Thứ Ba, 17 tháng 4, 2018

Thứ bảy ngày 14.04.2018



 
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Gioan (6:16-21)

16 Chiều đến, các môn đệ xuống bờ Biển Hồ,17 rồi xuống thuyền đi về phía Ca-phác-na-um bên kia Biển Hồ. Trời đã tối mà Đức Giê-su chưa đến với các ông.18 Biển động, vì gió thổi mạnh.19 Khi đã chèo được chừng năm hoặc sáu cây số, các ông thấy Đức Giê-su đi trên mặt Biển Hồ và đang tới gần thuyền. Các ông hoảng sợ.20 Nhưng Người bảo các ông: "Thầy đây mà, đừng sợ!"21 Các ông muốn rước Người lên thuyền, nhưng ngay lúc đó thuyền đã tới bờ, nơi các ông định đến.

    Suy niệm

Hành trình thi hành sứ vụ của Chúa Giêsu gắn liền với sông ngòi, biển cả, đồng bằng nhiều hơn là thành thị. Chúa Giêsu kêu gọi các ông cũng xuất phát từ biển hồ gắn liền với ngành nghề mà các ông đang thủ đắc. Có lẽ, Chúa Giêsu hiểu rõ về cuộc đời của người môn đệ cũng chẳng khác là mấy so với nghề đánh cá. Cho nên, tiện cho việc giúp các ông thấu hiểu công việc Chúa Giêsu cần các ông cũng không khó để các ông chấp nhận từ bỏ mọi sự mà theo Người. Hơn nữa, trong hành trình này, các ông là những người có kinh nghiệm thực tiễn, giúp các ông dễ dàng hơn với chân lý mầu nhiệm cuộc đời Ngôi Hai Cứu Chuộc. 

Cái sợ của các ông có nhiều nguyên nhân. Nếu nói các hoảng sợ vì gió biển thì có phần không đúng lắm, vì các ông đều gắn liền với nắng gió, sóng bão của biển cả từ nhỏ. Còn nếu nói các ông hoảng sợ vì nhìn thấy Chúa Giêsu như bóng ma thì có vẻ hợp lý hơn, vì đêm tối khiến mắt thể lý không còn nhận diện cách tỏ tường. Quan trọng nhất, các ông vẫn chưa thật sự thẩm thấu điều các ông đang theo đuổi là gì, nghĩa là các ông và Thầy chưa thật sự thấu hiểu, tri kỷ hay nên một để có thể thần giao cách cảm đến tâm kết tâm, tim trao tim được. Chúa Giêsu không hề tỏ ra khó chịu vì sự hoảng sợ của các ông, mà ngược lại khi Người hiện diện các ông đã thấy được bờ bến của tình yêu và tràn đầy hy vọng. 

Tàu cập bến là dấu chỉ cho việc ra khơi thành công và đánh bắt được như ý. Cái mà các ông có được sau chuyến tàu đêm đó là gặp Chúa nơi bến bờ tình yêu. Gặp Chúa Giêsu chính là hạnh phúc của người Kitô hữu mỗi khi đến nhà thờ, cầu nguyện chung trong gia đình hoặc khi hành hương, hay làm việc bác ái. Nên ý nghĩa hơn nếu cả chuyến hành trình, cả chuyến tàu trên biển đời chúng ta luôn có Người hiện diện, để cứu giúp và chèo lái con tàu của người Kitô hữu đến bến bờ tình yêu. 



GKGĐ Giáo Phận Phú CườngHÃY TIN VÌ CÓ CHÚA Ở CÙNG


    Thánh Gioan thuật lại rằng, tại vùng Biển Hồ Gialilê, sau khi làm phép lạ hóa bánh ra nhiều, dân chúng khen ngợi tung hô Đức Giêsu, nhưng Người đã lánh lên núi cầu nguyện, Cùng lúc ấy, các môn đệ xuống thuyền để đi về phía Caphácnaum bên kia Biển Hồ. Lúc đó, trời đã về chiều và bóng tối sắp bao trùm mà Đức Giêsu vẫn chưa xuống thuyền. Bất chợt gió nổi lên khiến biển động mạnh. Các môn đệ lo lắng chèo chống thì thấy một bóng lớn xuất hiện, các ông hoảng hốt la lên. Đức Giêsu đi trên mặt biển đến và trấn an các ông.

    Vượt biển hồ trong đêm tối là việc rất mạo hiểm, hơn nữa lại không có Đức Giêsu đi cùng, các môn đệ cũng có chút lo âu, sợ hãi; nhưng vâng lời Thầy, các môn đệ xuống thuyền và khởi hành lúc chiều xuống. Thuyền rời bến cũng khá lâu, bấy giờ đêm tối đã bao phủ mặt hồ; trời bỗng nổi gió mạnh, biển động dữ giội, các môn đệ hoảng hốt và có ý trông đợi Đức Giêsu đến sau như lời người căn dặn, mặc dù không biết Người đến bằng cách nào.

   Thuyền đi được khoảng năm hay sáu cây số, đang chòng chành vì sóng to gió lớn thì các môn đệ thấy bóng một người đang đi trên mặt biển hồ, tiến về phía thuyền mình; các ông càng hoảng hốt sợ hãi hơn. Bỗng nghe tiếng Đức Giêsu gọi “Thầy đây mà, đừng sợ!”; các môn đệ nghe tiếng Người nói thì bình tĩnh trở lại vì nhận ra Đức Giêsu đang đi trên mặt biển mà đến với các ông, các ông vui mừng muốn rước Người lên thuyền, nhưng ngay lúc đó thuyền đã tới bờ, nơi các ông định đến.

   Thánh Gioan mô tả chi tiết chính xác về thời gian, không gian, địa điểm và cách thế Đức Giêsu xuất hiện. Đó là lúc chiều, trời tối, biển động, gió mạnh. Các môn đệ chèo được chừng năm hoặc sáu cây số. Một chi tiết đặc biệt quan trọng, các môn đệ muốn rước Đức Giêsu lên thuyền vì tưởng còn xa bờ. Nhưng ngay lúc ấy thuyền đã tới bờ đúng như ý muốn của các ông.

   Đi trên mặt biển hồ, Đức Giêsu vượt lên trên vật chất, không bị nhấn chìm; Người tỏ hiện quyền năng Con Thiên Chúa mà chế ngự vật chất, Người đi trên mặt biển đến với các môn đệ để trấn an và củng cố đức tin của các ông, cho các ông một trải nghiệm về sự hiện diện của Người: bình an và niềm vui. Theo trình thuật Tin Mừng của thánh sử Gio-an, sau đó Người còn thực hiện một phép lạ cả thể khác đó là: đưa cả con thuyền và các môn đệ ở trên đó đến bờ biển nơi các ông định đến lúc khởi hành.

   Đức Gioan Phaolô II với khẩu hiệu: “Đừng sợ! Hãy mở rộng cửa đón Chúa Kitô.” Ngay từ những ngày đầu kế nhiệm thánh Phêrô, ngài đã dõng dạc tuyên bố những lời này và đã lặp lại nhiều lần trong suốt hơn 26 năm triều đại giáo hoàng của ngài. Chắc chắn vị tân chân phước cũng nhắc lại điều đó cho chúng ta qua Lời Chúa hôm nay. Đang bị chao đảo vì sóng to gió lớn trên Biển Hồ, các tông đồ hoảng sợ mặc dù thấy Chúa đang đến với mình. Nhưng khi Chúa nói: “Thầy đây, đừng sợ!” mọi lo sợ lập tức tiêu tan, và các ông đã cập bến bình an.

   Các môn đệ Chúa Giê-su cũng thường sợ. Họ sợ mất Thầy. Họ sợ bị chống đối. Họ sợ sự dữ. Thế nên, Chúa luôn mời gọi các ông: “đừng sợ”. Đừng sợ vì Chúa luôn ở cùng họ. Đừng sợ vì Chúa đã thắng thế gian. Chúa cũng trách họ, vì họ thiếu lòng tin nên mới sợ: " Sao các ngươi sợ? không có đức tin sao?". Thì ra sợ hãi có nguyên nhân là không có lòng tin vào Chúa quyền năng. Thiếu đức tin vào Chúa nên con người mới sợ. Thiếu đức tin nên khi gặp một chút gian nan con người đã hoài nghi về sự hiện diện của Chúa.

   Chúa Giêsu biết chắc các môn đệ đang sợ hãi nên trấn an ngay “Thầy đây mà, đừng sợ”. Khi Đức Giêsu lên thuyền thì mọi chuyện đều ổn và các ông thấy thuyền đã tới bờ. Thời Cựu Ước, ông Môsê đã đưa dân Do Thái xuất hành vượt qua Biển Đỏ bình an. Thời Tân Ước, Đức Giêsu đi trên biển đưa các môn đệ vượt qua cuộc xuất hành mới để đạt đến sự viên mãn trong Thiên Chúa.

   Hội Thánh được ví như một con thuyền đang phải đối diện với nhiều cơn sóng dữ. Những tư tưởng bài thiêng tục hóa, những trào lưu sống vô luân, vô thần, vô tâm …như những bóng tối đang bủa vây Hội Thánh. Thế nhưng Hội Thánh vẫn luôn đứng vững vì có sự hiện diện của Chúa. Với tất cả lòng yêu mến Hội Thánh, cảm thấy rất rõ những vấn nạn của thời đại gây ảnh hưởng đến sức sống và sự thánh thiện của Hội Thánh, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chia sẻ nỗi ưu tư: “Tôi thấy rõ ngày nay Hội Thánh cần có khả năng chữa lành các vết thương và sưởi ấm tâm hồn các tín hữu. Hội Thánh cần sự gần gũi cận kề”. Ngài đã nhìn thấy “Hội Thánh như một bệnh viện dã chiến sau một trận động đất”. Giống như Đức Giêsu, Hội Thánh mang lấy những vết thương đau của nhân loại để băng bó chữa lành.

   Hội Thánh luôn tìm kiếm những nạn nhân bị bỏ rơi bên vệ đường, vực họ dậy, rửa sạch vết thương và đưa về nơi an bình. Với sứ mạng đại diện Chúa Kitô, các vị mục tử cần phải ra đi kiên nhẫn tìm kiếm những con chiên lạc để không một con nào phải hư mất. Đây chính là Tin Mừng đích thực của Chúa Giêsu, một Tin Mừng rao giảng trong mọi hoàn cảnh, đi vào mầu nhiệm của con người với tất cả niềm vui và nỗi buồn, với mọi nỗi lo âu trắc trở.

   Trong cuộc sống, rất nhiều khi chúng ta cảm thấy như bị Thiên Chúa bỏ mặc cho bão táp xô đẩy. Thật ra Ngài vẫn có đó. Ngài ban cho chúng ta lý trí tự do, ý chí và ân sủng để có thể lướt qua sóng gió cuộc đời. Có thể đến khi thuyền cập bến chúng ta mới được đối diện với Thiên Chúa, nhưng không vì thế mà cho rằng Ngài vắng mặt, bởi vì Ngài thấy trước những gì sẽ xảy ra và những gì Ngài sẽ làm.

   Đứng trước biển đời nhiều sóng gió thì Chúa Giêsu mãi là bến bờ bình an để mỗi người chúng ta hướng về. Một khi đã có Chúa hiện diện, thì dù trời tối hay sáng, chúng ta vẫn có được niềm vui và bình an đích thực. Con thuyền của đời ta bé nhỏ trước biển đời mênh mông. Chúng ta sẽ không sợ hãi, không cô đơn nếu nhận ra sự hiện diện của Chúa. Mỗi gia đình, mỗi cộng đoàn hãy đón rước Chúa Giêsu vào, để Người đem đến sự bình an đích thực cho chúng ta.

Huệ Minh


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét