Thứ Hai, 7 tháng 12, 2015

Lễ Ðức Mẹ Vô Nhiễm 08-12

MỪNG LỄ ĐỨC MẸ VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI
Bùi Tuần, Gm.
Một trong những tước hiệu cao quý mà Hội Thánh mừng khen Đức Mẹ Maria, là "Vô nhiễm nguyên tội". Lễ kính Đức Mẹ vô nhiễm nguyên tội được cử hành hằng năm vào ngày 8 tháng 12.
Ngày này không xa trước lễ Chúa Giáng sinh. Đó cũng là một lựa chọn khôn ngoan của Phụng vụ. Như thể Phụng vụ muốn nhắc cho mọi thành phần Dân Chúa nhớ: Đức Mẹ là gương cho những ai được Chúa chọn mang Đấng Cứu thế đến các tâm hồn.
Như Đức Mẹ sinh Chúa Giêsu vào thế gian từ tấm lòng trong sáng thế nào, thì những người muốn mang Chúa Giêsu đến với các linh hồn cũng hãy có lòng trong sáng như vậy.
Gợi ý trên đây nên được chúng ta đón nhận cách đặc biệt.
Thế nào là đón nhận một cách đặc biệt?
Tôi có một vài suy nghĩ về vấn đề này, xin được chia sẻ.
Theo tôi, đón nhận gợi ý mừng lễ Đức Mẹ vô nhiễm một cách đặc biệt là nên hiểu những điểm sau đây:
1. Tình hình hiện nay rất cần những gương trong sáng.
2. Những gương trong sáng thời nay cần một số nét nổi bật.
3. Mỗi người đều có thể đóng góp cho việc nêu gương sáng trong hoàn cảnh hiện nay.
1/ Tình hình hiện nay rất cần những gương sáng
"Chuyển biến, cải cách, đổi mới, thay thế" là những từ được tung ra từ mấy năm nay. Tung ra như những hứa hẹn và khẳng định. Kết quả có tốt, có xấu.
Riêng trong lãnh vực tự do, kết quả của quá nhiều thứ chuyển biến dẫn mỗi người đến thói quen tự chủ, tự chọn, tự quyết, tự tin. Tiếp đến một bước nữa là thay đổi giới hạn niềm tin. Mỗi người xem ra chỉ tin vào một số người nhất định.
Chuyển biến niềm tin diễn ra hằng ngày. Dần dần nó gây nên khủng hoảng niềm tin trong mọi lãnh vực. Từ xã hội, Giáo Hội, đến cơ quan, bạn bè, gia đình. Người nào cũng chỉ muốn an phận, mình biết mình. Vẫn giao tiếp nhưng dè dặt, thận trọng, chừng mực.
Mất niềm tin là một hiện tượng tiêu cực. Nhưng đàng sau điều đáng ngại đó, lại ngầm mọc lên một sự kiện tích cực, đó là khát vọng gặp được những ai mình có thể đặt trọn niềm tin.
Những người như thế thường đẹp ở trong mộng, trước khi gặp được trong thực tế. Họ đẹp nhất ở cái tâm. Cái tâm của họ trong sáng, không bị tội lỗi khống chế, nhưng rạng rỡ tình yêu cứu độ. Cái tâm đó là những gương sáng. Sáng, nhưng không phô trương, bởi vì sáng mà rất khiêm nhường. Sáng, nhưng không khinh thị tối tăm của ai, bởi vì sáng mà rất yêu thương.
Những gương sáng như thế thời nay cần những nét nổi bật nào?
2/ Những nét nổi bật của gương sáng thời nay
Theo tôi, những gương sáng trong đạo thời nay cần nổi về ba điểm sau đây.
Điểm thứ nhất là chiều kích hướng trần.
Tôi tạm gọi chiều kích hướng trần là một tấm lòng rộng mở về phía phát triển các giá trị trần thế để phục vụ con người. Thí dụ, tôi được phân công phục vụ một Hội Thánh địa phương ở đồng bằng sông Cửu Long, thì cái tâm của tôi phải chia sẻ những lo âu và những hy vọng của địa phương này. Chia sẻ trong mọi khía cạnh của cuộc sống cụ thể của đồng bào tôi. Tôi thực tình chia sẻ theo yêu cầu của cuộc sống và theo khả năng của tôi. Nhất là tôi phải quan tâm nhiều đến những cuộc sống nghèo khổ.
Điểm thứ hai là chiều kích hướng thượng.
Tôi hiểu chiều kích hướng thượng là một tấm lòng khao khát những giá trị đạo đức. Như lòng yêu mến sự thực, lòng chân thành, lòng hiếu thảo, lòng yêu nước, lòng từ thiện, lòng vị tha, lòng sẵn sàng hy sinh cho lợi ích chung, lòng liên đới với số phận những người cùng khổ, lòng mơ tìm một hạnh phúc sau khi chết trong cõi đời sau.
Tại địa phương này, tôi đã nhận được nhiều giá trị đạo đức như trên. Những người đạo đức như thế đã là gương sáng cho tôi.
Tuy nhiên, một gương sáng, mà tôi mơ ước có phần nào theo gương Đức Mẹ Maria vô nhiễm nguyên tội, nên bước thêm một bước nữa, đó là tìm đến tận nguồn.
Điểm thứ ba là tìm đến nguồn của hai chiều kích nói trên.
Nguồn chảy ra ơn thánh giúp phát triển hai chiều kích trên là Thiên Chúa giàu lòng thương xót. Thiên Chúa giàu lòng thương xót được mặc khải trong Đức Kitô. Đức Kitô là Ngôi Lời Nhập thể. Người sống giữa lớp người nghèo khó. Từ sinh ra trong hang đá Bêlem cho đến chết trên thánh giá tại đồi Calvariô, Đức Kitô đã giới thiệu dung mạo thật của Thiên Chúa. Người chỉ là tình yêu. Người chỉ là quà cứu độ ban tặng. Tình yêu ấy là một cuộc chiến đấu cam go với sự ác. Một cuộc chiến mang rất nhiều hy sinh. Hy sinh vì tình yêu.
Khi đã hiểu sơ qua về gương trong sáng Chúa muốn có nơi chúng ta, để chúng ta bắt chước Đức Mẹ, mỗi người chúng ta nên có những đóng góp nào?
3/ Đóng góp của mỗi người chúng ta
Mỗi người có thể và nên đóng góp theo nhu cầu hoàn cảnh và khả năng của mình. Tôi xin phép kể một mẩu chuyện nhỏ:
Ngày nhà giáo, 20 tháng 11 năm nay, tôi được một niềm vui rất bất ngờ. Hôm đó, bất ngờ, tôi được người coi cửa phòng tôi báo cho tôi biết là có một người ngồi xe lăn xin đến thăm tôi. Tôi mời vào. Tôi rất ngạc nhiên nhận ra người ngồi xe lăn chính là một cô giáo bị bệnh từ nhiều năm. Đã từ rất lâu rồi, tôi không gặp cô. Hôm nay cô đến thăm tôi. Quà tặng là một đoá hoa hồng và một tràng hạt bằng cây Ôliu do cháu cô đi Fatima mua gởi về cho cô. Cô nói: Cô thăm tôi vì tôi là thầy giáo của cô. Tôi thưa: Tôi không hề dạy học cô bao giờ. Cô nói: "Đức Cha là thầy của con, vì con học được rất nhiều bài học quý giá Đức Cha viết trên báo Công Giáo và Dân Tộc".
Tôi rất cảm động. Vì cô là người không công giáo, nhưng đã từ rất lâu mỗi ngày, cô vẫn trung thành cầu nguyện Đức Mẹ Maria bằng lần chuỗi Mân côi và năng làm từ thiện.
Tôi coi đây là một đóng góp quý giá Chúa nhắc nhở cho tôi. Dù bệnh tật, dù là người ngoài công giáo, cô vẫn cầu nguyện, làm việc từ thiện và khích lệ tôi hãy cố gắng giúp đời, khi còn có thể.
Từ chuyện nhỏ trên đây, tôi nhận thức điều này: Ai cũng có khả năng làm một số việc lành phúc đức, nhất là cầu nguyện, làm từ thiện, dâng hy sinh cho Chúa, và khích lệ người khác hãy làm điều thiện. 
Để kết, tôi xin Đức Mẹ vô nhiễm nguyên tội thương đến mỗi người chúng ta. Xin Mẹ gởi đến Việt Nam nhiều gương sáng đạo đức. Nhất là xin Mẹ thương giúp chính chúng ta trở thành gương sáng. Cho dù chúng ta chỉ làm được những việc lành nhỏ, trong phạm vi nhỏ, âm thầm giữa những tâm hồn bé mọn.


 Lễ Ðức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội là Lễ Buộc hay Lễ Trọng?

05/10/2013
Hôm lễ Ðức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, con & bạn con có thảo luận là lễ Ðức Mẹ vô nhiễm nguyên tội chỉ là lễ trọng thôi, không thể lễ buộc được, vì khi lễ buộc, con không đi lễ thì con mang tội vậy Ðức Mẹ trở nên một vị cho chúng ta thờ rồi,  nghĩa là Ðức Mẹ ngang hàng với Thiên Chúa.  Nhưng thực tế, Giáo Hội chỉ dạy chúng ta thờ một "Chúa" mà thôi.  Vậy thì lễ Ðức Mẹ VNNT phải là lễ trọng mới đúng.  Ðó là ý kiến bạn con. 
Còn theo con, con nghĩ là: Giáo Hội đã nhận thấy giá trị vô nhiễm nguyên tội của Mẹ rất quý báu nên đã đặt vào lễ buộc với mục đích là để toàn thể nhân loại ca tụng Mẹ vì Mẹ là một người Nữ hơn tất cả mọi người nữ. Vậy thưa cha lễ Ðức Mẹ VNNT là lễ buộc hay lễ trọng?  Xin cha giải thích giúp con.  (D.C.)
D.C. thân mến,
1.  Dự Lễ buộc là một trong sáu điều luật Hội Thánh.  Trước đây, Giáo Hội muốn tất cả tín hữu tôn kính cuộc tử nạn Chúa bằng cách kiêng thịt ngày Thứ Sáu, ngày nay hầu hết các tín hữu được chọn việc khác thay thế trong những Thứ Sáu mùa quanh năm. Trước đây Thứ Sáu mà cố tình ăn thịt mà có tội nhưng bây giờ thì không.  Tội gì? và tại sao lại tội?  Thịt con vật do Chúa tạo nên, chứ đâu có do ma quỉ nặn ra.  Hơn thế, Chúa còn bảo thánh Phêrô, "Giết mà ăn!"  Vậy tội không do chính việc ăn thịt mà do việc không vâng phục Giáo Hội "Ai nghe các con là nghe Thày."  Giáo Hội muốn con cái kiêng thịt không phải hễ thứ Sáu là rau cỏ, cá mú được coi là Chúa hay linh thiêng  hơn, việc hy sinh hãm mình thành Chúa.
2.  Tương tự như thế với các lễ buộc.  Chúa muốn con người được hạnh phúc khi trưởng thành thánh thiện.  Một phương thế quan trọng là bí tích nhất là bí tích tạ ơn.  Giáo Hội muốn con cái mình lợi dụng phương thế đó bằng những lễ buộc như nói, 'Ðây là phương thế không thể thiếu trong đời Kitô Hữu, tối thiểu phải dùng những lễ này tăng bổ đời sống linh thiêng.'  Sống trong thế giới nặng vật chất hôm nay, ơn Vô nhiễm nguyên tội là điểm qui chiếu tốt để kiểm soát và thăng tiến đời Kitô hữu.  Ơn vô nhiễm nguyên tội của Ðức Mẹ nhắc nhở chúng ta tất cả là ơn Chúa. Chúng ta biết ơn Chúa thế nào?  Do sự khôn ngoan Giáo Hội muốn lễ Ðức Mẹ Vô nhiễm nguyên tội là lễ buộc.
L.m. Francis Lương Minh Tri,CMC Phụ Trách

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét