Thứ Sáu, 19 tháng 10, 2018

THỨ BẢY NGÀY 20.10.2018


 Ep 1, 15-23   Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Êphêxô.
Anh em thân mến, khi nghe biết lòng tin của anh em đối với Chúa Giêsu, và lòng mến của anh em đối với hết thảy các thánh, tôi không ngừng tạ ơn Chúa cho anh em, khi nhớ đến anh em trong kinh nguyện. Xin Thiên Chúa của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, là Cha vinh hiển, ban cho anh em thần trí khôn ngoan và mạc khải, để nhận biết Người. Xin cho mắt tâm hồn anh em được sáng suốt, để anh em biết thế nào là trông cậy vào ơn Người kêu gọi, thế nào là sự phong phú gia nghiệp vinh quang nơi các thánh, và thế nào là quyền năng vô cùng lớn lao của Người đối với chúng ta, là những kẻ tin, chiếu theo hành động của sức mạnh quyền năng Người, công việc mà Chúa đã thực hiện trong Đức Kitô, tức là làm cho Ngài từ cõi chết sống lại, và đặt Ngài ngự bên hữu mình trên trời, vượt trên mọi cấp trật, các lãnh thần, quyền thần, dũng thần, và quản thần, vượt trên mọi danh hiệu được xưng hô cả đời này lẫn đời sau.
Chúa khiến mọi sự quy phục dưới chân Ngài, và tôn Ngài làm đầu toàn thể Hội Thánh là thân thể Ngài, và là sự sung mãn của Đấng chu toàn mọi sự trong mọi người. Đó là lời Chúa.
PHÚC ÂM: Lc 12, 8-12
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Hễ ai xưng nhận Thầy trước mặt người đời, thì Con Người cũng sẽ xưng nhận nó trước mặt các thiên thần của Thiên Chúa; nhưng ai chối bỏ Thầy trước mặt người đời, thì sẽ bị chối bỏ trước mặt thiên thần của Thiên Chúa. Và hễ kẻ nào nói phạm đến Con Người, thì nó sẽ được tha. Nhưng kẻ nào nói phạm thượng đến Thánh Thần, thì sẽ không được tha.
Khi người ta điệu các con vào các hội đường, đến trước mặt vua quan và chính quyền, các con chớ lo lắng phải thưa làm sao, hay phải nói thế nào, vì trong giờ ấy, Thánh Thần sẽ dạy các con phải nói thế nào”. Đó là lời Chúa.           thanhlinh.net)
BỆNH LIỆT KHÁNG  TÂM LINH
Suy niệm: Một bộ phận của cơ thể, một khả năng của con người nếu để lâu ngày không sử dụng, sẽ teo lại vào bị đào thải. Mặt khác, nếu trong một thời gian dài, nó phải tiếp xúc với những chất độc, nó sẽ dần mất đi sức đề kháng và bị nhiễm độc mà không hay biết. Phần tâm linh của con người cũng tương tự như thế. Người ta cũng có thể mất đi khả năng nhận thức Thiên Chúa nếu như trong suốt cuộc đời này họ nhắm mắt tâm hồn, đóng cửa lòng mình trước Thiên Chúa. Mặt khác, ai thường xuyên đắm chìm trong tội, người ấy cũng mất đi khả năng nhận ra mình có tội, và do đó cũng không còn khả năng sám hối để được ơn tha thứ. Đó chính là những triệu chứng của căn bệnh nghiêm trọng của thời đại: bệnh liệt kháng tâm linh.
Sống Lời Chúa: Để phòng chống bệnh liệt kháng tâm linh, xin đề nghị một “đơn thuốc”: 1/ làm thật tốt những việc có tính làm chứng: làm dấu thánh giá trang nghiêm sốt sắng, y phục đoan trang, tề chỉnh khi đi nhà thờ, loại bỏ ảnh hưởng khiêu dâm, bạo lực ra khỏi nhà bạn…; 2/ luôn luôn kiểm điểm đời sống cách nghiêm túc để tạo sức đề kháng mạnh đối với tội lỗi.
Chia sẻ: Làm thế nào nâng cao ý thức về công bằng, khiết tịnh, nhân ái trong cộng đoàn của bạn?
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giữ gìn con luôn nhạy bén trước những đòi hỏi của Lời Chúa để con dùng đời sống làm chứng cho Chúa ở giữa thế gian. Amen.             .(5 Phút Lời Chúa)
Kiến Tạo Hòa Bình Bằng Tình Yêu
Chiến tranh và bạo lực là con đẻ của sự xem thường các quyền căn bản của con người. Quyền căn bản nhất của con người, đó là phải xem mỗi người là một ngã vị độc đáo và không thể thay thế được. Con người được tạo nên theo hình ảnh Thiên Chúa và giống như Ngài. Qua Bí Tích Phép Rửa, con người trở nên dưỡng tử của Thiên Chúa và thông dự vào ơn cứu chuộc nhờ Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa nhập thể.
Ở nơi đâu con người còn bị lạm dụng để làm thỏa mãn quyền lợi, nhu cầu, khát vọng của người khác thì ở đó sẽ nảy sinh bạo lực, lộn xộn và chiến tranh. Trái lại, ở nơi nào con người biết phục vụ cho quyền lợi của anh chị em mình, biết xem anh chị em mình “là những tạo vật duy nhất được Thiên Chúa yêu thương do chính bản chất của nó“ (MV 24), thì ở đó có tình yêu đích thực, hòa bình sẽ triển nở. Bởi vì nền móng của hòa bình là tình yêu.
Nói cách khác, Thiên Chúa là nguồn gốc của hòa bình – vì Thiên Chúa là nguồn mạch của mọi tình yêu. Đời sống của Thiên Chúa Ba Ngôi là đời sống yêu thương. Chúa Cha yêu Chúa Con và Chúa Con yêu Chúa Cha. Tình yêu này mạnh mẽ và biệt vị đến nỗi nó được biểu hiện như một ngã vị thần linh – đó là Chúa Thánh Thần. Nếu chúng ta cho phép Chúa Thánh Thần tràn ngập trong lòng chúng ta, nhất là khi lãnh nhận các bí tích, thì chúng ta sẽ có được tình yêu ấy và sẽ trở thành những người kiến tạo hòa bình đích thực
LỜI SUY NIỆM: “Bất cứ ai nói phạm đến Con Người, thì còn được tha; nhưng ai nói phạm đến Thánh Thần, thì sẽ chẳng được tha.”
            Sau khi Chúa Giêsu cho biết về hậu quả của những ai tin nhận Người và không tin nhận Người. Và Người còn cho biết điều hết sức hệ trọng đến phần rỗi linh hồn là phải biết tôn kính Chúa Thánh Thần. Bởi Chúa Thánh Thần: “Ngài được phụng thờ và tôn vinh cùng với Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con.”  Mọi tác động của Thần Khí nhằm giúp chúng ta đạt đến Thiên Chúa, giúp chúng ta hiệp thông sống động với Ngài và thấu hiểu những điều bí nhiệm linh thánh của Ngài và để trao cho chúng ta “những bí ẩn của Thiên Chúa.
            Lạy Chúa Giêsu. Trong mọi Thánh Lễ chúng con đều được vị chủ tế chào mừng: “Nguyện xin ân sủng Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, tình yêu cua Chúa Cha và ơn thông hiệp cua Chúa Thánh Thần, ở cùng tất cả anh chị em” (2Cr 13,13). Xin cho chúng con luôn được vui sống với lời chào này.                         (Mạnh Phương)
Làm Trai Nên Chết Ở Biên Thùy 
Gần một nửa thế kỷ trước Chúa Giáng Sinh, một danh tướng nhà Ðông Hán là Mã Viện đã nói một câu bất hủ: “Làm trai nên chết ở chốn biên thùy, lấy da ngựa bọc thân mà chôn, chứ nằm xó giường mà chết trong tay người nâng đỡ thì còn xứng gì”.
Tại thành Sparte thuộc Cổ Hy Lạp, mỗi khi tiễn con ra trận, người mẹ thường đưa cho con một cái mộc và bảo con rằng: cùng với nó hay nằm trên nó. Cùng với nó, con đắc thắng trở về. Nằm trên nó, xác con được mọi người kính nể khiêng vác trên vai.
Người Kitô chúng ta cũng đã nhận lấy một chiếc mộc. Ðó là chiếc mộc của bí tích Rửa Tội. Qua cửa ngõ của bí tích này, chúng ta như được gửi ra chiến trường.
Cái chết từng ngày là điều đang chờ đợi chúng ta. Nhưng cái chết đó là con đường dẫn đến vinh quang Phục Sinh. Ðức Kitô, vị thủ lãnh của chúng ta, đã đi qua con đường ấy. Ngài cũng đang có mặt trong cuộc chiến của chúng ta để dìu dắt chúng ta trong từng phút giây. Nếu có một lúc nào đó, chúng ta chán nản muốn đào ngũ và bỏ cuộc, chúng ta hãy nhìn lên thập giá của Ngài. Thập giá đó phải là ánh sáng soi dẫn những đoạn đường tăm tối trong cuộc chiến của chúng ta.                                    ...(Lẽ Sống)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét