuối đời bi thương của Con.

- Buốt giá tâm hồn khi nhận lấy thân xác cứng đờ của Con từ trên thánh giá.

Đúng là một cuộc tử đạo trọn vẹn như lời thánh Bênađô đã nói: “Sự đau đớn đã đâm thâu tâm hồn Mẹ, khiến chúng con có thể nói một cách thích đáng rằng: Mẹ còn hơn người tử đạo, vì nơi Mẹ, niềm thông cảm đau khổ của Con, khiến Mẹ đau đớn hơn cả sự đau đớn trên thân xác”.

Như vậy Đức Mẹ Maria đã bắt đầu cuộc lữ hành đức tin bằng những lời xin vâng: “Tôi là nữ tỳ Chúa. Tôi xin vâng như lời thiên thần truyền” (Lc 1, 38) và những lời vui tươi hăng hái của người mẹ trẻ: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa... Vì Đức Chúa đã nhìn đến phận hèn tôi tớ Đức Chúa...” (Lc 1, 46-55). Lời xin vâng ấy vẫn trọn vẹn, vẫn một niềm son sắt khi thông hiệp và cùng liên đới trong sự đau thương cùng cực của Chúa Giêsu. Sự làm một với Con trong nỗi đau thánh giá ấy, được Tin Mừng Gioan khắc họa thành hình tượng vô cùng đẹp trong vẻ đẹp bi hùng: “Đứng gần thập giá Đức Giêsu, có thân mẫu Người” (Ga 19, 25).

Mừng lễ Trái tim vô nhiễm Đức Mẹ, chúng ta được mời gọi noi gương Đức Mẹ, kết hợp cuộc đời khổ đau của chúng ta với cuộc đời tử nạn của Chúa Giêsu như đức Mẹ. Nhờ thế, chúng ta tin tưởng sẽ cùng được hưởng phúc trường sinh vinh hiển với Chúa như Đức Mẹ. 

Lạy Mẹ Maria, xin cho chúng con hằng ngày biết sẵn lòng chịu mọi gian lao đau khổ, hiệp cùng sự thương khó của Mẹ, để cùng Mẹ cộng tác vào chương trình cứu rỗi của Chúa Kitô, nhằm mang lại sự sống đời đời cho chính chúng con và cho thế giới. Amen.


GKGĐ Giáo Phận Phú Cường

TRÁI TIM TINH TUYỀN CỦA MẸ


Lời cầu nguyện nhập lễ của phụng vụ trong lễ Trái Tim Vô Nhiễm giúp chúng ta hướng về sứ điệp quan trọng của lễ mà chúng ta mừng kính tình yêu của Mẹ với lời khẩn xin : “Lạy Chúa, Chúa đã chuẩn bị trái tim tinh tuyền của Mẹ Maria để trở thành nơi trú ngụ của Chúa Thánh Thần. Xin cho chúng con là dân Chúa tuyển chọn, được trở thành những đền thờ của vinh quang Ngài. Xin Mẹ giúp chúng con, là những người con thiêng liêng của Mẹ, được kết hiệp luôn mãi trong tình thắm thiết với Con của Mẹ và không bao giờ để tội lỗi làm chúng con lìa xa Chúa.”

Thánh tâm Chúa Giêsu là dấu chỉ tình thương vô hạn mà Thiên Chúa dành cho con người, thì Trái tim vẹn sạch Đức Trinh nữ Maria cũng thế, cũng là dấu chỉ của tình yêu, nhưng là tình yêu của Mẹ đối với Thiên Chúa và đối với Đức Giêsu Kitô, con yêu dấu của Mẹ. Tuy nhiên, một cách đặc biệt, khi tôn kính Trái tim vẹn sạch Đức Trinh nữ Maria, Giáo Hội cũng tôn kính tình yêu hiền mẫu của Mẹ đối với toàn thể nhân loại.

Việc tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ được dựa trên nền tảng Phúc Âm. Trong Tân Ước, sách Tin Mừng theo Thánh Luca có hai lần nhắc đến Trái Tim Mẹ Maria trong đoạn 2 câu19: “Maria ghi nhớ những điều này và suy niệm trong lòng” và “Còn Mẹ Ngài thì ghi nhớ những điều này trong lòng.” (Lc 2, 51).

Trong Cựu Ước, trái tim dược xem như biểu tượng thẳm sâu trong tâm lòng con người, là trung tâm của mọi chọn lựa và cam kết. Đối với nhân loại, đó là biểu tượng của tình yêu. Trong sách Đệ Nhị Luật ta đã nghe rằng: “Ngươi hãy yêu mến Chúa, Thiên Chúa ngươi, hết tâm lòng, hết sức lực và trí khôn ngươi.” (6,5). Khi các biệt phái chất vấn Đức Kitô về giới răn nào trọng nhất, Ngài đã nhắc lại đoạn Kinh Thánh này để trả lời cho họ (Mc 12, 29-33).

Cũng chính Trái Tim Mẹ đã đáp trả bằng tiếng “Xin vâng” với Thiên Chúa. Đó là lời đáp cho sứ thần Truyền Tin. Do sự ưng thuận vì tình yêu, Mẹ Maria trước hết đã cưu mang Đức Giêsu trong trái tim mình và rồi cũng cưu mang trong cung lòng của Mẹ. Đức Kitô, chính Ngài: khi được người phụ nữ trong đám đông ca tụng phúc cho cung lòng người nữ đã sinh thành ra Chúa, thì Ngài đã trả lời: “Ai nghe và giữ Lời Thiên Chúa thì có phúc hơn.” (Lc 11,28). Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, trong thông điệp đầu tiên, Đấng Cứu Chuộc Con Người, đã viết, “Mầu nhiệm của Cứu Độ đã được hình thành trong trái tim của Đức Trinh Nữ Thành Nazaret khi Mẹ thưa lời Xin Vâng.’

Sau khi Nguyên Tổ sa ngã, dù con người đã phạm tội chống lại Thiên Chúa, Thiên Chúa vẫn tiếp tục yêu thương Ađam và Evà. Người muốn họ và tất cả loài người phát xuất từ hai ông bà được sống trong tình nghĩa với Người nên đã sai Đấng Cứu Chuộc đến để giao hòa con người với Thiên Chúa (St 3,15) và phục hồi tình trạng ơn thánh cho chúng ta.

Ta thấy trái tim thứ nhất có sứ mạng tuân hành thánh ý Thiên Chúa Cha, nhập thể và nhập thế để trở nên của lễ đền tội cho nhân loại: “Này con đây, con đến để thực thi ý ngài” (Dt 10, 8-9). Nhưng để có thể xuất hiện trong cuộc đời này, trái tim thứ nhất rất cần có sự cộng tác của trái tim thứ hai để cho thánh ý được nên trọn. Thiên Chúa không phải chờ lâu, trái tim thứ hai đã mau mắn đáp lại tiếng mời gọi của Sứ Thần Gabriel : “Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời Sứ Thần truyền” (Lc 1, 38).

Và bắt đầu từ đó, hai trái tim hòa quyện với nhau, trở nên một tâm tình, một ý chí và một lòng mến: yêu Trời, yêu đời và yêu người, đến nỗi ta không bao giờ có thể tách biệt 2 trái tim ấy ra.

Có lẽ chính vì ý thức như vậy nên liền sau lễ kính Thánh Tâm Chúa Giêsu, Giáo Hội mừng lễ trái tim vô nhiễm Mẹ Maria để muốn nói lên rằng Mẹ và Con Yêu Dấu của Mẹ đã liên kết với nhau chặt chẽ, đã đồng tâm nhất trí với nhau, đã một lòng một ý vâng lời Thánh ý Thiên Chúa Cha và hoàn toàn dâng hiến cho nhân loại. Có lẽ không có hình ảnh nào cao cả cho bằng hình ảnh Mẹ Maria đứng dưới chân Thánh Giá.

Chính lúc lưỡi đòng đâm thâu trái tim Con của Mẹ thì cũng là lúc trái tim Mẹ nát tan. Có lẽ để chứng thực điều đó nên vào ngày 13/6/1929, khi hiện ra với Chị Lucia, Mẹ đã cho Chị nhìn thấy trái tim của Mẹ bốc lửa và bị vòng gai quấn chung quanh, bên cạnh là Thánh Giá Chúa Giêsu lơ lửng trên trần nhà nguyện.

Ta thấy tình thương của Mẹ Maria đối với con người không ngừng bị xúc phạm. Hình ảnh trái tim của Mẹ bị lưỡi gươm đâm thấu mà cụ già Simêon đã cho thấy điều đó. Và trong sứ điệp Fatima, Mẹ Maria đã tỏ cho chúng ta thấy tình yêu của Mẹ đã bị tội lỗi của thế gian gây nên biết bao thương tích. Bởi đó, một trong ba mệnh lệnh Fatima là “Hãy đền tạ trái tim vô nhiễm nguyên tội của Mẹ Maria”.

Chiêm ngưỡng Trái tim Mẹ vẹn tuyền thanh sạch, đầy tình yêu thương, trọn lành thánh thiện, trung thực phản ảnh ưu phẩm toàn mỹ, toàn thiện, toàn ái của Ba Ngôi Thiên Chúa, để chúng ta nhìn thẳng vào quả tim tội lỗi sắt đá của chúng ta, xin Trái tim Vô nhiễm Mẹ cải hoá quả tim chúng là với những tâm tình tốt lành thánh thiện.

Thật vậy, khi trao ban thánh Gioan cho Mẹ Maria, Đức Giêsu cũng trao ban mỗi người chúng ta cho Mẹ Maria. Bởi đó, dù thánh thiện hay tội lỗi, giàu sang hay nghèo hèn, thông minh hay đần độn, khoẻ mạnh hay bệnh tật, mỗi người chúng ta đều được Mẹ Maria đón nhận như người con trọn vẹn của Mẹ. Mỗi người chúng ta đều được Mẹ Maria dành cho tất cả tâm tình và tình thương mà Mẹ đã dành cho Đức Giêsu. Mỗi người chúng ta đều được Mẹ Ma-ri-a dành cho một chỗ đặc biệt trong trái tim Mẹ.

Qua việc mừng Lễ Trái Tim Vô Nhiễm của Đức Ma-ri-a, Hội Thánh  muốn nhắc nhở con cái mình: Người Công Giáo đã được trở nên con cái Mẹ, thì phải nên giống Mẹ năng đến Nhà Thờ gặp Chúa, vì mỗi khi phạm tội là ta lạc mất Chúa, hãy trở lại Đền Thờ để tham dự Thánh Lễ, nhờ Chúa ta được thanh tẩy, và cho ta tham dự vào ơn Vô Nhiễm của Mẹ. Như lời thánh Gioan nói: “Mầm giống của Đức Ki-tô lưu lại trong kẻ ấy, và kẻ ấy không thể phạm tội, bởi chưng đã được sinh bởi Thiên Chúa” (1Ga 3,9). 



Huệ Minh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét